Chân Nhân (kỳ 14)

Tiểu thuyết của Trần Thanh Cảnh

MƯỜI BỐN

Hôm sau.

Khang tập trung tất cả nam nhân, nữ tử cùng người giúp việc trong phủ lại, nói:

“Thày đã bỏ vào trong núi thẳm tu tiên đắc đạo một mình không về nữa. Nay ta chủ trì nơi đây. Ta sẽ đóng cửa phủ không tiếp khách để nghiên cứu chân kinh. Thày có để lại cho các ngươi mỗi người một khoản tiền lớn đủ sống đến cuối đời. Nay các ngươi nhận lấy và về nơi bản quán cư ngụ. Khi nào ta ngộ được chân kinh, sẽ nhờ Đức Thượng Thiên triệu gọi thì các ngươi lại trở về phủ cùng ta thờ phụng ngài”.

Nam nhân, nữ tử quỳ hết xuống, dập đầu đôm đốp xuống nền gạch kêu van:

“Nay thày đi rồi thì chúng tôi đây đồng lòng tôn ông làm thày. Phủ ta cứ thế mà hành đạo có phải vẫn yên ổn sao?”.

Khang bảo:

“Vận số đã hết, lộc trời đã cạn, cố mà được sao? Các ngươi theo thờ thày Bút chẳng qua cũng là kiếm miếng ăn tàn. Làm gì có đạo giáo nào ở đây. Nay thày Bút đã bỏ đi, nhưng còn nghĩ đến công các ngươi khó nhọc tụng ca hầu hạ bấy lâu, có để lại cho ít tiền làm kế sinh nhai. Các ngươi có nhận không thì bảo? Không thì ta hóa vàng ráo!”.

Nghe Khang nói vậy, nam nhân nữ tử mắt bỗng dưng ráo hoảnh như chưa hề nhỏ giọt nước mắt nào. Răm rắp lấy tiền, rồi vội vàng đi luôn.

Mọi người đi rồi, Khang khóa chặt phủ thờ. Lên tháp, vào mật thất. Đem tất cả trầm hương của phủ, mang chất cháy vào phòng rồi châm lửa. Lúc ấy là khoảng giờ Ngọ sang giờ Mùi tháng tư âm lịch. Đầu hè nắng như đổ lửa. Dân làng Cùng ai nấy nằm tít trong buồng nhà trốn nắng. Tòa phủ thờ Thượng Thiên Linh Nhãn nhanh chóng biến thành một ngọn đuốc khổng lồ. Từ đám cháy ấy bốc ra một làn khói, mùi rất lạ. Hôm ấy gió nam thổi mạnh. Gió thốc vào trong làng mang theo cái ngọn khói lạ ấy quẩn khắp các ngõ xóm. Lùa vào từng nhà. Ai nấy hít phải đều chìm vào trong giấc mê man chẳng biết gì nữa. Đến khi tỉnh lại, cả làng chạy ra thì phủ Thượng Thiên Linh Nhãn đã thành một đống gạch đổ rồi.

Công an cũng về điều tra. Họ thu nhặt được ngoài cổng phủ một bức thư của Khang trong đó viết:

“Ta tự hóa về trời để được theo hầu Đức Thượng Thiên”.

Còn về cái mùi lạ làm cho dân làng Cùng ngủ mê, họ phỏng đoán là do khi cháy phủ, trầm hương, chất cháy, vàng mã, đồ thờ, nhà cửa, xác nam nhân Khang. Và nhất là cái quyển sách cổ bìa da đen sì với một trăm bảy mươi trang giấy ấy cháy. Tất cả quyện vào với nhau tạo nên phản ứng hóa học sinh ra một thứ chất khói lạ lùng khiến cho dân làng Cùng mê man. Nhưng đấy cũng chỉ là phỏng đoán mà thôi. Bởi do nam nhân Khang đã chết nên bên công an cũng không điều tra tiếp nữa. Hồ sơ được đóng lại.

Nay dân các nơi đi ngoài quốc lộ nhìn vào làng Cùng vẫn thấy bên rìa làng một tòa đổ nát, gạch nung quá lửa đỏ ối. Nhiều người không biết, nghĩ đó là cái lò gạch bỏ hoang từ thời hợp tác xã. Dân làng Cùng thì đang bàn nhau là dọn dẹp đi rồi xây lên ở đó một cái trường mầm non. Thế nhưng họ còn đang băn khoăn không biết xúc cái đống hoang tàn đổ nát kia vất đi đâu…

11/ 2018.

TRẦN THANH CẢNH

* * *

Tiểu thuyết

CHÂN NHÂN

Trần thanh Cảnh

* * *

Biên tập,

Hiệu đính

Lê Thanh Minh

Trình bày, bìa, tạo Ebook

matthoigian2001@

* * *

Copyright © Tác giả và Rạng Đông giữ Bản quyền

Nhà văn

Trần Thanh Cảnh

(1959)

Nhà văn Trần Thanh Cảnh người Thuận Thành Bắc Ninh là dược sĩ, tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội và gắn bó với nghề hơn 30 năm. Ông bắt đầu bén duyên với văn chương từ năm 2013.

Các tác phẩm của Trần Thanh Cảnh đa phần đều gắn bó với hình ảnh làng quê Kinh Bắc. Vì thế ông còn được gọi là người kể chuyện Kinh Bắc.

Ông đạt giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2015 cho tập truyện ngắn Kỳ nhân làng Ngọc. Ông hiện là Hội viên Hội Nhà Văn Hà Nội.

Tựa

Cuốn Chân nhân của nhà văn Trần Thanh Cảnh trên tay tôi không dày. Nhưng những cái mà nó đề cập lại không hề mỏng, không hề đơn giản trong một xã hội còn bề bộn những chuyện thật mà như đùa.

Nhà văn không đùa. Tôi biết. Tác giả muốn gom tất cả những cái nhố nhăng, bi hài của xã hội đương thời vào trong cuốn sách nhằm thức tỉnh người đọc. Bạn đừng mất công tìm kiếm những nhân vật của cuốn truyện trong đời thường. Nó chả là ai mà lại là bất cứ người nào. Nghĩa là giữa hư cấu và hiện thực mờ nhoè dính quyện vào nhau. Không gian trong truyện chính là không gian ta đương sống, đương hít thở. Có đôi chỗ tưởng như tác giả xắn từng khối vuông vắn chất liệu từ cuộc đời đưa thẳng vào tác phẩm. Nếu tinh ý một chút người đọc sẽ thấy những khối vuông vắn ấy đã được dồn nén qua thời gian bằng trải nghiệm cuộc sống của người cầm bút…

Bối cảnh xã hội hiện tại, nhiều bạn cảm thấy có gì đó giống với những trang văn miêu tả trước cách mạng. Chân nhân như một bức tranh thiên về gam màu tối. Chỉ có điều tối nhưng không u uất, nó ngồn ngộn chất sống, thậm chí phồn thực…

Lẽ dĩ nhiên, những người ưa nhìn một bức tranh tươi sáng sẽ không thích nó. Thiết nghĩ chẳng có một tác phẩm văn học nào, dù là hay tới bao nhiêu có thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Thật là vớ vẩn nếu tôi nói thay cho cặp mắt của bạn. Có thời gian,

tôi nghĩ bạn nên xem qua Chân nhân và sẽ tự mình đánh giá. Hay, hay tới cỡ nào? Và dở, dở tới bao nhiêu?

Câu trả lời này là một bí mật giữa cuốn sách và bạn. Không phải của tôi. Tôi chưa nói gì đâu đấy!

8/4/2019

LÊ THANH MINH

Comments are closed.