Chuyện đời tôi (kỳ 31)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

Dấu ấn An Giang

Hồi làm Trưởng ban Chỉ đạo khai thác Tứ giác Long Xuyên, trân trọng thành quả khai hoang, phục hóa, phát triển sản xuất lúa gạo của nông dân An Giang, tôi có phát biểu với Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hơn là nên tạc văn bia kể lại thành tích ấy để ghi nhớ. Bia có thể đặt tại xã Vọng Đông hay tại thị trấn Núi Sập là trung tâm Tứ giác Long Xuyên của tỉnh An Giang, nhưng xảy ra chuyện Bí thư Thoại Sơn lúc ấy có vấn đề lấn cấn với tôi mà cho tới giờ này tôi không hiểu lý do, nên thôi. Nói An Giang đi đầu trong đổi mới chánh sách quản lý kinh tế đồng thời phải nói đến thành công của “Chương trình Khai thác Tứ giác Long Xuyên”. Đó là nét đậm thành tích sau đổi mới.

clip_image002

Biểu trưng tỉnh An Giang

clip_image004

Nhớ về dĩ vãng

Tượng “Anh Bộ đội An Giang” – cùng tên bài thơ của Nghiêm Thành Kính

và mô phỏng theo ảnh chiến trường do anh Lâm Thành Mỹ chụp “Người chiến sĩ thổi kèn” xung trận

nơi xảy ra chiến sự năm xưa – “Dốc Bà Đắc kèn reo chiến thắng”!

.

Nhân lúc con cá tra thay con cá ba sa chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu, con cá ba sa mai một và có nguy cơ tiệt chủng. Kim ngạch xuất khẩu cá tra lên cả tỷ USD, tôi nảy ra ý tưởng làm tượng đài “Cá Ba Sa” và “Bông Lúa” để nhằm tôn vinh nông dân An Giang và ghi lại sự hiện hữu của một giống loài thủy sản quí hiếm là con cá ba sa mà thiên nhiên ban tặng. Đồng thời, tôi cũng muốn tôn vinh bậc tiền bối mở cõi (Thoại Ngọc Hầu) và hình ảnh “Anh Bộ đội An Giang” trong cao trào Đồng khởi những năm 1960. Tôi tham khảo được anh Út Vũ đồng tình. Anh còn nói: “Thấy gì làm được cứ làm, sợ và chờ hoài không làm gì được hết”. Dù biết rằng dân mình chưa quen với “Văn hóa tượng đài” và nếu có làm thì cả nước ở đâu cũng là “Anh hùng liệt sĩ” hoặc “Công-Nông-Binh” hay “Nông-Thanh-Phụ-Trí” quen rồi, nhưng tôi mạnh dạn báo cáo đề xuất với Thường vụ Tỉnh ủy rồi huy động lực lượng sáng tác bốn tượng đài và một biểu trưng (logo) của tỉnh rồi thông qua lãnh đạo và lấy ý kiến Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh. Tượng Thoại Ngọc Hầu giao cho anh em tự sáng tác. Tượng Con cá Ba Sa, Bông Lúa, Anh Bộ đội An Giang và biểu trưng của tỉnh thì tôi gợi ý cho Trần Thanh Phong điêu khắc, Dương Đình Chiến họa sĩ và các anh em bên Hội Văn nghệ để tổ chức hội thi, vẽ kiểu trước để thông qua lãnh đạo, kể cả nơi đặt tượng.

Như có duyên hay sao, trước khi bước vào “Phút 89”, tháng 2.2001, đang từ Hội đồng Nhân dân chuẩn bị trở lại Ủy ban tỉnh làm “Chủ tịch mì ăn liền”, tình cờ tôi nhận được gói quà một người không có địa chỉ gởi cho. Đó là hơn một ký lúa có nhuộm thuốc bảo quản giống, nghĩ là giống quý nên người quen mới gởi cho mình. Tôi lật đật gọi điện thoại cho anh em Trung tâm Giống Bình Đức (Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang) bảo đem về nhân giống. Sau đó, tôi hỏi thăm, anh em nói: Nó lên được vài ba cây ốm yếu, anh em đang trồng trong lu để trong nhà lưới 3.2001 và ra ruộng 1.2002. Chuyện vậy rồi cũng không còn để tâm. Đông-Xuân 2004, kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch, tỉnh đang chuẩn bị bầu Hội đồng Nhân dân khóa mới, tôi tranh thủ vào Trại giống Tà Đảnh mà tôi chủ trương xây dựng nhân đang chỉ đạo khai hoang vùng này (1991) mà tôi bị dư luận đồn rằng “Đất của Bảy Nhị nên Bảy Nhị làm đường Kinh 12 Đông để vào”. Các anh em: Nguyễn Thuần Khiết, Võ Ngọc Triểm, Phước, “Hòa niễng”… dẫn tôi ra xem các giống lúa Trại đang nhân và sẵn giới thiệu với tôi cái máy cắt cỏ “cải tiến” cắt lúa. Tôi mang máy và tự cắt như “nghiệm thu”. Nhìn những bảng ghi tên giống lúa, tôi thấy có cái tên hơi lạ “BN1”. Tôi hỏi, anh em cười, và đùn đẩy nhau một hồi rồi Khiết và Triểm mới nói: “Bảy Nhị! Đó là giống mà năm ngoái anh đưa, không biết tên gì, ghi đại tên anh”. Tôi mừng quá và cũng hơi ngại nên nói: “Bảy Núi! Nên đăng ký thương hiệu gạo của Công Ty là BN và các giống của Công ty bắt đầu từ BN1 rồi đến BN2, BN3, v.v.”. Anh em cho hay là gạo ngon cơm lắm, thu hoạch đợt này gởi anh thử. Đúng là ngon cơm và thơm, thơm từ mạ và cả gốc rạ! Sau này, anh em cho tôi biết, đến 2014 này, duy nhất chỉ có BN1 mới có hoạt chất Gaba trong mầm gạo để sản xuất gạo Vibigaba dùng cho người bịnh tiểu đường, cao huyết áp… và Công ty cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam sản xuất thành công loại gạo này (theo VOV1 – 29.10.2013). Hiện nay, trên thị trường (hẹp) giá 70.000 đồng ký mà không có đủ để bán, còn gạo trắng 25.000 đồng/ ký nhưng bán để chào hàng chớ chưa có cho người mua thường xuyên.

Sau giải phóng, thời gian tôi làm việc hăng hái, hết mình là làm Giám đốc Sở Nông nghiệp, bắt đầu từ Cây lúa, nay “Phút 89” trước khi trở lại Ủy Nan bất ngờ nhận quà không biết người gởi cũng là Lúa, tuy lúc đó tôi không nghĩ gì nhưng sau này nghĩ lại thì hình như đó là cái duyên kỳ ngộ – bắt đầu một thời vẻ vang thứ hai không kém cũng lại từ hạt lúa. Bạn bè xứ Bắc gọi tôi là “Anh Hai Lúa” hay “Anh Hai Nam Bộ” tôi không dám nhận nhưng cũng ngầm hãnh diện vì lý do này.

clip_image006

Giống lúa BN1

Tượng Cá thì dễ, do chưa ai làm còn Bông Lúa thì có cái khó: Trước Giải phóng ở Long Xuyên đã có rồi, do Nguyễn Tấn Đời (quê ở huyện Châu Thành -An Giang, chủ Ngân hàng Tín Nghĩa) đặt giữa Công trường Trưng Vương; nhưng do thông tin “trời ơi”, đồn rằng của Nguyễn Văn Thiệu làm, nên khi Giải phóng, ông Chín Hoài (Chánh văn phòng Quân quản tỉnh Long Châu Hà) chấp hành lịnh ai không biết đem cần cẩu đến bốc dỡ đi. Tôi vào tận kho của Sở Giao thông, thấy còn sót lại vài “hạt/bông” rất đẹp, nhìn kỹ, thấy họ làm bằng thau của vỏ đạn pháo gò hàn lại, sơn đen, tôi tiếc ngẩn tiếc ngơ và nảy ra ý tưởng thi vị hóa để gọi tên “Bông lúa của Nguyên Tấn Đời” là: “Xác pháo nở hoa”! Đúng là phá thì dễ nên ta giỏi phá! Bây giờ muốn xây biết làm sao đây? Tấm ảnh chụp lại trước khi “Bông lúa” bị quật đổ còn đây, nếu làm y lại cũng bị “tự ái”, đành cho anh em sáng tác, dù biết không bằng như cái ta đã thấy, nhưng đặt ở vị trí khác giông giống như “người cũ ngủ nhà mới” cũng đỡ bị “quê”. Vậy mà, khi dựng lên, thấy tượng bốn cô gái tiêu biểu cho Việt, Khơ-me, Chăm, Hoa nâng bông lúa bị “các bà” phản ứng kịch liệt về tư thế ngồi “chèn bẹt” của 4 “nàng”, đành phải dẹp bỏ thay vào là “bánh xe tiến hóa công nông” vòng quanh Bảy Núi như hiện nay tại vòng xoay trước cửa Ủy ban tỉnh! Còn về con cá ba sa làm bằng chất liệu inox đặt tại Châu Đốc là quê hương nghề nuôi cá bè phải rồi. Vậy mà, khi dựng lên không khỏi bị anh em mình trề nhún trước mặt tôi, khổ thật! Đúng là cái đẹp vật thể và phi vật thể cho ra đời khó công dễ tội, còn người làm tội người sao quá dễ luân hồi!?

Nhớ An Giang là nhớ đến Thất Sơn – Bảy Núi oai hùng, là quê hương “Làng bè” cá ba sa và cá tra, là nơi đi đầu về năng suất và sản lượng lúa gạo của thời kỳ 1975-2005, là nơi đi đầu trong rất ít tỉnh ở miền Nam “phá rào” xây cơ chế mới. Đó là thông qua Quyết định 303 và Chỉ thị số 49 của Tỉnh ủy dưới danh nghĩa “tăng cường lãnh đạo, củng cố kinh tế tập thể” nhưng thực chất là “trả lại” cho nông dân quyền làm chủ, nếu chưa được là quyền sở hữu thiêng liêng về đất đai và máy móc (tư liệu sản xuất) mà các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, tập đoàn máy nông nghiệp “lấy không” của họ. Nguyên tắc “lãnh đạo” và “củng cố” phải trên cơ sở tự giác, tự nguyện và sòng phẳng… nếu không, phải để cho nông dân tự quyết. Đó là cái “mánh” của người Nam Bộ rất lành tính, vì không dám “bẻ nạng chống trời”. Từ đó, giải phóng sức sản xuất cho nông dân mà không bị bắt tội chống lại Trung ương.

clip_image008

Xem xét mô hình tượng đài cá Ba Sa

Làm tượng Anh Bộ đội An Giang ngoài nhận thức của tôi là phải trân trọng và là tình cảm máu thịt, vấn đề còn lại cũng là “dư luận của đồng chí mình” mà tôi đã thừa biết nên rất thận trọng. Ý tưởng là vì muốn lưu đời hình ảnh người thanh niên quê hương thời loạn qua tấm ảnh do anh Bảy Mý (Lâm Thành Mỹ – Ban Tuyên huấn tỉnh) chụp trong trận Dốc Bà Đắc mà khi rửa phim và in ảnh, tôi có xem; ảnh nay không còn song câu thơ của Nghiêm Thành Kính mà Bộ đội, Văn công An Giang ai cũng nhớ: “Dốc Bà Đắc kèn reo chiến thắng” nên tôi “khắc họa” vào hình ảnh ấy từ đó, nhưng có điều không nhớ đó là anh Tư Dẻo hay ông Mười Kèn (mà tôi có bà con gọi bằng cậu) hoặc là người nào khác trong ảnh cầm kèn thúc quân. Tôi thận trọng gặp anh Tư Dẻo hỏi, anh nói ngay: “Thằng Phong, chung tổ kèn với tao”. Tìm hiểu thì biết Phong là liệt sĩ quê ở Thới Sơn. May mà tôi thận trọng, chớ không thì dựng tượng lên rồi sẽ không biết ai là “người trong mộng”, rồi sẽ giành và cãi nhau bất tận. Tượng Thoại Ngọc Hầu cũng thông qua và lấy ý kiến một lượt với các biểu tượng vừa kể, nhưng do mặt bằng đặt ở Châu Đốc chưa giải tỏa, chưa san lắp kịp nên để sau. Dù sao, khắc họa được những hình ảnh có tính biểu trưng cho thành tích, công lao của quân và dân An Giang một thời. Tôi vô cùng hạnh phúc và nhiều người cũng đồng chia sẻ với tôi. Nhất là tượng cá Ba Sa, có anh nói với tôi, cả nước chưa thấy ở đâu có tượng con vật. Còn nhà thơ Lê Chí làm thơ khen: “Cá Ba Sa làm cá Nheo (Mỹ) hoảng hốt/ Cá Ba Sa dựng tượng xem chơi”; được đặt thành câu đố trên Đài Truyền hình Trung ương VTV và các báo khác: “Tỉnh nào là nơi duy nhất có biểu tượng con vật”? Và, ngày 13/7/2017, trên VnExpress có câu trả lời: “Đúng là tỉnh An Giang: Đầu năm 2004, tỉnh An Giang khánh thành tượng đài cá ba sa tại công viên ngã ba sông ở Châu Đốc, nhằm tôn vinh những con người đã có công thuần dưỡng loài thủy sản có ích, giúp hàng chục nghìn dân thoát đói nghèo. Cá ba sa tên khoa học Pangasius Bocourti, là loại cá da trơn sống ở sông rộng, có giá trị kinh tế cao, được nuôi tập trung tại nhiều nước. Nghề nuôi cá basa hình thành đầu tiên ở Việt Nam là tại cửa sông Châu Đốc, trở thành làng nghề, sau đó mới phát tán đi khắp nơi.

Công trình cao 14 m, toàn bộ thiết kế khung thép, đúc bê tông. Nhìn tổng thể tượng đài có hình dáng cách điệu một bè cá mà phần ngọn là hình con cá ba sa lao lên khỏi mặt nước”.

Từ đổi mới cơ chế, chánh sách trong lãnh đạo nông nghiệp của Tỉnh ủy như cơ chế quản lý ngành Nông nghiệp theo hệ thống dọc đến xã; chánh sách điều chỉnh đất đai, cho ra đời “Quyền sử dụng đất”; chánh sách tín dụng nông nghiệp – nông thôn từ Ngân hàng Nông nghiệp và ra đời hệ thống Quỹ Tín dụng Nông thôn; chánh sách thuận mua vừa bán, xóa “cấm chợ ngăn sông”… Một loạt chương trình và hoạt động khoa học, công nghệ, quản lý chuyên ngành nông nghiệp ra đời mang lại hiệu quả thiết thực như: Thay chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật bằng “Chương trình Khuyến Nông”; từ khuyến nông hình thành “Phong trào Nông dân Sản xuất giỏi”, 1989, đến “Xây dựng Nông thôn mới”, 6.1992; thực chất và cụ thể hóa Chánh sách Tam nông của Tỉnh ủy bằng ba Chương trình khoa học và quản lý của ngành nông nghiệp, gọi tắt là “Ba hóa”: Hợp tác hóa nông nghiệp, trí thức hóa nông dân, hiện đại hóa nông thôn… Đặc biệt “Chương trình trồng rừng trên núi” thành công giúp Chánh phủ ra đời Quyết định 327/TTg ban hành “Chương trình phủ xanh đồi núi trọc”….

Đến “Phút 89” nhiệm kỳ, tháng 4/2001, tôi tái tục Ủy ban, tuy thời gian có ý nghĩa chỉ hơn hai năm, nhưng tôi cũng không phụ lòng các anh tiền nhiệm khi lui ra đã tiến cử người ngoài “qui hoạch” như một ngoại lệ, và tôi tiếp tục cống hiến như cầu thủ là để ghi bàn: Từ “Chủ tịch mì ăn liền” thành “Những việc phải làm liền” để yên dân là “Chương trình Cấp đất cho đồng bào dân tộc Khơ-me” giá 150 tỷ xin từ Chánh phủ; tái tục các công trình xây dựng phục vụ tăng trưởng và phát triển của tỉnh bị đóng băng như chợ Tịnh Biên, Thư viện, Nhà Bảo tàng và Khu Hành chánh tỉnh, cầu Trà Ôn trên Quốc lộ 91, đường lên Núi Cấm, làm mới đường Ba Thê – Sóc Triết, đường Tân Châu – Vĩnh Xương, cầu Quảng Nhung, cầu Cồn Tiên, cầu Tôn Đức Thắng, tuyến dân cư Kinh Bảy xã – Phú Lộc và các cụm, tuyến dân cư vượt lũ toàn tỉnh, kè Tân Châu, kè Long Xuyên…; xây dựng Bệnh viện Châu đốc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các Trường Phổ thông Trung học Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Hữu Cảnh, Trường Mẫu giáo Hướng Dương; xúc tiến đầu tư Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh, Trường Đại học An Giang, v.v. Đồng thời với các chương trình đầu tư xây dựng vừa kể, các chương trình kinh tế – xã hội bức thiết được thực hiện từ tháng 8-2001 là “Chương trình Ba hóa” mở rộng nội hàm thành “Chương trình Liên kết Bốn nhà”; từ chương trình “Khuyến nông” thành “Chương trình 5 khuyến” – gọi tắt “5 K”; xây dựng hai chiến lược hội nhập quốc tế: “Phát triển thị trường”, trong đó ưu tiên là thị trường nội địa và “Xây dựng nông thôn An Giang”, bắt đầu từ các cụm tuyến dân cư và giao thông bộ. “Đề án 31 – Sản xuất và Văn hóa mùa nước nổi” khắc phục tâm lý bi quan, ỷ lại và thân phận “xin cho” gần như khuyết tật xã hội cũng như ấn tượng hung hăng của “lũ” xuất hiện sau 1975, để trả lại cho “Mùa nước nổi” cái tự nhiên của nó và cái nghề đã thành nghiệp của người nông dân như nhà thơ Lê Chí phụ họa: “Nước lũ thì hung hăng còn nước nổi hiền hòa” và nông dân thì “biết cấy cày từ nhỏ”. Nếu nói thế nào thì đó là dấu ấn An Giang. Đặc biệt tăng trưởng GDP tăng từ 4,2 % (2001) lên trên 2 con số, thu ngân sách tăng 70% và xuất khẩu đạt 300 triệu USD… như liệt kê trong bài “Lũ đẹp” trên báo An Giang.

Dấu ấn An Giang được khắc họa (biểu trưng) hình tượng con người và sông núi An Giang qua “logo” của tỉnh và các tượng đài vừa kể. Đó còn là tấm lòng, là sự biết ơn của tôi đối với mọi người, trước hết là bà con nông dân, những người làm nên chiến thắng trong kháng chiến, làm ra con cá, hạt lúa và cả nụ cười cho mình trong thời bình. Và qua đó, phần nào gợi nhớ, giúp hình dung về câu chuyện mở cõi trên đồng nước phương Nam của tiền nhân mà lòng ta nặng trĩu công ơn, chứa chan hạnh phúc! Tôi khắc họa hay nhớ lại trong hồi ký này là nói về họ chớ không phải kể công hay muốn lưu danh cá nhân. Nếu có chỗ nào gợn lên ý ấy, mong người đọc thông cảm cho nhược điểm của hồi ký mà tôi không thoát ra được là lấy cái “tôi” để nói cái “ta” mà tôi lại rất vụng dùng chữ. Vả lại, tôi viết khi 60 tuổi, xong lúc 70 tuổi – cái tuổi mà Ngân hàng không còn tín nhiệm cho vay thì đủ biết là dở cỡ nào rồi. Trong khoảng thời gian ấy càng về sau càng nhớ quên lộn xộn và cũng bận rộn làm ăn cho gia đình nên rất bị chi phối, càng dở hơn. Vì vậy, tôi chưa có ý định xuất bản Hồi ký này trong tương lai gần, mà cái chính là dành cho con cháu tôi, sau này.

Nông nghiệp An Giang một thời huy hoàng ở Đồng bằng sông Cửu Long và vang ra cả nước là công của cả tỉnh, nhưng đứng đầu chỉ có một người dám thay đổi cơ chế và chánh sách để mở đường. Đó là Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hơn! Chính ông là người quyết định trao tôi toàn quyền chỉ huy ngành Nông nghiệp và Chương trình “Tam nông” từ Tỉnh đến Xã mà cả nước cho đến giờ chưa ở đâu và ai có được như tôi. Năm tháng trôi qua, dấu ấn ấy sẽ mờ tỏ là vấn đề của các thế hệ tiếp nối. Thế hệ chúng tôi đã giải xong nửa phương trình: Hòa bình – Độc lập và… Ấm no. Còn Tự do – Hạnh phúc là do thế hệ tiếp theo.

clip_image010.

Bệ đỡ Bông Lúa nguyên mẫu phải thay, nhường cho cái

như hiện nay trước Ủy ban tỉnh. Lưu lại để làm kỷ niệm.

clip_image012

“Dấu lặng”trong lòng… và

Thay cho tổng kết “phút 89”

Thư gởi Tỉnh ủy An Giang

Long Xuyên, ngày 07 tháng 9 năm 2003

(Song không có ai hồi âm)

Kính gởi: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (*)

Tôi đi Hà Nội để làm Kế hoạch ngân sách 2004 với Bộ Tài chính và các Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Giao thông – Vận tải, Giáo dục… về các nội dung có liên quan. Chủ yếu nhằm vào ba vấn đề lớn: Tài chính – ngân sách mà vòng I Sở Tài chính đã làm việc với nhiều bất lợi cho địa phương; giải trình khoản nợ ngân sách tỉnh vay để đầu tư mang lại hiệu quả – và tìm nguồn vay tiếp, đồng thời xin cơ chế chung cho hướng trả nợ những năm sau; xin Chính phủ hỗ trợ cho một số công trình lớn mà tỉnh không vốn: Bệnh viện Đa khoa Long Xuyên, Bệnh viện Đa khoa Châu Đốc, Trường Đại học An Giang, vốn đối ứng Bắc Vàm Nao giai đoạn II, kè Tân Châu giai đoạn II, kè Long Xuyên giai đoạn III, v.v.

Với lý do trên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đồng ý cho tôi vắng mặt tại Hội nghị Tỉnh ủy kiểm điểm giữa nhiệm kỳ Đại hội VII Tỉnh Đảng bộ. Tôi đã tham gia cùng nhóm chuẩn bị văn kiện và cùng Ban Thường vụ Tỉnh ủy thảo luận thông qua. Về thành tích, ưu điểm của Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta từ sau Đại hội VII tỉnh thì đã rõ, báo cáo kiểm điểm đã nêu khá đầy đủ những việc lớn. Về tồn tại và kinh nghiệm theo tôi cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm, báo cáo cũng mới nói được những vấn đề cơ bản nhất. Tôi không dự được Hội nghị với lý do như báo cáo. Thư này, thay cho phát biểu của tôi tại Hội nghị mà trong văn kiện chưa thể hiện:

1- Về vay đầu tư xây dựng theo Nghị quyết Tỉnh ủy và Hội đồng Nhân dân: Các năm: 1997 vay 40 tỷ; 1998: 85 tỷ; 1999: 65 tỷ; 2000: 71 tỷ; 2001: 273 tỷ; 2002: 38 tỷ; 2003: 30 tỷ. Tổng cộng 600 tỷ (**).

Hiệu quả đầu tư bước đầu mang lại: GDP trong 3 năm/nhiệm kỳ này tăng bình quân 8%, đạt NQ ĐH, riêng 2 năm 2002 và 2003 tăng vọt 10,54% và 9,3%; tăng thu NS (thuế) liên tục khoảng 10%/năm (nếu tính thu trên địa bàn – cả nhân dân đóng góp 2003 là 1.040 tỷ); xuất khẩu từ 100 triệu USD năm 2000 lên 160-170 triệu USD năm 2003… Trong các khoản thu, có các khoản do Nghị quyết Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho để lại khoảng 350 tỷ để đầu tư xây dựng, nguồn này là yếu tố cho ta trả nợ. Tôi sẽ làm việc để xin cơ chế trả nợ này.

2- Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hội nhập: Phải xác định lợi thế so sánh cây lúa và con cá Basa. Đồng thời tổ chức lại sản xuất hai mặt hàng gạo và cá theo hướng qui hoạch, kế hoạchhợp tác (HTX). Con cá tăng đến 100-200 ngàn tấn vẫn được, nhưng phải theo qui hoạch, kế hoạch và sản xuất phải có tổ chức. Việc này tỉnh ta thấy sớm, đi trước, nhưng làm còn chậm. Bài báo của anh Võ Tòng Xuân rất hay (đính kèm) là nói lên cái dở của chúng ta trong công tác quản lý. UBND tỉnh đã làm việc nhiều với Sở Nông nghiệp, các doanh nghiệp và các huyện về sự gắn kết bốn nhà trên hai sản phẩm chủ yếu này. Sắp tới phải làm mạnh theo hướng này thì tỉnh ta mới không tụt hậu.

3- Để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư và phát triển công nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp còn nhỏ bé mà tỉnh chúng ta nói nhiều mà làm ít quá. Nhiều người nản lòng bỏ đi qua Đồng Tháp xây dựng nhà máy. Trong khi các khu Công nghiệp ta làm chưa đến đâu, quỹ đất còn thì lại bao chiếm, ém giấu không cho ai đầu tư. Trường hợp doanh nghiệp Tuấn Anh, Tư Đá, Khánh Hà, Dũng Bùi và gần đây là AFA… tìm mặt bằng đầu tư mà không có chỗ. Ủy ban ra lệnh kiểm kê đất toàn thành phố Long Xuyên và thị xã Châu Đốc đến nay không ngành nào (Sở TC-VG, Sở XD, Địa chính) báo cáo đầy đủ. Khi anh Ba Tuấn (AFA) quá bức xúc đến gặp tôi tuần rồi thì mới vỡ lẽ là Sở Xây dựng đang quản lý 4,5 ha đất khu Xi nghiệp Đá, v.v. Việc này các đồng chí có thể hỏi anh Út Vũ sẽ rõ thêm.

Như vậy là không tệ đến đổi không có mặt bằng cho đầu tư công nghiệp, nhưng sự trì trệ này là tại Ủy ban tỉnh quản lý dở (tất nhiên rồi), do nhận thức về phát triển công nghiệp hay do tinh thần trách nhiệm, đạo đức và tổ chức kỷ luật cán bộ?

4- Về giáo dục: Thực trạng chung ai cũng biết, nhưng hôm dự họp mặt học sinh giỏi hàng năm toàn tỉnh, điều làm cho tôi rất buồn và tự thấy có lỗi là học sinh giỏi tập trung ở Long Xuyên, Châu Đốc, Chợ Mới là chủ yếu. An Phú không có em nào, Tịnh Biên có một em cấp I viết chữ tốt, các huyện còn lại thì cũng không nhiều. Chúng ta đã đầu tư xây dựng, nhất là về cầu đường, rút ngắn khoảng cách vùng sâu, vùng xa. Nhưng về học vấn, và rồi vấn đề nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ cốt cán nữa (vì từ dân mà ra) sẽ vẫn còn khoảng cách “vùng sâu vùng xa” rất lớn. Cái này rồi sẽ có hệ quả không tốt.

5- Về chất lượng công tác và các phong trào: Đây chính là chất lượng lãnh đạo của các cấp ủy Đảng. Từ lâu có hiện tượng mà chúng ta thường than phiền là: An Giang cái gì cũng nghĩ ra trước, làm sớm, nhưng thành công thì… Thậm chí có cái làm rất hay, nhưng khi cả nước tổng kết, công nhận thì lại là của địa phương khác. Có thể thấy rõ việc: Quyết định 05 về một cửa một dấu và làm việc chế độ chuyên viên ở cấp huyện và sở, ngành tỉnh; chương trình Xóa đói giảm nghèo; vấn đề phát triển các khu công nghiệp; vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế; vấn đề Nhà nước và nhân dân cùng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (ở Phú Tân làm bệnh viện), ở Long Xuyên làm đường nội ô lát gạch vỉa hè, ở các huyện Chợ Mới, Thoại Sơn… làm đê bao, thủy lợi, cầu đường nông thôn… Nhưng tất cả những việc đang triển khai theo chủ trương của Tỉnh ủy theo phương châm này hiện đang có một sự trì trệ đáng kể.

Những vấn đề này, theo tôi là vai trò tổ chức thực hiện và công tác kiểm tra của chúng ta có nhược điểm là thiếu đến nơi đến chốn và công tác vận động quần chúng của chúng ta làm chưa đồng bộ, đồng thời, bằng sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị. Mặt khác cũng có vấn đề về vai trò gương mẫu của cán bộ đảng viên và gia đình văn hóa. Cái này nhiều nơi cũng vướng như ta: Đảng bộ trong sạch vững mạnh nhưng vẫn có không ít đảng viên không gương mẫu thực hiện đền bù giải tỏa, thậm chí còn là “cốt cán” trong khiếu kiện; hơn 70% gia đình văn hóa mà tệ nạn xã hội, bỏ học, tai nạn giao thông, cờ bạc, số đề, ăn ở mất vệ sinh trật tự… Do đó phải xem lại chất lượng các danh hiệu ở một số nơi có tình hình thiếu vững mạnh và thiếu văn hóa… nhưng được công nhận.

6- Về cải cách thủ tục hành chính: Việc này nói nhiều làm ít. Có lý do là lương thấp, nay lương tăng, tuy không phải cao (nhưng thu thuế không thể có thêm nữa) song cũng không đến đổi tệ như cách đây 5, 10 năm. Số người hưởng lương và trợ cấp trong hệ thống chính trị tăng nhiều, đặc biệt số hưởng định xuất của tỉnh (ngoài qui định Trung ương) một năm cũng hết 25,4 tỷ. Vậy lý do này không phải là quyết định, và nếu xem nó là quyết định thì thật là bất ổn đối với chế độ ta.

Nhưng cái gì mà nó tạo ra sự nhùng nhằng trong bộ máy hành chính. Theo tôi là vấn đề cán bộ. Đề nghị Tỉnh ủy quan tâm vấn đề này và có cơ chế: cán bộ do Tỉnh ủy bổ nhiệm nếu không làm được việc, để công tác hành chính không trôi, dân ta thán thì phải thay ngay, hết người này đến người khác. Và giám đốc sở, chủ tịch huyện cũng có quyền làm như vậy, vì nếu không làm để chạy việc thì sẽ bị Tỉnh ủy thay đổi. Đối với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, nếu Tỉnh ủy áp dụng cơ chế này tôi cũng hoàn toàn nhất trí. Kinh nghiệm khi tôi làm Giám đốc Sở Nông nghiệp, được Tỉnh ủy và Ủy ban cho làm thử cơ chế này rất hiệu quả, nhưng rất tiếc là không có tổng kết.

Công tác dân vận của Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền chủ yếu thông qua hoạt động Nhà nước mà cải cách hành chính là khâu đột phá hiện nay của công tác quản lý Nhà nước. Không làm mạnh sẽ mất lòng dân ghê gớm lắm. Cái chúng ta làm được cho dân rất nhiều, nhưng dân nhớ không hết, song cái dân phiền, dù nhỏ dân cũng sẽ nhớ rất dai – và nếu oán giận thì oán giận rất dai! Ngay như cán bộ kháng chiến của ta, đến nay ít ai mà không được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước, nhưng khi có việc gì không hài lòng thì cũng không ít người hay nói: “tôi chưa được hưởng gì của Nhà nước…”.

7- Về chống tham nhũng: Vấn đề này hiện nay là “quốc nạn”, tỉnh ta (theo tôi biết) tuy có nhưng không phải trầm trọng lắm (trừ vụ án Công ty Lương thực), nhưng có lâm râm, nơi này nơi khác. Tham nhũng phổ biến là trong vấn đề nhà đất, cấp phép, xây dựng đô thị – dân cư mới, các dự án, công tŕnh, trị bệnh, học hành… Nếu nói 90% thì có thể ta buồn, nhưng nếu nói 60% công trình, công việc bị nhũng nhiễu, bòn rút của ngân sách, của dân thì không oan chút nào. Nhưng ai vi phạm? Tổ chức, lãnh đạo biết nhưng không đủ bằng chứng hoặc có mà không muốn làm, vì sợ ảnh hưởng trách nhiệm, uy tín…, muốn “đóng cửa dạy nhau”, cho “yên phận mình”. Nhưng dân thì biết hết, có điều họ không có chỗ để nói, nên họ nói tại bàn tiệc, trên xe đò…, thử “giả dạng thường dân” ta sẽ nghe hết. Bệnh viện Đa khoa thanh tra một năm mà cũng chưa thật rõ ràng minh bạch, Trung tâm Y tế Long Xuyên hơn hai năm chẳng xử lý được gì. Còn đất đai Long Xuyên, vùng dân tộc Tri Tôn nữa, ngay như cấp đất khai hoang vùng Lương An Trà cũng vậy, v.v. Một mình Ủy ban Kiểm tra và Thanh tra nhà nước tỉnh làm việc như vừa qua là không xuể. Lần này, tổ chức các đoàn thanh tra do đồng chí Hoàng Việt, đồng chí Hai Phát – Phó Bí thư Tỉnh ủy lãnh đạo, nếu Tỉnh ủy không quan tâm hộ trợ thì tôi e rằng kết quả sẽ cũng rất khó khăn.

Vấn đề chống tham nhũng, tôi đề nghị Tỉnh ủy có cơ chế tăng quyền và trách nhiệm cho các đoàn thể, đại biểu Hội đồng Nhân dân, đại biểu Quốc hội trực tiếp hơn, mạnh hơn nữa thì mới tạo được sức mạnh tổng hợp để ngăn chặn, chớ tôi chưa dám nói đẩy lùi tệ tham nhũng.

Mấy vấn đề trên là nỗi bức xúc, tâm tư mà tôi ray rứt, suy tư hơn hai năm qua. Xin phát biểu với Tỉnh ủy để các đồng chí tham khảo và cũng mong nhận được ý kiến.

Chúc Hội nghị thành công.

* Chú thích thêm: Quí II/2001 tôi mới qua làm Chủ tịch, kế hoạch tài chánh 2001 có rồi. Quyết toán nợ cả năm 2001 là 273 tỷ là cộng dồn các khoản quyết toán cũ chưa dứt điểm nên đầu tháng 9/2003 Bộ trưởng Bộ Tài chánh Nguyễn Sinh Hùng khi làm việc với Chủ tịch An Giang đã cho vay không lãi 200 tỷ như là hình thức hộ trợ các khoản lãi của nợ đang vay, trong đó có trả lãi thay cho Bộ Giao thông Vận tải làm Quốc lộ 91 (Long Xuyên – Châu Đốc). Tháng 4/2004 hết nhiệm kỳ Hội đồng Nhân dân – Ủy ban Nhân dân để bầu nhiệm kỳ mới.

(**) Sau khi tôi nghỉ hưu, râm ran dư luận: Chủ tịch cũ (tôi) gây nợ 600 tỷ hết vốn, lo trả nợ hết tiền xây mới. May mà trong thư tôi nói rõ trước khi nghỉ hơn 6 tháng – như trên.

(***) Chuyện hai cây cầu Tôn Đức Thắng ở Long Xuyên và Cồn Tiên ở Châu Đốc. Chủ trương làm cầu do Công ty Phà làm chủ đầu tư, Ủy ban tỉnh duyệt thiết kế và tạo vốn cho công ty vay làm thu phí. Tôi giao việc này cho Nguyễn Hoàng Việt Phó Chủ tịch Thường trực. Vậy mà khi Hoàng Việt được bầu Phó bí thư Tỉnh ủy, khoảng cuối năm 2003 đầu 2004 (?) gần hết nhiệm kỳ Ủy ban, tôi sắp nghỉ hưu thì một hôm Việt điện thoại cho tôi nói: “Tôi với anh Sáu Hội đi coi cầu Tôn Đức Thắng, sao cầu nhỏ quá anh Bảy ơi!”. Tôi trả lời như quán tính: “Thì xem ai duyệt thiết kế”, chớ tôi cũng không nhớ ai. Vì theo phân công, cô Kim Yên, Phó Chủ tịch phụ trách Kinh tế Nông nghiệp – Giao thông – Xây dựng. Tôi kêu cán bộ xây dựng cơ bản lấy hồ sơ hai cây cầu cho tôi xem thì y như rằng đều do Hoàng Việt ký duyệt thiết kế. Trong thiết kế cầu Tôn Đức Thắng có hai phương án: khổ cầu 6m hoặc 7m. Chỗ hai con số đều có tô màu vàng sáng để chú ý và Hoàng Việt duyệt 6 mét! Cầu Cồn Tiên cũng vậy, 7 mét hoặc 9 mét và cũng tô vàng hai con số ấy để người duyệt chú ý thì cũng được duyệt là 7 mét! Tôi cho ngừng thi công cầu Cồn Tiên vì chỉ mới làm trụ còn có thể chỉnh lại 9 mét. Cầu Tôn Đức Thắng thì làm xong rồi, tôi cho rước Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Mẫn và Viện Thiết kế của Bộ xuống “cứu bồ”. Họ xem qua rồi đề xuất tôi bắc thêm một cây song song với cây cầu hiện hữu! Tôi nổi nóng: “Đề xuất như mấy ông ai mà không biết, cần gì Tiến sĩ”? Đúng là cười ra nước mắt!

“Hai hiệp phụ”…

và phương án chọn: NGHỈ!

Trên con đường mà tôi đã qua cũng như bao người khác cùng đi, thất bại và thành công, vinh quang và cay đắng… ít nhiều đều có nếm trải. Với tôi, hình như ngang trái cũng “được mùa” như những thành công gặt hái được, từ khi “vào cuộc” cho đến hết “hai hiệp phụ”, nhưng “hai hiệp phụ” ở ngoài sân thì làm sao có tỷ số?

Hai hiệp phụ: Đó là nếu chấp hành về Trung ương tiếp tục công tác 8 năm, đến 2011 mới nghỉ hưu hoặc như tôi chọn ở lại chỉ được 8 tháng cuối nhiệm kỳ Tỉnh ủy khóa VII (tức là từ tháng 4.2004 đến 12.2005) để giữ chức “Phó Bí thư Tỉnh ủy của Bộ Chánh trị” chỉ lo Đại hội Đảng tỉnh khóa VIII rồi 1/1/2006 về hưu. Cả hai phương án ấy đối với tôi là “Hai hiệp phụ” không có “tỷ số”. Nếu thời gian trong “Phút 89”, nối tiếp liền mạch hai nhiệm kỳ Ủy ban và Tỉnh ủy: 1999 – 2001 – 2005 (7 năm), là thời điểm công việc đang có trớn và tuổi của tầm lãnh đạo ở địa phương như tôi đang rất sung mãn và rất trải nghiệm thì tôi sẽ làm được bao nhiêu là việc cho Dân cho Đảng. Đàng này, bị “ngắt mạch” hai lần như cá bị “cắt đầu”, “cắt đuôi”, gây biết bao xáo trộn, bỡ ngỡ cho tôi và cho cấp dưới. Nếu lấy hai năm (24 tháng) bị “ngắt mạch” đầu nhiệm kỳ Ủy ban và 8 tháng cuối nhiệm kỳ Tỉnh ủy không làm được gì để có tên gọi “thành tích” so với sau khi về hưu đi nuôi cá tra (2005-2015) tôi đã đem về bao nhiêu tỷ tiền lãi cho tôi, tôi vẫn thấy 32 tháng đó là lãng phí “thời gian xã hội cần có” ở tôi. Với tôi, làm giàu cho bản thân, cái đó tuy khó mà dễ. Làm giàu cho xã hội mới khó, nhưng trong khi cơ hội đang có lại bỏ qua. Đó là dấu chấm lặng buồn cuối đường và cuối đời Cách mạng của tôi. Buồn vì đang làm được nhiều việc nhất mà không được làm, để trở thành người ngồi nhìn cuộc đời “cứ lừng lững đi tới”! Do đó tôi chọn “Hiệp ba thay cho hai hiệp phụ”: Đó là con đường về nhà, lo cho mình. Từ đó, như “cầu thủ” có tỷ số ở “hiệp ba”, tôi thành nông dân giàu có! Nhưng sau hơn 10 năm, cái buồn tiêu tan dần thay vào là niềm tự hào và nỗi sợ. Tự hào là tôi đấu tranh đòi được “cơ chế tự chịu trách nhiệm” và nhờ đó mà có những chuyện kể trên, nó không có lần hai cho bất cứ ai. Còn nỗi sợ là với cơ chế hiện nay, làm như tôi đã qua cũng hú hồn. Nhưng làm theo cơ chế như hiện nay thì ai làm được gì? Vì vậy mới có yêu cầu đổi mới lần hai!

clip_image014

Kỳ họp cuối cùng với Chánh phủ – Năm 2004 hết nhiệm kỳ Ủy ban Nhân dân tỉnh tôi sẽ về hưu.

Hình như con người có số phận. Số phận tôi là “Hai Lúa”! Cho nên, Lúa và Cá gắn bó suốt cuộc đời tôi, ngay cả những tháng ngày buồn tẻ nhất, cuối “Con đường vinh quang”, mà nó vẫn hiện lên bên tôi để thành kỷ niệm và còn hơn kỷ niệm là cái nghiệp truyền đời mà nhờ nó, tôi, từ đứa trẻ đói cơm, rách áo ngày nào, sau khi về hưu, nhờ trồng lúa, nuôi cá tra mà trở thành nông dân giàu có, tuy không bằng ai nhưng thuở sanh tiền ba má tôi chưa từng dám mơ. Những đóng góp của cá nhân tôi cho sự nghiệp “cây Lúa, con Cá” suốt gần 30 năm qua xin tặng cho bà con nông dân quê hương An Giang – Châu Đốc. Xin thành kính báo cùng Ba Má và Tổ Tiên!

Trước khi vào Đại hội Đảng bộ tỉnh lần cuối cùng mà tôi tham dự với tư cách đại biểu đương nhiên để rồi về hưu, nghe Ba Cường – Bí thư Tân Châu nói bà con nông dân kinh năm Xã – Phú Lộc nghe tôi nghỉ hưu, muốn xuống Long Xuyên thăm tôi, tôi nói khỏi đi cho tốn kém, và ngày 26/10/2005 tôi đến thăm lại một số bà con ở những nơi có thực hiện Đề án 31. Thành công của Đề án và tình cảm bà con đối với tôi là niềm vui thay cho dấu lặng buồn đang có lúc bấy giờ!

clip_image016

Ảnh: Báo An Giang.

N.M.N.

Comments are closed.