Chuyện đời tôi (kỳ 3)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

Gia đình

Đối với tôi, đấng sanh thành là đồng hạng, nhưng về tình cảm thì có lẽ chị em chúng tôi mến mẹ nhiều hơn, bởi ba vắng nhà vài tháng, cả năm là chuyện thường, kể cả khi chưa có chị Hai tôi, vì ba là dân thương hồ mà, nhưng ở nhà chưa bao giờ vắng má đến một tuần lễ. Má có đức tính mềm mỏng, tế nhị, kiên nhẫn và quyết đoán… cùng với cuộc đời từng trải, ngang dọc của ba hợp thành một chỉnh thể gia đình đặc trưng Nam bộ, là tấm gương cho con cháu.

Ngoại sanh má năm Kỷ Dậu (1909), đặt tên Đặng Thị Diện, cậu Hai là con đầu lòng, ngoại đặt tên Thể. Ngoại sanh tất cả 13 người con. Là nhà Nho, ngoại tôi rất trọng danh giá nên đặt tên con đều có ngụ ý tốt đẹp để ở đời. Ngoại sinh các cậu dì cũng đều tại làng Nhơn Hưng, là nơi sau này má sanh ra tất cả anh, chị, em tôi. Trừ trường hợp em thứ Tám như đã nói. Ngoại trực canh hàng chục héc-ta lúa mùa nổi, mấy héc-ta đất vườn. Ông tự dạy các cậu thuộc làu Hán tự. Nhà ngoại còn có một thầy dạy nghề võ cho các cậu. Má và các dì tôi, là con gái, không được học chữ. Ngày xưa, coi thường phụ nữ đến mức sợ học chữ rồi viết thư cho trai, nhưng má tôi không chịu thua, theo học lóm các cậu mà đọc được Tứ thư, Ngũ kinh… và lén mua cuốn Vần Quốc ngữ giấu trên đầu tủ chén tự học mà đọc được truyện Tàu, thuộc truyện Kiều và Lục Vân Tiên. Nhưng cả hai mặt chữ bà đều không viết được. Bài học thuộc lòng đầu tiên mà má dạy tôi khi tôi chưa biết mặt chữ là bài “Chó và Gà”, mà tôi nghĩ rất có ý nghĩa cho cuộc đời tôi: “Chó với Gà một nhà thân thiết/ Cơn rảnh rang mài miệt chuyện trò/ Rừng Nhu biển Thánh khôn dò/ Nhỏ mà không học lớn mò sao ra/ Nay nhờ áo mẹ cơm cha/ Công ơn dưỡng dục biết là mấy mươi”. Má tôi là con thứ ba của ngoại. Dân Nam kỳ biết thân phận mình nên cái gì Cả, Nhất, số Một thì để lại cố hương (dấu ấn khiêm nhường, đôi khi mặc cảm, tự ti là điều nên suy nghĩ). Song tôi rất tự hào về ông bà ngoại, cậu Hai, mẹ tôi, cậu Sáu, cậu Bảy, cậu Mười, cậu Út là những người thông minh, nghĩa khí… không hổ danh dân Nam Kỳ – Lục Tỉnh. Má tôi hay nhắc về cậu Sáu tôi. Bà nói: “Cậu Sáu mày thông minh nhất nhà, ngoài chữ Quốc ngữ, chữ Nho, nghề võ rất giỏi, học hồi nào mà biết cả chữ Miên, chữ Tây và nói chuyện được với người Nhật. Ông bà ngoại ép cậu cưới vợ, rước một cô thợ dệt về nhà dạy, ngụ ý cho cậu mày làm quen, nhưng nó vẫn trơ trơ mà còn nói tếu với chị Hai mày: Cậu không cưới vợ đâu, cưới nó về phải kêu bằng chị (chị của tên đứa em mà mình thương nhất), có con phải kêu bằng má (má thằng gì đó), có cháu phải kêu bằng bà…”. Đó cũng là cách xưng hô của người Nam Bộ theo thâm niên vợ chồng mà nghe cũng đoán được họ độ tuổi nào. Cậu tên Đặng Hữu Hào, làm Phó Bí thư huyện ủy Châu Phú, hy sinh năm 1947 gần núi Sam về hướng Châu Đốc, lúc đó cậu mới 26 tuổi. Sau tháng Tư 1975, ông Võ Văn Tôn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, lấy hài cốt cậu tôi từ đất nhà ông ở Núi Sam về, cải táng ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.

Ông ngoại, ông nội tôi quen thân nhau rồi kết làm sui gia. Ngày xưa “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, mặc dù vẫn biết ba tôi đã có một lần quan hệ với một người con gái tên Nguyễn Thị Đắc ở Vĩnh Long lên gặt lúa mướn. Hai người có với nhau một bào thai. Ông bà nội tôi vẫn chấp nhận, nhưng vì nghịch cảnh, cha bà làm quá, bà ấy phải ôm bụng về quê trong niềm tủi nhục. Ba tôi thương lắm, đôi lần đến thăm, lần cuối cùng là khi người con trai được ba tuổi.

Má tôi không dành đặc ân, đặc quyền gì cho con đứa nào cả, nhỏ thì chăm sóc nhiều hơn thôi. Tôi không thấy má tôi quát con lớn tiếng như ba, nhưng cả hai đều không ai đánh con và cả cháu, sau này. Có lần má có chuyện đi xóm, ở nhà tôi đưa em Định ngủ, chừng em thức không thấy má và chắc cũng thèm sữa nữa nên khóc, tôi dỗ hoài không nín. Anh Tư đá nhẹ vào đít tôi, bảo dỗ em, nhưng em vẫn không nín. Tôi thấy bị ăn hiếp oan nên khóc, nhưng không dám khóc lớn, khi má về thấy hai anh em tôi đều khóc và tôi mới òa lên méc má. Má tôi nói với anh tôi: “Tao đẻ nó mà chưa đánh nó, mày giỏi quá, dám đánh em!”. Rồi bà khóc. Bà bỏ cơm chiều. Tối đó tôi thấy cậu Hai Thợ (cán bộ Văn phòng Ty Thông tin) dẫn anh tôi đến trước mặt má tôi, khoanh tay xin lỗi. Tôi thấy hả dạ! Má tuy không đánh con, nhưng giận thì buồn dàu dàu; chúng tôi, kể cả ba tôi, ai cũng sợ má buồn kiểu đó. Với tôi, thà bị vài roi còn dễ chịu hơn bị má buồn!

Ba tôi đi buôn bằng ghe chài khắp Sài Gòn, Nam Vang, thường xuyên vắng nhà. Má tôi kể, có lần trên đường về, ba tôi cờ bạc sạch túi, vậy mà má vẫn làm thinh. Có lẽ, vì má tôi biết điều, làm thinh mà ba tôi cũng bỏ đứt và còn ghét ai cờ bạc! Bà hay nói với tôi khi giảng giải việc đời, dạy con: “Ba mày tứ đổ tường đủ hết, má chỉ sợ bị trả quả cho chị em (gái) con”. Bà hay nhắc châm ngôn: “Con gái nhờ đức cha/Con trai nhờ đức mẹ”. Càng lớn lên, nhất là vào lúc các chị anh em tôi đến tuổi xế chiều, tôi nghiệm thấy hình như châm ngôn ấy có lý của nó về mặt biện chứng, chớ không phải “vô vi”. Và thái độ ứng xử của má với ba những trường hợp ấy, tôi thấy hình như bà quá nhuần nhuyễn trong vận dụng lời Phật dạy để xử lý các mối quan hệ như cặp phạm trù: Nhân – quả, ân – oán, Thiện – Ác, nước – lửa, nóng – nguội… Má hay nói như ngầm dạy tôi: “Quân tử tánh như thủy”. Bà còn dẫn giải: “Chỉ có nước mới chặt không đứt, bứt không rời và khi chảy xiết thì tường thành nào cũng sụp đổ”. Thời gian ba đi buôn xa dài ngày, má tôi ở nhà cai quản gia đình, nuôi con. Má tôi rất rộng lượng. Nhà có nhiều người giúp việc đồng áng, như làm ruộng, nuôi bò. Tiền (hoặc lúa) trả công tính năm, tính mùa hoặc hàng tháng, là tùy. Cá biệt có người được tính như là con cháu trong nhà, nghĩa là ngoài tiền công hàng năm ra, còn cưới vợ, lập thân và giúp vốn cho ra ở riêng. Ngoài sự nhân từ và độ lượng, má tôi cũng rất bản lĩnh, quyết đoán của người chủ gia đình. Mấy bận nhà có biến cố: Ba tôi hai lần bị Miên bắt, một lần ông bệnh chết đi sống lại, một lần chị Hai tôi chết, nhiều lần thay đổi chỗ ở, chạy giặc, v.v. tất cả đều có phần can dự có tính quyết định của má tôi, nên gia đình mới đồng lòng và có sức vượt qua, ba má tôi mới sống được gần trăm tuổi. Tôi không hiểu hết má tôi. Một người phụ nữ không biết ghen tuông, hiền lành chất phác, không viết được chữ, ít đi khỏi nhà… vậy mà rất bản lĩnh. Em chồng má tôi, nhất là chú Chín Hiến làu thông hai mặt chữ, làm thầy thuốc Bắc tay nghề trên rất nhiều đồng nghiệp khác trong vùng, rất nổi tiếng, khó tính cũng không vừa, vậy mà ông thường nói trước mặt anh em tôi: “Tất cả anh chị, kể cả ba tụi mày, tao nể phục chị Sáu [má tôi] nhất”. Nhiều người bạn ba tôi cũng có cùng nhận xét. Anh em, con cháu chúng tôi rất tự hào và hạnh phúc! Không bao giờ chúng tôi thấy bà sợ, bà nổi nóng, nói nặng lời hoặc u buồn thái quá hay trách cứ, oán ghét ai. Không bao giờ đem chuyện của đứa con này nói cho đứa con khác, hay trách móc rể, dâu. Hồi còn ở kinh Tám Ngàn (vùng Việt Minh), nhà có trồng mía bị mất trộm, ba tôi theo dõi; một hôm, mới vừa chạng vạng, ông bắt được tên trộm tại tay với bằng chứng là con dao bén và bó mía gần một chục cây. Ba tôi nói, tay này có nghề lắm, chặt một dao mà ngã ba bốn cây một lúc. Ba tôi trói anh ta lại để ở nhà, còn ông đi báo du kích hay công an xã gì đó. Khi ba tôi và anh em có súng về đến nhà, tên trộm đi đâu mất. Má tôi nói: “Thả rồi. Tội nghiệp nó. Ông giam cầm nó rồi vợ con nó ai nuôi, mấy cây mía có đáng gì”. Ba tôi đành thua mà cũng không nổi nóng như thường thấy mỗi khi ba gặp trái ý. Có lẽ nhờ vậy mà má tôi sống thanh thản cho đến cuối đời, đến từ năm 85 tuổi quên dần, không nhớ gì hết (lẫn), đến năm 91 tuổi thì qua đời (26.4.1999 nhằm ngày 11 tháng 3 Kỷ Mão), như đèn hết dầu đèn tắt, không bịnh tình chi cả, thân thể sạch sẽ nhẹ nhàng theo cơn bão số 1 năm ấy mà về với “Thế giới Người Hiền”, như bà Tiên hết hạn ở cõi trần!

Ông Cố ngoại tôi tên Đặng Văn Giao, quê làng Hòa Lạc, huyện Phú Tân. Ông bà đến lập nghiệp cùng thời với ông Cố nội tôi, nên ông nội và ông ngoại tôi đều lập gia đình với người tại chỗ và quen thân nhau trước khi thành thông gia. Ông ngoại tôi Đặng Văn Hợi, làm Chánh lục bộ (như cán bộ địa chính xã bây giờ). Ông làm việc được người dân trong vùng quí trọng. Cách mạng tháng Tám, ông bà và cả gia đình bồng chống theo Việt Minh ra vùng kháng chiến. Bà ngoại tôi làm nội trợ và quán xuyến gia đình. Lúc gần đình chiến, má có dịp về ngoại, dẫn tôi theo, không may sao tôi bị bịnh nhặm mắt (mắt đỏ), má thì đi đâu vắng mấy ngày; tôi sợ mù như Lục Vân Tiên trong truyện mà má đọc cho tôi nghe, nên tôi khóc nhiều, mắt sưng lên không còn thấy đường, ông ngoại phải đút cơm và dẫn tôi đi tắm. Rồi ông lấy lá me chua non đâm với một ít muối đắp lên hai con mắt tôi; tôi ngủ một giấc thức dậy, hí hí mở mắt, thấy đường, mừng quá. Bà con ở xóm đến chơi thấy cảnh ông chăm sóc tôi như vậy, họ nói chơi chơi: “Còng cọc mà lặn dưới sông/ Mấy đời cháu ngoại giỗ ông bao giờ/ Còng cọc mà lặn dưới bàu/ Ông nội mày giàu mày ở mày ăn”. Từ câu chuyện con gái không được học chữ, nghe kể lại chuyện má sanh tôi trong chuồng bò, đến chuyện “cháu ngoại” mà người hàng xóm của ngoại nói có ca, có kệ như trên, tự nhiên tôi thấy trắc ẩn trong lòng về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến bất công.

clip_image002

Ảnh: Đại gia đình ngoại năm 1957, chỉ vắng cậu Hai Thể, cậu Sáu Hào (liệt sĩ), cậu Bảy Tôn (không dám ra mặt) và ba tôi (là rể) đi xa. Ảnh má tôi khuất sau bình bông ở trên. Tất cả, kể cả những người vắng mặt vừa kể đều trong một đại gia đình cách mạng. Bà ngoại là Mẹ Việt Nam Anh hùng cùng năm người con và cháu (trong ảnh) là liệt sĩ.

clip_image004

Bà ngoại tôi tên Phan Thị Phi, là người rất nhân từ, con cháu ai cũng kính trọng và gần gũi. Các cậu dì và ba má tôi hết lòng kính yêu ông bà ngoại tôi. Mọi ý kiến của ông bà, con cháu đều răm rắp tuân theo. Tôi thấy người xưa có cái hạnh phúc mà đời nay hiếm có (hoặc không có) là cha mẹ được con cháu hiếu thảo hết mực. Và người có học thời ấy, ai cũng tỏ ra mô phạm. Có câu chuyện má tôi hay nhắc: Nhà ngoại nuôi nhiều gà, gà thì hay phá. Có lần bà tôi bực bội vừa đuổi gà vừa rủa: “Đồ mắc toi, chết đâu chết hết đi”. Ông ngoại tôi không hài lòng, nhân sáng bà đi chợ sớm, ở nhà ông đóng cửa chuồng gà, bắt nước sôi làm thịt sạch ráo. Bà tôi về hỏi, ông trả lời: “Thì bà muốn nó chết toi hết còn gì?!”. Từ đó bà tôi không tỏ ra bực bội như vậy nữa. Ông ngoại tôi rất nghiêm, ông sắm bộ dây căng dùi nọc và roi mây hẳn hoi. Mỗi lần các cậu có ai phạm lỗi, bị ông bắt nằm sấp xuống đất, căng tay chân ra cột vào bốn cây nọc, xong rồi ông lên bộ ván ngồi ăn trầu, hỏi tội. Má tôi nói ngoại làm như vậy cho thời gian dài ra, nguôi giận, còn “phạm nhân” chưa đánh mà đã ghê sợ và thường thì có người khác “xin bảo lãnh”, nên thôi. Thật tình thì ngoại chưa đánh ai được roi nào mà ai cũng sợ. Con sợ đã đành, dâu rể càng nể sợ, kính vì. Có câu chuyện khác, số là một gia đình danh giá trong vùng, người vợ làm bánh đám giỗ nhà chồng. Chị dâu góp ý: “Mợ làm như vậy sẽ không ngon”. Bà em dâu trả lời: “Ngon không ngon, đông bà con cũng hết”. Vậy là người chồng ra làng làm tờ “để” vợ. Phụ nữ Nam Bộ thường là thủ quỹ – quản lý gia đình, tề gia nội trợ, không phải lao động tay chân nặng nhọc hoặc nếu có cũng là cá biệt nhà quá nghèo, nhưng phải ở ăn đúng đạo trong nhà, mới đủ tư cách ấy.

Ông cố nội tôi tên Nguyễn Văn Phải, ở làng Mỹ Hội Đông (Chợ Mới), vì cảnh con trai và con rể bất hòa về tài sản đất đai, nên ông để bà và hai người con gái lớn đã có gia đình ở lại, dẫn ông nội tôi (con trai duy nhất – thứ năm) và người con gái út (là bà Bảy Chơi) còn nhỏ, vượt sông Vàm Nao lên kinh Vĩnh Tế. Theo chú Chín Hiến ghi chép, bà Cố tên Võ Thị Phận, không biết năm sanh, mất ngày 15 tháng 2 năm Giáp Tuất (1934). Chúng tôi không nghe người lớn kể về lý do ly biệt này, nhưng tại Mỹ Hội Đông còn ngôi mộ khắc tên ông Cố, theo chú Chín Hiến thì có thể những hậu duệ còn ở lại nhớ lộn khắc nhầm tên ông trên mộ bà hoặc của bậc tiền bối nào đó.

Ông nội tôi tên thật là Nguyễn Văn Giai, không có giấy thuế thân, nên ông Cố nhờ người quen ở Tòa án lấy giấy một người khác thế vào, nên có tên là Nguyễn Văn Toàn, sanh năm 1869 (Kỷ Tỵ), mất 9 giờ sáng ngày 13 tháng Giêng năm Canh Ngọ (11.2.1930) thọ 62 tuổi. Bà nội tên Phạm Thị Tỵ, sanh năm 1868, người làng Nhơn Hưng. Ông nội mất sớm, do hậu quả lúc đi khai thác gỗ ở Cao Miên, bị gỗ đè mang bịnh hậu. Vậy mà ông bà cũng có đến 15 người con. Bà chuyên nội trợ, chăm con và mất năm 1946, thọ 79 tuổi.

Hai họ Nguyễn – Đặng thật là “môn đăng hộ đối”, và thế hệ chúng tôi nội ngoại cũng tương đồng. Ba tôi là người con thứ sáu, không hiểu nội tôi có “dự đoán” gì không mà đặt tên Nguyễn Văn Tửu, có nghĩa là rượu. Ông là người duy nhất trong anh em uống rượu ghiền (ăn cơm phải có rượu, chứ không phải nhậu), cho đến lúc qua đời. Vậy mà từ nhỏ tôi chưa bao giờ thấy ba say. Má tôi rất khổ vì bịnh rượu của chồng, nhưng hàng ngày bà lo không bao giờ thiếu ba thứ: trà, rượu, thuốc hút (ba tôi ghiền cả ba thứ), kể cả lúc thiếu gạo. Lo trong sự lặng lẽ. Nếu lúc nào quá thắt ngặt, hết tiền hoặc thấy ba tôi uống nhiều, đem rượu giấu bớt, từ từ chiết ra xị rồi nói “hết rồi”, để ba uống ít lại. Ba có tánh thảo ăn, gặp khách là mời rượu, mời ăn. Rất nhiều lần, khách vô tình ăn hết, cả nhà nhịn miệng. Má chịu đựng riết rồi quen, những lúc như vậy cằn nhằn chút thôi. Còn tụi con êm re. Tôi không hài lòng nhưng không dám nói, chỉ nhủ thầm rằng: “Thề… lớn lên không nghiện rượu như ba”. Sau này, lớn lên, cho đến giờ này, tôi giữ được lời thề “không nghiện”, nhưng thỉnh thoảng có nhậu, đôi khi nhậu say, ngủ vùi là khác. Cuộc sống cũng chỉ ra rằng, không uống không được, nhưng uống rượu để có vấn đề thì càng không được. Rượu là lễ mà. Nó đã trở thành văn hóa rồi!

Ba tôi sinh năm Giáp Thìn 1904, năm có bão Gò Công chết hàng ngàn người. Ông thấp người, thuộc hàng “ngũ đoản”. Ông thường dẫn giải tôi nghe: “Người lùn khó chịu lắm. Nhưng đó là người lùn mà không vuông, tức chiều cao và sải tay không bằng nhau”. Ông thuộc người vuông, bàn tay, bàn chân cũng gần như vuông và có cái chỉ tay nằm cắt thẳng qua bàn tay. Có lẽ ngoại hình cũng ứng lời ba tôi hay nói: “Nhân tướng xuất hình chi ngoại”. Ông thường tự phong mình là người nóng nảy, ngang tàng và dạy chúng tôi rằng: “Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ”. Cả nhà ai cũng công nhận ba tự nhận xét đúng về mình. Ông có nghĩa khí, ngay thẳng, trung thực, trung thành, trọng nghĩa, khinh tài, thông minh, tháo vát. Ông không bao giờ bó tay trước hoàn cảnh và không bỏ bạn nửa chừng. Đối với kẻ ăn người ở trong nhà, lúc khá giả, ông đối xử như thủ túc; lúc thất vận ông cũng không hạ mình trước bất cứ ai, nhờ vậy mà ông gặp lành, có hậu về sau.

Thuở nhỏ, ba học chữ Quốc ngữ đến biết đọc, biết viết. Một hôm, không hiểu ông có lỗi gì, thầy phạt khẻ tay;ông nổi nóng xé sách, thề không học nữa. Sau đó ông theo ông sãi người Khơ-me (phái Tiểu Thừa) vào chùa Giồng Bà Ca và cũng là nơi có ruộng và trang trại ông nội tôi tọa lạc lúc bấy giờ (sau này thuộc Cao Miên), cách xóm Cây Mít một cánh đồng lớn về phía Bắc, để học. Ông biết đọc, viết chữ Khơ-me rành hơn chữ Quốc ngữ, biết “làm phép” trị bịnh cho người và cho gia súc bằng những câu “thần chú” với một cây nhang, một ly rượu hoặc chén nước. Vậy mà, đôi khi, tôi thấy có kết quả, hay nói theo bây giờ: Hết chu kỳ siêu vi khuẩn, nếu không chết thì sống, đối với bệnh sưng hàm ở người quai bị và “bệnh sa” ở bò bị sình bụng, bỏ ăn. Ông rất thần tượng ông sãi cả, bởi có lần (năm 1944) tại xóm Bờ Kinh, ông bệnh thầy chạy hết, á khẩu chờ chết. Má tôi đứng giữa trời, cắm lưỡi dao phay lên thớt thịt đặt trên bàn hương án, cầu trời, khấn cúng heo đứng (heo sống) xin mạng cho ba. Má tôi tự tay cầm sổ nợ cho vay hàng ngàn bao lúa đốt bỏ.

Vậy là ông sãi cả trị cho ba hết bịnh. Bên nội tôi có lệ hay cúng heo sống như vậy, không biết có liên hệ gì với tục cúng đình Nhơn Hưng (mỗi lần cũng phải hai con heo sống liên tiếp trong hai ngày vào 16-17.11 âm lịch hàng năm) mà cả bên nội bên ngoại tôi đều là thành phần chức việc của Đình. Tôi hỏi người con chú Chín tôi là chú Ba Luông (cháu ngoại của người hiến năm ha đất ruộng cho đình để cho thuê lấy huê lợi cúng quảy đến nay), đình này xây dựng hồi đầu thế kỷ 20 (khoảng năm 1900), có sắc Vua phong thờ “Thành hoàng bổn cảnh”, còn cúng heo sống thì không hiểu là sao, nhưng có người cũng độ chừng là Thành hoàng bổn cảnh có từ thời Tiền sử còn “ăn lông ở lỗ”. Từ khi bỏ nghề cho vay và thương mại, ba má tôi hay nói xa gần ngụ ý khuyên con cháu sau này không làm nghề cờ bạc hoặc cho vay nặng lãi vì nó thất đức, còn nghề buôn thì khó giữ tính thật thà. Hèn nào, khi theo Việt Minh, nghe tuyên truyền, ba tôi càng “kiên định lập trường cộng sản” hồi ấy là “con buôn vô tổ quốc”!

Ba tôi kể, hồi đó, xóm tôi khai khẩn đất hoang làm ruộng ở Bàu Cò, giáp với Giồng Bà Ca và ngọn Cả Hàng, nay thuộc Campuchia. Nhà nào cũng nhiều đất và nuôi nhiều bò, trâu làm sức kéo. Nhiều nhà sắm ngựa để đi thăm ruộng, chăn bò. Nhà ông nội tôi cũng vậy. Ông khai hoang được 720 công tầm cắt (93,3 ha) đất ruộng trồng lúa mùa nổi. Theo chú Chín Hiến ghi chép còn lưu lại, ông nội tôi làm ruộng, làm rừng rất giỏi, mà đàn hát cũng rất hay. Lúc thịnh, nhà nuôi nhiều bò, trâu làm sức kéo, mùa cày phải có đến 15 cặp bò, trâu của nhà (không kể thuê hoặc vần đổi công thêm) làm ngày đêm mới kịp mùa vụ. Bò trâu nhiều nên phải dùng ngựa đi chăn. Gần nhà tôi có ông nông dân bị bịnh, con ngựa của ông không bao giờ ai cỡi được, nếu có ai giỏi lắm lên được lưng nó rồi thì nó nằm lăn ra hoặc chun dưới sàn nhà. Hôm ông chủ nó hấp hối, người lối xóm nói với nó: “Chủ mày sắp chết, không cho tao cỡi đi Tịnh Biên hốt thuốc thì chủ mày chết”. Vậy là nó cho cỡi. Và khi chủ nó chết, nó cũng nhịn ăn mà chết theo! Hồi ấy, nhà tôi có con trâu cổ đầu đàn; nó đụng lộn bị thua, bỏ đi mất mấy tháng. Hôm nó về, to mập khác thường; chiều đó, nó ra sân đấu với “cựu thù”, chém “đối phương” lòi ruột rồi mới chịu ở nhà. Có lần, một người trong xóm đi đánh bài ban đêm, có người cầm đèn soi đường, vậy mà bị con rắn làn can cắn, máu theo lỗ chân lông ra đầy mình, ói ra máu. Rước ông sãi Cả đến. Ông xem dấu rắn cắn, rồi phán: “Là con rắn làn can của ông Tà Mù Cua (hay mò cua? – là cây hoa sữa). Mày thất lời hứa, nên ổng cho cắn. Để tao xin, nếu được, sẽ trị cho”. Số là ông này có lời vái: “Độ cho đánh bài ăn, gỡ nợ, thì nghỉ”. Gỡ nợ, có dư rồi mà không chịu nghỉ, thua lại, nên tức khí lấy cục đá có cột vải đỏ (tượng trưng ông Tà) trong miếu che bằng tre lá dưới gốc cây Mù Cua vụt xuống nước. Đó là lời người bị rắn cắn tự thú. Ông sãi cho cắm nhang ra bốn phía trại ruộng một công bề đứng (36m) rồi từ vòng ngoài, ông vừa đi vừa rải gạo, muối, đọc thần chú. Khi an tọa trên bộ vạt giữa nhà, tụng kinh gọi rắn, ông bảo mọi người rút chân lên khỏi đất. Rắn về đủ loại, lúc nhúc, chỉ thiếu con rắn làn can. Ông sãi nói: “Ông Tà còn giận mày, tao trị không nổi đâu”. Nhưng còn ai ngoài ông. Gia đình lạy lục, ông nhận trị mà không bảo đảm. Người bệnh không chết, nhưng toàn thân phồng rộp lên, phải rọc hết áo quần như chuột bị lột da, chỉ toàn nằm trên lá chuối hột. Sau đó bệnh lành, nhưng vết cắn bị hoại tử, thầy Tây ở Cần Thơ trị cũng không hết, ba năm sau thì chết. Còn chuyện “Ông Chảng” Núi Sam, ba tôi hay kể, khi vui: Số là ở xóm có bác Năm gần nhà tôi, có đôi trâu săn rất tài, nghe tin có con heo rừng “lăn chai” về cánh đồng bờ Bắc kinh Vĩnh Tế – Núi Sam, ông nói: “Nghe ông Chảng về đồng lớn, bữa nào tôi cỡi hai con “thanh ngưu” lên bắt về chơi!” Rồi ông cùng một người bạn thợ săn cùng xóm, chọn ngày lành làm lễ cúng ra nghề rồi mới cỡi hai trâu săn, đi tìm. Trâu săn có đôi sừng bén dính hột cơm, có khóa cẩn thận. Khi vào sâu trong rừng, lau sậy cao khỏi đầu, thấy dấu chân heo, bác Năm biết “Ông Chảng” này không thua con bò, định rút lui, nhưng hai con trâu đã bắt được hơi, hai ông chỉ còn kịp mở khóa sừng trâu. Thế là hai con trâu chém với một con heo, bất phân thắng bại. Heo lăn chai súng bắn không thủng da, lao mác làm sao đâm thủng. Hai cặp sừng của hai con trâu bị cặp nanh của heo đánh dập te tua. Bất thần, bác Năm đang trên lưng trâu bị mất thế té nhào, dính nanh heo tét một lằn ngang ngực, xối máu. Ông bạn cùng đi gò trâu đứng lại, vái ông Tà và Bà Chúa Xứ cho con heo bỏ đi, sẽ cúng tạ một con heo đứng và giải nghệ. Có lẽ, con heo cũng mệt, niểng niểng cái đầu vừa đi vừa táp nghe sàm sạp. Hai ông về nhà và cúng heo, bán trâu giải nghệ thật. Bác Năm có tên “Năm Thẹo”, chết danh từ đó. Những câu chuyện về rắn, cọp, cá sấu và ma… có vẻ huyền bí và những câu chuyện về loài vật nuôi có ý”ngụ ngôn” như vậy trên vùng đất mới mở hoang ở xứ tôi còn nhiều lắm, là những câu chuyện giống “chuyện đời xưa” mà người lớn hay kể cho lớp trẻ chúng tôi, như một thứ văn hóa truyền khẩu. Tôi cho đây là văn hóa đất vỡ hoang miền biên viễn. Nó có vẻ hoang hơn và tận cùng hơn “Văn hóa miệt vườn” của nhà văn Sơn Nam ghi chép mà nhiều người còn nhớ.

Ông sãi thương anh em ba tôi lắm. Có lần ông nói: “Con Mên (Cao Miên) sắp dậy, anh em bây đem đồ gởi vô chùa, tao giữ cho”. Khi chúng dậy, trước hết bắt ông sãi trói lại, lấy hết đồ đạc trong chùa rồi sau đó mới tìm người Việt để chém giết. Chúng đem ông sãi ra đâm, chém đều không thủng (có gồng), cuối cùng chúng dùng tầm vông vạt nhọn, thọc từ hậu môn lên và quăng xuống nước, ông mới chết. “Phép gồng” nghe nói chỉ của người Khơ-me, cái nồi đất nấu thuốc gồng đập cũng không bể (?). Sau này, bọn Pol Pot xuống Ba Chúc giết phụ nữ, người già cũng y như vậy. Có lẽ cái “gen” của bọn dã thú ngày xưa để lại nhân thành giống lai Mao-ít diệt chủng sau này chăng? Dân xứ tôi hồi đó nhiều người học võ để chống lại bọn này, cánh đồng Bàu Cò, Ba Ông Đá từng là nơi xảy ra những lần chém giết nhau, Tây cầm quyền còn phải cực trấn áp. Quân dân ta mới vừa tiếp quản chính quyền, hòa bình vừa mới lập lại thì ngay ngày 1.5.1975, pháo 105 ly của bọn Pol Pot bắn vào xã Vĩnh Gia và ngày 6.5.1975 lại bắn vào xóm Cây Mít trên bờ kinh Vĩnh Tế, trái đạn đầu tiên rớt tại nhà cô Mười Ngân, cô ruột tôi. Dượng Mười chết liền tại chỗ. Con chó của dượng nuôi vì thương chủ, bỏ ăn, 7 ngày sau cũng chết. Lòng trung thành của con vật đến tận cùng là vậy. Còn ân tình con người trong bọn “đồng chí” Pol Pot mà ta tận tình giúp đỡ mới hôm qua đấy thôi, lẽ nào chỉ đong được 29/30 ngày vậy sao? Có lẽ, hiểu bọn chúng nhiều hơn ai hết, nên ông sãi Cả từng dặn ba tôi rằng: “Phải đề phòng bọn 29 ngày”, nghĩa là bọn này như đá banh phút 89 vẫn có thể chọt thủng lưới chớ chẳng chơi! Vì vậy, ba tôi rất tin và cũng rất thần tượng vị chân tu này. Tôi không ngờ sau này, Hunsen nhắc lại câu này nhân một lần bảo vệ luận án triết học ở Hà Nội (?). Tuy vậy, ba tôi vẫn khen người Khơ-me chân thành, tốt bụng, chỉ có điều họ dễ bị kích động và cũng dễ ổn định.

Sau khi Pháp tái chiếm lại Nam Kỳ, xâm lăng nước ta lần thứ hai (1946), nhà tôi vẫn còn ở ngoài bờ kinh. Một lần ba tôi đi lên Cam Bốt tìm nối lại mối làm ăn cũ, mua bán trâu bò và da trâu bò, bị bọn lính Miên bắt đem về Tà Ni bịt mắt, trói vào cột định xử bắn và hỏi có nhắn gởi gì lại không. Ba tôi nhớ, có quen với tên “cò” lai Tây, mẹ y là người Việt bạn của ba tôi, nên nhờ bọn lính nói lại với mẹ con bà ấy tin ba tôi bị giết. Có lẽ, tụi lính nghe vậy, nên sợ, không dám làm ẩu, đem ba giam lại. Tên cò Tây lai đến lãnh ba tôi về. Y giải thích: “Mấy hôm trước, Việt Minh và Isarắc về “chụp” (đốt phá) thị trấn Công Pông Trách, tụi nó nghi cậu là gián điệp của Việt Minh – Isarắc, có lui tới thị trấn mấy lần trước giả dạng đi mua trâu, bò, nên định giết”. Ở nhà không hay, khi ba về kể mới biết. Lần thứ hai, cuối năm 1946, gia đình rất túng quẫn, mùa nước đang lên, ba một mình đi giăng câu trên đồng gần giồng Bà Ca, gặp lính Miên bắn bể nát xuồng và bắt đi. Má tôi nhờ hàng xóm đi tìm, đem về mấy tấm be bể nát, cả nhà khóc như đám ma. Nhưng má tôi bình tĩnh, vô chợ Tịnh Biên, nhờ bác Bảy Lễ “gõ dây thép” lên Nam Vang, để nhờ một người khác lo cho ba về.

Ba tôi rất nhạy bén nhận định thời cuộc, nhìn người để có đối xử cho hợp lẽ. Đầu năm 1948, gia đình đang ở làng Hòa Lạc, do năm 1947 chạy bọn cực đoan trong giáo phái Hòa Hảo tảo thanh Việt Minh ở quê nhà, nay tình hình ấy lại lan xuống vùng này. Một hôm, thấy bọn chúng cà rà trước nhà, ba nghi “thám thính để chuẩn bị hành động”. Ba tôi bình tĩnh đi trồng rau, qua nhà bên mượn cuốc, bứng tre trồng rồi gánh nước tưới, làm ra tuồng sẽ ở lâu dài để chúng chủ quan chậm hành động. Nhưng ba tôi đã cụ bị đâu đó xong xuôi, nửa đêm đánh thức cả nhà, lặng lẽ xuống xuồng bơi ngược về Bến Lúa (Nhơn Hưng).

Hồi trở lại nhà cũ ở kinh Tám Ngàn, khoảng tháng 10.1954, sau khi Ba Cụt vào thay chỗ Việt Minh đi tập kết. Một hôm, cò Sấm bất ngờ ghé thăm. Sấm đi xuồng có lính chèo, ghé nhà gặp ba tôi, mừng rố ráo, mặc dù anh biết ba theo Việt Minh từ lâu rồi. Anh ta lên võng nằm chễm chệ cái thây đồ sộ quá khổ; cái nhà cũ như cái trại đơn sơ co rúm lại theo hai đầu võng; y vừa móc cọc tiền bằng cổ tay để trước mặt ba tôi, vừa nói: “Cậu cầm tiền này ra khỏi nhà giùm tôi”. Ba tôi ngạc nhiên: “Để làm gì?”. “Để tôi đốt cái nhà này cho cậu về quê ở, ở đây chi khổ quá”. Ba tôi từ tốn: “Tao quen rồi, mày ơi. Đã về ngoải ở thử một lúc rồi, ở không được. Thôi mày cất tiền đi, ở đây có gì mua mà cần tiền”. Láp váp một hồi, rồi anh ta đứng dậy, không quên đút cọc tiền vào túi quần Tây-di rộng thùng thình của y. Lúc này Ba Cụt được Pháp viện trợ cho để làm đối trọng, trả giá với Mỹ, nên lính tráng cũng còn ra vẻ “nhà binh” lắm. Khi cò Sấm đi rồi, tôi hỏi: “Cho tiền, sao ba không lấy?”. Ba tôi trả lời gọn hơ: “Tiền nó ăn cướp của người ta, chớ làm gì nó có”. Nghe ba tôi kể: Cò Sấm là dân ở Nhà Neo (gần Châu Đốc), ngày xưa, cùng em tên Sét ở “bạn” cho ba nhiều năm; ba má thương, lo vợ con cho, nên sau này rất thương ba má tôi. Chớ thường thì “người ở” dễ có thành kiến hoặc thù chủ cũ lắm, thậm chí em cháu nuôi trong nhà không ít kẻ hay phao phản. Sau này Cách mạng hay khoét sâu nhược điểm xã hội này với cái nghĩa “đấu tranh giai cấp”, nên nếu ai có thuê mướn nhân công hay nuôi em cháu họ hàng, cần lưu ý bài học này, dễ chết oan lắm! Nhớ lại cử chỉ cò Sấm, tôi thấy anh là người có nghĩa, vượt qua được “tử giới” Việt Minh – Hòa Hảo mà thể hiện được cái tình người với nhau. Và ba tôi cũng là người đáng nhận được sự đáp đền như vậy. Nhớ lại mấy tháng trước, mấy má con tôi về lại Tám Ngàn; ba và mấy anh chị lớn không ai hay; chỉ có má, chị Sáu, tôi và hai em gái tôi cùng về. Một mình má bồng bế bốn đứa con lao hao như chúng tôi trở về nơi mọi người sợ mà bỏ đi, là cùng đường rồi, là gan dạ và bản lĩnh lắm! Lúc ghé nhà thím Ba Dồ ở đoạn gần Giồng Cát, thấy một tên lính Ba Cụt chở cây lọp trên xuồng, trong lọp có mấy con cá lóc to tướng, chú Ba Dồ hỏi: “Lọp đâu có vậy?”. Hắn trả lời: “Xin”. Chú Ba không dằn được, gặng lại: “Xin thiệt hôn?”. Hắn bị nhột, ghé xuồng vô, chửi thề, cầm dầm xông lên tìm người vừa hỏi để đánh. Má tôi nhanh nhẹn bước xuống, nhẹ nhàng phân bua: “Chú ơi! Thằng em này nó nói chơi, tưởng tình như anh em ở xóm với nhau mới dám nói vậy, chớ cây lọp có quí giá gì đâu, đầy đồng mà, có ai lấy đâu”. Hắn, có lẽ, bớt quê, nên chửi thề láp váp rồi xuống xuồng bơi mất. Đúng là bọn “cướp ngày”, bị bắt tận tay mà còn làm giặc! Cò Sấm có chức to thì cướp tiền lớn, còn lính thì chỉ đổ trộm lọp kiếm cá sống qua bữa như “cò con ăn tép” vậy thôi! Thời nào cũng vậy! Có lần, một tên lính Ba Cụt đi đường khát nước, hắn ngồi rũ, rồi chửi thề: “Đ.M… xứ gì mà nước phèn chát, làm sao mà sống”. Đúng là những hình ảnh tương phản với dân và bộ đội Việt Minh ở đây suốt tám, chín năm ròng, có ai vậy đâu. Bọn Ba Cụt sớm bị tiêu diệt là phải.

Lúc Ba Cụt và Diệm đánh nhau suốt phòng tuyến Bảy Núi – Cô Tô – Nam Thái Sơn, chúng bắt dân công. Người Khơ-me bị chúng bắt, có đi không về, nếu chúng thua trận, mà chúng có thắng trận nào đâu. Có một thanh niên ở Ô Lâm bị chúng bắt đi vác đạn đã cởi áo gởi lại cho vợ mà khóc ròng. Tin đồn ra, ai cũng cảm động. Lính Diệm toàn là người Nùng, lính Cao Đài – Trình Minh Thế vừa mới đầu Diệm lập công, được Mỹ võ trang, nên đánh hăng lắm. Đêm đêm, tàu chở thương binh và xác lính Ba Cụt chạy ngang nhà tôi, cả nhà lo không ngủ được. Ba bị chúng bắt đi chở súng đạn. Tại kinh Bảy, do Việt Minh mới đào năm trước nối từ Mũi Tàu qua Nam Thái Sơn mà cả nhà tôi có tham gia, ba gặp bác Chủ Cự, điền chủ có tiếng ở xứ Bằng Tăng – Thốt Nốt, cùng đi với cha nuôi Ba Cụt trên chiếc ô-bo. Bác thứ ba, là bạn thân với ba từ trước 1945, nhưng ba không kêu tên hoặc thứ như lẽ thường mà chỉ gọi “anh Chủ” với sự trân trọng và cảm tình. Gặp nhau, bác khóc, hỏi: “Ai bắt anh đi như vậy?”. Ba tôi nói: “Mình ở đây phải phụ tiếp với anh Ba (Cụt)”. Ông quay qua giới thiệu với cha nuôi Ba Cụt: “Anh Sáu là bạn thân của tôi”. Rồi ông kêu tên chỉ huy lại nói, cho rước ba tôi về nhà. Lên nhà, tôi nghe bác Chủ nói: “Tôi có xin Tư lệnh (Ba Cụt) mấy bộ cột chùa. Việc này tôi nhờ anh. Nhân tiện, tôi xin cho anh khai thác thêm ít bộ cột nhà để xài, để bán kiếm tiền xoay sở”. Ba tôi từ chối. Khi họ đi rồi, tôi hỏi: “Sao ba không nhận?”. Ông buồn buồn, trả lời: “Rừng của mình giữ bao năm nay, bây giờ tay nào cầm dao mà chặt cho được, hở con?!”. Trời ơi, những quan chức, những “tiều phu” thời hiện đại câu kết nhau phá sạch rừng rồi, có biết tấm lòng của ba tôi, một người dân bình thường đối với rừng hay không? Nhìn cảnh rừng bị tàn phá, mỗi khi mưa bão, lũ lụt hoành hành, người chết trôi, nhà bị sập… như lời nguyền của rừng. Nhìn vào nhà ai bao nhiêu là vật dụng gỗ quí có tuổi trăm năm, ghế một người ngồi mà nặng bốn người khiêng… lòng tôi nặng trĩu! Hình như tôi được thừa kế từ ba tôi cái tánh hay trồng trọt. Ở đâu tôi cũng trồng, từ cây ngắn ngày, cây ăn trái, đến tre trúc và cả cây rừng. Tôi thương rừng như là duyên nợ! Con gái tôi lớn lên cũng giống ba và ông nội tính ham trồng trọt, trồng cả trên nóc nhà, sân thượng. Nhìn Bảy Núi xanh rì, những sườn núi “mập mạp”, tôi vui như trúng mùa. Nhìn những tuyến kinh, dân cư như Phú Lộc, Vĩnh Tế với hàng tre che chắn bình yên trong sóng gió mùa nước nổi, mừng hơn được huân chương. Những năm tôi có quyền, tôi làm việc này hết lòng, được các ông Nguyễn Công Tạn và Đồng Sĩ Nguyên về thăm khen, và Chánh phủ xây dựng Chương trình 327 với chánh sách như tôi đã làm ở An Giang.

Trước khi Việt Minh tập kết mấy tháng, có giao lại cho ba một cặp bò đực, giữ giùm Chính phủ hai năm. Nhà cần sức kéo, ba tôi ham lắm. Tôi cực với đôi bò này cũng hết nước mắt. Bò hay thì bò chứng mà. Nghe tin lính Ba Cụt sắp vào, tôi nghe ba bàn với má: “Tụi nó vô, biết mình có giữ được đôi bò không? Nếu không thì mình mắc nợ Chính phủ”. Ông bà nhất trí nhau, hôm sau gặp mấy đảng viên còn ở lại (anh Hai Ánh) để xin trả bò. Trả xong, tôi mừng vì khỏi cực; còn ba, tuy mừng mình hết nợ nhưng tiếc đôi bò hay, cày bừa giỏi. Tụi con, chúng tôi, học được cha mẹ tính không tham cái không phải của mình. Năm 1968, nhà ở “ấp chiến lược” Chùa Cây Trôm, các chị Tám Cam, Út Nhân kêu nói: “Dượng ba chuẩn bị tối nay mình đốt nhà, phá ấp chiến lược”. Đã biết trước, nhưng khi tiếng mỏ, tiếng hô phá ấp chiến lược vang lên, nhà ai nấy đốt, đốt sạch hết, ba tôi lính quýnh quên lấy 10 giạ lúa vừa mới gặt mướn chở về. Sáng ra, lính dân vệ đồn Cây Còng vào ăn-kết, ba khai cháy 10 giạ lúa. Người ghi biên bản biết ba quá nghèo, hỏi sao không kê lên nhiều chút cho đỡ khổ. Ba nói: “Có nhiêu thì khai nhiêu, khai gian làm chi”. Ông sống đúng với câu: “Vật phi nghĩa bất thủ”. Ông bà không chỉ “Đại thụ” của gia đình mà còn là “Đại thọ” làng tôi!

clip_image006

Cha – Mẹ – vợ và con tôi. Tết 1997

Ba tôi là người duy nhất bên nội tôi tin và theo Cách mạng trọn đời. Được vậy, ngoài tấm lòng trung vốn có, có lẽ, má tôi và bên ngoại tôi cũng có công tô bồi cho ông nhiệt tình đối với Cách mạng. Ông tin Cụ Hồ, tin Đảng lãnh đạo kháng chiến nhất định thành công. Nhà hữu sự, nếu còn lưỡng lự, bao giờ ba cũng tìm cán bộ có uy tín để hỏi. Tôi được ông nhiều lần sai đi hỏi các cậu, các chú về việc nhà nên thế nào, kể cả chuyện cưới vợ, gả chồng cho anh chị em chúng tôi. Năm 1979, ông đau nặng, điện tín kêu tôi từ Hà Nội về, ông nhắn mời chị Tư Bình, Mười Liên và vài anh trong Thường vụ Tỉnh ủy đến trối trăng, gởi gắm con cháu lại cho tổ chức, sợ bị ăn hiếp. Ông còn dặn con cháu là không được nhận tiền phúng điếu của cá nhân mà chỉ thọ ơn của các cơ quan, đoàn thể, ban ngành… nói chung là của tổ chức. Trong những khi sốt hành mê man, ông thường hỏi “Ngày nay là ngày mấy?”, chị Năm Kiểm hỏi lại: “Ba hỏi chi hoài vậy?” Ông trả lời: “Chọn ngày tốt chết để may mắn lại cho con cháu”. Nhưng ông vượt qua bạo bệnh, có lẽ, chưa yên lòng ra đi vì chưa gặp lại người con trai lưu lạc của mình và đến sau này biết được cảnh anh em tôi gặp trắc trở trước và trong Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (1991-1995) rồi ông buồn lặng lẽ, không nói gì đến tổ chức mà ông đã trọn đời tin tưởng.

Ba tôi rất trọng tình bạn. Bác Chủ Cự có lẽ là người được ông rất quí trọng. Hình như bác có bà con xa, được Ba Cụt gọi bằng cậu Ba, nên từng đem gia sản của mình nuôi nhóm Ba Cụt từ thuở ban đầu “dựng nghiệp” mới có vài cây súng do anh lính Thu ở đồn Bằng Tăng nội ứng mang ra, lúc theo Việt Minh, lúc theo Tây. Mỗi lần trớ tới, trớ lui là mỗi lần ông ta lừa thế, cướp được mỗi bên một số vũ khí, cướp cả ghe buôn trên sông và nhà giàu, rồi bị Tây lợi dụng… lớn dần lên, có lực lượng vũ trang khá đông, được Pháp phong hàm đại tá và y tự phong đến thiếu tướng. Bác Chủ vì chỗ bà con và cũng là đồng đạo nên cũng có góp công, góp của nuôi lực lượng này “chống Tây” lúc đầu. Nhưng nhạc gia bác Chủ lại không ưa, ông chửi chúng thậm tệ. Chúng thù ông, nhân lúc vợ chồng bác Chủ đi Cần Thơ, chúng bắt giết hết. Bác Chủ đến xin, Ba Cụt nói: “Cậu về đi, nó giết tới cậu bây giờ”. Tôi nghe ông Hai, nhà ở gần nhà ở bác Chủ kể: Ba Cụt tên Vinh, giận cha mẹ thế nào mà chặt ngón tay thề thốt nên mới có tên “Ba Cụt”. Khi Ông Huỳnh Phú Sổ đi giảng đạo tại Bằng Tăng y xin thọ giáo theo nên được mệnh danh là “tướng” của Hòa Hảo. Nói thế cũng đủ thấy cái thời ấy phức tạp thế nào, trong nội bộ mỗi phe phái đều có vấn đề phức tạp riêng, kể cả Việt Minh – Cộng sản. Bác gái than thở với ba tôi: “Anh Sáu ơi, tôi sống như ốc mượn hồn vậy”. Ba tôi có lần khuyên bác Chủ bỏ đạo Phật giáo Hòa Hảo, bác nói: “Nhân hư đạo bất hư”, từ đó ba tôi không gợi lại chuyện này nữa. Còn bác biết ba tôi theo Việt Minh, nhưng ông cũng không nói tới. Chỉ có tình bạn là tâm đắc mà thôi. Hồi còn chiến tranh, mấy lần ba tôi đến nhà thăm, sợ ba mặc cảm, bác lặng lẽ để tiền vào túi để cho ba xài. Lúc được tin bác qua đời, ba tôi khóc bạn hết sức thống thiết nhưng vì chiến tranh ác liệt, không thể nào đi tiễn biệt được.

Ba tôi còn có một người bạn nữa ở Vĩnh Long là bác Hai Đạt, là địa chủ tiến bộ mà Cách mạng gọi là “địa chủ khai minh”, vì thất chí làm ăn, khoảng năm 1958, ông lên ở gần ba tôi tại đường Củi Giữa – kinh Tám Ngàn, đâu hơn nửa năm. Hôm chia tay để theo con lên triệt ông về quê, ba tôi và bác ôm nhau khóc mà bọn chúng tôi không cầm được nước mắt. Tôi quá giang ghe bác cùng ra Xà Tón (Tri Tôn), đi hơn một cây số, nghe tiếng ba tôi kêu thất thanh: “Anh Hai ơi! Anh Hai ơi!”. Tiếng kêu ngày càng gần. Thì ra ba tôi cặp chai rượu đế trên tay, tất tả, hớt hãi, chạy trên đường mòn đầy cỏ và rắn hổ đất. Xuồng ghé lại, hai ông lại ôm nhau khóc và rót rượu đưa nhau. Bác Hai nghẹn ngào: “Anh Sáu ơi! Đây là cảnh Từ Thứ qui Tào”. Nghe bác nói, tôi ngậm ngùi không xiết và càng kính phục mối tình tri kỷ của họ. Tình bạn của người dân Nam Bộ thời ấy với nhau sao mà chân chất như củ khoai, ngọt như mật ong rừng có lẽ là do hoàn cảnh tự nhiên vốn có. Thật tình mà nói, bản thân tôi cho đến giờ cũng chưa có mối tình bạn nào thâm hậu như vậy, có lẽ là do hoàn cảnh sống không bình thường như thế hệ ba tôi. Đúng là trong tình bạn chân thành sẽ không có mùi chánh trị, cơ hội và đạo đức giả vờ chen vào. Sau này, khi gặp trục trặc về chỗ tình bạn, tình đồng chí, nhất là lúc mình bị sa cơ, họ xa lánh, sợ vạ lây với mình mà tôi từng tâm sự ghi qua trang nhật ký: “Ai là bạn? Tôi lang thang góp nhặt/ Được một ít rồi mai lại mất/ Như dã tràng xe cát Biển Đông…”. Những lúc như vậy tôi càng nhớ và thương ba tôi, càng rất trân trọng tình bạn giữa họ với nhau. Họ là những người có nghĩa! Ba tôi thường dạy con: “Nhân phi nghĩa bất giao”, có lẽ là từ kinh nghiệm bản thân ông. Sau này khi có vị trí lãnh đạo càng cao tôi càng cẩn trọng, luôn giữ khoảng cách an toàn với những đồng chí mà tôi thấy có triển vọng tiến bộ để ai không thích mình thì cũng không phát hiện mình thích người ấy để họ nghi kỵ, hại người ta vì nghĩ rằng đồng chí ấy là “phe” với mình. Những anh em tuy tốt nhưng ngại gần tôi, tôi hiểu thông cảm và đôi khi còn chủ động nói rõ để yên tâm! Đúng là sống tử tế không dễ nên có người tiếc nuối thành lời khi rời cái ghế “phi thường”!

Về người con trai của ba tôi đã có trước khi gặp má tôi, ông thường nhắc và nhờ người đi tìm. Có lẽ vì chưa được gặp được, nên năm 1979, quan tài đã sắm mà ông không chịu ra đi, nán lại đến tám, chín năm sau, cha con gặp nhau khi anh đã vào tuổi 61. Anh rất giống ba. Cha, con, anh, em gặp nhau, mừng tủi khôn cùng. Anh nhiều con như ba. Đi lính hai thời kỳ cho chế độ cũ từ thời Pháp, từng lái xe cho phái bộ Quốc tế Kiểm soát đình chiến đóng ở Tân Châu mà vẫn là trung sĩ quèn lái xe vì thiếu trình độ văn hóa và rất nghèo, rồi giải ngũ trước Giải phóng. Tội nghiệp anh, sanh không nhằm chỗ, làm không đúng nơi và không gặp thời, mặc dù ba tôi từng mong anh có thời khi còn bụng mẹ nên dặn bà đặt con tên Thời (Nguyễn Văn Thời) sanh năm Đinh Mão (1927). Vậy mà việc ba tôi nhìn con, anh em tôi nhận được thêm một dòng máu đỏ ruột thịt thì đồng thời cũng nhận thêm được một dòng chữ “đen” nhận xét trong lý lịch. Thật không hiểu nổi!

Ba tôi không chỉ lúc trẻ giỏi nghề mua bán, lái thượng, lái hạ mà còn rất giỏi nghề nông, nghề hạ bạc và đươn đát, thợ mộc. Hoàn cảnh nào cũng sống được. Mấy lần thất cơ lỡ vận, đi khắp nơi trốn tránh giặc, phải làm thuê, cắt lúa mướn, thậm chí khi tuổi 70 hết sức lao động, không ai thuê, làm giùm ăn cơm cũng được. Lúc ở kinh Tám Ngàn (1948-1954), tự ông móc gốc tràm, khai hoang được 2 héc-ta đất, tạo lập vườn ruộng, đìa bàu rất đàng hoàng. Ông làm việc gì cũng chỉ dạy tôi tập làm theo. Nhờ vậy mà tôi cũng biết được nhiều thứ như ông. Ba cho anh Tư đi kháng chiến lúc 13 tuổi. Còn tôi, có lẽ ông tính cho tôi ở nhà để giữ “giống”, nên không cho thoát ly gia đình làm Cách mạng và dạy tôi tỉ mỉ các việc nhà nông mà ông biết. Đây là gia tài, là vốn sinh tồn trên mọi nẻo đường qua và cũng là tay nghề ba truyền cho tôi lập nghiệp, làm giàu khi tôi về hưu. Tôi ngủ chung mùng với ba cho đến khi thoát ly. Hôm trốn nhà, tôi chỉ báo cho một mình má tôi hay mà thôi. Biết được, ba cự má tôi quá trời. Nhưng tánh ba nóng nảy rồi cũng mau nguội.

clip_image008

Anh cả Nguyễn Văn Thời

Tính từ ngày tôi trốn ba ra đi, đến khi về phép chỉ khoảng nửa năm mà ba như đã quên giận mà chỉ còn vui. Thỉnh thoảng gặp anh em cơ quan bạn đi qua nhà, biết tin tôi đang ở đồng tràm Hà Tiên cũng gần, má bắt gà, còn ba thì đi mua rượu, thuốc hút gởi cho tôi để liên hoan cùng với anh em (năm ấy tôi mới 17 tuổi, tuổi dương lịch).

Mười năm bao cấp, cảnh nghèo túng vẫn không thôi. Ba tôi đi làm đủ thứ: ruộng, rẫy, nuôi cá… nhưng đều không thành. Ba nói: “Ba già rồi, hết thời rồi, con ơi!”. Không phải ba tôi hết thời mà hồi ấy đâu có hàng hóa vật tư và công ăn việc làm gì đâu. Làm ruộng rẫy không có sức kéo, phân thuốc chi cả, mà nếu có thì làm ra cũng không được bán ra thị trường tự do mà hồi ấy gọi là “chợ đen”; còn bán cho nhà nước theo giá chỉ đạo thì lỗ lớn. Cả xã hội “hết thời”, chớ không phải một mình ba tôi!

Sau Giải phóng, anh Tư Đào rước ba má tôi về ở chung, nhưng có lần ba tôi kêu vợ chồng tôi và sau đó nói với con gái tôi, Minh Tú: “Ông bà nội chết rồi, ba mẹ của con đem về thờ”. Chúng tôi làm theo lời ba, sau khi hai người mất, mà lòng cảm thấy bình an, hạnh phúc! Cũng như má, sau má mất một tháng 10 ngày, ba tôi lặng lẽ ra đi trên tay anh em tôi. Cũng không có bệnh tật gì cả. Không ăn không nói mấy ngày, hôn mê rồi lịm đi trong cơn mưa của bão số 2, cùng năm với má, vào ngày 04. 6.1999 (nhằm 21.4 năm Kỷ Mão). Một người suốt đời thẳng ngay, ngang dọc trên cõi đời 96 năm, lặng lẽ về Trời! Có lẽ, ông là người sống thọ nhất ở làng tôi.

Ba má tôi chữ ít, nhưng dạy nghĩa cho con cháu thì nhiều, và đứa nào cũng được dạy biết đọc viết chữ trước khi đến trường. Không đánh con cháu hoặc dạy con bằng nhiều lời mà dạy bằng hành động, bằng tấm gương của hai người. Ba lúc nào cũng thể hiện là một người đàn ông đúng nghĩa, rường cột gia đình, như một vị thuyền trưởng. Má luôn luôn là một nhà nội trợ đảm đang, một tay lái vững vàng, một nhà từ tâm, mà tất cả con cháu đứa nào cũng tin cậy. Đấng sanh thành mãi mãi là cội nguồn đạo đức, là hạnh phúc của anh, chị, em, con cháu chúng tôi, là đức tin về tánh Thiện của con người. Ba má tôi đã gầy dựng và bảo toàn được một gia đình truyền thống trong hoàn cảnh đất nước loạn lạc suốt ba mươi năm, kể từ khi tôi chào đời. Những người có hiểu biết thường khen chúng tôi được thừa hưởng cái đức của ông bà, cha mẹ!

Những gì tôi học từ ba má tôi trong quan hệ ở đời thì bền bỉ hơn, nhất là học ở ba nghề “hạ bạc” (thủy sản), nghề ruộng rẫy, chăn nuôi… Nghĩa là nghề nông thì còn mãi, và nhờ nó mà tôi trở thành nông dân giàu có sau khi hưu trí. Kinh nghiệm này muốn con cháu tôi đừng quên: Học và làm nghề gì mà tự làm, tự sống và có thể làm giàu được mà không xin, không cúi luồn ai và cũng không ai “tịch thu” tay nghề mình được. Đó là nền tảng bảo đảm nhân cách bản thân trong mọi hoàn cảnh. Đó là nghề lao động trí óc, lao động tay chân với vốn liếng là đạo đức con người.

Trí tuệ, tay nghề và đạo đức hội tụ thì trở thành một sự nghiệp đồ sộ. Đơn giản như chuyện làm ruộng, nuôi cá tưởng dễ, ai cũng làm được nhưng không phải dễ. Tôi đã từng chứng kiến những người có học vấn, có tay nghề, vì “cải tạo xã hội chủ nghĩa” mà trắng tay, song khi có cơ hội thì họ giàu trước hơn ai hết và cũng bền vững hơn ai hết. Thế giới bây giờ còn có định nghĩa: Nghèo giàu không phải ở chỗ của tiền nhiều hay ít mà là trí tuệ cao hay thấp, nhiều hay ít. Thiếu trí tuệ, thiếu đạo đức thì của nhiều như núi cũng sạch!

clip_image010

Ba Má!

clip_image012

Đại gia đình của ba má tôi để lại

____________________________

N.M.N.

Comments are closed.