Tạp bút Nguyễn Thỵ
Tôi thích ra đường vào sáng sớm tinh mơ khi phố phường vừa mới cựa mình thức giấc. Tiếng chim sẻ ríu rít trên mái ngói của những ngôi nhà cổ xưa còn sót lại trong thành phố luôn làm tôi bồi hồi, xao xuyến (những ngôi nhà gắn liền với tuổi thơ tôi, với một thời thiếu nữ, với bao thăng trầm của cuộc đời…).
Đường phố, công viên, hàng quán… bắt đầu thức dậy sau một đêm ngon giấc, sương mai chắc còn đọng lại đâu đó trên những vòm cây, thỉnh thoảng rắc xuống vai áo như những lời tâm tình nhẹ nhàng mà thấm đẫm.
Trong bữa điểm tâm di động qua những ngã đường im vắng trải rộng thênh thang, tôi đã hồn nhiên "ăn" cả buổi bình minh của thành phố! Những con đường ba trăm năm tuổi đưa về miền ký ức cũ xưa, đâu đây còn nghe tiếng xe thổ mộ gõ đều trên đường mờ sáng, mùi cà-phê thơm ngát, tiếng rao bánh mì lảnh lót như tiếng chim… Đi lang thang, nhìn ngắm, nghĩ ngợi…, hạnh phúc thật bình dị (nhưng đôi khi cũng thật khốn khó vì cảm giác lạc lõng ngay trước hiên nhà).
Tôi đang đứng ở một nơi có thời được gọi là công trường Kennedy. Bầu trời cao và xanh biếc, vài đám mây trắng đang lững lờ trôi. Những tia nắng ban mai trong vắt như pha lê và dịu dàng như tơ lụa trải rộng khắp không gian yên ả. Bầy chim bồ câu rộn ràng đang tranh nhau mổ những vụn bánh mì trong lòng bàn tay của cô gái nhỏ. Một cảnh tượng quá đỗi thanh bình tưởng như chưa bao giờ khác…
Giai điệu của bài La Paloma vẳng ra từ quán cà-phê ngang Nhà thờ Đức Bà bỗng gợi lên những hình ảnh mông lung sương khói. "Những cánh chim bồ câu mang thông điệp của tình yêu vĩnh cửu từ những con tàu tử nạn" (*) bay ngang qua đô thành và dừng lại nơi đây. Ngày đó có những đám mây không lơ đãng trên bầu trời mà thoảng bay từ khói thuốc của người lính trong ngày phép cuối cùng trước khi về đơn vị. Anh ngồi trong quán với bộ quân phục màu xanh ô-liu còn mới, âm nhạc, cà-phê và trầm tưởng… Nán lại dăm phút giây thanh bình quán xá, một chút nữa thôi là ngút trời lửa khói. Ở đó cũng có những đám mây bay lên từ thuốc súng mang về đỉnh trời tuổi mười chín và triết lý hư vô bay bổng. Đó là hình ảnh sau cùng của Khôi trong tôi, một người bạn từ thời niên thiếu.
Trước toà nhà Bưu Điện là một kiosque bán báo và hoa. Hôm nay chỉ toàn hoa bách hợp vàng, một sắc màu kỷ niệm vẫn chưa nhạt phai. Hình ảnh chú bé con tay cầm một nhánh hoa vàng lon ton chạy theo mẹ đã bay qua đại dương như một áng mây (tại sao luôn là hình ảnh về những đám mây?! Chưa kể chú bé ấy bây giờ đã là một phi công dày dạn của British Airways, thường bay với những đám mây xuyên thế giới!).
Bước chân lan man rẽ vào đường sách, Kahlil Gibran và bộ sách 25 quyển mới xuất bản lộng lẫy trên kệ. Cuộc hồi sinh ngỡ ngàng làm nhớ đến đống lửa rực rỡ trong khuôn viên một ngôi trường. Rực rỡ vì K. Gibran bị thiêu trong đó, cả Herman Hesse, cả Nikos Kazantzakis và Nietzsche và Kafka và… không thể nhớ hết (nhưng nhớ rất rõ là cả Kiều của Nguyễn Du!). Tàn tro bay lên trong đêm tối như những ánh ma trơi, khói ám đen những ghế đá, tàn cây và những bóng đèn vàng héo hắt.
Đó là một mảng ký ức rất buồn, một nỗi thất vọng đau đớn, một vết thương sâu không lành. Lúc đó, tôi đã đứng sau một cánh cửa lớp học và âm thầm khóc ngập cả tuổi tên trong bóng tối, hẳn nhiên không phải chỉ vì những cuốn sách quý giá…
Kể từ đó cho đến giờ, mỗi khi chạm tay vào một quyển sách, tôi không thể không nhớ tới những chồng sách cũ của mình đã bị đốt cháy trong đêm đó.
Những đoạn đời nối tiếp nhau thành một chuỗi dài, điểm cuối cùng sẽ nối với điểm đầu tiên khi vòng tròn khép lại (đó là sự nối tiếp duy nhất giữa cái đầu tiên và cuối cùng – giữa quá khứ và hiện tại, giữa hiện hữu và hư vô). Người ta không thể bứt rời chuỗi đời mình để trở thành một kẻ không có quá khứ hay chỉ có một hiện tại nhạt nhoà vì không còn cội nguồn ký ức.
Tôi đã len lỏi đi giữa quá khứ và hiện tại, giữa thương nhớ và lãng quên, giữa thứ tha và cố chấp. Chỉ là con đường chênh vênh giữa hai bờ vực thẳm hay đó là sự hủy hoại triền miên thân phận một con người, chỉ có những kẻ tự làm đau mình, tự làm mình chết mới thấu hiểu.
Thật khác với điều đó, thời gian đã chảy như một dòng sông đang trẻ, trẻ lại từng ngày và trẻ mãi, vẫn luôn băng mình về phía trước và tự thanh tẩy mặc cho ai đó nhân danh thời gian để bạc đầu, để lãng quên hay nhớ tiếc, thậm chí để lìa xa… (có biết bao điều cần phải học từ một dòng sông!).
Cuộc sống thật sự quá ngắn ngủi, để còn gặp lại mình sau từng khoảnh khắc, người ta phải tập vượt qua nỗi chết không ngừng ("Khi con người bị thế giới bên ngoài dồn ép vào thế giới bên trong, chỉ còn một cách sống duy nhất, đó là chết không ngừng" – Hégel). Nhưng để tồn tại trong bao lâu?! Câu trả lời chỉ nhận được khi không còn cần thiết nữa!
Dù còn gì của tháng ngày trước đó thì cũng chỉ là hồi tưởng của cánh bướm nhớ về thuở ấu trùng, của áng mây nhớ về những hạt nước ngưng tụ hay những vỉa đá nhớ dòng dung nham nóng bỏng… Những hoài niệm ấy bất chấp thời gian, lúc nào nó cũng tươi như hoa đang nở, như trái đang chín trên cây, như tôi vẫn còn "nguyên vẹn những gì năm cũ"... (như cách nói của một người). Đó là một sự hồi tưởng-hoài niệm-tưởng niệm hiền lành của bầy chim câu đường phố, của loài sâu mãi không hóa bướm, của nắng, của mưa, và bia mộ.
Tôi ngồi cà-phê vỉa hè bên một đại lộ rộng lớn, cơn mưa đã bôi xoá ranh giới của không gian và thời gian, giữa buổi trưa và buổi chiều, giữa khung trời đã đi qua và nơi chưa từng in dấu.Tất cả đang mơ màng buông trôi, dịu dàng lan toả vào nhau. Giữa miền giao thoa ngọt ngào đó ý thức bỗng chìm sâu một thoáng… và ta như đã quên mình là ai.
Thành phố đầy bê-tông và xăng xe khói bụi, những cơn mưa đầu mùa mịt mờ phố xá vẫn không làm tan đi cái oi nồng bức bối của mùa hè mới chớm.
Dông lốc và sấm chớp, những cây phượng gãy đổ ngay trong mùa vàng son của nó. Chưa có mùa hè nào như mùa hè này, học trò vẫn đến lớp, lạ lẫm hoang mang trong giãn cách – và lần đầu tiên hoa phượng không nói lời chia ly mà lặng im nở hết đời mình, mặc cho những nhát cưa điên cuồng biến sân trường và công viên thành nơi hành quyết. Màu đỏ của những cánh phượng rụng rơi hay chỉ vừa mới hé nở trên cành nhánh xanh biếc cũng đều giống những vết thương sẽ còn hoài trong ký ức.
Giữa những cuộc phong toả và cách ly, con người bỗng được giải thoát và tự do không giới hạn trong nỗi cô đơn của riêng mình (không phải ai cũng cảm nhận được điều đó). Virus và khẩu trang (hay mặt nạ) từng ngày, từng giờ, bất cứ ở đâu và khi nào… làm trắng xoá chân dung, nhạt nhoà nhân ảnh. Những bàn tay khô dung dịch sát khuẩn chìm sâu trong túi áo. Không được quá gần nhau, không cầm tay, không ôm siết, không hôn nhau… Tuy nhiên trong nguy nan, nhìn ở một phía nào đó, con người có vẻ đã xích lại gần nhau và thương nhau hơn vì có chung một kẻ thù. Trong những ngày cách ly toàn xã hội, được giải thoát khỏi công việc và các mối quan hệ, người ta có thời gian để tìm lại chính mình, chiêm nghiệm nhiều thứ, nghĩ đến nhiều người, làm nhiều điều ý nghĩa hơn cho cuộc sống vốn đã từng vô nghĩa và phù du.
Ngày đã tàn, mưa vẫn triền miên thác đổ. Cuộc hẹn hò với ngày xưa chưa nỡ dứt, lan man trôi vào tận cùng đêm sâu. Ngày đó quá nhiều những dở dang, mất mát. Tuổi học trò vừa chín mọng, ước mơ giảng đường đại học, ám ảnh chiến tranh và cái chết giữa mùa xuân non tơ. Một điều gì rất lạ đang len lỏi vào tư duy của thời đại. Một ngày, Saigon không trang điểm, lang thang như người du mục từ sớm mai đến chiều tà. Và Saigon đi hoang không ngủ, đêm đại lộ đen huyền thênh thang gió. Những quán cà-phê không tên, những hình người sỏi đá… và tôi, một con ve sầu ướt mưa dưới tàn cây sắp đổ. Con ve sầu đâu còn lời ca nào cho mùa hè cuối cùng của cuộc đời. Im lặng bát ngát thinh không. Rồi Saigon giới nghiêm, bầy chim di trú lang thang không nẻo về. Trong ngôi giáo đường trăm năm tuổi, người đàn ông mặc áo chùng thâm lặng lẽ viết lên trang đầu tiên của quyển sách: "Dung, sự cao cả chỉ có thể thành tựu trong cô liêu. Cái cao quý nhất mà một tu sĩ có thể dâng hiến cho con người và cuộc đời là một linh hồn cô đơn trọn vẹn". Chúa ơi! Linh hồn cô liêu của người mục tử đã xiêu lạc về đâu giữa điêu tàn đổ nát? Bài thánh ca trong ngày chúa nhật cuối cùng có vang mãi trong đời Dung gần nửa thế kỷ tha hương? Và có phải tôi, cũng từng ấy thời gian như cây nến leo lét cháy dưới chân Ngài với lời nguyện cầu vô thanh. Cho Tình yêu và Quên lãng.
("Hãy yêu và quên để tồn tại biếc xanh nếu không sẽ rụi tàn cỏ cháy!"). Ai đã thì thầm điều ấy khi tôi trống huơ cảm xúc trong những chiều hoang mang bước đi giữa đổ nát của Saigon ngày ấy?! Những tình thân đã xa khơi, những chia cách thăm thẳm bầu trời chẳng khác gì tử biệt. Bao hình bóng đã tan nhòa vào thinh không hoang vắng, tôi chỉ còn như gỗ đá hay tro bụi giữa đời này với quyết định cuối cùng làm người ở lại. Tôi không hề hối tiếc vì đã không rời bỏ Saigon (sao có thể ra đi khi cả tâm hồn còn ở lại, Mẹ tôi, em tôi và tất cả của tôi…). Tôi trong tận cùng hoảng loạn đã tự trấn an, rồi sẽ lại như cũ, tất cả sẽ qua nhanh thôi, những gì đã mất thường vẫn tìm được ở quanh đâu đó, bám víu vào những gì còn sót lại để cố tưởng rằng chỉ như một giấc mơ… nhưng những gì đã nếm trải suốt từ ngày đó đến giờ đã như một hình phạt, dửng dưng và tàn nhẫn – cho dù tôi đã từng yêu và cũng đã từng quên!
Căn phòng oải hương không khép cửa, những tia sáng màu tím nhạt dịu dàng buông xuống chỗ nằm lõm sâu.
Đêm qua tôi đã đi ngủ cùng với bài hát phổ thơ Trần Trung Đạo.
"Ví mà tôi đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười".
Tiếng hát như thoát ra từ nỗi mất mát bi ai của những chia lìa muôn thuở.
Đã sắp đến lần thứ 43 ngày giỗ Mẹ tôi. Chỉ hai năm sau ngày 30/4, cơn bệnh trầm kha từ trước đó đã mang Mẹ tôi đi, rời bỏ bầy con thơ dại cho dù tôi và hai chị đã không ai có can đảm bỏ Mẹ và các em mà đi. Bây giờ mình hạc xương mai đã rã tan thành cát bụi, lâu lắm rồi Mẹ không còn về trong giấc mơ tôi. Hoa huệ trắng vẫn thường cắm trước di ảnh, tàn hương rơi trên nỗi buồn muôn thế kỷ. Tôi nhớ Mẹ, nhớ âm ỉ võ vàng. Một kiếp hồng nhan đa truân, mỹ nhân tự cổ… Những điều tưởng như huyễn hoặc đó ám ảnh các các chị và em gái tôi. "Ngũ long công chúa" mồ côi nương vào nhau như cỏ dại, thanh xuân của từng người bỗng chốc phôi phai, vụt trôi như tà huy ngoài cửa. Những giấc mơ tan vỡ phơi bày thực tại phũ phàng, những chân dung quái dị của cuộc đời, những giọng cười khả ố và ngôn ngữ tật nguyền đến sỏi đá cũng đớn đau. Có người lặng lẽ náu mình trong cơn mộng du không một lần tỉnh thức (thà bước mãi trên bờ tường rêu hay nhánh cây khô trên cao còn hơn thức dậy với cuộc đời hư cũ). Có người rong chơi biền biệt phía bên kia cổng trời hay quẩn quanh trong gian bếp với giấc mơ màu lửa… và cháy cho đến điêu tàn (mong sao chừng đó cũng đủ đoạn trường rồi!).
Còn đêm nay, một ly vang đỏ ấm ran lồng ngực. Mùi oải hương mênh mang cho những giấc mơ màu tím. Mười ngón tay se lạnh khẽ gọi từng âm thanh đơn độc, tiếng dương cầm chơi vơi…
(Where do I begin
To tell the story
Of how great a love can be...)
Đó là âm vang của ngày xa xưa, khi thanh xuân dịu dàng rót vào môi nhau, lướt trên da thịt nhau, ngấm vào tim nhau "Love means never having to say you’re sorry"!
Lắng đọng gì sau một ngày dong ruổi, còn lại gì sau một đời đi tìm thoả hiệp (cho cuộc chiến bên trong con người mình từ khởi nguyên đến khi tàn lụn)?! Những bước chân đang trở về với quá khứ hay bước vào tương lai, hướng nào cũng non mòn biển cạn, chênh vênh bờ bãi. Ta chỉ còn như ảo ảnh, như khói sương thoảng bay qua cõi miền sinh tử. Một ngày nhìn quanh không có ai, không còn ai để nhắc chuyện biển dâu, để sẻ chia nỗi hân hoan hay niềm tuyệt vọng.
Những bước chân đi về miền xa viễn, những giấc mộng muôn xưa, những xót xa ân hận, những yêu dấu nghìn trùng… Có chăng nơi nào đó, một cõi miền an nhiên thanh tịnh như hoa sứ trong sân vườn Pension Thérèse thuở nào – như vạt áo của người nữ tu trẻ tuổi, Monica – tất cả trắng một màu tinh khôi lộng lẫy đến nhiệm mầu…
Câu thơ khép lại một ngày đã tàn và chìm sâu vào đêm muộn,
"Ta bước đi trên hàng nến thắp
Tìm mãi trăm năm một mặt trời" .
Riêng cho những người SG 19 tuổi vào tháng tư 1975.
30/4/2020
……………………………………………
(*) Chủ đề của La Paloma.