Chuyện đời tôi (kỳ 24)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

Tứ giác Long Xuyên

Tỉnh ủy An Giang chủ trương giải quyết đất đai gắn liền với chủ trương tăng vụ, khai hoang. Theo chỉ đạo của Chính phủ, trực tiếp là đồng chí Võ Văn Kiệt, sau chương trình khai thác Đồng Tháp Mười (1987) đến chương trình khai thác Tứ giác Long Xuyên (1988). Ban Chỉ đạo của tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch làm Trưởng ban, tôi là Phó ban. Đến cuối năm 1990, tôi được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu vạch ra ban đầu: sau 10 năm (1989-1999) là khai hoang, phục hóa, chuyển vụ (xóa lúa mùa) làm lúa Thần Nông từ một vụ lên hai vụ trên toàn diện tích phần ở An Giang. Nói Ban Chỉ đạo chớ thật tình chỉ có Sở – ngành Nông nghiệp, Chánh quyền địa phương và Nông dân làm chớ các Ban chỉ đạo kiểu này mà làm được gì, nếu làm được thì Ủy ban tỉnh tồn tại để làm gì? Một kiểu tổ chức giống như Võ Tắc Thiên tổ chức đội quân chinh phạt Lư Lăng Vương trong truyện Tàu mà nay ta hay làm hoài cho đến nay.

Nhận nhiệm vụ khai thác Tứ giác Long Xuyên, lòng tôi bồi hồi xúc động, vì công việc quá nặng nhọc mà mình chưa hình dung hết, đồng thời cũng xem đây là cơ hội thực hiện lời hứa “lãng mạn” trong bài thơ ngày 20.10.1964, khi Đài Minh Ngữ của tôi rời Trấp Xẻ – Đồng Tràm về đóng ở Xóm Thúng xã Lương Phi, nơi mà bốn năm trước đó – 1960: “Một mình suy nghĩ một mình đi”, tôi đi tìm bộ đội đầu quân và “bị đuổi” về. Bài thơ có mấy câu, xin nhắc lại như “làm chứng”: “Trấp Xẻ ơi, ta chia tay/ Tạm xa rồi cũng có khi trở về/…”. Và: “Ngày mai đất nước yên hàn/ Ta càng gần gũi với rừng thân yêu/ Đào kinh dẫn nước ngọt vào/ Khai hoang, giâm hạt giống vào nơi đây/ Máy cày hối hả đêm ngày/ Nông trường, nhà máy… Ở đây đổi đời”. Tôi không ngờ phút lãng mạn năm nào giờ cơ hội biến thành hiện thực đã đến: Làm được là “hứa” thật, bỏ mứa là “hứa” giả; “lãng mạn” thành lãng xẹt! Tôi càng khắc nhớ và quyết tâm.

Tứ giác Long Xuyên là tên gọi từ thời Pháp thuộc. Đó là vùng đất hình vuông không cân, giống như hình thang, có bốn góc là Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá. Trong đó, có hai cạnh tự nhiên: Bờ Tây sông Hậu từ Châu Đốc xuống đến Long Xuyên – Quốc lộ 91, bờ biển Tây, có con kinh xáng do người Pháp đào và Quốc lộ 80 nằm song song từ Hà Tiên xuống đến Rạch Giá. Còn hai cạnh “nhân tạo” đều do ông Thoại Ngọc Hầu đào nối từ rạch Đông Xuyên xuống Rạch Giá gọi là kinh Thoại Hà (1818) và kinh Vĩnh Tế từ Châu Đốc qua Hà Tiên (1819-1824) dưới thời Vua Gia Long và Vua Minh Mạng. Tổng diện tích khoảng 500.000 ha, trong đó phần tỉnh An Giang 239.200 ha, chiếm 47,43 % toàn vùng nhưng lại bằng 69,80% của tỉnh.

clip_image002clip_image003

Để khai thác nhanh vùng đất hoang hóa và nhiễm phèn nặng, Tỉnh ủy chủ trương: Đất bỏ hóa nhưng có chủ, cho họ nhận lại khai thác, nếu còn dư giao lại Nhà nước để cấp người khác. Đất hoang được cấp cho mỗi hộ 3 ha, ưu tiên cho người tại chỗ; người tại chỗ không có vốn thì có quyền hợp tác hoặc cho người khác mượn khai hoang mà không bị thu hồi, thực chất là giúp họ tạo vốn ban đầu từ tiền người khác. Đất bỏ hóa của bà con Khơ-me thì kiên trì vận động để họ tự giải quyết chia đất trong dòng họ, ta không can thiệp như đất hóa của người Kinh, cho dù họ rất chậm trễ. Trong thực tế, có nhiều hộ là người tại chỗ nhưng do nghèo và thiếu kinh nghiệm hoặc cán bộ được cấp rồi cho mượn hoặc bán rẻ lại cho người khác dưới danh nghĩa “cho mượn” mà cũng không ai bươi móc ra làm gì, vì đó là quyền lợi chánh đáng của người nghèo mà họ được hưởng, tất nhiên có sai yêu cầu “trực canh”, song vẫn tích cực hơn kẻ ỷ thế cậy luật đất đai mà cướp không hoặc mua rẻ của nông dân rồi bán dự án mà giàu sụ như sau này! Rõ ràng Tỉnh ủy chỉ lãnh đạo, hướng dẫn dân chớ không cho cán bộ đảng viên xía vào chia chác.

clip_image005

Nông trường An Thành (Vĩnh Nhuận – Châu Thành)

clip_image007

Lúa mùa nông trường An Thành trước khi chuyển vụ

clip_image009

Xã Vĩnh Nhuận. Trên bờ kinh Cấp II mới đào phục vụ cho khai hoang, chuyển vụ

Tôi bắt đầu Chương trình Khai thác Tứ giác Long Xuyên từ hiện trạng làn ranh lúa Thần nông và lúa mùa, đất bỏ hóa và hoang phèn… sau hậu các xã cặp bờ Tây sông Hậu từ Châu Đốc xuống Long Xuyên và từ chánh sách điều chỉnh đất đai, cấp đất cho dân trước làm động lực, tiền đề. Một sự kiện có tính chất đột phá và có tác động tức thời cho chương trình khai thác Tứ giác Long Xuyên là tháng 3.1987, lúc đó tôi làm Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy, tôi và anh Lê Tấn Pháp, Trưởng ban Tổ chức Chánh quyền tỉnh kiêm Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy, thống nhất đề xuất cử Đoàn Ngọc Phả, kỹ sư nông nghiệp, đang làm cán bộ Ban Xây dựng huyện của tỉnh về làm Chủ tịch xã Vĩnh Nhuận trước khi tôi về Sở Nông nghiệp ngót một năm. Đây là lần đầu tiên thí điểm đưa cán bộ đại học về xã nên được Ban Tổ chức Tỉnh ủy ưu tiên cấp cho căn nhà cấp 4, loại nhà tỉnh cất cho cán bộ kháng chiến. Chủ tịch xã này tiếp theo là Đoàn Văn Hổ cũng là kỹ sư đo đạc bản đồ, được Phả vận động xin về từ Ban Quản lý ruộng đất tỉnh.

clip_image011

Lãnh đạo và cán bộ Sở Nông nghiệp cùng huyện Châu Thành tham quan công tác khai hoang phục hóa

tại xã Vĩnh Nhuận – đồng chí Đoàn Ngọc Phả, Bí thư xã ngồi thứ 2 từ phải qua,

đồng chí Đoàn Văn Hổ, Chủ tịch xã đứng bìa trái, kế tiếp là cô giáo Tuyết của tôi năm xưa (đã kể trong Tập I).

Hôm tháp tùng cùng Chủ tịch Ba Đức đi xuống cơ sở lần đầu tiên sau mấy ngày nhận chức Giám đốc Sở, đó là xã Vĩnh Nhuận huyện Châu Thành, gặp lại người mình chọn (Phả) và nghe báo cáo công việc trôi chảy, tôi rất mừng và thấy có thể học tập từ thực tế rất sinh động cho công việc mình còn rất mới mẻ này. Các đồng chí có sáng kiến kết hợp giải quyết đất đai với chuyển vụ, phục hóa, khai hoang liên hoàn và cuốn chiếu dứt điểm luôn. Đất lúa mùa, đất bị bỏ hóa thì mời chủ cũ đến hỏi có làm hay không, nếu làm là phải làm ngay, làm hết; nếu không thì phải tự tìm người sang bán hoặc thỏa thuận cho mượn để sản xuất; nếu không nữa thì giao cho chính quyền cấp cho người có khả năng khai thác, không chần chừ. Đất hoang thì cấp cho người có yêu cầu và có khả năng khai phá. Mỗi hộ 3 ha. Các đồng chí còn đi ra ngoài tỉnh huy động máy cày, máy trang làm đường, máy ủi đất về cải tạo mặt bằng ruộng. Một khí thế chưa từng có. Những ngày sau, chúng tôi tiếp tục đến các xã Vĩnh Chánh, Vĩnh Khánh, Vọng Đông huyện Thoại Sơn, họ cũng làm như Vĩnh Nhuận theo chỉ đạo của Tỉnh ủy mà còn có phần trội hơn Vĩnh Nhuận là kết hợp quay đầu đất ra kinh cấp III để ai cũng có tiền, có hậu, dễ cho việc tưới tiêu. Chỉ một mùa khô cơ bản không còn đất trống. Đây là bốn xã “phát pháo tấn công” và có công đầu trên “Con đường An Giang chinh phục Tứ giác Long Xuyên”. Lúc này ai đi ra ngoài tỉnh mướn về được một máy làm đất kể cả xáng cạp, là mừng lắm, xem như bây giờ có công kêu gọi đầu tư được một dự án.

clip_image013

Xáng cần 15 tấn, đào kinh cấp III huyện Châu Phú

clip_image015

Xe máy làm đường, san lấp mặt bằng đất hoang, đất chuyển vụ

rất hiệu quả ở đồng Thoại Sơn.

Hồi đó, các hội nghị sản xuất quan trọng, ngoài các Viện, Trường, Trung tâm…, tôi còn mời đại diện nông dân tiên tiến, nông dân giỏi như: Về làm đất có chị Sáu Hùng, chủ máy cày ở Thoại Sơn; khảo nghiệm lúa giống có anh Ba Củng ở Chợ Mới; trồng rừng – cây keo tai tượng và trồng rẫy trên đất phèn có anh Trang Sủng ở thị trấn Tri Tôn; trồng lúa trên đất khai hoang nước bị nhiễm phèn pH4 có Châu Thành Phú xã Tà Đảnh – Tri Tôn; xây dựng nông thôn mới, giỏi làm từ thiện, xóa nhà tre lá cho dân có anh Tư Lùn xã Tân Lập – Tịnh Biên; trồng và bảo vệ rừng trên núi có anh Ba Ban trên Núi Cấm – xã An Hảo huyện Tịnh Biên… Tùy theo tình hình, sự tiến bộ của sản xuất và sự xuất hiện thêm nhân tố mới mà danh sách mời luôn đổi thay, để nghe họ nói, cập nhật thông tin, tình hình, soi rọi lại chủ trương và việc mình làm để điều chỉnh kịp thời. Có lần hội nghị tại Sở, đến phần kết luận tôi mời Giáo sư Võ Tòng Xuân phát biểu về khoa học kỹ thuật, xong tôi nói với hội nghị: “Ý kiến anh Xuân về vấn đề kỹ thuật là kết luận của tôi đó. Bây giờ tôi chỉ nói thêm về tổ chức thực hiện ở cơ sở mà thôi”. Anh Xuân quay qua tôi khen mà như “cự”: “Ông khôn quá!”.

clip_image017

Ngày nghỉ hưu, về thăm ông Tư Lùn, bên trái tác giả tại

Ủy ban Nhân dân xã Tân Lập – 2005

Tôi bị cuốn hút vào phong trào khai hoang chuyển vụ. Chưa bao giờ thấy đời mình có ích như vậy. Hàng tuần, sáng thứ Bảy, tôi vào họp báo với các Bí thư, Chủ tịch các xã trọng điểm Thoại Sơn, Châu Thành. Có các đồng chí Huyện ủy, Ủy ban và Nông nghiệp huyện dự. Địa điểm là nhà dân hoặc trại ruộng, không về trụ sở xã. Xã nào tổ chức điểm họp phải lo bữa cơm có thịt chuột hoặc sang hơn thì thịt chó với rượu đế. Rất vui! Mọi khó khăn được giải quyết tại chỗ. Thống nhất những công việc mới và hẹn địa điểm họp tuần sau. Thường, tôi chọn xã nào làm còn yếu để làm điểm họp báo tuần sau. Nội trong tuần sau, xã yếu sẽ trở thành xã mạnh liền, vì tâm lý không ai chịu thua ai.

Anh Lê Văn Minh, Chánh Thanh tra Sở là cán bộ miền Bắc chi viện, rất năng nổ, bộc trực, làm việc rất hiệu quả, nắm chắc luật nhưng cũng rất thực tiễn và cởi mở, được tôi ủy quyền thay mặt trực tại trung tâm vùng Tứ giác Long Xuyên – tuyến kinh Mớp Giăng để tiếp nhận thông tin, cùng xã giải quyết tranh chấp đất trong quá trình điều chỉnh chủ sử dụng, cấp đất cho chủ mới và quay đầu đất, v.v. Những việc lớn hơn hoặc còn chưa thống nhất, chờ tôi vào cùng giải quyết. Anh làm việc rất hăng và cũng rất hiệu quả. Nhưng khi hứng, nhất là trong liên hoan, anh thường bộc lộ nhược điểm dễ bị hiểu lầm. Có người cho rằng tôi quá tin anh. Mà tôi tin thật, vì tôi cho rằng mình nhìn người không sai. Đến bây giờ, tôi cũng tự thấy mình không có công gì đặc biệt mà chỉ được mỗi một việc: Biết người giao việc, biết nơi khó để có mặt, biết khâu nào cần lấy làm điểm đột phá để tác động vào cái tổng thể và biết cân nhắc sử dụng nguồn vốn ngân sách hoặc huy động của dân rất hạn hẹp sao cho hiệu quả cao nhất trong làm thủy lợi, và biết dè chừng kẻ tham nhũng, v.v. Còn lại người khác làm hết!

clip_image019

Thứ Bảy hàng tuần tôi (người đội nón lá) vào trọng điểm họp báo.

clip_image021

clip_image023

Lễ khởi công nạo vét Kinh Ấp Chiến lược Núi Chóc xã Vọng Đông (huyện Thoại Sơn) cho vụ Đông Xuân 1988 -1989,

do Công ty Antesco tài trợ toàn bộ kinh phí – Huỳnh Quang Đấu Giám đốc ANTESCO bìa phải (ôm cặp).

Cái khó lúc này là chánh sách và luật pháp đã lỗi thời lạc hậu, nhiều cái phải bỏ, nhưng cái mới là gì không ai biết, chỉ lấy tấm lòng vì dân và sự trong sáng, nhiệt tình Cách mạng mà vận dụng. Do đó giữa lãnh đạo và cán bộ phải có sự hiểu biết nhau, tin nhau mới làm được; nhưng nếu bây giờ mà làm kiểu đó hết thì không ở tù mới là lạ. Vì hồi đó gian tham còn sợ con người Cách mạng! Các anh Phó Giám đốc Sở như Tư Nhã, Ba Thu cũng thường đi cơ sở, hoặc thay tôi chủ trì các cuộc họp giao ban tuần như đã nói. Đồng chí Lê Minh Tùng thường đi cùng tôi để làm công tác khuyến nông và giúp tôi chỉ đạo về mặt khoa học – kỹ thuật, nhất là về đất, nước, phân bón và các giống lúa thích nghi với vùng đất. Các công ty thuộc Sở phục vụ rất tích cực cho sản xuất theo chỉ đạo của Sở. Ngoài ra, các công ty còn hỗ trợ cho xã, huyện như Antesco cho tiền nạo vét kinh Xã Võng (Lạc Quới – Tri Tôn), kinh Ấp Chiến lược Núi Chóc (Vọng Đông – Thoại Sơn), AFIEX hỗ trợ Trại giống Thoại Sơn, v.v.

Hôm làm kế hoạch đào kinh cấp II vùng Tà Đảnh, Cô Tô, Tân Lập… thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, anh Ba Đức – Chủ tịch, Út Vũ – Phó Chủ tịch trực, than hết vốn. Tôi đề xuất, nhờ đồng chí Ba Thơ, Giám đốc Công ty AFIEX vay hộ cho ngân sách, bởi đào sớm ngày nào thì tiến độ khai hoang, sản xuất nhanh ngày ấy, sau ba năm có thu được thuế nông nghiệp là có trả nợ. Các anh đồng ý và đồng chí Ba Thơ cũng rất nhiệt tình. Tôi hay nhắc câu ông bà ta hay nói: “Nợ mòn, con lớn” để động viên sự yên tâm của người chưa từng vay vốn làm ăn. Và kế hoạch trả nợ từ thu thuế sử dụng đất mới khai hoang sau ba năm đầu miễn giảm, chúng tôi cũng trả được nợ vay ngân hàng.

Nhiệm vụ trọng tâm lúc này là khai thác vùng đất phèn nặng còn lại nằm trong “rốn” của Tứ giác Long Xuyên thuộc hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên giáp với tỉnh Kiên Giang hay còn gọi là rốn phèn của vùng phèn và khởi động “Chương trình Xây dựng nông thôn của Sở” từ xã điểm Tây Phú, năm 1991 để sang năm 1992, Ủy ban tỉnh chánh thức ra Quyết định thành lập “Chương trình”, bắt đầu từ những xã đã hoàn thành sản xuất hai vụ, có điều kiện kinh tế làm cơ sở. Nghe “Chương trình Đồng Tháp Mười” bên đó trị phèn thành công, ngày 30.12.1994, tôi và anh Sơn Nam sang Ủy ban tỉnh Đồng Tháp nhờ người dẫn xuống Nông trường Giồng Găng, nghe kinh nghiệm trị phèn để làm kế hoạch tấn công vào rốn phèn Tứ giác Long Xuyên như đang thách thức; xây dựng nông thôn mới trên vùng kinh tế mới, kết hợp xem điện năng lượng mặt trời trang bị cho cụm, tuyến dân cư dự trù xây dựng cho vùng sâu chưa có điện lưới thuộc Tứ giác Long Xuyên. Trời tối, kinh rạch nhỏ và ngoằn ngoèo mà cậu lái ô-bo của Văn phòng Ủy ban tỉnh luồn lách rất thông thạo, chứng tỏ Ủy ban Đồng Tháp họ đi nhiều, sâu sát với công việc nơi “khỉ ho cò gáy” nên chủ trương của Chánh phủ mới thành công. Tự nhiên tôi nhớ đến chú Mười Nhẹ, Bí thư Long Châu Tiền, sau Giải phóng là Chủ tịch tỉnh rồi làm cố vấn cho chương trình Đồng Tháp Mười có mẫu người như chú Sáu Dân; vậy cho nên, những người kế tục cũng có người thừa hưởng được âm đức ấy. Qua chuyến đi, Ủy ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh (chỗ anh Sơn Nam) trang bị thử cho hai cụm điện năng lượng mặt trời nhưng do tỉnh kéo điện lưới rất nhanh nên kế hoạch trang bị tiếp phải ngừng lại. Còn việc học kinh nghiệm trị phèn cũng rất có kết quả, bởi bản thân tôi cũng từng theo ba tôi khai hoang, trị phèn ngay trên đất kinh Tám Ngàn – Tứ giác Long Xuyên hồi kháng chiến chống Pháp và cả chống Mỹ, nên ít nhiều có kinh nghiệm, nên nghe và nhìn qua là hiểu ngay. Không như lời đồn thổi “Kinh nghiệm Hà Lan” hù dọa để chạy bỏ đất phèn!

clip_image025

Bảy Nhị đang trao đổi với nông dân Châu Thành Phú (áo trắng) có kinh nghiệm trị phèn ở xã Tà Đảnh huyện Tri Tôn.

Ảnh: Đài Truyền hình Vĩnh Long.

Cánh đồng các xã Tà Đảnh, Cô Tô, Ô Lâm, An Tức, Lương Phi, Ba Chúc, Vĩnh Gia… (huyện Tri Tôn), Nhơn Hưng, Văn Giáo, An Hảo, Tân Lập… (huyện Tịnh Biên) rất phèn, mà là phèn nhôm mới ngặt. Riêng xã Nhơn Hưng, quê tôi có cánh đồng mấy trăm héc-ta có tên là Trảng Phèn, toàn cỏ năng, bỏ hoang từ khi ông cha tôi đến đây lập làng khai hoang cả trăm năm trước. Nước dưới kinh mới đào trong vùng phèn, độ pH bình quân là 4. Riêng vùng Ô Lâm, An Tức, Lương Phi… (giáp Kiên Giang) có khi chỉ là 3. Trời trưa nắng gắt, đi trên bờ mà còn ngửi được mùi tanh của phèn bốc lên rất khó chịu. Chim, cò, rắn, thậm chí đến chuột cũng không còn (vì không có nước uống). Cứ sau Tết âm lịch, nước dậy phèn, cá rô bị nổ mắt chết trắng. Nước đỏ quạch màu cà phê. Đâu có ai ngờ cánh đồng giáp với Kiên Giang trong hai cuộc kháng chiến bạt ngàn là tràm, các loại sản vật nhiều thôi vô kể, phèn chỉ có dăm ba tháng đầu mùa mưa ở ven kinh trục do Pháp đào, còn lại là đất trầm thủy, có rừng tràm điều tiết nên vẫn là nước ngọt. Những năm 1947-1954, trên tuyến kinh Tám Ngàn, ong mật về làm tổ sau hè, quạ vào nhà tôi “khiêng” bắt heo con mới đẻ. Ban đêm rùa vào nhà đẻ trứng. Rắn hổ nhiều đến phát sợ. Người xưa ở đây không ai chết vì bom đạn của Tây, nhưng có chết vì rắn cắn. Chỉ sau Giải phóng có mấy năm, dân ta phá nhanh thật, sạch cả rừng. Đói mà! Cánh đồng trở thành đất chết.

Để chỉ đạo kỹ thuật cho tốt, hạn chế rủi ro cho nông dân, bản thân tôi cũng xin đất khai hoang ở xã Tà Đảnh, xã Ô Lâm làm để rút kinh nghiệm chỉ đạo kỹ thuật. Hai năm ở Ô Lâm bị lỗ nặng liên tục, ở Tà Đảnh chỉ lỗ năm đầu rồi sau đó có lãi ít. Nhưng dư luận cũng nghiệt ngã, đồn đại tôi bao chiếm đến 600 ha đất, là địa chủ. Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy phải vất vả nhiều bận đi xác minh, không chỉ vụ đất khai hoang mà còn nhiều chuyện động trời khác nữa. Đúng là Tứ giác Long Xuyên đối với tôi là hạnh phúc và cũng là nỗi đau! Tôi quá ngao ngán, giao đất lại cho Nông trường và sang thành quả lại cho Trại giống tỉnh với giá vốn khai phá năm đầu không cộng phần lỗ trong sản xuất nhưng được lời là tôi hiểu thêm về đất phèn và dân nghèo, cũng như hiểu sâu hơn “các đồng chí” để sống và chỉ đạo sao cho có lợi!

Nhờ nguồn nước ngọt từ sông Hậu và kinh Vĩnh Tế, Bộ Thủy lợi cho vét các kinh trục do người Pháp đào, các kinh cấp II lấy nước từ kinh trục do tỉnh đào; huyện, xã cùng nhân dân đào kinh cấp 3 (xương cá), giữa các kinh cấp 3 xẻ thêm các kinh phèn. Mỗi thửa đất của mỗi hộ còn có mương phèn rộng 1m đổ ra kinh phèn. Giữa hai mảnh ruộng là hai bờ mẫu, khoảng cách hai bờ là rãnh phèn khoảng 50cm (thông thường chỉ có một bờ mẫu). Vì phải làm mương phèn và rãnh phèn, đất sản xuất chỉ còn 90% diện tích. Nước từ kinh cấp 2 được bơm lên theo đường nước nổi vào ruộng. Nước từ ruộng thấm thấu qua bờ mẫu xuống rãnh phèn, ra vuông phèn, ra kinh phèn rồi ra kinh cấp 3, từ đó đổ ra kinh cấp II, hòa vào kinh trục (cấp I) và đổ ra biển. Cái vòng tuần hoàn nhân tạo ấy vừa ém phèn (khi bơm nước vào), vừa rửa phèn (khi nước thấm thấu qua bờ mẫu) cứ cải thiện dần độ pH dưới kinh và trên mặt đất ruộng. Kết hợp thủy lợi rửa phèn, tôi chủ trương mua phân Apatít Lào Cai, lân Văn Điển về bón thay cho bón vôi như đề xuất ban đầu của các nhà khoa học, vì khi tôi bón thử nghiệm trên đất tôi khai hoang ở Ô Lâm, vôi bay ngột thở và hiệu quả không dài lâu như phân lân Văn Điển. Thấy được hiệu quả, các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn… cử người ra tận nhà máy mua và vận chuyển về bằng xe lửa. Hai, ba năm đầu, những nơi nước dưới pH 4, nông dân bị trắng tay liên tiếp. Người nghèo được cấp đất bị nợ nần, bỏ đất trốn nợ. Thật thảm não! Bà Mười ở Thoại Sơn là gia đình có công Cách mạng, đi khai hoang ở xã Ô Lâm (kinh Ninh Phước) mấy lần đi bộ từ đó ra Long Xuyên mấy chục cây số đến nhà gặp tôi khóc lóc, tôi cũng không cầm lòng được với bà. Lần cuối, tôi vào thăm, được biết bà đã bỏ đất, để lại nợ và có lẽ đã về quê.

Từ kinh nghiệm trực tiếp khai hoang, làm ruộng hai bờ cho rỏ phèn, sau hai ba năm đất đã bớt phèn, tôi chủ trương ban bớt một bờ ruộng, diện tích sản xuất khôi phục lại gần như 99%. Các giống lúa khảo nghiệm có IR 50404 tỏ ra chịu phèn vô địch, năng suất cũng vô địch, ngắn ngày, ít sâu bệnh, nhưng có điều là bạc bụng, chỉ làm được gạo 25% – 35 % tấm. Tôi xin ý kiến Thường trực Ủy ban, cho giống này vào vùng đất phèn nặng, anh Ba Đức (Chủ tịch) nói: “Sợ dân mê rồi bỏ không được”. Tôi cho rằng gạo loại này của ta chiếm hơn phân nửa thị trường xuất khẩu nên không ngại. Tất nhiên, khi lương thực xuống giá thì thương lái làm eo, đè giá nông dân, chê gạo giống lúa IR 50404 “bạc bụng” cũng như nhà máy đè giá cá tra thì chê là “nhiễm kháng sinh”. Có trời mới cãi lại họ.

Chương trình khai thác Tứ giác Long Xuyên sau 10 năm (1989-1999) cơ bản hoàn thành. Một giai đoạn có ý nghĩa lịch sử từ người chủ xướng – Thủ tướng Võ Văn Kiệt – đến Đảng bộ và nhân dân An Giang. Những vùng đất nghèo ngủ yên lâu nay, những cán bộ xuất thân nông dân đánh giặc và những cán bộ mới trưởng thành từ sau Giải phóng ở các Sở Nông nghiệp, Thủy lợi… ở Thoại Sơn, Châu Thành là trọng điểm của chương trình khai hoang như Út Trung, Tư Vẻn, Bình Thạnh, Năm Thái…, cấp xã có cô Tuyết (Bí thư Vĩnh Chánh), Út A (Bí thư Vĩnh Khánh), Hai Hiểu (Chủ tịch rồi Bí thư Vọng Đông), Phả (Chủ tịch rồi Bí thư Vĩnh Nhuận), Tuyết Phương (Chủ tịch rồi Bí thư xã Tân Phú)… là những xã lớn, phục hóa khai hoang thành công sớm nhất. Ở Tịnh Biên, Tri Tôn có Nguyễn Văn Đảm, Phạm Kim Phượng, Huỳnh Thế Năng, Võ Văn Phin, Trần Thanh Liêm, Dương Văn Thạnh, Trần Văn Cam, Đinh Hoàng Sơn… là những người cực khổ nhiều vì thách thức của “rốn phèn”. Còn nhiều người nữa không nhớ hết, nhờ họ mà ngọt dần một vùng rộng có trên 100.000 ha của An Giang còn hoang hóa. Một khi ý Đảng, lòng dân được cộng hưởng, sức mạnh tổng hợp được phát huy, niềm vui từ luống cày trên cánh đồng phèn bất tận được đơm hoa kết trái!

Hôm sau Đại hội VIII tỉnh (2005), tôi và anh Tám Liễng đi một vòng về vùng Tứ giác, dọc tuyến kinh Mớp Giăng, thăm các cán bộ chủ chốt ngày nào cùng tôi vất vả khai phá cánh đồng này. Giữa cầu Vọng Đông, tình cờ gặp chị Sáu Hùng (chủ máy cày) và chị Sáu Trang (dân trồng rừng giỏi), cô Hiểu reo lên và kêu ngừng xe. Tôi không kịp nhận ra hai chị nữa vì đã gần 15 năm sau khi kết thúc nhiệm vụ ở vùng trọng điểm I của “Chương trình Khai thác Tứ giác Long Xuyên” (Thoại Sơn và Châu Thành), 1988-1991, tôi không gặp lại các chị. Nhưng anh Tám Liễng không quên. Mừng quá, không nói gì nhiều. Trông dáng vẻ hai người tuy già nhưng phúc hậu. Có lẽ, các chị không phải cực khổ như ngày nào điều hành máy làm đất hoặc cùng nhân công trồng tràm. Nhiều lớp nông dân sau các anh các chị, nối dài theo dòng nước ngọt, đuổi hết nước phèn ra khỏi tỉnh, một vùng đất mênh mông đỏ phèn ngày nào nay là cánh đồng 11 tấn/2 vụ/năm mà những năm 1990 tôi ước mơ 10 năm sau năng suất vùng này tương đương Phú Tân, Chợ Mới lúc đó. Còn bây giờ, sau 20 năm, năng suất lúa đã qua mặt các huyện Cù lao rồi. Hạnh phúc này đã được chia đều cho mọi nhà, mọi người, trong đó có tôi.

Nhưng cũng cần nói thêm lý do sao vùng cù lao tụt năng suất? Vì nơi nào đi đầu lên sản xuất ba vụ lúa ròng trong năm thì đất bạc màu, năng suất tuột là phải rồi. Hồi đầu, tỉnh làm qui hoạch sản xuất vụ 3 chỉ khoảng 80 ngàn ha chủ yếu ở Chợ Mới, Phú Tân, Thoại Sơn, Long Xuyên,… Có lúc tỉnh chủ trương ba năm tám vụ, nhưng khi hăng thì không ai can nổi. Có nơi chánh quyền ép dân lên bờ làm ba vụ, sau lại có nhiều nơi dân ép chánh quyền không được bỏ vụ 3, không được xả lũ! Hậu quả nay rõ rồi. Nhưng cũng có điều ngang trái là nếu không làm ruộng biết làm gì? Cũng như nghèo không phá rừng hầm than thì làm gì? Đi biển “hồn treo cột buồm” ai mà không sợ, nhưng không đi lấy gì sống? Câu hỏi này dành cho cơ quan lãnh đạo và quản lý quốc gia, quản lý ngành và vùng lãnh thổ chớ không hỏi dần lân với dân “Trồng cây gì nuôi con gì” như ông Mạnh và nhiều ông bà khác hay hỏi! Nếu nói làm lúa, nhất là làm lúa Thần Nông từ một vụ lên hai rồi ba vụ, hỏi ai là người công tội? Tôi xin nhận là tôi đã tham gia từ đầu ở Phú Tân năm 1976 cho đến ngày về hưu năm 2006. Công và tội nếu có tôi xin nhận trước hết!

N.M.N.

Comments are closed.