Bờ kia (kỳ 4)

Nam Dao

*

Xe lăn qua cửa ô lúc quá trưa. Thình lình, có tiếng kêu toáng lên “Cướp, có bọn cướp ngày, làng xóm ơi!”. Anh tài thắng chiếc Land Rover, quay kính xe lên. Bà mẹ Thiện thức giấc, nhìn ra ngoài. Kiêu binh Lam y đuổi theo một người đàn ông râu ria vừa chạy vừa đánh trống miệng, tùng tùng tùng. Thoắt một cái, anh ta nhẩy cẫng lên, quát “Đội Trung Kính trong Tam Phủ đâu”, rồi rẽ vào cái ngõ hẹp chỉ một người đi lọt. Lúc ấy, bà mẹ Thiện quay kính xe xuống, hỏi một cụ già đang xem hoạt cảnh đứng vỗ tay cười móm mém. Cụ đáp: “Cứ dăm ba ngày một lần khùng lên ra đánh trống Đăng Văn ấy mà, có ai nghe được đâu!”. Bà mẹ Thiện bình phẩm: “Thời này đầy lũ điên, phải bắt cho bằng hết để chỉnh trang khuôn mặt thủ đô chứ!”.

Xe lại lăn bánh. Ôi, Hà Nội mến yêu của ta! Kiều thầm nhủ, nhớ những ngày đầu tiên đặt chân đến đất Kinh Kỳ. Đi hoang trên những nẻo chông gai của thành phố mang tên Bác, Kiều chỉ giữ liên hệ với bà dì, kẻ đã cưu mang mẹ con nàng thời chân ướt chân ráo về Sài Gòn. Dì tưởng Kiều là công nhân một hãng dệt may, không hề biết nàng giang hồ gót đã nghìn chân. Đầu năm 2000, dì kêu ngôi từ đường họ ngoại ở Hưng Yên sắp bị chính quyền địa phương rỡ đi lấy chỗ cho Ủy Ban Văn Hóa cấp huyện, hiện họ hàng đang đâm đơn khiếu nại, nhưng chẳng biết cơ sự sẽ ra sao. Dự định về quê, dì sốt sắng rủ Kiều, bảo về cho biết một phần gốc gác. Khi đó, Kiều ở giai đoạn cần nghỉ ngơi thư giãn. Nàng vui vẻ nhận lời.

Chuyến bay Vietnam Airlines từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội trễ 3 giờ. Đến nơi, lấy xe buýt về trung tâm, hai dì cháu ra bến xe đi Hưng Yên, về tới nơi thì đã xế trưa. Chào hỏi qua loa, hai người ra từ đường. Thật ra, đây chỉ là một căn nhà gạch mái lợp ngói lụp sụp, diện tích khoảng 30 mét vuông, sân có căng bạt che cho vài người trai tráng, kẻ nằm người ngồi, ra canh không cho ai xâm phạm đến nơi thờ tự của dòng họ. Chuyện trò, hai dì cháu biết Bà ngoại và bác Cả hiện đang trên Hà Nội đâm đơn ở Phòng Tiếp Dân. Đêm hôm đó, hai dì cháu ngủ lại. Thật bất ngờ, dẫu là lần đầu Kiều về quê mẹ nhưng sao nàng thấy thân thương lạ lùng. Ngay cả mối oán thù bố dượng là người đồng hương cũng tan dần như sợi khói ba nén hương nàng cắm vào chiếc lư đồng đặt trên ban thờ. Nửa đêm, khoác chiếc áo len lên người, nàng ra đứng giữa sân ngửng đầu nhìn lên. Trời chi chít sao, huyền ảo, lung linh, thực hư như cùng một thể chẳng thể nào tách bạch ra được. Kiều nhớ lại bài mẹ dạy đếm khi còn thơ, buột miệng ngân nga nho nhỏ “một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ba ông sao sáng…”.

Sáng sớm hôm sau, hai dì cháu về Hà Nội, đến thẳng phòng Tiếp Dân rảo mắt tìm người thân. Không thấy Bà và bác Cả, hai người theo lời chỉ dẫn của một dân oan lần mò ra vườn hoa Mai Xuân Thưởng. Đến cái lều chăng ba góc, dì chưa vào đã khóc ầm lên. Người bước ra là bác Cả, thấy dì khóc cũng tức tưởi, nghẹn ngào gọi “Bu ơi, ra mà xem em nó về!” Bà ngoại lưng còng lụ khụ bước ra, ngước cặp mắt trắng lòa, nhìn như muốn chọc thủng cái không gian nhòe nhoẹt trước mặt. Nắm tay dì, bà nức nở: “Con đấy à, lâu quá bây giờ mới về với bu à….”. Dì kéo Kiều về phía Bà, bảo: “Con chào Bà đi, cái Kiều, con chị hai đó bu!”. Kiều ứa nước mắt, nắm lấy tay Bà, không nói nên lời.

Hai dì cháu ra Hà Nội đúng lúc bác Cả muốn về quê để hoàn thành thủ tục khiếu kiện vì Phòng Tiếp Dân đòi “gia đình ta” phải có giấy trước bạ của ngôi nhà từ đường. Bác Cả bảo, giấy tờ từ thời Tây thì trải qua giặc dã liên miên, chẳng biết còn hay mất. Không có giấy tờ thì chịu, cán bộ phòng Tiếp dân Trung ương lạnh lùng. Bác Cả hỏi, nếu không có giấy tờ nhưng được những hào lý chế độ trước chứng nhận có được không? Phòng Tiếp Dân nói không biết, chưa có nghị định gì của chính phủ phổ biến về việc này, nhưng cứ còn nước, còn tát.

Hai dì cháu ở lại vườn hoa Mai Xuân Thưởng để trông nom Bà khi bác Cả về quê. Kiều quen với nếp sống tiện nghi, mất mấy ngày rồi quen cảnh đời cơm đường cháo chợ, ăn ngủ tạm bợ trong những căn bạt che không chắn nổi những cơn gió đã bắt đầu lạnh cắt da. Sợ hơn cả là những hôm mưa dầm. Độ ẩm khiến choàng cho Bà ba cái chăn len xưa dành cho bộ đội mà bà vẫn run lập cập. Dì khuyên, thôi vài hôm nữa đưa Bà về, thế này thì đến chết rét mất. Bà trừng trợn, quát: “Chết tao cũng ở lại, không thì để chúng nó ăn sống nuốt tươi hết à!”.

Một hôm, dân oan trong vườn hoa nghe tiếng xe thắng gấp, tiếng xô đến rầm, rồi tiếng chửi “Đ.m thằng điên, không có mắt tránh xe à!”. Xe lại rú, lao nhanh trên đường, để lại một vệt khói đen xì. Nạn nhân bị xe đụng nằm vắt chân lên lề đường, mắt nhắm nghiền, không còn sức rên la. Người ta xô ra, mắt thao láo nhìn, nhưng chẳng một ai làm gì. Khi ấy, Kiều vạch đám người, cúi xuống nhìn nạn nhân rồi kêu “Giúp một tay khênh vào!”. Cái lều nơi Bà tạm trú thành trạm cứu thương. Máu me nhoe nhoét, nạn nhân mặt xanh rờn, thở phều phào. Kiều bảo, phải gọi bác sĩ. Có người hỏi, tiền đâu để trả. Kiều mạnh dạn rút ví trao cho tiền người ấy, giục đi đi. Một giờ sau, bác sĩ tới, tiêm hai mũi và băng bó cho nạn nhân. Làm xong, bác sĩ nói: “May đấy, chỉ ngoại thương thôi. Mai mốt đến bệnh viện Việt Đức nơi tôi công tác để chụp quang tuyến X xem xương xẩu có gãy không cho chắc!”. Nạn nhân, một thanh niên trạc ba mươi tuổi, râu mép lún phún, người gầy gò, mắt vẫn nhắm nhưng miệng cứ nhếch lên nửa cười nửa mếu. Sau mới biết anh ta tên Thiện. Thiện trú ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng cả tuần, tìm cách trả ơn những người cưu mang, xin giúp một tay “điều chỉnh hồ sơ dân oan” cho mọi người. Thế là Thiện ngày nào cũng phải viết:

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam/ Độc Lập – Tự do – Hạnh phúc

K/g: Văn Phòng Quốc Hội…

Đồng k/g Chủ tịch UBND tỉnh…

đến mỏi tay. Biết Thiện từng tốt nghiệp Đại học, lại không lấy thù lao, dân oan hết lòng tin tưởng.

Dân oan đi khiếu kiện đến từ mọi nơi, Cà Mau, Cần Thơ, Kiên Giang cho tới Nha Trang, Tuy Hòa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sơn La, Hoà Bình… Thôi thì đủ địa danh trên ba miền đất nước. Khi đông, họ hàng trăm người, già có trẻ có, nam có nữ có, sống chui rúc dưới những tấm bạt plát-tích căng cọc ba, bốn góc. Họ căng những khẩu hiệu đòi đất, kêu oan nhưng không quên chăng biển trên viết Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, dưới viết chữ đỏ Độc lập-Tự do-Hạnh phúc như để nhắc nhở chính quyền. Chung quanh vườn hoa, đội Lam y kín đáo bao vòng, vài anh hoàng y huýt còi giữ trật tự giao thông, và chỉ để đám dân phòng tay xách gậy thỉnh thoảng diễu qua để lưu ý những người vô tâm dễ mắc trò manh động. Vấn đề ở thì thế, nhưng ăn mới gian nan. Mỗi lều đều có mang theo bếp cồn, bếp ga, và nồi niêu xoong chảo… nhưng không bao giờ phối hợp thổi cơm ăn chung nên chi phí khá tốn kém. Nhiều dân oan phải bỏ về vì cạn túi, và khi đã phải vậy thì chuyện khiếu kiện là chuyện làm đơn chém gió chứ chẳng đi được đến đâu. Kiều ngẫm nghĩ rồi đi điều tra giá cả rau cỏ, thịt thà… và tính ra là nấu cơm chung thì ăn có chất lượng mà mỗi bữa chỉ khoảng 1000 đồng một người. Thay phiên nhau góp tay vào, không ai buộc cũng đầu tắt mặt tối lăn vào bếp núc mỗi ngày, có thời giờ nghỉ ngơi thư giãn. Lợi rõ, nhưng cứ nói đến tập thể là ai nấy nhìn nhau, nỗi sợ hiện lên ánh mắt, và ừ hữ, không nói có, không nói không. Kiều lập được một nhóm gồm 6 căn lều, phân công rồi chia 2 ê kíp, làm thử. Khi thư giãn, Kiều bổ túc văn hóa cho mọi thành viên bằng cách đọc Truyện Kiều mà nàng thuộc lòng. Thế là đúng lời Bác, “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” và “thành công, thành công, đại thành công”. Thành công lớn nhất là giảm được chi phí ăn uống. Kinh nghiệm ban đầu được nhân lên 2, 3, 4 lần số thành viên tham gia sự nghiệp nấu cơm chung. Huyền thoại truyền tụng, rằng Kiều dân oan ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng chính là hậu thân của Thúy Kiều trong Đoạn trường tân thanh ngày trước. Các cụ dân oan khấn “Lạy vua Từ Hải, lậy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều, có linh thiêng xin hãy rủ lòng thương sinh linh khiến cho kiện cáo được chính quyền khu xử cho hợp tình hợp lý!”.

Nhưng cứ mỗi khi dân có sáng kiến thì Nhà nước không để yên. Cơm rẻ, tối lại có người đọc Truyện Kiều cho nghe, dân oan lần lữa không về, và như vậy có hại cho khuôn mặt thủ đô ta. Nhưng không lẽ cấm thổi cơm chung. Công quyền vốn sáng tạo và linh động, mặc dầu rêu rao duy vật nhưng vũ khí tư tưởng mới thực là điểm mạnh của chế độ.

*

Truyện Kiều còn, nước ta còn, nghe đâu như vậy. Cụ Tiên Điền ơi, ba trăm năm sau rồi mà cụ vẫn đấy, xin cụ bước khỏi cõi kia đến đây nghe cô Kiều tân thời đọc lại những lời vàng ngọc. Tối nay, cô đọc đến đoạn Hồ Tôn Hiến dụ Kiều khuyên Từ Hải ra hàng :

Ngẫm từ dấy việc binh đao

Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu

Làm chi để tiếng về sau

Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào

Sao bằng lộc trọng quyền cao

Công danh ai dứt lối nào cho qua?

Nghe lời nàng nói mặn mà

Thế công Từ mới trở ra thế hàng

Một bà U 70 la lên: “Đừng tin, nó lừa đấy!”. Một ông, cỡ U60, ồm ồm: “Yên nào, để nghe tiếp đã”.

Tin lời thành hạ yêu minh

Ngọn cờ ngơ ngác trống canh trễ tràng

Việc binh bỏ chẳng giữ giàng

“Chết, chết, ai dại thế?” một thanh niên kêu toáng lên. “Yên nào, để xem sao đã…”, ông U 60 lại ồm ồm cất giọng:

Từ Công hờ hững biết đâu

Đại quan lễ phục ra đầu cửa viên

Hồ Công ám hiệu trận tiền

Ba bề phát súng bốn bên kéo cờ

Đang khi bất ý chẳng ngờ

Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn.

“Giời ơi là giời – một bà U 40 đập tay vào đít, ong ỏng – đã bảo mà, thằng giặc họ Hồ nó lừa rồi mà không biết, vô tư thế thì …chết đáng đời!”.

Tử sinh liều giữa trận tiền

Dạn dầy cho biết gan liền tướng quân.

Bà U 70 hồi nãy xì một tiếng, giọng eo éo: “Rõ anh hùng rơm! Thua thì hàng ngay cho xong!”.

Khí thiêng khi đã về thần

Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng

Trơ như đá, vững như đồng

Ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng dời.

Có người kêu ầm lên “Thế Kiều trốn đâu, ra cho nhân dân đấu chứ!”. Mọi người cùng cất tiếng: “Ra ngay, xem cái mặt thị có phải là mặt mo không?”. Riêng một chàng tuổi đôi mươi nhăn mặt: “Cái gì cũng đổ cho phụ nữ gánh! Ai bảo ngu, chết thì ráng mà chịu!”. Lại có tiếng hò “Ra đi nào !”.

Ừ, ra thì ra:

Trong hào ngoài lũy tan hoang

Loạn quân vừa dắt tay nàng đến nơi

Trong vòng tên lửa bời bời

Thấy Từ còn đứng giữa trời trơ trơ

Khóc rằng “Trí dũng có thừa

Bởi nghe lời thiếp nên cơ hội này

Mặt nào trông thấy nhau đây

Thà liều sống thác một ngày với nhau”

Dòng thu như giội cơn sầu

Dứt lời nàng cũng gieo đầu một bên.

Cụ dân oan đến từ miền Nam, hỏi “Gieo đầu dzô đâu? Bả có chết hôn?”. Một cụ đạo mạo đáp: “Chết đứt đi chứ lị!”. Một thiếu nữ ỏn ẻn sửa: “ Ở cấp ba dạy văn thì bảo không, không chết, sau lại còn đánh đàn cho Hồ Tôn Hiến nghe…”. Sau đó, nhân dân luận bàn ồn ào, mặc cho bọn chỉ điểm có nhiệm vụ thu băng rúc rích cười. Chỉ hai ngày sau, lệnh trên truyền xuống cấm không cho sinh hoạt “văn hóa” vì bọn xấu lợi dụng, dám thừa cơ phạm húy, phát ngôn: “Giời ơi là giời, đã bảo mà, thằng giặc họ Hồ nó lừa rồi mà không biết!”.

Âm mưu kích động dân oan hẳn có khả năng khiến diễn biến xem ra không mấy hòa bình. Cảnh sát cơ động bố trí trận địa xong, để đội đầu gấu xung kích xông vào nơi dân oan che màn che bạt, hô kiểu các anh đội thời Cải cách Ruộng đất: “Tiến lên, không cho chúng nó thoát!”. Nhờ đám người hiếu kỳ qua đường chen nhau vào xem diễn biến, đội xung kích chỉ đạp đổ lều, bạt và đá nồi niêu xoong chảo nghe loảng xoảng, không ra tay với võ công được huấn luyện thuần thục chống biểu tình. Sợ thì có sợ thật, nhưng phải làm gì chứ. Một bà mạ từ Quảng Nam xông đến trước mặt kiêu binh, tụt váy, hô hoán một chiêu võ nay khá phổ biến “Đồng bào, nào… cùng tụt!”. Một mẹ anh hùng xứ Nghệ chen lên, tụt, vỗ và chửi “Chúng mày vô đây liếm máu l… mẹ chúng mày đi xem nào!”. Một mẹ liệt sĩ Thái Bình tụt xong rồi lấy cờ đỏ sao vàng quấn phần hạ thể thét “Cứ vào đây, tao hát Quốc ca là bay phải đứng im chào cờ nghe không!”. Thế là mọi người đồng thanh “Toàn dân Việt Nam đi, sao vàng phấp phới…”. Phản ứng này nằm ngoài dự liệu, tuy vẫn hơi hướng truyền thống nhưng trước Quốc kỳ và nghe Quốc ca kiêu binh chỉ bìết quay mặt đợi lệnh. Viên chỉ huy có râu hô “Tiến!” thì chúng rầm rập di động, có đứa vừa xông vào vừa bụm miệng cười.

Nhưng màn kế tiếp ly kỳ hơn. Một ông cụ đầu bạc phơ quê Thái Bình đứng lên trên đôi chân cà nhắc, giọng run run:

– Trình với đồng bào, tôi là đảng viên 50 tuổi đảng, phục vụ suốt hai cuộc kháng chiến, nhưng rồi hiểu ra rằng chính sách người cày có ruộng là chuyện nói chơi cho vui. Năm 97 ở Thái Bình tôi đã quyết sống mái với bọn tham quan cướp đất, nhưng xưa thắng giặc ngoại mà rồi nay thua giặc nội xâm, chúng nó đánh đến què. Nay tôi xin phản đối Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc bằng chính sinh mạng tôi. Yêu cầu phóng viên báo mạng sẵn sàng…

Nói xong, cụ mở một can plastic đầy xăng, giơ lên cao và đổ xuống đầu, hô Việt Nam muôn năm. Cụ đánh diêm, nhưng diêm made in Việt Nam, đánh ba cái liền mà không có cái nào lên lửa. Một thanh niên chạy ào tới ôm lấy cụ, gào “Ông ơi là ông ơi, đừng làm thế, con về làng nói với bố con thế nào…”. Đội xung kích nhào ngay vào trận địa, đá cụ già một cú đá ngang kiểu Thái cực đạo, và tống cho cậu cháu một quả theo lối trường quyền Thiếu Lâm tự. Viên chỉ huy hô “Đánh, đánh!”, và vốn thịt da ai cũng là người, nhân dân chạy dạt trước đội xung kích chống biểu tình nay đã lấy lại hồn vía sau cái chiêu tụt quần của các mẹ và cuộc tự thiêu nhưng lại thiếu lửa của ông cụ 50 tuổi đảng.

Kiều lọt vào tầm ngắm an ninh, phải lỉnh đi sau khi bác Cả lên đón Bà về quê. Phần Anh Giáo, anh tiếp tục giúp “đâm đơn” khiếu kiện, tự học luật, cũng tùy trường hợp mà viện dẫn Điều số X… trong Hiến Pháp 1992, bổ sung năm 2002, hay Nghị định Y… của Ban Thường vụ Quốc hội, vân vân. Nhưng việc anh làm như dã tràng xe cát trước biển sóng tràn bờ, dùng luật trong một đất nước không (hoặc chưa) có tinh thần pháp trị. Hai người dần dần thân nhau, thỉnh thoảng đi cà phê chuyện trò. Anh Giáo kể, sau tai nạn tạo dịp anh gần gũi với những nỗi oan khiên và sự cơ cực của đồng bào, những cơn trầm uất “văn nghệ” bớt hẳn, rồi biến mất. Anh bảo, Kiều à, hóa ra giấc mơ làm nhà văn của mình hão huyền không thua gì chuyện với tay bắt mây trời trong khi gió táp tứ bề vào những cuộc đời khốn khổ xung quanh. Anh nghiệm ra cái ta bé nhỏ, ích kỷ, u mê trong một tập hợp những chúng tôi lẻ loi cô đơn. Chính điều đó khiến chúng ta bất lực. Kiều đáp, anh lại rao giảng và rút dao chém gió rồi. Em thực tế, kiếm cách làm sao giảm được chi phí ăn uống cho bà con là em zui. Bây giờ bị rình, không làm được, chắc em về Sài Gòn thôi.

Nghe đến đây, bỗng Anh Giáo hốt hoảng. Anh hỏi về làm gì, câu hỏi thật thừa thãi và vô duyên. Kiều bĩu môi hỏi lại, thế ở đây thì làm gì? Vò đầu, Anh Giáo ấp úng, nói: “Anh mong em ở lại”. Kiều nâng tách cà phê lên môi, lòng có chút bồi hồi.

– Công việc của em ở Sài Gòn thế nào? Anh Giáo hỏi.

Thình lình Kiều bụm mặt, không đáp, nước mắt ứa ra qua kẽ những ngón tay run bần bật.

Mấy ngày sau, Kiều tránh không gặp Anh Giáo. Ngẫm lại, ở Hà Nội là thời gian Kiều thanh thản, mất hẳn cái cảm giác lúc nào người cũng nhớp nhớp như thời sống ở Sài Gòn. Nàng ít khi cảm thấy đời đen bạc mặc dầu hàng ngày đối mặt với những cảnh đời oan khiên mất nhà mất cửa. Bước qua cửa hàng cà phê, nàng biết Anh Giáo ngồi trong góc, nhưng đi thật nhanh. Có lẽ anh ta đang gõ còm piu tơ viết đơn kiện tụng. Tội nghiệp cho những con kiến đi kiện củ khoai, kiện đi kiện lại kiện hoài toi công.

Một trưa, Anh Giáo thấy bóng Kiều vội chạy ra. Anh ríu rít:

– Kiều ơi, vào cho xem cái này…

Anh hớn hở, mở màn hình còm piu tơ, nói nhỏ:

– Đây là cái Blog anh mở tuần trước. Thế mà đã có hơn 20 ngàn lượt xem đấy. Ních-nêm của anh là Anh Giáo, bảnh không?

Kiều tự dưng cảm động trước cái nỗi vui rất trẻ thơ của người đối diện, cầm chuột lướt mạng, buột miệng phê:

– Thiếu hình ảnh, toàn chữ không hà, thời này có mấy ai chịu đọc…

– Anh biết – Chìa cho Kiều cái điện thoại di động nhỏ bằng nửa bàn tay, Anh Giáo thì thào – Cái này chụp hình được, rõ nét, đưa lên blog là tuyệt vời đấy. Cứ một cái hình là bằng 10,000 chữ. Anh viết chữ, em chụp hình nhé…

Kiều cười nhẹ. Anh Giáo khẩn khoản:

– Đừng vào Sài Gòn ngay, ở lại ít hôm cộng tác với Blog nghe…Chuyện công ích mà!

Nghe Anh Giáo nói, Kiều tự nhủ, đây là một lời tỏ tình, gần như vô tư kiểu Hà Nội, và phải nói là thật tội nghiệp. Kiều nhận lời, anh cám ơn, hai chữ cám ơn anh chưa hề nói ngay cả với những người thân sinh ra anh.

Anh Giáo thuê một căn phòng gần vườn hoa có khiếu kiện đông người, sáng sáng ra cà phê, viết đơn, viết Blog. Nay, số người giao thiệp với anh qua Blog khá đông. Anh hân hoan, nói nhỏ vào tai Kiều, nay anh không còn là người cô độc. Bị theo dõi, nhưng anh không “được” truy bức như những kẻ có “vấn đề”, có lẽ vì anh được xếp vào loại “hoàng tôn” thuộc tầng lớp cao trong thế quyền. Trong tầng lớp “kế thừa “ này, anh chưa phải loại “thái tử”, thường là con cái các vị cao cấp nhất trong Trung Ương từ dăm ba kỳ Đại Hội.

Một tối, Kiều đến phòng anh. Trai gái gần nhau nơi thanh vắng, lại có ông trăng thập thò nơi cửa sổ, thì theo ca dao miền Nam, người dưng khác họ / chẳng nọ thời kia… Anh Giáo không phải là thánh, và nghĩ cho cùng, thế là may. Khi anh đòi, Kiều đẩy anh ra, kể lời nàng Thúy lúc gặp Kim Trọng giở trò ba lơn:

Chữ trinh còn một chút này

Chẳng gìn cho vững lại giày cho tan.

Anh Giáo tân học nên không hiểu ngay.

Kiều kể chuyện đời mình, từ khi bị hãm hiếp đến ngày bỏ nhà đi lên Sài Gòn, thành gái gọi hạng siêu. Xưa nay chăn gấm lụa là, Anh Giáo nay ôm mặt khóc hu hu. Kinh qua thứ bản năng nàng chợt cảm thấy như một lãng quên khó tha thứ, Kiều an ủi Anh Giáo, giọng mẹ an ủi con thơ:

– Nín đi, nín đi nào…

Anh Giáo nghẹn ngào xin lỗi, hai chữ anh cũng chưa bao giờ nói với những người đẻ ra anh.

– Thôi….Nín đi chứ! Kiều thì thào.

*

Khi xe vào nội thành, bà mẹ Thiện nhìn quanh, nói với lên băng trước:

– Cháu về đâu để bác bảo lái xe nó đưa?

Kiều ngẫm nghĩ, biết không nên để ai rõ nơi ăn chốn ở của mình. Nhìn ra sau, khẽ đáp, giọng có chút bùi ngùi:

– Bác cho cháu xuống chỗ chợ Hàng Da!

Anh Giáo mở mắt, hạ kính xe, nhìn ra ngoài. Hà Nội vào thu, những chiếc lá bàng bay lượn xào xạc, nhưng trời không nắng, mây ảm đạm chụp lên khiến thành phố như bị đè xuống. Khi xe đến góc Hàng Khay và Tràng Tiền, tiếng tu huýt vang lên, anh tài thắng gấp. Nhìn ra, Cảnh sát Giao thông áo vàng rầm rập, dân phòng áo xanh lơ vác gậy xô ra, dân chúng tụ tập trên lề đường đứng xem, mắt nhìn, miệng bình phẩm. Một chiếc Lexus đen bóng bị chặn vì lấn lề đụng người đi Honda, nạn nhân nằm chèo queo đợi xe cứu thương, máu lai láng trên mặt lộ. Vị ngồi băng sau mặt mũi phương phi không xuống, chỉ vẫy tay ra dấu. Cảnh sát sáp lại, vị đó nói đủ to để mọi người cùng nghe: “Tôi đi họp, không thể chờ các đồng chí lề mề công tác được! Để xe công vụ này đi, các đồng chí làm biên bản sau!”. Nói dứt lời, ông ta hạ kính xe, khinh khỉnh giục tài xế, đầu cát két, y phục trắng tươm, rõ là xe không phải xe người thường. Cảnh sát chìa một mảnh giấy, ông phẩy tay, và anh tài nhanh nhẩu đỡ lấy ký, hạ một câu Đ…mẹ rất ngọt.

Hà Nội ta xưa đánh Mỹ giỏi, nay dậy kiêu binh vào nền vào nếp khá nhanh, nói ít hiểu nhiều, linh động tuyệt vời. Bà mẹ Thiện giục: “Thôi, cứ theo xe công vụ mà đi, vô tư!”. Xe lăn bánh theo một chiếc có còi hụ, rất oai, rất nghiêm, và chẳng chạy theo luật giao thông nào cả.

Anh Giáo thở dài.

Nhìn Kiều, anh không nói gì, chỉ mỉm cười ngượng ngùng. Lát sau, anh dặng hắng, nói trống không:

– Nhất nhật tại tù, khi ra thì thiên thu tại ngoại, nhưng sao rồi ngoài này cũng vẫn là nhà tù, chẳng khác gì!

Bà mẹ xì một tiếng, lẩm bẩm nhưng đủ để mọi người nghe: “ Dở hơi…Cứ như bị ma làm! “.

Khi xe ngừng cho Kiều xuống thì Anh Giáo nhẩy theo. Nhìn vẻ thất vọng nhăn nhúm trên khuôn mặt bà mẹ Thiện, Kiều chạnh lòng, nói nhỏ:

– Thôi, anh về nhà đi, còn lấy lại cái laptop chứ!

Anh giáo vịn cửa xe, nói nhanh:

– Ừ, nhưng nhớ tối ra cà phê nhé, chỗ cũ…

N.D.

(Xem tiếp kỳ sau)

Comments are closed.