Chuyện đời tôi (kỳ 33)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

CHƯƠNG V

“BỐN NHÀ” TRONG MỘT

“Nhà nước” về hưu, “Nhà nông” tại nghiệp, “Nhà báo” nghiệp dư và…

Về hưu! Cảm giác đầu tiên là hụt hẫng. Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh bế mạc – ngày 23-12-2005, tôi trao chìa khóa phòng cho Chánh Văn phòng Tỉnh ủy rồi lội bộ từ Tỉnh ủy qua Ủy ban, nghe nhẹ tưng trong mình như hồi Mậu Thân, trên đoạn cuối đường hành quân ra Châu Đốc, thủ trưởng mang giùm máy móc lúc tôi kiệt sức, khi trên vai không còn trọng lượng, mất thăng bằng, tôi bị lảo đảo, ngã quỵ. Đứng giữa hai cơ quan, nhìn lên trời cao, bất giác tôi cảm thấy cô đơn. Đảng và tổ chức cách mạng mà cả đời tôi gắn bó suốt 47 năm như là gia đình, bây giờ sao xa quá! Hai tòa nhà cơ quan quyền lực nhất tỉnh mà tôi gắn bó 15 năm bây giờ như hờ hững, lạnh nhạt. Bất giác tôi nhớ lời ông Đặng Chí Kiên, cậu tôi, người thầy cách mạng đầu tiên và cũng là người thuyết phục tôi vào Đảng: “Cháu không vào Đảng không ai giao chức vụ gì cho cháu. Người có tâm, có tài, chức càng cao phục vụ cho nhân dân càng nhiều”. Tôi vào Đảng với động cơ được phục vụ nhân dân theo khả năng và ý chí mình có. Nay điều kiện “được giao” ấy không còn thì người đảng viên “chiến đấu đến hơi thở cuối cùng” bằng phương tiện gì ngoài họp chi bộ khóm và làm nghĩa vụ công dân? Khi nghe tôi thông báo đã nhận quyết định hưu trí, ông Sáu Dân nói: “Về hưu nhưng chức đảng viên không hưu nghe mầy”. Tôi chỉ dạ!

Sau mấy ngày dần quen với không khí “nhàn cư”, tôi lục lại mình còn hai khả năng: Một là, làm nông nghiệp (làm ruộng, trồng rừng, nuôi cá) tạo lợi tức cho gia đình và cũng tạo môi trường gắn bó với nông dân và các tầng lớp khác mà khi đang chức mình ít điều kiện gần họ. Nghề nông tuy “tay làm hàm nhai” nhưng đối với tôi lại là cái “nghiệp” phải trả, vì khi tôi chào đời, hai triệu đồng bào tôi đã phải lìa đời vì đói! Hai là, có thể viết báo để góp phần thông tin, chia sẻ kinh nghiệm – xây dựng và cũng làm nhiệm vụ đấu tranh không ngừng của một đảng viên như lời ông Sáu Dân căn dặn. Vậy tôi trở thành “Nhà nước về hưu”, “Nhà nông tại nghiệp”, “Nhà báo nghiệp dư”…!

Từ khi hưu, tôi làm hai việc tự chọn vừa kể có thể gọi là thành công. Nuôi cá, làm ruộng… thì tuy cực, thị trường không yên nhưng có thể kéo dài thêm một số năm nữa, nhưng viết báo thì chắc phải thôi, dù có báo vẫn còn đặt bài, bạn bè gần xa còn khuyến khích động viên, nhưng vì vốn cạn rồi và bây giờ có người lại chia báo ra hai phía: “lề phải” và “lề trái”. Hai lề là hai đường song song không gặp nhau. Vả lại, chia phe thì ắt có ngày “oánh” nhau. Mình đã đánh Mỹ cả đời rồi nay không lẽ anh em mình quay lại “oánh” nhau sao? Tôi làm “Nhà báo” thuở trước là vì nhiệm vụ đánh Mỹ, chớ không chuyên nghiệp. Nay nghỉ viết báo vì tự thấy mình nghiệp dư và như tiểu thương đi buôn hết vốn rồi, nếu có viết nữa thì cũng là lục lại “tiền lẻ” mà xài thôi. Vả lại, trên các báo chánh thống, những cây đại thụ làng báo nay sao im hơi lặng tiếng quá. Những vấn đề trọng đại của nước non sao người ta bàng quan quá!

Nhân đọc bài “Ông sáu Dân dạy tôi nghề viết báo” của TS Tô Văn Trường nhân “Ngày báo chí”, tôi hồi tưởng lại mình cũng có lúc làm việc này nghiêm túc.

(Trích Hồi ký “Tôi làm báo” – Trên báo An Giang (3 kỳ) – ngày 06/11/2001).

PB: Trong bài “Thương lái – Anh là ai?” – 12/5/2010, Báo DNSG, đăng và được “Giải thưởng bạn đọc”. Tòa soạn đến nhà trao nhuận bút và Tượng Doanh nhân Lương Văn Can làm quà kỷ niệm “ĐÊM HỘI THƯƠNG LÁI” – 8/8/2010.

Và … “Nhà giáo”… Mầm non

clip_image002

Vợ tôi đang là Trưởng Phòng Tổ chức – Hành chánh Sở Lao động Thương binh Xã hội, xin về hưu sớm hai năm, xin phép mở Trường Mầm non Tư thục đầu tiên ở tỉnh thành công. Còn tôi làm ruộng, nuôi cá chỉ trong 10 năm (tạm kết toán 2005-2015) thu về khoản tiền lời không ngờ. Đúng là “Ba nhà trong một” – một cặp vợ chồng về hưu mà bày ra làm Trang trại Nông nghiệp, Dịch vụ giáo dục và viết báo nghiệp dư thành công.

Khi đang chức tôi chủ trương “Liên kết Bốn nhà”, nay còn lại một mình, tự làm nên “Ba nhà”. Đó là nhờ về hưu đúng lúc, làm ăn gặp Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa nên mọi việc đều thuận buồm xuôi gió. Sở dĩ trường có tên Minh Tú là do khi làm dự án mở trường, Sở Kế hoạch bảo phải đăng ký lập công ty. Trường học mà gọi công ty tôi mới biết lần đầu, thật sự chưa thông, rất dị ứng. Chúng tôi chưa biết chọn tên gì đặt cho công ty thì con của người bạn tôi, cũng là bạn con gái tôi mà nay là cháu dâu tôi làm ở bộ phận quản lý đầu tư của Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh ghi vào dự án tên “Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Minh Tú”. Tôi thấy cũng được, vì là tư nhân mà. Nhưng khi đề bảng hiệu của trường thì phải gắn với tên công ty mới hợp lệ. Tên “Trường Mầm non Tư thục Minh Tú” ra đời là vậy. Vài năm sau Bộ Giáo dục chủ trương không gọi “Tư thục” mà là “Mầm non” nói chung. Tôi thấy như vậy là không phân biệt, vì tư thục mới ra đời, phụ huynh nhiều người chưa biết, dễ nhầm lẫn, biết đâu sẽ có người nói mình “đánh lận con đen” – không tốt, nên bảng hiệu cũ tôi để nguyên, không thay.

Khi làm Dự án, chúng tôi thiết kế chỉ 10 phòng học, 6 phòng dịch vụ và dự trù sĩ số cao nhất là từ 200 đến 250 cháu. Ban đầu học trò rất thưa thớt. Ngày khai Trường đầu tiên chỉ có 27 cháu, bà hiệu trưởng chau mày. tôi động viên: “Chị đừng lo! Hữu xạ tự nhiên hương. Hãy làm cho tốt dễ thấy hơn nghe quảng cáo”. Vậy mà tôi vẫn thủ, đi nuôi cá tra lấy lời để bù lỗ trong 2, 3 năm đầu. Sau 5 năm thì trường tự đứng được và phải xây thêm, thành 15 phòng học, 9 phòng dịch vụ; bổ sung giáo viên, nhân viên lên đến trên 50 người, lúc cao điểm sĩ số gần 700 cháu, vì phụ huynh cứ “để đại” con đó cho trường rồi về, thậm chí họ còn đề xuất tôi mở lên Tiểu học. Phòng Giáo dục cứ nhắc nhở liên tục: “Đừng thu thêm”. Đến đây thấy đã vừa sức, tôi dừng lại. Đó mới đúng với phương châm: “Vừa phải”!

clip_image004

Những người sáng lập và quản lý trường từ ngày đầu. Và…

clip_image006

Cùng nghĩ cho tương lai!

clip_image008

Từ “Một mình suy nghĩ một mình đi” qua 45 năm tuổi tròn sáu chục. Nghỉ!

Về nhà, một mình suy nghĩ, ngồi viết những trang này cũng ngót 10 năm để tuổi đời tôi “trôi” vào hàng “xưa nay hiếm” mà chỉ tưởng như “mới hôm qua”.

Nhớ lời má kể về “cái số” của tôi khi ông thầy Ba Thâm đã chạy bệnh, nhưng còn dặn má là “Ráng trị cho nó, sau này nó sẽ làm được việc như người ta”. Nhớ giây phút đặt chân lên bờ bắc Kinh Cây Gòn – Giồng Cát, nay là Lương An Trà năm 1960, khởi đầu cuộc hành trình 180 tháng mà tôi chỉ hẹn với Má là “ba tháng con về”. Nhớ lời hẹn ước với Minh – mối tình đầu, ngót bảy năm mới vẹn. Nhớ cảm xúc qua bài thơ “Tạm biệt đồng tràm” (20 tháng 10 năm 1964), là sẽ về xây dựng thành “của An Giang đẹp giàu” (nay là hai xã Lương An Trà và Vĩnh Phước)… Tất cả đều trọn vẹn, thủy chung! Tôi ngầm hãnh diện, tự hào vì mình cũng đã “làm được như người ta”. Xin thành kính dâng lên Tổ Tiên và Ba Má!

Cuộc đời tôi gắn bó với chế độ này từ trong bụng mẹ và khi chế độ này chỉ mới là trứng nước. Vợ tôi cũng vậy. Chúng tôi chỉ mong chế độ này tiếp tục tự đổi mới, tiếp tục đồng hành cùng Dân tộc, để con cháu tôi được sống làm người tự do, người lương thiện trong một xã hội vị tha, thượng tôn pháp luật, không như cha ông nó sống trong bao nhiêu ràng buộc, lo sợ, thật giả lẫn lộn; để chúng không đi trở lại con đường tôi đã qua – mà phải đi tới! Nếu chúng tôi có được chia phần với chúng thì là cái kết có hậu, là hạnh phúc cho cả cuộc đời chúng tôi.

*

* *

Chuyện đời tôi kể đến đây, cơ bản xong. Cốt ý, tôi muốn con cháu tôi hiểu sự thật về cuộc đời của cha mẹ, ông bà nó, để nó biết ơn những người đã giúp đỡ và chân thành đối với vợ chồng tôi; biết xã hội còn nhiều ngang trái để phòng thân và cũng biết lý do vì sao “ta không chịu lớn”. Đặc biệt nếu có “dư âm” nào về chúng tôi không như đã kể ra đây đều không là sự thật. Người khác có thể biết một thời ở An Giang quê tôi – Thất Sơn – Bảy Núi – vùng đất mới đặt tên, nhất là từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 là như vậy; và chung quanh câu chuyện “Tam nông” mà tôi kể bằng mắt thấy, tai nghe và bằng cả việc tôi làm. Có thể kể chưa hết. Tôi cũng rất sợ, trong kể, có những chuyện có thể không chính xác do nghe kể lại, nên mong được góp ý, kiểm chứng và thứ tha.

Long Xuyên, tháng Giêng 2018.

NGUYỄN MINH NHỊ

PHỤ LỤC I

Thư của anh Nguyễn Ngọc Kính

clip_image010Thư gửi Anh Nguyễn Minh Nhị.

Thưa Anh Nguyễn Minh Nhị kính mến!

Sau khi in hai tập “Chuyện đời tôi” của Anh, tôi đã đọc một cách trân trọng với chiếc bút trong tay để dánh dấu những câu, những đoạn, những trang mà tôi tâm đắc. Những chỗ đánh dấu, tôi đọc lại lần thứ hai và nhiều chỗ tôi đọc đến lần thứ ba.

Đọc “Chuyện đời tôi”, tôi càng mến mộ Anh, trân quý Anh bởi những gì Anh đã làm, đã cống hiến cho An Giang nói riêng và cho đất nước nói chung; đặc biệt nổi bật là lĩnh vực Tam nông ở An Giang. Có thể nói: Lớn lên trong nghèo đói đi làm cách mạng, Anh là hiện thân của một con người của công việc “vừa đi vừa nghĩ vừa làm” với một tinh thần trách nhiệm “Trách nhiệm sinh ra ý thức và ý thức là chủ đạo của hành động – thành công hay thất bại” và giàu tính sáng tạo, đi tiên phong trong mọi công việc, “Nguyễn Minh Nhị là nhà cải cách số 1 của An Giang”, “Cầm đèn chạy trước ô tô”. Một điều nữa tôi cảm nhận được ở Anh là Anh đã sống đầy nghị lực để vượt mọi khó khăn trong mọi hoàn cảnh cùng với tính Thẳng thắn, Cương trực đáng quý (đối đáp với ông Sáu Dân và góp ý Dự thảo Luật đất đai – cuối trang 77, phần đầu trang 78, tập 2)

Tôi mến mộ và trân quý Anh ở Nhân cách sống của Anh: Là người con hiếu thảo của cha mẹ, là người chồng hết lòng yêu quý, chăm sóc vợ con, sống có tình nghĩa với anh em trong gia đình, họ tộc và những bạn bè đồng nghiệp, sống không ham danh vọng, sống gần dân với tấm lòng vị tha…

Tôi nghĩ rằng: Hồi ký “Chuyện đời tôi” đã đạt được điều mà Anh mong muốn.

“…Tôi muốn con cháu tôi hiểu sự thật về cuộc đời cha ông nó, để nó biết ơn những người đã giúp đỡ và chân thành đối với vợ chồng tôi; biết xã hội còn nhiều ngang trái để phòng thân và cũng biết lý do vì sao ta “không chịu lớn”. Người khác có thể biết một thời ở An Giang quê tôi – Thất Sơn – Bảy Núi từ sau Cách mạng tháng 8-1945 là như vậy, nhất là câu chuyện “Tam nông” mà tôi kể bằng mắt thấy, tai nghe và bằng cả việc tôi làm”…

Tôi xúc động và suy nghĩ nhiều về đoạn cuối trang 199, tập 2:

“Cuộc đời tôi gắn bó với chế độ này từ trong bụng mẹ và khi chế độ này chỉ mới trong trứng nước. Vợ tôi cũng vậy. Chúng tôi chỉ mong chế độ này tiếp tục tự đổi mới, tiếp thục đồng hành cùng dân tộc, để con cháu tôi được sống làm người tự do, người lương thiện trong một xã hội vị tha, thượng tôn pháp luật, không như cha ông nó sống trong bao nhiêu ràng buộc, lo sợ, thật giả lẫn lộn, để chúng không đi trở lại con đường tôi đã đi qua- mà phải đi tới!. Nếu chúng tôi có được chia phần với chúng thì là cái kết có hậu, là hạnh phúc cho cả cuộc đời chúng tôi.”

Trên đây là một vài cảm nghĩ của tôi sau khi đọc “Chuyện đời tôi” xin được chia sẻ cùng Anh.

Xin cám ơn Anh đã cho tôi vinh dự đọc hai tập hồi ký “Chuyện đời tôi” – ở trong đó có nhiều điều rất bổ ích cho tôi học tập.

Xin chân thành chúc “Nhà nước về hưu”, “Nhà nông tại nghiệp”, “Nhà báo nghiệp dư” và “ Nhà giáo Mầm non” Nguyễn Minh Nhị sức khỏe dồi dào, tiếp tục làm viêc để cống hiến trí tuệ và thành quả lao động cho quê hương, cho xã hội. Xin chúc Anh Chị và gia đình vạn sự tốt lành trong cuộc sống và hạnh phúc gia đình viên mãn.

Hà Nội ngày 30-3-2018

Kính thư.

Nguyễn Ngọc Kính

0913 239 429

PHỤ LỤC II

Thư của chú Trần Công Đức:

NHỮNG TRANG SÁCH RUỘNG ĐỒNG

Bài viết dưới đây không phải là sự góp ý, mà là sự chia sẻ là chính, giữa một người làm nghề chữ nghĩa lâu năm với một người giàu lòng nhân ái, với đầy đủ nhân cách văn hóa.

Tôi đã đọc xong Tuyển tập Nguyễn Minh Nhị và tập thơ Gió Núi, với tâm trạng chở chuyên nhiều cung bậc cảm xúc. Chuyện đời tôi – chính tựa đề đã nói lên tất cả nội dung mà người viết đã gởi gắm vào đó. Với ba quyển Chuyện đời tôi và tổng cộng 688 trang (kể cả 4 trang bìa/cuốn), điều đọng lại trong tôi không phải với số trang nhiều hay ít, mà người thật với chuyện thật kể từ lúc lọt lòng trong chuồng bò!

Sống với cha mẹ là người con hiếu thảo, với đất nước là người kiên trung, với bạn bè là người sống ân tình và với vợ,con là người chung thủy, trọn vẹn. Những đặc tính này khi đọc hết tuyển tập Nguyễn Minh Nhị mới thấy hết và hiểu hết Bảy Nhị. Đó là sự thật.

Có những trang viết tôi thật sự kinh ngạc về trí nhớ của Bảy Nhị. Nhớ đến từng chi tiết nhỏ: Như chương 1 – Như một giấc mơ (tập I); rồi chương 2 – Trọn lời ước hẹn; Chó Misa… (tập II) và Những người tôi nhớ (tập III) và những chương tiếp theo.

Nói theo cách của Phật giáo, đó là nhân sanh duyên khởi. Là người được sanh ra ở vùng Bảy Núi – Tịnh Biên và hoạt động cách mạng khu vực Tây Nam Bộ, Bảy Nhị đã trải ra một vốn sống ngồn ngộn, sự cọ xát nảy lửa và trong đó có cả sự mất mát, hy sinh. Tất cả những thành tố này đã ăn sâu vào máu thịt và bật ra trong những cảm xúc tận cùng nhất. Tôi đã đọc trong một tâm trạng giàu cảm xúc và khắc khoải. Song, như đã nói, chúng ta không bàn về chánh trị, và tôi nghĩ một cách chắc chắn rằng, Bảy Nhị về cuộc đời có những trải nghiệm sâu sắc, về chính trường thì nhiều kinh nghiệm, nên hơn hẳn tôi về chuyện này.

Có một điều lạ lùng là trong tuyển tập có đề cập một con người và một con chó. Đó là những cái gì thuộc về thương yêu của Bảy Nhị, đều phải xa rời trần thế đúng vào 10 năm. Tôi tự hỏi rằng chẳng lẽ “Ông Trời” đối xử không công bằng như thế sao?

Thực sự mà nói, thời gian Bảy Nhị làm Chủ tịch tỉnh An Giang ngắn quá. Tôi nghĩ nếu còn tuổi và được đặc cách sớm, Bảy Nhị sẽ còn nhiều cống hiến rất hiệu quả cho tỉnh nhà. Một con người nhiều tâm tư tình cảm của người nông dân, hiểu được cái ớn lạnh khi thời tiết trái mùa, ngửi được mùi đất nhiều hay ít phù sa, hiểu được cả sự sinh tồn của con cá con tôm của vùng Tứ giác Long Xuyên… thì sẽ đóng góp lớn lao vào sự phát triển không chỉ có An Giang, mà có thể nhìn ra hiệu quả của đồng bằng sông Hồng tận Bắc Bộ!

Tôi nghĩ người Ấn Độ có những triết lý sống sâu sắc. Cách đây hơn 10 năm, tôi qua Ấn Độ rồi vượt biên giới đi Népal. Đường phố Ấn Độ ở những khúc rẽ hay ngã tư, ngã năm, tôi nhìn thấy bản tiếng Anh, tiếng Ấn đại ý như một ngạn ngữ: Hãy sống chậm thôi, mọi việc sẽ đâu vào đó. Một câu vừa là lời khuyên cho cánh tài xế lái xe, nhưng mang ý nghĩa đời sống cộng đồng rất lớn. Nó cũng giống như tư tưởng của Bảy Nhị, bước chậm nhưng vững chắc về mọi phương diện.

Hôm qua đi đám giỗ Tiến, chồng của Ngoan, tôi có gặp vợ chồng Hải – Minh Tú và hai cháu nhỏ. Trong khi nói chuyện, tôi có nói với Hải rằng: Con có một ông già vợ rất đáng tự hào đó, không chỉ tự hào với cá nhân, mà là tự hào trong dòng tộc, hiểu chưa.

Tôi không phải là nhà thơ, chỉ biết đọc thơ và hiểu thơ thôi, cho nên không bình thơ được. Với tôi đọc 265 bài thơ, kể cả lời tự sự của Nhà thơ Nguyễn Minh Nhị. Tôi nghĩ tại sao Bảy Nhị không đặt tập thơ là Trường ca Gió núi. Tập Trường ca này có ba chương: chương Quê hương và đấng sanh thành; chương Tổ ấm; chương Trên đường. Dưới mỗi chương là Tiểu đề của từng bài thơ. Và bao hàm trên hết là đại đề Gió Núi. Đây là ý nghĩ cá nhân thôi, Bảy Nhị đừng bận tâm.

Viết nhiều cũng khó mà hết ý; tôi mượn hai câu thơ của Bảy Nhị để kết thúc sự chia sẻ nhé:

… Tôi là hạt cát phù sa

Trách dòng trôi nhớ thiết tha cội nguồn…

(Hoài niệm)

Bảy Nhị giữ gìn sức khỏe tốt và gia đình sống an lành nhé.

Thân quý

Trần Công Đức

254/9 – Thái Phiên – P 5 – Q 8 – TP HCM

ĐT: 0908387570.

MỤC LỤC

CHUYỆN ĐỜI TÔI

TẬP II

TRỌN LỜI ƯỚC HẸN

CHƯƠNG I

Đổi đời

Trọn lời ước hẹn

Đào tạo cán bộ mới

“Chống lũ tháng 8”, Chống hạn Đông – Xuân

Minh Tú

Đi học

“Cải tạo Xã hội Chủ nghĩa”

Bệnh viện Phú Tân

“Tai nạn nghề nghiệp”

“Tai biến sản khoa”

Con “Misa”

“Tưởng như xa xôi lắm”

CHƯƠNG II

Đổi mới, Thách thức và cơ hội

Cho tôi có quyền

Đội hình hàng dọc

Quyết định số 05 ngày 15 tháng 01 năm 1991

Quyết định 303

Khuyến nông và nông dân giỏi

Tứ giác Long Xuyên

Xây dựng nông thôn mới

Từ “Nhà trên cọc” đến “cụm tuyến dân cư”

Nước lên vùng cao, Rừng xanh núi trọc

Quyết định 275/QĐ.UB

Hai dự án tranh cãi

Trọn lời hẹn 32 năm với đất

Nợ với cánh đồng và dòng sông

Chương III

Còn lại một mình

“Quá độ” và “ế độ”

“Phút 89”

“Chủ tịch mì ăn liền”

Và… Những việc phải làm liền

“Liên kết bốn nhà”

“Cải tiến” Thi đua

“Dịch bệnh” liên tiếp

Đề án 31

“Tổ chức sản xuất, đời sống và sinh hoạt văn hóa mùa nước nổi”

BÀI BÁO NHƯ TỔNG KẾT “ĐỀ ÁN 31”

Hai chiến lược bị “trễ đò”

Dấu ấn An Giang

“Dấu lặng”trong lòng… và…

Thay cho tổng kết “phút 89”

“Hai hiệp phụ” và phương án chọn: NGHỈ!

CHƯƠNG IV

Xuất ngoại

Đi xa nhìn lại thấy mình

Tâm tình từ mỗi chuyến đi

CHƯƠNG V

“BỐN NHÀ” TRONG MỘT

“Nhà nước” về hưu, “Nhà nông” tại nghiệp, “Nhà báo” nghiệp dư và…

Và …”Nhà giáo”… Mầm non

PHỤ LỤC

Thư của anh Nguyễn Ngọc Kính

Thư của chú Trần Công Đức

Comments are closed.