Chữ nặng

Lê Minh Hà

-h…Viết, với Bùi Ngọc Tấn là chuyện viết lại, sống lại.

Người khuân RỪNG XƯA XANH LÁ từ Hải Phòng về cho bạn tôi gửi sang đây là Dương Tường. Ông không biết tôi. Dĩ nhiên. Còn tôi với ông, biết chứ. Chiều se sẽ hương – Vườn se sẽ sương – Đường se sẽ quạnh – Trời se sẽ lạnh – Người se sẽ buồn… Đấy, Dương Tường. Một thoáng rợn tên là heo may – Một hương cây tên là kỉ niệm – Một góc phố tên là hò hẹn – Một nỗi nhớ tên là không tên… Dương Tường. Mea Culpa – Dương Tường. Một cái danh, gắn với bao nhiêu tên sách, gắn với dịch thuật, hội họa, với tôi, trước hết là thơ. Dương Tường thơ.

Không có bạn ông, Bùi Ngọc Tấn, thế hệ chúng tôi sẽ không biết thơ ông sống bằng gì. Sự không biết ấy, vô tình, đến một lúc nào đó phải coi là tội lỗi.

Tôi không chuộng giai thoại văn học và rất ác cảm cái lối ăn đong theo đời nghệ sĩ của một vài cây bút mãi chẳng thể nào nhớ nổi tên. Nhưng RỪNG XƯA XANH LÁ không phải là giai thoại, VIẾT VỀ BÈ BẠN không phải là giai thoại. Cũng không phải là cuốn sách về chuyện đời chuyện nghề chứa ẩn những khái quát phát hiện về tác giả, tác phẩm, thi pháp, và…

Bùi Ngọc Tấn không hì hục với kĩ thuật, vật vã với trào lưu. Với một số tác giả, việc đặt được thêm một bước trên tiến trình hiện đại hóa văn chương là toàn bộ ý nghĩa của sáng tác khiến bạn đọc vui mừng. Với Bùi Ngọc Tấn, ý nghĩa của sự trở lại với chữ là nghĩa đời.

Nặng lắm. Bởi vì ông là nghệ sĩ, là người chịu cái kiếp phải bấm chân xuống đáy đời này mà bước. Nặng, vì ông là nghệ sĩ Việt Nam.

Trong nghĩa đó, viết với Bùi Ngọc Tấn là chuyện viết lại, sống lại. VIẾT VỀ BÈ BẠN là chuyện sống, và viết, một thời.

Từng có một thế hệ viết văn chui ở nước mình.

Nhem nhuốc. Nhọc nhằn. Thì phận viết thuê ở xứ nào, miền khí hậu nào, thể chế khỉ gió nào mà chẳng nhọc nhằn, nhem nhuốc. Không thế, khối kẻ tin là chữ sẽ khô, sẽ rỗng, lâm tử.

Thì viết, nhưng viết chỉ để được viết, viết chỉ để nhận chút nhuận bút tư nhân còm, làm sinh phần chữ cho những ai ai đã quyền, đã tiền, còn muốn cái tên mình để lại được một vết cào trên mặt đất thì đau đớn. Liệu thời ấy trên thế giới này còn có một đất nước nào nữa sinh ra được một thế hệ viết văn chui như nước Việt Nam mình?

Thì viết. Viết để nuôi hơi thở tàn cho mình, cho bố mẹ, cho vợ, cho con, cho bè bạn. Để nhìn nhau mà sống tiếp. Nghệ sĩ nuôi chữ bằng hai lá phổi rỗng hay một cái đầu điên thế giới này khối. Nhưng tôi chưa đọc thấy ở đâu trên thế giới này thời hiện đại chuyện nghệ sĩ bán máu, nghĩa đen. Bằng máu, họ nuôi gia đình, nuôi tình bạn, nuôi thân, nuôi những con chữ, nuôi tiếng cười, phụng dưỡng khao khát về cái Đẹp.

Hôm nay tao uống máu thằng Tường. Câu đùa xanh rờn của một người bạn của các ông có lẽ làm cho ai đọc tới cũng phải rùng mình. Tôi ứa nước mắt.

Vì khi ấy, chúng tôi bao lần dậm chân tại chỗ dậm tập nghi thức đội ở vườn hoa đối diện quán bia Cổ Tân nơi họ thường ngồi. Bao chiều, nơi ấy chúng tôi hát ve ve ve hè về vui vui vui hè về, và những bậc thang của Nhà Hát Lớn ngay bên cạnh gần như là con đường dẫn tới đỉnh cao mơ ước về cái đẹp của nghệ thuật chưa hề có trong ý thức của chúng tôi.

Trong CHUYỆN KỂ NĂM HAI NGÀN, Bùi Ngọc Tấn đã làm tôi bủn rủn vì tập hợp từ tù nhân ngoại trú, chụp bắt chính xác sắc diện những người chưa trải cảnh tù đày như ông. Hình ảnh phóng chiếu qua tập hợp từ đó thật khủng khiếp. Nó trở lại cùng VIẾT VỀ BÈ BẠN. Phải, bè bạn của ông, dù tù án cao su như ông hay vẫn lầm lũi đi về với phố với làng những ngày đó rút lại cũng là tù nhân ngoại trú, của đời sống cơ cực một thời. Cơ cực, giá chỉ vì chỉ vì chiến tranh, hay bao cấp! Cơ cực, vì họ là nghệ sĩ. Mà lại ở nước mình. Mà lại ở cái thời ấy.

Một thời tin tưởng

Một thời bay bổng

Một thời hạnh phúc

Và cả một thời nhảm nhí của chúng tôi nữa.

(trang 303 -Viết về bè bạn – Nhà xuất bản Hải Phòng- 2003)

Đọc họ, để biết xấu hổ và đau đớn

Chúng tôi sinh ra, phương trưởng chính vào những năm tháng ấy, mà thật ra chẳng biết gì về thời của các ông, nếu không có những cuốn sách như thế này. Tôi biết bóng lá khoảng phố nơi Dương Tường sống, nhưng tôi không biết ông đi về trên đó, vóc dáng cò rù, đảo chính thơ bằng những con âm. Tôi sống ở phố Lò Đúc một thời Hứa Văn Định, nhưng tôi không biết gì về ông ngoài một đôi bài báo độc đáo, và đã tưởng ông là một người viết trẻ độc sáng đôi sớm đôi chiều, không hề biết ông cũng viết lại, sống lại. Các ông cười được rồi về cái thời các ông có thể coi là nhảm nhí. Nhưng với ai ai, bên niềm tự hào vì đã sống chính trong thời ấy, lớn lên và đi qua thời ấy, rồi sẽ phải ngậm ngùi bởi cái thời mình cho là đẹp nhất đó có bao điều đáng xấu hổ. Vì trong đó, nghệ sĩ, lương tâm của thời đại nông nỗi thế vì những đày ải, vò xéo. Vì đọc họ mà không biết họ cưu mang đỡ mình và những cuộc đời khác đau khổ, khát khao. Vì họ, như lá, như nắng nhỏ, lầm lũi sống, song hành với cái đẹp và làm ra cái đẹp. Chẳng biết để làm gì. Nhưng thiếu thì cuộc đời này không đáng sống.

Bùi Ngọc Tấn viết về bè bạn mình. Tất cả là nghệ sĩ. Nhưng đằng sau cuộc đời họ, qua hồi ức của ông, qua lối viết hồn hậu bình thản của ông, ta thấy một thời, đời người.

Cảm như tiếng gào của những âm thanh im lặng khi đọc VIẾT VỀ BÈ BẠN. Đọc, không phải vì muốn có những thông tin rọi chiếu thêm vào tác giả và tác phẩm. Đọc, không phải vì tò mò chuyện bếp núc nghệ sĩ. Đọc, không phải để luyện nghề. Đây không phải là một cuốn sách làm ta dám đọc lại ngay vì những mục đích cụ thể xyz.

Đọc, để thấy mình dẫu tuổi tác rồi, dẫu lên bờ xuống ruộng bao phen rồi vẫn còn biết xấu hổ và đau đớn. Đọc, để được kinh ngạc, cảm động, và thán phục, và tin. Vào chữ, vào người.

2. 2. 2005

Comments are closed.