Chú Đĩnh

Lê Hoàng Lân

Đấy là khi ở Cầu Giấy, mỗi lần thấy cửa sau kêu lạch xạch là bố nhắc mình ra mở cửa. Mình bảo sao chú không đi cửa trước, đi cửa sau khó đi chú à.

Chú biết, nhưng bao năm chú không được đi cửa chính nên giờ quen, từ hồi cơ quan ở Hàng Trống cơ.

Ở khu vực Cầu Giấy nhà chú và bố là người gần nhau nhất, nên mỗi khi xuống bố, mình hay gặp chú, nếu không có việc gì thì ngồi nghe chuyện chú cả ngày không chán, vui lắm.

Nhưng đôi khi chú có những chuyện buồn, mái tóc bạc phơ hơi trĩu xuống.

Chuyện nhà chú cả hai anh em đều “vất vả” chú và bác Trần Châu, rồi đôi vợ chồng: chú Phạm Viết, cô Lan, chú còn bảo anh em, vợ chồng chưa hết đâu, có cả bố con nữa đó.

Những trang viết của cuốn sách sau này mọi người hay nhắc đến, chú viết từ rất lâu rồi, hồi còn ở khu Văn công, vì thi thoảng mình thấy chú đọc cho bạn bè.

Chú có một nỗi buồn, chú không kể ra nhưng bạn bè ai cũng biết và câu nói “Tôi bất hiếu nhưng không thể bất trung” gắn liền với chú. Câu nói đó có khi chú không vào được Sài Gòn chịu tang cha.

Hình ảnh nhà báo Trần Đĩnh bơm xe ở phố Hàng Trống với cái biển “Cán bộ năm xu, nhân dân một hào” chắc là nỗi niềm day dứt của chú, mỗi khi kể về những năm làm báo trên rừng thời 9 năm, trông chú trẻ ra mấy tuổi, đôi mắt lấp lánh. Sau những giây phút như vậy, trông chú lại buồn hơn. Những năm sau này bố và các chú đi về trời xanh gần hết, chú vào Sài Gòn, mình không được gặp chú nữa, may quá gần đây được chú tặng bộ sách qua một người anh.

Hôm nay biết tin chú về với bạn bè, với bố ở nơi đó.

Tất cả lại có những câu chuyện của chú. Ngả nghiêng và mãi mãi, ngọn Đèn Cù không bao giờ tắt.

Chào chú Trần Đĩnh.

Nhớ chú nhiều.

Lân con.

13.5.2022

This image has an empty alt attribute; its file name is image-161.png

Ảnh: Trần Ðĩnh, 1998, Trần Ðộ chụp.

Comments are closed.