Chuẩn bị tâm tư cho thời buổi bấp bênh

Eric Weiner, The Atlantic, August 20, 2020

Trần Ngọc Cư dịch

An image of a flower and a coronavirus particle on top of a painting of the Stoics

GETTY / ARSH RAZIUDDIN / THE ATLANTIC

Các triết gia cổ đại có thể dạy chúng ta những gì về việc chấp nhận các điều chưa biết tới trong đời?

Đây là thời điểm của những câu hỏi không có câu trả lời. Liệu tôi có bị nhiễm coronavirus hay không? Khi nào có vắc xin? Tôi sẽ bị mất việc hay không? Bao giờ thì cuộc sống bình thường trở lại? Các chuyên gia có thể đưa ra những phỏng đoán hoặc ước tính cho một số câu đố này nhưng không có gì chắc chắn, và điều này có thể làm chúng ta phát điên lên được.

Con người sợ hãi sự bấp bênh, và sẽ tìm đủ mọi cách để tránh nó, thậm chí thà chọn một hậu quả xấu đã biết trước còn hơn chấp nhận một kết cục không biết trước nhưng có thể tốt hơn. Trong một nghiên cứu ở Anh, những người tham gia cuộc thí nghiệm đã trải qua sự căng thẳng lớn hơn khi họ có 50% khả năng bị điện giật so với việc họ chắc chắn bị điện giật 100%. Thiếu sức chịu đựng trước sự bấp bênh khiến mọi người có nguy cơ cao hơn về khả năng mắc các bệnh như trầm cảm và chứng rối loạn ám-ảnh-mất-tự-chế [obsessive-compulsive disorder hay OCD].

Chúng ta đinh ninh rằng sự bấp bênh luôn luôn là xấu và ngược lại, sự chắc chắn luôn luôn là tốt. Tuy nhiên, triết học cổ đại, cũng như một tập hợp bằng chứng khoa học ngày càng gia tăng, cho thấy ngược lại. Daniel Gilbert, giáo sư tâm lý học tại Harvard, cho biết: “Sự thiếu chắc chắn không nhất thiết gây khó khăn cho chúng ta, và ở hình thức thích đáng và số lượng phù hợp, nó thực sự là một lạc thú tuyệt vời”.

Chúng ta thích tham gia một số sinh hoạt nào đó – chẳng hạn như xem phim kinh dị hoặc đọc truyện thần bí – chính vì kết cuộc của chúng không được biết trước. Hoặc, giả sử bạn nhận được một bức thư từ một người ngưỡng mộ bí mật. Gilbert nói, chính cái bí ẩn về việc ai đó đã gửi nó mang lại "một dạng bấp bênh mà bạn sẽ thấy ngon lành và thú vị." Tuy nhiên, phần lớn chúng ta vẫn không để ý tới cái tình yêu của chính mình đối với sự bấp bênh dễ chịu – có thể gọi là lành tính – này. Gilbert và các đồng nghiệp của ông thấy rằng mặc dù sự thiếu chắc chắn về một sự kiện tích cực kéo dài niềm vui của mọi người, nhưng chúng ta thường tin rằng chúng ta sẽ hạnh phúc nhất khi mọi bấp bênh được loại bỏ.

Còn về loại bất ổn đen tối hơn, loại mà nhiều người trong chúng ta đang phải đối mặt hiện nay thì sao? Không những chúng ta phải chịu đựng bệnh tật nhanh chóng và mất công ăn việc làm do đại dịch gây ra, mà còn phải chịu đựng cái bản chất bất định của nó. Chúng ta không biết khi nào nó sẽ kết thúc. Có thể bạn đã nhận thấy rằng loại không chắc chắn này – hãy gọi nó là sự bấp bênh có hại – có xu hướng khiến tâm trạng con người trở nên tồi tệ hơn. Nhưng, một lần nữa, đây chỉ là một xu hướng, không phải là một kết luận đương nhiên. Chúng ta không nhất thiết phải đau khổ khi đối mặt với sự bấp bênh ác tính này. Chúng ta có một sự lựa chọn.

Theo kinh nghiệm của tôi, có hai cách để giải quyết “vấn đề” của điều chưa biết: bằng cách giảm lượng rủi ro mà mình cảm nhận được hoặc bằng cách tăng khả năng chịu đựng của chúng ta đối với sự bấp bênh. Hầu hết chúng ta gần như chỉ tập trung vào cái trước. Nhiều triết gia cho rằng đây là một sai lầm.

Các triết gia đã vật lộn với sự bấp bênh và vô thường ít nhất từ thời Hy Lạp cổ đại. Chủ nghĩa Khắc kỷ, một triết học phát triển mạnh vào Thế kỷ thứ ba trước Công nguyên ở Athens, đặc biệt rất thích hợp để giúp mọi người đối phó với sự bấp bênh trong đời. Và vì lý do chính đáng: các nhà Khắc kỷ đã sống trong thời đại cực kỳ bất ổn. Athens đã mất phần lớn nền độc lập của một thị quốc [city state], và cái chết của Đại đế Alexander vài năm trước đó đã để lại một khoảng trống quyền lực trong khu vực. Trật tự cũ đã sụp đổ và trật tự mới vẫn chưa thành hình để thay thế.

Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ tin rằng phần lớn cuộc sống nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn kiểm soát được những gì quan trọng nhất: các ý tưởng, các thôi thúc tâm lý, các khát vọng và các thứ thù ghét của chúng ta. Trạng thái tinh thần và cảm xúc của chúng ta. Câu nói “Thay đổi những gì bạn có thể, chấp nhận những gì bạn không thể” tóm tắt được tín điều của người Khắc kỷ. Họ cho rằng nếu bạn làm chủ được kỹ năng này, bạn sẽ là "bất khả chiến bại” [invincible]. Điều này không dễ dàng, những nhà Khắc kỷ thừa nhận, nhưng có thể làm được. Chấp nhận sự bấp bênh vốn có trong cuộc sống – đặc biệt là cuộc sống có đại dịch – tốt hơn là chiến đấu liên tục chống lại nó, thứ mà chúng ta nhất định phải thua, theo các triết gia Khắc kỷ.

Có một cảnh trong phim Lawrence of Arabia khi Lawrence, do Peter O’Toole thủ vai, bình tĩnh dập tắt một que diêm giữa ngón cái và ngón trỏ của mình. Một sĩ quan bạn ông tự mình làm thử, và anh đã rít lên trong cơn đau đớn.

"Mẹ kiếp, đau quá,” anh nói.

"Chắc chắn là nó rất đau," Lawrence trả lời.

"Vậy thì, ông có mẹo gì?"

“Bí quyết,” Lawrence nói, “là không để ý rằng nó đau.”

Câu trả lời của Lawrence là thuần túy Khắc kỷ. Chắc chắn, anh cảm thấy đau, nhưng nó vẫn là một cảm giác, một phản xạ. Nó không bao giờ di căn thành hoảng loạn. Lawrence không bận tâm đến cơn đau, theo nghĩa đen của từ này: Anh ấy không cho phép tâm trí mình tập trung và khuếch đại những gì cơ thể anh đã cảm thấy.

Tương tự như vậy, đại dịch đã cướp đi các điều kiện an sinh của cuộc đời chúng ta – đó là thực tế mà chúng ta không thể tránh khỏi. Nhưng tâm trí và phản ứng của chúng ta vẫn là của chúng ta.

Để thể hiện sức mạnh của tư duy, các nhà Khắc kỷ sử dụng phép ẩn dụ về một hình trụ lăn xuống đồi. Lực hấp dẫn đảm bảo hình trụ sẽ bắt đầu lăn, nhưng hình dạng của nó quyết định mức độ trơn tru và nhanh chóng của nó. Chúng ta không thể kiểm soát ngọn đồi hay trọng lực, nhưng chúng ta có thể kiểm soát hình dạng của hình trụ, trạng thái tâm trí của chúng ta.

Giả dụ bạn thấy mình, giống như nhiều bậc cha mẹ khác, làm việc tại nhà trong khi chăm sóc con nhỏ. Những dữ kiện đó tượng trưng cho ngọn đồi; chúng là bất động. Những gì bạn có thể di chuyển là thái độ của bạn. Đó cũng không cần phải là một sự thay đổi quá sâu sắc – tất cả chúng ta không thể là Mẹ Teresa – mà đó là một sự điều chỉnh lại thái độ rất tinh tế của mình, từ sự phản kháng đến ít nhất là một sự khoan dung, nếu không phải là sự chấp nhận hoàn toàn.

Khả năng chịu đựng sự bấp bênh có thể mang lại phần thưởng to lớn. Rốt cuộc, sự không chắc chắn thúc đẩy hành trình tìm kiếm kiến thức. Các nhà khoa học giỏi nhất biết điều này bằng trực giác, và sẵn sàng sống chung với những điều chưa biết khi họ thăm dò những biên cương mới. Nhà vật lý lý thuyết Richard Feynman nói: “Tôi không cần phải biết câu trả lời. Tôi không cảm thấy sợ hãi khi không biết mọi thứ, khi bị lạc vào một vũ trụ bí ẩn mà không có bất kỳ mục đích nào." Khả năng chịu đựng đối với sự bấp bênh và mơ hồ cũng liên quan đến tư duy sáng tạo to lớn hơn, như một số nghiên cứu đã phát hiện ra. Nhà thơ lãng mạn người Anh John Keats đã đưa ra thuật ngữ khả năng tiêu cực [negative capability] để mô tả một hiện tượng tương tự. Viết cho anh em của mình vào năm 1817, ông cho rằng các nhà văn có khả năng sáng tạo cao nhất khi “có khả năng ở trong những điều kiện bấp bênh, bí ẩn, nghi ngờ, mà không cảm thấy bức xúc trong nỗ lực theo đuổi sự thật và lý tính.”

Các nhà triết học Nhật Bản đi xa hơn một bước. Họ khuyên chúng ta không những chấp nhận sự bấp bênh của đời sống mà cả người anh em họ của nó là sự vô thường; hãy hân hoan chào đón nó. Yoshida Kenkō, một nhà sư thế kỷ 14, viết: “Điều quý giá nhất trong đời chính là sự vô thường của nó.”

Hãy xem xét hoa sakura hay anh đào Nhật Bản. Loài cây này nổi tiếng phù du. Chúng chỉ nở trong một hoặc hai tuần, và sau đó các cánh hoa biến mất. Các loài hoa khác – chẳng hạn như hoa mận – tồn tại lâu hơn đáng kể. Tại sao lại chịu thương chịu khó như vậy để vun đắp một thứ mong manh như hoa anh đào? Bởi vì “vẻ đẹp nằm trong tiến trình biến mất của chính nó,” Donald Richie nói trong cuốn sách “A Tractate on Japanese Aesthetics” [Luận về Mỹ học Nhật Bản]. Cuộc đời vốn phù du. Mọi thứ chúng ta biết đến và đem lòng yêu quí, một ngày nào đó sẽ không còn tồn tại, kể cả chính chúng ta. Đó là một điều chắc chắn trên đời. Hoa anh đào đáng yêu không phải bất chấp tính phù du của nó mà chính vì tính phù du đó. Điều này luôn luôn đúng. Đại dịch đã bắt ta đối diện với sự phù du của chính mình. Mặc dù yêu cầu ca tụng chân lý này trong hoàn cảnh thảm khốc như vậy có thể là quá đáng, nhưng chúng ta có thể học cách chịu đựng những điều chưa biết, và thậm chí có thể nhìn thoáng qua vẻ đẹp tiềm ẩn dưới những bấp bênh của cuộc đời.

Comments are closed.