Chử Giang Và Tôi – Truyện ngắn Kinh Bắc

Truyện ngắn của Kinh Bắc

Tác giả gửi Văn Việt

16

Minh họa của Đỗ Trung Quân

Văn Việt: Tác giả Kinh Bắc họ Nguyễn, sinh năm 1949 tại Bắc Ninh, đã sống ở Sài Gòn trên 60 năm. Trước 1975 ông có tham gia một số sinh hoạt văn nghệ. Từ năm 1976, ông có viết truyện ngắn đăng báo nhưng sau đó đã không tiếp tục. Gần đây ông đã cầm bút trở lại, bởi sự khuyến khích của bạn bè.

Truyện Chử Giang và tôi thuộc tập bản thảo Roi thù đã mất, đang được tác giả viết lại.

Chử Giang là xứ đạo nghèo. Đây nguyên là một họ đạo di cư năm 1954 từ miền Bắc vào.

Từ giữa những năm năm mươi thế kỷ trước, khi tôi còn là một đứa bé lên bảy theo mẹ về làm dân “ngụ cư” ở Chử Giang, thì cái đất này đã có vẻ văn minh lắm rồi, tuy đa phần vẫn nhà gỗ lợp tôn hoặc lá. Cái tính “hiện đại” của nó được biểu thị bằng bốn dãy xưởng dệt, với hàng trăm máy dệt khung sắt chạy điện thay cho loại khung cửi gỗ đạp chân cổ lỗ sĩ, mà người dân xứ đạo này chở bằng tàu há mồm từ ngoài Bắc vào.

Ở Bắc, họ vốn là thợ dệt trong một làng nghề có truyền thống canh cửi lâu đời. Sau này vô miền Nam bà con vẫn làm thợ, nhưng không đứng máy của riêng mình hay gia đình như hồi còn ở quê nhà, mà là thợ dệt ăn công cho những chủ nhân của hơn 400 máy dệt sắt màu xanh, nguyên là hàng hóa được quy từ tiền bồi thường chiến tranh của chính phủ Nhật trả cho chính quyền miền Nam (dưới hình thức viện trợ?).

Điều nhập nhèm, bất công và thật phi lý ở đây là hàng hóa bồi thường này lại chỉ đến tay các tổ chức Thiên Chúa giáo để phân phối cho giáo dân, chứ toàn dân Việt Nam (miền Nam thời chính phủ Ngô Đình Diệm) không được hưởng tẹo nào.

Nhưng rồi trên thực tế, cuối cùng bầy chiên ngoan của Chúa cũng chẳng xơ múi được gì. Bởi bọn đại diện cho họ như đám cha cố hoặc những tay bẻm mép đứng chân trong Tổng ủy Di cư các cấp theo hệ thống từ trên xuống, đã phù phép biến công thành tư, hóa thành tài sản riêng của bọn họ.

Tất thảy số máy dệt ở Chử Giang này cũng thế, đều nằm trong tay năm bảy chức sắc đại diện tự phong nhanh chân lẹ tay đứng ra lãnh nhiệm vụ liên lạc với Tổng Ủy trong công cuộc đưa “trọn gói” cái xứ đạo sông Chử này vô Nam. Phải nói bọn họ rất giỏi, rất thông minh, biết chộp nắm đúng lúc thời cơ, đánh hơi ngay được mùi vị thơm tho của kim ngân, tài vật mà chính quyền ông Diệm cùng các nước hỗ trợ đổ ra để chăm lo cho hơn một triệu đồng bào Bắc Việt đang trên đường đi tìm “vùng đất hứa”. Trong đó, hai phần ba là dân Chúa.

Chử Giang là một xứ đạo nghèo? Vâng, đúng vậy. Tuy rằng có hơn bốn trăm máy dệt thuộc loại khá hiện đại (thời đó), rồi nhà xưởng, máy phát điện, xe tải lớn nhỏ chở tơ sợi, vải lụa thành phẩm… song người dân thường vẫn trắng tay. Tài sản của họ đong đếm được chỉ là tiền công đi dệt thuê.

Thế nhưng, mọi người đều hết sức vui vẻ, thoải mái sống và luôn cầu nguyện. Với bà con, “thoát khỏi Cộng Sản” và có cuộc sống yên ổn không phải cù bơ cù bất, nay nắng mai mưa, đã là một thắng lợi rồi. Một ân phước mà Chúa lòng lành đã ban xuống cho họ đạo Chử Giang.

Tuy nhiên nhìn từ ngoài vào, những ai không có đạo- những người “bên Lương”- sẽ thấy ngay cái “hình thức bầy đàn” của xứ đạo này; trong đó hỗn độn một đời sống u mê, tăm tối. Vào những năm nửa đầu thập niên năm mươi của thế kỷ hai mươi, mà còn nhiều bậc phụ huynh ở Chử Giang phải chịu phạt quỳ hoặc đánh roi bởi lỗi của con cái trốn không đi nhà thờ những ngày lễ trọng, hay vắng mặt ở những buổi học giáo lý buổi tối.

Tuy mới bảy tuổi đầu song cuộc sống, sinh hoạt của cộng đồng cùng những hình ảnh kinh kệ lễ bái của giáo dân đến giờ, sau hơn năm mươi năm, vẫn cứ hiện ra mồn một trong tôi như tất cả chỉ mới xảy ra ngày hôm qua, hôm kia đây thôi.

Một trong những hình ảnh đáng nhớ nhất, đồng thời cũng là điểm đặc biệt của giáo xứ Chử Giang, là một con người- một nhân vật đặc sắc: Cha già Cảnh.

Tôi không biết cha hồi ấy bao nhiêu tuổi, chỉ thấy tóc cha bạc trắng mà lại cúp theo cái kiểu rất lạ, trông cứ như miếng vải tám gấp vội úp lên đầu vậy. Cha hay mặc cái áo may ô trắng cộc tay, một cái quần pyjama màu xanh nhạt rộng thùng thình, cạp quần vận lên hai ba vòng xoắn lại nom giống như sợi dây chão dùng buộc tàu ở thương cảng Khánh Hội.

Cha thấp người, nhưng lại rất béo nên tướng đi của cha nom buồn cười. Nó cứ ỳ à ỳ ạch, lắc bên này vẹo bên kia như con ngan. Ấy vậy mà cha lại rất hay đi, cứ khệnh khạng, lạch bạch tha thẩn khắp làng vào nhà này một tí, thăm nhà kia một tẹo suốt buổi. Dĩ nhiên trừ giờ cha phải làm lễ ở nhà thờ, cũng như giờ nguyện của cha.

Nhà tôi ở gần nhà Xứ, nên hầu như ngày nào cũng được cha ghé vào. Đây là điểm khởi đầu của cái “lộ trình” thăm thú con chiên trong ngày của cha. Song phải mở ngoặc ở đây để nói-thêm-cho-rõ về sự “thăm” của cha. Có thể hiểu đấy chỉ là “ghé mắt” thôi, bởi cha có vào hẳn trong nhà và ngồi được phút nào đâu.

Cha đi gần đến thì lạng lên thềm nhà, bước chậm lại một chút rồi nghiêng đầu dòm qua cửa sổ hoặc cửa chính, hỏi rõ to: “Mẹ Thao đâu? Làm gì đấy?”. Xong, cha lại thản nhiên đi tiếp mà không cần nghe câu trả lời. Thao là tên ông anh trai tôi, năm ấy chín tuổi. Vẫn giữ theo tục ở quê xưa, người lớn trong làng xứ gọi nhau bằng tên con cả. Thí dụ như mẹ (thằng) Vinh, bố (con) Nhu thì kêu là bà Vinh, ông Nhu…

Cái kiểu “ghé đầu ghé mắt” dòm qua ấy, mười năm sau tôi bắt gặp lại ở thầy Vũ Hoàng Chương dạy tôi môn Việt văn năm đệ nhị. Thầy có thói quen rất lạ là đi ngang qua lớp học nào cũng dừng bước, nghiêng đầu dòm vào một cái rồi mới đi tiếp. Hồi đó tụi tôi kêu là ổng hay “nghía” vô lớp người ta.

Cùng với sự xuất hiện của cái bóng dáng béo tròn của cha già Cảnh, là câu hỏi “muôn thuở”. Hẳn cha thừa biết rằng mẹ tôi làm thợ dệt, đi dệt trên xưởng từ sáng sớm đến mười một mười hai giờ đêm mới về, ấy vậy mà cha cứ “mẹ Thao đâu?..”.

Còn tôi, thì thường vào quãng tám chín giờ sáng, hẳn đang ngồi học bài hay làm lụng việc gì đấy trong nhà, vội chạy ra cửa khoanh tay chào cha và nói: “Thưa cha, mẹ con đi dệt ạ”. Cha nheo mắt nhìn tôi rồi gật gù, lẩm bẩm: “Ừ, vất vả quá! Mà này, nhớ tối đi học giáo lý đấy, không được bỏ”.

Cái sự “vất vả quá” thì chắc cha nói về mẹ tôi, một người đà bà góa chồng phải làm việc quần quật ngày đêm để nuôi ba con nhỏ, mà đứa lớn nhất là anh tôi, mới có chín tuổi. Nhưng còn chuyện đi học giáo lý, thì chắc cha nhầm. Mà ngày nào cha cũng nhầm như thế (?!). Tôi đâu phải thằng bé Công giáo, tôi là người bên Lương (từ này ám chỉ đạo Phật), chỉ là dân ngụ cư ở cái làng đạo này mà thôi.

Cha già Cảnh cứ đi lẩn quẩn như thế hết nhà này sang nhà khác nhưng không nhà nào cha dừng đến một phút. Cha chỉ dòm hỏi bâng quơ vậy rồi cũng chẳng cần ai trả lời, lại lặng lẽ đi tiếp. Đặc cách chỉ có mấy nhà đôi khi cha vào ngồi một lúc, như nhà cố Hiển, nhà ông trùm Trứ hay bà quản Ba…

Cố Hiển có con trai làm linh mục, ngày cha Quang du học ở Pháp về cả xứ phải ra tận đường lộ nhựa cả cây số đón cha. Cờ xí trống kèn inh ỏi. Tôi ở trong đội nghi thức, cầm hai cây tre cật dài độ ba bốn tấc gõ vào nhau nghe lóc cóc ăn nhịp theo tiếng trống tiếng kèn đến đau cả tay, gọi là đánh trắc.

Từ khi lên Sài Gòn học cho đến tận giờ hơn năm mươi năm, tôi không một lần còn được nhìn thấy lại cái thứ nhạc cụ lạ lùng ấy. Ai đã sáng tạo ra nó, tại sao nó mất đi mà không được phổ biến rộng ra? Chả hiểu thế nào.

Những trước năm 1975, một thời ở Sài Gòn cứ đến khuya là được nghe tiếng gõ rao hủ tíu (gọi là hủ tíu gõ). Cái tiếng ấy gần giống âm thanh của trắc, có điều bộ tục tắc gõ hủ tíu ngắn hơn nhiều, chỉ độ một gang tay.

Ông trùm Trứ, vai trò như đại diện giáo dân song cũng là người cùng với thầy già phụ giúp cha chính trông coi mọi sinh hoạt hằng ngày và đặc biệt việc sống đạo và gìn giữ đức tin của giáo dân.

Còn bà quản Ba, thực sự đến giờ tôi cũng không biết rõ chức “quản” là làm cái gì, hình như là quản lý việc trật tự của bọn thiếu niên trong mỗi buổi lễ ở nhà thờ?

Bà quản Ba đi lễ lúc nào cũng cầm theo cái quạt giấy để vừa quạt mát vừa cốc đầu bọn trẻ. Mồm bà đọc kinh song hai con mắt luôn chăm chú vào mấy dãy ghế trên cùng của bọn trẻ con. Đứa nào ngủ gật hoặc thầm thì to nhỏ chia trí là bà đứng ngay dậy, vẫn vừa đi vừa lầm rầm “lạy cha chúng tôi ở trên trời nguyện danh cha cả sáng…”, nhưng khi đến gần kẻ tội đồ bà gập cái quạt rất nhanh rồi trở đuôi củng cho y một cú đau điếng.

Các nan quạt khi xếp lại, đằng đuôi của nó chồng lên nhau thành một cái cục gồ bằng tre nên cốc vào đầu đứa nào, hẳn là nó phải lập tức tỉnh ngủ hoặc câm ngay không còn mở miệng ra xí xô xí xào được nữa.

Đối với trẻ con nói chung hay tổ chức Thiếu nhi Thánh Thể thì bà quản Ba là biểu tượng quyền uy của Chúa trong cái nhà thờ ọp ẹp lợp tôn mà mỗi khi mưa to, người ta chỉ thấy mồm miệng các con chiên mấp máy như đang nhai cái gì, chứ không còn nghe được lời kinh họ đọc. Ngược lại những ngày nắng nóng, từ trên mái cứ như có lửa dội xuống, một thứ lửa của lò luyện ngục khiến cho ai đang thực hiện việc ngắm mười bốn đàng Thánh giá, đến bức ảnh thứ […….] cũng phải tưởng mình đang chịu đựng sự thương khó như Chúa Giêsu Kitô khi vác thánh giá trên đường lên núi Sọ.

Cái nhà thờ Chử Giang ấy có dáng vẻ như ở vào những năm đầu thời kỳ đạo Gia Tô mới truyền bá vào Việt Nam này, đến tận lúc cha già Cảnh về hưu nó vẫn chưa một lần được tu bổ, nâng cấp. Dù về sau, khi xây dựng nhà thờ mới bề thế như bây giờ, thì phần lớn kinh phí là từ số tiền cha tích góp để lại. Người trong họ đạo nói tại cha cầu toàn quá, cứ muốn chỉ làm một lần nhưng bền vững đến… thiên thu. Thế nên trong nhiệm kỳ của cha, việc để Chử Giang có một ngôi thánh đường tươm tất đã không thành.

Cái lộ trình “lòng vòng thăm đàn chiên dại” của cha chính thường sẽ kết thúc ở nhà ông Bồ Hịch để đánh cở tướng. Đây là một nhân vật trứ danh nữa của xứ đạo Chử Giang. Ông này cũng người bên Lương nhưng không hiểu sao lại có nhà nằm lọt trong phạm vi đất địa của giáo xứ.

Cái tên Bồ Hịch nghe người dân cố cựu kể với mẹ tôi, và mẹ tôi kể lại thì vào cái ngày đầu tiên khi ông Hịch đặt chân đến Chử Giang, ông quảy theo hai cái bồ to đùng, loại bồ của bọn khách (Tàu) đi bán dạo nhang đèn, song còn to hơn nhiều. Ông Hịch cao lớn, đậm người, dễ phải đến mét tám mà da lại đen xì như Mán, thế nên người ta đặt ngay cho ông cái tên “ông Hịch Bồ”. Bồ cũng có ý ám chỉ sự to lớn : to như cái bồ, trông (béo) cứ như cái bồ sứt cạp, đồng thời nghĩa đen nói đặc điểm khác lạ của ông Hịch là ở cái bồ. “Hịch Bồ, ông Hịch Bồ”… rồi chả hiểu về sau thế nào mà lại đổi ngược thành Bồ Hịch?!

Cái kiểu “thấy mặt đặt tên” này quả là sự nhạy bén về việc sử dụng từ vựng dân gian, lại hơi tếu. Nhưng đấy chỉ là căn cứ vào các sự vật bên ngoài mà gọi, chứ hai cái bồ ấy chứa đựng những gì thì tuyệt không ai biết.

Chỉ có tôi, thằng bé con lên bảy, rồi mãi ba năm sau khi bước vào trung học đệ nhất cấp mới biết được điều bí mật đó: Toàn là sách. Sách chữ Tàu. Một ít sách tiếng Việt thì là truyện Tàu dịch ra như Tam quốc, Đông Chu, Phong thần, Tiết Nhơn Quý, Địch Thanh chinh đông, chinh tây…

Tôi cũng nghe người lớn nói với nhau rằng Bồ Hịch ngày xưa là một cán bộ to của Việt Nam Quốc dân Đảng, từng sang tận bên Tàu hoạt động. Nhưng rồi không hiểu sao giờ ông ta lại làm cái anh bán tạp hóa và thỉnh thoảng nếu có ai nhờ, thì Bồ Hịch kiêm luôn vai trò thầy lang.

Ông bắt mạch kê toa chữa bệnh bằng thuốc Bắc, viết tên các vị thuốc toàn bằng chữ Tàu cả. Có người xin ông cái toa thuốc Nam cho rẻ tiền, Bồ Hịch lắc đầu: Đây chỉ biết mấy món Tàu, còn Nam thì chịu.

Bồ Hịch có lối nói chuyện, xưng hô khác người. Cứ cỡ ngoài năm mươi là ông kêu “cụ” , còn thanh niên dưới ba mươi cho đến đứa bé thò lò mũi, ai cũng “đằng ý” hết. Ví dụ ông ấy hỏi tôi: “Tớ có kẹo vịt đây, đằng ý ăn không?”. Thật là buồn cười.

Cha già Cảnh đến nhà Bồ Hịch chỉ để đánh cờ tướng. Lần nào cũng như lần nào, chưa vào tới cửa cha đã rống lên “Bồ Hịch đâu rồi?..”. Cha cứ ồm oàm thế, dù lúc đó ông Bồ có đang ngồi chình ình trước tủ hàng. Cái nghề bán hàng xén của ông ấy là phải ở nhà suốt ngày, thì còn đi đâu nữa.

-Đây. Tôi đây, thưa cha!

Cha là người mê cờ hiếm thấy. Ngày nào cũng phải ngồi cờ ít nhất một tiếng đồng hồ. Cờ cha tuy khá cao song không thể chọi với Bồ Hịch. Ở Chử Giang về cờ, cha Cảnh không có đối thủ. Nhưng so với Bồ Hịch, cha còn thấp nước lắm. Hầu như ngày nào hai người cũng chọi, nhưng tỉ lệ thường là một- ba. Bồ Hịch thắng ba ván thì cha chỉ được một.

Cái tỉ lệ sít sao đó cùng những bàn thua “trong gang tấc” của một ván cờ tàn, đôi khi chỉ bằng một con chốt lủi, khiến cha càng đánh càng hăng. Hình như cha mong đến một ngày đảo lộn được cái tỉ lệ đó: cha ba, Bồ Hịch một.

Cha không hề biết một điều rằng Bồ Hịch rất cao cờ, ông học từ bên Tàu, trong sách Tàu xưa chứ không phải mấy quyển tượng kỳ bí kíp này nọ biên soạn ấm ớ bán đầy đường phố Sài Gòn sau này.

Tôi là đứa hay chầu rìa xem các cụ đánh cờ, nên phần lớn các cuộc cờ  “khói lửa” của cha già Cảnh và Bồ Hịch đều có mặt tôi. Cái phong cách chơi cờ của cha có vẻ nặng ăn thua, cha nóng nảy và bộp chộp trong khi Bồ Hịch điềm đạm, tỉnh táo và rất kiên trì. Kiên trì vì cha hay nghĩ lâu, lại hay hồi. Nhưng dù phải chờ đợi bao lâu, hồi tới hồi lui kiểu gì Bồ Hịch cũng cứ thản nhiên, ung dung chờ và thỉnh thoảng còn vê râu cười tủm tỉm.

Đã chầu rìa lại hay máy miệng chỉ chỏ lung tung cả hai bên dù cờ tôi chỉ là loại cờ con. Lúc thì “cha đi con này này”; lúc lại “bác Hịch ơi, ghểnh sĩ lên”… Ông Bồ cứ tỉnh như không. Tôi có gào lên ông cũng mặc. Có lẽ ông còn thích nữa, vì ông là thầy dạy tôi món cờ. Những sự “máy miệng” của tôi có khi lại cho ông ấy thấy nước cờ của tôi thế nào, có tiến bộ không.

Song cha già Cảnh lại khác. Cha cáu lắm. Nhất là những lúc cha hớ nước, có thể mất quân hay sắp bị chiếu bí. Không ít lần cha mắng “Bá ngọ! Cái quân Giu đa này”. Tôi chẳng hiểu cái “quân Giu đa” nó là thứ quân gì, nhưng sau ông Bồ Hịch giải thích “cha bảo đằng ý là đứa phản bội đấy. Giu đa là môn đệ của Chúa Giê su nhưng về sau giao nộp chúa cho quân Phi Li Tinh để chúng đóng đinh Chúa”… Tôi cãi, nói tôi đâu có phản Chúa- tức là phản cha- vì tôi đâu có đạo, mà tôi cũng đâu phải là đệ tử của cha. Ông Bồ Hịch chỉ cười hề hề…

Ông Bồ là tay cao cờ đồng thời là kẻ giang hồ lịch lãm, nên tôi đồ rằng ông ấy muốn bỡn cha vì hai lẽ: Muốn cầm chân cha để hằng ngày hai người chọi cờ, chứ cả xứ có ai xứng tầm đâu; thứ nữa, ông Bồ bán tạp hóa suốt ngày ngồi vêu mặt ở cửa hàng, nên buồn chăng? Có bạn cờ, cũng như có bạn thơ bạn trà bạn rượu vậy thôi, cho khuây khỏa tâm hồn…

Ông dụ cha bằng ván cờ thắng sát nút, chọc giận cha bằng cú ăn quân rất không quân tử trong nghề chơi cờ tướng như bắt quân thì nhón quân của cha trước kèm lời “tạ” nhỏ nhẹ, êm ru: “Xin cha con xe!”, xong ông mới đặt cái quân ăn của mình vào vị trí quân xe của cha vừa bị chộp. Cái kiểu ăn này làm cha già cáu lắm, vì lúc cha kịp nhận ra nước cờ sai, sắp mất quân thì đã muộn, con xe đã nằm gọn trong tay Bồ Hịch. Chứ nếu ông Bồ cầm quân mình trước rồi đưa lên gõ vào đầu quân xe nạn nhân thì cha đã giữ chặt nó và kêu lên “ơ Hịch, cho mình hoãn nước này!”.

Cái luật hạ thủ bất hoàn nhiều lần khiến cha tức đến đỏ mặt tía tai. Thậm chí có lúc cha còn rủa “Bá ngọ!”.

Song, ngoài những lúc gay cấn cáu kỉnh vì cuộc cờ rơi vào thời điểm  “sống mái” như mất quân chủ lực xe, pháo, mã hoặc bị đe dọa chiếu bí… thì thường thời gian của một ván cờ nói chung diễn ra “rất có văn hóa”, và điểm xuyết trong đó có những câu chuyện mà bọn lỏi chúng tôi tuy chưa hiểu biết gì nhiều vẫn nghe không chán.

Ví như, sau một nước cờ, cha già Cảnh nhỏ nhẻ hỏi:

-Này, thế Hịch đã đi cả Trùng Khánh đấy à?

-Vâng thưa cha- ông Bồ Hịch cũng nhỏ nhẻ không kém, lời đáp như thì thào- Mà hồi ấy làm gì có xe, chỉ toàn đi bộ cả.

Cha nói như có vẻ buồn:

Mình thì chả được đi đâu. Ở Việt Yên, Bắc Giang hơn chục năm rồi về Nê cho đến ngày vào Nam.

Cha già Cảnh là linh mục Triều, sứ vụ của cha là chăn dắt con chiên ở xứ đạo, thì còn đi đâu. Đi đâu cũng do bề trên bổ nhiệm, mà cũng ở các xứ. Thế nhưng, hình như cha cũng có cái máu của kẻ muốn kinh lịch, nên những câu chuyện trên đường thiên lý, trong cuộc phong trần của một tay Việt quốc hết thời, vẫn gợi chút gì sôi nổi trong đầu óc một ông lão nhà tu có lẽ đã gần ở vào cái tuổi xấp xỉ xưa nay hiếm.

Những chuyện “đường rừng” vùng Sơn La, Mộc Châu, Cao Bằng rồi Hoàng Su Phì, Côn Minh, Vân Nam, Quảng Tây… có vẻ hấp dẫn cha vô cùng. Bồ Hịch có lần bảo tôi “cha Cảnh mà không đi tu, hẳn cụ sẽ là một nhà cách mạng gớm lắm đấy”.

Hồi đó tôi lên mười, nghe thế tôi cũng không hiểu gì; nhưng sau này thi thoảng trên bước đường lưu lạc, có lúc nhớ lại những năm tháng gần gũi cha, tôi cứ bâng khuâng ngẫm ngợi về câu nói của ông Bồ. Không biết có phải thực trong con người đạo hạnh ấy, còn có một kẻ muốn dấy lên những hành động chọc trời khuấy nước..?

***

Tôi mê đọc truyện Tàu và đọc rất nhiều là do ảnh hưởng từ các câu chuyện kể của Bồ Hịch. Năm 1960 lên Sài Gòn học tôi lại có duyên được ở gần nhà thằng Lộc ghẻ. Ông nội nó không biết làm gì mà lúc chết để lại mấy tủ sách dễ phải đến nghìn cuốn, trong đó có riêng một tủ lớn đầy truyện Tàu.

Ông nội thằng Lộc nhiều sách, biết cả chữ Nho, bố nó bảo thế. Nhưng lạ một điều là bố mẹ thằng Lộc lại hình như không biết chữ. Cả hai làm nghề đổ rác. Lối xóm không ai biết tên thật họ là gì, chỉ gọi rất đơn giản là ông/ bà đổ rác, thế thôi. Còn Lộc, tôi cũng không thấy nó đi học như những đứa trẻ khác mà chỉ suốt ngày lêu lổng đầu đường cuối ngõ, chơi dích hình, tạt lon, bắn cu li… đến tận chín mười giờ đêm còn rượt bắt cứu bồ chạy khắp cái chợ Phú Nhuận tối om om, ẩm ướt sình bùn.

Một lần tôi hỏi thằng Lộc “sao mày không đi học, rồi mai mốt làm cái gì?”, nó trả lời gọn bân, “thì tao đi đổ rác như cha tao đó”. Thật là một con người Hiện sinh!

Niên học 1959-1960, sau khi đi thi đệ thất (lớp 6) ở điểm trường Bồ Đề, ngồi xe ngựa chỗ kế phu xe kề đít con ngựa, bị nó ị một đống vào bàn chân và ăn thêm một cái tát của mẹ, tôi được vô học trường công.

Nói nghe đơn giản song giờ nghĩ lại vẫn còn thấy cái sự thi đậu vô trường Chu Văn An là một “sự kiện” lớn của đời tôi. Bởi vì nhà tôi quá nghèo, nếu năm đó mà hỏng thi thì tôi phải đi học nghề sửa xe đạp, do ông chủ xưởng dệt của mẹ tôi nhờ “có quen biết” nên sắp xếp cho tôi được vào học làm thợ. Tôi cũng không biết đó là trường dạy nghề, hay tiệm sửa xe có cho người học việc, bởi may đời là tôi thi đậu nên không tới mấy nơi đó làm chi nữa.

Ngày tôi chia tay xứ đạo Chử Giang lên Sài Gòn trọ học, tôi chạy đến nói với ông Bồ Hịch rằng sẽ đi học xa và sẽ ít gặp ông. Ông Bồ nói “tớ biết rồi, đằng ý thế là giỏi, phải cố mà học cho nên người”. Rồi ông bốc cho tôi một nắm kẹo vịt và dặn tối xin phép mẹ qua ngủ với ông một đêm, đề gọi là bác cháu chia tay.

Đêm ấy tôi và ông Bồ Hịch nằm trên cái phản gỗ nói chuyện, đúng hơn là ông kể chuyện này chuyện nọ cho tôi nghe. Chuyện cuộc đời ông, chuyện con người ở cái xứ đạo Chử Giang này những ai thế nào, tốt xấu ra sao…

Tôi nhớ hoài câu nói của ông vào lúc trời gần sáng, và tôi đã buồn ngủ lắm rồi: “Ở đây mình quý nhất là cụ Cảnh. Đấy là một cụ già phúc hậu, sống đạo đức và chân thật. Còn đằng ý là đứa trẻ mà mình thương yêu nhất…”

 

(Từ tập truyện ký Roi Thù)

Comments are closed.