Chim ưng và chàng đan sọt (kỳ 2)

Bùi Việt Sĩ

3

Trở lại chuyện Ngũ Lão, bảy ngày sau lời hẹn của Hưng Đạo Vương, vào cuối giờ dần đã có mặt ở Giảng Võ đường phía tây thành Thăng Long. Cờ xí cắm rợp trời, tiếng trống đánh, tiếng loa thét inh ỏi cả một khu vực rộng lớn. Ngũ Lão thúc con Tía đĩnh đạc vào cổng chính. Quân canh cửa ngăn lại quát:

– Người kia đi đâu? Những ngọn dáo lăm lăm chĩa vào cả người lẫn ngựa.

Ngũ Lão rút thẻ đồng nhét dưới bụng áo chìa ra và bảo:

– Bẩm với Tiết Chế rằng thảo dân Đô uý đã có mặt!

Tiếng loa sắt vọng vào trong thì gần như ngay lập tức có tiếng loa đáp lại:

– Truyền lệnh của Tiết Chế cho tân Tiền quân Đô uý vào!

Rồi một tên lính phi ngựa ra dẫn đường. Vừa qua cổng. Ngũ Lão đã choáng ngợp bởi hàng vạn người ngựa đã xếp thành từng khối trong Giảng võ đường tự bao giờ. Chính giữa là kỳ đài. Hai vua Trần đứng ở giữa. Các hoàng thân quốc thích theo thứ tự phân cấp đứng bên phải. Các võ tướng đứng ở bên trái. Ngũ Lão cúi rạp người trên mình ngựa. Tên lính dẫn đến sát chân kỳ đài thì ra hiệu cho Ngũ Lão xuống ngựa. Một tên nhận dây cương từ tay Ngũ Lão dắt ngựa ra phía sau. Một tên khác hướng dẫn cho Ngũ Lão đứng lên vị trí của mình, dưới quan Đô tướng thuỷ quân Nguyễn Khoái hai bậc. Còn đang ngực đập chân run Ngũ Lão đã nghe thấy những tiếng la ó từ phía bên phải hai vua Trần. Chỗ của các quan lại quý tộc. Rồi một tiếng dõng rạc cất lên hỏi Hưng Đạo Vương:

– Cái thằng nhà quê đan sọt kia, có công tích gì mà được Tiết Chế một bước cho lên chức Tiền quân Đô uý. Mọi người nhìn lại nhận ra người vừa hỏi câu đó là Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư.

– Nếu ngươi không phục thì có dám tỷ thí với tân Đô uý chăng? Hưng Đạo Vương lớn tiếng đáp.

– Ta đây đường đường là quý tộc là Nhân Huệ vương tôn thất của nhà Trần mà lại thèm tỉ thí với tên nhà quê đầu đường xó chợ đó sao?

Hưng Đạo Vương cũng không vừa, chế nhạo lại:

– Sao người chóng quên vậy. Mới cách đây mấy tháng ngươi đâu có phải Nhân Huệ vương, mà là một tên đốt than ở vùng Chí Linh Hải Dương. Một tên đốt than tỉ thí với anh nhà quê đan sọt thì có gì là không “môn đăng hộ đối”!…

Tiếng một người con gái đứng sát ngay phía sau hai Vua Trần thích thú cười ré lên và đế vào:

– Đốt than đấu với đan sọt. Thật là “kỳ phùng địch thủ”! Chúng nhìn ra thì đó là công chúa An Tư con gái út của Thái thượng Thái hoàng Trần Thái Tông. An Tư đã ngoài hai mươi cái xuân xanh, mà vẫn chưa kén được phò mã trong khi các công chúa khác chỉ mới mười sáu, mười bảy thì đã yên bề gia thất cả rồi. Không phải An Tư không có sắc đẹp. Mà ngược lại nàng có khuôn mặt sáng ngời như trăng rằm, mái tóc dày đen thả ra dài tới gót. Mũi dọc dừa, mắt như hai hồ nước có những vòng sáng xanh biếc như muốn “dìm chết” người ngắm nhìn. Các vương tôn công tử trong hoàng tộc không chỉ sợ những vòng sóng xanh biếc đó, mà còn hãi cái tính ngỗ ngược của công chúa. Bên sườn nàng lúc nào cũng đeo một con dao găm lưỡi cong, sắc lẹm. Có điều gì trái ý là rút dao găm ra liền. Nàng là người con gái duy nhất được có mặt và dám có mặt ở Giảng võ đường trong buổi lễ duyệt quân vô cùng trọng đại này. Hồi Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư chưa vướng vào chuyện với công chúa Thiên Thuỵ vợ Hưng Võ vương Trần Quốc Nghiễm, hai vua Trần đã muốn gả An Tư cho Khánh Dư. Khánh Dư lấy làm hãnh diện và thích thú lắm. Nhưng Công chúa cứ lắc đầu quầy quậỵ. Thậm chí còn tuyên bố thẳng thừng rằng: “Nếu hai thánh thượng cứ quyết thì đêm tân hôn ta sẽ biến Nhân Huệ vương thành Công công”. Hai Vua Trần phải lắc đầu thoái lui.

Lại nói Trần Khánh Dư, con trai của Thượng tướng quân Trần Phó Duyệt. Cuộc kháng chiến chống quân Mông cổ xâm lược lần thứ nhất (1258) lúc đó chưa đầy hai mươi tuổi, nhưng Khánh Dư đã dũng cảm tập hợp gia binh của cha được hơn ngàn người. Rồi nhân lúc quân giặc sơ hở, đã dũng mãnh tập kích đánh úp vào sau lưng doanh trại của chúng. Đốt hết lương thảo và xua đàn ngựa chiến của chúng hoảng loạn để quân Đại Việt bắt được cả ngàn con. Với chiến công ấy, vua Trần Thái Tông khen là người có trí dũng, tỏ ra yêu mến lắm, nhận là Thiên tử nghĩa nam (tức là con nuôi của vua). Mấy năm sau, vua Trần Thánh Tông sai Khánh Dư đi dẹp quân Man nổi loạn ở vùng Đà Bắc. Khánh Dư có tài đánh thuỷ, đã mưu trí dũng cảm dùng thuyền độc mộc vượt thác Sông Đà đánh thẳng vào động chúa. Quân Man tan rã, chúa Man xin hàng. Nhờ chiến tích đó Khánh Dư được phong tới chức Phiêu kỵ tướng quân (chức chỉ dành cho các hoàng tử) và được phong từ tước hầu lên tước vương. Trần Khánh Dư văn võ song toàn, đường gươm của Nhân Huệ vương như “tuyết rơi, hoa nở”, có thể xông vào đám quân cả ngàn như vào chỗ không người. Khánh Dư người cao chân dài miệng rộng, môi mỏng. Mắt hơi lồi với hàng mi dài mà cong. Mũi cao, hai cánh mũi mỏng ăn sâu vào trông rất dâm đãng. Khánh Dư thích chơi bời, săn bắn. Những lúc Khánh Dư đi săn về, oai vệ ngồi trên mình ngựa trắng, chú chim ưng lông đỏ, mỏ quặt đậu trên vai là lúc hình ảnh Khánh Dư đẹp nhất. Các thiếu nữ mới lớn thì si mê cái vẻ lãng mạn rất nam tính toát ra từ phong thái ung dung bất cần đời của Nhân Huệ vương. Còn cánh phụ nữ đã có chồng thì lại mê mẩn bởi sức hấp dẫn đến không thể cưỡng lại được từ đôi chân dài.

Mỗi lần thấy Khánh Dư đi săn về, oai phong trên mình ngựa trắng đi ngang qua phủ là ruột gan công chúa Thiên Thuỵ, vợ của Hưng Võ Vương Trần Quốc Nghiễm (con trai cả Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) lại cồn cào tột độ. Có lần công chúa đã muốn nhảy bổ ra ôm chầm lấy đôi chân dài của Khánh Dư rồi muốn ra sao thì ra. Công chúa Thiên Thuỵ ngực nở, mông cong, hai mắt và đôi môi lúc nào cũng ướt át đầy vẻ thèm khát. Vốn là kẻ già dặn trong tình trường chỉ liếc mắt qua là Khánh Dư đã biết “con mồi” của mình muốn gì? Song Nhân Huệ vương luôn “tỉnh bơ” như không thèm để ý, khiến ruột gan Thiên Thuỵ càng cồn cao hơn. Rồi cái gì phải đến đã đến. Chiều đó giả vờ đi săn về, Khánh Dư lại “diễu” ngựa ngang qua phủ Hưng Võ Vương. Lúc ấy Thiên Thuỵ đang chơi với một chú thỏ trắng trong vườn thì nhanh như chớp con chim ưng trên vai Khánh Dư bay vụt lên, dùng các móng vuốt quắp ngang thân con thỏ trắng rồi vẫy cánh bay lên một cành cây trong phủ, dùng chiếc mỏ quắp xé thịt con mồi đánh chén ngon lành. Khánh Dư vội vàng nhảy xuống ngựa chạy thẳng vào phủ, nhún người xin lỗi công chúa vì hành vi “cướp” của “thủ hạ” mình. Công chúa mắt sáng long lanh, miệng cười đon đả bảo:

– Ồ, chuyện không có gì! Không có gì! Mời Nhân Huệ vương vào phòng khách.

Được lời như cởi tấm lòng đôi chân dài của Khánh Dư theo sát công chúa vào bên trong phủ. Khi cánh cửa gỗ lim phòng khách vừa đóng sập lại thì hai cơ thể đã quấn chặt lấy nhau. Chẳng cần màn dạo đầu hôn hít. Khánh Dư bóc váy áo của Thiên Thuỵ. Và ngược lại những ngón tay của công chúa vội vàng cởi chiếc quần đi ngựa rộng thùng thình của Khánh Dư. Khi thân thể cả hai đã được bóc trần, Khánh Dư luồn tay dưới cặp mông mẩy và cong của công chúa nhấc lên ngang với chiếc “cần câu” dài và thẳng đứng của mình. Rồi chẳng cần giường chiếu, với sức khoẻ của một võ tướng đang ở tuổi sung mãn nhất Khánh Dư lúc đẩy mông Thái Thuỵ ra, lúc dập mông công chúa vào, tạo nên một nhịp điệu đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Công chúa Thái Thuỵ rú lên sung sướng theo nhịp đôi đơn giản đó. Lúc cao trào nhất đôi tay Khánh Dư đưa ra, ập vào dồn dập như người đẩy cối xay lúa, khiến công chúa nấc lên : – Ối! Nhân Huệ vương! Ta chết mất! Ối!…

Rồi như mèo đã quen mỡ, vài ngày không gặp được nhau là cả hai đều thấy bồn chồn. Bởi thế mỗi khi Hưng Võ vương có việc vắng nhà là Thiên Thuỵ lại thả chim bồ câu gọi Khánh Dư tới. “Cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải thòi ra”. Một lần Khánh Dư đi vắng, cánh thư buộc ở chân chim câu không được gỡ ra thế nào lại rơi vào tay Trần Quốc Nghiễm. Biết công chúa cắm sừng mình, nhưng cũng lo Khánh Dư xảo quyệt lại là Thiên tử nghĩa nam nên Hưng Võ Vương phải lập kế vờ về Vạn Kiếp thăm cha mấy ngày. Nửa đêm Hưng Võ Vương đưa gia binh vây kín phủ, đèn đuốc sáng trưng. Biết sự việc đã bị phát giác, trong lúc công chúa cuống cuồng sợ hãi thì Khánh Dư vẫn bình thản:

– Nàng là công chúa. Còn ta con nuôi thiên tử. Xem hắn làm gì nào?

Rồi ung dung xách gươm bước ra khỏi phòng the. Quốc Nghiễm lăn xả vào đâm và chém loạn xạ. Khánh Dư chỉ đón đỡ chứ không đánh lại. Quốc Nghiễm càng điên cuồng khi thấy công chúa nhảy ra có ý che đỡ cho tình địch. Lợi dụng cơ hội đó Khánh Dư thích một mũi gươm vào vai Quốc Nghiễm rồi mở đường máu tháo chạy. Đám gia binh của Hưng Võ Vương biết Khánh Dư là tay kiếm không vừa, nên chỉ vây ở vòng ngoài hò hét, chứ không ai dám xông vào. Khánh Dư ung dung ra chuồng tháo ngựa, nhảy lên và phóng vụt qua cổng phủ.

Sáng sớm hôm sau, Quốc Nghiễm mang cánh tay bị thương còn ướt đẫm máu vào chầu hai vua Trần. Đập đầu xuống sàn, tâu khóc xin hai vua trả lại sự “công bằng” cho mình.

Vẫn biết Khánh Dư là kẻ “trăng hoa” nổi tiếng, nhưng liều lĩnh đến mức như thế này, là điều hai vua Trần cũng không thể tưởng tượng được. Một đằng là Thiên tử nghĩa nam, lại từng có công với nước, nếu Trần Quốc Nghiễm không phải là con trai cả của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chắc Khánh Dư chỉ bị quở trách cho lấy lệ và phạt mấy mâm vàng cùng vài trăm mẫu ruộng là xong. Nhưng thế của Hưng Đạo Vương, mặc dù lúc ấy chưa được phong Quốc Công Tiết Chế nắm giữ toàn bộ binh quyền nhưng cũng đủ làm nghiêng nước. Bởi thế Thượng hoàng Trần Thánh Tông phải ra lệnh bắt trói Khánh Dư ngay. Toàn bộ gia sản bị tịch thu xung vào công quỹ. Chiều tối Thượng hoàng ra lệnh giải Khánh Dư lên bờ Hồ Tây, dùng gậy đập chết rồi quăng xác xuống hồ nuôi cá. Chính ngôn là như vậy. Song mặt khác cả hai vua đều tiếc cái tài của Khánh Dư. Mà người tài đối với quốc gia xã tắc lúc này, trước hoạ xâm lăng của quân Nguyên Mông lại cần hơn lúc nào hết. Do vậy mới ngầm sai lũ lính đó rằng: “Có đánh thì đánh nhẹ tay, đánh làm phép thôi! Chờ đêm tối cắt dây trói! Thả cho hắn muốn đi đâu thì đi!” Nửa đêm Khánh Dư trở về phủ, lấy thanh kiếm và ít bạc lẻ dắt bên mình và con chim ưng, dời bỏ kinh thành Thăng Long về vùng núi Chí Linh, Hải Dương tụ tập lũ vô công rồi nghề, sinh sống bằng việc đốt than. Hưng Đạo Vương và bốn anh em Trần Quốc Nghiễm cho người dò tìm, biết hết cả chân tơ kẽ tóc của vụ việc. Theo luật pháp của triều đình phò mã mắc tội quan hệ với đàn bà con gái khác thì bị khép vào tội “khi quân” phải xử chém. Chẳng may công chúa chết phò mã cũng không được lấy vợ khác. Có lấy thì cũng chỉ “lấy trộm” chứ không được “chính danh”. Còn ngược lại phò mã không may chết trước, thì vài tháng sau công chúa có quyền tuyển phò mã mới. Còn việc công chúa có hứng chí đi “cắm sừng” thì phò mã cũng phải chịu cảnh “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Bởi thế Quốc Nghiễm tức đến gần như phát điên, sau khi biết rõ tung tích Khánh Dư ở vùng núi Chí Linh định đưa gia binh tới giết. Em út là Hưng Trí Vương Trần Quốc Hiệu bảo:

– Khánh Dư kiếm thuật cao siêu. Dùng cách đó chưa chắc đã giết được. Mà mọi việc lại ầm ĩ lên. Chi bằng khoanh vùng rừng hắn đang ở lại. Cho lính tưới dầu xung quanh rồi phóng hoả đốt thì dẫu hắn có phép “thăng thiên độn thổ” cũng không hể thoát được. Trên danh nghĩa Khánh Dư đã làm mồi cho cá rồi. Triều đình có biết cũng không thể bắt tội được. Quốc Nghiễm khen đấy là “diệu kế” và chuẩn bị thi hành thì Hưng Đạo Vương cho gọi cả bốn con đến Vạn Kiếp. Người bảo:

– Tội Khánh Dư dẫu có lột da xẻ thịt cũng đáng. Nhưng Khánh Dư là người tài trong thiên hạ. Hai thánh thượng vì tiếc cái tài của nó mà đã ngầm ra lệnh khoan dung. Nay ta làm hoá ra cha con ta “không có mắt sao”. Như cha đây, khi trước mẹ các con là công chúa Thiên Thành đã được gả cho Trung Thành Vương. Kinh thành mở hội hoa đăng bẩy ngày bẩy đêm. Qua đêm thứ sáu định chiều ngày thứ bẩy thì rước dâu. Nhưng ta đã cướp công chúa từ sáng sớm. Thượng hoàng Trần Thái Tông và vua Trần Thánh Tông hoàn toàn có thể ghép ta vào tội lăng trì, tùng xẻo. Nhưng hai Thánh thượng đã không làm vậy, các con có biết vì sao không? Vì hai Thánh thượng biết cha là người tài bởi thế mà bỏ qua cả phép nước. Cha chỉ phải trả lại hai mâm vàng sinh lễ cho Trung Thành Vương và nộp phạt hai ngàn mẫu ruộng ở vùng Mỹ Đức Sơn Tây. Các con ạ. Vua sáng không phải thời nào cũng có đâu? Là trang nam tử phải biết lấy báo đền nợ nước làm trọng. Còn chuyện đàn bà nhẹ như lông hồng.

Nhờ thế mà Trần Khánh Dư thoát chết.

Bốn năm sau. Năm 1282, hai vua Trần tổ chức hội nghị quân sự ở bến Bình Than. Cho Tiết Chế được quyền bổ nhiệm và bãi các chức võ quan từ Đô tướng đến Đô uý.

Trong màn sương mù mờ ảo, từ trong thuyền rồng vua Trần Nhân Tông chợt thấy một thuyền nan ghé qua. Người chèo thuyền đội nón lá, áo tơi. Nhìn đôi chân dài linh tính như mách bảo nhà vua, người bèn gọi vọng ra:

– Trần Khánh Dư hả?

Người chân dài mặc áo tơi, nón lá vội chèo thuyền đi thẳng. Vua Nhân Tông nghĩ chỉ có Khánh Dư mới có gan cho thuyền sát vào nơi triều đình đang họp, bèn sai quân lính lấy thuyền nhẹ đuổi theo. Quả nhiên, linh cảm và suy đoán của nhà vua là đúng.

Khánh Dư bước lên thuyền rồng. Mặt mũi lấm lem than. Nhớ tới hình ảnh của Nhân Huệ Vương cưỡi ngựa trắng oai hùng hồi nào, vua Nhân Tông rơi nước mắt, và sai quân hầu đưa Khánh Dư đi tắm gội, thay phẩm phục của triều đình. Tiếp đó vua phong cho Khánh Dư chức Phó đô tướng thuỷ quân. Trả lại tước vương cùng phủ ở kinh thành. Và cho ngồi ở hàng thứ ba cùng bàn việc nước…

Trở lại Giảng võ đường, trước sự dồn ép diễu cợt của Hưng Đạo Vương lẫn công chúa An Tư, Đỗ Khắc Chung (người ngoài hoàng tộc duy nhất được đứng bên hai vua Trần) vốn từ lâu đã kết thân với Trần Khánh Dư vội đỡ lời:

– Muôn tâu hai thánh thượng! Bẩm Tiết Chế! Chuyện đốt than của Trần Khánh Dư dù thế nào cũng là chuyện đã qua. Khánh Dư đường đường là Nhân Huệ Vương, là người trong hoàng tộc… Bởi thế thần trộm nghĩ để cho Đô tướng thuỷ quân Nguyễn Khoái tỷ thí với tân Đô uý Ngũ Lão là… thích hợp hơn cả.

Hưng Đạo Vương đã tính tới khả năng này, vả lại chuyện giễu cợt, làm nhục Khánh Dư đến vậy cũng đã đủ, nên người ra lệnh hỏi:

– Đô tướng thuỷ quân Nguyễn Khoái có bằng lòng tỷ thí với tân Đô uý Phạm Ngũ Lão chăng?

Đang đứng trên Ngũ Lão hai bậc, nhưng mặc cho mọi chuyện đang ồn ào diễn ra, Đô tướng thuỷ quân Nguyễn Khoái như người đang mơ ngủ, nên khi nghe Quốc Công Tiết Chế nhắc đến tên mình thì hơi giật mình choàng tỉnh.

Tiếng loa sắt của tên quan hầu nhắc lại lời Hưng Đạo Vương một lần nữa. Nguyễn Khoái “Dạ!” và nói:

– Xin tuân lệnh! Đấu vật hay so đao Khoái này đều không chối từ!

Tiếng reo to từ cả hai phía trên kỳ đài:

– Đấu vật trước!

Thảm vật được quân lính nhanh chóng trải ra. Trống vật cũng được khênh tới. Nguyễn Khoái cùng Phạm Ngũ Lão đều trút bỏ võ phục. Nguyễn Khoái đánh một chiếc khố sồi mầu đen. Ngũ Lão vận khố sồi mầu đỏ. Viên quan chủ khảo đánh ba hồi trống dạo. Nguyễn Khoái cùng Ngũ Lão vừa múa các bài dạo đầu, vừa cúi chào hai vua Trần cùng Tiết Chế. Ba hồi trống vừa dứt, hai đô nhanh như cắt lao vào nhau như hai con trâu chọi. Người Nguyễn Khoái vâm váp như một gốc lim cổ thụ. Da ngăm ngăm đen, trán hơi thấp, râu quai nón cạo rối bằng dao găm mọc lại lởm chởm. Ngũ Lão da trắng, trán cao, mắt sáng môi đỏ đã hút hồn công chúa An Tư ngay từ lúc thúc ngựa chậm rãi bước một vào Giảng võ đường.

Hai đối thủ ghì chặt lấy nhau. Đầu thúc đầu. Vai tì vai, cánh thích cánh, không ai chịu kém cạnh ai. Cánh tay trái của Ngũ Lão cuồn cuộn các chão thịt trắng hồng nổi bật hai chữ “Sát Thát” mới thích xanh đen khiến Hưng Đạo Vương vừa ưng ý đánh mắt cho mọi người vừa vuốt chòm râu đen trước ngực.

Ghì đẫy một hồi lâu, hai đôi chân như mọc rễ xuống đất. Bất ngờ Ngũ Lão xoay người, tì vai vào ngực Nguyễn Khoái cúi người thực hiện một cú quật. Như người khác trước đòn đánh bất ngờ, nhanh và mạnh như vậy chắc đã “lấm lưng, trắng trụng”. Nhưng “gốc gỗ lim cổ thụ” chỉ bị lạng sườn qua một bên. Nhanh như cắt, Ngũ Lão vòng hai tay ôm được bụng Nguyễn Khoái, gắng hết sức bình sinh “nhổ gốc lim cổ thụ” lên. Nguyễn Khoái hơi loạng choạng. Hai chân bị bốc lên trên mặt thảm vật. Nhưng Ngũ Lão cũng không thể quật ngã được Nguyễn Khoái. Chỉ trong chớp mắt Nguyễn Khoái đã lấy lại được thăng bằng, hai chân lại “mọc rễ” xuống đất. Tuy nhiên quan chủ khảo đã gõ dùi vào thành trống ra hiệu kết thúc keo vật và cầm tay Ngũ Lão giơ lên tuyên bố là người thắng cuộc. Nguyễn Khoái nổi xung thách:

– Ngũ Lão! Người có dám so đao với ta trên lưng ngựa chăng?

– Bẩm! Chờ lệnh của Tiết Chế! Ngũ Lão chắp tay hướng lên kỳ đài thưa.

Hưng Đạo Vương quát xuống:

– Hai hổ chọi nhau, tất có con chết con bị thương! Ta chỉ cho phép hai ngươi so bằng xống đao. Kẻ nào dụng lưỡi sẽ trị theo quân luật.

Lính dắt hai ngựa ra. Trên lưng con Tía, Ngũ Lão chắp tay nói với Nguyễn Khoái:

– Đệ xin nhường hiền huynh ba đao!

Không nói không rằng, Nguyễn Khoái vung xống đao chém liền ba nhát, Ngũ Lão nói lớn:

– Giờ hiền huynh xem đao pháp của đệ đây!

Hai ngựa vòng ra rồi ngay lập tức lao vào. Tiếng binh khí va vào nhau chan chát. Đường đao của Ngũ Lão bay lượn đẹp mắt bao nhiêu thì đường đao của Nguyễn Khoái chắc nịch bấy nhiêu. Càng đấu càng hăng. Đã ngoài năm mươi hiệp mà không bên nào chiếm được lợi thế so với bên kia. Khi hai ngựa vừa quay ra để chuẩn bị lao vào nhau, bắt đầu một hiệp đấu mới thì Hưng Đạo Vương quát lớn:

– Dừng tay.

Bốn vó trước của hai con chiến mã dựng đứng lên, rồi nện xuống đứng im phắc.

Hưng Đạo Vương hỏi lớn:

– Bây giờ có ai suy bì với tân Đô uý chăng?

Công chúa An Tư đáp:

– Thăng Ngũ Lão lên Đô tướng mới xứng!

Khánh Dư đánh mắt lườm An Tư. “Như thế thì tên nhà quê đan sọt kia vượt cả ta một cấp ư?”. Nhưng là người giỏi võ nghệ, trong thâm tâm, Khánh Dư cũng thầm thừa nhận sức lực và đao pháp của Nguyễn Khoái và Ngũ Lão là “thiên hạ vô địch”

Đột nhiên vua Trần Nhân Tông phán:

– Trẫm muốn sung Ngũ Lão vào quân Thánh dực, làm phó cho Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng!

– Hoàng thượng phán chí phải. Công chúa An Tư đế vào.

Đỗ Khắc Chung vội can:

– Muôn tâu Thánh thượng! Ngũ Lão dù thế nào cũng chỉ là một kẻ dũng phu! Lại chưa biết bụng dạ thế nào? Xung vào quan Thánh dực e “lợi bất cập hại”.

– Dùng ngươi ở bên cạnh thì có lợi chắc! Công chúa An Tư nói với Khắc Chung vẻ diễu cợt.

Nhà vua tỏ ý không hài lòng, song thấy Khắc Chung tâu cũng có lý nên nín lặng.

Tiếp đó Tiết Chế ra lệnh duyệt quân của các xứ tụ họp về. Nhìn quân lính đội nào đội ấy hùng dũng diễu qua kỳ đài hai vua Trần hài lòng lắm! Thượng hoàng Trần Thánh Tông nói:

– Đại Việt ta, chưa bao giờ hùng mạnh như lúc này.

Sau khi duyệt quân xong, Tiết Chế ra lệnh cho các tướng. Người đầu tiên Hưng Đạo Vương điều động là Chiêu Minh Vương Thái sư Thượng tướng quân Trần Quang Khải. Với vị quan đầu triều này, Hưng Đạo Vương từ tốn nói:

– Xin nhờ Chiêu Minh Vương Thái sư thượng tướng quân, thống lĩnh mười vạn quân Hoan – Ái để chặn đánh cánh quân Nguyên Mông do nguyên soái Toa Đô cầm đầu từ Chiêm Thành đánh ra.

– Cấp thêm tiền lương thảo cho Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật để nuôi ba ngàn binh Tống.

– Sai Đô tướng thuỷ quân Nguyễn Khoái thống lĩnh năm vạn quân ra cửa sông Bạch Đằng thao luyện. Kết hợp với dân binh chặt và vận chuyển cọc ra các hang ở vịnh Hải Đông cất giấu. Quân lính phải luôn túc trực! Có lệnh điều động là thực thi được ngay.

– Sai Nhân Huệ vương phó Đô tướng thuỷ quân Trần Khánh Dư đem ba vạn quân ra trấn giữ ở ải Vân Đồn. Giặc đến không cần chặn đánh. Chỉ khi chúng vận lương qua thì phải liều chết. Thứ gì cướp được thì cướp. Không cướp được thì đốt hoặc đánh chìm xuống biển.

– Sai tân Đô uý Phạm Ngũ Lão theo bản vương về đại bản doanh Vạn Kiếp. Hàng ngày luyện tập quân mã. Khi quân Nguyên Mông tràn sang thì lĩnh ấn tiên phong, lên ải Chi Lăng cầm chân giặc.

Các tướng đều “dạ!” ran nhận lệnh.

Vua Trần Nhân Tông thấy Quốc Công Tiết Chế điều binh khiển tướng đĩnh đạc, đường hoàng, đâu ra đấy thì mừng lắm. Song cũng muốn thử Hưng Đạo Vương một lần nữa:

– Này khanh! Trẫm nghĩ quân Nguyên Mông có tới trăm vạn. Đến Kim, Tống, Liêu, Hạ… rộng lớn, hùng mạnh như thế còn bị diệt vong. Huống hồ Đại Việt ta, đất nhỏ, người thưa! Chi bằng hàng đi cho dân đỡ khổ.

Nghe vậy Hưng Đạo Vương vội bước tới trước hai vua Trần. Người rút thanh gươm lệnh, một chân quỳ xuống, hai tay nâng thanh kiếm ngang mặt, khảng khái đáp:

– Muôn tâu thánh thượng: Nếu muốn hàng, xin bệ hạ hãy chém đầu tôi trước đã.

Vua Trần Nhân Tông vội đỡ Hưng Đạo Vương đứng lên. Vừa cười ha hả vừa nói lớn:

– Ta đùa Tiết Chế một chút thôi mà! Quốc Công Tiết Chế một dạ son sắt như vậy thì trẫm yên lòng rồi!… Nhớ trước đây, hơn năm vạn quân Mông Cổ tràn sang nước ta. Thánh hoàng Thái thượng Trần Thái Tông có hỏi Thái sư Trần Thủ Độ rằng: “Nên hoà hay nên chiến?”. Thái sư Trần Thủ Độ đã đáp: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!”. Chính nhờ thế mà Đại Việt đã đuổi được giặc Thát ra khỏi bờ cõi.

Mặc dầu vậy, phải chờ đến tháng mười năm 1283 tại cuộc duyệt quân thuỷ quân bộ và quân kỵ tại Đông Bộ Đầu, vua Trần Nhân Tông mới phong cho Hưng Đạo Vương chức Quốc Công Tiết Chế (tức Tổng tư lệnh quân đội). Vì trước đó vẫn sợ Hưng Đạo Vương tạo phản.

4

Trước khi về điền trang thực chất bây giờ đã là Đại bản doanh của quân Đại Việt, Hưng Đạo Vương lưu lại tại phủ Tiết Chế ba ngày. Trong những ngày ấy, ông sai Dã Tượng, Yết Kiêu đưa Ngũ Lão đi chơi, thăm thú kinh thành. Tới bữa bốn người ngồi ăn một mâm. Tối ngày thứ hai, chờ lúc rượu đã ngà ngà Hưng Đạo Vương lựa lời hỏi Ngũ Lão:

– Nỗi hận của cha ta chắc ngươi đã rõ. Trước lúc lâm chung, người có dặn ta phải cướp ngôi. Nếu ta không làm được việc này, người chết không nhắm mắt được. Nay binh quyền đã “lệch nước” đó là lúc thực hiện lời trăng trối của cha. Ý ngươi thế nào?

Ngũ Lão vội dời bàn ăn, quỳ trước mặt Hưng Đạo Vương thưa:

– Bẩm Tiết Chế! Ngũ Lão này ngu muội nhưng cũng biết phép “Quân – Thần”. Thù cha là việc nhỏ. Nợ nước mới là trọng. Nay Quốc Công Tiết Chế tiếm ngôi, việc cũng chẳng khó gì. Cái vinh được tăng chốc lát. Cái nhục để lại muôn đời… Vả lại Đại Việt đang đứng trước hoạ Nguyên Mông. Lúc này hơn bao giờ hết, tất cả muôn người phải đồng lòng như một, ngài làm vậy, khác nào đem Đại Việt dâng cho bọn sói lang Thát. Ngũ Lão đã cởi hết tấm lòng, mong Tiết Chế nghĩ lại. Nhược bằng ngài cứ khăng khăng làm theo lời cha, Ngũ Lão này xin cáo từ về quê tập hợp trai tráng trong vùng, lập nghĩa dũng đoàn để báo đền nợ nước. Và khi cần sẽ đưa anh em về kinh thành bảo vệ hai Thánh thượng dù có phải sống còn với ngài.

Nghe Ngũ Lão bộc bạch như vậy, Hưng Đạo Vương vội xô ghế đứng dậy, ôm chầm lấy Ngũ Lão, nước mắt đầm đìa, thốt lên rằng:

– Không ngờ Ngũ Lão lại có lòng trung đến như vậy. Từ nay ta nhận ngươi làm con nuôi. Và ta dặn đây, trước quân lính thì ta là Tiết Chế. Còn trong nhà thì ta là cha. Cả Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng là con. Ai trái lệnh ta phạt.

Cả ba người cùng quỳ trước mặt người và đồng thanh hô:

– Dạ! Thưa cha! Chúng con xin tuân lệnh người.

Hưng Đạo Vương vui lắm. Rồi người kể:

– Cách đây chưa lâu. Ta cũng đem việc vừa nói với Ngũ Lão bàn với bốn con trai. Ba đứa im lặng không nói gì. Chỉ có thằng thứ ba là Quốc Tảng dám nói giọng càn rỡ. Nó bảo: “Thiên hạ là của chung. Ai mạnh thì người ấy được. Như trước đây nhà Trần, vốn xuất thân từ nghề đánh cá. Nhưng nhà Lý bạc nhược, nên Thái sư Trần Thủ Độ mới dùng mưu mà chiếm lấy. Chuyện bên Tầu, thời Xuân Thu nước Ngô mạnh hơn nước Việt. Trời đã cho Ngô chiếm được Việt. Song Ngô Phù Sai lại ham mê tửu sắc mà tha cho Việt Câu Tiễn về. Bởi thế trời phạt, cho Việt chiếm lại Ngô khiến Phù Sai chết không có đất chôn”. Nghe tới đấy thì ta nổi giận, rút gươm ra chém. May có thằng cả là Quốc Nghiễn kịp giữ tay. Hai thằng Quốc Uất và Quốc Hiện quỳ lạy xin ta tha tội chết. Vì thế mà thằng Tảng mới còn đến bây giờ. Nhưng ta chỉ mặt nó mà mắng rằng: “Mày định đẩy ta vào chỗ bất trung hay sao? Sau ta chết, chỉ khi nào đậy nắp quan tài, chúng mày mới được cho thằng Tảng vào viếng”. Nay di chúc này ta cũng dặn lại các con. Hãy nhớ cho kỹ!

Tối thứ ba, Hưng Đạo Vương mở yến tiệc tại phủ. Mời phu nhân là công chúa Thiên Thành cùng con gái nuôi là quận chúa An Nguyên cùng dự.

Ngũ Lão cúi rạp mình vái lạy:

– Dạ! Bẩm thảo dân Ngũ Lão xin được ra mắt phu nhân và quận chúa ạ!

Hưng Đạo Vương vừa vuốt râu cười vừa mắng yêu:

– Ngũ Lão con lại thế rồi. Trong Vương phủ của ta không có Tiết Chế nào hết. Cũng không có phu nhân hay quận chúa nào cả. Chỉ có ta là cha các con. Và đây là thân mẫu các con. Và An Nguyên là em gái các con.

– Con Ngũ Lão xin được ra mắt mẫu thân ạ!… Và anh xin được gặp mặt em An Nguyên.

Hưng Đạo Vương cười lớn:

– Có thế mới phải chứ!

Rồi sai quận chúa An Nguyên đi rót rượu cho Ngũ Lão. Quận chúa người cao dong dỏng. Mặt trái xoan, lông mày lá liễu. Mắt to, đen và hiền. Thái dương bên trái nổi một đường gân xanh, chứng tỏ sức khoẻ không được tốt lắm.

An Nguyên lúng túng rót đầy chén rượu của Ngũ Lão tràn cả xuống bàn. Ngũ Lão lí nhí nói lời “cám ơn”. Tự khuôn mặt trái xoan của nàng đỏ ửng lên, lan xuống tận cổ. Dã Tượng nháy mắt đá vào chân Ngũ Lão ở dưới gầm. Ngũ Lão cũng tỏ vẻ ngượng ngượng. Hưng Đạo Vương ghé tai phu nhân vừa cười mỉm vừa nói nhỏ:

– Thế là cá đã cắn câu rồi nhé.

Vừa về đến đại bản doanh Vạn Kiếp, Ngũ Lão đã thưa:

– Nguyên Mông vốn mạnh về quân kỵ! Nên cách ứng phó tốt nhất là dùng câu liêm móc chân ngựa. Xin cha cấp cho con ba vạn quân để ngay ngày mai con đem đi huấn luyện.

Hưng Đạo Vương theo thói quen vuốt chòm râu trước ngực cười và bảo:

– Con ta thật sáng suốt! Ta cũng đã nghĩ tới việc này rồi! Bởi thế đã cho rèn sẵn ba vạn bộ câu liêm để trong kho. Ngày mai người điểm binh, lĩnh khí… đi rèn quân ngay, kẻo muộn.

– Dạ còn một việc nữa, không biết con có tiện bẩm với cha không?

– Đã là chỗ cha con trong nhà! Có gì con cứ nói. Dù có trái ý, cha cũng không quở trách đâu!

– Thưa cha, xưa Ngô Vương Quyền phá giặc Nam Hán ở cửa sông Bạch Đằng chỉ dùng cọc lim là đủ. Nhưng nay thuyền của giặc Nguyên Mông to lớn hơn nhiều. Bởi thế khi nước triều lên, thuyền của Đại Việt ta nhỏ bé sợ không kìm được thuyền lớn của giặc…

Ngũ Lão mới nói tới đấy thì Hưng Đạo Vương đã vội ngắt lời:

– Thế nên con mới khuyên cha cho rèn xích sắt, căng qua bờ sông để cản thuyền giặc lại chứ gì?

– Vâng.

– Con ta giỏi! Song ta cũng đã nghĩ tới từ lâu và cho người bí mật rèn mấy chục bộ xích cùng hàng chục cọc sắt lớn, đóng hai bên bờ sông. Khi triều lên thì căng xích lên. Lúc triều xuống thì rút chốt thả xích ra để thuyền giặc lao vào bãi cọc lim ngầm…

– Cha thật là thần toán. Đến Gia Cát Lượng cũng không bằng! Ngũ Lão buột miệng cảm thán.

Hưng Đạo Vương đắc ý lắm, vừa vuốt râu vừa tươi cười mà bảo:

– Con ta văn võ song toàn! Thật là trời cho con xuống giúp cha phá giặc dữ.

Ngũ Lão lĩnh mệnh dẫn ba vạn quân ra đóng trại cách Đại bản doanh Vạn Kiếp mười lăm dặm. Ở vùng đất đồi rộng lớn Quế Võ thuộc Kinh Bắc (là Bắc Ninh bây giờ) cùng quân lính tập ngày, tập đêm, ăn ngủ ngay ở trang trại. Chỉ khi nào có lệnh của Hưng Đạo Vương gọi về bàn luận công việc mới rời quân doanh.

Một chiều cuối thu. Nắng vàng nhưng gió heo may đã se se lạnh. Quân hầu vào bẩm báo với Hưng Đạo Vương, lúc đó Người đang đọc binh thư ở trong trướng.

– Dạ bẩm Tiết Chế! Có công chúa An Tư từ kinh thành Thăng Long sang! Cứ đòi vào gặp Tiết Chế ạ!

Hưng Đạo Vương giật mình ngạc nhiên không hiểu công chúa An Tư sao lại tìm sang đây để làm gì? Người vội vàng sai lính sửa soạn phòng khách. Hưng Đạo Vương bước ra thấy công chúa An Tư vẫn ngồi trên mình ngựa cùng đoàn tuỳ tùng vài chục tên lính Thánh Dực và năm cung nữ. Hưng Đạo Vương vội đon đả:

– Công chúa sang tệ xá của bản vương chơi hay có việc gì bản vương còn tiện thu xếp để nghinh tiếp.

Hưng Đạo Vương từ lâu đã biết tính ngang ngạnh của công chúa An Tư.

– Ta vừa sang thái ấp của Tiết Chế chơi, vừa có công chuyện muốn gặp một người! Công chúa vừa cười vừa nói. Chưa chi đã có vẻ gây sự khiến Hưng Đạo Vương càng ngạc nhiên hơn.

– Chắc trong lòng Tiết Chế còn hồ nghi chứ gì? Để ta xuống ngựa rồi sẽ nói cho ngài rõ. Công chúa tiếp lời.

Hưng Đạo Vương vội sai quân lính đỡ công chúa xuống và mời vào đại sảnh. An Tư lại cười và bảo:

– Cứ từ từ để ta hít thở không khí trong lành ở đây một chút. Chế thật tinh đời! Chọn chỗ này vừa cao ráo, vừa thoáng đãng và vô cùng rộng rãi nữa. Chứ ở kinh thành đất chật, người đông, xe ngựa, thuyền bè đi lại như mắc cửi chóng cả mặt.

Sau khi đã phân ngôi chủ khách, vừa nâng chén trà Thái nóng bỏng lên môi nhấp một ngụm nhỏ, An Tư đã đặt xuống bàn và hỏi độp luôn:

– Phạm Ngũ Lão ở đâu?

– Công chúa muốn tìm Ngũ Lão có việc gì? Hưng Đạo Vương thực sự ngạc nhiên hỏi lại.

– Tiết Chế lọc lõi hơn người mà lại vờ vịt hỏi ta câu đó ư? An Tư vặc lại.

Hưng Đạo Vương vội cười phá lên:

– Bản vương hỏi thực lòng mà công chúa không tin sao?

– Tin là tin thế nào? Ta hỏi lại Ngũ Lão đâu?

– Nếu quả thực công chúa muốn biết thì bản vương cũng chả giấu làm gì! Mà cũng chả có việc gì phải giấu, đúng không?… Ngũ Lão hiện đang đưa ba vạn quân lĩnh ra Quế Võ thao luyện.

– Thế tối nay có về Đại bản doanh đây không?

– Việc quân đâu phải chuyện chơi. Ngũ Lão phải thao luyện cho quân sĩ cả ngày, cả đêm, lúc mưa cũng như khi nắng… Sao chiều tối lại có thể bỏ mặc binh sĩ đấy mà về đây được. Hưng Đạo Vương đã hơi cao giọng.

– Nay ta muốn vời Ngũ Lão về có chút việc có được chăng? An Tư bình thản bảo.

– Việc quân cơ, bản vương nghĩ là không được?

– Nhưng ta vẫn nghĩ là được thì Tiết Chế nghĩ sao?

– Công chúa quá rõ tính khí của bản vương xưa nay là thế nào rồi! Đã quyết thì đến trời cũng không thay đổi được. Nhưng mà… công chúa hôm nay gặp may đấy! Từ sáng ta đã cho người đi gọi Ngũ Lão về để sai bảo một số công việc.

– Thế thì trời chiều lòng người rồi. Ta sẽ ngồi đây để chờ Ngũ Lão. An Tư như reo lên.

Đến lúc này thì Hưng Đạo Vương mười phần đã hiểu được bẩy, tám. Công chúa An Tư đã có tư tình với Ngũ Lão, nhưng không biết tự bao giờ. Và điều này đối với Ngũ Lão là… đi vào chỗ chết vì mắc tội khi quân. Vốn từ thời Thái sư Trần Thủ Độ đã ban ra luật “nội hôn” hết sức ngặt nghèo. Con gái họ Trần chỉ được kết hôn với người cùng hoàng tộc. Mà Công chúa An Tư vốn ngang tàng, ương ngạnh. Ta không tìm cách gì, chắc chắn Ngũ Lão không thể thoát khỏi kiếp nạn này.

Vừa lúc ấy có tin lính hầu từ ngoài chạy vào:

– Bẩm Tiết Chế! Ngũ Lão theo lệnh truyền có mặt ạ!

– Cho vào! À mà thôi? Hưng Đạo Vương chợt đổi ý định. Để ta ra đó.

Hưng Đạo Vương vừa bước ra thì công chúa An Tư cũng nối bước ra theo. Ngũ Lão quỳ một chân, tay phải đặt lên ngực, cúi rạp người bẩm:

– Bẩm Tiết Chế! Ngũ Lão xin đợi lệnh.

Thấy Ngũ Lão có phần ngỡ ngàng trước việc bên cạnh Hưng Đạo Vương có một người con gái ăn vận kiêu sa, sắc đẹp lộng lẫy như tiên nữ, Tiết Chế vội giới thiệu:

– Đây là công chúa An Tư. Con gái út của Thái thượng Thái hoàng.

– Mạt tướng xin kính cẩn chào công chúa! Ngũ Lão đã đứng dậy vội cúi gập người xuống.

– Ngũ Lão cứ tự nhiên! Không phải giữ lễ như vậy. Giọng An Tư có phần run run trước vẻ oai phong lẫm liệt của Ngũ Lão.

– Dạ bẩm, mạt tướng không dám ạ!

– Nếu ngươi cố tình giữ lễ như vậy thì cũng tốt. An Tư đã lấy lại được giọng của kẻ quyền quý. Ta vốn muốn sang đây chơi. Nhưng ngươi cứ khăng khăng ép ta phải là công chúa. Vậy công chúa có việc sai bảo ngươi có làm không?

– Bẩm, đó là bổn phận của mạt tướng!

– Đấy! Tiết Chế nghe rõ mười mươi đấy nhé! Ngũ Lão cam tâm phục vụ ta, chứ đâu phải ta ép buộc Ngũ Lão nhé!

Sự nhanh trí của An Tư khiến Hưng Đạo Vương có chút phân vân, nghĩ ngợi nên im lặng không nói gì.

An Tư rẽ đám đông quân lính đứng lố nhố bước thẳng ra bãi cỏ rộng phía trước. Đến bên con ngựa Tía cao lớn, lực lưỡng nàng nói:

– Hẳn con ngựa này là của Ngũ Lão. Là ngựa quý đấy! Vừa phi nước đại mười mấy dặm về mà lông không có chút mồ hôi nào là ngựa khoẻ. Sẽ không bị cảm hay ốm đau khi trời mưa nắng, giá rét bất thường.

Cả Hưng Đạo Vương lẫn Ngũ Lão đều thất kinh trước tài xem tướng ngựa của công chúa.

– Chắc nó hiền chứ Ngũ Lão? An Tư cất tiếng hỏi: giọng mềm mại chứ không đài các, quyền quý như trước.

– Dạ! Bẩm công chúa nó cực hiền và luôn tuân lệnh của mạt tướng ạ!

– Ồ! Thế thì tốt quá! An Tư vội cười phá lên. Bây giờ ta muốn cưỡi trên lưng nó. Còn Ngũ Lão cầm cương đưa ta đi dạo ngắm cảnh… Nghe tới đó thì Ngũ Lão đưa đôi mắt sang Hưng Đạo Vương tỏ ý cầu cứu. Hưng Đạo Vương mỉm cười, khẽ gật đầu.

– Nhưng cơ mà con ngựa này khí cao. Ngũ Lão đỡ ta lên yên đi!

– Bẩm mạt tướng đã có cách… để công chúa dễ dàng ngồi trên lưng nó. Ngũ Lão nhanh trí đáp.

Hưng Đạo Vương bắt đầu vuốt râu, tỏ ý hài lòng.

– Tía! Quỳ xuống! Ngũ Lão chỉ ra lệnh khẽ.

Con Tía đầu tiên khuỵu hai chân trước, tiếp đó hai chân sau, bụng không chạm đất.

– Xin mời công chúa lên ạ!

Lũ nữ tỳ cùng lúc xúm vào. An Tư có vẻ không hài lòng “giận cá chém thớt” quát bọn chúng lui ra. Con Tía nhẹ nhàng cất mình đứng lên. An Tư bảo Ngũ Lão đưa cho mình chiếc roi ngựa.

Công chúa cưỡi ngựa rất thiện nghệ, nhưng vẫn bắt Ngũ Lão cầm cương đi bên cạnh. Lũ lính Thánh Dực hộ vệ công chúa từ kinh thành sang vội vã đi theo. Công chúa quay lại:

– Ngũ Lão sức địch muôn người. Võ nghệ lại siêu quần, chẳng lẽ không bảo vệ được ta hay sao mà phải cần đến lũ các người.

Lũ lính “dạ” ran quay lại, nhưng năm cô nữ tỳ vẫn kiên quyết bám theo. Đi được một đoạn An Tư gợi chuyện:

– Ngũ Lão này! Ngươi có biết ta sang đây vì cái gì không?

– Bẩm mạt tướng làm sao mà biết được!

– Ngươi không biết thật hay giả không biết?

– Dạ! Bẩm mạt tướng có ba đầu sáu tay đâu mà dám dối công chúa.

– Được! Ngươi không biết thì ta nói cho ngươi hay. Ta sang đây để thăm ngươi.

Ngũ Lão nghe lời An Tư mà tưởng tiếng sét đánh bên tai:

– Dạ! Bẩm công chúa nói gì mạt tướng không hiểu ạ!

– Ngươi có phải là trang nam tử không?

– Mạt tướng nghĩ, mình cũng chưa làm gì đến nỗi phải thẹn với danh nghĩa ấy.

– Trang nam tử mà thế à?

– Dạ! Bẩm mạt tướng trộm nghĩ trang nam tử là phải đeo ba thước gươm đi trả nợ nước. Dẫu xác có phơi ngoài đồng nội. Thây có bọc trong da ngựa cũng không sờn lòng ạ.

– Ngươi là võ tướng mà mở miệng ra là sặc mùi mọt sách của bọn hủ nho vậy?

Ngũ Lão nín lặng. Dường như có phần hối hận vì đã quá lời, An Tư dịu giọng:

– Ta muốn từ giờ phút này ta với ngươi xưng hô thế này. Không có công chúa mà chỉ có An Tư. Cũng không có mạt tướng mà chỉ có Ngũ Lão. Người đồng ý nhé!

– Công chúa là bậc tôn quý, muốn sao cũng được. Nhưng kẻ hạ thần thì có phép tắc lễ nghĩa phải theo, thần không dám khi quân phạm thượng.

– Cái gì cũng không dám! Không dám!… Vậy ta ra lệnh người có dám trái không?

– Thưa, mạt tướng vẫn không dám ạ!

An Tư quay ngang, chợt thấy lũ nữ tỳ vẫn bám ở phía sau thì nổi nóng, nhoài người lấy roi ngựa quất chúng túi bụi.

– Cút về! Ta tưởng các người đã cút theo lũ quân Thánh Dực từ nãy cơ mà!

Ngũ Lão vội đưa tấm thân lực lưỡng ra che chắn. Không ngọn roi nào của công chúa trúng vào đầu vào mặt lũ nữ tỳ. An Tư đổi giọng làm lành:

– Được! Các ngươi vào hùa với nhau bắt nạt ta. Về kinh ta sẽ tâu với hai Thánh thượng xem các ngươi có chịu được… hình phạt không?

– Mong công chúa bớt giận! Bớt giận! Đám nô tỳ đồng thanh nói. Chúng em chỉ làm theo bổn phận thôi ạ!

– Ta đùa đấy thôi! An Tư vội cười lớn. Đời nào ta lại để hai Thánh thượng trừng phát Ngũ Lão của ta… Rồi nàng chậm rãi kể. Cái hôm ở Giảng Võ đường, lúc ngươi so đao với Đô tướng Nguyễn Khoái, bất phân thắng bại. Vua Nhân Tông, cháu ruột ta đã phán “Trẫm muốn xung tân Đô uý Ngũ Lão vào quân Thánh Dực, làm phó cho Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng. Ta đã reo lên: “Thánh thượng thật sáng suốt!” Thì cái thằng mặt trắng Đỗ Khắc Chung đã xúc xiểm: “Ngũ Lão chỉ là một tên nhà quê đan sọt, có chút dũng phu. Đã biết bụng dạ thế nào mà để ở gần hầu hạ hai thánh thượng”. Vua Nhân Tông không hài lòng nhưng thấy lời của thằng xiểm nịnh mặt trắng ấy không phải là không có lý nên nín lặng. Nếu Thánh thượng cứ ra lệnh thì lúc nào ta muốn gặp Ngũ Lão mà chả được. Việc gì phải lặn lội, cất công sang đây!

Nhưng mà sang đây cũng có cái hay phải không Ngũ Lão?

– Dạ! Bẩm mạt tướng không rõ ạ!

– Thôi được! Không rõ cũng không sao? Từ đây ra Lục đầu giang khoảng bao nhiêu dặm hả Ngũ Lão? Đột nhiên An Tư hỏi.

– Dạ! Bẩm khoảng trên hai chục dặm ạ!

– Thế thì cũng gần đấy nhỉ? Ta muốn ra ngắm Lục đầu giang vào buổi chiều thu như thế này thì chắc là đẹp lắm!

Ngũ Lão nín lặng. Công chúa An Tư nửa trách nửa hờn:

– Sao Ngũ Lão không trả lời ta. Nhưng cũng không sao? Bây giờ ta muốn Ngũ Lão lên ngồi sau lưng ta, trên con ngựa tía này, phóng thẳng ra Lục đầu giang. Chỉ loáng một cái là đến. Rồi loáng một cái là về… Đến lúc này thì Ngũ Lão thực sự kinh hãi, vội thụp xuống chân ngựa mà thưa rằng:

– Xin công chúa tha mạng! Tha mạng!… Mạt tướng còn mẹ già không nơi nương tựa.

– Ai làm gì mà ngươi giẫy lên như đỉa phải vôi vậy! Ta lệnh cho ngươi dẫn ta đi chơi. Ngươi đã cam tâm chấp nhận. Có cả Tiết Chế làm chứng. Sao bây giờ lại thay đổi làm vậy?

– Dạ! Bẩm cầm roi, dắt ngựa cho công chúa mạt tướng làm được. Chứ còn ngồi sau lưng công chúa trên con Tía thì có ăn gan hùm, tim báo mạt tướng cũng không dám ạ!

– Ta cũng là người chứ có phải là ma, là quỷ đâu mà ngươi lại sợ đến mất mật như thế!

– Dạ! Bẩm công chúa lá ngọc cành vàng mười phần xinh đẹp. Nhưng luật pháp của triều đình đã quy định rất rõ… Mạt tướng đũa mốc đâu dám chòi mâm son… Chu di tam tộc là cái chắc. Mong công chúa rủ lòng thương cho mạt tướng. Cả năm nữ tỳ đi theo hầu cũng đồng loạt quỳ xuống.

– Mong công chúa tha tội chết cho chúng em… Chỉ cần công chúa có “sơ xẩy” gì thì chúng em cũng bị chu di cả chín họ ạ! Điều này công chúa biết rõ mà.

– Hừm! Từ đầu tới đuôi, các người đều vào hùa với nhau bắt nạt ta! Bắt nạt ta… An Tư nói trong nước mắt.

Tất cả vẫn đang quỳ dưới đất, đồng thanh đáp:

– Mạt tướng không dám!

– Nô tỳ chúng em không dám ạ!

– Thôi được! Bây giờ thì quay về! Ta cũng mất hết cả hứng rồi.

Tất cả lại đồng thanh hô: “Tạ ơn công chúa” và đứng dậy.

Hưng Đạo Vương thấy cả đoàn người quay về sớm thì vui ra mặt, mời mọi người vào tiệc. An Tư ngồi phía tay phải ông. Năm thị nữ đứng hầu phía sau. Bên trái là Phạm Ngũ Lão tiếp đến là Dã Tượng và Yết Kiêu.

– Quân bay đâu! Rót rượu mời công chúa. Hưng Đạo Vương ân cần ra lệnh.

Tên lính hầu rót rượu mời Hưng Đạo Vương tiếp đó rót cho công chúa. An Tư gạt chén rượu đó ra, rượu sóng cả ra bàn.

– Ngũ Lão đâu! Người phải rót rượu cho ta. Và cả cho ngươi nữa. Rồi cả hai chúng ta cùng cạn chén.

Công chúa An Tư quát yêu. Hưng Đạo Vương đưa mắt cho Ngũ Lão. Hiểu ý chủ, Ngũ Lão vòng qua phía bàn bên này lấy một chiếc cốc vại từ khay một tên lính hầu đứng bên, rót một cốc thật đầy, rồi quỳ một chân xuống đất, hai tay nâng cốc rượu, kính cẩn mời:

– Mạt tướng xin dâng rượu công chúa!

– Thế còn rượu của ngươi đâu?

– Công chúa cứ bình tâm! Ai cũng có phần hết.

Hưng Đạo Vương vội chen vào. Công chúa là khách quý của bản vương, trước tiên bản vương phải mời công chúa trước, thế mới phải phép.

Thấy có vẻ cũng xuôi xuôi công chúa nâng cốc rượu lên, uống một hơi hết sạch. Xưa nay ngoài tài cưỡi ngựa thì cái khoản rượu An Tư cũng chả kém ai.

– Bây giờ đến lượt bản vương mời công chúa.

Nói rồi Hưng Đạo Vương nhoài tấm thân rất trường của người mềm mại nhấc chiếc bình bằng bạc chân khảm rất cầu kỳ rót cho An Tư một cốc đầy. An Tư vừa uống cạn thì đã thấy Dã Tượng lù lù đứng bên cạnh.

– Đến lượt gia tướng được hân hạnh rót rượu mời công chúa!

Thấy Dã Tượng vâm váp, to lớn khác thường, Công chúa An Tư hỏi:

– Ngươi có phải là người có tài chuyên bắt voi rừng phải không?

– Dạ! Bẩm công chúa chính là gia tuớng của Tiết Chế ạ!

Tiếp đó đến lượt Yết Kiêu. Lúc này đã uống ba cốc rượu nên công chúa đã có phần sưa sưa rồi, nhưng vẫn nói:

– Yết Kiêu là tên loài chó mõm ngắn hay là loài cá mõm lớn có phải không?

– Dạ! Bẩm công chúa là chó hay là cá… hay là gì gì đi nữa thì được làm gia tướng của Tiết Chế cũng thoả một đời rồi ạ!

– Chí lý! Chí lý! Tiết Chế có được những gia tướng tài ba nức tiếng thiên hạ, lại trung thành như vậy thật là đáng khen! Đáng khen! Nói rồi uống cạn luôn chén thứ tư.

– Bây giờ lại đến lượt bản vương tiếp rượu cho công chúa!… Sau đó là Ngũ Lão nghe chưa?

Ngũ Lão “Dạ” ran.

Nhưng vừa cạn cốc từ tay Hưng Đạo Vương thì công chúa An Tư đã thực sự say rồi. Nàng huyên thuyên nói một hồi thì gục xuống bàn. Hưng Đạo Vương quát bọn thị tỳ đi theo công chúa vực nâng vào khuê phòng và dặn dò lũ lính Thánh Dực phải thay phiên nhau gác trước cửa.

– Nếu có sơ sẩy gì thì các ngươi có ba cái đầu cũng không gánh nổi trách nhiệm đâu. Người doạ.

Sáng sớm hôm sau, tỉnh giấc, lúc đầu An Tư còn chưa biết mình đang ở đâu. Một lúc sau định thần, nàng nhớ ra tất cả, biết là mắc mẹo Hưng Đạo Vương, bèn quát lũ nô tỳ chải đầu, vận xiêm y thật nhanh để đi tìm Người làm cho ra nhẽ.

Tại phòng khách, Hưng Đạo Vương đã chuẩn bị món súp yến điểm tâm, vừa bổ dưỡng vừa để dã rượu. Vừa trông thấy An Tư, Người đã tươi cười, niềm nở:

– Đêm qua, công chúa ngủ ngon giấc chứ!

– Thầy trò Tiết Chế thật là gian xảo. Hè nhau lừa một người con gái chân yếu tay mềm như ta mà không thấy xấu hổ chăng?

Hưng Đạo Vương vẫn tươi cười:

– Binh pháp có câu “trong cách dùng binh có quyền được trí trá”!

– Thế ra bản vương cũng coi ta là giặc ru?

– Công chúa không phải là giặc! Nhưng công chúa định làm rơi đầu tướng tài của ta, nên buộc ta phải “đùa” lại một chút.

– Ta hỏi thật một câu Tiết Chế có dám trả lời không?

– Xin công chúa cứ tự nhiên.

– Ngũ Lão giờ này ở đâu? Ta muốn gặp!

– Ngũ Lão có việc binh. Ngay tối qua đã phải đem năm ngàn quân kỵ lên ải Chi Lăng rồi! Thám mã báo quân Nguyên Mông đã cất quân sát biên giới Đại Việt rồi….

– Tiết Chế nói dối! Ta không tin.

– Công chúa cứ cho lính lật tung từng thước đất tại Vạn Kiếp này lên. Nếu thấy Ngũ Lão, bản vương xin dùng gươm cứa cổ tự vẫn ngay trước mặt công chúa.

An Tư nổi khùng hất tung bàn súp yến, nghiến răng nói:

– Tiết Chế muốn đấu với ta. Được ta cũng sẽ đấu với người đến cùng.

– Vì lẽ gì?

– Lẽ gì thì bản vương tự biết!… Người muốn đấu với ta để dành Ngũ Lão cho An Nguyên, con gái nuôi của người chứ gì? Không có gì qua được mắt ta đâu?

Trước cơn “bốc lửa” của công chúa, Hưng Đạo Vương lại dịu giọng:

– An Tư muội! Muội còn lạ gì tính khí của huynh nữa. Huynh có chịu lùi trước ai bao giờ đâu. Chuyện Công chúa Thiên Thành với Trung Thành Vương muội biết rõ, nhưng hẳn chưa thể hiểu vì sao tội ta đáng chém mà vua không chém. Vì sao? Vì huynh là người… mà Đại Việt đang rất cần. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Cái quan trọng hơn huynh là người trong hoàng tộc. Chứ tài gấp mười huynh, mà là người ngoài thì có ba đầu, sáu tay cũng bị chu di chín họ… Bây giờ muội bảo huynh đấu với muội. Huynh không đấu mà là huynh xin muội. Như trước huynh đã nói huynh chưa phải xin ai bao giờ, cần thì huynh cướp. Nhưng lần này thì huynh xin muội…

– Huynh xin muội thật sao? Công chúa An Tư hết sức ngạc nhiên – Ngũ Lão quan trọng với huynh đến thế hay sao? Mà huynh phải hạ cố như vậy?

– Ngũ Lão chẳng có gì quan trọng với huynh mà cũng chả có gì quan trọng với An Nguyên. Có hàng chục vương tôn công tử đêm ngày quỳ trước vương phủ để cầu hôn con gái nuôi của ta…

– Vậy thì vì cái gì mà huynh lại hết lòng ưu ái với Ngũ Lão như vậy?

– Vì cái gì ư? Vì nước non Đại Việt. Muội nhớ cho rõ là vì nước non Đại Việt. Phía bắc là quân Nguyên Mông. Phía nam cũng là quân Nguyên Mông do Toa Đô cầm đầu chắc chắn sẽ hai đầu giáp công Đại Việt ta. Trong khi đó thì Nguyễn Khoái và Ngũ Lão là hai cây cột chống trời của Đại Việt ta. Chỉ cần triều đình biết muội có tư tình với Ngũ Lão là cả ba họ nhà Ngũ Lão sẽ bị chém đầu ngay. Ta biết tấm lòng của muội với Ngũ Lão tốt đẹp như thế nào? Ta đã từng yêu công chúa Thiên Thành từ năm mười sáu tuổi. Ta hiểu và thương cảm với muội lắm chứ! Nhưng mà ta với Thiên Thành khác. Mà muội với Ngũ Lão khác. Thương nhau như thế bằng mười hại nhau, muội có hiểu không?

Công chúa An Tư trước những lời lẽ hết sức chân tình, bắt đầu từ chữ “ta xin muội” đã khiến nàng mát lòng mát dạ. Đến đoạn “thương nhau như thế bằng mười hại nhau” thì nàng đã hoàn toàn tỉnh ngộ.

– Như thế là muội sai rồi! Nàng tấm tức trong nước mắt.

– Không sao? Đời ai chả có lúc sai. Cái chính là nhận ra được cái sai của mình đúng lúc… À quên, tiện đây ta cũng giải thích thêm cho muội… là An Nguyên chỉ là con gái nuôi của huynh. Chứ là con đẻ thì… muội hiểu rồi. Muội có oán giận huynh hay có trách huynh thì huynh cũng đành chấp nhận thôi!

– Không! Bây giờ thì muội hiểu! Và muội chỉ còn cảm thấy thương mình thôi!… Có lẽ về kinh… muội sẽ đi tu… Muội có cái này! Vừa nói An Tư vừa đưa tay lên đầu rút ra cây trâm cài tóc bằng ngọc xanh – Huynh hãy đưa cho Ngũ Lão hộ muội… Và nói với Ngũ Lão rằng nếu có kiếp sau Ngũ Lão hãy đợi muội… Đừng hẹn ước với cô gái nào khác… An Tư nghẹn ngào trong nước mắt.

Hưng Đạo Vương đón nhận cây trâm bằng ngọc quý đút vào trong áo ngực và bảo:

– Việc này thì… dễ. Huynh chắc chắn sẽ “chuyển lời thì nói chuyển gói thì đưa“!

– Thôi đã đến lúc muội phải về kinh rồi. Để huynh còn phải lo việc quốc gia đại sự.

– Muội có biết không? Cả tháng nay huynh ngày quên ăn, đêm quên ngủ để lo với lũ giặc dữ Nguyên Mông. Và trời xui, đất khiến thế nào… Hay là trời không phụ lòng người. Kế phá giặc của huynh đã định xong rồi. Quân cơ bất khả lậu. Nhưng muội cứ tin huynh đi… Và về nói với Thượng hoàng và Hoàng thượng rằng Đại Việt sẽ là mồ chôn quân xâm lược.

Rồi Hưng Đạo Vương ra lệnh cho Yết Kiêu và Dã Tượng:

– Hai bay đâu! Hãy điều một ngàn quân kỵ chia làm hai đội tả, hữu hộ tống công chúa về kinh.

Xong việc về gặp ta ngay chờ lệnh.

Công chúa An Tư đi rồi. Hưng Đạo Vương mới cho người đi gọi Ngũ Lão ở chỗ luyện binh về.

Comments are closed.