Đặng Hồng Nam
3.
Năm tôi học lớp tám, sau một chuyến đi công tác Hà Nội bố tôi mang về một chiếc đài. Cái đài Liên Xô, đã cũ, ông đã mua nó với giá năm trăm đồng. Hồi đó là một món tiền lớn, phải nhiều lứa lợn của mẹ tôi dồn lại mới được. Tôi nghe nói một chiếc Rigônđa có giá một ngàn đồng. Rigônđa, đài của Liên Xô, hồi ấy người ta chỉ biết cái đài ấy thôi nhưng không mấy ai dám mơ. Nó to như một cái tủ, dài như một cái giường, vỏ gỗ véc ni bóng loáng, bên trong có máy quay đĩa, đặt nó cạnh bộ sa lông Đức ở giũa nhà thì thôi rồi.
Tôi nhớ có lẽ nhà Văn Tín là người đầu tiên trong thành phố một chiếc Rigônđa. Nói đến Văn Tín thì ai cũng biết, nhà tư sản ở phố Trần Hưng Đạo. Gọi là tư sản, chẳng biết ngày xưa thế nào, có mỗi một gian hàng bán từ phong bì, tem thư, nhãn vở, ngòi bút đến bút máy, khăn mùi soa và một số linh tinh khác. Đặc biệt ở đấy có hẳn một hộp kính bày rất nhiều nhẫn vàng giả. Nhẫn làm bằng nhôm mạ một lớp màu vàng chóe. Nếu có một ai đó đeo một cái nhẫn bằng vàng giả người ta sẽ bảo đó là vàng Văn Tín. Khi tôi năm, sáu tuổi, bà Văn Tín cũng chừng ba lăm, ba sáu. Một người đàn bà đẹp, hơi đẫy, khuôn mặt uy nghi, ăn mặc sang trọng luôn ngồi bán hàng. Hình như năm tôi học lớp mười nghe nói bà ấy bị khám nhà, hẳn là vì thấy bà ấy giàu quá nên đến lấy đi một ít.
Chỉ một chiếc Rigônđa mới có máy quay đĩa, từ đó mới phát ra được những thứ âm nhạc không có ở trên loa đài. Kỳ diệu làm sao tiếng hát của Robertino, cậu bé tám tuổi người Ý với những bài như O sole mio, Santa Lucia… Rồi lại bài Con vẹt xanh, chả biết là của ban nhạc nào nhưng ai cũng thuộc giai điệu của nó: Anh đứng bên em cứng đờ, chưa nói câu nào đã sờ, tèn tèn ten tén ten. Đã là sinh viên năm thứ mấy ở Hà Nội, một buổi chiều mùa đông, lang thang gần ga Hàng Cỏ tôi nghe được tiếng phát ra từ một chiếc Rigônđa bản Đanuýp xanh. Âm thanh của bản nhạc ấy, quang cảnh của Hà Nội buổi chiều ấy in đậm trong tôi tới tận bây giờ.
Cái đài nhà tôi mang hiệu Record, lẽ dĩ nhiên là bằng kí tự Nga, chữ P phải đọc là R, chưa ai từng biết đến, chẳng ai thấy nó ở đâu bao giờ. Nó cũng giống như một chiếc Rigônđa, một thùng gỗ đánh véc ni bóng loáng, trong có máy quay đĩa, nhưng bé hơn rất nhiều, thật thích hợp cho nó nằm trên trốc cái tủ buýp phê, trên ngăn giữa và sát vách của ngăn thứ nhất. Mở đài thì có thể đứng dưới đất vặn những cái núm của nó là được, nhưng mở đĩa thì phải đứng lên một chiếc ghế đẩu mới có thể đặt đĩa vào, chỉnh tốc độ.
Một đống đĩa có lẽ đến vài chục cái đen sì, dày bình bịch toàn là của hãng Pháp-Á hẳn là từ rất xa xưa, đều ghi tốc độ 78 vòng/phút, hầu hết đều nứt và sứt. Có lẽ chủ cũ của nó là người nghiên cứu sân khấu truyền thống, tôi lọc ra được vài cái của vở cải lương Đời cô Lựu và vài cái nữa của vở tuồng Phụng nghi đình. Cứ phải đứng chôn chân trên cái ghế đẩu vì nó chạy cứ loang loáng, vèo một cái đầu kim đã dịch vào giữa đĩa. Cô Lựu là một phụ nữ xinh đẹp, vợ của một tá điền, đang có mang thì bị hội đồng Thăng lập mưu cướp, đẩy người chồng của cô đi tù. Đứa con trai của cô sinh ra cũng bị hội đồng Thăng giấu đi. Cô sinh với hội đồng Thăng một con gái tên là Kim Anh. Tôi nghe được màn diễn cuộc gặp của người chồng cũ sau khi vượt ngục trở về cùng với đứa con trai tên là Luân đã trưởng thành với cô Lựu, hội đồng Thăng và Kim Anh. Cô Lựu hát: “Thằng Luân là con mà con Kim Anh cũng là con…”. Hội đồng Thăng lên giọng vờ như không biết: “Thằng Luân là thằng nào mà lại là anh của con Kim Anh?”. Phụng nghi đình thì diễn tích Lã Bố hí Điêu Thuyền. Tiếng Lã Bố thét, rồi lại tiếng Điêu Thuyền thét, quyện vào nhau trong tiếng trống phách và các loại nhạc cụ cổ.
Có đúng một cái đĩa chạy tốc độ 45. Nó bằng ni lông, mỏng, bé bằng bàn tay, có những bản hành khúc vui nhộn, lại có cả một bài hát giọng nam luôn lặp đi lặp lại Mê hi cô Mê hí cô. Vỏn vẹn hai cái đĩa 33 vòng/phút, một cái nhạc Traicốpxki, của Nga, những trích đoạn nổi tiếng trong các vở ba lê, một cái Beethoven, của Đức, symphony số 1, 2 và 3. Hai cái đĩa này phải hơn ba mươi phút mới hết một mặt, tôi có thể đứng xuống đất, đi đi lại lại, thậm chí làm một công việc gì đó. Tôi nghe đi nghe lại hai cái đĩa này. Những bản nhạc của Traicốpxki luôn gợi nên một nỗi buồn da diết trong một không gian mênh mông lạnh lẽo. Những bản symphony của Beethoven thì lại như đưa người ta vào trong chiến trận, giục giã người ta xông lên.
Tôi không có tí năng khiếu về âm nhạc nào, mặc dù yêu thích và đã từng nhiều lần thử sức. Bắt đầu là một buổi chiều năm tôi học lớp hai. Tôi hãy còn buồn ngủ, mở mắt ra và thấy mình đang ngồi trên ghế. Bố tôi đang xúc một thìa cà phê, cái thìa bé tẹo, thứ cà phê đặc sánh hãy còn lang láng trong chiếc tách sứ, đưa vào mồm tôi. Ông ồ lên một tiếng và thôi không đút cà phê cho tôi nữa. Ông chở tôi đến cung Thiếu nhi gặp ông Phạm Viết Bình. Ông Bình là người dạy nhạc và có lẽ cũng là người phụ trách cung Thiếu nhi. Người ta luôn nhìn thấy ông với cây đàn ắccoócđêông dẫn dắt dàn đồng ca thiếu nhi biểu diễn ở Giàn Leo mỗi dịp Quốc khánh hay ngày Tết.
Có lẽ chẳng có ở đâu giống như Nam Định, một thành phố bé tẹo mà có đến mấy cái vườn hoa kéo liền thành một dãy, cạnh một cái quảng trường rộng mênh mông. Vườn hoa thứ nhất nằm trên phố Trần Hưng Đạo, có Đài liệt sĩ và những cây gạo rất to. Vườn hoa thứ hai có Nhà kèn, một cái ki ốt xây hai tầng, tầng trên phải đi lên bằng cầu thang, bốn xung quanh xây lan can, trên có mái bằng, sàn gạch luôn để trống. Tầng một, ngay lối cầu thang đi lên có một cánh cửa sắt luôn luôn đóng im ỉm. Người ta bảo rằng ngày xưa Tây vẫn thường ra đấy thổi kèn. Tiếp đến là một cái vườn hoa có giàn leo. Đó là một cái sân khấu ngoài trời có xây trụ ở hai bên cánh gà, bên trên có những thanh dầm, có lẽ là bằng xi măng cốt thép, chạy ngang làm thành một cái giàn có thể cho những ngọn nho hoặc ti gôn leo lên đấy được. Chẳng biết từng đã có cây nào leo lên đấy chưa, tôi nhìn thấy nó từ khi còn bé cho đến tận khi về già, nó vẫn luôn trơ ra như thế thôi như một sự chờ đợi hay mời gọi. Cũng là một công trình có từ thời Pháp, gần ngay với nó là nhà Xéc, nguyên tiếng Pháp là Cerle, ở đấy có một cái sân tenít, lối đi xuống sân có một bờ tường uốn vòng cung rất đẹp. Tòa nhà này bị bom Mỹ đánh hỏng ngay từ cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất.
Ông Bình là người hào hoa phong nhã, đúng típ của những nghệ sĩ thời xưa. Về sau có nhiều năm ông là Trưởng đoàn Văn công của tỉnh, tác giả của mấy bài hát thiếu nhi khá nổi tiếng. Ông cũng khá nổi tiếng đa tình, nhiều cô diễn viên xinh đẹp phải lòng ông.
Ông Bình bảo với bố tôi:
– Cho nó học bănggiô.
Bố tôi nói:
– Măngđôlin.
Ông Bình bảo:
– Măngđôlin thì về sau học viôlông, bănggiô thì ắccoócđêông.
Bố tôi đồng ý với ông cho tôi học đàn bănggiô. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy một cây đàn. Mặt đàn bằng da, giống như mặt trống, có những chốt hãm bằng sắt sáng choang. Ông dựng lên trước mặt tôi một cái giá nhạc. Cũng lần đầu tôi nhìn thấy một thứ kỳ diệu như thế. Một cái khung bằng sắt mỏng gắn vào một cái cần có ba chân, có thể gập vào, xòe ra, nâng lên, hạ xuống. Hẳn nó cũng là một sản phẩm còn lại từ thời Pháp, về sau thứ như thế dần biến mất, thay vào đó là một cái bảng bằng gỗ đóng đinh vào một cái cọc gỗ. Ông Bình mở ra một quyển vở chép nhạc, đặt lên giá nhạc, viết vào một khuông nhạc bốn nốt tròn, ông bảo đấy là đồ, rê, mi, pha và hướng dẫn tôi dùng móng gảy đánh vào đàn bốn nốt ấy kèm với giậm chân đánh nhịp. Bố tôi sau khi trao đổi vài câu với ông Bình thì đã biến đi, chỉ còn lại mình tôi với ông trong một căn phòng ở tầng hai gần như trống trơn, chỉ có vài cái giá nhạc được xếp gọn để sát bức tường đối diện và vài chiếc ghế.
Việc hướng dẫn tôi diễn ra dường như chỉ chừng có năm phút, ông Bình cũng biến đi luôn, để tôi một mình thực hành điều ông chỉ bảo. Làm đi làm lại mấy lần như thế, tôi chẳng biết làm gì nữa, ngó nghiêng một hồi, cuối cùng tôi quyết định bỏ đàn đấy và đi ra ngoài. Các phòng đều vắng tanh. Tôi xuống tầng một, có một phòng mở cửa, ở đấy có một người phụ nữ. Đó là cô Duyên phụ trách thư viện. Cô có nụ cười thật hiền hậu. Cô tự giới thiệu tên cô và nói rằng bố tôi biết cô. Tôi chọn được quyển Vichia Malêép ở nhà và ở trường, đọc một lúc không thấy thú lắm.
Có một thằng nào đó xuất hiện. Nó đến ngay cái bàn bóng đá, cái bàn bằng gỗ với những hàng cầu thủ của hai bên được gắn vào những thanh sắt, rất thành thạo nó xoay những cái núm chạy dọc hai bên bàn, những cầu thủ bằng gỗ nhào lộn, quả bóng gỗ lăn đi lăn lại với những tiếng lộc cộc lạch cạch rộn rã. Rất nhanh, quả bóng chui vào một bên gôn, kết thúc một ván chơi, thằng đó cũng dời hàng tay nắm biến mất. Tôi thấy hấp dẫn vì trò chơi này, thế là tôi bỏ sách để điều khiển những cầu thủ gỗ tung người đá vào quả bóng, nghe tiếng nó lăn đi lăn lại lộc cộc. Tôi cứ thế chơi cho tới khi hết giờ, chào cô Duyên rồi ra về, cô cười với tôi một nụ cười thật là hiền hậu.
Mỗi tuần một buổi vào chiều thứ năm. Bố tôi gọi tôi ra khỏi giấc ngủ trưa nhưng không phải pha cà phê cho tôi uống nữa. Tôi đến cung thiếu niên gặp ông Bình. Cái móng gảy lần trước ông đưa cho tôi tôi không còn nhớ gì đến nó nữa. Cần phải mua một cái khác. Tôi chạy về nhà xin tiền bố tôi. Ông đang chuẩn bị đi làm. Ông đưa cho tôi tờ một hào, màu đỏ, cũ kĩ và quăn queo.
Tôi đến hiệu đàn ở phố Lê Hồng Phong. Cả thành phố chỉ có một hiệu đàn đó thôi nhưng sự tồn tại của nó cũng góp phần tạo nên sự khác biệt của thành phố của chúng tôi. Một gian nhà lợp ngói thấp lè tè, trên cửa ra vào treo một tấm biển hiệu rất to Hợp tác xã đàn Tháng Tám. Nguyên hai chữ Tháng Tám kéo riêng ra một dòng dưới, choán gần hết tấm biển hiệu. Nền sơn và các dòng chữ đều đã ố xỉn. Một cái tủ kính to choán hết bức tường còn lại, bên trong bày mấy thứ nhạc cụ đã cũ. Một cái ắccoócđêông, một cái ghita, một cái đàn nguyệt, một cái trống. Sau bao nhiêu năm, tới tận bây giờ, cái hiệu đàn ấy vẫn nguyên như cũ. Tấm biển hiệu không hề được sơn lại, mỗi ngày nó chỉ cũ kĩ đi thêm một chút thôi. Cái tủ kính vẫn thế, những tấm kính có vẻ mờ đục hơn, không còn cái đàn ắccoócđêông, vì lâu nay rất ít người chơi loại nhạc cụ này, cái ghi ta, cái đàn nguyệt, cái trống có vẻ bám bụi nhiều hơn. Mặc dù gọi là hợp tác xã, cửa luôn để trống nhưng hiếm khi thấy có ai ra vào, từ ngoài đường cũng ít khi thấy có người trong ấy. Về sau tôi mới biết, ở cái hiệu đàn ấy thường chỉ có một người đàn ông. Sau căn nhà lợp ngói là một khoảng sân rất hẹp, tiếp đến là một ngôi đền gần như đã bỏ hoang. Người đàn ông đang ngồi bên những mảnh ghép của một cây đàn gỗ với những thứ đồ nghề lỉnh kỉnh trong một góc nhà đứng dậy lấy đưa cho tôi cái móng gảy. Hai hào một cái. Tôi không biết cái móng gảy được làm bằng đồi mồi hay là một thứ nhựa trong suốt có vân, màu nâu, hình tam giác. Tôi nhớ cảm giác mân mê cái móng gảy nằm trong túi quần trên đường từ hiệu đàn quay trở lại cung Thiếu niên hơn là đã sử dụng nó như thế nào với cây đàn bănggiô. Giậm chân trước giá nhạc vài lượt, vẫn bốn nốt đồ, rê, mi, pha, tôi lại xuống tầng một đến chỗ cô Duyên, lại mượn một quyển sách nào đó, rồi ôm cái bàn đá bóng cho đến khi hết giờ. Chiều thứ năm tuần sau lại thế, vòng qua hiệu đàn mua móng gảy trước khi đến cung Thiếu niên.
Lại còn vở chép nhạc nữa. Cuốn vở chép nhạc được in ấn cẩn thận có lẽ cũng là sản phẩm hiếm hoi còn lại từ thời Pháp mà ông Bình dành cho tôi không còn nữa. Ông bày cho tôi cách kẻ những khuông nhạc. Lấy một cái vỏ bao diêm, xé ra miếng bao quanh ngăn đựng, lột hết giấy bám trên nó, ta được một miếng gỗ mỏng màu trắng ngà, đều tăm tắp. Lấy kéo cắt một đầu của nó thành một hình răng cưa. Phải cắt sao cho thật đều, có năm cái mũi nhọn nhô lên. Chấm nó vào trong lọ mực, lấy thước kẻ đặt lên trang vở rồi kéo đều, thế là được một khuông nhạc với năm dòng kẻ. Các dòng không đều nhau lắm, nét to nét bé do cắt vỏ bao diêm, chỗ thì mực ra đậm quá hoặc nhòe, chỗ thì không có mực. Dù sao thì cũng là một công việc khá thú vị. Tôi đem đến cho ông Bình quyển vở với những khuông nhạc màu mực xanh le lét. Ông viết vào đấy một cái khóa son và bốn nốt nhạc như mọi khi. Có vẻ như thế là đã kết thúc một buổi học nhạc. Có lẽ cũng chỉ hai lần đi mua móng gảy và một lần kẻ vở chép nhạc. Chiến tranh lan ra Miền Bắc, tất cả phải đi sơ tán. Nếu không thế thì chắc là bố tôi con phải mất thêm tiền cho tôi mua móng gảy mà tôi cũng không biết hơn một nốt nhạc nào.
Vào một buổi chiều chủ nhật năm tôi học lớp sáu, ở nơi sơ tán, từ chiếc đài Mẫu Đơn xinh xắn của bố tôi phát ra một bản nhạc êm dịu. Tôi như thấy một cơn gió nhẹ đang cuốn những chiếc lá khô trên mặt đất. Đấy là lần đầu tiên tôi thấy sự kì diệu của âm nhạc. Từ đấy tôi đem lòng say mê với một thứ âm nhạc mà về sau mới biết là nhạc cổ điển.
Khi bố tôi mua chiếc Record về thì trên Đài Tiếng nói Việt Nam bắt đầu có chương trình giáo dục âm nhạc. Ban đầu là Nhạc nước ngoài, phát vào tám giờ sáng đến chín giờ, giờ ấy thì người ta đi làm, có cả nhạc dân gian Hungari, Ấn Độ… Sau gọi là Thính phòng và giao hưởng, phát vào ba giờ chiều chủ nhật. Có một giọng nữ phát thanh viên giọng Sài Gòn nghe sang trọng một cách lạ lùng. Giọng nữ này không hề nghe thấy vào bất kỳ buổi phát thanh nào khác. Tôi tưởng tượng một người phụ nữ xinh đẹp và thanh lịch, hẳn là bà đã từng có một cuộc sống phong lưu ở Sài Gòn, từng tiếp xúc với nhiều người nước ngoài. Các buổi phát thanh khác phát thanh viên thường phải nói liên tục, ngay buổi phát thanh ca nhạc, chỉ vài phút là hết một bài hát, phải giới thiệu luôn bài tiếp theo. Ở buổi phát thanh Nhạc nước ngoài, mỗi bản nhạc đều kéo dài thậm chí mười lăm, hai mươi phút, giọng người nữ phát thanh viên được nghe thấy thật ít ỏi. “Các bạn thân mến. Trong chương trình Nhạc nước ngoài hôm nay xin mời các bạn nghe một số bản nhạc Đài Phát thanh Cộng hòa Dân chủ Đức gửi tặng cho đài chúng tôi.” “Và bây giờ Dàn nhạc Philharmonic Berlin dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng… sẽ trình tấu cho chúng ta nghe bản… của…”.
Một ông nhạc sĩ tên là Nguyễn Sinh chuyên phân tích các tác phẩm âm nhạc. Thật ra có lẽ ông chỉ phân tích Bản giao hưởng số 5 của Beethoven và Hồ Thiên nga của Traicốpxki. Những bài phân tích ấy thỉnh thoảng được phát lại. Hồi ấy tôi còn chưa biết ba lê là gì nên rất ngạc nhiên không hiểu tại sao chỉ nghe nhạc không mà người ta lại có thể kể thành một câu chuyện với nhiều chi tiết tỉ mỉ đến thế, thậm chí đến cả màu sắc của từng con thiên nga.
Phải đến khi học năm thứ nhất khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp tôi mới được lần đầu tiên được xem một tác phẩm ba lê. Đó là phim Rômêô và Juyliét, của Liên Xô, ở một rạp chiếu phim ngay cạnh Bờ Hồ. Về sau này, phim ảnh vắng khách, nó được biến thành Nhà hát Múa rối Thăng Long, chuyên biểu diễn rối nước cho những đoàn khách du lịch nước ngoài. Từ Ký túc xá Mễ Trì cách chục cây số chúng tôi tới đó bằng tàu điện, xe buýt hoặc xe đạp. Một bộ phim như thế hầu như không được chiếu cho những công chúng thông thường, nó hầu như chỉ để dành cho những đối tượng có nhiệm vụ nghiên cứu. Được xem một bộ phim như thế là một khoái cảm vì mình được nằm trong đẳng cấp vượt trội. Suốt thời sinh viên tôi được xem khoảng một chục bộ phim như thế, hầu hết là của Liên Xô, ở mấy cái rạp xung quanh Bờ Hồ. Bộ phim có lẽ đã được sản xuất từ một hai chục năm trước đó. Chúng tôi chỉ cố gắng tìm hiểu câu chuyện được thể hiện, không ai quan tâm đến nghệ thuật múa và âm nhạc. Về sau nhớ lại, nhớ nhất cảnh Rômêô vượt tường gặp Juyliét, tôi chắc rằng âm nhạc của Procofiev và đó là bộ phim của Ulanova.
Phải đến năm cuối ở trường Đại học, một buổi chiều chủ nhật tôi mới được nghe từ loa công cộng lời giới thiệu của ông Nguyễn Sinh cho bản nhạc Carmen. Tôi không biết đấy là opera, càng không hề biết đến cái tên Bizet. Tôi bị cuốn hút bởi những đoạn nhạc rộn rã và thê lương mà ông Nguyễn Sinh bảo phải tưởng tượng ra hành trình của đoàn người Digan. Tôi nhớ rất lâu đoạn nhạc mở đầu có rất nhiều thanh âm của bộ gõ để về sau trong một buổi tối vào dịp Tết khi ra khỏi nhà một người bạn tôi nhận ra nó vang lên từ chiếc ti vi đen trắng của gia đình người hàng xóm của anh ta. Tôi được nghe lại nó trên ti vi vài lần nữa, mà cũng chỉ vào dịp Tết, tác giả của nó là Sêđrin. Phải rất lâu sau đó nữa tôi mới biết Sêđrin chỉ là một ông người Nga soạn riêng một đoạn mở đầu của vở nhạc kịch cho dàn nhạc bán cổ điển.
Hàng tuần tôi mong đến ngày chủ nhật để được nghe nhạc. Tôi như là người mang thú vui hành xác. Tôi dỏng tai lên để cố tìm ra một cái gì đó trong những dòng âm thanh hỗn độn. Không ít lần tôi ngủ gật khi ngồi trước cái đài Record. Điều tai hại là nhà tôi luôn có khách. Vào thời ấy người ta thật yêu quí nhau. Bất kể lúc nào một người hàng xóm, một người bạn học hay cùng nơi làm việc đều có thể đến nhà nhau chơi. Gọi là đến chơi nhưng thực ra chỉ nhìn thấy mặt nhau, bộ mặt vẫn gặp thường xuyên, cười và nói vài câu bâng quơ. Mẹ tôi làm cán bộ công đoàn, tính bà xởi lởi, từ giám đốc, bí thư đảng ủy đến các cán bộ, kỹ sư, hễ có dịp là đều đến nhà tôi. Luôn luôn có những người công nhân đến để kể lể hoàn cảnh của mình để nhận được những lời khuyên giải, động viên, mẹ tôi rất giỏi làm điều đó, hoặc xin được trợ cấp hay tăng lương. Luôn có những người họ hàng ở quê, nhất là quê ngoại, lên thăm. Lên thành phố vì có một việc gì đó hoặc đón tàu đón xe đi đâu đó họ đều cảm thấy cần phải ghé đến nhà tôi chơi. Những lời hỏi han về mùa màng, làng xóm luôn được tuôn ra. Bố tôi cũng có những cộng tác viên, những người đang tập sáng tác, những người yêu văn chương tìm đến. Người ta có thể nói chuyện cùng với tiếng đài phát tất cả các chương trình, nếu lại là ca nhạc nữa càng vui, nhưng không thể chịu được cái dòng âm thanh hỗn độn của bao nhiêu nhạc cụ cùng tấu lên một lúc ấy. Tôi phải thỏa mãn cơn thèm của mình bằng cách ra ngoài đường để đứng dưới chiếc loa công cộng.
Thấy đã có khách ngồi trong nhà, tôi ra đi trước lúc ba giờ. Ra đến đường tôi rẽ trái để tới phố Hàn Thuyên. Nếu rẽ phải tới phố Hàng Cót thì gần hơn nhưng ở đấy lúc nào cũng đông người. Cái cột điện ở phố Hàn Thuyên nằm cạnh bức tường bao của Xí nghiệp Dược, trước lối vào Xí nghiệp May. Chỉ toàn có người đạp xe qua.
Hồi ấy toàn những cây cột điện được làm từ thời Pháp, bằng sắt đóng khung, sơn màu xanh thẫm. Chiếc loa trên đầu nó đang phát nốt chương trình gì đó. Tôi đến bên nó dỏng tai lên và chờ đợi. Lời người giới thiệu chương trình. Rồi tiếng nhạc cất lên. Tôi say sưa uống dòng âm thanh ấy, cố gắng gạt khỏi nó tiếng người đi xe đạp trên đường, thỉnh thoảng lại có một chiếc xe ô tô tải chạy qua. Tôi không nhớ tôi đã nghe những bản nhạc nào, của ai.
Tôi như một kẻ bị lạc trong những cách rừng, cố gắng tìm đường ra và không hề để ý đến vẻ đẹp của nó. Bản Melancolique của Traicốpxki có lẽ là thứ duy nhất mà tôi nắm được, nhưng không phải từ cái loa ở cột điện này mà ở đường đi Thái Bình. Một buổi chiều sau Tết, không biết hôm ấy vì sao tôi lại lang thang ra cái đoạn đường vắng vẻ ấy, tiếng viôlông réo rắt quấn chặt lấy tôi. Tổ khúc Bốn mùa, như người ta vẫn gọi, mà có lẽ tôi chỉ nhớ được mỗi khúc nhạc Chèo thuyền, cũng của Traicốpxki, thì tôi không nhớ đích xác lần đầu được nghe ở đâu. Không ít lần tôi đã thất vọng khi đã đứng bên chân cái cột điện ấy, vì hôm ấy có bóng đá trên sân Hàng Đẫy, âm nhạc phải nhường chỗ cho tường thuật bóng đá. Lại những hôm trời mưa nữa. Trời mưa vẫn có thể có khách trong nhà, nhưng tôi thì lại không thể phơi mặt ra ngoài trời.
Cho đến rất nhiều năm sau, tôi không có lấy một người bạn để chia sẻ niềm đam mê, cũng không có một phương tiện nào khác, hiểu biết của tôi chẳng thêm lên được mấy, tôi không còn cố công thường xuyên bên những cái loa công cộng nữa, nhưng bất cứ ở đâu chỉ thoáng nghe thấy tiếng nhạc đó là tôi hướng ngay về nó với bao nỗi thèm khát.
Bố tôi là người thích đài. Trong quyển anbum của gia đình có một bức ảnh to choán hết cả một tờ với độ dài khoảng hai mươi phân chụp bố tôi, một thanh niên chừng mười chín hai mươi, còn khá nhiều chất nhà quê, oai phong ngồi sau, một cái bàn làm việc rất rộng, trên đấy có một ít giấy bút và một cái đài. Cái đài hộp gỗ vuông mà về sau tôi thấy lại trong các bộ phim, các bức ảnh về thời chiến tranh Thế giới II. Hồi Kháng chiến chống Pháp bố tôi từng làm thư kí riêng cho ông Bí thư Tỉnh ủy. Thoạt đầu ông làm ở Ban thông tin tuyên truyền, dần dần viết báo, sáng tác văn thơ. Hồi đầu Cuộc chiến tranh phá hoại ông luôn có cái đài Orionton, đài của Hung, khá to và nặng, ông phải buộc một cái dây sợi khá to để đeo bên hông và sau lưng. Về sau ông lại có cái đài Mẫu Đơn của Trung Quốc, mặc dầu nhỏ nhắn xinh xắn nhưng lại có một cái bao bằng da màu nâu khá đẹp và có dây để khoác lên vai.
Cũng như mọi người thời bấy giờ, cái đài chủ yếu để nghe thời sự. Những ngày chủ nhật ông về chỗ anh em chúng tôi sơ tán, tôi được nghe từ cái đài của ông buổi phát thanh Thiếu nhi. Tiếng kèn rộn rã bài Đội ca. Những câu chuyện bổ ích và lý thú. Nếu là buổi tối thứ bảy thì lại có Sân khấu truyền thanh, trước đó là Kể chuyện cảnh giác. Tôi nhớ có những buổi tối chủ nhật ở nơi sơ tán ông cầm chiếc đài dò tìm đài Mátxcơva. Giữa những tiếng lạo xạo nổi lên tiếng chuông ngân dài nghe như từ một nơi xa lắc xa lơ, rồi tiếng người nữ phát thanh viên giọng lơ lớ: “Đây là đài phát thanh Mátxcơva”. Đài Bắc Kinh thì rất dễ bắt, nếu có gặp thì ông cũng bỏ qua.
Thật lạ kì là khi có cái đài Record ông lại gần như chẳng nghe bao giờ. Chỉ có tôi luôn loay hoay với mấy cái đĩa cũ và nhăm nhăm mở nó vào mỗi chiều chủ nhật. Nó hay hỏng luôn, khi thì dây cua roa quay đĩa, khi thì núm dò sóng, khi thì hỏng một cái bóng điện tử… Chỉ có tôi mày mò tự sửa hoặc chằng nó lên gác ba ga xe đạp đưa đến cửa hàng sửa chữa. Khi tôi đi học đại học thì Hoa tiếp thu nó để học hát. Hoa thích hát, nhất là hát cải lương. Những làn điệu truyền thống buồn ảo não được lồng vào những lời mới mang nội dung yêu nước và chiến đấu. Các chương trình học hát thường phát vào buổi chiều. Có lẽ phải đến tận những năm cuối tôi học đại học cái đài mới biến khỏi nhà tôi. Có lẽ nó đã nát quá. Hồi ấy tôi có nhiều việc phải lo nên không để ý nó không còn khi về nhà.
4.
Một trong những ký ức sớm nhất của tôi còn lưu giữ được là một buổi sáng trong căn nhà ở phố Hoàng Văn Thụ. Hoàng Văn Thụ là con phố lớn thứ hai của thành phố Nam Định. Nó chạy dài từ bờ sông Đào đến tận chỗ bây giờ là đường Trường Chinh, cũng như phố Trần Hưng Đạo, con phố được coi là lớn nhất, chạy song song với nó từ Bến Đò Quan tơi Dốc Lò Trâu. Phố Hoàng Văn Thụ bao gồm mấy con phố cũ, từ đầu giáp bờ sông là phố Hàng Dầu, phố Khách ở đoạn giữa, oách nhất và to nhất, tiếp đến là phố Hàng Giấy… Nhà tôi ngày xưa ở đoạn phố Khách, đối diện chếch với Hiệu sách Nhân dân, tòa nhà thuộc loại to nhất thành phố, vốn là cửa hiệu của một người Hoa. Về sau tôi nghe nói ông chủ này đã chết vì tuyệt vọng dưới gầm cầu Long Biên sau cuộc Cải tạo tư sản tư doanh ở miền Bắc. Đối diện với nó, giáp đường Lê Hồng Phong có một căn nhà ba tầng rất bề thế vốn là của một người Ấn Độ, trên mặt tiền của nó còn những chữ đắp nổi 1924 Mohamed Cany và một số hoa văn. Gọi là nhà tôi nhưng chỉ là một phần của căn nhà mà chủ cũ của nó đã bỏ đi Nam hoặc bị tịch thu, do Nhà nước quản lý và cho thuê. Tầng một là một gian rộng, mọi người vẫn thường đi qua đấy, thoạt đầu là hai vợ chồng một nhà tư sản tên là Minh Đức. Tôi vẫn nhớ vẻ hiền lành và phúc hậu của hai ông bà. Cả gian phòng gần như trống rỗng, chẳng có thứ đồ đạc nào đáng kể. Về sau hai ông bà chuyển đi Hà Nội. Trước khi đi ông bà tặng gia đình tôi một cái lọ lộc bình và mời đến nhà ông bà chơi nếu có dịp đi Hà Nội. Một lần đưa tôi đi chơi Bờ Hồ, bố tôi bảo với tôi: “Nhà ông bà Minh Đức ở gần đây.” Có vài lần bố tôi đi Hà Nội về, mẹ tôi hỏi có đến thăm ông bà Minh Đức không, bố tôi bảo không. Đến thay cho ông bà Minh Đức là bà Cả Nghệ, bà này nói giọng trọ trẹ, chát chúa, da đen sạm, mặt đanh, vấn tóc. Là người Nghệ An hay Hà Tĩnh thì đã hẳn, nhưng vì sao lại gọi là Cả thì không biết nữa. Mỗi lần đi qua đấy tôi đều có cảm giác ngần ngại. Mẹ tôi có vài ba điều phàn nàn về “cái con mụ Cả Nghệ”. “Điêu toa là dân xứ Nghệ, tệ bạc là dân xứ Thanh”. Mẹ tôi bảo thế.
Từ ngoài đường vào, qua gian nhà có bà Cả Nghệ, đến một cái sân nhỏ, ở đấy có một cái giếng, rồi cầu thang lên tầng hai. Cầu thang ngoài trời, vòng lại phía đi ra đường, đến một cái sân nhỏ. Sân lát đá hoa, lan can xây rất cẩn thận, có bề mặt khá rộng, hàng chân hình lục bình. Có lẽ bức ảnh bốn mẹ con được chụp ở cái sân này. Mẹ tôi, hai bím tóc dài thả về phía trước, bế Dũng. Hoa đứng bên phải. Tôi trong bộ lính thủy, cưỡi con ngựa gỗ, ở bên trái. Anh em tôi chênh nhau mỗi đứa hai tuổi. Vào lúc ấy Dũng chỉ mới được vài tháng, và tôi hẳn là đã hơn bốn tuổi. Bức ảnh hẳn là do bố tôi chụp. Ông có một cái máy ảnh, đến tận hồi đi sơ tán ông vẫn có lần chụp ảnh ba anh em chúng tôi.
Đứng từ đây có thể thấy hai cái sân thượng của những ngôi nhà đằng sau. Ở trong những ngôi nhà ấy có bà Phàn người Hoa. Có lẽ chỉ có một lần duy nhất tôi nhìn thấy bà và thằng con trai bà ở trên sân thượng. Thoạt đầu là thằng con trai bà, nó có lẽ hơn tôi một tuổi nhưng cao hơn hẳn, nước da trắng, sáng, mặc một cái áo kẻ ca rô nhạt rất đẹp, nó mở tròn đôi mắt nhìn tôi. Và sau đấy là bà Phàn. Bà lên để bắt nó xuống. Bà cũng nhìn qua tôi một cái. Qua sân là vào nhà. Nhà lát ván gỗ đen, có lẽ là lim, ở ngay trên đầu bà Cả Nghệ.
Ở ngay cửa là gia đình người thợ rèn, vào trong nữa mới đến nhà tôi. Gia đình này có ông thợ rèn, bà vợ và đứa con gái. Ông thợ rèn, nghe nói là ông làm nghề ấy, người săn chắc, có nước da như đồng hun, thường đi từ sáng sớm. Đứa con gái năm, sáu tuổi, giống mẹ, hai mẹ con lúc nào cũng như quấn lấy nhau và có vẻ sợ sệt mỗi khi ông ở nhà. Nhiều khi đang ăn cơm, vì cáu giận, có lẽ do không hài lòng với thức ăn bà vợ nấu, ông hất cả mâm cơm ra ngoài sân. Có lần mẹ tôi nhờ ông rèn cho một con dao, ông khẽ gật đầu. Mấy hôm sau ông đem về cho mẹ tôi một con dao, nó nhỏ thôi, nhưng dày gấp ba bốn lần những con dao bình thường, lưỡi của nó còn rõ những vết mài, có cảm tưởng như nó vừa được nhấc ra khỏi lò lửa, hãy còn nóng rẫy, chỉ nhìn qua thôi cũng thấy là rất sắc.
Phần của gia đình tôi ở tận với bức tường có cửa kính nhìn xuống đường phố. Đến gần bức tường ấy, cách chừng hơn một mét, sàn nhà bỗng tụt hẳn xuống một bậc. Tôi không hiểu tại sao người ta lại làm như thế. Đến sát bức tường, bậu cửa sổ có lẽ phải cao gần ngang đầu người lớn. Có hai cái cửa sổ khá lớn nằm liền nhau trên bức tường ấy.
Tôi như nhìn thấy tôi năm ba tuổi ngồi trên sàn gỗ trong căn nhà ấy. Lúc ấy vào khoảng chín giờ sáng. Ánh nắng chiếu qua cửa kính. Tôi ngồi một mình bên xoong cháo hãy còn lưng lưng. Đó là cái xoong của Liên Xô có hình ống khá cao, tôi chưa thấy nhà nào có một chiếc xoong như thế, sự dày dặn và chất lượng nhôm của nó thì khỏi phải nói, gia đình tôi sử dụng nó cho đến suốt những năm sau này, luôn gọi nó là “cái nồi cao cổ”, mẹ tôi luôn nhắc lại rằng nó được mua khi bà đẻ Hoa, Hoa bao nhiêu tuổi thì cái xoong bằng ấy tuổi. Một bát cháo đang ăn dở và một cái bát đựng những mẩu xương cóc đã gặm.
Nhà tôi thường nấu cháo cóc. Dũng bị bệnh còi xương, một ông thầy thuốc khuyên cho ăn thịt cóc. Nó sống được, khỏe mạnh là nhờ có thịt cóc, về sau mọi người gọi nó là Tổng Cóc. Sau mỗi trận mưa, trong vườn hoa, hồi ấy người ta gọi công viên là vườn hoa, có rất nhiều cóc. Cóc nhảy cả trên đường, bố tôi đang đi xe đạp nhìn thấy một con cóc ông cũng dừng lại để bắt. Những con cóc được cho thuốc lào vào mồm để rỉ ra trên lớp da sần sùi một ít nhựa màu trắng. Thế rồi đem ra chặt đầu, lột da. Chúng quào quào những cái tay cái chân, trông giống hệt như con người. Một cái âu sắt tráng men xếp đầy những con cóc đã được lột da, bỏ hết ruột rà, chỉ còn mỗi thân mình và hai cái chân, hai cái tay, rửa sạch. Thịt cóc gỡ ra làm ruốc còn xương đem nấu cháo. Mùi ruốc cóc khi sao lên rất thơm. Nồi cháo luôn được ưu tiên cho Dũng, tôi và Hoa tiếp quản phần còn lại. Khi có Dũng thì tôi đã lên bốn, không thể có chuyện năm tôi lên ba ngồi bên nồi cháo cóc. Nhưng ký ức của tôi là như thế. Ký ức luôn rõ ràng nhưng nó cũng có thể bị chồng lấn. Tôi luôn thấy rõ tôi, một thằng bé lên ba, vào buổi sáng ấy, trong ánh nắng tràn qua cửa kính, ngồi một mình bên nồi cháo và hai cái bát. Tôi bị ăn phải tóc. Một búi tóc nằm trong cổ họng tôi. Tôi thò hai ngón tay vào mồm moi được một sợi tóc và cố lôi nó ra. Nhưng chỉ được một sợi, tôi tóm được một sợi khác, lần này sợi tóc bị quấn chặt với búi tóc nằm trong cổ họng tôi, tôi cứ loay hoay, ứa nước mắt vì bất lực.
Một ký ức sớm hơn, vào năm tôi lên ba. Đúng là năm tôi lên ba. Ở nhà bà Tân Thịnh. Đó là ngôi nhà nằm ngay góc phố Lê Hồng Phong và phố Bến Ngự nhìn sang đầu phố Hàng Sắt. Ngôi nhà hai tầng thôi nhưng vì nó hơi nhỏ nên trông có vẻ cao. Có hẳn ba bức mặt tiền, bức giữa có hai chữ đắp nổi TÂN THỊNH, hai bức hai bên đều có ba chữ cái TTh đắp nổi thành hình vòng tròn. Về sau tôi được biết nó vốn là một hiệu may rất nổi tiếng của thành phố. Lúc bấy giờ có lẽ ông Tân Thịnh đã chết hoặc bỏ đi Nam nên không hề thấy nhắc đến ông, chỉ nhắc đến bà.
Nhà tôi ở một phòng trên tầng hai. Trời mới sáng. Chỉ có Hoa ngồi trên giường. Đầu nó có một cái mụn khá to. Ngày xưa trẻ con hay bị mụn, nhất là vào mùa hè. Hễ cứ vào hè đứa nào cũng rôm sẩy khắp người, mang vài ba cái mụn trên đầu là bình thường. Mẹ tôi đang giặt giũ dưới tầng một. Tôi có thể nhìn thấy bà và nghe thấy tiếng nước. Bà đi lên vì đã xong việc. Tôi thấy không cần ở bên Hoa nữa nên đi ra ngoài và theo lối cầu thang đi lên sân thượng. Sân thượng nhỏ và hẹp. Có bức tường chắn cao ngang đầu tôi. Chỉ một mình bố tôi ở trên ấy. Ông mặc quần đùi, áo may ô, đang cầm một quả tạ tay. Nhìn thấy tôi ông hạ quả tạ xuống, đi đến bên tôi vẻ mặt vừa như dò hỏi vừa như thích thú.
Một buổi sáng, khi ấy nhà tôi đã chuyển đến ở phố Bắc Ninh, tôi nghe hai bà nói với nhau:
– Anh em Ngô Đình Diệm bị giết hôm qua.
Bằng cách nào đó tôi cũng biết được sự kiện này khá quan trọng và nó đã diễn ra ở miền Nam xa xôi. Có thể tôi đã vài ba lần thấy người ta giương cờ và khẩu hiệu đi thành đoàn trên đường phố, hô những câu như:
– Đả đảo Ngô Đình Diệm!
– Hồ Chủ tịch muôn năm!
Hoặc vô tình cầm lên một tờ báo có tranh biếm họa Ngô Đình Diệm và Trần Lệ Xuân.
Rồi một buổi sáng, trời hãy còn tối đen, bố tôi chở tôi trên chiếc xe đạp ra khỏi thành phố. Tôi luôn nghe thấy những tiếng lịch kịch, tiếng vọng lại từ nhiều nơi của từng âm thanh phát ra, trong ánh đèn đường tôi nhìn thấy vài ba chiếc xe ba gác của những gia đình chở đồ đạc đi sơ tán. Trời dần sáng, hai bên đường quốc lộ là những cánh đồng ngập nước. Mặc dầu ngồi trên chiếc gối cũ chằng lên gác ba ga nhưng tôi vẫn càng lúc càng thấy tê đít. Chẳng bao lâu sau tôi thấy đít mình tê dại tưởng không chịu được nữa. Bố tôi dừng xe cho tôi đứng xuống đường một lúc. Đứng xuống tôi mới biết cái gác ba ga xe đạp đã được chằng khá kỹ một cái gối cũ.
Ven đường là cánh đồng ngập nước, loi nhoi những ngọn cỏ lăn. Tới một chỗ có người qua lại, có một cái bia xây bằng gạch để ghi nhớ một chiến thắng tại đây của quân ta với quân Pháp thì rẽ vào một con đường nhỏ. Tới một cái làng. Đi dưới những lùm tre. Tới một cái sân rộng, một dãy nhà dài, bờ hè khá cao. Có mấy người phụ nữ. Bác Nghị, người cao tuổi nhất, mặc áo nâu quần đen, đầu đội khăn vuông. Bố tôi giao tôi cho họ rồi trở về thành phố.
Sáng hôm sau. Tôi thức dậy trong tiếng chim kêu. Trong một gian của dãy nhà dài ấy. Chỉ có một mình tôi, cửa sau mở rộng, thông ra vườn. Có những khóm cây nhỏ ở ngay trước cửa. Những con chim nhỏ đang ríu rít bay từ khóm này sang khóm khác.
Phải rất nhiều năm sau, khi đã là người trưởng thành, từng đi đây đi đó, đọc kha khá sách, tôi mới nhớ lại buổi sáng hôm đó. Tôi chưa từng biết đến một điều kỳ diệu đến thế. Tôi nhớ như in làn ánh sáng dịu, nhớ rõ mồn một những tiếng chim kêu, những nhánh cây hoa hồng gai và cây mẫu đơn, cả những viên gạch trên nền nhà mang màu xám rắn đanh như sành, cả cái cót thóc xẹo xọ nằm trong góc nhà… Tôi hiểu rằng đấy là một cảnh giới an trú mà tôi không có nhiều cơ may gặp lại trong đời.
Tôi ở đấy, hàng ngày thơ thẩn chơi trên cái sân rộng, ra bờ ao, sang một hai nhà hàng xóm, chừng năm hay bảy ngày gì đấy, bố tôi đạp xe tới đón tôi về thành phố.
Rồi một buổi chiều, chỉ có mình tôi ở nhà, tiếng còi báo động vang lên. Tiếng còi u u từ phía Nhà máy Dệt tung lên bầu trời. Xưa kia nó là tiếng còi tầm phát ra vào những lúc sáng, trưa, chiều, đều đặn mỗi ngày, theo sau nó là những bước chân rầm rập của những người đi trên đường phố. Tiếng còi bây giờ mang đến sự im ắng sợ hãi. Chẳng mấy chốc đã nghe thấy mấy tiếng “ục ục” vọng lại từ phía xa xa. Rồi người ta nhìn thấy từ phía ấy một cột khói bốc lên.
– Sở Dầu, nó đánh trúng Sở Dầu. – Ai đó nói tỏ vẻ thông thạo.
– Đúng rồi, Sở Dầu. – Một người khác nói như muốn bảo với người trước rằng anh cũng chẳng có gì giỏi hơn tôi.
Từ trên ban công tôi thấy những người nằm trên cáng. Họ đi từ phía phố Hoàng Văn Thụ hướng về phía bệnh viện. Tất cả đều bất động, người đầy bụi bặm, máu bám trên vài ba chỗ, nước da đã nhợt màu, có một người phụ nữ phi dê.
Mấy hôm sau thì tôi được đưa về quê nội. Ở đấy đã có bà Lác, Dũng và Hoa.