Chim ưng và chàng đan sọt (kỳ 1)

Tiểu thuyết của Bùi Việt Sỹ

clip_image002

Chim ưng và chàng đan sọt” là cuốn tiểu thuyết viết về danh tướng Phạm Ngũ Lão trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thời nhà Trần thế kỷ XIII của tác giả Bùi Việt Sỹ. Cuốn sách vừa được nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành đầu năm 2016. Văn Việt trân trọng giới thiệu với bạn đọc 3 kỳ. Những phần còn lại xin đọc ở file PDF.

Văn Việt

1

… Năm 1282, mùa thu, tháng 8 vua Nguyên Hốt Tất Liệt sai nguyên soái Toa Đô đem đoàn chiến thuyền 1.000 chiếc cùng 15 vạn, nói phao lên là 20 vạn quân tinh nhuệ từ Ung Châu, vượt biển vào đánh Chiêm Thành. Tin dữ được truyền về kinh đô Thăng Long. Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông vô cùng sốt ruột cho triệu Trần Quốc Tuấn ở điền trang Vạn Kiếp năm lần bẩy lượt mà Quốc Tuấn không về. Cuối cùng vua phải sai quan Chi luận cục thủ Đỗ Khắc Chung đến Vạn Kiếp để vời Trần Hưng Đạo. Khắc Chung có tài ăn nói biết cách “lựa gió thả diều” nên được hai vua Trần yêu lắm, luôn cho ở bên cạnh.

– Ta đang chuẩn bị đâu đó rồi! Công việc còn dang dở một chút nên chưa về chầu đó thôi.

Trần Hưng Đạo nói vậy, rồi ba ngày sau ông cùng đoàn tuỳ tùng gồm Yết Kiêu và Dã Tượng khởi hành về kinh. Buổi sáng, nắng vàng, gió nhẹ, tiết trời dịu mát khiến đoàn người cùng ngựa bước đi rất hăm hở. Bỗng đội quân dẹp đường dừng lại, rồi viên hiệu uý chạy ngược về, quỳ một chân trước đầu voi, nói:

– Bẩm Tiết chế[1]! Phía trước, giữa đường có một tên nhà quê, đóng khố ngồi đan sọt. Quân lính chĩa loa vào tai, thét lui vào nhường đường cho voi của ngài đi. Nhưng hắn cứ lì ra. Đến khi một tên lính cầm giáo đâm và bắp vế máu chảy lênh láng nó vẫn điềm nhiên như không có chuyện gì!

Trần Hưng Đạo thấy chuyện lạ bèn ra lệnh:

– Đưa bản vương lên đó xem sao?

Dã Tượng ngồi trên đầu voi, lấy búa gỗ thúc voi tiến lên.

Vừa nhác thấy voi của Tiết Chế đến gần, người đan sọt vụt đứng lên, sụp lạy:

– Thảo dân tội đáng muôn chết! Xin Tiết Chế tha mạng!

Trần Hưng Đạo nhìn xuống thấy tấm lưng to lớn như cánh phản, hai bờ vai cuộn lên hai bắp thịt lớn thì liền phán:

– Cho phép ngươi đứng dậy nói!

Được lời như cởi tấm lòng, chàng thanh niên cao lớn vạm vỡ đó đứng lên, hai tay chắp trước ngực, lưng hơi cúi khom, bắp vế bên trái máu vẫn tuôn ròng ròng, chờ.

– Ngươi ăn gan hùm, gan báo hay sao mà dám cản đường của bản vương? Hưng Đạo Vương vừa vuốt chòm râu dài đen nhánh chấm tới ngực, cất giọng sang sảng hỏi.

– Khởi bẩm Tiết Chế! Thảo dân đâu dám to gan, lớn mật cản đường Tiết Chế. Chẳng qua là đang mải nghĩ xem làm thế nào để… chặn được giặc Thát đang lăm le tràn xuống thôn tính Đại Việt ta.

Câu trả lời đúng phép, đường hoàng; giọng vang như chuông sấm. Tuy nhiên đoàn tuỳ tùng với quan văn Đỗ Khắc Chung cùng cười ầm ra ý chế nhạo.

Quốc Tuấn không cười, người vẫn vuốt bộ râu khá dày, đen nhánh, đôi mắt to đen chợt sáng lên nhấp nhoá ngắm nhìn khuôn mặt chữ điền, da trắng, môi đỏ, trán rộng, mũi cao, mắt to, lông mày lưỡi mác, thì mười phần đã cảm thấy ưng ý cả mười. Rồi bảo:

– Vậy ngươi nghĩ thế nào?

– Bẩm, giặc Thát tuy mạnh. Nhưng nếu ta biết lấy nhu chế cương. Lấy đoản binh đánh trường trận. Dùng các các tướng giỏi giữ vững các nơi hiểm yếu. Rồi dùng kế thanh dã “vườn không nhà trống” để đánh tiêu hao địch. Chẹn kỹ đường vận lương của chúng. Chờ đến khi chúng có biến ta tung đại quân đánh một trận quyết liệt là có thể đuổi được giặc ra khỏi bờ cõi…

Một tiếng cười ròn tan nổi lên, chúng nhìn ra thì đó là tiếng cười của Đỗ Khắc Chung:

– Đến trẻ con ở kinh thành Thăng Long đều biết những câu ngươi vừa nói là kế sách chống giặc của Hưng Đạo Vương tâu với hai vua. Ngươi nghe lỏm được ở đâu mà dám “đánh trống qua cửa nhà sấm”, không sợ bị mất đầu sao? Tướng giỏi giữ nơi hiểm yếu là ai? Là ngươi chắc?

Hưng Đạo Vương bỏ ngoài tai lời của Khắc Chung quay ra nói với Dã Tượng:

– Ngươi bảo người lấy thuốc dấu dịt vào vết thương cho hắn.

Quay lại, ông hỏi:

– Ngươi có bản lĩnh gì trong thập bát ban võ nghệ?

– Bẩm, thảo dân không dám giấu, trong mười tám thứ binh khí đó, thảo dân đều võ vẽ thục cả. Nhưng quen hơn cả là sử đại đao.

– Thế còn tài bắn cung?

– Bẩm, thảo dân có thể “trăm bước bắn xuyên cành liễu” ạ!

– Ngươi cũng tài “võ mồm” đấy nhỉ? Đỗ Khắc Chung lại nói chen vào chế nhạo.

Anh chàng đan sọt quay mặt đi, như không nghe thấy lời khích bác của viên quan văn. Tất cả những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt ấy không qua nổi đôi mắt tinh tường của Hưng Đạo Vương. Người chỉ tay ra những ngọn tre đang la đà phía tay phải, cách chỗ mọi người đang đứng chừng hai trăm bước chân, bên kia cánh đồng bảo:

– Ngươi có thể bắn chẻ đôi các ngọn tre kia không?

– Xin cho mượn cung tên ạ!

Quân lính mang cung tên tới. Chàng đan sọt dương gẫy liền ba cây cung và nói:

– Bẩm!… Cung mềm quá! Quốc Công Tiết Chế có thể cho thảo dân dùng cung của mình được không ạ!

– Ngươi có mang theo cung tên theo à?

– Bẩm! Thưa vâng ạ!

– Ngươi để đâu?

– Bẩm! Thảo dân để sau bụi tre này ạ!

Chàng đan sọt chỉ vào bụi tre rất dày ở ven đường.

– Ngươi lấy ra đi! Rồi bắn thử ta xem!

Dã Tượng cùng bốn năm người lính nữa định theo, Hưng Đạo Vương lắc đầu ra ý không cần.

Chàng đan sọt đem ra một cây cung lớn và một ống tên. Rồi chàng cung kính chắp tay vái Tiết Chế, rồi quay lại, không cần ngắm, cũng không ai nhìn thấy chàng dương cung vào lúc nào; chỉ nghe ba lần bật dây, rồi thấy ba ngọn tre đang la đà trong gió thu đều bị toác ra làm đôi. Mọi người vỗ tay reo ầm cả lên. Riêng Hưng Đạo Vương chỉ nói vừa phải:

– Được! Thế còn tài sử đao, ngươi có thể cho bản vương xem tiếp.

– Xin tuân lệnh!

Dã Tượng đưa đến mấy cây đao lớn. Chàng đan sọt múa vài đường rồi cúi người bẩm:

– Dạ! Thưa!… Đao nhẹ quá! Thảo dân thấy… hẫng hụt không dùng được ạ!

– Chắc ngươi giấu thanh đao của mình trong bụi tre chứ gì? Hưng Đạo Vương hỏi.

– Bẩm!… Quả có vậy ạ!

– Ta cho phép ngươi vào lấy ra đây!

Từ sau bụi tre chàng đan sọt vác ra một cây đại đao, lưỡi đao ánh thép biêng biếc xanh. Đỗ Khắc Chung thấy thế vội thét lớn:

– Quân bay đâu? Hãy bảo vệ Tiết Chế!…

Hưng Đạo Vương vẫn vuốt chòm râu đen nhánh, điềm nhiên vỗ vào thanh gươm đeo bên sườn, rồi xua tay. Chàng đan sọt dùng hai tay đưa cây đại đao cho Dã Tượng. Dã Tượng cung kính dâng lên Hưng Đạo Vương. Thật bất ngờ trên bành voi, Người cầm cây đại đao nặng chịch một cách rất nhẹ nhàng. Rồi với chỉ một tay, Người cầm cán đao chém gió bên phải rồi bên trái. Người hỏi chàng đan sọt:

– Ngươi có rõ lai lịch của cây đại đao này không?

– Khởi bẩm Tiết Chế! Thảo dân không được rõ ạ! Chỉ biết sư phụ giao cho dùng… thế thôi ạ!

– Vậy để ta nói cho ngươi hay! Đây là cây đại đao có từ thời Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng ở đất Đường Lâm thời trước. Tại một sườn đồi, ba ngày liền bị sét đánh xuống. Bố Cái Đại Vương mới cho người đào lên xem thì thấy hai thỏi thép nặng. Người cầm lên biết là thép quý bèn mời thợ rèn giỏi tới rèn hai cây đại đao. Cây cán dài này là Dương đao. Còn cán ngắn là Âm đao – hiện Đô tướng thuỷ quân Nguyễn Khoái đang dùng. Vậy là điềm lành song đao hợp bích. Ngươi có biết chính cây Dương đao này, dũng tướng Phạm Cự Lượng đã xả tướng Tống Hầu Nhân Bảo trước ải Chi Lăng năm xưa không?

Sau khi giảng giải cho mọi người một lúc, Hưng Đạo Vương bảo:

– Bây giờ thì người thử đi vài đường cho Bản vương coi!

Chàng đan sọt đỡ lại cây đao từ tay Dã Tượng, rồi dựng ngược thanh đao, quỳ một chân xuống làm động tác chào rồi bất thần vung tay múa cây đao vù vù. Ánh đao xanh biêng biếc khi quay trái, lúc quay phải, lúc lộn ra phía sau, khi chém bổ về trước, mỗi lúc một nhanh. Cuối cùng chỉ ánh thép của lưỡi đao quấn quanh thân thể vạm vỡ của chàng, giá như lúc ấy có mưa lưỡi đao che phủ khiến thân chàng không thể bị một giọt mưa nào rơi vào. Mọi người kể cả Hưng Đạo Vương đều ngẩn ra nhìn. Xong bài biểu diễn bằng động tác rất gọn gàng chàng đan sọt thu đao lại cúi gập người chào Tiết Chế.

– Thế còn trên lưng ngựa ngươi có sử được đao thuần thục như vậy không?

– Dạ! Bẩm!… Trên lưng ngựa là sở trường của thảo dân ạ!

– Dã Tượng, ngươi hãy dắt một con ngựa chiến ra đây! Hưng Đạo Vương ra lệnh.

Một chiến mã mầu xám tro khá cao lớn, với đầy đủ yên cương được dắt tới. Chàng đan sọt không nắm giây cương lên bàn đạp mà tung lên không rồi quay người nửa vòng đặt mông chính xác trên yên. Động tác lên ngựa xưa nay chưa từng thấy, khiến Hưng Đạo Vương lần đầu tiên bật lên tiếng khen:

– Tuyệt vời! Thật là có một không hai!…

Nhưng khi chàng trai giật cương, thúc bàn đạp vào sườn thì con chiến mã run cầm cập không thể cất bước được. Chàng nhẹ nhàng xuống ngựa, nói:

– Tiết chế xá cho, nội lực của thảo dân khí mạnh… khiến con ngựa này không chịu nổi ạ!

Hưng Đạo Vương hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, ông bảo:

– Chắc ngươi có ngựa quý đang thả đâu đây chứ gì?

– Quả thực, không có gì qua mắt được ngài.

– Ngươi hãy gọi nó tới đây cho bản vương coi.

Chàng đan sọt cho tay lên miệng huýt một tiếng sáo dài. Chỉ nháy mắt, đã thấy tiếng ngựa hý vui mừng. Rồi trong chốc lát một chú ngựa lông tía, cao to, ngực nở, bụng thon, mông lớn, chân thẳng phi nhẹ nhàng như lướt trên mặt đất tới trước mặt mọi người. Chàng đan sọt nói nhẹ với con tuấn mã:

– Không được vô lễ! Quỳ xuống trước mặt Tiết Chế ngay!

Con tuấn mã nhẹ nhàng khuỵu hai vó trước, cái cổ to dài mềm mại chúi xuống đất. Hưng Đạo Vương khen:

– Đến con vật ngươi cũng biết dạy lễ nghĩa… Giỏi!

Chàng đan sọt gài cung bên sườn, đeo ống tên sau lưng cầm đao lên ngựa phi về trước. Rồi vừa điều khiển ngựa khi nhanh khi chậm, khi đang phi nước đại chợt đứng khựng lại, ngoặt sang phải, cây đại đao vù vù như gió cuốn. Đường đao như được nước chạy của con tuấn mã phụ hoạ, càng thêm, biến hoá, khiến buổi sáng màu thu như có thần khí bốc cao. Chàng xuống ngựa, một chân khuỵu xuống, hai bàn tay ấp vào nhau đặt trước ngực, đầu hơi cúi xuống, tất cả không thừa một cử chỉ. Hưng Đạo Vương vuốt râu, ha hả cưởi, ngắm nghía bộ ngực nở, sáu múi ở ổ bụng cuộn lên. Bấy giờ mới cất tiếng hỏi:

– Tráng sĩ, tên họ là gì? Quê quán ở đâu?

– Bẩm! Thảo dân họ Phạm tên Ngũ Lão. Người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, châu Thượng Hồng. Cha thảo dân mất từ lúc thảo dân mới mười tuổi. Hiện ở với mẹ già. Làm nghề cầy ruộng thuê. Lúc nông nhàn thì làm thêm nghề đan sọt…

– Phải chăng ngươi là dòng dõi dũng tướng Phạm Cự Lượng?

– Nhà thảo dân sống nhiều đời ở làng Phù Ủng, không có gia phả… Cả dân làng cũng như thảo dân đều không rõ. Nhưng thảo dân nghĩ… chắc là không phải. Vì theo như mẹ thảo dân bảo ông nội và bố của thảo dân đều nhỏ bé và không thích chuyện võ nghệ. Chỉ có thảo dân nảy nòi ra như thế.

– Không sao! Ta chỉ hỏi vậy thôi! Bây giờ ngươi có muốn theo về kinh, đầu quân chống giặc Thát không?

– Đó là sở nguyện của thảo dân ạ! Nhưng xin thư cho năm hôm… để thảo dân về quê lợp lại mái rạ và đào giếng cạnh nhà cho mẹ. Giếng làng ở xa nhà. Thảo dân lấy việc quảy nước để rèn sức. Bây giờ thảo dân được Tiết Chế cho đi theo dắt ngựa thì phải đào giếng cho mẹ ạ!

– Người đứng dậy đi! Hưng Đạo Vương ra lệnh.

Ngũ Lão đứng thẳng lên, nhưng đầu vẫn hơi cúi giữ lễ.

– Nhà Tống đất rộng, người đông mà còn bị giặc Thát nuốt chửng. Còn Đại Việt ta, đất hẹp, người thưa… Ngươi nghĩ thế nào?

– Dạ! Bẩm… Nhà Tống đã đến thời mạt vận… còn Đại Việt ta vận khí đang lên. Có Thái thượng hoàng anh minh, có vua sáng. Có Tiết Chế là tôi hiền. Anh em phụ tử hoà thuận. Trên dưới một lòng thì lo gì giặc mạnh? Binh pháp có câu “Biết mình biết người trăm trận trăm thắng”.

– Vậy ngươi biết gì về giặc Nguyên Mông? Hưng Đạo Vương tiếp tục đưa ra câu hỏi mặc dù cuộc gặp “không hẹn” trước đã gần nuốt trôi nửa canh giờ. Voi ngựa và cả người đã thấy mỏi chân, gõ móng xuống đường cồm cộp.

– Bẩm, giặc Nguyên có đội kỵ binh hàng chục vạn. Rất thiện chiến, cưỡi ngựa giỏi, bắn cung tài. Một lính kỵ có tới hai ba ngựa nên việc hành binh rất thần tốc. Ở những vùng rộng lớn thì đấy là thế rất mạnh của họ. Còn ở Đại Việt ta, đất hẹp lại bị chia vụn ra bởi các ao, hồ, sông, suối, đầm lầy… thì cái mạnh ấy không thể trổ ra được nữa. Còn về tướng cầm quân Thái tử Thoát Hoan ít mưu lược, chỉ dựa dẫm vào tướng sĩ. Các tướng Nguyên Mông như Lý Hằng, Lý Quán, Trương Hiển, Phàn Tiếp, A Lỗ Xích, Tích Lệ Cơ Ngọc… có kinh nghiệm trận mạc nhưng cũng không dễ gì đánh thắng được các tướng của ta. Nhưng đáng sợ nhất là hai tên “soái” Toa Đô và Ô Mã Nhi. Toa Đô cao gần một trượng, nặng gấp đôi người thường. Chuyên sử một cây truỳ gai, có xích móc vào cổ tay. Mỗi khi truỳ của hắn nhắm tới đâu là chục mạng người đổ gục tới đó. Tên này lỳ lợm nhưng ít quyền biến cơ mưu, vào loại “thiên lôi chỉ đâu đánh đấy”. Ô Mã Nhi thấp hơn nhưng nặng hơn, nung núc những thịt, nhưng di chuyển chẳng lặc lè chút nào. Ô Mã sử thanh đao chuôi ngắn, to bản chém sắt như chém bùn. Tên này quyền biến cơ mưu, khá xảo quyệt. Đánh bộ đã giỏi mà đánh thuỷ cũng rất tài. Để chứng tỏ rằng ta đây không phải là kẻ dũng phu, trước lúc giao tranh hắn thường lý sự dài dòng con cà, con kê với đối thủ, như an ủi rằng người chết dưới tay ta đấy là do người tự tìm đến, chớ có oán hận gì. Song le Ô Mã có “tứ tuyệt” là khi có rượu ngon và gái đẹp bên cạnh thì “trời chỉ bé bằng vung”, trong quân doanh của hắn luôn lúc nhúc cả chục gái đẹp, chiến lợi phẩm hắn đem từ xứ tuyết Tiểu Nga về. Những cô gái này đẹp như tiên nữ giáng trần. Mắt xanh, da trắng, tóc vàng. Tuổi mới mười lăm, mười sáu. Váy liền áo chỉ ngắn đến bẹn….

– Người kiếm những chuyện đó ở đâu, mà nghe kỳ vậy. Hưng Đạo Vương vừa cười thú vị, vừa hỏi.

– Dạ! Bẩm!… Từ lúc đại Tống bị Nguyên Mông tiêu diệt. Có tới chục vạn dân cư và binh lính người Hán chạy sang Đại Việt ta lánh nạn. Việc này chắc Tiết Chế biết rõ hơn cả thảo dân. Thảo dân nghe chuyện Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật tuyển cả lính Tống trong đó có tướng Triệu Trung xung vào gia binh của ngài. Còn những chuyện trên là do chính Triệu Trung đã nói với thảo dân trong mấy lần ở quán rượu phố huyện.

– À, thì ra ngươi cũng ranh mãnh gớm! Hưng Đạo Vương nửa khen nửa bỡn cợt.

– Dạ! Bẩm!… Thảo dân chỉ làm theo sự chỉ dạy của sư phụ! Người bảo muốn biết giặc Nguyên Mông thế nào cứ đi uống rượu với tàn binh Tống sẽ rõ.

– Vậy sư phụ ngươi là ai?

– Pháp danh của người là nhà sư Hồng Quang trụ trì tại chùa Bảo Sơn làng Phù Ủng ạ!

– Ta khá khen thầy trò người. Bây giờ bản vương hỏi tiếp. – Như Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng Tả quân Thánh Dực (đạo quân tinh nhuệ bảo vệ vua, có đấu lại được với hai tên “soái” này không?

– Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng tuổi trẻ, tài cao, trí dũng, đảm lược đều đủ cả. Thương pháp của Bảo Nghĩa vương vốn được truyền từ đằng ngoại là vua Lê Đại Hành là thiên hạ vô địch. Nhưng về gân sức cũng không thể sánh được Toa Đô và Ô Mã Nhi. Nước Việt ta có một tướng đủ tài đao pháp và gân sức để chọi với Toa Đô, Ô Mã là Đô tướng thuỷ quân Nguyễn Khoái.

– Thế còn ngươi? Hưng Đạo Vương ngắt lời.

– Bẩm!… Nếu so Khoái Đô tướng là chúa sơn lâm thì thảo dân chỉ là sói, cầy thôi ạ!

Hưng Đạo Vương cả cười, lại đưa tay vuốt chòm râu đen và nói:

– Ta có hỏi ngươi tự so với Đô tướng đâu? Ta muốn hỏi ngươi tự so với Toa Đô, Ô Mã thì thế nào?

– Dạ! Thảo dân chưa chạm trán với hai đứa chúng nó thì làm sao có thể trả lời được ạ! Song chắc chắn có điều… khi lâm trận, thảo dân chỉ biết vì giang sơn Đại Việt mà lăn xả vào đánh. Dẫu có chết cũng không từ nan!…

– Có khí phách lắm! Khá khen cho ngươi… Hưng Đạo Vương, nói. Giờ ta phong cho ngươi làm Tiền quân Đô uý. Chức này chỉ dưới Nguyễn Khoái hai bậc. Vậy từ nay khi xưng hô với bản vương ngươi phải xưng là Tiền quân Đô uý, chứ không còn là thảo dân nữa nghe chưa?

– Thảo dân Đô uý xin tuân thượng lệnh ạ!

Đã “thảo dân lại còn Đô uý” khiến cả đoàn người đi cùng Hưng Đạo Vương cười ầm cả lên.

Rồi quay sang Dã Tượng, Hưng Đạo Vương lệnh:

– Ngươi xuống lấy kiếm lệnh và ấn Tiền quân Đô uý cho Ngũ Lão.

Dã Tượng “dạ” và lùi về phía sau. Một lát quay lại đỡ Hưng Đạo Vương bước xuống bành voi. Ngũ Lão quỳ cả hai chân dưới đất, bộ ngực vạm vỡ với hai tảng thịt vồng lên ưỡn thẳng, vươn hai tay cung kính nhận ấn kiếm cùng phẩm phục từ chính tay Hưng Đạo Vương rồi cất tiếng sang sảng nhưng cũng không dấu được cả rưng rưng:

– Ngũ Lão này dẫu gan óc lầy đất cũng không báo đáp được ơn tri ngộ này của Tiết Chế!

– Hãy đứng dậy đi! Hưng Đạo Vương giục – ta cho ngươi nghỉ phép bẩy ngày để về đào giếng và lợp lại mái rạ cho mẹ…. đúng cuối giờ dần bảy ngày sau ngươi phải có mặt ở Giảng võ đường phía tây thành Thăng Long chờ lệnh. Nhớ ăn vận phẩm phục đàng hoàng.

Ngũ Lão “dạ” chắp tay vái lạy Hưng Đạo Vương, cùng mọi người rồi nhảy phắt lên yên ngựa Tía phóng đi. Hưng Đạo Vương thúc đoàn lên đường gấp như để bù lại thời gian vừa mất. Rồi người cất giọng hào sảng nói: – Ba quân dễ kiếm một tướng khó tìm. Thực là trời đã cho ta Nguyễn Khoái, nay lại ban cho ta Ngũ Lão để chọi với hai thằng giặc Toa Đô và Ô Mã! Cưỡi ngựa bên bành voi của Hưng Đạo Vương. Đỗ Khắc Chung nói:

– Tiết Chế có vội vàng quá không, khi trao cho hắn chức Tiền quân Đô uý? Bỉ chức nghĩ thấy tên này còn nhiều uẩn khúc chưa được sáng tỏ. Tỷ như chỉ là một tên nhà quê đan sọt hắn luyện tập ở đâu mà võ nghệ tinh thông đến vậy? Lại như tình thế địch ta hắn cũng nói lầu lầu… thì có thật đáng nghi không? Biết đâu hắn chả là… Hán gian do người Nguyên cài vào nước ta… để dò xét tình hình và thừa cơ “trong ứng – ngoài hợp”?

Hưng Đạo Vương cả cười mà rằng:

– Chuyện bên Tầu khi xưa Phàn Khoái chỉ là tay bán thịt mà đứng đầu hàng quan võ, giúp Lưu Bang dựng nên cơ nghiệp nhà Hán bốn trăm năm. Đến như Trương Phi là một trong ngũ hổ tướng của Lưu Bị cũng chỉ là anh bán thịt chó. Thử hỏi hai người này luyện tập võ nghệ ở đâu? Còn ở đại Việt ta, Đinh Tiên Hoàng đế xuất thân từ trẻ chăn trâu. Chỉ với cờ lau tập trận mà trở thành “Vạn Thắng vương”. Có điều đáng tiếc quá mất cảnh giác đến nỗi cha con cùng bị hành thích. Cơ đồ gây dựng biết bao khó nhọc bõng chốc vào tay người khác. Âu cũng là số trời vậy! Và Lê Đại Hành nữa, năm mười bảy tuổi còn đi ở cho nhà phú nông. Ấy vậy mà võ công tuyệt đỉnh, “phá Tống bình Chiêm” lừng lẫy một thời, được ghi vào sử sách. Song chuyện tiếp nối nhà Đinh cũng còn có điều uẩn khúc khiến đến giờ vẫn còn điều tiếng dị nghị!…

Ngay như bản vương nếu không có giặc Nguyên Mông thì cũng chỉ là quý tộc tầm thường, chứ đâu được cái chức Tiết Chế chỉ dưới hai người (chỉ Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông) còn trên cả triệu người. Tại sao lại có chuyện như vậy? Phải chăng đó chính là thời thế tạo anh hùng đó ru? Trước lời lẽ khúc triết của Hưng Đạo Vương khiến Đỗ Khắc Chung cứng họng. Suốt trên đường từ đó về kinh đô Thăng Long, hắn không mở miệng nói thêm câu nào nữa.

Tuy nói vậy, nhưng khi Ngũ Lão vừa phóng ngựa vút đi Hưng Đạo Vương đã bí mật đưa mắt cho Dã Tượng. Hiểu ý chủ nhân Dã Tượng lại bí mật đưa mắt cho người đứng bên. Người này lại đưa mắt cho người thứ tư. Và đến người thứ năm lặng lẽ tụt khỏi đoàn tuỳ tùng, nhằm về Đường Hào Châu Thượng Hồng (nay là huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên) theo hướng đường vòng quất ngựa phi nước đại.

2

Bốn ngày sau, vào buổi sáng tại sân sau phủ Tiết chế phía tây thành Thăng Long, Hưng Đạo vương đang đi bài tinh hoa kiếm thì Dã Tượng bước vào, ông bảo gia nhân vào vác đao của Dã Tượng ra, nói: – Voi rừng hãy tỉ thí với cha dăm chục hiệp. Dã Tượng miễn cưỡng cầm đao đón đỡ. Hưng Đạo vương quát;

– Ngươi dám trái lệnh cha à! Nếu ngươi không hết sức, lưỡi gươm của ta sẽ lấy mạng ngươi.

Đã gần ngũ tuần nhưng đường gươm của Hưng Đạo vương vẫn còn đầy uy lực và biến hoá bay bướm như “tuyết rơi, hoa nở”, khiến Dã Tượng là vị tướng thực sự cũng phải mướt mồ hôi mới chống đỡ được. Càng đánh càng hăng, đường gươm vừa che phủ kín bản thân, vừa có những biến hoá nhằm vào các chỗ hiểm của “voi rừng”. Dã Tượng vung đao nhằm vai Quốc công xả xuống, người vừa đưa kiếm lên đỡ, thì đường đao lia xuống ống chân. Hưng Đạo vương nhẩy vọt lên, rồi bất ngờ, dùng một chân dẫm xuống lưỡi đao của Dã Tượng. Voi rừng cố sức rút lên mà không nổi. Trong khi đó lưỡi gươm sắc lẹm của người đã kề vào cổ voi rừng. Hưng Đạo vương quát to:

– Mi không tuân lệnh, dám nhường cha! Tội thật đáng chết! Rồi bỗng cười vang, vứt thanh gươm báu xuống cỏ và bảo gia nhân châm một ấm trà Thái dạng mộc (chưa có ướp hoa hoè, hoa sói). Người chỉ thích dùng trà Thái mộc vào buổi sáng.

Khi chủ và tớ đã ngồi quanh chiếc bàn tròn gỗ lim dày cộp trên có lọng xanh xoè rộng, Hưng Đạo vương mở lời trước:

– Con uống nước đi! Chắc con đến bẩm với cha chuyện của Ngũ Lão, đúng không?

– Vâng! Thưa, thám mã đã về nói với ngươi từ đêm qua. Sáng nay con vội vào bẩm, để cha mừng.

– Tin tốt lành chứ?

– Bẩm những lời Ngũ Lão bẩm với cha hôm trước đều là sự thật cả. Còn về tình tiết thì ly kỳ lắm cha ơi.

– Vậy vừa uống trà, vừa từ từ kể cha nghe.

– Cạnh chùa Bảo Sơn tại làng Phù Ủng có một cây sao cao vút. – Dã Tượng bắt đầu thuật lại lời của người thám mã. Năm đó Ngũ Lão mới sáu bẩy tuổi. Một sáng thơ thẩn qua chùa chơi nhặt hoa đại rơi. Bỗng thấy chú chim non kêu chíp chíp liên hồi một cách thảm thiết gọi mẹ dưới gốc sao. Hai con chim bố mẹ bay lên rồi lại sà xuống quanh chú chim non mà không tài nào cứu con đưa lên tổ được. Cậu bé Ngũ Lão tần ngần đứng nhìn hồi lâu ra vẻ nghĩ ngợi lắm rồi vụt đưa ra một quyết định. Chú bé tóc trái đào nâng niu nhặt chú chim non bỏ vào túi áo nâu của mình. Hai con chim bố mẹ sà vào vai chú bé mổ tới tấp. Mặc kệ, Ngũ Lão cứ bám cái thân cây trèo lên. Tổ chim ở chạc cao vút. Gần tới nơi mặt Ngũ Lão bị chim bố mẹ mổ cho sướt sát. May mà không có cú nào vào mắt. Trong tổ lúc nhúc mấy chú chim non nữa. Một tay bám chắc vào cành sao. Tay kia khẽ khàng thò vào túi móc chú chim non ra thả vào tổ… Nhưng lúc xuống mới là chuyện đáng nói. Lên thì còn có thể bíu chỗ này bám chỗ khác, chứ xuống tới đoạn gốc mới là điểm khó khăn nan giải. Ngũ Lão đang định thả cho người rơi xuống thì có tiếng của vị sư già cất lên:

– Cứ bám chặt đấy! Chờ ta vác chiếc thang dài ra.

Khi xuống tới đất, sư già nhìn vầng trán rộng, đôi mắt sáng, hai má như hai trái đào chín của Ngũ Lão thì hỏi:

– Sao con nghịch dại thế? Mà lũ chim đang sống yên ổn lại lên phá tổ của chúng?

Ngũ Lão trần tình lại đầu đuôi sự việc. Sư già buột ra tiếng khen:

– Con còn nhỏ tuổi mà đã có lòng “hiếu sinh”? Thật là đáng khen!.. Thế nhà có ở gần đây không?

– Thưa sư cụ! Nhà con ở thẳng đường lớn này ạ! Cách đây một thôi đường. Cũng gần ạ!

– Thế tối nay, vào giờ Dậu, lúc gà lên chuồng, con bảo ta mời bố mẹ sang chùa để ta nói chuyện.

– Xin sư cụ đừng mách cha con chuyện sáng nay?

– Không, ta muốn bàn với cha con việc khác cơ. Nhớ nói cha ngươi đừng lỡ hẹn.

Tối, cha Ngũ Lão sang chùa. Sư cụ nói:

– Ta ngắm thấy thằng bé mặt mũi sáng sủa, hơi thở nhẹ nhàng, lại rất có thiện tâm. Bởi thế ta nói từ mai để hắn sang chùa, quét sân và làm các việc lặt vặt. Lúc rảnh rỗi ta sẽ dạy chữ cho. Cơm ăn hai bữa nhà chùa nuôi. Người cha sung sướng đến bàng hoàng, chỉ lắp bắp đáp được mấy tiếng;

– Đa tạ sư cụ! Thật là phúc cho nhà chúng con quá.

Ngũ Lão chăm chỉ làm việc. Cái chổi cao gấp đôi người, nhưng trong sân, ngoài ngõ, những ngóc ngách trong chùa, chỗ nào cũng sạch như lau. Còn về cái sự học, Ngũ Lão sáng dạ hơn người. Sư cụ dạy tới đâu Ngũ Lão nhập tâm ngay tới đó. Năm bẩy tuổi sư phụ bắt đầu cho Ngũ Lão luyện võ. Mảnh vườn trồng rau rộng sau chùa, sư cụ cho trồng chuối bạt ngàn. Sau những bài đi quyền, xuống tấn, sư cụ bảo Ngũ Lão ra vườn xỉa vào các thân chuối. Phía góc chùa bên phải có một quả đồi đất đá ong nhỏ. Sư cụ bảo Ngũ Lão ra đấy, tung chân mà đạp vào đồi đất. Khi nào đất ở đó bằng như sân chùa là được.

Năm Ngũ Lão mười ba tuổi võ nghệ đã tinh thông. Chữ nghĩa cũng đã đọc xong vài trăm quyển. Sư cụ cho đào một hố nhảy dài. Dưới hố thay vì trải cát, sư cụ cho cắm cái vật sắc nhọn rồi bảo Ngũ Lão nhảy qua. Không một chút chần chừ mắm môi mắm lợi Ngũ Lão chạy lấy đà nhảy qua hố. Sự cụ đứng ở giữa chừng, tay thủ sẵn một chiếc gậy gỗ sau lưng. Khi Ngũ Lão sắp sa xuống hố chông thì sư cụ vung gậy gạt vào lưng, đẩy Ngũ Lão vọt qua.

– Nếu ta không giúp được con bay qua hố chông thì sẽ thế nào? Sư phụ hỏi.

– Dạ! Sư phụ có bảo con nhảy vào dầu sôi lửa bỏng, con cũng không từ huống là mấy cái gai cái chông này thì có hề hấn gì – Ngũ Lão khảng khái đáp.

Sư phụ quăng cái gậy gỗ, nghiêm trang nói với Ngũ Lão:

– Từ mai con không phải làm bất cứ việc gì trong chùa để chuyên tâm vào việc học văn, luyện võ.

Ngũ Lão kính cẩn đáp:

– Bẩm sư phụ! Con không động tay, động chân vào việc đồng áng là ngứa ngáy không chịu được. Con sẽ dậy sớm thức khuya hơn. Sư phụ bằng lòng cho con đi!

Sư phụ ngửa cổ lên trời mà khen rằng:

– Con mới tý tuổi đầu mà đã có chí khí của kẻ trượng phu. Cha mất sớm từ khi Ngũ Lão mới lên mười. Mẹ lại yếu đau luôn. Ngũ Lão phụng dưỡng mẹ rất có hiếu. Mọi việc nặng nhọc trong nhà. Ngũ Lão giành lấy làm cả. Thức ăn nhà chùa cho về, bao giờ Ngũ Lão cũng mời mẹ trước.

Năm 17. Ngũ Lão đã trở thành thợ cầy giỏi nhất hương. Có nhà phú ông thách Ngũ Lão cầy năm mẫu ruộng trong một ngày. Ngũ Lão đáp:

– Sức người có thể kham nổi. Nhưng sức trâu thì không kham được.

– Người nói thế nào thế? Chả lẽ sức người lại hơn cả sức trâu à? Phú ông hỏi lại.

– Vâng!

– Nhà ta có gần chục con trâu cày. Người muốn thay mấy con tuỳ ý. Cầy xong năm mẫu trong ngày ta thưởng cho mười bồ thóc. Không cày xong phải lĩnh năm mươi hèo.

Sáng sớm Ngũ Lão dong trâu ra đồng. Cầy đến chính ngọ thì tháo trâu, xà xuống đôi quang gánh một bên là rổ khoai lang luộc, bên kia là nồi nước chè xanh. Loáng một cái Ngũ Lão đã đả hết rổ khoai và uống cạn nồi nước chè. Rồi thay trâu cày tiếp đến hết giờ mùi. Trời nắng như đổ lửa. Cánh đồng vắng tanh, vắt ngắt không một bóng người. Ngũ Lão thay con trâu thứ ba cày tiếp. Đến đầu giờ dậu thì cả năm mẫu ruộng đã được cầy xới ngon lành. Đường cầy thẳng băng, không sâu quá mà cũng không nông quá. Chỗ vào góc, đường lượn gọn gàng ôm khít bờ mương. Ai ra trông cũng phải lắc đầu lè lưỡi. Tối phú ông lên giữ Ngũ Lão ở lại dùng cơm rượu. Uống được vài tuần thì phú ông cáo nhức đầu đi nằm. Tiếp Ngũ Lão chỉ còn cô con gái của gia chủ. Cô đã cứng tuổi ở độ ngoài hai mươi. Mắt đen, môi đỏ, da trắng hồng. Mượn men rượu cô nói với Ngũ Lão nhưng giọng loại rất nghiêm trang:

– Mẹ ta mất sớm! Bố ta sinh được mỗi một mụn con gái là ta. Cơ ngơi này trải qua bao nhiêu đời mới gây dựng lên được. Nay vì không có con trai nối dõi, ta không dành lòng nhìn mồ hôi, công sức của ông cha ta rơi vào tay kẻ khác. Bởi thế ta mới không lấy chồng. Mặc dù có đến chục đám con nhà cũng khá giả, thuộc loại “con ông cháu cha” rắp ranh “bắn sẻ”. Song ta đều từ chối cả. Ta đã thề sẽ kiếm một đứa con riêng, nó sẽ mang họ ta. Lớn lên cho học hành tử tế, để cai quản cái gia sản này. Tuy nhiên tìm mãi chưa được người. Nay ta thấy người thật thà, khoẻ mạnh muốn xin người một đứa con. Ta sẽ trả ngươi một trăm quan tiền.

– Đa tạ sự tin cậy của cô nương! Nhưng việc vợ chồng là “cái duyên ông trời se cái que ông trời buộc”. Có phải là loài vật như con trâu, con bò đâu mà phối giống là được! Ngũ Lão nghiêm trang đáp.

– Ngươi dám mạt sát ta chăng? Cô chủ giận dữ đáp.

– Ngũ Lão này không dám! Chỉ muốn nói về cái đạo lý làm người thôi.

– Vậy thì ngươi về đi! Ngày mai ta sẽ cho người chở mười bồ thóc sang nhà trả công cho ngươi. Khi Ngũ Lão đã ra đến ngõ rồi thì tiếng cô chủ liến láu gọi theo:

– Chờ ta một tý. Ta có chút quà gọi là có chút lòng gửi cho mẹ ngươi.

Ngũ Lão dừng lại. Trời không trăng, dưới rặng tre đầu ngõ tối om. Cô chủ nhào tới quàng lên cổ Ngũ Lão một tấm lụa tơ tằm mát rượi. Tiện tay cô chủ đặt lên vòm ngực nở nang như cánh diều của Ngũ Lão. Và đặt ở đó rất lâu. Ngũ Lão cảm nhận bàn tay của cô chủ mỗi lúc một ấm lên. Đến khi cô chủ ngả đầu vào vai mình thì Ngũ Lão nhẹ nhàng đẩy ra và nói:

– Tôi về đây! Nhỡ ai trông thấy thì chết!

– Ta là gái còn không sợ thì ngươi sợ cái gì? Làng muốn bắt vạ ta. Ta không chồng mà chửa thì ta mổ ba bò, chín trâu khao cả làng chứ xá gì! Cô chủ bỗng gào lên.

Dã Tượng kể tới đó thì Hưng Đạo Vương cũng bật cười và hỏi lại:

– Các ngươi lấy đâu ra những chuyện ngóc ngách tận sau luỹ tre ấy!

– Thưa cha! Ở làng quê có cái gì giấu được ai đâu! Lúc cô chủ ngồi uống rượu với Ngũ Lão đã có vài ba đôi mắt lấm lét từ các phía xăm soi rồi. Lại chuyện này nữa. Đầu năm, sau dịp Tết nguyên đán, từ rằm tháng giêng trở ra, ở châu Thượng Hồng thường tổ chức hội vật. Các già làng muốn Ngũ Lão tham dự để mang tiếng thơm về cho quê hương bản quán. Ngũ Lão đều từ chối. Nhiều người chê Ngũ Lão là “nhát” thì Ngũ Lão đáp lại “Biết mình hơn người ta thì đấu làm gì? Thế chẳng phải là lấy mạnh hiếp yếu sao?”

Nhưng rồi trước sự giục dã của cả làng, năm ấy Ngũ Lão phải lên sới Ngũ Lão cởi trần, đóng khố bước ra giữa sới vật nghiêm giọng thách đấu:

– Ta không vật lại! Ai bằng cách gì làm ngã được ta thì người ấy thắng cuộc.

Nhiều đô vật đã lao vào. Mắm môi mắm lợi ôm lấy đùi Ngũ Lão hòng nhấc bổng lên rồi quật Ngũ Lão xuống. Song hai chân Ngũ Lão như rễ cây cổ thụ đã cắm sâu xuống đất. Một đô quá tức tối, bèn lùi lại rồi chạy lấy đà dùng đầu húc cực mạnh vào giữa ngực Ngũ Lão. Ngũ Lão vấn điềm nhiên như không. Còn đô vật kia thì bắn xa ra mấy thước.

Rồi vái lạy hàng ngàn người. Ngũ Lão dời khỏi sới vật, khoác chiếc áo cánh nâu rảo bước ra về. Dân làng Phù Ủng đi theo, khoanh tay thành kiệu mời Ngũ Lão ngồi lên, Ngũ Lão đã chắp tay từ chối.

Biết Ngũ Lão có sức khoẻ và võ nghệ hơn người, mấy lần ngồi uống rượu tướng Triệu Trung đã ngỏ ý tiến cử Ngũ Lão với Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật. Nhưng Ngũ Lão lảng đi, hỏi sang chuyện khác.

– Có chuyện đó thật sao? Hưng Đạo Vương bật dậy hỏi lại.

– Thưa cha có chuyện đó thực như mặt trời mọc buổi sáng.

Rồi, gã voi rừng ở gần người trí tuệ như Hưng Đạo Vương nên cũng dần “sáng dạ” ra, ngẫu hứng mà rằng:

– Đúng là chim khôn biết chọn cây mà đậu! Người khôn biết chọn chủ mà thờ!

Câu cảm thán đó của Voi rừng khiến Hưng Đạo Vương vô cùng đắc ý. Người vươn vai đứng dậy. Và trong giữa buổi sáng mùa thu đẹp trời ở đất Thăng Long, càng khiến cho tinh thần của người thêm phấn chấn. Người bước ra sân cỏ, cúi xuống nhặt thanh kiếm báu lên; nghiêm trang đứng thẳng người cầm gươm chỉ về phương Bắc mà nói lớn rằng:

– Bớ lũ giặc phương Bắc kia! Chúng bay đừng hòng mơ tưởng đến, dù là một tấc đất của Đại Việt ta!…


[1] Chức Tiết Chế thời Trần lớn hơn chức Tổng tham mưu trưởng quân đội bây giờ một chút.

Comments are closed.