Nhạc sĩ Trần Tiến
Các anh đi, sao mà vội thế, thậm chí còn book vé đi cùng – chuyến bay tháng bảy! Anh Trần Văn Khê, Phan Huỳnh Điểu, Phan Nhân, và bây giờ nữa là An Thuyên – bạn tôi. Các anh đi rồi, ly trà đã nguội. Nhưng những khúc ca hay và nhân hậu thì còn ấm mãi và… bất tử.
Dẫu thế giới này, có thay đổi nhanh đến đâu.
“Các anh đi, ngày ấy đã lâu rồi/ Xóm làng tôi còn nhớ mãi/ Các anh đi biết bao giờ trở lại…” (câu hát của nhạc sĩ Lê Yên). Các anh ấy – không trở lại nữa đâu, chén trà đã nguội. Nhưng sao mà vội thế, thậm chí còn book vé đi cùng – chuyến bay tháng bảy.
Ngày các anh đi, ở đây mưa dữ dội, gió ào ào mang cơn dông đến tự chân trời. Trong nửa tiếng, sóng biển đột ngột dâng cao, tưởng như sóng thần đến Vũng Tàu rủ tôi được đi cùng chuyến bay của những kẻ lãng mạn.
Thời của các anh thật đẹp, như giai điệu các anh để lại cho người Việt. Thử khép mắt hiện tại, để nhớ lại những ngày xưa, nơi các anh đã đến – những làng quê chân chất. Các anh đã sống, đã yêu và đã lót con đường âm nhạc bằng những viên đá trinh trắng lòng mình, để các em bước tới những năm sau đó. Những năm sau đó cũng chẳng hơn gì, nhưng vẫn là những năm sau đó, các em đỡ khổ hơn, dù cô đơn hơn. Bạn đồng nghiệp cùng lứa chưa được bay theo chuyến các anh, đang sống lay lắt với nghèo nàn, bệnh tật và nỗi cô đơn không thể vượt qua. Theo dõi trên mạng, biết tin các anh ấy, mà ứa nước mắt, chẳng biết làm gì.
Rồi tất cả sẽ ra đi như những dòng nước chảy, tràn trề hay rỉ rả, thì cũng đã từng chảy. Những dòng chảy ấy từng lang thang qua những miền yên ả, những miền bão tố. Các anh đã vừa đi, vừa hát ca, những khúc du ca hồn nhiên tặng mọi người, rồi rủ nhau cùng trôi về biển cả và bay đi theo những làn mây trắng cuối trời.
Nhớ nụ cười trẻ thơ của anh Phan Huỳnh Điểu, giọng nói xứ Quảng thật nhỏ nhẹ. Anh Trịnh Công Sơn cũng vậy, mà giọng Huế. Anh Phan Nhân thì thật hạnh phúc. Nghe câu chuyện người bạn đời của anh ấm ức kể lại, giây phút cuối của anh, mà tôi muốn khóc: “Tôi có chút việc ra ngoài, chờ tôi về nhé rồi hãy đi. Tôi về, anh ấy đi rồi. Xạo, ảnh xạo thế đấy”. Chị nói, trách móc trong nước mắt, như bài hát “Tình bạn già” đầy nhân ái của anh. Anh chị là cặp Romeo Juliet xứ mình đấy.
Nhớ ông Trần Văn Khê, hồi nhỏ anh tôi – Trần Hiếu – mê hai anh em họ Trần này lắm: ông Trần Văn Khê – nhà nghiên cứu âm nhạc lỗi lạc vì quá yêu dân tộc mình – và ông Trần Văn Trạch – quái kiệt Sài Gòn. Tôi chỉ được gặp hai người một lần mà đem lòng ngưỡng mộ. Tôi còn mang ơn ông Khê, người mang bài hát thời còn trẻ của tôi đi khắp thế giới – ca khúc “Điệp khúc tình yêu”, khi ông nhắc đến tân nhạc Việt Nam trong những buổi nói chuyện của mình.
Các anh đi, lúc nào cũng vội. Lại còn rủ thằng em hiền khô, bạn tôi – An Thuyên. Hay thế giới nơi các anh đến là thế giới “Người Hiền”, nơi con người mong ngóng được đến nhiều hơn trần gian này.
Người có tài thực sự, bao giờ cũng hiền, vì họ có tâm và quan trọng nhất là họ giỏi. Người giỏi thường ít nói và không thích phô trương, chí ít là trong giới nhạc – những người mà tôi biết. Các anh là những người thật hiền và cũng là những kẻ lãng mạn cuối cùng của thế kỷ trước.
Có người bảo tôi, thế kỷ âm nhạc của các anh qua rồi, họ không nghe nổi những bài hát sau này nữa.Tôi chợt nhìn người nói chuyện và cười. Fan hâm mộ các anh tóc đã đều điểm bạc.
Âm nhạc thuộc về những kẻ mới lớn. Đó mới là điều quan trọng. Thế giới được tạo dựng và đôi khi có thể bị hủy diệt bới những kẻ mới lớn. Nhưng, thế giới đó khác với thế giới trước đây là điều chắc chắn. Nói vậy thôi, bàn chuyện đó làm gì. Mỗi thời con người có âm nhạc của mình, chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. Cứ học cách chấp nhận, để sống chung, cho vui.
Bob Dylan – huyền thoại rock thế giới – đã từng than thở, cách đây chục năm: “Thế giới này không còn âm nhạc nữa”. Tôi đã từng đồng tình, và rồi lại không đồng tình. Các em bây giờ chơi nhạc kiểu mới, làm cho bạn bè hạnh phúc với cách mới đó, tại sao lại không! Chúng ta, người lớn nhân danh gì để phán xét về hạnh phúc của con cháu mình?!
Lại chợt thương các anh Vinh Sử, Thanh Bình đã từng nổi tiếng, từng bán một bài hát, đủ tiền mua hai chiếc xe hơi. Người từng có tài thế, mà giờ sống khổ thế. Những nhạc sĩ đích thực thường vất vả thuở hàn vi, hồn nhiên viết vì chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ là nhạc sĩ. Rồi một ngày nổi tiếng, không còn hàn vi nữa, những nốt nhạc hồn nhiên cũng rời bỏ họ. Chỉ còn lại lối sống nghệ sĩ – cứ mãi hồn nhiên giữa cuộc đời vốn cay nghiệt này. Nên việc ai đó trở lại cảnh hàn vi tay trắng cũng là điều dễ hiểu.
Làm nhạc sĩ, trời cho chữ “phúc”, có mấy người. Ai cũng mơ về trời, được bay nhẹ nhàng tựa lông hồng. Tài sản duy nhất là tiếng chim thiêng để lại, dẫu đôi khi đành… hót lời mệnh bạc. Các anh thật có phúc nên mới đi nhanh và thanh thản thế. Chỉ buồn vì không kịp chào tiễn biệt: ”chiều hoang vắng chiếc xe tang đi thật vội vàng…”.
Thế giới này thay đổi quá nhanh, như cao bồi không rút súng nhanh, là chết. Bài hát hay còn bay đi, nhanh hơn cả đạn. Người nhạc sĩ đâu cần học bắn, chỉ cần học cách yêu thương và lòng nhân hậu.
Các anh đi rồi, ly trà đã nguội. Nhưng những khúc ca hay và nhân hậu thì còn ấm mãi và… bất tử.
Dẫu thế giới này, có thay đổi nhanh đến đâu.