Chuyện đời tôi (kỳ 28)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

Chương III

Còn lại một mình

“Quá độ” và “ế độ”

Gần cuối nhiệm kỳ Ủy ban, đồng chí Ba Đức, Bí thư Tỉnh ủy về Trung ương, lãnh đạo tỉnh đang bận việc nhân sự để bầu Bí thư và Chủ tịch “quá độ” cho đến hết nhiệm kỳ, đồng thời chuẩn bị nhân sự Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 1999 – 2004 và Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa VII. Tình hình này, nếu tôi không lên Chủ tịch thì phải chuyển công tác khác, hoặc về hưu; lên thì không có trong qui hoạch; chuyển thì chuyển đi đâu, làm gì; hưu thì chưa đúng tuổi. Dân đá gà (chọi gà) gọi hoàn cảnh tôi là gà “ế độ”. Nhưng sau khi tôi về hưu, dư luận cán bộ có sự tiếc rẻ: Nếu anh Út Vũ còn làm Bí thư mà tôi làm Chủ tịch, có lẽ là “cặp đôi hoàn hảo”. Biết phải vậy không?!

clip_image002

Đường về làng tôi sau 40 năm ra đi – 1960. Ảnh chụp năm 2000

Tôi lại tự an ủi: Mình đang “quá độ” về tổ chức và cũng không muốn can dự vào cái việc mà người ta không muốn mình tham gia nên tự tìm việc làm như để “lấp chỗ trống” trong đầu óc; cuối tháng 7-1998 tôi bàn với anh em ngành thủy sản, thực hiện chuyến đi mà chúng tôi ấp ủ từ lâu là đến nơi cá basa, cá tra sinh sản ngoài tự nhiên trên sông Mekong ở đất Lào, nơi giáp Ba biên giới Việt – Lào – Campuchia. Được (tân) Bí thư Út Vũ đồng ý, tôi dẫn đầu đoàn anh em cán bộ tỉnh An Giang gồm có: Sở Khoa học, Công nghệ vàMôi trường, Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản (AGIFISH), Công ty AFIEX, Khoa Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ, cùng hai chuyên gia người Pháp là Philippe Cacot và Mare Campest đang hợp tác với Công ty AGIFISH An Giang để tìm hiểu con cá basa tại nơi nó sinh sản ở Hạ Lào, bởi An Giang là tỉnh đầu tiên đã sản xuất được cá basa, cá tra giống nhân tạo, nhưng con cá basa nuôi lên trứng rất ít, khó sản sinh thương phẩm. Lúc này, tuy là cuối mùa sinh sản tự nhiên nhưng cá ngoài sông vẫn còn mang trứng.

Chúng tôi đi qua thị trấn Khe Sanh, đến cửa khẩu Lao Bảo – Den Savanh, vì thủ tục lằng nhằng: Ủy ban không có quyền, phải đợi fax giấy điều xe của Giám đốc Sở Giao thông vận tải An Giang, xe ta mới sang được đất Lào, và vì có hai kỹ sư người Pháp cùng đi theo giấy giới thiệu của Tỉnh cũng không được, buộc phải ra Đà Nẵng lấy thị thực của Lãnh sự Pháp, nên chúng tôi phải vất vả năn nỉ… Vì vậy, phải đến hơn 3 giờ chiều mới qua được đất Lào và được cán bộ cửa khẩu của Lào nồng nhiệt hơn bên Việt Nam, nên chúng tôi đi thẳng đến Savanakhet mới hơn 10 giờ tối và ngủ lại đó. Hôm sau, có sự hướng dẫn của Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Khổng, từ Savanakhet, đoàn chúng tôi đi Champasak đến thác Khône, cách biên giới Campuchia khoảng 8km. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Khổng cho biết: “Tàn quân Pol Pot còn quanh quẩn khu vực này và nơi giáp ba biên giới (Việt – Lào – Campuchia). Chúng thường xuất hiện khoảng 13-16 giờ, đi mua gạo”.

Dọc đường, thỉnh thoảng chúng tôi dừng lại ghé chợ mua cá basa mổ xem trứng, lấy mẫu thức ăn trong bao tử để tính dinh dưỡng; thuê thuyền đi một đoạn trên dòng sông Mekong để quan sát địa hình, đánh giá điều kiện môi trường cá đẻ. Chúng tôi kết luận rằng: Cá ít mỡ mới lên trứng; thức ăn là tép, hến và trái sung chín (thấy trong bao tử). Có lẽ, phải vượt đường xa, nước chảy xiết, tốn nhiều năng lượng nên ít mỡ và với thức ăn giàu đạm là bí quyết cho cá lên trứng sinh sản?

clip_image004

Cả nhà tại thác Khône – 23/7/1998

Chuyến đi hơn hai tuần, tôi không liên lạc về nhà vì điện thoại rất trắc trở. Ở nhà, đồng chí Bí thư trông tôi về để dự Hội nghị Tỉnh ủy bầu thêm một Phó Bí thư. Tôi không quan tâm về dự, vì chưa bầu đã biết kết quả rồi. Một lá phiếu cũng chẳng có giá trị gì trong cái cơ chế tổ chức cán bộ lủng củng mà tôi đã ngán ngẩm. Tôi về chậm, các đồng chí còn sốt ruột, vì một nỗi lo về tôi khá “tế nhị” mà không ai nói ra. Bởi trong chuyến đi này, nhân nghỉ hè, con và vợ tôi tháp tùng cùng đi. Cả gia đình chỉ có ba người đều đi hết cả ba người! Nhờ chuyến đi này, anh em kỹ thuật đã có chế độ nuôi cho cá basa cho trứng thành thục và đẻ thành công mỹ mãn. Trong thành công có sự góp phần to lớn của hai chuyên gia người Pháp với sự đỡ đầu của thầy họ là giáo sư Zerome Lagarad hợp tác với Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang. Hai chuyên gia này có phong cách và thái độ làm việc, mà ở người Việt Nam, tôi thấy rất hiếm có. Sau này, có người tự xưng mình là người đầu tiên cho cá tra, cá basa đẻ, là quá lố; nhưng cũng chính vì cách làm ăn của Việt Nam với hành vi thương mại không lành mạnh, đã đưa con cá tra ra thị trường thay chỗ cho con cá basa lặn lội mở đường. Và điều đó, có nghĩa là con cá basa đang trước nguy cơ tiệt chủng! Hôm Hội nghị Chính phủ, tôi có báo cáo với Thủ tướng và xem đây như “vụ án tình chị duyên em” hết sức nghiệt ngã, làm “thất sủng” một giống loài đặc sản trời cho. Cả Hội nghị cười ầm lên, và cũng có nghĩa là cười trừ!

clip_image006

Bên bờ sông Mekong phía Lào. Sau lưng là bờ phía Thái Lan.

Từ trái qua: người mặc áo bông đứng phía sau không nhớ tên, Philippe Cacot,

Võ Phước Hưng, Nguyễn Minh Nhị, Lê Minh Tùng, Ngô Phước Hậu và Mare Campest.

clip_image008

Trên đường từ Vientiane đến thác Khône, các chuyên gia ghé

chợ nông thôn bên đường mua cá basa mổ nghiên cứu tại chỗ

Đến Thái rồi đến Lào cách nhau sáu năm, tôi có nhận xét: Dân Lào thuần chất, lương thiện nhưng thiếu năng động. Chính vì nhược điểm này cùng hoàn cảnh chiến tranh liên miên và cơ chế quan liêu bao cấp như Việt Nam một thời chưa xa, nên tụt hậu xa so với người Thái gốc Lào ngay tại sáu tỉnh Đông Bắc của Thái giáp Lào vốn là lãnh thổ của Lào bị Thái dùng chiến tranh cưỡng đoạt đến tận bờ sông Mekong như hiện nay. Lào thua “Lào” là do thể chế – cơ chế là quá rõ, kể cả Việt Nam thua Thái cũng là vì vậy, mà hiện tại thì cũng đang lẩn quẩn “trồng cây gì nuôi con gì” mới đau! Hèn nào, có người Thái sau khi qua Việt Nam làm việc mấy năm, khi quay về Thái họ bị ở nhà chê: “Làm biếng giống Việt Nam”! Ngay trong chuyến đi này, tôi để ý thấy hai chuyên gia người Pháp họ rất năng nổ so với ta: Xuống xe vào chợ bên đường là họ mang theo dụng cụ lỉnh kỉnh để mua cá basa xẻ thịt ướp lạnh về nghiên cứu, xuống thuyền đi cặp dòng Mekong phía bờ đất Lào (Thái đối diện), họ thay quần áo nhảy xuống nước lặn rờ xem địa mạo dưới dòng chảy…

Sau đi Lào về, tôi xin đi mổ sỏi thận, vì nó hành mấy năm nay, nhân rảnh rang đi lấy ra cho rồi.

clip_image010

Khi màu xanh lúa Thần Nông vượt qua Trụ Đá Bốn Mặt, lan tới kinh Ranh mới

với Kiên Giang năm 1999, tôi hoàn thành nhiệm vụ Ban Chỉ đạo Khai thác Tứ giác Long Xuyên – An Giang!

Trụ Đá Bốn Mặt giờ thành “mốc” kỷ niệm về “rún phèn lịch sử”.

Kết thúc nhiệm kỳ Ủy ban tỉnh (1999), chuẩn bị bầu cử Hội đồng Nhân dân 3 cấp khóa mới (1999-2004), tôi cũng cơ bản hoàn thành ước nguyện của mình kể từ khi nhận nhiệm vụ làm Giám đốc Sở Nông nghiệp rồi Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế, Phó Chủ tịch Thường trực, tổng cộng có 12 năm trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo “Chương trình Khai thác Tứ giác Long Xuyên” và phụ trách “Tam Nông” của tỉnh, góp phần khai hoang phục hóa toàn bộ đất nông nghiệp; đưa sản xuất nông nghiệp từ một vụ là phổ biến lên hai vụ toàn tỉnh; lượng lúa từ non một triệu tấn lên ba triệu tấn; xuất khẩu trên 600 ngàn tấn gạo/năm; trồng rừng phủ xanh đồi núi trọc; đưa nước sản xuất vùng cao; thoát lũ ra biển Tây, đưa nước ngọt phù sa vào tận rốn Tứ giác Long Xuyên; tranh thủ được Thủ tướng điều chỉnh cho An Giang 9.000 ha đất nông nghiệp, lập thêm hai xã mới; trên cơ sở sản xuất phát triển, đời sống nông dân được nâng lên rõ rệt nhờ thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân cùng làm”, xây dựng các cụm tuyến dân cư, trường học, trạm xá, điện nước, v.v. Nông thôn khởi sắc. Ngay cả nguyện vọng ban đầu của tôi: trình độ canh tác của nông dân và năng suất lúa vùng Tứ giác ngang bằng với ba huyện cù lao; nông dân bỏ thói quen tự để giống mà phải mua lúa giống xác nhận; điện khí hóa và cơ giới hóa từ khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch và sấy lúa… cũng đã thực hiện mỗi năm một nâng lên theo hướng hiện đại. Đồng bào Khơ-me và người nghèo đều được giải phóng đôi vai, không còn ai mặc quần áo vá, không còn đi chân trần và ngủ có giăng mùng (màng) chống muỗi gây sốt rét… Phần lớn ý tưởng ban đầu, sau hơn 10 năm phấn đấu cùng Đảng bộ và nhân dân đạt được, tôi có phần toại nguyện! Thành công, nói cho công bằng là chỉ ở từ giai đoạn “Đổi mới”, trước hết là từ sản xuất nông nghiệp và nhờ cách làm theo như thông lệ xưa nay mà các nước khu vực ASEAN họ làm không gián đoạn nên đi trước ta hàng chục năm, còn ta cứ hết chiến tranh lại đến cách mạng nên chậm bước. Đổi mới hợp với nguyện vọng, trình độ, năng lực của người dân. Gọi tắt là hợp lòng dân. Có người còn ví von “Đổi mới như về cũ” là vậy!

Không biết các anh bàn bạc thế nào, lần này đưa tôi ứng cử đại biểu và làm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh. Một cái chức chỉ có “danh giá” hoàn toàn không phù hợp với tôi là loại người vừa đi, vừa nghĩ, vừa làm. Khi dự kiến chức danh Chủ tịch Hội đồng phải ứng cử ở khu vực Long Xuyên (trung tâm tỉnh), nhưng tôi xin Tỉnh ủy: Tôi ứng cử lần này, hết nhiệm kỳ sẽ về hưu, cho tôi ứng cử ở huyện nhà để có dịp lắng nghe và có thể làm được cái gì đó để đền ơn đáp nghĩa nơi sinh ra và cưu mang tôi đi làm Cách mạng. Tôi và ai cũng vậy, 55 tuổi làm Chủ tịch Hội đồng đến hết khóa là 60 tuổi, nghỉ hưu là vừa vặn. Nhớ khi ra mắt cử tri, Ban Chỉ đạo bầu cử bố trí theo kiểu gò ép đậu theo ý muốn, nên tôi, đồng chí Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Bí thư Huyện ủy và một cán bộ phụ nữ ấp người dân tộc Khơ-me tên Neng Văn Ni đứng chung liên danh ba người, bầu lấy hai. Tôi thấy hơi ngượng cho bản thân và cho cả đồng chí Nguyệt, vậy mà khi bầu, tôi suýt mất nhiều phiếu, nhưng nhờ phát hiện sớm thanh minh được với cử tri. Đó là do cô Nguyệt có chồng trùng tên với tôi, hay nhậu, dân biết, nên họ nói: “Ông này chỉ biết nhậu và say thôi, vậy mà vợ chồng cùng ứng cử”. Thật là xui xẻo!

Cho dù cái chức Chủ tịch Hội đồng không gì quan trọng, nhưng mọi chức vụ trong hệ thống đều phải được qui hoạch, không thì nó đến rất chật vật. Hôm dự họp mặt cán bộ ngành Tuyên huấn kháng chiến Khu 8 ngày 28/12/1999 tại Mỹ Tho, sau khi tôi mới đắc cử Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, ông Ba Niềm (Huỳnh Văn Niềm), người Khu 8 cũ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương nói với tôi: “Mầy làm Chủ tịch tao mừng quá, người ta mới gặp tao xác minh…”. Tôi không buồn hỏi lại người ta nào? Xác minh cái gì!? Sau này, thấy cán bộ sai phạm kỷ luật, tham nhũng quá trời, tôi không hiểu họ qui hoạch và làm qui trình gì vậy?

Nhờ chỉ có làm Hội đồng Nhân dân chuyên trách mà tôi có dịp đi nhiều, nghe nhiều, nhất là đi vào dân nghèo và đồng bào dân tộc Khơ-me. Về công việc, cái đáng nhớ là có lần tiếp cử tri ở xã Tân Lợi, một ông Khơ-me thắc mắc: “Chứng minh nhân dân cũ ghi tên con tôi lớn tuổi hơn ông nội nó. Đó là do Công an ghi sai; nay đổi giấy mới, bắt con tôi xuống Công an tỉnh lục tàng thư, làm sao tôi biết đi đâu?”. Tôi can thiệp để Công an tỉnh xuống địa bàn làm Chứng minh nhân dân mới, hoặc đổi Chứng minh nhân dân cho dân Khơ-me mà khỏi phải đi về tỉnh lục tàng thư để điều chỉnh những sai sót giữa hộ khẩu và giấy Chứng minh nhân dân. Hoạt động của Chủ tịch Hội đồng Nhân dân cũng chỉ theo lập trình và qui trình có sẵn, khỏi phải nói ai cũng biết. Nhưng nhờ vậy mà tôi có thời giờ suy nghĩ được nhiều và chín chắn hơn những vấn đề có tầm chiến lược của Đảng. Và cũng nhờ có điều kiện, lúc rảnh rỗi, tôi lục lọi tìm lại những bài thơ bích báo, thơ tu dưỡng hoặc hứng khởi, cảm xúc dài trên đường kháng chiến từ những năm 1961 đến giờ, tập hợp lại, xin phép Sở Văn hóa – Thông tin, cá nhân xuất bản để làm quà tặng bạn lúc về hưu. Nói là thơ chớ thực tình là những ghi chép có vần vậy thôi, in ra làm kỷ niệm, kể cả kỷ niệm ngu ngơ, tăm tối một thời trai trẻ hăng hái. Tôi luôn tìm việc để làm trong lúc rảnh, tìm niềm vui trong lúc buồn. Nhờ vậy mà luôn luôn tạo được thế cân bằng cho mình trong mọi hoàn cảnh. Nhờ hai năm làm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, tôi tăng trọng thêm 8kg. Mập! Đó là cái kỷ niệm hay nói đúng hơn là sự lãng phí thời gian mà tôi đã bước qua tuổi 55 rồi, như mặt trời chiều “rơi” nhanh lắm. Tiếc thật!

clip_image012

Ông Huỳnh Văn Niềm (đứng giữa)

“Phút 89”…

“Chủ tịch mì ăn liền”

Đầu tháng 1.2001, Đại hội Đảng bộ tỉnh, đồng chí Út Vũ, Bí thư Tỉnh ủy nghỉ hưu, đồng chí Chủ tịch Ủy ban lên làm Bí thư. Tôi là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân được bầu làm Phó Bí thư. Đồng chí Khanh là Phó Bí thư trực. Tôi không được qui hoạch làm Chủ tịch, tất nhiên Khanh làm. Nhưng các anh lãnh đạo cũ mới rút ra để nghỉ hưu như anh Út Vũ không tán thành, vì không ai chấp nhận hai anh em cô cậu nắm hai chức vụ cao nhất, quan trọng nhất của Đảng và chính quyền.

Tình hình lúc này đang nổi lên: GDP năm 2000 tăng hơn 4%, thấp nhất từ trước đến nay, trong đó nông nghiệp âm (-) hơn 2% là điều chưa từng có, chỉ riêng dịch đạo ôn đã mất gần 300.000 tấn lúa, mất mùa mà không ai báo cáo, dân đi khiếu kiện đầy đường, nhất là đồng bào Khơ-me đấu tranh có xu hướng manh động; các công trình xây dựng như chợ Tịnh Biên, Thư viện, Bảo tàng, QL 91… bị dậm chân hai năm không thi công được vì khiếu kiện; thu ngân sách chỉ đạt 787 tỷ (tăng không đáng kể). Có người nói: Nếu tôi qua làm Chủ tịch thì là “mì ăn liền”, vì có kinh nghiệm hơn 10 năm làm công tác quản lý nhà nước địa phương. Người ta xem mình như là một thứ thực phẩm rẻ tiền, “mì ăn liền”, tôi thật sự bị ức chế. Nhưng “có mợ thì chợ cũng đông”, tôi biết rằng đây là cơ hội cuối cùng trong đời mà tôi có điều kiện phục vụ nhân dân ở cương vị hành chánh cao nhất. Không làm, cũng khối người khác làm. Tự nhiên, tôi nhớ tới cậu Chín Kiên năm xưa khuyên tôi nên “Vào Đảng để được giao việc nhiều hơn, phục vụ nhân dân được nhiều hơn”. Tôi cũng chưa bao giờ được phân công làm việc cho thỏa sức và hợp với hoài bão. Và tôi thấy đây là cơ hội, dù nó đến quá muộn màng vì tôi đã bước qua tuổi 57 rồi còn gì.

Từ “Một mình suy nghĩ một mình đi” theo tiếng gọi Mặt trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam năm 1960, qua 40 năm tôi còn lại một mình trong những người cùng thời mà tôi biết cũng như tôi. Và, tôi chấp nhận làm “Chủ tịch mì ăn liền”. Nếu không làm nên chuyện gì lớn, cũng “cứu trợ” được cho dân nghèo bằng “mì gói” vậy! Đồng chí Hoàng Việt lúc này là Phó Chủ tịch trực hối thúc tôi qua Ủy ban làm việc. Nhưng tôi phải chờ Thủ tướng phê duyệt đâu đó rõ ràng mới nhận nhiệm vụ, không chộp rộp. Một hôm, tâm sự với cháu Hưng (con chị Tư Bình), tôi hỏi thử xem cháu có biết truyện Tàu không: “Cậu già rồi, lần này không biết qua sông hay qua núi. Theo cháu thì sao?”. Ý tôi nói tích Tàu là lúc Khương Tử Nha vượt sông Mạnh Tân phạt Trụ thành công; còn Khổng Minh “Lục xuất Kỳ Sơn” đánh Ngụy không thành rồi bệnh chết. Kẻ hơn bảy mươi mà thắng, người hơn năm chục tuổi lại thua là do đâu? Không ngờ Hưng nhìn tôi như động viên và tin tưởng: “Cậu sẽ qua sông được mà!”.

Tôi ý thức được rằng: Thời gian làm Chủ tịch của tôi danh nghĩa là ba năm: Hết quí I năm 2001 đến hết quí I năm 2004 là kết thúc trong nhiệm kỳ (1999-2004). Như vây, năm 2001 và năm 2004 không còn nguyên vẹn, như làm cá người ta hay chặt đầu chặt đuôi, là kẽ hở về tổ chức cán bộ. Xưa nay, thành thông lệ, người ta lợi dụng sự “quá độ” ấy mà lóng nhóng, nghe ngóng và vận động chớ không làm gì nên chuyện mới. Tôi chỉ còn trọn vẹn hai năm 2002 và 2003 để làm việc. Tôi gọi đó là thời gian chất lượng. Hết nhiệm kỳ cũng là hết tuổi lao động, về hưu. Làm Chủ tịch là cơ hội vẫy vùng phục vụ nhân dân, nhưng với quỹ thời gian quá ít và với thế yếu là sắp về hưu, liệu có làm được gì? Vả lại, làm Chủ tịch là phải lo vấn đề tổ chức cán bộ trước tiên mới điều hành được, như lúc tôi làm Giám đốc Sở Nông nghiệp, song cơ hội ấy không còn, nhưng nếu phân công lại cán bộ trước là việc không tưởng và khác nào chọc “tổ ong vò vẽ”. Đó là những cân nhắc trước khi tôi chấp nhận và nói rõ với cán bộ trong Hội nghị lần đầu với tư cách Chủ tịch: “Tỉnh ủy dọn lên mâm món gì, tôi gắp món nấy thôi!”. Vì vậy, tôi tập trung vào những công việc phải làm liền, không ai làm thì tôi làm, không để xảy ra cãi cọ, nội bộ bần thần với nhau là hỏng việc, khổ dân. Tôi cũng biết, có người nghĩ rằng tôi không có đủ thời gian để làm nên “cơm cháo” gì.

N.M.N.

Comments are closed.