Cá nhảy

Tạp bút Hà Thúc Sinh

Đất nước chàng nhiều món ăn lắm. Bằng chứng ngày nay bao nhiêu loài thú hoang dã đã từ từ chui vào bụng con người. Dư luận báo động ầm ỹ. Nhưng từ Sài Gòn ra Hà Nội, từ quê đến tỉnh, những quán nhậu với các loại thú ấy vẫn nườm nượp sánh vai, phục vụ khẩu vị con người. Lớn như hổ báo, nhỏ như con voọc con linh trưởng… tất cả vơi dần. Nhiều cánh rừng già không còn tiếng thú mà chỉ còn tiếng gió thổi rỗng buồn cho một thời tận diệt.

Món rừng thì chín, nhưng món sông món biển? Người mình kinh lắm. Chẳng biết từ bao đời truyền lại những món ăn kinh dị và dã man, chẳng hạn món cá nhảy. Đó là một món gỏi cá hỗn hợp các loại cá như cá chép, cá giếc, cá bống, có thể cả cá rô, mỗi con độ mười phân dài. Người ta bằm hoa chuối, ớt và các lá gia vị. Trộn các thứ này với chanh, nước mắm. Và trộn luôn những con cá còn sống còn vảy vào với các thứ rau trên. Rồi ăn.

Cá còn sống giành sự sống, nhảy văng ra ngoài. Mâm ăn đầy dẫy tiếng cười nói:

“Nhảy à? Tao tém mày trước!”.

Một bàn tay của định mệnh vươn ra. Một anh mồm đầy rau chuối chụp vội con cá chép đang giãy trên đất, nhét vào hàm răng và nhai ngấu nghiến. Nhớt, tanh…, hình như anh ta không có ý niệm gì về những từ này.

Đó là món gỏi cá nhảy của dân tộc Thái ở Lào Cai miền Bắc và cả của đám bợm nhậu ở Vũng Tàu miền Nam.

***

Nhưng bàn tay định mệnh của dân tộc to bao la hơn nhiều. Từ 1975, bàn tay ấy đã lộ rõ và đám cá nhảy đã quen mùi tự do, ngộp không chịu nổi, nhảy tứ tung ra khỏi cái chậu rau heo của đất nước. Ròng rã mấy chục năm trời với cả triệu “con cá nhảy” đã chết trong hàm răng ngấu nhiến của đáy bể hoặc rừng già!

Đau thương là thứ để người sống hưởng. Biết bao gia đình tan nát. Vợ mất chồng, cha mất con, ông mất cháu. Giữa khi trên bàn tiệc xa hoa, đám cầm quyền răng đen mã tấu hấp thụ thật nhanh nền văn minh vật chất, và ngày nay đang tận lực hút hết tinh tủy của non sông.

Cá nhảy sau gần nửa thế kỷ đã lây lan từ miền Nam ra miền Bắc, và giờ đây không chỗ nào lại không có. Bất kể tôn giáo, trình độ văn hóa, tuổi tác, kinh thượng… Nhảy được là nhảy. Cá nhảy ở khắp mọi nơi. Và không thiếu những con bạc phước bị những bàn tay định mệnh vươn ra, vồ lại, và nhai ngấu nghiến trong hàm răng không hề sợ vảy và nhớt.

Những hàm răng đã khiến người ta không còn nhận diện được những con gấu xám Bắc Mỹ đứng đón bắt cá hồi và những kẻ thuộc hàng ngũ đỉnh cao trí tuệ…

Trời ơi, chàng không thể hiểu được vì đâu đất nước ra nông nỗi! Và không thể hiểu được loại âm binh nào chống lưng cho chúng sống lâu như thế. Và đến bao giờ đất nước mới không còn đám cá phải nhảy?

***

Nhưng mới hôm qua đây thôi, khi mùa Thu đang trút lá xuống đất trời Âu Châu, và người ta đang vui hưởng một mùa đẹp nhất trong năm khi lá trở màu xanh vàng tím đỏ, và thời khí se lạnh để những cô gái ra đường mặc sức làm đỏm với những quần áo ngự hàn nhiều màu sắc, thì đâu đó trên đất nước Anh có 39 “con cá nhảy” Việt Nam còn rất trẻ, chết một cái chết kinh hoàng, chết chồng chất trong một quan tài lạnh âm 25 độ C.

Vâng, đó là ngày 23 tháng 10 năm 2019, 39 con cá nhảy ấy từng muốn nhảy ra khỏi vũng bùn Việt Nam với giấc mơ đẹp: Tìm được vùng đất sống mới có một bầu khí trời trong lành để thở, có một việc làm tươm tất để sống, có một đời sống tự do để thực sự làm người…

Bàn tay định mệnh đã quơ một lượt đủ 39 con và nhai ngấu ghiến trong hàm răng kinh hoàng của nó.

Chàng cứ ngẩn người ra. Sao lại như thế được? Chàng nhìn qua các mặt báo thế giới. Dường như không mặt báo nào không bày tỏ nỗi tiếc thương, trừ những mặt báo ở quê nhà chỉ đưa chút tin nhạt nhẽo kiểu “xe cán chó”!

Và chàng không thể không bật khóc khi đọc mấy chữ của một cô gái tên Phạm Trà My, rõ ràng đã nhảy an toàn ra khỏi vũng bùn Việt Nam, viết gửi bố mẹ như những lời sau cùng qua điện thoại cầm tay: “Con xin lỗi bố mẹ, con đường đi nước ngoài không thành, con chết vì không thở được, con thương bố mẹ nhiều, mẹ ơi con xin lỗi mẹ…”.

Chàng nói ngậm ngùi: Em ơi, em chẳng phải xin lỗi ai cả.

Chính thế hệ anh phải xin lỗi em vì các anh đã để mất nước, và để em phải nhảy qua một bước tử sinh lúc tóc còn xanh…

28-10-2019

Comments are closed.