Tản văn của Hải Ngọc
1. Trời vẫn đứng gió. Trên ti vi, trên báo mạng vẫn đang cập nhật tin tức về bão số 2. Trên đảo Bạch Long Vĩ, nghe nói mới chỉ có mưa nhỏ lác đác, vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy bão cận kề.
Nhưng không khí thì thật ngột ngạt.
2. Thực sự rất muốn viết cái gì đó, không thể tập trung đọc tiếp tài liệu với hàng mớ thuật ngữ trừu tượng. Những con chữ đó không khỏa lấp được một nội tâm đang trở nên cằn cỗi của mình. Những lúc thế này là lúc mình thấy học thuật thật vô vị và dễ nhấn chìm người ta xuống. Mình vào TED để nghe các diễn giả kể chuyện, tình cờ tìm được bài nói chuyện của Connor – chàng trai đã về nhất The Amazing Race mùa 24. Năm 19 tuổi, cậu ấy bị phát hiện mắc ung thư. Thật kinh khủng khi con người ta phải tiệm cận với cái chết khi ở độ tuổi đó. Rồi cuộc đời cũng có những phép màu. Cậu vượt qua căn bệnh, cậu tiếp tục với môn thể thao đua xe đạp và giờ cậu ấy cùng với một người bạn đã phải chứng kiến từ khi còn nhỏ sự ra đi của người cha mình cũng vì bệnh ung thư mở một trang web, nơi tất cả mọi người có thể cùng chia sẻ những điều khiến chúng ta nghĩ cuộc sống này, được sống đấy đã là một điều tuyệt vời.
Câu chuyện thật không có gì mới mẻ quá. Nhưng đó là điều đến đúng lúc. Nó làm mình cảm động. Mình đã nghĩ đến việc sử dụng hình thức kể chuyện theo mô hình của TED để dạy học. Mình đã thử hình dung nếu được mời để nói chuyện, bản thân mình có câu chuyện gì để chia sẻ. Để ngươì ta nghĩ rằng: câu chuyện của mình cũng là một lý do để ta nghĩ mình cần phải sống.
Rồi mình nghĩ, mình chẳng có gì để kể.
3. Lúc nãy thôi, đọc trên facebook chia sẻ của một người bạn. Nội dung không thật rõ ràng nhưng mình nghĩ bạn đang phải đối diện với một việc quan trọng. Mình nhăn message cho bạn và biết rằng linh cảm của mình đã đúng. Mình không biết nói gì hơn ngoài việc nhắn bạn vài câu thật công thức: “Giữ sức khỏe nhé. Giờ là lúc mình phải mạnh mẽ, không thì tất cả chết chìm theo mình hết đấy. ” Chỉ thế thôi. Bạn bảo, bạn hiểu. Bạn đã chạy trốn cuộc sống đã lâu, giờ phải đối diện với thực tại, dù thực tại là cái gì đó thật mục nát. Mình bảo, mình cũng thế, dù mình chẳng bỏ đi đâu hết, mình vẫn ở đây thôi, nhưng suốt bao năm, mình không đủ can đảm đối diện với thực tại. Nhưng chẳng ai ẩn náu được mãi. Mình đã hình dung cái ngày mình cũng phải trực diện với tất cả những phép thử của đời sống. Đời sống, ít nhất, ai cũng có một lần cảm thấy hình như nó quá sức chịu đựng, nó không đáng để mình tiếp tục thì phaỉ. Cái ngày ấy, ta hoàn toàn đơn độc. Cùng lắm, ta chỉ nhận được từ người khác những lời động viên rất công thức. Như mình đã nói với bạn.
Thỉnh thoảng mình vẫn được bạn bè chia sẻ nhiều chuyện khó khăn, nhiều vấn đề phức tạp mà bạn gặp phải. Mấy năm trở lại đây, khi được chia sẻ như thế, mình luôn nói: tôi không có giải pháp gì cho bạn đâu, tôi không biết khuyên gì, tôi chỉ có thể lắng nghe. Một người bạn đã nói với tôi: vì thế, tao mới kể chuyện đó với mày, Tao không cần lời khuyên, tao chỉ cần được nói và được nghe. Những lúc đó, mình còn thấy cảm động hơn cả bạn nữa.
4. Hôm nay, tôi có bài đăng báo. Về Tô Hoài. Thú thực, nếu không vì cả nể, tôi đã không gửi bài viết ấy, vì Tô Hoài không phải là nhà văn tôi có sự chia sẻ nhiều về cảm xúc. Nhưng ông là nhà văn tôi đã đọc, có ít nhiều tìm hiểu. Tôi chỉ thực sự có động lực để viết về ông khi đọc được lời nhận định của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, rằng Tô Hoài là người khôn ngoan đến lọc lõi để cuối cùng vẫn cứ là chính ông ấy.
Thời tôi là sinh viên, tôi đã được nghe một hai giáo sư nói như thế về Tô Hoài, Nguyễn Khải, với một giọng điệu có chút mỉa mai nhẹ. Cha chú chúng ta đã phải sống một giai đoạn lịch sử nghiệt ngã, đến độ “giữ mình” trở thành phương châm sống cao nhất, người ta buộc phải trở nên khôn ngoan, khéo léo. Mà biểu hiện cao nhất của sự khôn ngoan, khéo léo ấy là biết sợ, biết sống vừa khuôn. Từ bao giờ, từ “khôn ngoan”, “khéo léo” đã trở thành những tính từ hàm ẩn chút tiêu cực: nó bao hàm cả sự giả dối một chút, sự tính toán nhiều nhiều… Người ta có thật sự hạnh phúc khi phải “khôn ngoan” như thế để mà tồn tại.
Tôi không nghĩ Tô Hoài hay Nguyễn Khải đến cuối đời cảm thấy mãn nguyện vì mình đã khôn ngoan để tránh được những phép thử tàn nhẫn của thời cuộc. Cái sự day dứt ấy ở họ, cái băn khoăn ấy ở họ trong những tác phẩm cuối đời làm tôi trân trọng họ. Bởi tôi biết, thời của sự khôn ngoan ấy chưa hết. Cái thời này, sự khôn ngoan, sự biết điều vẫn luôn là thái độ biết sống mà nhiều người lớn dạy bảo chúng tôi. Rằng những kẻ khôn ngoan đang đạt được nhiều thứ mà nhiều người trong xã hội này ham muốn. Một người thầy từng nói với tôi: mày thật quá, nghĩ gì cứ nói hết, thế thì chỉ thiệt thân, viết lách cũng phải biết giấu mình trong chữ nghĩa.
Tôi không có năng lực để trở nên khôn ngoan. Nhưng những lúc này, tôi cảm thấy thật may vì mình đọc văn. Văn chương không dành chỗ cho những sự khôn ngoan như thế, hay chí ít, nó luôn đòi hỏi sự thành thật đến độ người ta phải day dứt vì minh đã quá khôn ngoan. Chẳng phải ngẫu nhiên những biểu tượng bất hủ của văn chương lại là những kẻ gàn dở, những gã khờ, những kẻ thiểu số lạc lõng.
5. Nhưng văn chương hình như không bao giờ là tiếng nói của những người sợ hãi cuộc sống. Cuộc sống có thể đáng sợ nhưng niềm tin của con người cần phải mạnh hơn những nỗi sợ ấy. Tôi đọc được trên blog của Connor O’Leary câu nói đó. Một câu có vẻ rất trà sữa tâm hồn, rất sáo rỗng trong những hoàn cảnh nào đó. Nhưng vào lúc này, có thể đó cũng là một câu nói đến đúng lúc.
6. Chẳng biết nói gì thêm nữa. Vừa muốn bão đừng đến, vừa nghĩ nếu mai mưa lớn thì mình có thêm ngày nữa để nghỉ. Mùa hè của tôi, khác với nhiều đồng nghiệp ở khoa, thường kết thúc rất sớm. Mà tôi thì lại chưa muốn bắt đầu
Nguồn: https://www.facebook.com