Chuyện đời tôi (kỳ 13)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

Bách nhật tại tù”

Hôm chúng tôi “nhập khám”, tên phụ trách khám là một Trung sĩ già. Hắn vào nhận tù mới. Nghe “Việt cộng”, hắn vừa chửi vừa cầm ba ton đánh anh em tôi. Tội nghiệp anh Bảy Xuân nai lưng đỡ đòn nhiều nhất, ba đứa tôi mỗi đứa chỉ một gậy. Vừa đánh, hắn vừa chửi “Choi-me Việt cộng”, mà không hiểu vì sao? Khám tuy lợp tole, nhưng núp dưới tán cây còng nên không đến nỗi nóng bức.

“Chuồng bò” là khám tạm, giam tù chưa có án. Trong khám có mươi người, toàn người Việt, chỉ có một tên là Khơ-me Đỏ và một tên Khơ-me Khăn trắng. Nhưng thái độ tên Khơ-me đỏ người Takeo, rất hậm hực, ngược với tên Khăn trắng có thiện cảm với người Việt, vì hắn sanh ra ở Trà Vinh. Đồng chí Cỏn, giao liên trạm T-204, tưởng chết trong một trận bị phục kích ở kinh Vĩnh Tế nên ở nhà đã làm lễ truy điệu, là người tù lâu nhất ở đây. Nhưng hỏi năm tháng thì đồng chí không nhớ, bởi đồng chí mắc bệnh “đao” nhưng hơi nhẹ. Chúng hỏi cung, đồng chí khai lung tung, chúng đánh một trận đòn gần chết, rồi chúng kết luận là người đãng trí nên “nuôi ở tù”.

Trông chờ được áp giải lên Phnom Penh mỏi mòn. Bạn tù toàn là người Việt, ngoại trừ tên “Khơ-me đỏ” và tên “Khơ-me Khăn trắng” cũng là tướng cướp, từng xổng tù, bị bắt lại lần hai, theo như hắn thú nhận với tôi. Thương cho chú Năm, chú Hai ở xã Vĩnh Hội Đông (An Phú) và các con cùng lối xóm, bốn người đi nôm cá qua đất Campuchia mà bị bắt giam ở đây trước chúng tôi. Minh, con rể dì Tư mà tôi sẽ nhờ tới là dân Việt kiều làm ăn thiếu thuế hay sao đó bị nhốt trước chúng tôi, cùng hai người thanh niên miền Bắc di cư 1954 vượt biên nói là trốn lính. Chúng tôi nói chuyện khào với nhau giết thời gian, cũng đỡ buồn. Chỉ có bốn anh em tôi bị còng, không đi lại được, nhờ Cỏn phục vụ cho chuyện vặt trong đêm. Nhìn con gà mái của tên sếp khám mới lót ổ khi chúng tôi vào, gà con nở ra và lớn dần lên theo ngày tháng như thấy “bề dày” của nỗi buồn mất tự do. Có đêm mơ nhớ nhà, nhớ cơ quan và không hiểu sao lại có cả nhớ Minh và cái buổi sáng mà tôi thấy Minh thành thiếu nữ cách đây mấy tháng và lời chị Tám Thủy nói trước khi tôi lên đường mấy tuần lễ… Đúng là rạo rực và bực bội như… tù muốn xổ lồng!

Hàng ngày, tôi đi lãnh cơm bên khám lớn, gặp và làm quen với một tên tù làm y tá cho nhà lao. Hắn tên là Hăngsarết, nói tiếng Việt như người Việt, nhận kết nghĩa anh em với tôi. Tôi thấy hắn có ý đồ nhưng tôi cứ tranh thủ để xin thuốc Nivaquine (trị sốt rét) cho đồng chí Hữu. Cơm lãnh nhiều, nhưng tên sếp khám không cho ăn no. Hắn nói, hắn lo tiền để lãnh nhiều cơm về cho heo ăn. Chúng tôi phải nhường cho heo và thay nhau hằng ngày đến nhà rửa chuồng heo cho hắn. Mà cơm tù, khỏi nói cũng biết nó tệ như thế nào, và tên sếp khám lại không cho rửa cặp thùng thiếc gánh cơm, để thiệt dơ cho tù gớm mà không ăn vét thùng, dư dành cho heo. Nghe đâu chế độ ăn của tù mỗi ngày là 5 Ria/người, nhưng ăn chưa đến 1 Ria, vì nhà thầu và tên xếp khám chận ăn bớt. Một hôm, tên Hăngsarết rủ tôi đổi nhẫn kỷ niệm. Má tôi có làm cho tôi chiếc nhẫn vàng 18, đâu một chỉ hay 5 phân mà tôi cũng không rành lắm, để đeo phòng thân. Nhẫn của hắn là Inox, hắn nhiệt tình đến mức không thể từ chối, vả lại tôi muốn “nhờ cậy” hắn chuyện thuốc men “lâu dài”. Tôi đồng ý với điều kiện cho tôi thêm 10 viên Nivaquin và 5 Ria. Hắn đồng ý. Thuốc đưa cho đồng chí Hữu, còn tiền tôi kẹp với cái thư tôi viết trên vỏ bao xi-măng gởi về Tỉnh ủy để báo cáo lại tình hình và nhất là “danh sách” mà tôi dại dột có “sáng kiến” khai khác với tên đang dùng với chúng, để ở nhà biết mà lo liệu cho chúng tôi. Đồng thời, tôi cũng báo cáo đồng chí Cỏn còn sống và bị giam ở đây từ lâu rồi để có lãnh chung một lượt. Tôi nhờ dì Tư, má vợ của Minh, có bà con với chú Mười Bình, Phó Ban Biên giới mang về cho chú. Tôi dặn dì lấy tiền mua thuốc hút 3 Ria. Ngụ ý còn 2 Ria, nếu bà trở lại đưa thuốc và tiền thối, bà nhiệt tình thật và bà đã làm đúng vậy, tôi yên tâm và tin chắc thư sẽ tới tay chú Mười và tới Tỉnh ủy, bởi tôi hết hy vọng được gặp Đại sứ của mình, vì chúng không nói năng gì đến và mấy lần tôi tính vượt khám mà anh Bảy Xuân không đồng tình. Ngay cả khi tôi viết thư, anh cũng không tán thành. Tôi viết và ký tên anh mà không cho anh biết. Thấy mọi đề xuất của mình không được anh Bảy chấp nhận, tôi thật thối chí nhưng vẫn đề xuất: “Tôi sẽ chọn cho mỗi người một cây còng thật rộng, nếu khi nào thấy hình Sihanouk bị hạ xuống là rút chân ra mà chạy”, bởi tôi nhận định: Chỉ có Mỹ mới tổ chức lật đổ Sihanouk. Bốn anh em tôi chỉ có Hoàng Việt là đoàn viên, mới 16 tuổi. Còn ba người đủ điều kiện lập Chi bộ. Ngay từ đầu, Hữu có đề xuất, tôi nói chắc không lâu, nên thôi. Thật tình, nếu lập Chi bộ, anh Bảy Xuân phải là Bí thư, nhưng sau trận đụng giặc và qua thái độ anh ứng xử từ lúc xuồng chìm cho đến dài sau này, tôi không muốn lập Chi bộ vì sợ bị anh ràng buộc phi lý mà mình không chấp hành thì là vấn đề kỷ luật. Sau này, khi về Ban Tổ chức Tỉnh ủy kiểm thảo, ông Hai Hạp, Phó ban cật vấn, tôi cũng chỉ nói lý do: “Tưởng mau về”. Chớ ý thật thì giấu luôn không ai biết; mà nếu có Chi bộ thì chuyện anh không cho tôi viết thư mà tôi viết là vấn đề kỷ luật rồi. Đến giờ tôi vẫn thấy tôi quyết định vậy là đúng và Hoàng Việt ủng hộ tôi. Sau này, mỗi lần nhắc lại, Hoàng Việt còn nói: “Không có cái thư đó, không biết tụi mình ra sao?”.

Ở nhà được thư tôi, mừng lắm. Ba đồng chí Hữu đang là Bí thư Tỉnh ủy. Tỉnh ủy chỉ đạo ông Hai Hiếu Liêm và Ban Biên giới đi quan hệ với Campuchia lãnh chúng tôi về. Nghe đâu, tỉnh phải tốn một khoản cần thiết, chúng mới hứa; và hứa là làm. Bốn anh em tôi về trước, đồng chí Cỏn về sau ít ngày. Số còn lại, sau đảo chánh, chúng giết hết, mấy chục người. Hồi đó nghe chuyện hối lộ, tham nhũng, lạ lắm, tưởng chế độ Sihanouk, Nguyễn Văn Thiệu mới có, mà có đến mức Sihanouk lên Đài nói: “Cha nghe con cháu than phiền quan chức của cha ăn hối lộ. Cha có cho điều tra, đó là sự thật, nhưng không cho nó ăn, nó không làm, để cha bảo nó ăn ít lại, vừa vừa thôi”. Nghe thật khôi hài, nhưng bây giờ gẫm lại: Ông này làm chính trị giỏi thật. Không nói trị tiệt nọc tham nhũng hoặc “đẩy lùi” như ta hay nói, mà không làm được, dân sẽ hoài nghi. Còn ông nói vậy mà dân nghe, dân tin, bởi quan chức của ông có ăn thật, nhưng ăn tới đâu làm tới đó, vẫn còn khá hơn ta bây giờ có kẻ ăn quịt, không làm.

Trước ngày thả chúng tôi, hai thanh niên người Bắc và Minh, rể dì Tư, được ra trước. Chỉ còn mấy người dân đi nơm cá và anh em bộ đội chủ lực miền Bắc mới bị bắt sau này kẹt lại. Những người còn lại vừa kể, nghe nói, sau khi Lon Nol đảo chánh, chúng “xử” hết. Nhớ lại mà tôi còn đau. Về đến gò Tà Lập, nơi hơn hai mươi năm trước, ba tôi, và ba tháng trước, tôi cùng anh em bị nhốt ở đây. Mừng và lo tăng lên gấp mấy lần. Bà con Việt kiều ở đây nghe thông báo, đến thăm đông lắm. Trong đó có ông Ba Quốc nhìn bà con với ba tôi, gần lắm. Ban đêm, các ông lãnh gác thay cho chúng để nói chuyện với chúng tôi. Khác hơn lần mới bị bắt, chúng không cho ai đến gần. Bà con lãnh nuôi, cho chúng tôi ăn phủ phê. Còn tiền chế độ ăn của chúng tôi bọn chúng lấy. Đã hai ngày trôi qua không thấy nói gì. Đến ngày thứ ba, chúng nói: “Cho người đem hình các anh đi xuống biên giới, gặp toàn bộ đội người miền Bắc, không ai nhận ra mấy anh. Vậy chiều nay, chúng tôi sẽ đưa các anh xuống biên giới phóng thích”. Tôi bàn với anh Bảy Xuân xin bà con, chiều nay, cho mỗi người một đòn bánh tét hoặc vài ổ bánh mỳ đem theo, phòng đói. Sợ đói quá rồi! Khoảng 3 giờ chiều, đang ngồi nhìn lơ mơ ra đường, anh em có người còn nằm lim dim. Chợt thấy anh Hai Ẩn cán bộ Ban Biên giới – quen gọi “Thiếu úy Ẩn” để giao dịch với bạn Campuchia, từ ngoài đi vào. Tôi rơi nước mắt. Anh em ôm nhau, mừng rối rít. Anh cho biết tình hình quan hệ biên giới đang rất căng thẳng. Anh ngại không dám đi, “Nhưng chú Ba Tình nói đây là lịnh, mầy không đi thì kỷ luật”. Bữa cơm chiều đó, bà con tiễn chúng tôi rất linh đình, ấm cúng. Tôi không ngờ đó chính là “lễ giỗ” sớm mà bà con làm cho chính họ, bởi sau chúng tôi, không đầy 3 tháng sau, 18-3-1970, Lon Nol đảo chánh Sihanouk, số bà con này bị chúng giết gần hết, một ít thoát thân được theo Cách mạng.

clip_image002

Ba tôi và ông bạn thân hàng xóm người Campuchia nhà cách nhau vài trăm mét hai bên đường biên giới.

Ông này bị pháo Đồng Ky bắn chết trước tôi về mấy ngày. Đây là lần đầu tiên quân đội Sài Gòn bắn vào đất Campuchia.

Cuộc chiến lan ra Đông Dương khởi động mà ta không biết. Hình Ba tôi và Ông trước nhà tôi ở Vạt Lài.

Ảnh: Tư Đào.

Anh Hai Ẩn bao xe lam chở năm anh em cùng một người của họ áp tải, đưa về giồng Bà Ca. Từ đó chúng tôi lội bộ về Trạm Giao bưu, mà ngày 8.10.1969, chúng tôi xuất phát ra đi và hôm nay mới gặp lại các anh: Hai Thuận, Năm Thành, … mừng vui khôn xiết. Các anh cho biết: “Hồi chiều, đi lấy được hài cốt anh Hai Hùng về rồi, còn chờ cải táng”. Sáng hôm sau, 20.1.1970, chúng tôi theo giao bưu về tỉnh. Trên đường đi gặp anh Chín Lĩnh, Hưng, Ba Nhu, Xuân Tư đi công tác về Bảy Núi. Ngang Vạt Lài, tôi tạt vào nhà, trước khi về cơ quan. Lúc này con trăng 13 tháng Chạp sáng lành lạnh trong tiết Đại hàn dễ chịu, từ ngoài nhìn thấy đèn trong nhà, ruột gan tôi nôn lên, vừa chạy lúp xúp vừa kêu: “Ba ơi! Ba ơi!”. Ba tôi bước ra nheo mắt, che tay ngang mày rồi la lớn: “Bà ơi, thằng nhỏ… nó về nè! Thằng Nhị, nó về nè!”. Má tôi lính quýnh, từ trong mùng, ẵm cháu Minh Hiền bước lẹ ra, ôm tôi! Rồi ba giục má nấu cơm, có sẵn thịt heo do pháo Đồng Ky bắn qua xóm Campuchia bị thương, ba mua xẻ thịt chia nhau với lối xóm và còn phơi khô. Hôm bị bắt, rầu ăn không được; nay về, mừng quá, ăn cũng không vô, vì món ăn tinh thần lớn hơn là vậy. Dịp may, có anh em Thông tấn đi mua đồ ghé nhà, tôi tháp tùng về. Cơ quan vẫn còn ở chỗ cũ. Tôi đến bên mùng anh Tám Lai đánh thức, anh khoát mùng thấy tôi la lớn: “Bảy Nhị về rồi, anh em ơi”. Tin tôi về lan nhanh, anh em đều thức hết, chong đèn uống trà trò chuyện đến gần sáng. Ngày tôi đi, nước lên ngập đồng, nay nước xuống vừa ráo mặt đất. Chưa đầy bốn tháng. Còn thời gian ở tù nhẩm tính mới tròn 100 ngày mà ngỡ như xa xôi lắm! Hèn chi người ta nói: “Nhứt nhựt tại tù…” còn mình đến “bách nhật!…”.

clip_image004

Ngày tôi còn ở tù, Minh ở nhà đã vào làm ca chánh.

Về thấy công việc ở nhà vẫn trôi chảy, anh em ai cũng trưởng thành. Anh Tám Lai là cán bộ Ban Tuyên huấn Tân Châu, về cơ quan mấy tháng thì tôi đi công tác, nay về gặp lại, tưởng như thân quen lâu lắm rồi. Chỉ có anh Bảy Mý (Lâm Thành Mỹ), cán bộ nhiếp ảnh, chuẩn bị ra bộ đội. Anh giao máy móc, phim ảnh tư liệu lại cho đồng chí Ngoan vừa mới học nghề để thay anh. Anh ra đi và không bao giờ trở lại. Trong trận chiến giằng co tại Chi khu Sa Ang tỉnh Kandal sau đó độ nửa năm, anh là Chỉ huy trưởng Đại đội, hy sinh không lấy được xác. Mãi đến sau năm 2000, trong một lần viếng nghĩa trang liệt sĩ tỉnh theo thông lệ có những ngày lễ lớn, tôi phát hiện ra mộ anh vừa mới được Đội K.93 của tỉnh đội An Giang qui tập, nhưng bia mộ ghi đơn giản: Liệt sĩ Bảy Mý. Tôi mừng quá và gặp Ban quản trang, ghi rõ họ tên lý lịch và tên thường dùng để khắc lại tấm bia, và dặn anh em chú ý chăm sóc mộ anh vì anh sống độc thân, gia đình không biết còn ai hương khói. Nghe anh em nói lại, chị của anh nghèo lắm, nhà không ra nhà để có chỗ thờ phượng anh cho đàng hoàng, tôi điện thoại nói rõ sự tình và nhờ Chủ tịch Châu Đốc giúp đỡ. Sau đó không lâu, tôi được điện thoại của cháu anh, báo tin nhà mới làm xong và có lời cám ơn. Tôi rất vui vì góp phần làm được một việc để ấm lòng người vì nước hy sinh và cũng chính là làm cho tôi được an lòng mà sống những năm còn lại.

clip_image006

Vạt Lài, tháng 3/1969. Anh Bảy Mý (đứng) cùng Ba Thạo, Bảy Nhị (ngồi)

Nhân khi hài cốt của anh được đưa về Tổ quốc, tôi có viết một bài về anh đăng trên tập san Văn hóa – Lịch sử tỉnh, vừa tưởng nhớ anh vừa bảo vệ những bức ảnh lịch sử mà anh để lại: “Đội nữ pháo binh Châu Đốc 1968”… đã trở thành biểu tượng.

Về phần em Quới, sau Giải phóng, chúng tôi có làm thủ tục xác nhận em Quới bị thương, mà cho tới giờ này gặp lại thì… vẫn không làm được, ngay chuyện thủ tục chuyển công tác thời bao cấp (1982) quá khắt khe, trắc trở, cộng với hoàn cảnh gia đình ở Hà Tiên quá ngặt nghèo nên 20 năm liên tục công tác – kháng chiến của Quới đành bỏ trắng tay: không còn đảng viên, không được thương binh, không một đồng lương hưu hoặc chánh sách nào! Chuyện trái ngang như vậy trong chiến đấu, gọi là “tại chiến tranh”; còn gần 40 năm trong hòa bình, mà còn như vậy, tôi không biết gọi là tại cái gì? Trong khi đó biết bao chuyện gian lận chánh sách, nhất là người không kháng chiến, không bị thương thì được đủ thứ. Quới có số “mồ côi” – mồ côi gia đình, không còn ai thân thuộc phải đành chịu, nay lại “mồ côi” cách mạng mới đau! Lỗi này Quới phải chịu một mình đã đành, nhưng cái cơ chế bao cấp làm nghèo đất nước, thủ tục quan liêu vô cảm, lạnh lòng, làm cho Quới nản chí không thể không chịu trách nhiệm. Tôi cũng thấy như mình có lỗi và phải có trách nhiệm vụ này nên phải lo!

clip_image008

Vạt Lài, tháng 2/1970. Đài Minh Ngữ và Tiểu ban Thông tấn Báo chí – Ban Tuyên huấn tỉnh

Sau Tết Giáp Thân, 1970, tình hình biên giới có mòi không ổn, tỉnh chủ trương dời dần các cơ quan về nội địa, chúng tôi dời từ chòm vừng trên đất Campuchia giáp Vạt Lài về vùng Giải phóng Khánh Bình bờ Bắc sông Bình Di, tổ chức phát đất trồng rẫy ở ấp giải phóng Tắc Trúc xã Nhơn Hội giáp Khánh Bình. Tháng 3.1970, Lon Nol thúc ép quốc hội Campuchia truất phế Quốc trưởng Norodom Sihanouk, chiến tranh lan ra ba nước Đông Dương, Campuchia không còn là “đất thánh”. Đầu tháng 5.1970, lực lượng võ trang tỉnh mở chiến trường B giúp bạn xây dựng lực lượng, đánh bọn Lon Nol mở vùng Giải phóng rộng lớn, từ biên giới lên tận Chi khu Sa Ang, cách thị xã Tà Kha Mau, thủ phủ tỉnh Kandal chừng vài chục km. Các cơ quan của tỉnh cũng hút theo bộ đội mở mặt trận mới. Văn phòng Tỉnh ủy và các cơ quan Tỉnh đội, An ninh, Biên giới (ngoại vụ)… có bộ đội bảo vệ về đóng tại Bưng Lịch, đối diện Lò Gò (Ăng-ko-bô-rây). Các Ban còn lại, trong đó có Ban Tuyên huấn chúng tôi được lịnh ở phân tán xung quanh và trong tư thế cơ động.

“Chiến dịch Cửu Long I”

Tách Văn phòng Tỉnh ủy ở Bưng Lịch, các cơ quan: Tuyên huấn, Tổ chức, Kiểm tra, Dân vận – Mặt trận, Dân y, Đoàn Văn công, Giáo dục, Nhà in Cờ Hồng và một bộ phận của Giao bưu, chiều ngày 14.5, từ bến đò Núi Tiệp, đối diện với Bưng Lịch, theo hướng dẫn của cán bộ Bảo vệ Căn cứ tỉnh và anh Việt Sinh, Phó Ban Dân vận tỉnh hướng dẫn. Chúng tôi di chuyển về cánh đồng Lung Nhạn.

Trên đường, trăng mùng Mười mờ mờ dễ chịu, nhưng cả đoàn phải nghỉ nhiều vì ông Năm Mạo, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tôi gọi bằng cậu là ở chỗ quen biết thân tình, nhà gần nhau hồi ở đường Củi Giữa – Kinh Tám Ngàn vùng Việt Minh trước 1954, bị bịnh xơ gan cổ trướng, bụng phình to đau nhức. Tội nghiệp mợ Hai, em Vân và anh Dưng cận vệ, mang gánh đồ đạc theo sau các đồng chí bảo vệ khiêng cậu trên cáng đi trên đồng cỏ rậm rạp không có lối mòn, cứ vấp ngã không thôi. Thật là quá sức chịu đựng phụ nữ, trẻ con và người già! Thấy mợ khóc, tôi cũng chạnh lòng nhớ ba má, chị Sáu và các cháu tôi, giờ này cũng từ Vạt Lài chạy giặc nhưng không biết ở phương trời nào!?

Lung Nhạn là một cánh đồng cỏ cao khỏi gối, rộng mênh mông, xa xa là những lùm đế, sậy rậm rạp cao khỏi đầu người nằm giữa sông Thạnh Hòa và sông Long Tiên thuộc Campuchia, giáp xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, nơi chúng tôi dừng chân ở tạm, cách biên giới với Việt Nam tính đường chim bay chừng năm cây số và cách núi Lớn trên đất bạn cũng chừng năm đến bảy cây số. Ai cũng cảm thấy “lạnh lưng” vì đã quen ở có núi, có rừng.

Sáng hôm sau, 15.5.1970, tôi mở máy liên lạc, máy phát bị hư, phải lấy máy dự phòng thay thế. Sáng 16.5.1970, ăn cơm xong tôi mang máy về văn phòng Tỉnh ủy ở Bưng Lịch, nhờ đồng chí Năm Ròm (Nguyễn Phú Trinh) – thợ máy, sửa chữa và nhân đó, các chú ở nhà cũng bảo tôi gặp Thường trực Tỉnh ủy để xem có chỉ đạo gì không. Người tôi gặp đầu tiên là anh Bảy Minh, Y sĩ bảo vệ sức khỏe Tỉnh ủy. Anh hỏi tôi: “Bộ mày không hay gì sao mà đi đâu lang bang vậy?”. Tôi ngơ ngác thấy ai cũng balô gọn gàng, trong tư thế chuẩn bị hành quân. Anh nói tiếp: “Sáng mai tụi nó đánh lên đây nè”. Tôi lật đật đến gặp chú Hai Lý (Lý Chí Nam), Trưởng ban Tuyên huấn, đang Thường trực Tỉnh ủy. Chú phổ biến: “Ngày mai, địch đánh lên hai mũi: Một mũi gồm một sư bộ binh, một trung đoàn xe bọc thép, có máy bay, phi pháo yểm trợ đánh xuyên qua điểm này. Mũi thứ hai, cũng lực lượng tương tự, sẽ đánh qua cánh đồng Lung Nhạn. Trên các sông Tiền, sông Hậu, Thạnh Hòa, Long Tiên đều có tàu chiến yểm trợ bộ binh đánh ngược lên, vào sâu vùng Giải phóng của bạn để giải tỏa cho Ta Keo và Sa Ang. Bây giờ, đồng chí về báo lại các anh bên đó, tùy nghi quyết định việc bố phòng, ăn ở, đối phó. Tình hình yên, Thường vụ sẽ thông báo sau”. Nghe xong, tôi lật đật chạy đến gặp anh Năm Ròm, xin mấy bóng đèn điện tử phát sóng (3A4) và mấy món lặt vặt nữa. Dù đã cột đồ vào mình để chuẩn bị hành quân, anh phải tháo ra và mở cái ruột xe hơi đã cột chặt hai đầu, lấy mấy món cho tôi theo yêu cầu và an ủi: “Thôi ráng mò, tự sửa đi!”. Tôi tranh thủ vắt nắm cơm cháy mà ông Bảy Cụt đang cạo nồi, vừa ăn vừa đi nhanh như chạy lúp xúp, sợ trời tối không biết hướng mà nhắm đường về.

Qua khỏi bến đò Núi Tiệp, trời sập tối, tôi đi như chạy. May sao không bị lạc. Về đến nơi, gặp các chú Sáu Sơn, Trưởng ban Dân vận, chú Tám Hoa, Phó ban Tuyên huấn, chú Sáu Cai, Tư Già, … Ủy ban Kiểm tra và Đảng ủy khối Dân – Chánh – Đảng đang ngồi uống nước trà dưới trăng. Tôi báo cáo lại đầu đuôi, các chú tỏ vẻ không an tâm với địa bàn đang ở. Chính vì vậy mà các cơ quan chưa ai tính cố định ở đâu, như thường khi di chuyển, nhưng đâu còn con đường nào khác, các chú quyết định giao tôi phụ trách lực lượng tự vệ, bảo vệ các cơ quan. Tôi rất lo lắng và lúng túng không hình dung được địch hành quân như thế nào, ta chiến đấu tự vệ ra sao, nhưng tôi cũng nhanh trí nhận ra địa hình cánh đồng mà mình quan sát được. Tôi đề xuất: “Địch không thể nào dàn hàng ngang mà đi. Chúng sẽ đi theo đường sông và đường bộ cặp sông. Xe thiết giáp có thể cắt đồng, nhưng cũng chỉ đi hàng dọc theo địa hình đất cao để tránh lầy. Do đó, ta phân tán mỗi cơ quan cách nhau độ 500m, áp xuống sát biên giới, chọn các lùm cỏ giữa bưng lầy để cho địch không ngờ. Biên giới bây giờ không còn là cái ranh giữa chiến tranh và hòa bình, như năm 1969 nữa. Nhưng lo nhất là máy bay, nếu phát hiện, chúng sẽ đổ quân, đánh úp. Đúng 4 giờ phải tắt lửa và phân tán ra mỗi người một nơi”. Tôi còn nhớ kỹ thuật “chém vè lấp dấu” mà tôi và anh Năm Điền học được hồi năm 1966, nhân lúc đi học lắp ráp máy Vô tuyến điện ở Khu 8 – Đồng Tháp Mười để phổ biến lại.

Đúng 5 giờ sáng 17.5.1970, máy bay từng tốp bay qua, ném bom núi Lớn (Lò Gò) và sâu trên đất bạn. Sau đó đến lượt trực thăng đổ quân. Cánh đồng Lung Nhạn, chúng bỏ lại phía sau. Chừng 8, 9 giờ, thấy ổn, chúng tôi gồm Hai Ngoan, Năm Lợi, Quới lại tụm nhau nấu nước uống trà, tản ra đi câu lươn về kho mặn ăn trưa, đánh bài tú-lơ-khơ… Trải qua một ngày yên lặng. Năm, sáu giờ chiều, im bặt tiếng động cơ, tôi và anh em Văn phòng đi thăm các đơn vị Văn công, Giáo dục, Nhà In thuộc ban Tuyên huấn và bộ phận Giao bưu tỉnh. Đến Đoàn Văn công và Tiểu ban Giáo dục, anh Sáu Tài, Đoàn Lập dẫn chỉ cho tôi một đường xe thiết giáp chạy thụt đất đen, bề ngang có đến hàng chục mét, cách mỗi đơn vị chỉ một vài trăm mét, mà không ai hay biết. Thật tình, tôi cũng không hình dung được, nếu nó chạy ngang chỗ anh em mình ở thì sao đây? Có một ít đồng chí không yên tâm cho những ngày tiếp theo. Đảng ủy liên cơ mỗi chiều hội ý lãnh đạo tư tưởng, sợ bị “Chiêu hồi”. Mọi việc rồi cũng qua.

Đài Minh Ngữ lúc này có tôi và các đồng chí Quới, Minh, Bé Tư (em Hai Ngoan); phóng viên, biên tập có anh Năm Đức, Hai Ngoan, Năm Lợi và chị Ba Huệ (Tư Ngọc) hình thành bộ phận thông tấn. Ngay trong ngày đầu chiến dịch của địch, chúng tôi vẫn liên lạc đều đặn với đài của Khu (GFM), của R (LPA2) và Đài lẻ (GFB2) ở Bảy Núi do đồng chí Chín Lĩnh, Chín Hưng đảm trách. Anh Ba Nhu là phóng viên bám theo Ban chỉ huy tiền phương viết tin. Chúng tôi luôn luôn có tin từ hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và kết hợp nắm tình hình hằng ngày qua theo dõi những nơi máy bay địch ném bom, đổ quân trên đất bạn, nên có tin tức cả hai chiến trường (Việt – Campuchia) cung cấp cho Khu, cho Đài phát thanh Giải phóng và ngược lại, không có ngày nào gián đoạn. Bộ phận nhận tin DKP cũng làm việc đều đặn, cung cấp tin các hãng thông tấn phương Tây cho lãnh đạo nghiên cứu. Sau này, tôi mới biết, gần cả tháng trời, đài của Tỉnh ủy quan hệ với Đài lẻ đi chiến trường do Hai Sỏi phụ trách và liên lạc với đài của Khu ủy thường bị gián đoạn, do phải hành quân liên tục. Đặc biệt, tuần lễ đầu “Chiến dịch Cửu Long I” bị đứt liên lạc hoàn toàn với Khu và Huyện. Cả Khu ủy và Phân ban Tỉnh ủy đi chiến trường do chú Mười Đức lãnh đạo rất lo lắng cho Thường trực Tỉnh ủy. Nhưng do còn liên lạc được thường xuyên với đài Minh Ngữ nên các đồng chí cũng nghĩ là Ban Tuyên huấn vẫn còn, Tỉnh ủy sẽ không có gặp gì nghiêm trọng. Tôi không ngờ việc Đài Minh Ngữ An Giang liên tục giữ được liên lạc trên dưới, cung cấp tin cho Đài Giải phóng thường xuyên được Ban Tuyên huấn và Tỉnh ủy đánh giá rất cao. Sau đó, Phân xã An Giang, trong đó có Đài Minh Ngữ được tặng thưởng Huân chương Giải phóng.

Chỗ cơ quan tôi ở và phát sóng, cách đồn Vĩnh Hội Đông và tàu địch trên sông Thạnh Hòa, thẳng góc không quá ba km đường chim bay. Tôi vẫn biết rằng, cách ém quân nơi mà địch ở mặt đất không thể ngờ, nhưng đối với bọn thám không – điện tử thì không lừa được chúng. Trong chiến tranh, đôi khi phải nghĩ đến việc may rủi hay là “sai số cho phép”; nếu cả tin vào lý thuyết về sức hủy diệt của hỏa lực và kỹ thuật quân sự hiện đại của Mỹ, không ai có thể nghĩ là mình còn sống. Song, tôi cũng lưu ý anh em là nhất định nó sẽ “mò ra” vùng mình ở, nhưng từ phát hiện đến kế hoạch đánh phá là một khoảng cách, có khi ta đi rồi hoặc nếu có đánh thì… đồng cỏ mênh mông, không có nơi nào là mục tiêu khả nghi hết, chúng cũng khó mà đánh đúng điểm. Do đó, phương châm: “Nấu không khói, nói không lớn, ngụy trang kỹ” là kỷ luật.

Tôi cũng không ngờ mình phải bám ở Lung Nhạn cả tháng trời. Hằng ngày chỉ có Đài Minh Ngữ làm việc bình thường, còn lại là rảnh rỗi, đi tuần tra cảnh giới, kết hợp cải hoạt như bắt cá, lươn, hái rau… Hai Ngoan và tôi lúc nào cũng mang theo cây dũa và đồ nghề để chế ra dụng cụ săn bắt cá lươn, chim thú cải thiện bữa ăn cơ quan. Tối tối, chúng tôi về núi Lớn nhặt mót lúa của dân Campuchia bị bom Mỹ làm đổ vương vãi trên nền nhà cháy, xay gạo về bổ sung lương thực. Cả phum sóc vắng tanh, dân đi đâu và khi nào về, tôi cũng không biết. Tôi còn nhớ, đến khi quyết toán tài chánh, chú Tám Hoa cắt tiền gạo của cả cơ quan đúng một tháng, với lý do: “Ăn gạo của dân rồi thì… không được tính tiền với dân nữa!”.

Khi được Tỉnh ủy kêu về lại Lò Gò, các cơ quan dọn đi liền, chỉ còn Văn phòng Ban Tuyên huấn, Đài Minh Ngữ và một ít cơ quan nữa chưa kịp đi thì cái việc mà tôi dự đoán trở thành hiện thực. Khoảng 3-4 giờ chiều 14.6.1970, nhiều tốp trực thăng quần đảo, đi đầu là một chiếc “cán gáo” bay sát đọt cỏ, quần mấy lùm đế sậy rậm; đi sau phía trên cao, là ba chiếc “cá lẹp” quan sát và sẵn sàng nổ súng nếu phát hiện mục tiêu do chiếc cán gáo làm tốc ngụy trang. Chúng bắt đầu “rạt” từ biên giới dài lên. Tôi căng mắt theo dõi và nhắc nhở anh em ngụy trang kỹ và đề phòng địch đổ quân, phải chiến đấu. Chung quanh tôi hàng mấy chục con người, phần lớn là nữ, trẻ em và người già, có người như vợ Hai Ngoan đang mang bầu sắp sinh. Tôi thật sự bối rối vì không có công sự, không có địa hình ẩn nấp, chỉ có đồng cỏ mà thôi. Chúng quần kiếm hơn một giờ mà không nghe súng nổ. Tôi hơi yên tâm vì chưa có đổ quân và trấn an anh em: Chúng càn theo kiểu “chà mù”, “bịt mắt bắt dê”. Bỗng tốp trực thăng, ba chiếc cắt ngang qua đầu, chúng tôi thấy rõ bọn ngồi bên trong nhưng phía sau còn có tiếng động cơ gầm rít. Tôi nghĩ bụng: “Nguy rồi, xe thiết giáp có trực thăng dẫn đường!”. Sợi dây ăng-ten giăng trên đọt sậy bị đứt ra, ni-lon che trại, nồi xoang… bay tùm lum. Tôi ra lịnh: “Tất cả đứng lên, chạy bỏ điểm, càng xa càng tốt”. Tôi theo dõi máy bay, khi nào thấy bọn trên cao quay đầu lại thì bảo anh em nằm xuống. Rất may là khi đi qua chỗ chúng tôi, tốp bay cao bỏ chiếc bay thấp sau lưng. Chúng quần tiếp vài vòng nữa về phía sông Thạnh Hòa trước khi chuồn thẳng về hướng Cần Thơ. Yên rồi, tôi liên lạc với các bộ phận, không ai sao cả. Cơ quan có lịnh chuẩn bị sáng mai về lại Lò Gò.

Đúng theo kế hoạch, khoảng 9 giờ sáng 16.6, anh em lục tục lên đường. Vừa đến Giồng Găng, cách núi Lớn khoảng 3km, bỗng một bầy trực thăng từ hướng Cần Thơ lên, phóng pháo, đổ quân sát chân núi Lớn. Đếm số lượt chiếc trực thăng đổ quân, độ chừng một đại đội bộ binh. Tôi nghĩ chắc nó đi mò tìm cái Đài của mình, vì cứ liên tục “gáy” làm nó đau đầu. Tôi liên kết sự kiện lại: Tuần trước, bỗng dưng tàu địch ở sông Thạnh Hòa nửa đêm bắn 12 ly 7 vào đội hình mình, đầu đạn nổ bên tai, chú Tám Hoa ngỡ bọn biệt kích. Tuần này trực thăng “rạt” các lùm đế, sậy hôm qua, nay lại đổ quân chặn đầu. Có lẽ chúng đã biết. Chúng tôi phải lùi về chỗ cũ, nghe ngóng, chờ đợi. Nhờ vậy mà sáng hôm sau, 17.6.1970, chú Tám Hoa phát hiện có tiếng kêu cứu. Chú cho đồng chí Thắng đến báo lại và chỉ đạo tôi đi tìm, vì nghĩ là có người bị thương, lạc đường. Tôi và Thắng, rồi sau đó thêm Út Bình, đi tìm suốt buổi sáng mới gặp, thì ra đó là chú Ba Thông, Hậu cần của tỉnh, sau này về hậu cần Sư đoàn, bị lạc đường, không đi nổi, chém vè, nhịn đói, chỉ ăn rau muống luộc mà sống 31 ngày. Tôi quen chú từ những năm 1960 ở Đìa Ổi đồng tràm, nên gặp là nhận ra nhau ngay. Mừng rơi nước mắt! Càng cảm động hơn là chú chuẩn bị cho mình chết mà không bị “mất tích” bằng cách gói bản lý lịch trong bọc nylon rất kỹ. Tôi nghĩ, nếu ai tham sống, chỉ cần đứng lên phất tay là trực thăng rước rồi. Đem chú về cơ quan, nắm nuối ở lại hơn một tuần lễ nữa để thuốc men, bồi dưỡng cho chú khỏe, liên lạc tìm và đưa chú về Sư đoàn rồi cơ quan chúng tôi mới trở lại Lò Gò.

Những ngày ở Lung Nhạn, trong ác liệt gian nan, tự nhiên tôi nghĩ đến chuyện mình phải xây dựng gia đình, vì cuộc chiến còn dài và chiến trường đã mở rộng nên hoàn cảnh sống cũng có điều kiện hơn, không như trước đi đâu cũng gặp địch. Người tôi nghĩ đến đó là Minh. Nhân ngồi làm việc chung, tôi viết mấy dòng cầu hôn đưa cho xem rồi lấy lại, nhưng Minh chỉ cười cười mà không nói. Tôi lặng lẽ chờ!

Từ Lung Nhạn về Lò Gò, nghỉ được mấy tuần lễ. Tại đây, tôi và anh Hai Cừu, Tư Đức, Út Bình… được huy động hướng dẫn tân binh người Campuchia đi đánh Takeo với nhiệm vụ làm dân công thu dọn chiến lợi phẩm nhưng không chiếm được thị xã Takeo. Đi cùng họ, mới thấy uy tín Sihanouk còn trong dân ghê gớm lắm, mà sau này tôi mới biết lãnh đạo ta có người đánh giá không đúng nên mới trả giá đắt trong cuộc chiến giúp bạn ngăn bọn diệt chủng.

Từ Lò Gò, chúng tôi được lịnh ngược sông Bassac lên Sa Ang, tạm trú trong chòm vừng bờ Đông sông Bassac thuộc Tầm Bê – Tâm Bản, được vài tuần. Ở chiến trường Bảy Núi lúc này rất ác liệt, bộ đội chủ lực rút dần, lực lượng tỉnh phải thay thế. Anh Chín Lĩnh ở lâu, anh Ba Nhu bị thương do bị miểng bom. Ban quyết định anh Năm Đức và Minh vào thay cho hai người. Một buổi chiều mưa tháng 7/1970, tại chòm Vừng Ấy, Minh chánh thức đáp lời đề nghị của tôi gần một tháng trước ở Lung Nhạn là: “Chỉ còn chờ xin ý kiến cha mẹ”. Thế là tôi an tâm. Sáng hôm sau, tiễn Minh lên đường, lòng tôi băn khoăn không tả, nhưng linh tính như báo trước không có bất trắc gì xảy ra, tôi rất tự tin nhưng không khỏi bồn chồn, vì tình yêu vừa chớm mà vội cách xa trong điều kiện đầy gian khổ ác liệt.

Minh đi rồi, cơ quan dời theo Tỉnh ủy lên “Đường Vòng Cung” gần thị trấn Sa Ang. Chiến trường An Giang giờ đây rộng, mở sang hai tỉnh Kandal và Takeo. Giúp bạn theo yêu cầu của bạn, nhưng cũng là giúp mình, bởi chung một chiến hào mà. Nhưng không có bạn nào kỳ như “ông bạn” Pol Pot. Đang vui vẻ nhau, muốn trở mặt chừng nào không biết, trở đi trở lại như “trở bánh phồng”. Ta đóng quân nơi đâu là do bạn hướng dẫn, nhưng muốn đuổi thì đem quân đến bao vây; muốn lấy súng thì thừa cơ cán bộ ta đi lẻ bắt tước súng cho về; còn nổi khùng thì thủ tiêu luôn như trường hợp ông Bảy Sửu, Chín Bình Ton, Đình Trung… diễn ra cách nhau không lâu và ở phạm vi không xa, từ Mương Lở đến Sơnkhơmau.

Lúc mới nổ ra chiến tranh Đông Dương, An Giang có đưa mấy cán bộ cốt cán người Khơ-me lên giúp bạn xây dựng lực lượng, bạn xin luôn. Ta cũng chấp nhận như Châu Kem, Tỉnh ủy viên dự khuyết – Bí thư Huyện ủy Tri Tôn; Chau Mố, Chau Sương, đều là Thường vụ Huyện ủy Tri Tôn, trước khi đi còn về Văn phòng Ban ở Lung Nhạn để bồi dưỡng chánh trị. Chúng dùng số anh em này, kể cả số tập kết về, quay lại nói xấu và chống Việt Nam trước; sau đó, đến lượt chúng thủ tiêu anh em này hết, không còn ai. Không biết chúng học sách nào, thầy nào mà nhân danh Cộng sản làm những điều cổ kim chưa từng có, tra cứu tự điển không ra. Có lúc, cấp trên giải thích là “bạn, nhưng là bạn xấu”. Nghe không nổi cũng phải nghe! Riêng Châu Kem tỏ ra gian xảo, hai mặt, bị ta bắn chết trên đường đoạn Tầm Bê – Tâm Bản; chúng đem xác về chùa làm lễ truy điệu, kích động căm thù. Người Pháp có câu: “Hãy cho tôi biết bạn anh là ai thì tôi sẽ cho anh biết anh là ai?”. Trường hợp này không biết gọi loại người này là thù hay bạn nữa. Kể từ đó cho đến kết thúc hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam (1975-1990), tuy chiến tranh có tên nhưng kẻ thù thì không có tên gọi (hay không dám gọi) và ta chống lại chúng hy sinh cũng không vẻ vang gì!

Minh đi được vài tuần, tôi nghe Minh lên sóng. Biết được Minh đến Tức Dụp an toàn, tôi mừng quá. Từ đó, mỗi phiên liên lạc với đài chiến trường GFB2, cứ nghe ma-níp của Minh là tôi ngập tràn hạnh phúc! Sau đó mấy tháng, Sơn, cận vệ chú Hai Lý, Trưởng ban Tuyên huấn từ chiến trường Ô Tà Sóc mang về cho tôi cái mùng bằng vải dù trái sáng kết lại, có lưới mùng kết ở hai đầu rất thoáng. Biết Minh đã qua Ô Tà Sóc, bình an rất mừng và còn mừng thầm món quà của người yêu từ chiến trường ác liệt gởi về mà rồi cũng không dám khoe với ai!

clip_image010

Ảnh Phương Ngoan: Hàng sau từ trái qua: Bảy Nhị, Tư Thắng, Út Bình, Dũng (Tây lai), Út Việt, Mười Quang.

Hàng trước từ phải qua: kế Mười Quang là Sơn, Dũng (con Út Việt) và Dũng (con anh Tám Mal)… ở các bộ phận quanh Tỉnh ủy cùng “di tản” mới đến Lò Gò trước khi về “Đất chết” – Tượng Lăn.

“Đất chết”

An Giang đang ở vào thời điểm hết sức khó khăn. Chiến trường bây giờ bao gồm ba tỉnh, nhưng địa bàn chủ yếu vẫn là An Giang. Bộ đội chủ lực đang lùi ra, giao Bảy Núi lại cho tỉnh. Chủ lực đã ba năm rồi không mở rộng được Vùng Giải phóng mà còn phải co cụm lại Ô Tà Sóc để bảo vệ thương binh và bảo toàn lực lượng. Hôm rút thương binh ra khỏi Ô Tà Sóc, tỉnh phải tập trung lực lượng chi viện mới xong. Tỉnh phải điều Tiểu đoàn 512 của tỉnh về thay cho Trung đoàn chủ lực giữ Bảy Núi mà trọng tâm là Ô Tà Sóc, Tức Dụp. Đài GFB2 do Minh và Hưng đảm trách ở Tức Dụp quá ác liệt nên theo Ban chỉ huy Tiền phương về Ô Tà Sóc.

Để tiện đường liên lạc, Tỉnh ủy chủ trương dời các cơ quan tỉnh từ đường Vòng Cung – Sa Ang, bên bờ Đông sông Bassac thuộc tỉnh Kandal về núi Tượng Lăn thuộc tỉnh Takeo mà trên bản đồ của Pháp có khoanh một vòng tròn, ghi là “Đất chết”. Ngọn núi ở đây có độ dốc lớn nên có tên như vậy, vì có người giải thích Tượng bị lăn. “Đất chết”, “Tượng lăn” chỉ mới nghe cũng phát ớn rồi! Nhưng được cái xa giặc ở miền Nam, an toàn và thuận lợi, nằm trên trục hành lang về miền Tây Nam bộ, nối liền với các tỉnh Đông Nam – Campuchia. Từ Núi Dài lớn về cơ quan Tỉnh ủy ở Tượng Lăn, tuy cự ly xa hơn, nhưng vì là Vùng Giải phóng nối liền nhau, đi được ban ngày, rất nhanh, cũng tương đương thời gian về căn cứ B1, nơi ở cũ của Tỉnh ủy. Biết được “Đất chết”, vì bị sốt rét ác tính quá trời. Hỏi, cán bộ Hội Việt kiều giải thích: “Đây là nơi sơn lam chướng khí”, nước độc… hễ ngủ ngày là đau, uống nước sống là bệnh, dân Campuchia gọi là “Đất đen”. Bộ đội chủ lực chết vì nó cũng nhiều. Một đại đội Khơ-me đỏ ở đây trước khi Lon Nol làm đảo chánh, bị rét rừng chết còn năm, sáu người. Cạnh Tiểu ban Giáo dục có một bồ lúa to có chùng vài trăm giạ, người dân địa phương nói là của Khơ-me đỏ, nhưng họ chết hết rồi vì sốt rét, nhưng dân không ai dám rớ tới, sợ họa lây. Chúng tôi cũng vậy. Cái bồ lúa như chứng cớ của sự “bí hiểm” đáng sợ của vùng “Đất chết” này.

Tháng 10.1970, tất cả các cơ quan tỉnh hoàn tất việc di dời về Tượng Lăn (Takeo). Anh Hai Cừu bệnh kéo dài, Ban quyết định rước anh lên Tượng Lăn trị, nhưng vì khối u đường ruột phát hiện quá trễ. Tôi và Dũng, em vợ anh, có cùng nhóm máu AB với anh, mỗi người tiếp cho anh hơn một đơn vị máu. Chú Tám Hoa nói với anh: “Ráng sống, Cừu ơi! Nhị đang cho mầy máu đó”. Tôi thấy hai giọt nước mắt anh lăn xuống má, nhưng anh vẫn không qua được. Anh hy sinh rạng ngày 10/2/1971 và an táng trước trời sáng tỏ. Khi đi chôn anh, tôi còn đảm trách nổi một đầu khiêng. Sáng hôm sau tôi vẫn khỏe, nên chủ quan nói: “Có gì đâu mà khi lấy máu, ông Năm Đình, Tư Duy Linh hù mình coi chừng xỉu”. Mà xỉu thật. Cũng buổi sáng ấy, khi đang đi gài bẫy gà rừng với Ngoan chung quanh bồ lúa của Khơ-me đỏ, vừa nói, tự nhiên tôi xây xẩm rồi quị xuống, Ngoan phải kè tôi về. Tiếp theo, tôi lại trải qua một trận sốt rét ác tính kinh hoàng. Trên đường đưa tôi đến Dân y tỉnh do anh Ba Thạo đèo bằng xe đạp, giữa đường, tôi bị sốc, ngưng tim, giãy giụa, nhưng nhờ Hai Ngoan mang thuốc theo, chích cho một ống Ô-a-pê-in, nên tỉnh lại. Đây là loại thuốc chống sốc tim, nhưng phải chích tĩnh mạch mà còn nhức, đàng này lại chích bắp do quá gấp nên nó nhức như bị cá trê trắng đâm, đau rất lâu. Anh em Sư đoàn chủ lực chết cũng khá nhiều vì bịnh, chỉ có An Giang là không có chết, phần có đủ thuốc, phần nhờ có Bác sĩ Khánh có sáng kiến dùng Quininmax truyền qua tĩnh mạch mới chận nổi cơn sốt rét. Tôi cũng có may mắn ấy. Công Bác sĩ Khánh lớn lắm!

Cách mạng đang thoái trào (1970-1971) mà căn cứ đầu não của tỉnh lại ở vùng “Đất chết” nên có biết bao sự cố xảy ra trong cơ quan Ban Tuyên huấn. Sau anh Hai Cừu chết, đến chuyện cô nhân viên Văn phòng Ban lấy chồng bộ đội, chẳng những không hạnh phúc mà còn kéo cả cơ quan vào cuộc “đấu tranh” căng thẳng suýt xảy ra án mạng vì ghen tuông. Vụ án này tôi phải tìm hiểu và “phá án” thành công sau hơn hai năm, đến khi đứa con đầu lòng của cô này hơn một tuổi. Nghiêm trọng nhất là ở tiểu ban Giáo dục, đang mở lớp văn hóa bồi dưỡng cán bộ, trong đó có số con em chuẩn bị đi học ở miền Bắc. Cháu Thọ là con anh Ba Đủ, cán bộ xã Ba Chúc. Cháu độ 15-16 tuổi, dậy thì, đẹp gái. Thầy giáo Bé yêu đương hồi nào không hay. Cháu còn vài ngày nữa lên đường ra Hà Nội. Như “cọp theo con mồi”, biết Thọ đem bàn nạo dừa đi trả cho cơ quan Thương binh – Xã hội tỉnh, Bé đón đường và hành động dã man rồi xiết cổ chết để bịt đầu mối. Ba bốn ngày sau mới phát hiện, mà chính Bé chỉ hướng cho học trò phát hiện.

Mùa khô năm 1971, sau Tết Âm lịch, Ban gọi bộ phận đi chiến trường về Tượng Lăn. Tháng 8.1971, Trung ương Cục chủ trương tách các huyện Tây sông Hậu thuộc tỉnh Châu Đốc cũ nhập với Kiên Giang lập ra Tỉnh Châu Hà. Ban Tuyên huấn có anh Năm Đức về tỉnh mới, anh Mười Trị về huyện Tân Châu. Ngày 9/8/1971 Minh và Quới được kết nạp vào Đảng tại Tượng Lăn. Sau khi chia tỉnh, tháng 10.1971, được lệnh dời cơ quan về tiếp cận biên giới. Chúng tôi rùng rùng tháo trại lên đường. Có người mừng quá, khi ra khỏi bìa rừng, quì xuống lạy ba lạy vùng “đất chết” và không mong có ngày trở lại.

clip_image012

Ảnh Phương Ngoan 8/1971: Hàng đứng: Bảy Nhị, Chín Hưng, anh Tám Lai, Năm Lợi, Quới, Ba Nhu; hàng ngồi: Minh, Chín Lĩnh và chú Tư Hoàng. Trước khi về đồng bằng – Biên giới.

Rời “Đất chết” chúng tôi về lại sông Hậu. Tại Pongkong – Sơn-khơ-mau tháng 11/71, Minh chuẩn bị đi học văn hóa ở Miền Bắc, chúng tôi hứa hẹn chờ nhau và tôi lấy viết ghi vào sổ tay của Minh lời ru trẻ của các bà mẹ, bà chị:

Nhạn về đất Bắc nhạn ơi/ Bao thuở nhạn hồi kẻo Én đợi trông”, nhưng rồi có tin “là Đảng viên không thuộc diện đi học văn hóa lần này”, Minh lại không đi trong khi gia đình, nhất là ba của Minh lại rất muốn. Nhưng Minh cũng không buồn vì cũng như tôi, Minh không thích được “ưu ái” vì là con em cán bộ mà dư luận xã hội xưa nay không đồng tình. Tình cờ thấy mấy dòng nhật ký này của Minh hơn một năm sau sự kiện đi học mới hiểu hết tâm trạng Minh rất không muốn được “ưu ái” hơn người.

clip_image014

Tỉnh ủy lúc này có chủ trương tiếp tục chọn con em cán bộ cho học văn hóa tập trung để gởi đi miền Bắc đào tạo lâu dài. Tôi bàn với gia đình, xin với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đem các cháu Bân, Khoe vào cơ quan Tuyên huấn, cho đi học Bổ túc Văn hóa Công nông tỉnh; riêng cháu Nghĩa, anh Tư đem về Tỉnh đội công tác. Tại đây, Phượng và Công thành hôn và Phượng theo về R. Trước đám cưới, Phượng rủ tôi đi thăm hai cháu Bân, Khoe và cũng để Phượng chia tay với anh chị em bên Giáo dục lúc này đang ở gò Củ Chi cách con sông Bassac về hướng Tây trong tầm 3-4 cây số. Trên đường vắng vẻ, chỉ hai người giữa đồng, lúc nghỉ đụt nắng chiều dưới gốc cây lộc vừng, bất ngờ Phượng hỏi làm tôi lúng túng: “Anh Bảy à, từ trước đến giờ, đàn ông con trai ai quen em cũng đều “dê” em hết, còn anh sao vậy?”. Tôi phản ứng vụng về: “Anh có chớ, tại em không biết thôi!”. Tuy tôi cảm thấy quê quê vì không dám nói thật là mình đã có Minh rồi, nhưng sau đó lại thấy mình xử lý tình huống thế là tốt. Khi còn ở Tượng Lăn cũng vậy, chú Tư Hoàng cũng quyết liệt lo vợ cho tôi, mọi việc của “phân nửa kia” ông sắp xếp cơ bản xong nhưng tôi thì… không dám thật lòng nói là mình có Minh rồi, làm mọi người thất vọng!

Tại Sơn-khơ-mau, bằng văn bản số 02/TH ngày 22.1.1973: V/v củng cố thành phần Ban Tuyên huấn tỉnh, Ban phổ biến Quyết định số 57/QĐ2 ngày 20.12.1972 của TV VB8 (Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang). Trong đó, ngoài Lê Kim Sanh (Tám Hoa, Phó Ban trực), Trương Ngọc Diệp (Ủy viên phụ trách Trường đảng), Lương Văn Khách (Bảy Hà, Ủy viên phụ trách Tuyên truyền); còn lại, anh Mười Minh (Trợ lý Huấn học), Đoàn Lập (Trợ lý Giáo dục), Bảy Nhị (Trợ lý Thông tấn – Báo chí), Năm Danh (Trợ lý Văn Nghệ). Riêng Sáu Tài được Ban phân công làm Trưởng đoàn Văn công, trước đó không lâu. Thông báo phân công này của Ban đồng thời với quyết định của Tỉnh ủy đề bạt chúng tôi từ cơ sở Đảng (2.1968) lên sơ cấp Đảng (20.12.1972) do Bí thư Tỉnh ủy Võ Thái Bảo ký.

Cách phân công “phụ trách” hay “trợ lý” như vầy không giống ai, không theo trật tự hành chánh nào nên anh em chúng tôi bị nhiều thiệt thòi trong vấn đề lương và chánh sách cán bộ. Và cho đến giờ này, trong thế giới “Xã hội chủ nghĩa” có lắm cái gọi là “đặc thù”, “đặc sắc”, “bất phương trình”, đặc biệt là về thể chế, cơ chế, pháp chế rất tùy hứng, không giống ai, nên “nhập bầy” rất khó.

clip_image016

Lễ mừng thượng thọ chú Tám Hoa tại nhà Chú ở Nha Mân – Sa Đéc.

N.M.N.

Comments are closed.