Chửi mất gà

Tạp bút Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Văn Việt vừa nhận được e-mail của tác giả Ngộ Không Phí Ngọc Hùng:

“Kính quý anh chị trong Văn Việt,

Hôm nay tôi đọc được trong Văn Việt bài “Ngộ Không: Một chút dối già…” của T.Vấn viết về tôi.

Nay tôi xin gửi đến quý anh chị bài tạp bút Chửi mất gà.

Xin ghi lòng tạc dạ.

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng”.

Xin trân trọng gởi đến các bạn bài viết thú vị này.

VĂN VIỆT

clip_image002Buổi sáng làng Bùi Trên hiu hắt vớ vẩn với mây trắng, nắng vàng… hắt hiu. Vắng hẳn tiếng gà cúc cúc như mọi ngày. Ở khoẻn sân sát bên hàng rào, bà phó rèn ngồi chồm hổm như cóc nhảy, nhởn nha sàng gạo. Lâu lâu bà nhìn ra góc vườn chụm môi, đánh lưỡi như gọi mấy chị gà ấp bóng dưới luống cải giàn bầu.

Bên này hàng rào là cơ ngơi của ông Cửu, nghe đâu làm thông ngôn cho lính thợ mãi bên Tây. Ấy vậy mà ông vật lên được cái nhà ngói năm gian to đùng, chuồng rậm rịch lợn đàn, trâu nghé, ruộng thượng đẳng hạ điền. Nghe hơi nồi chõ vì có công sức với nhà nước bảo hộ, nên ông thửa được cái hàm cửu phẩm văn giai ngon ơ, xưa kia chạy được cái danh ôn này cũng hốc người ra chứ chẳng dễ xơi gì.

Vừa lúc bà Cửu chớm bước ra, vén miếng vải Tây điều, bà tay che mắt hấp háy nhòm đất trời khô queo, cây đứng im, lá chết đứng, ắt có cơn dông âm ỉ đâu đó. Vừa định quay vào vừa lúc bà láng giềng nhìn qua bắt gặp. Mà sắp có dông tố thật, từ nãy đến giờ bà chỉ đợi có bấy nhiêu. Bà phó rèn đây nức tiếng chanh chua, ngang ngược ở cái làng này. Thế nên bà đỏng đảnh mào đầu bằng câu chửi tự biên tự diễn dân dã, giọng bà uồm uồm, oàng oàng như phát ra từ cái chum lớn:

“… Mả bố đứa nào bắt gà của bà nhá… Mày bắt gà bà, mày băm, mày bổ, mày rỉa, mày rói, mày gói, mày dâng cho thằng trắng râu đầu bạc, nó sắp sửa ngồi bát bình hương nhà mày nó xơi nhá…”.

Còn ai trồng khoai đất này, thằng trắng râu đầu bạc nó sắp sửa ngồi bát bình hương là ông chứ ai. Đang nằm bẹp dí bên khay bàn đèn thuốc phiện, ông nghe không sót một tiếng. Khác với mọi bữa, lúc này ông đang vật vờ về một thời hoàng kim cùng ngẫm chuyện nhân gian. Nào là sống ở trên đời chả được mấy, chẳng ăn chẳng chơi, nửa đời cũng ra ma. Và ông tặc lưỡi một cái, mà đã ngập vào nơi chốn ấy, tương giao tri kỷ không ngoài khi buồn thuốc phiện, lúc vui cô đầu đến… nhức đầu.

Tối hồi hôm, ông ngủ cho béo mắt. Sáng nay dậy muộn. Ông nằm khểnh trên phản cạnh cửa sổ nghe bà hàng xóm mắng chó chửi mèo, quên tiệt mất từ sáng đên giờ chưa làm ngao nào cho ra hồn. Gối đầu trên cái gối mây yên vị đâu vào đó rồi tiện tay quơ cái dọc tẩu. Ông phồng má lấy hơi thổi phù phù vào cái đít dọc tẩu cho thông hơi thông điếu. Ông chậm rãi hơ cái nồi (cái diện) qua ngọn đèn dầu lạc cho vừa đủ nóng. Tiếp đến ông chấm một que tiêm từ cái hộp dẹt tròn nướng cho chín và vun cho tròn rồi nhét vào cái nồi… Hộp dẹt có dấu in hình nổi Bà Đầm Xoè với cái tít Công quản nha phiến Đông Dương mà ông cậy cục mua ở phố Khâm Thiên, tận Hà Nội.

Ngẫm chuyện nhân sinh qua ông sư già nghiện thuốc phiện với câu “phi yến thu lâm” là thuốc phiện thú lắm thì gia cang ông khá giả mới mua được Bà Đầm Xoè. Chứ thiên hạ sự ấy à, họ phải nạo sái ra mà hút. Ấy thế sái cũng phải nấu với rượu, lọc lại sái một, sái hai. Chả là mua thuốc lẻ theo đồng cân đựng trong vỏ hến cũng khẳm tiền nên được gọi là ngao chăng? Một ngao hay một đồng cân thuốc phiện được khoảng 16 đến 18 cữ nửa nước, nửa nhựa đen sền sệt. Chẳng thế cụ Tản Đà có câu thơ đi mua thuốc phiện trần ai khoai củ trong một ngày mưa:

Trời mưa, xắn ống cao quần

Hỏi cô bán thuốc nhà gần hay xa

Thân anh đã xác như vờ

Đồng cân xin chị cho già chớ non

Đang phi yến thu lâm đến đây với tiếng cái dọc tẩu rít lên như xé vải… ông nhóng tai nghe tiếng văng vẳng từ bên kia giậu duối giọng cheng chét như dao liếc trên đá:

“…Chém cha đứa nào bắt gà nhà bà. Chiều hôm qua, bà cho nó ăn nó hãy còn, sáng hôm nay bà gọi nó, nó hãy còn, mà bây giờ nó đã bị bắt mất. Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày, thì buông tha thả bỏ nó ra, cho nó về nhà bà. Nhược bằng mày chấp chiếm, thì bà đào mả thằng tam tứ đại nhà mày ra, bà khai quật bật săng thằng ngũ đại, lục đại nhà mày lên…”.

Nghe được câu mày muốn sống mà ở với chồng với con mày… vào lỗ tai ra lỗ miệng, ông buồn môi ngứa miệng: “Này, con vợ nhà thằng phó rèn nó nói gì bà lạ thế nhẩy”. Ý đồ ông xem chừng như “thằng phó rèn” vẫn còn sống nhăn, ông chả giậu đổ bìm leo đến nhà ấy sất.

Từ nãy đến giờ, mới bảnh mắt ra chả hiểu nếp tẻ gì, bà quay lại vặc ông như vặc thịt: “Ông bảo lạ là lạ thế nào. Thì cái con của nợ của ông đang nhiếc tôi chứ còn ai”. Ông nghe rát cả mặt: “Nhào, bà nói nghe thối inh, nghe điếc cả lỗ đít”. Bà quay ngoắt lại: “Ông muốn trêu ngươi phỏng?”. Trước khi bước ra, bà tiếp: “Thì bánh đúc bánh dày bày hàng ra cả đấy, đây đâu có nói ngoa”.

Ra ngoài, bà còn nói vọng vào: “Xời, ngữ ấy chừa ra, đừng có lăn tăn vào mà thối hoăng lên nhá”. Bà cũng đang tự hỏi chuyện đá thúng búng nia gì đây, đồ cái thứ gái goá ăn không ngồi rồi, ngứa trôn ngứa mồm mang mẹ con bà ra mà réo.

Mắt nhau nháu nhìn qua hàng rào, trong đầu bà Cửu lầng quầng:

“Giời ơi là giời, ông giời có mắt xuống đây mà xem, bỏ mẹ nó rồi, gặp bà thì cứ bỏ xác. Bà báo đời cho mày biết… Lạt mềm buộc chặt, để đấy rồi bà sẽ văm như văm cám, bà sẽ bằm nó ra như bằm chuối cho lợn ăn…”.

Trong khi bà Cửu chưa biết tung hê lời ăn tiếng nói sao cho mát mẻ, cho gọn gàng nền nếp, vừa lúc bà phó rèn đứng lên vén váy, gấu áo giắt dưới cái giải rút, hai tay vỗ đen đét vào nhau, chân nhún nhẩy. Bà ngoác mồm gào toáng lên, âm thanh chan chát như búa tạ đập xuống đe. Bây giờ bà phó rèn mới nhập hồn, nhập vía vào câu chửi ở làng quê ruộng vườn có từ xửa từ xưa:

“… Làng trên xóm dưới, bên ngược bên xuôi, tôi có con gà mái xám. Hôm qua tôi còn cho nó ăn, thế mà bây giờ nó bị mất. Ai bắt được thì cho tôi xin, nếu không trả thì tôi chửi cho mà nghe. Ấy… ấy…”.

Ông Cửu dòm qua song cửa, vừa lúc bà phó rèn ngúng nguẩy quẹt miệng và co cái đầu gối lên. Ông nhíu mày, miệng lầu nhầu: Giời ạ, ông giời có mắt xuống đây mà xem người ngợm… người ấy cứ đuỗn ra như con cá rô đực trông chán chết… Đột nhiên ông buồn, chỉ biết buồn không đâu. Tự nhiên ông nhớ, nhớ gì cũng chẳng hay. À! Ông nhớ ra rồi, chả là hồi nãy mẹ sề nhà ông riết róng “Thì bánh đúc bánh dày bày hàng ra cả đấy, đây đâu có nói ngoa”. Ấy là mẹ sề nhà ông (ở một vài thổ ngơi miền Bắc chồng gọi vợ gần gũi là mẹ sề hay… lợn sề) bóng gió chuyện bồ bịch của ông ấy mà… Mà các cụ ta ví von hay thật: Vì bồ bịch là hai nông cụ chứa lúa. Bồ đựng lúa, có đáy. Bịch cũng đựng lúa nhưng là tấm vỉ khoanh tròn, không đáy, vì lấy nền nhà làm đáy. Chịu các cụ thật, ông ngẫm nguội vậy.

Chợt nhớ tới người ấy tức cái con của nợ mà mẹ sề nhà ông vừa chì chiết ông. Được thể cái đầu đất ông đùn ra câu: Lợn vừa chứ. Thế là chuyện xưa, chuyện nay chui tọt vào đầu ông. Số là hồi ông mới ở bên Tây về. Về đến nhà, hôm trước hôm sau ông đảo mắt qua bên hàng giậu thưa và tự hỏi chồng chị là ai, nào ai hay biết. Và ông chả phải đợi lâu vì đợi đến ngày mai, dòm sang kẽ liếp là gặp ngay chị hàng xóm vừa mới goá chồng là anh phó rèn mới rõ… hay. Ông được thể lâm râm cơm chín tới, cải vồng non, gái một con, gà nhảy ổ, rồi ông râm ran cau phơi tái, gái đoạn tang, chim ra ràng, gà mái ghẹ. Tiếp, ông búng lưỡi tách một cái rằng các cụ ta dạy cấm sai bao giờ. Rằng cái thứ giềng tỏi xóm gừng ấy trông cũng ngon cơm ra phết. Tối về, ông vắt tay lên trán để cái đầu lêu bêu rằng gớm sao mà ngực căng thây lẩy, nổi phễnh lên như cái gáo dừa, thế mới rõ khổ ông. Và ông thở dài…

Ấy vậy mà sáng hôm sau bắt gặp chị phó đang vớt bèo bên cầu ao, váy vén lên tận bẹn, cặp đùi trắng như ngó cần, trông cứ rợn cả người lên ấy. Dẫu gì ông cũng từ mẫu quốc về, ông bước tới tính xí xô bông-dua… bông hoa cho nó Tây. Nghe tiếng chân ông đi đến, chị phó quay lại, mặt đang trắng nông nỗng, sau đỏ lựng dần. Đang lờ đờ như vịt chống gậy, vậy mà ngoắc một cái cắm đầu chạy te tái về nhà. Ông lững thững đi theo, tưởng chị phó đi đâu hoá ra đang lúi húi chổng mông cho lợn ăn. Buồn tay, và rất Tây, ông phát nhẹ mông ả đét một cái để… làm quen. Thấy chả nói năng gì, người ngợm hiền hậu thế đó. Và ông ngẫn ngẫn chống ba toong cũng lờ đờ như vịt chống gậy bỏ đi… Quay lại, ông bắt gặp con mắt có đuôi liếc xéo theo ông.

Bây giờ ông chỉ biết cười hích và…

Và ông vểnh tai nghe ngóng… cái con của nợ nhỏ nhẹ xưng… tôi là sắp kiếm chuyện đây. Y như rằng, bà phó như chờ đợi cái thời cơ này từ kiếp trước. Lúc này ấm ức giận hờn được bung ra như ngô rang. Bà chém to kho mặn:

“…Bố cái thằng chết đâm, cha cái thằng chết xỉa. Mày day tay mặt, mày đặt tay trái, nỡ ăn cắp của bà đây con gà, này bà bảo cho chúng mày biết: Con gà nó ở nhà bà, nó bị bắt trộm về nhà mày thì nó thành con cú, con cáo, con “thần đanh mỏ đỏ”, nó mổ mắt xé xác ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con cái nhà mày đấy. Ấy… ấy….

Mày ăn thịt con gà nhà bà thì mày ăn một miếng, chết một đứa, ăn hai miếng chết hai đứa, ăn ba miếng chết ba đứa và ăn cả con gà đó sẽ chết cả ổ nhà mày…”.

Ông nghĩ vụng, cái thằng chết đâm, cha cái thằng chết xỉa này là ông chứ ai. Ấy là chưa kể ăn ba miếng chết ba đứa ám chỉ tam đại đồng đường nhà ông chứ còn chó gì nữa. Ông thong thả day tay mặt, đặt tay trái khẽ nhấn nhấn chất dẻo như nhựa đường vừa đủ chặt vào cái nõ điếu, sau đó nhẹ nhàng châm lửa. Trong cái vắng tanh vắng ngắt của gian phòng, gần như ông nghe được cả tiếng riu riu của chất nhựa quánh gặp nóng. Trong cái giây lát yên ắng chờ đợi sắp gặp gỡ ả phù dung, ông thót bụng lấy hơi từ lục phủ ngũ tạng. Đưa cái đít dọc tẩu ngang cửa miệng, thông qua cái yết hầu nhấp nhô lồi lõm. Ông hít vào một chặp thật lâm ly quy phượng như lõ cả nõ điếu ra. Tiếng ống điếu rít lên “eng éc” như lợn kêu, mùi thơm ngào ngạt tỏa khắp nhà. Ông lờ đờ nhả ra từng ngụm khói giữa gian phòng không một bóng người. Trừ con thạch sùng đang đờ đẫn trên vách tường, cái màng cổ họng trăng trắng của nó đang phập phồng, hoá ra nó cũng đang hít hà chút hơi hám cơm thừa canh cặn của ông.

Bên kia, tiếng chửi bà phó nề vang vọng như kèn đồng của Tây báo hiệu thức dậy… tọ tè ti tọ tè ti… ti tọ ti tè mà ông nghe khi còn ở bên Tây là… một ngàn, ba mươi vạn thằng Tây, xách cái bị, đi ăn mày.

“…Bốn thằng cầm cờ xanh đứng đầu ngõ, ba thằng cờ đỏ đứng đầu làng, đưa đám tang cả nhà mày ra đồng làng chôn đấy. Mày có khôn hồn mang trả ngay con gà đó cho tao, kẻo không tao đào mồ quật mả cao tầng tổ khảo, cao tằng tố tỉ, thúc, bá, huynh, đệ, cô, dì, tỉ muội nhà mày đấy…”.

Nghe thủng cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỉ… ông lậu bậu cái con của nợ này chả biết khỉ gì sất câu họ hàng hang hốc của các cụ ta xưa làm quái gì có thúc,, huynh, đệ,,, tỉ, muội. Chuyện là khi ông còn bé tí, nghe già làng kể lại ở nhăm thổ ngơi đâu đó theo quy định thờ tổ tiên: Thứ dân chỉ được thờ nhất tổ (thờ ông nội), các quan thờ tam tổ, riêng vua thì thờ tới lục tổ. Bởi phép vua thua lệ làng, họ thờ tới cửu huyền thất tổ, Cửu huyền là chín thế hệ: cao, tằng, tổ, cha, mình, con, cháu chắt, chít. Thất tổ là bảy đời: cao, tằng, tổ, cao cao, tằng tằng, tổ tổ và cao tổ.

Bất giác ông nhăn mặt vì chả hiểu bà phó này hát hỏng giống kéo đàn cò, đàn gáo với bốn thằng cầm cờ xanh đứng đầu ngõ, ba thằng cờ đỏ đứng đầu làng là thể thống,… thống chế Pétain gì. Tiên nhân nhà nó chứ, cứ như hát cô đầu, cô điếc không bằng. Ông lại óc ách đến chuyện cũ. Dạo ấy chị hàng xóm đây cũng đẹp gái, đẹp nết ra phết chứ đâu có đanh đá cá cầy như bây giờ. Cứ theo ông thì dòm cũng ngồn ngộn gớm, cái yếm sồi rộng toang toác đựng hai quả bưởi to đùng, bắp đùi to bằng con cá trắm, đít chành bành như đít trâu…

Ông quay quắt bắt qua chuyện vợ nhà, chả hiểu gầy thầy cơm nên ăn thủng nồi trôi rế, người ngợm như cái đụn rơm. Ông lân la qua chuyện đánh chén ở ngoài đình, qua câu nói của cụ chánh tổng: “Các mẹ nhà ta đều giống miếng thịt ngan già luộc dối, đã hoi lại dai như chão”. Tiếp, cụ hỏi ông vậy chứ con gì càng già càng dai nhanh nhách như đỉa trâu. Hỏi rồi cụ thủng thỉnh cười và ấm ớ là… là… con vợ chứ còn ai. Của đáng tội, vợ ông chỉ có cái thói lèm bèm thôi. Vì vậy buồn tình, ông để đầu óc lởn vởn theo khói bếp lam chiều qua mái rạ, qua chuồng lợn. Ông mơ tưởng đến…, ông vỡ bọng cứt ra câu thâm nho của các cụ đồ xưa là thê… thê gì ấy nhẩy… Như thê bất như thiếp, thiếp bất như tì, tì bất như đạo, đạo như đạo bất đạo.

Bỗng ông co hai cái đầu gối củ lạc đến tận mang tai nghĩ đến thân phận đàn bà con gái, ông nghĩ dại đàn bà con gái thức được nửa đêm về tối, chứ ai thức nửa đêm về sáng. Nhưng cái giuộc gái goá lại là chuyện khác. Khác như thế nào thì ngay sáng hôm sau. Sau khi bắn ba-zô-ca ở phố quận về, người ông cứ phơn phớn bay bay như cờ đuôi nheo. Chả hiểu ma đưa lối quỷ dẫn đường thế quái nào, ông cứ nhè theo lối đi ngoằn ngoèo như vệt trâu đái và ngoẹo ngoặt lạc bu nó vào cửa chuồng lợn. Và nhòm thấy chị phó cũng lại đang lóng ngóng cho lợn ăn. Thế mới rõ khỉ, mà khỉ thật.

Khỉ một nỗi vì chị ta mặc váy. Phiền thật chứ đâu có rỗi hơi nói chơi. Vậy đấy. Vậy là ông đâm… ngứa mắt. Từ đằng sau ông tốc váy lên. Ông chả thấy gì ngoài thấy rõ… tổ con chuồn chuồn. Khi không ở góc chuồng lợn có tiếng con cộp cộp đực giục giã ì oạp, ì oạp gọi con cộp cộp cái. Thì như đã bảo, đúng là số ruồi. Và ông…ì oạp, ì oạp thế chó nào chả biết nữa mà chị phó nhà ta cứ cắn răng ôm khư khư cái nồi cám. Mồm miệng chả chịu hở môi cho một tiếng. Nói cho đúng ra, chỉ… ư… ư… thôi. Ấy vậy mà cái nồi cám lăn kềnh ra đất mới… hay chứ lị.

Lúc này chị phó mới bật văng ra khỏi miệng câu… “Lợn vừa chứ”.

Ông bụng bảo dạ làm gì mà hoắng lên vậy rồi huýt sáo bỏ đi… về nhà. Ông cho là tất cả mọi sự từ đẩu từ đâu là tại… con cộp cộp. Nhưng ông chẳng quên con mắt lá răm. Nhưng bố khỉ, lại để quên cái ba-toong. Thế mới hốc.

Giờ này, hốc… hay không chửa biết. Vườn rộng ao sâu, ông lắng nghe bà phó rèn réo cả họ hàng hang ổ nhà ông với cái điệu văn vẻ có tông, có tích, cứ thượng tổ, hạ tổ nhà ông đến tàn cây héo lá, mồ mả tổ tiên nhà ông cũng phải nhảy dựng đứng lên. Buồn buồn gãi khô búng ghét, ông chả biết làm gì hơn là nghe cho vui ấy mà:

“…Cha tiên nhân ông nội, ông ngoại, ông dại, ông khôn, đồng môn chi rễ nhà mày nhé. Mày gian tham đã ăn trộm, ăn cắp con gà nhà tao. Rồi ra, nhà chúng mày chết một đời cha, chết ba đời con, đẻ non, đẻ ngược, chân ra trước, đầu ra sau, đẻ sót nhau. Chết mau chết sớm, chết trẻ đẻ ngang nhé… nhé”.

Đẻ với đái, đến đây thì giời chẳng chịu đất, đất phải chịu giời, bà Cửu bàu bạu: “Ối giời cao đất dày ơi, đúng là giống mồm chó vó ngựa, cái con mẹ nạ dòng chết bầm chết tiệt này nó chửi đến… thằng cả nhà bà”. Giận bầm gan tím ruột đấy, nhưng bà lẹo đẹo vào nhà xách cơi trầu ra làm một miếng cho thấm giọng cái đã.

Bà ngồi bệt xuống bên hè, vừa têm trầu vừa hóng mắt chửi vọng qua bên kia:

“…Cha tiên nhân tam tứ đại đồng đường nhà mày, đồ quạ tha ma bắt, đồ ăn gian nói dối, dám đổi trắng thay đen, dám vu oan giá hoạ cho nhà bà. Bà truyền bảo ba hồn chí vía cho nhà mày biết: Quân điêu ngoa đi ngang về tắt, quen thói giăng hoa chim chuột, không chết treo chết chém thì cũng chết sông chết ngòi, chết đường chết sá, mưa sa gió dập đời mày. Ba vạn chín nghìn âm binh quen đựng điều đặt chuyện, cũng không cứu nổi cái tội mỏng môi hay hớt của m… à… y… m… à… y… đấy nhá! nhá!…”.

Nghe đến câu rủa đi ngang về tắt, quen thói giăng hoa chim chuột…, bà phó rèn mặt đỏ lên hừng hực như lò rèn bốc lửa. Lửa tam muội, tam toạng bốc lên, bà tay vung miệng chửi, chửi đơn, chửi kép, chửi trùm, chửi lợp. Bà chửi có gai, có ngạnh, cho thỏa chí bình sinh là dân đồng chua nước mặn nhưng cũng văn tế, văn vẻ như ai. Bà, mồm miệng nước đầy bọt, nước rãi dẻo quánh như nhựa sung, nhựa mít:

“…Con gà của tao nuôi bằng gạo, bằng thóc, vậy thằng cha nhà mày đã bắt con gà của tao. Nó là con gà, con qué, nó về nhà mày là con cú, con cáo, nó mổ gan lòi ruột đứa nào ăn miếng thịt gà nhà tao. Nó là thần đanh đỏ mỏ rút ruột rút gan nhà mày ra. Mày không thả gà nhà tao ra, tao đóng ghế chín tháng mười ngày, buổi sáng tao chửi, buổi chiều tao tế, buổi trưa tao hú, buổi tối tao nguyền. Tao rủa cho cây vàng lá, cho quả chột thui, cho thần trùng đến rút từng khúc ruột cha, ông, vợ, con nhà mày ra…”.

Chẳng đợi chín tháng mười ngày, bà khơi khơi vào nhà uống thấm giọng… Đến đây ông cắp nắp vợ, con nhà mày…, đúng là vợ dại cái mang. Số là ông chưa đến tuổi… ngũ… ngũ thập tri thiên mệnh, chưa gì vợ nhà đã nghe thằng cả xúi bẩy khuân cỗ quách vàng tâm đặt chình ình trước ban thờ để báo cô, báo hiếu. Riêng ông chả dại về chầu ông bà ông vải vội, trăm sự cứ ở chị Lợn vừa chứ mà ra. Ông thấy gần nhau cứ dễ như quạ vào chuồng lợn nên ông càng héo lánh đến chuồng lợn nhiều hơn và càng phải bắn ba-zô-ca… nhiều hơn nữa. Khỏe như vâm đâu chả thấy, mà cà cập với chị Lợn vừa chứ được mấy nả thì ông… tịt mít.

Thôi thì bệnh già như cây hết nhựa ấy thôi. Đèo bòng thêm nửa đêm nửa khuya cứ lục đục đi giải xoành xoạch, tim gan phồi phẻo ắt hẳn ấm ớ hội tề gì đây. Rồi lại nghe tiếng cóc nhái om thòm oàm oạp, oàm oạp mới điên người. Nói dại chứ nếu mắt có trắng dã, tay có bắt chuồn chuồn thì hai mẹ con thằng cả cứ trơ mắt chẫu nhìn nhau, của khôn người khó, nhà lại độc đinh neo người. Cớ sự này ông phải tính… May quá là may, mới ra giêng đây, bà lý cựu làng Bùi Dưới bắn tiếng với vợ ông về cô gái rượu của họ.

***

Bà Cửu đi vào săm soi ba cái đầu rau, rồi đi ra. Bà vén miếng vải Tây điều hong hanh mắt ngó quanh ngó quất. Bà đang lụi đụi một mình cái con giời đánh thánh đâm đâu rồi, ra đây bà chửi mục mả cho biết tay. Chẳng cần bà hàng xóm có mặt, bà lụng bụng: Thứ đàn bà con gái trốn chúa lộn chồng… Bà định băm bổ vào mặt nó tiếp: “Giời ạ! Vải thưa đâu che được mắt thánh…” thì khỉ gió căn răng gì đâu chả biết nữa, bỗng bà góp nhóp được câu hát dân gian đi guốc vào bụng cái con phải gió phải giăng này:

Giàu thì thịt cá cơm canh

Khó thì cơm rau đĩa muối lạy anh em đi lấy chồng

Hỡi anh chồng cũ tôi ơi

Anh có khôn thiêng thì xin anh trở dậy ăn xôi nghe kèn

(…)

Ngoài mồ cỏ đã lên xanh

Đã tròn ba năm tang chế lạy anh em đi lấy chồng

Hỡi anh chồng cũ tôi ơi

Anh có khôn thiêng thì xin anh đừng giận để em đi lấy chồng

Bà chợt nhớ ra thằng chồng nó nhẩy tót lên bàn thờ ngồi ăn xôi nghe kèn từ ngày nảo ngày nào. Lại nữa nó đâu là con gái trốn chúa lộn chồng mà là… gái goá. Nên bà bí rị chưa biết tính sao. Nằm trong này, ông rủa thầm cứ nheo nhéo điếc cả tai, có chuyện chửi mà… chửi cũng không xong thì còn nước mẹ gì nữa.

Và ông rị mọ tiếp…

Đất Nam Định của ông đây có hai làng sát nhau là làng Bùi Trên và làng Bùi Dưới. Chỉ khác một nhẽ làng Bùi dưới lại… ngọng líu ngọng lo. Nói ngọng cứ đá ngược lên tận mái ngói, đến quặn cả mồm miệng. Khốn khổ khốn nạn là họ lại nhè ngọng chữ Bù…i mới thành chuyện. Vì vậy gái làng dưới mới ế chỏng gọng ra, mới có chuyện trâu đi tìm cọc, gái làng duới cứ nhè trai làng trên mà gá nghĩa tào khang. Hương ước làng ghi rành rành, nói chả ai tin mới rõ khỉ.

Mà cô con gái rượu của bà lý cựu, ông biết thừa bứa lớn tuổi nhầng nhầng, còi cọc cơm cớm như mèo bị kiết lỵ. Người ngợm cứng như que củi. Ấy là khô chân gân mặt, các cụ ta xưa dạy đắt mấy cũng mua, như mua trâu mua lợn ấy mà. Chuyến trâu đi tìm cọc, ông không… đặt cọc cũng không xong. Nhưng chả biết thằng cả nhà ông có ưng hay không, theo ông chỉ cần vác cái ba-toong ghè cho một trận thì nói phải củ cải cũng nghe, vì ông biết thằng con ông sợ bố một phép.

Đụng đến cây gậy chống trời ông mới hỡi ơi, cũng chỉ vì quên cái ba-toong mà vợ nhà biết chuyện bánh đúc bánh dày. Đến ngữ này ông ớ ra các cụ nho ta thâm nho thật với bánh đúc bánh dày mặc dù ông chả hiểu quái gì sất. Trở về chuyện lấy vợ cho thằng cả, được cái thằng con ông như cái nơm chòm chọp úp xuống là cũng đâu vào đấy cả, nên chuyện xem mắt vợ cho thằng con cũng xong tất.

Xong thế nào được, bên kia bà phó rèn vừa bước ra. Bà hất hất cái đầu ra cái vẻ nghe ngóng động tĩnh. Làm như mình đang điên tiết đây, hai chân bà giẫm thình thịch xuống đất. Giận mất khôn, chả hiểu nghĩ sao, hai tay nắm gấu váy, bà phó rèn vén phứa lên như khoe của và há họng tung hê:

“…Tao hú ba hồn bảy vía thằng đàn ông, ba hồn chín vía con đàn bà bắt con gà nhà tao. Thằng đứng chiếu ngang, thằng sang chiếu dọc, thằng đọc văn tế, thằng bế cái hài, thằng nhai thủ lợn. Tao gọi ông cầm cờ xanh đứng đầu ngõ, ông cờ đỏ đứng sau nhà, ông cờ vàng dựa bên hữu, ông cờ trắng nghiêng bên tả, yểm cho nhà mày đẻ con ra thì ngược, sinh cháu ra thì ngang vì dám cả gan ăn con gà mái nhà tao…”.

Đập chát vào mắt ông là bà phó vén phứa váy lên… Bỏ mẹ… lại chình ình cái tổ con chuồn chuồn. Thề trước ngọn đèn… thuốc phiện nào ông có tội vạ gì, vì Ta khác Tây, bên trong Tây nó còn chút vải thừa bằng bàn tay để che mưa che nắng. Còn Ta thì… thì… vắng như chùa bà Đanh mới điên người. Thế mới nhảm!

Chẻ hoe trắng phớ ra trăm tội ở… cái váy cả.

***

Bà Cửu bên này không thể để con mẹ mồm loa mép dải này lên chân được nữa. Trên rừng có sơn lâm, dưới sông có hà bá, phải cho con mẹ này một mẻ, phải trị nó thẳng tay. Đúng là cái thứ xanh vỏ đỏ lòng, mới hôm nào đây lẻo mép nhà bác với nhà em. Nào là dạo này nhà em túng bấn lắm, đám Bùi Dưới ấy em chẳng nhờ vả được ai, trăm sự nhờ bác, nay vay rá gạo, mai mượn rổ khoai. Mà bây giờ giở mặt thớ lợ, nỏ mồm chua ngoa, độc mồm độc miệng thế không biết, hả giời.

Thế là ba máu sáu cơn bà nổi lên, một tay chống sườn, một tay vung vẩy. Bà bước tới bước lui, mỗi bước đi, ngón tay trỏ cong khoằm như mỏ vẹt, mổ đôm đốp sang bên kia xỉa xói. Như được thuê chửi đòi nợ chiều ba mươi tết với năm cùng tháng tận. Vì sợ chửi người vắng như mắng người chết nên bà ve vé mắt nhòm thăm chừng qua hàng giậu. Rồi bà lồng lộn, gân cổ như con gà chọi:

“…Cha đẻ mẹ thằng đàn ông, con đàn bà nào quen thói bán không mua chịu, quên vay đầy giả vơi, đẻ con có mồm nói điêu, có mắt mà nói mò như mày… Cha đẻ nhà chúng mày nhá… ”.

Vừa làm thêm ngao nữa. Cạnh cái bàn đèn là cái bình tích trà nóng. Ông khẽ cất đầu khỏi cái gối mây, nghiêng mình tu cái vòi một ngụm. Ông hãm khói thuốc từ nãy giờ mới nhả ra những mảng khói xanh mỏng tang như hương tàn khói lạnh. Ông lơ tơ mơ như cóc ngậm thuốc lào và lẫn đẫn đến ngày nào ấy. Ấy là cái ngày ông theo lối đi ngoằn ngoèo như vệt trâu đái. Không gặp trâu lại gặp… Lợn vừa chứ.

Khẽ trở mình cho đỡ ê ẩm… Ông bâng khuâng, bâng quơ…

Mới vung tít mẹt được nhăm câu, bà Cửu đã mệt đứ đừ, mặt tái dại như dây khoai kiệt nước. Bà ngừng một chốc, và thở dốc. Bà phó nề cũng chẳng hơn gì, đến phiên mình, một tay vừa mệt mỏi vung lên nửa chừng, cái yếm khi không lỏng… dây, tuột xuống phơi bày cái rốn lồi bằng quả sung. Cờm rớm để lộ cặp vú như hai quả mướp già đầy gân xanh, gân đỏ. Bà phó nề cắt ngang xẻ dọc đứt quãng, rời rạc:

“… Hôm nay tao chửi một, ngày mai tao chửi hai, tao chửi cho chúng mày hoá điên hoá cuồng, tao rủa suốt tháng liên miên không ngừng, năm này qua năm nọ. Bây giờ tao mệt quá rồi, tao vào lo cơm nước, muốn sống thì phải thả gà tao ra, lạy tao hai lạy, tao tha cho mày. Nếu không, ngày mai tao tế sống chúng mày cho mà biết, chúng mày hãy vén màng tai, gài mái tóc, chặt hàng rào cho thấp mà nghe tao chửi: Bớ con nào bắt gà nhà tao thì đẻ con không có lỗ đít. Bớ…”.

Ông đang bâng khuâng, bâng quơ… thì va vào mặt ông là hai bầu vú xẹp lép. Bất giác ông tặc lưỡi một cái như tiếc nuối… Mặt trời ngả ngang con sào, cuộc đối đáp khi chậm, khi nhanh, lúc ngừng, lúc nghỉ, lên cao, xuống thấp.đến giờ ngọ lúc nào chả hay, bà càu nhàu giọng rè đặc: “Bây giờ tao mệt quá rồi, tao vào lo cơm nước”.

Bà Cửu đang trắng mắt toèn nhoèn ra nghe thì… Thì ngay khi ấy, có tiếng gà gáy te te giữa trưa, bà nhớ lại lời chồng bà nói là con gà biết những cái người không biết. Như gà biết gáy giờ tí, giờ dậu, gáy ròn rã là nắng, khào khào là mưa. Người chỉ biết sau con gà là gáy giờ ngọ, thế nào trong làng cũng có đàn bà… chửa hoang. Làm như bà vỡ nhẽ ra… ngọ gần với… Bà chợt nhớ ra bà hàng xóm kia tên Dần. Thế là bà gân cổ lên… dần cho con đĩ rạc một trận. Báo đời cho con đĩ này biết tay bà. Bà lộn mề ứa gan, bà chửi vỡ làng vỡ nước, bà tế sống nhà chúng nó:

“…Có là… là… hùm, là hổ thì cũng chui từ cái lỗ kín của đàn bà mà ra. Từ ông ba mươi đến con thối thây, thối xác cũng chẳng thoát được cái lỗ rò ấy. Đời con đời cháu nhà mày cũng ở cái giống ấy mà chui ra. Này, bà báo đời cho mày biết nhá, con đĩ gầy, đĩ rạc, con đĩ chửa hoang…”.

Nghe đến chửa hoang, ông giật thót người vì thằng con ông lửa gần rơm cũng có ngày… thì khốn… Đảo qua tít lại, ông đẩy đưa tới chiều hôm qua thằng cả áo dài ba-ga, quần trúc bâu, ắt hẳn lại thậm thụt xuống làng Bùi Dưới điếu đóm như mấy chuyến trước, lúc rổ na, khi quả mít. Ông biết tỏng cái thằng say gái này đang bám ả như cua cắp. Con giống cha nhà có phúc, phúc đâu chả thấy… Mà mẹ bố nó chứ, chứ trứng đòi khôn hơn rận, đến bố mày đây còn sém chết nữa là…

Là đến đây, Lợn vừa chứ mặt không còn nhởn nhơ với con mắt lá răm như xưa kia nữa mà thộn mặt ra, vẩu môi chửi đổng… Ông không muốn nghe nhưng nó cứ chui vào tai ông với tiếng đực tiếng cái nào là hết đồ ăn cháo đá bát tới cái thứ đàn ông qua sông dí bòi vào sóng kia nọ. Hoá ra Lợn vừa chứ không chửi vì mất gà mà nhè ông mà chửi… Rõ ra bao nhiêu vốn liếng chửi bới của các cụ vừa tiêu pha hết nhẵn rồi nên Lợn vừa chứ mới chửi đổng một mình như vậy Thế nhưng không, Lợn vừa chứ dóng mỏ chửi lại từ đầu mới rõ cơ khổ ông cơ chứ:

“…Thằng đứng chiếu ngang, thằng sang chiếu dọc, thằng đọc văn tế, thằng bế cái hài, thằng nhai thủ lợn. Con gà nó ở nhà tao nó là con gà, nó sang nhà mày nó là thần đanh đỏ mỏ….

Vừa gãi khô búng ghét ông vừa thông điếu, thông manh ra rằng bấy lâu nay ông chả hiểu quái gì về đàn bà, con gái cho mấy… Khi không ông mặt mũi héo don đúng là chó dại từng mùa người dại quanh năm… Mà chả ai dại gái như thằng con ông, mới chiều hôm qua đây, nó vừa hỗn láo với ông chuyện cứ dấm dúi thậm thụt xuống làng Bùi dưới thế nào cũng có ngày… thì nó cung cúc lỉnh ra đầu ngõ. Dòm từ xa, nó lum khum phía đằng trước như giấu giếm gì đó. Với mắt quáng gà của ông thì dường như hai tay nó ôm khư khư… cái bu gà thì phải. Khỉ thật, chẻ tre không bằng ve gái, ai lại thằng cả nhà ông đi ve gái với con gà cơ chứ. À mà dám thằng ôn vật nhà ông nhúm chị… gà mái xám hàng xóm lắm ạ. Ai biết đó là đâu. Ông thốn người lại…

Vừa lúc Lợn vừa chứ đang sửa soạn đi vào. Bỗng quay lại tung tóe:

“…Cha năm đời mười đứa nào bắt gà của bà thì thò mặt ra nghe bà chửi thêm nhé! Mày bắt gà, mày vặt lông, mày luộc, mày nấu, mày nướng. Cho vợ, cho chồng, cho con, cho cái, khu khi khú khí với nhau nhá! Mày có khôn hồn thì trả ngay cho bà, nếu không ngày rằm, ngày một bà trồng cây chuối ngược, bà…”.

Trước khi cun cút vào nhà, Lợn vừa chứ đong đảy bà chửi thêm nhé… Lạ một nhẽ, Lợn vừa chứ lại chửi… cả lò nhà ông mới đau:

“… Mày bắt con gà của bà… bà chửi mày: Cho trốc mồ lật mả, cho quạ nó tha, cho gà nó mổ, cho chết sông chết chợ, chết vợ chết chồng, chết cả tông năm đời, mười đời nhà mày nhá… nhá…”.

Rồi thì Lợn vừa chứ đi cùn cụt vào nhà mất hút.

Nằm không hoá rồ, buồn tình ông tắp lự: Chỉ vì con gà con kê thôi mà con mẹ này mới sáng sớm đã đào mồ đào mổ nhà người ta lên với bà đào mả thằng tam tứ đại nhà mày ra, bà khai quật bật săng thằng ngũ đại, lục đại nhà mày lên. Đến trưa ngả sang chiều thì vắt qua cho trốc mồ lật mả… ả tông năm đời, mười đời nhà… người ta. Nó đâu có hay các cụ ta xưa cứ đất lề quê thói với nhất mệnh, nhì vận, tam âm công, tứ phong thổ, ý các cụ là số phận con người ta ăn thua vào mồ mả, có phúc có phần mấy ai lo cho mình được một sinh phần. Bởi vậy các cụ còn dặn dò thêm cho chắc dạ “sống về mồ mả, không ai sống về cả bát cơm”. Vậy mà nó láo thế. Kệch đến già, ông chả dây với con trời đánh thánh đâm này nữa.

Ông thề trước bóng đèn hột vịt là như thế!

***

Đất trời lặng ngắt như tờ, vắng lặng đến nhạt thếch người, còn lại chỉ là tiếng rì rào của cỏ cây. Ở trong này, ông cảm thấy trống vắng đến dớ dẩn. Bỗng câu chửi mày bắt gà, mày vặt lông, mày luộc… như mời gọi đâu đây… Rồi đến câu chết sông chết chợ, chết vợ chết chồng… Buồn tình ông ghếch đầu đảo qua cỗ hậu sự lù lù trước bàn thờ, ông sợ phát khiếp. Bèn ngước mắt lên bàn thờ: Bu nó ơi, ông như nhìn thấy ông đang ngồi… ngồi nấp sau bát nhang, và thấp thỏm nhìn trộm… con gà khỏa thân.

Nói cho ngay vì nhè ở cái tuổi chín tầng mây, mười tầng trời nên ông tiêu pha thì giờ bằng cách nghe chửi từ sáng đến giờ là vậy. Nói cho cùng ông nghiện nghe chửi như… nghiện thuốc phiện vậy thôi. Ông chỉ sợ mai này chả được nghe chửi nữa cho qua ngày đoạn tháng thì… tiên nhân nó chứ, càng ngày càng già đi.

Thế nên ông cần có một cái gì đấy để…

Ông tặc lưỡi một cái, thấp thỏm nhìn trộm… con gà khỏa thân. Ông bâng khuâng, bâng quơ… Mai này theo vết đái trâu ngoằn ngoèo, ông lạc bu nó vào chuồng lợn, không phải ông đi tìm con cộp cộp đực giục giã ì oạp, ì oạp gọi con cộp cộp cái.

Mà ông đi tìm cái con để ông túm tó là con gà mái tơ.

Để mai kia lại được nghe Chửi mất gà.

Trúc Gia Trang – Lập hạ, Bính Tuất 2006

Comments are closed.