Cầm thú truyền kỳ

Truyện

Trần Hạ Tháp

1.

Trở thành hai con vật kiểng trong cơ ngơi đồ sộ của ngài Đại gia, chúng nghiễm nhiên xếp ở “số đỏ” trong danh mục số phận. Từ đấy, lắm giai thoại được khoác lên mình Khỉ và Vẹt để phù hợp “khí độ” của Đại gia chủ nhân lịch lãm. Câu chuyện kể dẫu mang sắc thái “truyền kỳ”, cũng là cách đồng bộ với nghệ thuật giai-thoại-hoá của những ai từng quan tâm đến chúng.

Chuồng Khỉ, lồng Vẹt đâu cách nhau là bao. Tất cả đều tồn tại trong không gian mênh mông của khuôn viên toà biệt thự. Một hôm, chủ nhân triệu tập các tay chân thân tín bàn kế hoạch làm ăn. Có một kẻ ngó qua cửa sổ, vung tay chỉ cái chuồng Khỉ bên ngoài, nói lớn:

-Tại sao không là Hầu vương nhỉ?

Mọi người ngơ ngác. Chủ nhân gật gù đắc ý. Trợ lý đứng dậy, tiếp tục hiến kế sau cái đề tài vừa được gợi ý:

-Tây du ký ca ngợi Tôn Ngộ Không 72 phép thần thông quảng đại, Trời cho phong tước Tề thiên Đại thánh. Tôn Ngộ Không đã là mệnh Hầu vương, Hoa Quả sơn nơi triều đình chầu ngự đâu thể trống rỗng thế này? Em đề nghị thiết kế chuồng Khỉ cho hoành tráng hơn. Nhất là, cần có ngay Hoa quả sơn để ứng với “triệu cát tường”, để linh khí càng thêm vượng phát… Thưa anh…

-Tốt. Giao chú mày tùy nghi chỉ đạo, thực thi ngay nhé…

Và thế là sau hơn hai tuần thi công, ba hòn giả sơn to đùng xuất hiện. Tất nhiên Hoa Quả sơn phải đủ rêu phong, suối chảy… Đặc biệt, cần cẩu xe cơ giới còn bứng luôn các thứ cây đã ra quả, thả vào bên hốc đá cheo leo. Có đủ cả hang động với thạch bàn để Hầu vương nghỉ ngơi và vào ra ngự toạ. Vâng, Hầu vương chứ không phải thứ Khỉ xoàng xĩnh như trước đây. Nghiêm lệnh của Đại gia chủ nhân, không một ai được phép quên đi điều đổi mới.

2.

Từ đó, Khỉ nhìn cái lồng Vẹt treo bên ngoài đâm ra thương cảm, khích bác:

-Khẹc khẹc… Lồng bằng gỗ hương, ô song và cả chén nước tắm, ly đĩa thức ăn toàn bằng bạc. Có con Vẹt nào ngoài kia sánh bằng đâu… Sang đấy. Nhưng cũng không ngoài câu cá chậu chim lồng, được ăn no, lo nói thuội. Tao quá thương cho cặp cánh của chú mày. Khẹc khẹc…

Vẹt muốn lờ đi, nhưng chưa thể.

-Khẹc khẹc… Ngẫm cho cùng, văn hoá là tất yếu. Nó giải thích được tất tần tật. Một con Vẹt thì đào đâu ra giai thoại đông tây kim cổ kia chứ. Đâu như cái lý lịch Hầu vương nhà tao lẫy lừng thế đấy, xứng đáng được sắc phong hàng Đại thánh. Chú mày yên phận đi nghe Vẹt. Từ nay, phải hành lễ trước Hầu vương, không được phép sơ suất.

Mắt Vẹt long lên sòng sọc nhưng cố dằn xuống, nhỏ giọng tán dương:

-Hoét hoét… Vâng, bái kiến Hầu vương. Đệ nhất tài bắt chước ăn theo là dòng giống của ngài. Nhưng Tề thiên nào lại không biết bay thế nhỉ? Phép Cân đẩu vân đâu? Lại phải nhờ đến cây mới leo cao được đấy. Sách dạy, chỉ loài cầm có cánh mà muôn thú thì không. Nhiều lắm, thú có tay chân để chạy hoặc phải cong lưng bò lê vì chả tay chân gì ráo. Vì thế để hàm ý bay bổng, loài cầm luôn xếp trước loài thú. Bằng chứng ở hai chữ cầm thú đó mà. Hầu vương rất văn hoá kia, ngài đủ trình độ vượt qua hai chữ cầm thú chưa nhỉ? Hoét hoét… Nghe chưa, hử?

Khỉ cười khẩy:

-Khẹc khẹc… Nghe chứ sao không nghe. Không những nghe mà còn hiểu nhiều hơn đấy. Hiểu rằng, chú mày toàn nói thuộc lòng theo các bài được dạy chứ không bao giờ có thể cập nhật. Đệ nhất tài uốn lưỡi nói theo là cốt cách vốn xưa nay. Lạc hậu đến nỗi những cái lẽ ra quăng bỏ từ lâu, lại cứ  rè rè nghe như cát-xét ve chai. Tài nói của Vẹt ư?… Chịu chết… Chả có gì ngoài những câu chữ lỗi thời, phi lý, hoạt kê. Khẹc khẹc…

Vẹt tức đến nổ não, nhìn hoạt cảnh trước mắt. Hầu vương tay gãi gãi háng, nằm khểnh trên thạch bàn khới quả, liệng hột vào lồng vẹt đôm đốp. Chẳng kiêng dè nữa, Vẹt đập cánh soàn soạt cất giọng cao chưa từng thấy:

-Hoét hoét… Nghe đây, con Khỉ kia. Chú mày chả việc gì phổng mũi lên với cái danh phong Hầu vương giả tạo vay mượn khốn nạn. Tao chả việc gì phải bẩm dạ trước chú mày. Tao chỉ là Vẹt và chú mày vẫn là Khỉ đến muôn đời. Này nhé, sau khi trở thành Tề thiên Đại thánh thì ngài lâm vào thảm cảnh gì thế? Niềng Kim Cô rịt cứng quanh đầu, quản thúc toàn phần não bộ. Ê, vậy gậy Như-ý có múa được như ý của chính mình chưa hả? Hoét hoét… Thôi nhé. Tao đây không cần biết Hầu vương Hầu vúng gì, vẫn chỉ kêu chú mày là Khỉ lọ nồi thôi nhé…

3.

Đúng là cuộc khẩu chiến bên tám lạng, phía nửa cân không ai chịu nhường ai nửa phân làm phước. Tất nhiên, cuộc tương tranh đâu dừng ngay ngang đó. Loài cầm có hơn thú ở cặp cánh nhưng đành bó phép chịu đựng đống hạt ném về đêm, hoặc tệ hơn bị chơi đểu khi chẳng ai trông thấy. Khỉ gom thật nhiều hạt lên thạch bàn, nâng của quý cho vào đấy một “trộ” ướt đầm trước khi ném liên tục lên đầu Vẹt. Không biết làm cách gì, Vẹt hoét toáng lên điên tiết:

-Con Khỉ lọ nồi… Con Khỉ lọ nồi… Con Khỉ lọ nồi…

Hầu vương tối kị bị kêu tên cúng cơm vốn gắn liền với những gì đã cắt đứt trong quá trình bản thân khi lìa xa cố xứ. Khỉ nghiến răng lui vào hang động, cho đến buổi chiều kia…

Đại gia chủ nhân cùng đám trợ lý tay chân đang hội ý bất thường. Cả đám cứ khom mình ủ rũ không dám nhìn lên. Đại gia ngồi vào ghế Long Vân hầm hầm quát tháo:

-Tình hình đang khó khăn. Ý kiến mau. Đừng để tao điên lên vì những bộ mặt đưa đám.

Ngài vớ luôn chai Black and White chưa khui, quăng luôn ra cửa sổ. Tiếng vỡ ngay dưới lồng Vẹt khiến cầm và thú đều nhốn nháo. Vẹt đang rụt đầu trong cánh, thấy mảnh vỡ thình lình tung toé, lập tức hét lên điên dại:

-Con Khỉ lọ nồi… Con Khỉ lọ nồi… Con Khỉ lọ nồi…

Đại gia mặt xanh như tàu lá, chỉ ngay vào lồng Vẹt, phất tay. Lập tức có kẻ lấy ngay lồng xuống, cung kính đặt lên bàn. Ngài không nói gì, chỉ thẳng tay vào tủ đồ cổ kếch sù. Một cái bát Khang Hy rồng năm móng chính tông được bưng ra lập tức. Tiếp đến, một kẻ gác lên miệng bát thanh chuỷ thủ đời Tần cán đồng đen cực quý. Cho tới khi hũ rượu Mao đài lâu năm được khui nắp và một kẻ khác xắn tay áo cho Đại gia, ngài đích thân thò tay bắt con vật trong lồng.

Dòng máu nhỏ li ti từ cái cổ bị cứa chảy kì hết hoà tan trong hũ rượu. Bộ chén tiện sừng tê giác gồm một tống, tám quân đủ chín cái được đặt trên chiếc khay khảm bạc.

Lồng Vẹt đã rỗng được nhanh chóng mang đi và Đại gia tuyên bố:

-Lấy đỏ trừ đen. Không kẻ nào được phép nói điều đen đủi trước mặt tao. Nhớ lấy.

Lũ đàn em thân tín vâng dạ, cung kính dâng rượu cùng những lời chúc muôn màu hoa lệ. Sau tuần rượu xả xui, Đại gia lệnh cho lũ đàn em được ngồi đối ẩm. Tất cả trong không khí trịnh trọng, chưa ai có gan mở lời…

Cuối cùng, ngài đưa mắt ngó ra Hoa Quả sơn và thấy Hầu vương đang lom khom khới quả ở thạch bàn. Vừa ăn hắn vừa chuyền lần tới chỗ từng treo lồng Vẹt, nhảy nhót tỏ vẻ mừng vui. Đại gia hợp ý cái cảnh nầy, bất giác cười to khoái chí:

-Tốt. Tiền hung hậu cát rồi đấy. Có thế chứ. Phải thưởng hắn cái gì nào?

Trong khi thuộc hạ chưa dò ra ý của ngài thì Đại gia bỗng đập tay xuống mặt bàn Bát quái:

-Lũ súc vật đã chứng minh thực tế chúng dù sống dù chết đều nhất nhất phục vụ chủ nhân cả. Tốt.

Đàn em hớn hở vâng dạ, nhưng đều mù tịt ý ngài. Tất cả trố mắt nhìn nhau như trên trời rơi xuống. Quả nhiên Đại gia ban chỉ thị đầy cao hứng:

-Bổ khuyết ngay thiếu sót nghiêm trọng. Đã phong Hầu vương sao còn để thiếu Kim Cô, có khác nào con khỉ tầm thường. Còn ra cái thể thống Hầu vương gì nữa… Lập tức làm ngay cái vòng bằng bạc thưởng công cho nó.

Mọi người liếc trộm nhau tự hỏi một cái vòng bạc phải làm thế nào để có thể rịt cứng vào đầu Khỉ khiến nó vĩnh viễn không còn cách gỡ ra? Đại gia liền nhấn mạnh ý tưởng đã thực thi trong buổi chiều đặc biệt:

-Có công thì thưởng, có tội phải hành. Tao thấy tư tưởng này rộng lắm, không chỉ áp dụng cho lũ súc vật mà còn cho cả các chú mày nữa đấy.

4.

Để tránh những bất tiện khi rịt vòng Kim Cô, người ta phải đánh thuốc mê con vật hân hạnh vào vai diễn Hầu vương. Để có thể thít chặt vào hộp sọ, chiếc vòng bạc to tướng chạm trổ tinh vi được đem nung đỏ trước khi tròng vào nơi cần thiết.

Khi tỉnh dậy, con vật cào cấu, gào thét cố gỡ Kim Cô nhưng vô ích. Bị nhiễm trùng trở đi trở lại mấy bận, chỉ sau hơn tháng, Hầu vương đã vĩnh biệt Hoa Quả sơn xinh đẹp.

Sự vắng bóng đột ngột của hai con vật thật ra chả khiến ai tưởng tiếc. Lồng và giả sơn vẫn còn y nguyên chỗ cũ, và chuyện về các con vật còn lại sẽ lập tức kế tục câu chuyện dài chỉ sau cái búng tay và cơn ngáp vặt của Đại gia.

Kết cục của chúng – Khỉ và Vẹt – trong cuộc chơi của Đại gia sành điệu: một con giỏi nói theo, và con kia tài bắt chước. Chúng gặp đại nạn chỉ vì một “câu nói vô tư” ư? Vì một “kiểu bắt chước vớ vẩn” ư?

Hay chính là vì lý Nhân quả đã huân tập trong bản thân của chúng?

Thành nội Huế – 17/6/2012

Comments are closed.