Có một người tên Hoàng Thế Dũng

Vũ Thư Hiên

Năm 1967 chiến tranh Mỹ-Việt nhích dần từ phía Nam ra phía Bắc. Nó được đặt tên là chiến tranh leo thang.

Ở báo ảnh Việt Nam sự bận rộn tăng lên từng ngày. Tờ báo một tháng mới ra một số, thời bình chúng tôi làm nhẩn nha, làm túc tắc, nhưng nay phải hối hả cật lực – bài đã được duyệt rồi phải làm lại, trình bày thành một bài mới.

Cựu Tổng Bí thư Trường Chinh, người cùng với nhiếp ảnh gia Trần Phượng khai sinh tờ báo ở Bắc Kinh, không bỏ thói quen duyệt các số báo sắp ra.

Theo phân công của toà soạn, tôi làm công tác biên tập, nhưng công việc bàn giấy không thích hợp với tôi. Tôi lên đường vào Khu Bốn khói lửa.

Trong thời gian này phương tiện thuận lợi nhất để có thể đi từ nơi này qua nơi khác là xe đạp. Những dòng sông chắn ngang quốc lộ chỉ còn đò hoặc phà tạm thay cho cầu gãy. Từ Thanh Hoá trở vào chỗ nào cũng có thể thấy những thị trấn hoang vắng, những làng mạc xơ xác, những cây cầu gục ngã với vô vàn hố bom to nhỏ hai bên.

Chúng tôi đã quen với chiến tranh. Tiếng bom nổ hoà với tiếng hát ru của mẹ không phải chỉ cho một thế hệ nằm nôi.

Nhưng bên cạnh chiến tranh thực còn có một chiến tranh khác âm thầm song hành. Nguyễn Tuân mô tả cuộc chiến tranh ấy thế này: “Không có đầu rơi, không có máu chảy, mà có người chết”. Đó là cuộc chiến tranh lặng lẽ giữa những người cùng một chiến hào. Cuộc chiến tranh này chỉ một bên tiến hành, bên kia chịu trận .

Chúng tôi chỉ biết chờ đợi đòn số mệnh sẽ giáng xuống, không chừng lúc nào.

Sau cái chết bất đắc kỳ tử của Dương Bạch Mai giữa giờ giải lao của một phiên họp Quốc hội năm 1964, lúc nào tôi cũng cảm thấy hơi lạnh của thanh gươm Damocles đung đưa trên đầu.

Bề ngoài, tôi vẫn còn là một viên chức nhà nước, một nhà báo, nhưng đi đâu, ở đâu tôi cũng thấy mối đe doạ rình rập, khi là lời nhắc nhở ý nhị của cấp trên, khi là những bóng thấp thoáng bám theo từng bước.

Ở những buổi nói chuyện cho cán bộ (tức là những buổi rao giảng chân lý cách mạng) các diễn giả nhắc lại bằng giọng hào hứng lời tân vương Lê Duẩn: “Kẻ nào không theo ta, kẻ đó chống ta”.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ lạnh lùng bấm nút cho bộ máy trấn áp hoạt động. Đêm đêm một tiếng phanh ô tô rít ngoài đường cũng làm tôi thức giấc. Những người đã công khai bộc lộ quan điểm bất đồng hoặc chỉ không thích thú đảng cầm quyền thường xuyên cảm thấy gặp hơi thở lạnh lẽo của thần chết ở sau gáy.

Tôi gặp Hoàng Thế Dũng nhiều nhất trong mấy năm căng thẳng ấy.

Hoàng Thế Dũng hơn tôi chục tuổi, kể ra không phải là nhiều, nhưng trong thời kỳ đầy những biến động lịch sử những người chỉ hơn vài ba năm cũng đã trưởng thành và già dặn hơn tôi nhiều, cũng đã ra dáng đàn anh.

Năm 1943, ở tuổi 18, Hoàng Thế Dũng đã tham gia cách mạng. Anh là chiến sĩ Việt Nam Giải phóng quân lúc 20 tuổi. Hai năm sau, ở tuổi 22, anh đã là một chính uỷ trung đoàn. Trong năm 1945 tiền khởi nghĩa anh đã cùng tướng Lê Liêm sau này giả danh quân đội Nhật tổ chức cuộc tước súng đồn Bần Yên Nhân của Pháp cho cách mạng. Anh từng chiến đấu ở nhiều mặt trận, trong nhiều chiến dịch, từng dẫn một cánh quân vượt biên giới Việt – Trung tấn công bất ngờ vào quân đội Tưởng Giới Thạch, giải phóng khu Thập vạn đại sơn trước khi quân của Trung Quốc đỏ tràn xuống Hoa Nam. Sau chiến dịch giải phóng biên giới 1950 anh là một trong 3 cán bộ trẻ được tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp triệu tập lên báo cáo tại Hội nghị tổng kết chiến dịch.

Đó là những gì bè bạn tôi cho tôi biết về anh, chứ vào thời gian đó chúng tôi chẳng có bụng dạ nào trò chuyện về những gì xảy ra trong quá khứ. Tôi chỉ nhớ tới hình ảnh Hoàng Thế Dũng giữa thập niên 60 khi anh còn là phó tổng biên tập tờ Quân đội Nhân dân: đầu húi cua, bộ quân phục nhàu nát, chiếc xe đạp cà tàng, cái xà cột méo mó quàng vai. nụ cười hiền lành trên gương mặt phong trần.

Năm 1967, như rất nhiều người khác bị coi là có “quan điểm xét lại”, Hoàng Thế Dũng bị Trưởng Ban tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ cho ngồi chơi xơi nước .

“Quan điểm xét lại” là một định danh mơ hồ được chụp lên đầu những kẻ có bất kỳ ý kiến khác, hoặc không giống, những lời phát biểu được coi như chân lý của các “lãnh tụ”.

Ngôi nhà gia đình tôi khi ấy bị cả Lê Đức Thọ, Trưởng Ban tổ chức Trung ương lẫn tân vương Lê Duẩn mệnh danh là “câu lạc bộ Pétofi”. Cả hai chắc chắn không biết câu thơ nào của nhà thơ cách mạng này, nhưng biết rõ sự kiện liên quan tới “những tên chống phá cách mạng từ câu lạc bộ Pétofi” ở Hungary. Cả hai, có thêm cựu vương Trường Chinh ba đều muốn dẹp nó ngay lập tức nhưng thời cơ chưa thuận lợi cho những cánh tay đã rất ngứa ngáy của họ.

Cha tôi không hiểu lý thuyết mác-xít, mặc dầu ông là người cộng sản từ những ngày đầu tiên của đảng cộng sản Đông Dương. Trước đó 5 năm ông đã là thành viên của tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí, tiền thân của đảng này. Vì ông có quan hệ rộng và cả vì thâm niên cách mạng, những người trung thành với cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc thường đến với ông, coi ông như người anh.

Cái chế độ xã hội chủ nghĩa bắt nguồn từ lý thuyết chủ nghĩa cộng sản ngày càng không hợp ý cha tôi. Ông vừa đi cùng vừa hục hặc với nó. Ông không được lòng những người hôm qua còn là đồng chí nay đã trở thành lãnh tụ quyền uy. Ngôi nhà từng là nơi lui tới của nhiều nhà cách mạng trong thời kỳ bí mật nay trở thành “ổ xét lại”.

Đến với cha tôi có nhiều người danh tiếng: Dương Bạch Mai, Bùi Công Trừng, Hoàng Minh Chính, Đặng Kim Giang, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Việt Châu, Hoàng Quốc Thịnh, Đặng Châu Tuệ… và rất nhiều người không danh tiếng khác. Con số những người sau vơi dần cùng với mức độ đe doạ tăng lên từ phía chính quyền.

Hoàng Thế Dũng là một trong số những người thường xuyên lui tới nhà tôi. Anh thường đi cùng Phạm Viết, một cán bộ trẻ hoạt động trong nội thành Hà Nội hồi kháng chiến chống Pháp. Khác với Hoàng Thế Dũng phong trần dày dạn, tính khí thâm trầm, Phạm Viết trông như một công chức lưu dụng. Nhưng hai người khác nhau lại rất tâm đắc trong nhận định thời cuộc. Khi cha tôi có nhà, tôi ngồi im lặng nghe người lớn nói chuyện, cho dù đó là những câu chuyện mà tôi có thể tham gia. Đó là một tập quán, theo tôi là tốt, trong những gia đình Việt Nam – khi cha mẹ nói chuyện với khách, con cái không được nói leo. Tôi chỉ nói chuyện với Hoàng Thế Dũng khi anh chợt tới mà cha tôi đi vắng.

Sau chín năm ở tù, tôi được thả. Trong căn phòng rỗng tuếch, cái tủ quần áo là đồ vật có giá nhất đã bị bán. Tôi lao vào đủ thứ việc để kiếm ăn cho vợ con.

Tôi gặp may: anh Lê Sĩ Thiện, cựu giảng viên thông tin của trường sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn đã chuyển ngành và về hưu kéo tôi hợp tác với anh trong việc mưu sinh. Đó là một con người tài ba và uyên bác. Anh bày cho tôi cách sản xuất những thứ thị trường cần. Một trong những sản phẩm đó là bột màu quét tường. Chúng tôi mua phtalocyanine xanh dương và xanh lam của Trung Quốc trộn với carbonate calci chế ra thứ hàng hiếm đó. Hoà bình rồi, nhiều người muốn trang trí nhà cửa, cho nên nó là thứ bán chạy. Không có vốn, chúng tôi kéo được mấy người có tiền bỏ vốn cho chúng tôi để sản xuất thu lãi.

Từ nhà tù về Hoàng Thế Dũng gày rộc, tóc thưa, mắt mờ, cử chỉ trước kia gọi là điềm đạm thì nay trở nên chậm chạp.

Lê Sĩ Thiện ở trong quân đội hồi kháng chiến chống Pháp, giảng viên khoa thông tin của nhiều khoá sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn từng nghe danh chính uỷ của trung đoàn Một Không Hai (102) nổi tiếng rất kính trọng anh.

– Ta phải giúp anh ấy thôi – Lê Sĩ Thiện nói.

Khốn nỗi người hùng một thời của chúng tôi chỉ giỏi đánh giặc chứ không biết gì về hoá học. Không thể đưa anh vào nhóm nghiên cứu những mặt hàng cần đến kiến thức khoa học, tôi đưa anh vào tổ hợp sản xuất “ve quét tường”.

Hoàng Thế Dũng làm việc như một công nhân mẫu mực, rất chăm chỉ. Chủ vốn của tổ hợp tác – một người đàn bà Tày tham lam và giảo quyệt – biết chúng tôi quý trọng anh thế nào nên đối với anh cũng nương nhẹ, với một chút trọng vọng, thậm chí bà ta còn trả lương cho anh cao hơn các tổ viên khác.

Viết những dòng này tôi như thấy lại gương mặt hốc hác xanh lè của anh. Cái giống bột phtalocyanine nó thế. Những hạt màu rất nhẹ bay lên, bám chặt vào da, cứ để nguyên thì không sao, hễ quệt tay vào đâu thì màu xanh xuất hiện ở đó, chùi không sạch, càng chùi lại càng xanh. Trông anh mà thương. Chúng tôi có kinh nghiệm nên không quệt tay lên mặt, nhưng mặt anh ra mồ hôi, anh quệt luôn tay thành thử hết giờ làm, tôi rủ anh đi ăn cùng, vào hiệu nào thiên hạ cũng trợn mắt nhìn. Làm sao người ta có thể biết người công nhân lam lũ kia nếu không có tấm lòng ngay thẳng thì đã là một ông tướng.

Làm công nhân tổ hợp lương không đến nỗi tồi, nhưng khi những bạn chiến đấu cũ nay làm việc ở tạp chí Lịch sử Quân sự thấy anh vất vả, và cũng tiếc tài năng của anh nữa, mời anh cộng tác với họ thì anh quyết định bỏ việc để trở về với giấy bút.

Chính trong những ngày này Hoàng Thế Dũng kể cho tôi nghe về chiến dịch Thập vạn đại sơn mà sau này người ta nể Trung Quốc không dám nói tới, mà có nói thì cũng bớt đi nhiều chi tiết hào hùng.

Tôi có đọc về chiến dịch này, do chính Hoàng Thế Dũng viết, nhưng tôi biết chắc anh đã phải viết nó dưới sự chỉ đạo của trên, khi ấy rất kiêng nể Trung Quốc, câu chuyện đã bị biên tập lại, bị cắt xén đi, không giống chuyện anh kể.

Hoàng Thế Dũng vĩnh biệt chúng tôi khi tôi ở rất xa anh. Ký ức về anh thì còn mãi trong tôi.

Tôi ghi lại vài dòng về số phận nghiệt ngã của anh, để những thế hệ sau biết những gì đã xảy ra cho anh, một trong những người đi đầu trong Cách mạng Tháng Tám.

Comments are closed.