Truyện James Joyce
Trịnh Y Thư chuyển ngữ từ ấn bản Dubliners, NXB Alfred A. Knoff, 1991
Lời người dịch: James Joyce (1882-1941), đại thụ của văn học Ireland đầu thế kỷ XX, thường được xem là một trong vài ba nhà văn có tầm vóc lớn, ảnh hưởng bao trùm văn học thế giới suốt thời kỳ Hiện đại trải dài gần hết thế kỷ XX. Ông nổi tiếng nhất với tiểu thuyết Ulysses. Các tác phẩm chính khác là tập truyện ngắn Dubliners, các tiểu thuyết A Portrait of the Artist as a Young Man và Finnegans Wake. Truyện ngắn Cái chết, viết năm 1907, là truyện in sau cùng trong tập truyện Dubliners xuất bản năm 1914. Tuy được gọi là truyện ngắn nhưng nhiều nhà phê bình-biên khảo văn học xem đó là một truyện vừa. Ngoài sự khác biệt về hình thức, truyện này hình như cũng có quan điểm, lập trường đạo đức khác đối với quốc gia Ireland, và thường được xem là đóng vai trò chuyển tiếp quan trọng giữa các tác phẩm ngắn, dễ hiểu, dễ đọc hơn trước đó của ông và các tác phẩm dài hơi, trĩu nặng kỹ thuật “dòng ý thức” tinh vi, khó đọc, khó hiểu vì đầy các ẩn dụ mã hóa, về sau. Truyện Cái chết, giống như hầu hết các tác phẩm hư cấu khác của Joyce, có vẻ như không có nhiều diễn biến về mặt hành động bề mặt. Sự cộng hưởng thực sự của câu chuyện đến từ cốt truyện phức tạp và những nét tinh tế về chủ đề được kết hợp vào cấu trúc cơ bản của nó. Truyện thu hút sự chú ý rất lớn của giới biên khảo, phê bình, và được đạo diễn John Huston dựng thành phim năm 1987. Câu chuyện bắt đầu bằng bữa tiệc khiêu vũ tại nhà hai phụ nữ luống tuổi sống chung với cô cháu gái tên Mary Jane. Nhân vật chính diện là Gabriel, cháu trai của hai phụ nữ, một trí thức, dạy học tại trường đại học và viết mục điểm sách cho báo. Phần lớn chữ nghĩa của truyện được Joyce sử dụng để miêu thuật bữa tiệc với những chi tiết phong phú và thú vị có khả năng dựng lại một xã hội trung lưu đô thị Dublin những năm đầu thế kỷ XX. Chỉ sang đoạn kết của truyện người đọc mới hiểu ra ý nghĩa của truyện là gì. Đằng sau những hành động, những tự sự miêu thuật bình thường, thậm chí tẻ nhạt, là tiềm năng diễn giải phong phú của câu chuyện. Một trong những dấu ấn của Joyce trong văn chương là không bao giờ để lộ một chủ ý rõ rệt nào mà luôn “mở” cho người đọc tùy nghi và tùy tiện diễn dịch hoặc phỏng đoán. (Một giai thoại không rõ có đúng không là: Có người hỏi tại sao ông viết cuốn tiểu thuyết Ulysses khó hiểu như vậy, để làm gì, thì ông trả lời, “Để các nhà phê bình biên khảo bận rộn đọc trong suốt 300 năm tới.”) Dễ hiểu hơn, tựa đề của truyện Cái chết gợi ý chủ đề chính của nó: nhận thức về quá khứ – người chết hay cái chết – đối với một cá nhân và cách thế của cá nhân sẵn sàng hoặc miễn cưỡng chấp nhận quá khứ đó. Câu chuyện kết hợp nhiều mối liên hệ với quá khứ thông qua nhiều mô-típ khác nhau xuyên suốt câu chuyện. Vào thời điểm Joyce viết truyện ngắn này, dân tộc Ireland đang trong giai đoạn sôi động về cuộc đấu tranh đòi chủ quyền đất nước từ tay người Anh. Quan điểm chính trị của Joyce là xã hội cấp tiến, mặc dù không tán đồng đường lối bạo động đổ máu. Bởi thế không có gì lạ nếu ông đưa vào truyện những bội âm chính trị. Phần đầu truyện, giữa những đoạn tự sự có vẻ như vô thưởng vô phạt, Joyce đưa vào cuộc đấu khẩu, đúng hơn, cuộc chất vấn thẳng thừng, đôi lúc gay gắt, giữa Gabriel và cô Molly Ivors, một đồng nghiệp của anh, đối với vấn đề bản sắc của quốc gia và dân tộc Ireland. Cô Ivors là người theo chủ nghĩa dân tộc, chủ trương phục hồi và phục hoạt lại ngôn ngữ, văn hóa Ireland ra khỏi ảnh hưởng sâu đậm của Anh Quốc sau mấy thế kỷ bị thực dân Anh chiếm đóng và tìm cách đồng hóa. Trong khi Gabriel là người lừng khừng, thiếu lập trường dân tộc. Về mặt trí tuệ, anh có xu hướng ngả về “phương Đông”, tức Châu Âu và Anh. Tuy nhiên, bước vào phần kết, người đọc bắt gặp những phân cảnh đầy kịch tính giữa Gabriel và Gretta, người vợ của mình. Lúc chuẩn bị ra về sau buổi tối tiệc tùng, khiêu vũ nhộn nhịp và hào hứng, trong bóng tối của gian sảnh ngôi nhà, Gabriel bỗng nhìn thấy vợ mình đứng trên cầu thang lắng nghe một điệu hát từ trong phòng vẳng ra. Khi về khách sạn, Gretta thú nhận với anh là bài hát khiến cô nhớ lại người bạn trai thuở thanh xuân đã chết vì cô. Điều này khiến Gabriel chấn động. Anh chấn động không phải vì ghen tuông mà vì anh thốt nhiên nhận thức ra nhiều vấn đề mà chính anh đã vật lộn, liên quan đến việc hình thành một chiều kích mới cho bản sắc của mình, như nhận thức để hiểu ra ý nghĩa phức tạp hơn của tình yêu và mối liên hệ sâu sắc hơn với di sản của chính mình. Đây chính là chủ đề xuyên suốt tập truyện Dubliners: các nhân vật, do một biến cố ngoại tại nào đó, bỗng nhiên như trải qua một giây phút khải thị. Nhưng sự khải thị ở đây không hàm chứa một bội âm tín ngưỡng trong chiều kích tâm linh nào, mà là sự tin tưởng mãnh liệt hơn, rõ rệt hơn vào chính bản thể của sự vật. Nhiều nhà biên khảo còn đi xa hơn, gọi đó là sự phục sinh. Bối cảnh của câu chuyện là mùa Giáng Sinh, mùa của hiển linh khải thị – điều không được đề cập rõ ràng nhưng phải suy ra từ văn bản – đã gợi ý cho nhiều nhà phê bình cho rằng trong suốt câu chuyện, nhân vật Gabriel hướng tới sự khải thị của riêng mình, và về bản chất thật của sự vật. Ta không biết rõ có con người nào khác trỗi lên từ sự khải thị này của Gabriel hay không, nhưng câu nói “Đã đến lúc anh phải lên đường về phía tây” là gì nếu không phải sự lột xác bước ra khỏi cái hiện có vốn bế tắc, tuyệt vọng. Cái cũ phải chết đi để cá thể mới có thể nảy sinh và thức dậy với một nhận thức cao rộng, phổ quát hơn. Cũng có nhận định cho rằng trạng thái của Gabriel lúc đó chỉ là trạng thái nửa tỉnh nửa mê, thậm chí một nhận thức thoáng qua, một giây phút lãng đãng, phiêu bồng, chẳng có ý nghĩa gì đáng kể. Riêng nhà phê bình Richard Ellmann, người viết bộ sách tiểu sử về Joyce được đánh giá cao, thì lập luận rằng trong truyện ngắn Cái chết, Joyce đã vẽ ra một bản nháp về chính bản thân mình nếu ông ở lại Ireland, nếu ông không chọn cuộc sống lưu vong để theo đuổi nghệ thuật của mình. Bởi sự thật là Joyce lìa bỏ quê hương Ireland năm 24 tuổi và sinh sống tại nước ngoài gần như trọn cuộc đời sau đó. Vẫn theo các nhà phê bình, truyện còn chứa đựng nhiều biểu tượng. Thí dụ, từ đầu tiên của truyện là “Lily”, tên của con gái người quản gia, người chào đón khách đến dự tiệc. Hoa lily (loa kèn) có mối liên hệ tiềm ẩn với cái chết và sự phục sinh, vì nó là loại hoa thường được người Tây phương dùng trong đám tang và gợi ý về sự phục sinh. Ngoài ra, nó là biểu tượng của tổng lĩnh thiên thần Gabriel, người chào đón những người chết lên thiên đường, vì vậy nó báo trước sự xuất hiện của Gabriel Conroy. Màu trắng của hoa loa kèn cũng có thể gợi ý về tuyết, vốn là mô-típ chính trong truyện, trong mối liên hệ của nó với cái lạnh – hay cái chết – nhưng cũng nằm trong ý niệm che phủ, bảo tồn và cuối cùng cung cấp nguồn lực cho sự tái tạo hoặc hồi sinh. Đoạn cuối, tuyết bên ngoài cửa sổ được sử dụng như một biểu tượng gợi ý những mối liên hệ lớn hơn với nhân loại, một loại tính phổ quát và trải nghiệm phổ quát mà Gabriel hiện có thể thừa nhận hoặc ít nhất nhận thức được. Dịch Cái chết của James Joyce là một thách thức lớn đối với tôi, mặc dù truyện ngắn này tương đối khá dễ dàng tiếp cận vì không có những kỹ thuật “dòng ý thức” viết tinh vi, không có những ẩn dụ, ám dụ, mã số bí hiểm như những tác phẩm về sau của Joyce, mà người đọc thông thái nhất cũng phải điên đầu. Tuy vậy, vẫn có những đoạn hiểm hóc, khó dịch, và nhất là Joyce có xu hướng sử dụng phương ngữ hoặc cách nói đặc thù của người Ireland, mà nếu không tra cứu cẩn thận thì sẽ hiểu sai và bản dịch trở nên ngớ ngẩn, thậm chí vô nghĩa. Trong lúc dịch, tôi đã thiết lập một bảng chú thích hầu giúp người đọc tiếng Việt đỡ mất công tìm hiểu để thưởng thức một áng văn chương danh tiếng thế giới. Và nếu có những sai sót nào thì đó là do khả năng kém cỏi của người dịch, mong quý độc giả lượng tình chỉ giáo để bản dịch được hoàn chỉnh hơn. TYT |
Lily, cô gái con người quản gia, thực sự không giây phút nào được nghỉ chân. Cô vừa mới đưa một quý ông vào gian phòng nhỏ phía sau văn phòng ở tầng trệt và giúp ông cởi áo khoác ngoài thì tiếng chuông cửa rè rè lại vang lên và cô lại phải tất tả bước dọc theo hành lang trống trải để đón một vị khách khác vào. Cũng may cho cô là cô không phải phục vụ quý bà quý cô. Nhưng dì Kate và dì Julia đã dự liệu điều đó và biến phòng tắm trên lầu thành phòng thay đồ dành cho quý phụ nữ. Hai dì Kate và Julia đứng đó tán chuyện, cười nói ồn ào, đoạn líu ríu đi theo nhau đến đầu cầu thang, nhìn xuống lan can và gọi Lily để hỏi xem những ai đã đến.
Đó luôn là một sự kiện lớn, buổi khiêu vũ hằng năm của các bà trong gia đình Morkan. Tất cả những người quen biết đều đến dự, người trong gia đình, bạn cũ của gia đình, các thành viên trong dàn hợp xướng của dì Julia, bất kỳ cô cậu học sinh nào đã trưởng thành của dì Kate, và thậm chí cả một số học trò của Mary Jane nữa. Chưa lần nào buổi dạ vũ thường niên bị thất bại. Năm này qua năm khác, người ta nhớ là lần nào nó cũng diễn ra thật lộng lẫy; kể từ khi hai dì Kate và Julia, sau cái chết của người anh trai Pat, đã rời ngôi nhà ở Stoney Batter và đưa Mary Jane, cô cháu gái duy nhất của họ, đến chung sống trong ngôi nhà tối tăm, tồi tàn ở Usher’s Island [1]. Ngôi nhà họ thuê của ông Fulham, chỉ ở tầng trên, tầng trệt dưới nhà là cơ sở sản xuất ngô. Đó là một ngày dễ thường cách đây ba mươi năm. Mary Jane lúc đó là một cô bé mặc áo quần ngắn cũn cỡn, giờ là trụ cột chính của gia đình vì cô là nhạc sĩ đàn đại phong cầm trong giáo đường trên đường Haddington [2]. Cô từng theo học và tốt nghiệp Nhạc viện, cô cũng tổ chức các buổi hòa nhạc dành cho học sinh hằng năm ở phòng trên tòa nhà hòa nhạc Antient. Nhiều học sinh của cô là con cháu các gia đình tầng lớp khá giả ở quận hạt Kingstown và Dalkey. Hai bà dì của cô, mặc dù đã có tuổi nhưng cũng làm tròn phần việc của mình. Dì Julia, tóc đã bạc nhiều, vẫn là giọng soprano chính trong Adam & Eva [3], còn dì Kate, vì sức khỏe không cho phép đi lại nhiều, thì ở nhà dạy đàn cho những người mới học nhạc với chiếc piano loại nhỏ vuông vức cũ kỹ ở phòng sau. Lily, con gái người quản gia, giúp việc nhà cho họ. Tuy cuộc sống không lấy gì làm khá giả nhưng họ rất chú trọng đến việc ăn uống; thức ăn thức uống trong nhà phải là các thứ ngon nhất: thịt bò bíp-tếch loại hảo hạng, trà giá ba shilling và bia đen loại vô chai ngon nhất. Lily hiếm khi phạm phải sai lầm trong lúc làm việc nhà việc cửa nên cô rất hòa thuận với ba bà chủ của mình. Họ cầu kỳ, chỉ thế thôi. Điều duy nhất họ không chịu nổi là những câu trả lời cãi ngược lại họ.
Tất nhiên, họ có lý do chính đáng để rối rít trong một buổi dạ vũ như đêm nay. Đã quá mười giờ từ rất lâu mà vẫn không thấy bóng dáng vợ chồng Gabriel đâu. Hơn nữa, họ sợ đến phát khiếp nếu anh chàng Freddy Malins lại giở trò gì đó gây rắc rối. Họ chẳng mong muốn tí nào các cô cậu học trò của Mary Jane nhìn thấy anh chàng Freddy say bí tỉ; những lúc anh ta như vậy, rất khó để kềm giữ cho anh ta bình thường. Anh ta luôn đến muộn, nhưng họ tự hỏi điều gì có thể khiến Gabriel bị chậm chân: và đó là lý do cứ hai phút đồng hồ họ lại chạy ra lan can thò người xuống hỏi Lily xem Gabriel hay Freddy đã đến chưa.
“Ồ, kính chào ngài Conroy,” Lily nói với Gabriel lúc cô mở cửa cho anh vào, “Dì Kate và dì Julia tưởng ngài không đến được. Kính chào bà Conroy.”
“Chắc hẳn hai bà dì của tôi sốt ruột lắm,” Gabriel nói, “nhưng đừng quên rằng bà vợ tôi đây mất đến ba tiếng đồng hồ chết người mới mặc xong quần áo.”
Anh đứng trên thảm, cạo tuyết bám trên đôi ủng cao su, trong khi Lily đưa vợ anh đến chân cầu thang, gọi lớn:
“Thưa dì Kate, bà Conroy đã đến.”
Hai bà Kate và Julia ngay tức khắc bốn chân xiêu tó bước xuống chiếc cầu thang tối mò. Cả hai người ôm hôn vợ Gabriel, nói rằng có thể chết đi được vì mong đợi và hỏi Gabriel có đi cùng không.
“Cháu ở ngay đây này, dì Kate ơi! Dì lên lầu trước đi. Cháu sẽ lên sau,” Gabriel từ trong bóng tối nói vọng ra.
Anh tiếp tục cạo tuyết trong lúc ba người đàn bà, hai già một trẻ, vừa cười nói tíu tít vừa đi lên lầu tới phòng thay quần áo phụ nữ. Một lớp tuyết mỏng phủ như chiếc áo choàng trên vai áo khoác ngoài của Gabriel, tuyết cũng dính cứng trên mũi đôi ủng cao su dùng để đi tuyết của anh; và, khi những chiếc khuy áo khoác ngoài kêu loảng xoảng lúc anh bước qua mái hiên tuyết đóng cứng, một luồng không khí lạnh buốt nhưng thơm tho từ ngoài trời len qua kẽ hở ùa vào nhà.
“Tuyết lại rơi nữa à, thưa ngài Conroy?” Lily hỏi.
Cô đi trước dẫn lối cho anh vào phòng thay đồ, giúp anh cởi áo choàng. Gabriel mỉm cười với thanh âm ba chữ mà cô dùng để gọi anh, đoạn liếc nhìn cô. Dáng người cô mảnh khảnh; một cô gái đang lớn, nước da xanh xao và mái tóc màu cỏ khô. Đèn khí đốt trong căn phòng hẹp khiến cô trông càng xanh xao hơn. Gabriel biết cô từ khi cô còn tấm bé thường ngồi ở bậc thang thấp nhất để nâng niu chăm chút một con búp bê tã nát.
“Đúng thế, Lily ạ,” anh trả lời, “và tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ có một đêm tuyết rơi đầy.”
Anh nhìn lên trần căn phòng đang phát những tiếng kêu ọp ẹp theo tiếng chân người trên mặt sàn lầu trên, lắng nghe tiếng đàn piano một lúc rồi lại liếc nhìn cô gái đang cẩn thận gấp chiếc áo choàng của anh đặt lên cuối kệ.
Anh nói giọng thân thiện, “Này Lily, em vẫn đi học đấy chứ?”
“Ồ, không, thưa ngài,” cô trả lời. “Em đã hoàn tất việc học trong năm nay và còn hơn thế nữa đấy.”
“Ồ, thế à,” Gabriel vui vẻ nói, “tôi đồ rằng chúng tôi sẽ đi dự đám cưới của em trong một ngày đẹp trời nào đó với chàng trai trẻ của em, có phải thế không nào?”
Cô gái ngoái nhìn anh, nói với giọng điệu vô cùng cay đắng:
“Đàn ông bây giờ toàn là bọn nhảm nhí và chỉ biết lợi dụng.”
Gabriel đỏ mặt, như thể anh cảm thấy mình vừa phạm sai lầm nào đó. Không thèm nhìn cô, anh đá đôi ủng cao su đi tuyết văng vào góc phòng và cầm chiếc khăn quàng cổ quất mạnh lên đôi giày da đắt tiền của mình.
Anh là một người đàn ông còn trẻ, cao to, béo tốt. Đôi gò má ửng hồng của anh thậm chí còn nhô lên đến trán, phơn phớt vài mảng da màu đỏ nhạt không hình dạng rõ rệt; và trên khuôn mặt không để râu của anh lấp lánh không ngừng hai tròng kính bóng loáng với gọng kính mạ vàng sáng chói trên đôi mắt thanh tú và không ngớt ngó nhìn. Mái tóc đen bóng của anh rẽ ngôi giữa và chải thành một đường cong dài sau hai tai, nơi nó hơi xoăn lại bên dưới đường rãnh do chiếc mũ để lại.
Sau khi phẩy cho sạch bóng đôi giày của mình, anh đứng dậy kéo áo gi-lê cho sát vào cơ thể to tròn, đoạn nhanh tay móc ra từ trong túi một đồng xu.
“Ô, Lily này,” anh nói, tay giúi đồng xu vào tay cô, “sắp đến Giáng Sinh rồi, phải không? Chỉ là… đây chỉ là một chút…”
Anh bước nhanh về phía cửa.
“Ồ không, thưa ngài!” cô gái kêu lên, đi nhanh theo anh. “Thưa ngài, quả tình em không dám nhận tiền của ngài đâu.”
“Giáng Sinh! Giáng Sinh mà, Lily!” Gabriel nói, đi như chạy tới bên cầu thang, vẫy tay với cô tỏ vẻ phản đối.
Cô gái thấy anh đã lên cầu thang bèn nói vọng theo:
“Ồ, cảm ơn ngài.”
Anh đợi bên ngoài cửa phòng khách cho đến khi điệu valse kết thúc, lắng nghe tiếng váy đàn bà kéo lê xoàn xoạt và tiếng chân người xộn xạo trên mặt sàn. Anh vẫn còn cảm giác băn hăn bứt rứt vì câu đáp trả đầy cay đắng và bất ngờ của cô gái. Nó phủ lên anh một bầu không khí u ám và anh cố xua đuổi nó bằng cách chỉnh lại cổ tay áo và chiếc nơ trên cổ. Sau đó, anh rút từ trong túi áo gi-lê một mảnh giấy nhỏ, liếc nhìn những tiêu đề anh phác thảo cho bài phát biểu của mình trong bữa tiệc. Anh chưa có quyết định gì về những câu thơ của Robert Browning [4], vì anh e nó vượt quá tầm suy nghĩ và hiểu biết của người nghe. Có lẽ hay hơn là một số trích dẫn từ Shakespeare hay từ bài thơ Giai điệu, sẽ dễ hiểu hơn đối với họ. Tiếng giày khua lạch cạch và tiếng lê lết của đế giày đàn ông chẳng mấy thanh tao nhắc nhở anh rằng trình độ văn hóa của họ khác với anh. Trích dẫn những bài thơ họ không hiểu chỉ khiến anh trở nên lố bịch. Họ sẽ nghĩ rằng anh hợm mình khoe khoang trình độ học vấn vượt trội. Anh sẽ thất bại với họ giống như anh vừa thất bại với cô gái trong phòng gửi áo choàng. Anh chọn sai điệu rồi. Toàn bộ bài phát biểu của anh là một sai lầm từ đầu đến cuối, một thất bại hoàn toàn.
Ngay lúc đó hai bà dì và vợ anh từ phòng thay đồ bước ra. Hai bà già vóc người nhỏ nhắn, ăn mặc giản dị. Dì Julia cao hơn dì Kate khoảng hai phân. Mái tóc màu xám của dì được buộc thấp phủ gần kín hai tai; và cũng màu xám, tối hơn, là khuôn mặt to, nhợt nhạt. Mặc dù thân hình dì khá đẫy đà và đứng thẳng, nhưng với đôi mắt lờ đờ và đôi môi hé mở khiến dì mang vẻ ngoài của một người đàn bà không biết mình đang ở đâu và sẽ đi đâu. Dì Kate thì năng động hơn. Khuôn mặt dì trông linh hoạt hơn dì Julia, nhưng toàn những nếp nhăn rúm ró, giống như một quả táo đỏ khô, và mái tóc thắt bím kiểu xưa vẫn không mất đi màu hạt chín.
Cả hai ôm hôn Gabriel một cách âu yếm. Anh là đứa cháu cưng của họ, con trai người chị đã chết, tên Ellen, người đã kết hôn với ông T.J. Conroy, một nhân viên của sở bến cảng Port & Docks.
“Gabriel này, Gretta bảo dì tối nay cháu sẽ không gọi xe ngựa về Monkstown,” dì Kate nói.
“Dạ, đúng thế, thưa dì,” Gabriel nói, đoạn quay sang vợ, “năm ngoái chúng mình đã có thừa chuyện đó rồi, phải không em? Dì Kate, dì có nhớ Gretta đã bị cảm lạnh như thế nào không? Các cửa sổ xe ngựa kêu lạch cạch nghe đến khổ và quãng đường đi ngang Merrion gió đông thổi vào xe đến chết lạnh. Vui ơi là vui. Và Gretta đã bị một trận cảm lạnh khủng khiếp sau đó.”
Dì Kate cau mày nghiêm nghị và gật đầu trước mỗi lời nói.
“Đúng rồi, Gabriel, cháu nói hoàn toàn đúng, ta nên cẩn thận là hơn.”
“Nhưng còn Gretta đấy hả,” Gabriel nói, “cô ấy sẽ đi bộ về nhà trong tuyết nếu được phép.”
Cô vợ Gabriel cười lớn.
“Đừng bận tâm đến anh ấy, dì Kate ạ,” cô nói. “Ông chồng yêu quý của cháu quả là một kẻ phiền toái khủng khiếp, anh ấy bắt thằng Tom lấy những miếng kính màu xanh lục che mắt vào ban đêm và bắt nó tập tạ, rồi ép con Eva ăn món xào. Tội nghiệp con bé! Chỉ cần nhìn thấy món ăn đó là nó đã chết khiếp lên rồi!… Ồ, nhưng hai dì sẽ không bao giờ đoán được bây giờ anh ấy bắt cháu phải mặc quần áo gì!”
Cô bật lên cười, liếc nhìn chồng mình. Gabriel giương đôi mắt ngưỡng mộ và hạnh phúc nhìn vợ, từ chiếc váy đến khuôn mặt và mái tóc của cô. Hai bà dì cùng vui vẻ cười xòa vì sự quan tâm của Gabriel với vợ, họ thường xuyên lấy đó làm đề tài chế nhạo anh.
“Ủng cao su!” Gretta nói tiếp. “Đấy là chuyện mới nhất, hai dì ạ. Bất kỳ khi nào ra đường mà dưới chân ướt, cháu đều phải đi ủng cao su. Ngay cả đêm nay, anh ấy cũng bắt cháu đi ủng nhưng cháu nhất quyết không chịu. Chắc vài hôm nữa anh ấy sẽ mua cho cháu một bộ đồ lặn.”
Gabriel cười gượng gạo, anh đưa tay lên nắn lại nơ cổ áo như để tự trấn an, trong khi dì Kate gần như gập người lại vì cười, bà thích trò đùa này lắm. Nhưng nụ cười nhanh chóng tắt trên gương mặt dì Julia và đôi mắt buồn bã của bà hướng về phía người cháu trai. Sau một lúc, bà hỏi:
“Gabriel, ủng cao su là cái gì, hử cháu?”
“Trời đất ơi, Julia!” dì Kate kêu lên. “Chúa ơi, cô không biết ủng cao su là cái gì thật sao? Ta mang nó bên ngoài… bên ngoài đôi giày thường của mình. Gretta, có phải thế không, cháu?”
“Thưa vâng ạ,” Gretta nói. “Toàn những đồ vật lỉnh kỉnh đấy mà. Bây giờ vợ chồng cháu mỗi người có một đôi. Gabriel bảo cháu ở bên Lục địa ai cũng đi ủng cao su.”
“Ồ, ở bên Lục địa,” dì Julia thì thầm, chậm rãi gật đầu.
Gabriel nhíu mày, nói như thể anh hơi tức giận:
“Chẳng có gì hay ho lắm đâu, thưa hai dì, nhưng Gretta cho rằng nó buồn cười vì cô ấy nói cái chữ ủng cao su làm cô ấy nhớ đến những người làm trò trong đoàn hát Christy Minstrels [5].”
“Nhưng Gabriel này, cháu nói cho dì biết nhé,” dì Kate nói như chọn lời để né tránh điều gì tế nhị. “Tất nhiên là cháu đã đến xem căn phòng rồi. Gretta đang nói…”
“Ồ, về căn phòng thì không có việc gì đáng phải lo, dì ạ,” Gabriel trả lời. “Cháu đã thuê một căn ở Gresham.”
“Hẳn rồi, đó là điều tốt nhất ta nên làm,” dì Kate nói. “Và bọn trẻ, Gretta, cháu không lo lắng về chúng sao?”
“Ồ, chỉ là một đêm thôi,” Gretta nói. “Hơn nữa, có Bessie chăm sóc chúng nó mà.”
“Chắc chắn là thế,” dì Kate lại nói. “Thật vững tâm khi có một cô người làm như vậy, người mà ta có thể tin cậy! Còn con bé Lily nhà dì đây, chẳng biết gần đây có chuyện gì xảy ra cho nó mà nó hoàn toàn không còn như trước nữa.”
Gabriel định hỏi dì Kate vài câu về chuyện này, nhưng bà quay ngoắt sang nhìn theo bà Julia, bà này bỏ ba người ở lại, một mình dò dẫm đi về phía cầu thang rồi đứng trên lan can nghển cổ nghe ngóng.
Dì Kate gọi to gần như gắt gỏng, “Julia! Julia! Cô đi đâu thế?”
Julia đã đi được nửa đường tới cầu thang, bà quay lại nhẹ nhàng thông báo:
“Freddy đã đến!”
Ngay lúc đó, tiếng vỗ tay và nhịp điệu cuối cùng của tiếng nhạc piano báo hiệu điệu valse đã kết thúc. Cửa phòng khách mở ra từ bên trong và vài cặp sánh vai bước ra. Dì Kate vội vàng kéo Gabriel sang một bên, thì thầm vào tai anh:
“Gabriel, cháu xuống nhà giữ thái độ lịch sự xem cái gã ấy có ổn không, và đừng để gã ta lên trên này nếu gã ta say bí tỉ. Dì dám chắc gã ta đang say. Chắc chắn là thế chứ không thể sai vào đâu được.”
Gabriel bước ra phía cầu thang đứng trên lan can lắng nghe tiếng động dưới nhà. Anh nghe tiếng hai người đang nói chuyện trong phòng gửi áo choàng. Rồi anh nhận ra tiếng cười của Freddy Malins. Anh giậm chân bước xuống cầu thang.
“Thật là nhẹ nhõm,” dì Kate nói với vợ Gabriel, “có Gabriel ở đây, dì thấy an tâm… Cô Julia này, cô Daly và cô Power đây sẽ dùng chút đồ giải khát. Cô Daly, cảm ơn cô đã đàn điệu valse vừa rồi rất hay. Thật là tuyệt diệu.”
Một người đàn ông cao lớn, khuôn mặt nhiều nếp nhăn với bộ ria mép cứng ngắc và nước da ngăm đen đang ngất ngưởng đi vào cùng người bạn của mình, nói:
“Và chúng tôi cũng có thể uống chút gì đó được không, thưa bà Morkan?”
“Julia,” dì Kate nói ngắn gọn, “đây là ông Browne và cô Furlong. Cô đón họ vào cùng với cô Daly và cô Power giùm tôi.”
“Tôi là người đàn ông của quý bà quý cô,” ông Browne nói, ông ta mím môi cho đến khi bộ ria mép dựng ngược và các nếp nhăn trên khuôn mặt ông ta đều mỉm cười. “Bà biết đấy, thưa bà Morkan, sở dĩ họ quý mến tôi đến thế là vì…”
Ông ta nói chưa hết câu, nhưng thấy dì Kate lảng ra chỗ khác, bèn dẫn ba cô gái trẻ vào phòng sau. Giữa phòng có hai chiếc bàn vuông vức kê sát nhau, dì Julia và bà quản gia đang trải ra rồi vuốt cho phẳng phiu một tấm khăn vải lớn. Trên tủ bát đĩa bày biện đủ thứ đĩa, ly, dao, nĩa và thìa. Mặt trên của chiếc đàn piano vuông khép lại cũng được dùng làm bàn bày thức ăn nhẹ và đồ ngọt. Bên cạnh một chiếc tủ nhỏ hơn trong góc, hai chàng trai trẻ đang đứng uống bia.
Ông Browne dẫn đầu nhóm của mình bước vào, ông vui vẻ cười đùa mời các cô uống nước pha loại nóng, mạnh và ngọt. Các cô bảo họ chưa bao giờ uống thứ nước gì mạnh nên ông mở ba chai nước chanh cho họ. Đoạn ông yêu cầu một trong những chàng trai trẻ tránh sang một bên rồi cầm lên bình rượu rót cho mình một cốc rượu whisky thật đầy. Trong lúc ông nhấp thử một ngụm, các chàng trai trẻ giương mắt nhìn ông với đôi mắt thán phục.
“Chúa lòng lành ở cùng tôi,” ông nói, mỉm cười, “đây là lệnh của bác sĩ.”
Khuôn mặt nhăn nheo của ông toét một nụ cười thật rộng, ba cô gái trẻ cười ngặt nghẽo theo tiếng nhạc trước sự pha trò của ông, thân hình họ ngả nghiêng, đôi vai như rung lên. Người táo bạo nhất nói:
“Ô này, ông Browne ơi, ông có chắc rằng bác sĩ yêu cầu ông uống rượu như thế không đấy?”
Ông Browne nhấp một ngụm whisky nữa và trả lời cô gái kiểu nửa vời:
“Ồ, cô thấy đấy, tôi giống bà Cassidy nổi tiếng, người được cho là đã nói câu: ‘Nào, Mary Grimes, nếu tôi không cầm lấy nó, thì hãy bắt tôi cầm, bởi vì tôi cảm thấy tôi muốn nó.’”
Khuôn mặt nóng bừng của ông hơi chúi về phía trước một cách quá tự tin và âm giọng Dublin của ông rất trầm nên các cô, do bản năng tự nhiên, đã giữ im lặng trong lúc nghe bài phát biểu của ông. Cô Furlong, một trong những học viên của Mary Jane, hỏi cô Daly khúc nhạc valse dễ thương mà cô vừa chơi ban nãy tên là gì; ông Browne thấy mình bị phớt lờ bèn quay sang hai chàng trai trẻ mà ông cho là có thái độ quý trọng mình hơn.
Một cô gái trẻ mặt đỏ bừng, mặc áo hoa păng-xê bước vào phòng, vỗ tay phấn khích và kêu lên:
“Quadrilles! Quadrilles!” [6]
Theo sát cô đằng sau là dì Kate, bà nói to với mọi người trong phòng:
“Thưa quý vị, đây là cô Mary Jane!”
“Ồ, đây là ông Bergin và ông Kerrigan,” Mary Jane nói. “Ông Kerrigan, ông có thể nhảy với cô Power được không? Còn cô Furlong, tôi đề nghị cô nhảy với ông Bergin nhé. Ồ, thế là xong ngay đấy mà.”
“Mary Jane, có đến ba quý cô đấy, cháu.” dì Kate nhắc.
Hai quý ông trẻ hỏi hai quý cô liệu họ có được hân hạnh này không, và Mary Jane quay sang cô Daly.
“Ồ, cô Daly, cô đàn hai bản vừa rồi quá tuyệt, nhưng thật tình mà nói tối nay chúng ta thiếu các cô.”
“Xin đừng bận tâm về tôi, thưa cô Morkan.”
“Nhưng tôi tìm được một bạn khiêu vũ tuyệt vời dành cho cô, chính là ông Bartell D’Arcy đấy, giọng tenor. Tôi sẽ mời ông ấy hát sau. Cả Dublin này đang say mê về ông ấy.”
“Giọng hát đáng yêu, giọng hát đáng yêu!” dì Kate nói.
Khi tiếng đàn piano bắt đầu hai lần khúc dạo đầu của tiết mục đầu tiên, Mary Jane nhanh nhẹn hướng dẫn các tân binh của mình ra khỏi phòng. Họ đi chưa được bao lâu thì dì Julia chậm rãi bước vào phòng, vừa đi vừa ngoái ra phía sau nhìn cái gì đó.
“Chuyện gì thế, Julia?” dì Kate lo lắng hỏi. “Ai đến à?”
Dì Julia trên tay ôm một đống khăn ăn, quay sang chị gái mình nói trống không, như thể câu hỏi làm bà ngạc nhiên:
“Chị Kate, chỉ là cậu Freddy thôi, Gabriel đang đi bên cạnh cậu ta.”
Quả thực, ngay phía sau bà là Gabriel đang lái đưa Freddy Malins vào bến đỗ. Đó là một người đàn ông trạc bốn mươi tuổi, vóc dáng như Gabriel, với đôi vai rất tròn. Ông ta có một khuôn mặt thịt nhưng lại xanh tái, chỉ có màu hồng hồng ở dái tai dày cộm và đôi cánh mũi to. Nét mặt ông thô kệch, mũi tẹt, lông mày nhô ra thụt vào, môi dày và lồi. Đôi mí mắt nặng trĩu và mái tóc rối bù khiến ông trông như buồn ngủ. Ông đang cười khoái trá kể chuyện gì đó cho Gabriel nghe trong lúc hai người bước lên cầu thang, trong lúc nói ông di di đốt ngón tay trái của mình lên mắt trái.
“Chào Freddy,” dì Julia nói.
Freddy Malins chào hai bà dì nhà Morkan một cách tự nhiên, giọng nói có vẻ như là người thân thuộc, và sau đó, khi thấy ông Browne đứng gần tủ búp-phê đang cười toe toét với mình, ông bước qua phòng với đôi chân nghiêng ngả và bắt đầu lặp lại bằng giọng trầm chuyện ông vừa kể với Gabriel.
“Gã nát rượu ấy tối nay không đến nỗi tệ lắm, phải không cháu?” dì Kate hỏi Gabriel.
Lông mày của Gabriel hơi tối lại nhưng anh nhanh chóng nhướng lên, trả lời:
“Ồ, không, thưa dì, khó nhận thấy lắm.”
“Thật đáng buồn,” bà dì nói tiếp. “Bà mẹ tội nghiệp của gã vào đêm giao thừa đã bắt gã hứa phải tu thân. Nhưng thôi. Nào, Gabriel, dì cháu ta vào phòng khách đi.”
Trước khi rời khỏi phòng cùng Gabriel, bà ra hiệu cho ông Browne bằng cách cau mày và lắc lắc ngón tay trỏ để cảnh báo. Ông Browne gật đầu trả lời và khi bà đi rồi, ông nói với Freddy Malins:
“Nào, Teddy, tôi sẽ rót cho bạn một cốc nước chanh ngon để cho bạn vui tươi lên nhé.”
Đang cao hứng huyên thuyên kể chuyện, ông Freddy Malins nóng nảy gạt phứt lời đề nghị về cốc nước chanh, nhưng ông Browne, sau khi chỉ ra cho Freddy Malins thấy áo xống của ông có phần luộm thuộm, đã rót đầy một cốc nước chanh và đưa cho ông này. Tay trái Freddy Malins miễn cưỡng nhận cốc nước, tay phải máy móc xốc lại chiếc váy [7]. Khuôn mặt ông Browne lại nhăn tít, ông tự rót cho mình một cốc whisky nữa trong khi Freddy Malins vẫn oang oang nói như lệnh vỡ, và trước khi kể đến cao điểm câu chuyện, ông tuôn một tràng cười rặc rặc như muốn ngất, tay ông đặt xuống cốc nước chanh sóng sánh chưa kịp uống ngụm nào, rồi lại bắt đầu di di đốt ngón tay trái của mình lên mắt trái, kế đó ông lặp lại những lời trong câu nói trước khi trận cười khiến ông không thốt được tiếng.
Gabriel chẳng nghe ra cái gì trong lúc Mary Jane đàn khúc nhạc hàn lâm đầy những đoạn chạy nốt và những đoạn khó chơi, mọi người trong phòng khách im lặng lắng nghe. Anh thích âm nhạc nhưng khúc nhạc cô đang chơi anh nghe không ra một giai điệu nào, và anh nghĩ những người khác chắc cũng thấy như anh thôi, mặc dù họ đã yêu cầu Mary Jane chơi khúc gì đó. Bốn thanh niên từ phòng giải khát nghe tiếng đàn chạy sang đứng ở ngưỡng cửa, nhưng sau vài phút họ lặng lẽ bỏ đi từng cặp một. Người duy nhất có vẻ như đang theo dõi điệu nhạc là chính Mary Jane, hai tay cô chạy thoăn thoắt trên phím đàn hoặc nhấc lên khỏi bàn phím ở những khoảng dừng giống như tay một nữ tu bị nguyền rủa; người thứ hai là dì Kate, bà đứng cạnh cô, thi thoảng lật trang bài nhạc đặt trên giá đàn.
Đôi mắt của Gabriel cảm thấy khó chịu vì sàn nhà lấp lánh sáp ong dưới ánh sáng chiếc đèn bách đăng nặng nề treo trên trần nhà, anh mon men bước đến bức tường phía sau chiếc đàn piano. Một bức tranh vẽ cảnh ban công trong vở kịch Romeo và Juliet treo ở đó và bên cạnh là bức khác vẽ hai hoàng tử bị sát hại trong Tòa Tháp, nơi dì Julia từng mặc những bộ đồ len màu đỏ, xanh và nâu làm việc khi còn là một cô gái. Có lẽ tại ngôi trường dì theo học thời thiếu nữ, loại công việc đó được dạy trong một năm. Chính mẹ anh đã khíu tặng anh món quà sinh nhật là chiếc áo gi-lê bằng nỉ dày màu tím, có hình đầu những con cáo nhỏ bên trên, lót bằng vải sa-tanh màu nâu và có những chiếc khuy tròn hình dâu tằm. Điều rất lạ là mẹ anh không có năng khiếu âm nhạc mặc dù dì Kate thường gọi bà là người gánh vác trí tuệ của gia đình Morkan. Cả hai dì hình như luôn có chút tự hào về người chị nghiêm trang và ra dáng chị cả của mình. Có bức ảnh của bà ngồi trước tấm gương lớn. Tay bà giữ một cuốn sách đang mở đặt trên đùi và đang chỉ điều gì đó trong sách cho Constantine xem, cu chàng mặc bộ đồ lính, đứng ngỏn ngoẻn bên chân bà. Chính bà là người đã chọn tên cho các con trai mình vì bà rất ý thức về phẩm giá của cuộc sống gia đình. Nhờ bà mà Constantine giờ đây trở thành giám tuyển cấp cao ở Balbriggan [8] và cũng nhờ bà mà bản thân Gabriel lấy được bằng cấp tại Đại học Hoàng gia. Khuôn mặt anh thoáng tối sầm khi anh nhớ lại mẹ anh đã phản đối cuộc hôn nhân giữa anh với Gretta dữ dội như thế nào. Những lời lẽ khinh khi xem rẻ bà nói về Gretta vẫn còn đọng trong trí nhớ anh; bà nói Gretta là một cô gái nhà quê dễ thương, nhưng điều đó hoàn toàn không đúng với Gretta. Chính Gretta là người đã tận tụy sớm hôm chăm sóc bà trong suốt thời gian dài bà lâm bệnh tại ngôi nhà ở Monkstown.
Anh biết khúc nhạc Mary Jane đang đàn sắp kết thúc vì cô đàn lại giai điệu mở đầu, và sau mỗi trường canh là những nốt chạy âm giai. Trong lúc chờ đợi bản nhạc kết thúc, nỗi oán giận trong lòng anh đã nguôi ngoai. Khúc nhạc kết thúc với nốt láy rền quãng tám ở âm bổng và chấm dứt hẳn với quãng tám ở âm trầm. Một tràng pháo tay vang dội tán thưởng Mary Jane, cô đỏ mặt lúng túng gấp quyển nhạc rồi trốn ra khỏi phòng. Tiếng vỗ tay to nhất đến từ bốn chàng trai trẻ đứng nơi ngưỡng cửa, họ bỏ vào phòng giải khát khi khúc nhạc bắt đầu nhưng quay lại khi tiếng piano ngưng.
(Còn tiếp)
Chú thích của người dịch:
[1] Một đoạn cầu cảng nam ngạn sông Liffey, thành phố Dublin, được gọi là Đảo Usher, nhưng không phải một hòn đảo, lấy tên từ một gia đình từng nổi tiếng trong cả lĩnh vực thương mại lẫn tôn giáo.
[2] Nhà thờ St. Mary nằm ở phía nam trung tâm Dublin.
[3] Tên gọi thân mật của nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội tọa lạc ở tây nam trung tâm Dublin.
[4] Robert Browning [1812-1889]: Thi sĩ kiêm kịch tác gia người Anh.
[5] Christy Minstrels: Tên một đoàn hát của Mỹ vào thế kỷ XIX, trong đó các diễn viên da trắng hóa trang và ăn mặc như người da đen.
[6] Quadrille: Một kiểu thức khiêu vũ thời trước gồm bốn cặp nam-nữ bước tới bước lui nhịp nhàng, có nguồn gốc từ Pháp.
[7] Gọi là kilt, nói chung là trang phục của dân tộc Gaelic có lịch sử lâu đời. Đây là một chiếc váy xếp ly ở eo, dài đến đầu gối, và thắt bằng thắt lưng, thường thấy mặc ở vùng Cao nguyên Scotland, nhưng cũng được mặc ở Ireland và các quốc gia Celtic khác. Đàn ông Ireland mặc váy kilt bằng vải ca-rô màu xanh lục, màu của quốc gia.
[8] Balbriggan: Một thị trấn biển cách Dublin 35km về hướng Bắc.