Trần Mộng Tú
Từ một thời xa xăm nào đó cà phê được một vài tu sĩ công giáo người Pháp mang vào Việt Nam trồng trong sân nhà thờ ở những vùng Hà Nam, Quảng Bình, Kontum, sau đó các chủ đồn điền Pháp trồng ở Phủ Quỳ – Nghệ An rồi tới Đắc Lắc và Lâm Đồng, nên người Việt trưởng thành ở miền Nam rất thân quen với hương vị cà phê.
Trong Nam, thành phần nào trong xã hội cũng thưởng thức cà phê buổi sáng, buổi trưa, buổi tối. Nghĩa là bất cứ lúc nào. Điểm tâm, hò hẹn tình nhân, hẹn công việc làm ăn lớn, nhỏ, bàn thời sự, chính trị buổi trưa, hay đi chơi buổi tối, không thể thiếu ly cà phê trước mặt.
Những tiệm ăn sáng bình dân nấu cà phê trong những chiếc túi vải may theo hình chiếc vớ, được gọi là “Cà Phê Bí Tất”. Ly cà phê gọi tên là Xây Chừng (Chịu không biết do đâu mà có tên này). Đây có thể là phiên âm từ tiếng Hoa sang. Trong quán điểm tâm của các chú Ba rất hào hoa, thường rót cà phê đầy tràn ly, khách ẩm thực giới lao động cầm cả đĩa lên uống chỗ cà phê tràn trên đĩa. Hoặc đôi khi họ đổ cà phê ra đĩa cho nguội, rồi mới bưng lên uống, (khỏi mất thời giờ chờ lâu) nhưng ly cà phê của họ cũng nhỏ thôi, uống độ ba ngụm là hết. Cách uống như thế nói lên cái dung dị của người lao động miền Nam.
Những nhà hàng lịch sự như: Brodard, Givral, Pagode là nơi của các nhà văn, nhà báo, chính khách, tụ họp nhau cà phê bao giờ cũng phải cà phê phin (filter). Có những người miền Bắc (có lẽ sống ở nông thôn) sau 1975 vào Nam ngỡ ngàng với phin cà phê, gọi là “Cái nồi ngồi trên cái cốc,” rất tượng hình.
Cà phê hay đi đôi với thuốc lá. Thưởng thức cà phê, họ ngồi nhìn những giọt lệ đen thong thả nhỏ xuống tách từng giọt một. Trong khi đợi cà phê, đốm lửa lập lòe trên đầu điếu thuốc lá. Một hình ảnh rất đẹp trong những chiều mưa bong bóng.
Cà phê ngon đúng độ, pha đúng cách phải có mầu nâu vàng đậm óng ánh như màu cánh gián. Nếu đen thui là cà phê đó đã được pha chế vào một loại hạt nào khác như ngô, đậu. Không thể nào cho bạn tách cà phê ngon được.
Có người nói, cà phê pha bằng máy Expresso ngon hơn pha phin, vì độ nóng chính xác của hơi nước làm cà phê tiết ra mùi vị trung thực của nó, pha phin không phải lúc nào cũng ngon như ý mình muốn. Họ quên mất một điều, thưởng thức cà phê không phải chỉ bằng vị nếm mà còn bằng mắt nhìn.
Từng giọt, từng giọt rơi xuống cái ly thủy tinh trong suốt như kéo thời gian chậm lại, níu lại một khoảng khắc nào đó trong đời. Đợi cà phê rơi xuống có thể rơi theo một câu thơ, có thể là cái cớ thốt lên một lời hứa hẹn, hay xóa tan một nỗi buồn.
Không còn gì tuyệt diệu hơn.
Tôi nhớ hồi đi học. Thầy dậy Pháp Văn của chúng tôi là một vị tu xuất. Thầy thuộc rất nhiều thơ Việt, thơ Pháp. Chúng tôi chưa đủ giỏi để thuộc những bài thơ Pháp khó khăn. Thầy hay kiếm bài giản dị đọc cho chúng tôi nghe trong giờ giảng bài, vừa đọc vừa dịch. Thầy chọn bài nào cũng hay cả, tôi nhớ được một bài giản dị nhất và theo tôi cũng là hay nhất trong những bài thầy đọc. Một bài thơ về cà phê rất lãng mạn.
Bây giờ lớn tuổi nghĩ lại, tôi biết người thầy dạy Pháp Văn của mình hồi đó phải có một chút thơ, có một chút lãng mạn trong máu, nên học trò mới được thưởng thức những câu thơ của Jacques Pérvert, tôi xin trích một đoạn trong bài Điểm Tâm- Déjeuner du matin
Il a mis le café Chàng bỏ cà phê
Dans la tasse vào trong cái tách
Il a mis le lait chàng bỏ thêm sữa
Dans la tasse de café vào tách cà phê
Il a mis le sucre chàng bỏ thêm đường
Dans le café au lait vào cà phê sữa
Avec la petite cuillère với chiếc muỗng nhỏ
ll a tourné chàng quấy khe khẽ
Il a bu le café au lait chàng uống nhè nhẹ
ly cà phê sữa
Et il a reposé la tasse để cái tách xuống
Sans me parler Không lời với tôi
Cái hình ảnh một thầy giáo trẻ cầm viên phấn trắng trên tay, đi qua đi lại trong lớp học, có khi thầy ghé ngồi vào một góc đầu bàn của nam sinh, cất tiếng đọc mấy câu thơ tiếng Pháp, những câu giản dị, dễ hiểu nhưng rất gợi hình như những câu trên, học trò cứ ngây người ra nghe. Các nam sinh thì ao ước được làm anh chàng đang tự pha cà phê đó, các nữ sinh thì mong được làm người yêu, ngắm nghía chàng pha cà phê, uống cà phê, rồi… đội mũ lên đầu, bỏ đi. Sans me parler- Không lời với tôi. Lãng mạn như thế, làm sao mà quên được!
Bao nhiêu năm tháng trôi qua, vào những sáng mưa nho nhỏ, với ly cà phê nho nhỏ, đứng nhìn ra cửa sổ, mưa bay bay trên con dốc, trên những tán lá xanh ngọc, uống từng ngụm cà phê cũng nho nhỏ, những câu thơ lãng mạn đó lại quay về trong lồng ngực.
Mưa ở Seattle tinh khiết hơn bất cứ ở đâu nên màu diệp lục trên những tán lá óng ả, mượt mà hơn. Cà Phê Starbucks, Cà Phê Seattle Best, đều gần lắm, gần như ở ngay bên cạnh hiên nhà. Những giọt cà phê nho nhỏ, thơm ngát rơi rất nhẹ vào chiếc tách sứ mong manh có hoa văn hay chiếc ly thủy tinh trong suốt đều cho một nỗi quyến rũ rất dịu dàng
Cà phê ơi cà phê ơi!
Giọt ngọt giọt đắng em mời môi thơm.
Ừ thì có giọt đắng hơn
Em nghiêng tách xuống rót buồn sang anh. (tmt)
Bạn tới thăm Seattle đi, thế nào tôi cũng phải đưa tới tiệm Starbucks đầu tiên được thành lập ở Down Town Seattle. Chúng ta sẽ tuần tự, lịch sự, kiên nhẫn, xếp hàng chờ tách cà phê được đưa ra cho bạn đón lấy, rồi ngồi xuống ghế. Hay bạn đợi để có một ly cao hơn một chút, có thể mang ra ngoài, vừa uống từng ngụm nhỏ vừa nhìn ngắm chợ hoa bên kia đường. Starbucks được một trong ba người sáng lập là nhà văn, hai người kia là giáo sư Anh Văn và giáo sư môn Sử. Cả ba người điều thấm đậm tinh hoa của văn chương, chữ nghĩa, nên có phải nhờ đó những ly cà phê của họ làm ra đến với giới thưởng ngoạn, có cái thanh cao, nhã đạm ở từng giọt tan trong miệng mình.
Bao nhiêu bài thơ được viết xuống, bao nhiêu bài tường thuật tin tức và bao nhiêu những trăn trở, tính toán, lo toan, vui buồn, chẩy xuống theo những giọt cà phê?
Ai còn nhớ cà phê trong những phòng trà của Sài Gòn, uống từng ngụm nhỏ theo tiếng hát của Thái Thanh, Lệ Thu,Thanh Thúy hay trong những quán nhỏ bên đường, nơi hò hẹn của những người bắt đầu yêu hay đã yêu,
hai người uống chung một tách cà phê.
Người ta hay nghe được câu gọi cà phê như thế này ở những cặp tình nhân trẻ trong quán cà phê ở Đakao của một Sài Gòn thủa trước.
– Cho một ly cà phê sữa và một ly sữa cà phê
Người chủ quán biết ngay là ly của chàng thì cà phê đậm đặc với một chút sữa và ly của nàng thì sữa với một chút cà phê cho thơm thôi.
Cà phê là một khía cạnh văn hóa rất đẹp của miền Nam. Những người ra đi mang theo văn hóa này đến những phần đất họ cư ngụ nên rất nhiều người bản xứ biết và thích “Cà Phê Việt Nam”
Tôi may mắn có Cà phê Starbucks nổi tiếng thế giới ngay trong thành phố tôi ở. Tôi cứ đi vài ba ngã tư đường lại thấy một quán Starbucks.
Starbucks theo chân ta đến khắp mọi nơi và trao cho ta những giọt cà phê thanh nhã, những ngụm cà phê tuyệt vời.
Starbucks sang Việt Nam và sang đến cả Trung Hoa. Đây là hình ảnh tôi được xem trên trang mạng vào ngày trái đất 22 tháng 4 năm 2017.
Theo truyền thông Trung Cộng đưa tin, hưởng ứng Ngày Trái Đất thế giới 22/4, hãng cà phê nổi tiếng Starbucks đã có một số chương trình hoạt động khuyến mãi vô cùng hấp dẫn.
Theo đó, khách hàng mang cốc riêng đến một số cửa hàng trong chuỗi Starbucks sẽ được uống cà phê miễn phí. Để đáp ứng lời mời ngọt ngào ấy, từ sớm, một hàng dài người đã xếp hàng chờ tới giờ mở cửa. Điều đáng nói ở đây, là mọi người tới không phải mang theo cốc, mà là tô lớn, nồi, chảo, chậu rửa mặt, thậm chí can đựng nước 20 lít.
Chao ơi! Hình ảnh những người cầm nồi, chảo đi nhận cà phê miễn phí trông thật đau lòng.
Tôi nhớ dân tộc Trung Hoa với tách trà, ấm cổ, nổi tiếng thanh lịch về trà và về cách uống trà. Sao từ trà sang cà phê lại đến nỗi này.
Có phải những người Trung Hoa trong sách tôi đọc ngày xưa và những người Trung Hoa ngày nay không cùng một chủng tộc.
Một anh bạn văn nói, xem hình này thấy phục Starbucks quá! Đem thau chậu to, nhỏ, cỡ nào cũng được rót đầy. Đây mới gọi là hành động thương mại siêu việt.
Còn tôi, chỉ biết thảng thốt kêu:
Cà phê ơi! Cà phê ơi!
tmt 5/5/2017