Chàng, tường và… nàng

Tạp ghi Trần Doãn Nho

clip_image002

Border Wall! Trump Wall!

Cả nước Mỹ thấp tha thấp thỏm, căng thẳng cả hai tháng trời cuối năm 2018 vì một cuộc đấu trí, hãy gọi là đấu trí… tường.[1] Có người gọi đó là cuộc chiến tranh tường (wall war), một màn tháu cáy ồn ào, không mấy hấp dẫn nhưng hết sức tốn kém. Nhưng không sao, Mỹ mà! Lịch sử sau này của Hoa Kỳ sẽ gắn liền với chàng với Tường. Chàng là Tường. Mà Tường cũng là Chàng.

Chàng là người biết nắm bắt trí tưởng tượng của quần chúng. Tuyên ngôn đầu tiên khi ra tranh cử của chàng tháng 6/2015 là tường. Một bức tường vĩ đại. Tường là giải pháp vững chắc chống lại những di dân có vấn đề, những di dân chỉ mang vào Mỹ thuốc phiện, tội ác, và hiếp dâm, tóm lại, những kẻ xấu. Trong bài diễn văn quan trọng tháng 9/2016, chàng than phiền là người Mỹ không hiểu hết tầm mức nguy hại mà di dân bất hợp pháp gây ra. Chàng tố cáo nàng Hillary hứa hẹn để cho di dân tiếp tục vào lấy hết công ăn việc làm của dân Mỹ mà không biết rằng di dân là những con ngựa thành Troy (Trojan Horse). Họ vào, họ ở, họ ăn và họ phá hoại. Và chàng hứa như đinh đóng cột là ngay ngày đầu tiên nhậm chức, chàng sẽ bắt đầu tiến hành việc xây tường, một bức tường bằng bê tông (precast), đẹp, cao, trông dễ sợ (scary), đường bệ (imposing), không thể băng qua, không thể trèo lên, và… đẹp. Khi hoàn tất, tường sẽ phục hồi sự toàn vẹn và luật pháp cho vùng biên giới, tường sẽ là một “vũ khí hiệu quả chống lại thuốc phiện và tội ác,” theo chàng.

Sau này, khi cuộc chiến tranh tường lên đến cực điểm, buộc chính phủ phải đóng cửa, vào cuối năm 2018, chàng tuýt:

Donald J. Trump

✔ @realDonaldTrump

President and Mrs. Obama built/has a ten foot Wall around their D.C. mansion/compound. I agree, totally necessary for their safety and security. The U.S. needs the same thing, slightly larger version!

241K

3:59 PM – Dec 30, 2018

Qua kiểm chứng, báo chí bảo rằng chàng lại bịa chuyện. Vì nhà Obama không hề có tường cao 10 feet như thế. Không sao. Đối với chàng, bịa là… chuyện thường ngày ở huyện. Đó vốn là món nghề sở trường của chàng: nắm bắt trí tưởng tượng của quần chúng. Tin lời chàng, lập tức, các “fan” của chàng chụp ngay: nhà (Obama) có tường thì nước (Hoa Kỳ) cũng phải có tường chứ! Nghe rất hữu lý. Nhưng nàng bảo xây tường là vô ích, không khôn ngoan, tốn kém và… “vô luân” (immoral). Chàng bực mình, phản bác: nói “vô luân”, sao nàng không lên tiếng đòi phá hết các bức tường hiện có đi? Nàng giải thích loanh quanh, nhưng nhất định nói “không” với tường (của) chàng.[2]

clip_image004

Và chàng thua. Lần đầu tiên, chàng ngậm quả đắng. Chỉ vì nàng. Thế mới ức!

Thua keo này, chàng bày keo khác. Chàng liền tuyên bố tình trạng “Quốc Gia Khẩn Cấp” để kiếm tiền xây tường, qua mặt nàng, cóc cần Quốc hội.

Cuộc chiến tranh tường tiếp tục. Lại tốn kém nữa. Lại cũng chẳng sao, đó là cái giá mà một chế độ dân chủ phải trả thôi. Có đòi, có chống, có cãi vả om sòm, có tố cáo nhau là “fake news” mới… vui. Nếu chàng cứ ưng làm gì thì được nấy, hóa ra chàng là Tập Cận Bình hay Kim Yong Un hay sao!

Trước khi trở lại chuyện của chàng, xin lược qua vài nét về biên giới và di dân.

· Biên giới và di dân

Biên giới Mỹ-Mễ dài tất cả 1954 dặm (3145 km), từ vịnh Mexico đến Thái Bình Dương, xuyên qua nhiều khu dân cư, nhiều vùng núi non, sông ngòi, sa mạc hiểm trở cộng thêm một đoạn 18 dặm (29 km) nằm ngoài biển, ở vịnh Mexico. Bên phía Mỹ, biên giới nằm dọc theo các tiểu bang từ California, Arizona, New Mexico và Texas, gồm 23 quận hạt, có tất cả 48 Khu Quá Cảnh (Border Crossing) bao gồm các đuờng lộ (roads), các lối đi bộ (pedestrian walkways), đường tàu lửa (railroads) và phà (ferries); muốn đi qua biên giới, người ta phải xuất trình giấy tờ và kiểm tra hành lý tại 330 trạm Kiểm Soát Nhập Cảnh (Ports of Entry) ở các Khu Quá Cảnh này. Biên giới Mỹ-Mễ được cho là biên giới quốc tế rất bận bịu, nơi mà số người qua lại (tất nhiên là hợp pháp) nhiều nhất trên thế giới: 350 triệu lượt người hàng năm.

Cũng như người Anh, người Tây Ban Nha định cư ở Bắc Mỹ từ thế kỷ thứ 16. Ba thế kỷ sau, họ thành lập nước Mễ (Mexico). Trong cuộc chiến tranh Mỹ-Mễ giữa thế kỷ 19, Mễ thua. Và mọi sự hoàn toàn thay đổi. Hiệp ước đình chiến Guadalupe Hidalgo (1848) và hiệp ước nhượng đất Gadsden Purchase (1854) làm cho nước Mỹ mở rộng thêm một số đất đai bằng 1/3 lãnh thổ của mình, sau này bao gồm các tiểu bang Texas, California và một phần của các tiểu bang Colorado, Arizona, New Mexico, Utah và Nevada. Dưới các hiệp ước đó, hầu hết những người Mễ hiện đang sống trong những vùng đất mà Mễ bị mất, được chấp nhận là công dân Hoa Kỳ. Bởi thế nên có một điều khá mỉa mai: đường biên giới đôi khi đi xuyên qua vườn hay nhà của những gia đình Mễ. Chả thế mà, “Những người Mễ đầu tiên trở thành công dân Hoa Kỳ không bao giờ băng qua biên giới. Thay vào đó, biên giới băng qua họ.”[3]

Chính điều đó tạo nên một sự nhập nhằng vẫn còn tiếp diễn cho đến bây giờ: nhập nhằng biên giới, nhập nhằng Mễ-Mỹ/Mỹ-Mễ. Dù là công dân Mỹ trên pháp luật, nhưng về mặt thực tế, những người Mỹ-Mễ vẫn bị phân biệt đối xử. Cho đến đầu thế kỷ 20, biên giới giữa hai nước và chuyện di dân thường không ổn định cả về mặt xã hội lẫn chính trị. Ai chịu đựng được thì ở, ai không chịu đựng được thì về lại Mễ. Đến năm 1917, kinh tế Hoa Kỳ phát triển, nông gia và công xưởng Hoa Kỳ cần công nhân, nên dân Mễ được khuyến khích vào Mỹ làm việc. Năm 1924, đạo luật di dân đầu tiên ra đời, Immigrantion Act, hạn chế nghiêm ngặt số dân nhập cư từ nhiều nơi, nhất là đối với người châu Á, chỉ trừ người Mễ. Nhưng năm năm sau, do cơn Đại Suy Thoái (Great Depression), dân Mễ lại bị trục xuất về nước. Đến năm 1942, cần lao động, Mỹ lại khuyến khích dân Mễ nhập cư. Chương trình này kéo dài cho đến năm 1964, thu hút cả 5 triệu người Mễ vào Hoa Kỳ như những công nhân làm hợp đồng, lương thấp. Điều buồn cười là, trong lúc chương trình này lôi kéo người Mễ vào Hoa Kỳ thì đồng thời một chương trình khác có từ trước đó (kế tiếp chương trình trục xuất thời kỳ Đại Suy Thoái) lại đẩy họ ra, trục xuất những người di dân gọi là bất hợp pháp vì họ không có giấy tờ (undocumented immigrants). Tính đến thập niên 1950, có hơn 4 triệu người Mễ bị trục xuất.[4]

Đến năm 1965, trong một đạo luật cải cách quyền dân sự, Tổng thống Lyndon Johnson (Dân Chủ) cho phép những người Mỹ-Mễ được bảo lãnh thân nhân sang Hoa Kỳ định cư. Điều này giúp nhiều gia đình Mễ được đoàn tụ. Cũng chính đạo luật này về sau đã giúp nhiều người Việt Nam bảo lãnh thân nhân sang Mỹ, một yếu tố khiến cộng đồng người Việt mỗi ngày một lớn trên đất Mỹ. Tổng thống Trump không ưa gì chính sách này; chả thế mà ông gọi hình thức bảo lãnh này là “di dân xâu chuỗi” (chain migration) và muốn chấm dứt nó, càng sớm càng tốt.

Năm 1969, Tổng thống Richard Nixon (Cộng Hòa) phát động chiến dịch “Operation Intercept”, đóng cửa biên giới, gửi tới đó hàng ngàn vệ binh để vừa chận đứng những kẻ buôn lậu thuốc phiện vào Hoa Kỳ vừa ngăn chặn di dân bất hợp pháp. Mãi đến thập niên 1980, chiến dịch này mới tạm lắng dịu, nới lỏng việc chận bắt di dân. Năm 1986, Tổng thống Ronald Reagan (Cộng Hòa) chấp thuận việc đánh đổi an ninh biên giới bằng cách cho hợp pháp hóa 3 triệu 2 di dân không giấy tờ qua đạo luật “Immigration Reform and Control Act” (IRCA), sau này được xem là một hình thức ân xá (amnesty).[5]

· Hàng rào/tường biên giới

Đạo luật ân xá không giải quyết rốt ráo vấn đề di dân: vẫn còn hơn 11 triệu di dân bất hợp pháp. Năm 1993, Tổng thống Bill Clinton (Dân Chủ) chuẩn thuận đạo luật “Operations Safeguard and Hold the Line”, cho phép thành phố San Diego xây một hàng rào/tường bằng thép hàn (weld steel) cao 10 feet, dài 14 dặm ở chỗ biên giới sát với Thái Bình Dương, dọc theo lối đi trong cát giữa hai thành phố San Diego (Mỹ) và Tijuanna (Mễ), tổn phí 39 triệu đô la.[6] Có thế nói, đây là lần đầu tiên có hàng rào biên giới. Nhờ thế, số các di dân lậu ở vùng này giảm hẳn. Không chịu thua, di dân bắt đầu tìm lối vượt biên khác. Đến năm 1994, sau khi hiệp ước NAFTA[7] được thông qua, một làn sóng di dân mới tràn qua Mỹ, bất chấp mọi sự kiểm soát. Năm 1996, Tổng thống Clinton ký một đạo luật mới cung cấp ngân sách để xây thêm lớp thứ hai ở những nơi đã có hàng rào sẵn. Sau đó, lực lượng Tuần Tra Biên Giới (Border Patrol) đòi hỏi phải xây thêm nhiều dặm nữa. Tính cho đến năm 2000, khoảng 60 dặm đường biên giới là có hàng rào, phần lớn đều nằm trong các khu dân cư.

clip_image006

Bản đồ biên giới:

Đường màu đỏ là nơi đã có hàng rào chắn

Sau biến cố khủng bố 11/9/2001, một phong trào ủng hộ việc xây hàng rào biên giới thành hình, phát động một cuộc tranh đấu xây thêm hàng rào, nhưng không mấy thành công. Khi Tổng thống George Bush (Bush-Con) thúc đẩy một cuộc cải cách toàn diện chính sách di dân thì phong trào này tái phát, mạnh mẽ đòi hỏi phải xây thêm hàng rào nếu muốn giải quyết vấn đề di dân. Vì thế, năm 2006, Quốc hội phải thông qua Đạo Luật Hàng Rào An Toàn (Secure Fence Act), cho phép xây thêm 700 dặm. Đạo luật được sự ủng hộ của cả hai đảng, trong đó, có cả hai Thượng nghị sĩ Dân Chủ Barack Obama và Hillary Clinton. Tổng thống Bush ký đạo luật này với hy vọng xoa dịu những thành phần muốn đặt sự an toàn biên giới lên hàng đầu để có được những thay đổi về di dân mà ông muốn. Nhờ vậy, việc xây hàng rào đã được gần như hoàn tất theo dự tính vào năm 2009, dài 617 dặm, trong đó, khoảng 36 dặm có đến hai lớp.

clip_image008

Hàng rào biên giới Tijuana/San Diego, đoạn ở bãi biên (2006)

clip_image010

Tuần tra biên giới ở El Paso, Texas (Hình: Ivan Pierre Aguirre, NYT)

Dẫu vậy, di dân bất hợp pháp vẫn tìm được cách vượt biên giới vào Hoa Kỳ. Tại sao?

Trước hết, phần lớn đường biên giới, chẳng hạn hàng trăm dặm liên tục nằm trong bang Texas, vẫn không có hay chưa có hàng rào, hoặc vì thiếu ngân sách hoặc vì địa thế thiên nhiên hiểm trở, hoặc vì các trở ngại về mặt pháp lý. Đất đai vùng biên giới không hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của chính phủ liên bang và tiểu bang. Hai phần ba trong số gần 2000 dặm đất, phần lớn ở Texas, nằm trong lãnh địa của các bộ lạc thổ dân hay đất riêng của cá nhân; nhiều lãnh địa thổ dân to, rộng nằm ở cả hai bên biên giới. Muốn xây tường trên các vùng đất này, phải giải quyết những vấn đề pháp lý phức tạp, đưa đến các vụ kiện tụng thường kéo dài… không biết đến khi nào, nhất là ở những nơi mà việc xây tường đụng đến những khu đất thiêng liêng của thổ dân.

Thứ đến, phần lớn số hàng rào được xây vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Một nửa số hàng rào, thực ra, chỉ là những chướng ngại vật cản xe hơi (vehicle barriers), nhưng không cản được người đi bộ. Đã thế, 317 dặm hàng rào cản người đi bộ (pedestrian barriers) lại quá khác nhau về chiều cao và phẩm chất. Ở nhiều chỗ, nhằm làm nản lòng những ai muốn vượt biên bằng cách đi bộ, nhân viên kiểm tra biên giới buộc phải tăng cường thêm loại lưới sắt mắt cáo, thảm chà chân, xích sắt, cọc buộc tàu thuyền và các tấm cừ sắt (sheet piles); nói chung, đó là một loại hàng rào tổng hợp cao từ 6 feet (1,8m) đến 18 feet (5,4m) gồm các trụ, các thanh thép và dây kim loại bổ sung ở những nơi cần. Nhưng không mấy hiệu quả vì di dân vẫn không hề nản lòng.

clip_image012

Hàng rào cản xe hơi (vehicle barrier) ở sa mạc New Mexico

clip_image014

Hàng rào ngăn người đi bộ (pedestrian barrier) ở Texas

clip_image016

Vùng biên giới nằm giữa Texas trải dài 600 dặm liên tục (chưa có hoặc không thể làm hàng rào)

Về mặt thực hành, với kích cỡ hiện có, hầu hết những hàng rào hiện nay đều có thể dễ dàng leo lên bằng thang hay từ trên trần của xe tải. Trong một số trường hợp, người vượt biên có thể leo tường mà không cần một dụng cụ gì cả. Một đoạn video quay năm 2010 cho thấy hai người đàn bà dễ dàng leo lên một hàng rào cao 18 feet xây bằng cột sắt trong khoảng thời gian chưa tới 20 giây. Bất ngờ hơn nữa, những tay buôn lậu có thể lái xe trên hàng rào bằng cách dựng lên những chiếc thang dài, tạo thành một độ dốc thoai thoải để lái lên và lái xuống hàng rào. Điều này chỉ được khám phá ra khi chiếc xe hơi SUV của hai người buôn bán thuốc phiện bị mắt kẹt phía trên hàng rào khi chạy vượt qua vào năm 2012. Ngoài ra, hàng rào có thể bị thiệt hại do thiên tai, hoặc do những người vượt biên hay các băng nhóm buôn lậu đục thủng. Lực lượng tuần tra đã từng báo cáo có lúc phải sửa chữa hơn 4000 lỗ hổng trong vòng một năm.

clip_image017

clip_image019

Leo tường (Brownsville, Texas) Xe hơi vượt hàng rào biên giới

(Ảnh AP, 11/2012)

· Tường của chàng

Theo tài liệu của Bộ Nội An (Department of Homeland Security), thì hiện nay trong chiều dài biên giới 1954 dặm, đã có 654 dặm có hàng rào với nhiều loại khác nhau. Tham vọng của chàng là xây thêm 1000 dặm tường nữa,[8] với kích cỡ mới, vật liệu mới, khác hẳn với hàng rào cũ. Theo chàng, để đạt hiệu quả, tường phải cao, rất cao, cao đến độ sẽ không ai có thể dùng thang để leo lên được, bởi vì nếu lên được rồi thì sẽ “không có lối xuống.” Cao bao nhiêu? Qua những lần ứng khẩu tùy hứng và tính vốn thích cường điệu, chàng đòi tường của chàng phải cao, khi thì 30, khi thì 35, 45, 50, có khi lên đến 55 feet (gần 17 mét). Nhưng rốt cuộc, chàng phải chấp nhận một chiều cao hợp lý là 30 feet (9,1m). Thế cũng đã là quá cao rồi, gấp gần 5 lần chiều cao của chàng, 6,2 feet (1,88m).

clip_image021

8 mẫu thiết kế tường được dựng ở Otay, Mesa

Nói là làm. Vừa nhậm chức, chàng đã ra lệnh thiết kế loại tường chàng muốn. Có cả 200 công ty nhảy vào đòi đảm trách đấu thầu việc thiết kế và xây tường. Vào tháng 9/2017, chính phủ bắt đầu cho thực hiện 8 mẫu thiết kế (prototypes) tường cao 30 feet (9,1 m), làm bằng bê tông hoặc bằng những vật liệu khác, với tiêu chuẩn căn bản là “không trèo lên được, không đào hầm xuyên dưới đất được và không thể đục thủng được” (anti-climbing, anti-tunneling, anti-breaching), tổn phí khoảng 5 triệu đô la. Chúng đã được dựng lên ở Otay Mesa, California, kế hàng rào cũ. Chàng đã từng đến thăm và rất hãnh diện về công trình này của chàng. Tuy vậy những thử nghiệm về tính xuyên thấu (basic penetrability test) của nó đã bị thất bại.[9] Nói chung, không có mẫu thiết kế nào đáp ứng được những đòi hỏi về mặt kỹ thuật khi mang ra xây chúng ngoài thực địa, dài cả ngàn dặm xuyên qua nhiều vùng đất đai khác nhau.

Chẳng biết số phận các bức tường mẫu của chàng rồi sẽ ra sao. Nhưng vào hôm 27/2/2019, đúng lúc chàng đang ở Việt Nam để hội đàm với Kim Jong Un, tất cả các mẫu thiết kế (trừ 1 cái) bị phá hủy để lấy chỗ xây lớp thứ hai cho hàng rào cũ. Loại hàng rào mới này có hơi giống với 8 mẫu thiết kế nhưng trông ít nặng nề hơn và có thể nhìn xuyên qua phía bên kia (see through) được. Tóm lại, là loại hàng rào cũ cải tiến.

Buồn cho chàng một phút!

clip_image023

Phá hủy các mẫu thiết kế tường (Hình: Max Rivlin-Nadler for NPR , 27/2/2019)

Quan trọng hơn nữa là chuyện phí tổn. Để thực hiện tham vọng tường của chàng, theo những nhà chuyên môn (Trump Wall/Wikipedia), giá để xây tường cho phần còn lại ở biên giới, ước tính khoảng 16 triệu dollars/dặm, tổng số sẽ là 15 tỷ. Nếu xây trên sa mạc hay vùng rừng núi, phí tổn sẽ cao hơn; lại phải tránh vùng lãnh địa của thổ dân, nên nhiều nơi không thể xây được. Hơn bù thua, Bộ Nội An ước tính trung bình, tường của chàng phải tốn khoảng 21,6 tỷ , cao gần gấp đôi con số chàng đưa ra để tuyên truyền khi đi vận động tranh cử và mất khoảng ba năm rưỡi để hoàn thành. Đó là chưa kể phí tổn bảo trì, ước tính vào khoảng 750 triệu/năm hoặc hơn, và giá đền bù cho đất tư nhân, lãnh địa thổ dân cũng như chi phí kiện tụng và vô số việc linh tinh khác… chẳng thể nào ước lượng hết.

*

Chàng nhất quyết xây tường.

Nàng nhất quyết chống.

Chàng và nàng là hai mặt tiêu biểu của vấn nạn di dân Mỹ hiện nay. Đó là hai cực đoan nằm trong một rối rắm: di dân bất hợp pháp.

Đúng là, bỏ thì “thương”, sương [gánh – Văn Việt] thì (quá) nặng. Chàng và phe chàng không chấp nhận chuyện “nặng”. Đài truyền hình thân chàng, OAN (One American Nation), ngày nào cũng chạy hàng chục lần hàng quảng cáo “Cái Giá của Di Dân Bất Hợp Pháp” (The Cost of Illegal Immigration) với những con số nhảy liên tục từng giây, chỉ số tiền phải tốn hàng chục tỷ/năm trong việc nuôi “báo cô” di dân bất hợp pháp trên đất Mỹ, mà thấy sốt ruột. Nàng và phe nàng cũng không chấp nhận chuyện “nặng”, nhưng mà là cái “nặng” khác: nặng phí tổn xây tường, nặng bảo trì, nặng chuyện thiệt hại môi trường sinh thái, vân vân và vân vân. Thiệt tình, “nặng” nào cũng là “nặng”! Riêng tôi, tôi còn cảm thấy một cái nặng khác, nặng vô vàn: lý tưởng Mỹ. Không thể tưởng tượng một nước Mỹ duy trì tượng “Nữ Thần Tự Do” và cổ võ chuyện dân chủ, nhân quyền và nhân đạo trên toàn thế giới, mà lại bị nhốt sau một bức tường kiên cố dài dằng dặc. Quả là một điều mỉa mai! Mà trông bộ chàng “không care” chuyện lý tưởng nữa rồi. Chàng thực tiễn, chỉ “care” nước Mỹ của chàng, hay đúng hơn chỉ “care” chuyện làm sao thỏa mãn những kẻ ủng hộ chàng (chiếm chưa tới một nửa số cử tri Mỹ) mà thôi.

Vả lại, tường của chàng, nếu được thực hiện toàn bộ, che chắn hầu hết đường biên giới dài gần 2000 dặm, có chận đứng được di dân lậu hay không? Chắc chắn là được. Nhưng có chặn được hoàn toàn những di dân hay không? Chắc chắn là không. Tóm lại, cũng như trước đây, hàng rào/tường sẽ giới hạn số lượng di dân nhưng không cách gì ngăn chặn được hoàn toàn. Hãy nhớ lại những thuyền nhân Việt Nam của thập niên 70 và 80 thế kỷ trước. Biển Đông bao la, hung dữ là thế, chính quyền các nước láng giềng khó khăn là thế – so ra, khó khăn gấp bội lần bức tường của chàng – mà vẫn không cách gì ngăn cản những người Việt Nam tìm cách ra đi. Nhờ thế mà nước Mỹ (bỗng dưng) có thêm hai triệu người Việt. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Khi bị bách hại, bị đàn áp, bị bần cùng và tiếng gọi của tự do, bình đẳng, của công ăn việc làm, của tương lai con cháu, thì đại dương bao la, hung hãn người ta còn coi thường, thì bức tường cao 30 feet của chàng làm sao ngăn cản những kẻ đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Phương chi ở đây, như đã đề cập ở trên, với đường biên giới nhập nhằng, với quá trình lịch sử cũng nhập nhằng, và người Mễ cũng như người Mỹ La Tinh vốn gắn bó với nước Mỹ về nhiều phương diện, thì quả thật nói chuyện ngăn chặn họ là điều khá khó khăn. Xin đọc một trích đoạn từ nguồn tài liệu của Thư Viện Quốc hội Mỹ (Library of Congress):

Di dân Mễ và con cháu họ chiếm một vị trí có ý nghĩa trong sinh hoạt văn hóa Mỹ hơn bao giờ hết so với trước đây. Người Mỹ gốc Mễ thường phục vụ [đất nước] như những viên chức cao cấp chính phủ cũng như những thị trưởng, cảnh sát trưởng và thành viên ban điều hành trường học. Những nghệ sĩ và những nhà trình diễn xuất sắc như nhà văn Sandra Cisneros, nhạc sĩ Carlos Santana, võ sĩ Oscar De La Hoya, và diễn viên và nhà hoạt động Edward James Olmos, tất cả đều giúp giữ [hình ảnh] những người Mỹ gốc Mễ trong đời sống công cộng. Những người Mỹ gốc Mễ sống trên khắp nước Mỹ và có thể tìm thấy họ có mặt ở hầu hết mọi ngành nghề.

Tác động lớn lao nhất của di dân Mễ, dẫu vậy, có lẽ là sự góp phần của nó vào ảnh hưởng văn hóa Mỹ La Tinh càng ngày càng lớn vào đời sống hàng ngày của tất cả người Mỹ. Các dự án của chính phủ cho thấy trong khoảng hai thế hệ sắp tới, hơn 25 phần trăm dân số Mỹ sẽ có gốc Mỹ La Tinh. Áo quần, kiến trúc, âm nhạc, văn chương và thực phẩm của quốc gia đều chịu ảnh hưởng của dân số càng ngày càng lớn của người Mỹ gốc Mễ và người Mỹ La tinh. Tiếng Anh kiểu Mỹ chịu ảnh hưởng sâu xa của di dân từ Mễ và từ những quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha khác. Có nhiều người ở nước Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha hơn trước đây và nhiều người tìm thấy rất có lợi khi có thể nói được hai ngôn ngữ. Những người Mễ đã là một phần của nước Mỹ ngày nay, ngay cả trước khi đất nước này trở thành một quốc gia tự trị.[10]

Vả lại, vấn đề thực sự của di dân, không nằm ở chính di dân hay chuyện tường, mà nằm trong chính các đạo luật và chính sách của Mỹ. Chẳng hạn “Birthright Citizenship” xuất phát từ tu chính án thứ 14,[11] cấp quyền công dân cho bất cứ trẻ em nào sinh ra trên đất Mỹ, bất kể tình trạng di trú của cha mẹ; chẳng hạn như chính sách đối với đối với những “trẻ em/người vị thành niên không có giám hộ” (unaccompanied children/minors): chấp nhận nuôi dưỡng vô điều kiện; chẳng hạn một đạo luật được Tối Cap Pháp Viện ban hành năm 1983: nhà trường và bệnh viện phải cung cấp dịch vụ giáo dục và y tế cho mọi trẻ vị thành niên, kể cả con cái của những di dân bất hợp pháp; chẳng hạn chính sách bảo lãnh thân nhân cho sự đoàn tụ gia đình. Vân vân và vân vân. Nước Mỹ rộng lượng và hào phóng đã là nguồn động lực lớn lao vẫy gọi mọi người trên thế giới – nhất là ở những xứ sở đói, nghèo và áp bức – đổ về. Di dân bất hợp pháp trên đất Mỹ đến từ nhiều ngã khác nhau, lại là ngã hợp pháp: bằng máy bay, bằng tàu thủy, qua con đường du lịch, du học… đâu chỉ ở biên giới. Và đâu chỉ là những di dân Mễ. Trung Tâm Nghiên Cứu Tình Trạng Di Dân (Center for Immigration Studies) ước tính vào năm 2012, có đến 200 ngàn đứa trẻ được sinh ra trên đất Mỹ là con cái của những du khách, sinh viên du học, công nhân làm việc theo hợp đồng…, trong đó 60 ngàn là những đứa trẻ gốc Hoa.[12] Người ta gọi đó là “Du lịch Đẻ” (Birth Tourism). Hậu quả là: con là công dân Mỹ và cha mẹ trở thành di dân lậu – những di dân bất hợp pháp đã nhập cảnh Mỹ bằng con đường hợp pháp.

Phải chăng Mỹ cai trị bằng luật pháp, và rồi bị kẹt trong chính luật pháp của mình!?

*

Tường tất nhiên là cần thiết, nhưng tự bản thân, tường không giải quyết được vấn nạn di dân. Có lẽ cũng biết thế, nhưng chàng vẫn thích tường. Tường chỉ là một điều trong rất nhiều điều mà chàng phải làm cho kỳ được, thực hiện những điều chàng đã hứa trong khi tranh cử.

Chàng muốn làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại!

Ừ, thì vĩ đại.

Nhưng có điều chắc là, nếu sứ mạng của chàng thành tựu – trong đó, có một bức tường dài dằng dặc bao quanh biên giới –, nước Mỹ sẽ vĩ đại (hơn trước) hay vĩ đại (trở lại), thì đó là một nước Mỹ KHÁC với những gì tôi đang biết/nghĩ/thích về nước Mỹ hiện nay.

Sẽ không còn American Dream!

Mà chỉ còn American Oasis!

Cái vĩ đại của một ốc đảo.

TDN

(2/1019)

_______________________________________

Tài liệu tham khảo:

1. Wikipedia: Trump Wall, Mexico–United States border

2. Library of Congress – Immigration- Mexican https://www.loc.gov/teachers/classroommaterials/presentationsandactivities/presentations/immigration/alt/mexican8.html

3. A quick history of Trump’s evolving justifications for a border wall

https://www.politico.com/story/2019/01/08/trumps-evolving-reasons-border-wall-1088046

4. Brief History: A Timeline of the U.S. Border Wall

http://www.worldstir.com/history-u-s-mexico-border-wall/

5. Why the Wall Won’t Work

https://www.cato.org/publications/commentary/why-wall-wont-work

6. Five Problems Trump’s Wall Won’t Solve, According To Professor Emeritus Michael Dear

https://ced.berkeley.edu/events-media/news/five-problems-trumps-wall-wont-solve-according-to-professor-emeritus-michae

7. Weighing the Pros and Cons of U.S.-Mexico Border Barrier

https://www.thoughtco.com/mexico-border-fence-pros-and-cons-1951541

8. We looked at every mile of the U.S.-Mexico border. Now you can, too – right here.

https://www.usatoday.com/border-wall/us-mexico-interactive-border-map/

9. Intelligencer, Prototype of Trump’s Wall Proves No Match for Saw

http://nymag.com/intelligencer/2019/01/prototype-of-trumps-wall-proves-no-match-for-saw.html

10. New York Times, The Border Wall: What has Trump Build so far?

https://www.nytimes.com/interactive/2019/01/05/us/border-wall.html

11. Did Democrats Support Border Barriers Before Trump Took Office?

https://psmag.com/news/did-democrats-support-border-barriers-before-trump-took-office

12. National Emergency: How Trump’s ‘Wall’ Could Actually Be Built

https://finance.yahoo.com/news/border-wall-trump-where-stands-building-200101320.html


[1] “Tường” (wall) thì khác “hàng rào” (barrier), nhưng do các tài liệu tiếng Anh, khi thì dùng chữ “wall” khi thì dùng chữ “barrier” để chỉ hàng rào biên giới nói chung, nên trong bài viết này, tôi dùng lẫn lộn, khi thì “tường” khi thì “hàng rào”, xin hiểu tạm là có nghĩa tương đương. Ngay khi gọi là “Trump wall”, trong thực tế, có đoạn là “wall”, nhưng có đoạn là chỉnh sửa những “barriers” đã có sẵn từ trước.

[2] Thực ra, Pelosi vẫn đồng ý tăng cường an ninh biên giới nhưng bằng những phương cách khác ngoài việc xây thêm tường. Pelosi: “The fact is, we all agree we need to secure our borders while honoring our values,” Pelosi said. “We can build the infrastructure and roads at our ports of entry. We can install new technology to scan cars and trucks for drugs coming into our nation. We can hire the personnel we need to facilitate trade and immigration at the border. We can fund more innovation to detect unauthorized crossings.” (https://psmag.com/news/did-democrats-support-border-barriers-before-trump-took-office)

[3]The first Mexicans to become part of the United States never crossed any border. Instead, the border crossed them (Tài liệu Thư Viện Quốc hội Hoa Kỳ)

[4] Ironically, just as one government program was pulling Mexican immigrants into the U.S., another was pushing them out. After the war, the U.S. began a new campaign of deportation, on a much larger scale than during the Depression. The expulsions lasted well into the 1950s, and sent more than 4 million immigrants, as well as many Mexican Americans, to Mexico. (Tài liệu Thư Viện Quốc hội (Library of Congress)

[5] “I believe in the idea of amnesty for those who have put down roots and lived here, even though sometime back they may have entered illegally,” Ronald Reagan said in 1984.

[6] Clinton phát biểu năm 1995: “All Americans… are rightly disturbed by the large numbers of illegal aliens entering our country.That’s why our administration has moved aggressively to secure our borders more by hiring a record number of new border guards, by deporting twice as many criminal aliens as ever before, by cracking down on illegal hiring, by barring welfare benefits to illegal aliens.” (https://finance.yahoo.com/news/border-wall-trump-where-stands-building-200101320.html)

[7] The North American Free Trade Agreement được ký giữa ba nước Mỹ, Canada và Mễ, giảm thuế, tăng cường đầu tư nhằm cạnh tranh với thế giới đang bắt đầu giai đoạn toàn cầu hóa.

[8] Năm 2018, Quốc hội chấp thuận xây thêm 124 dặm hàng rào mới và thay thế một số hàng rào cũ, sử dụng những bản thiết kế có sẵn. Trong số này, đã có 40 dặm đã được xây xong hoặc đã bắt đầu xây, phần còn lại sẽ được tiếp tục trong năm 2019. (United States Customs and Border Protection, Department of Homeland Security and Government Accountability Office. Dẫn theo New York Times), https://www.nytimes.com/interactive/2019/01/05/us/border-wall.html

[9] The Trump administration directed the construction of eight steel and concrete prototype walls that were built in Otay Mesa, California, just across the border from Tijuana, Mexico. Trump inspected the prototypes in March 2018. He has now settled on a steel slat, or steel bollard, design for the proposed border barrier additions. Steel bollard fencing has been used under previous administrations. However, testing by DHS in late 2017 showed all eight prototypes, including the steel slats, were vulnerable to breaching, according to an internal February 2018 U.S. Customs and Border Protection report. (Intelligencer, http://nymag.com/intelligencer/2019/01/prototype-of-trumps-wall-proves-no-match-for-saw.html)

[10] Mexican immigrants and their descendants occupy a more significant place in American cultural life than ever before. Mexican Americans often serve as high government officials, as well as local mayors, sheriffs, and school board members. Prominent artists and entertainers, such as the writer Sandra Cisneros, the musician Carlos Santana, the boxer Oscar De La Hoya, and the actor and activist Edward James Olmos, all help keep Mexican Americans in the public eye. Mexican Americans now live in all regions of the country and can be found in most professions and trades.

The greatest impact of Mexican immigration, though, may be its contribution to the growing Latin American influence on the everyday life of all Americans. Government projections show that, by the next two generations, more than 25 percent of the U.S. population will be of Latin American origin. The nation’s clothing, music, architecture, literature, and food have all been influenced by our growing Latin and Mexican American populations.

American English has been most profoundly affected by immigration from Mexico and other Spanish-speaking nations. More people in the U.S. speak Spanish than ever before, and many find it a great advantage to speak more than one language. Mexicans have been part of life in the present-day U.S. even before it was a self-governing country.

(Library of Congress)

[11] The 14th Amendment to the Constitution was ratified on July 9, 1868, and granted citizenship to “all persons born or naturalized in the United States,” which included former slaves recently freed. In addition, it forbids states from denying any person “life, liberty or property, without due process of law” or to “deny to any person within its jurisdiction the equal protection of the laws.” By directly mentioning the role of the states, the 14th Amendment greatly expanded the protection of civil rights to all Americans and is cited in more litigation than any other amendment.

[12] Wikipedia, BirthTourism: The Center for Immigration Studies, a conservative think tank, estimated in 2012 that there were approximately 40,000 annual births to parents in the United States as birth tourists.[5][6] The Center also estimated in 2012 that total births to temporary immigrants in the United States (e.g., tourists, students, guest workers) could be as high as 200,000.

Comments are closed.