Chuyện đời tôi (kỳ 4)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

Thời niên thiếu

Ra đời trong tiếng súng

Má tôi kể lại, những ngày Cách Mạng tháng Tám 1945, bà đã có thai tôi. Bà cũng như nhiều người dân khác trong làng, xuống đường biểu tình thị uy ủng hộ Việt Minh. Chị Hai tôi (Nguyễn Thị Phò, bí danh Nguyễn Thị Hồng Phương) đã là cán bộ khi tuổi vừa 18, đọc hiệu triệu của Việt Minh trong cuộc mít-tinh lớn nhất xã tại chùa Cây Trôm mà ba tôi có dự và xúc cảm đến làm thơ ca ngợi trưởng nữ của mình.

 

Anh Mười Trị (Trình Minh Trị) Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang khi viết bài nói về Ba tôi Nông dân làm thơ kháng chiến đã ghi lại và xuất bản trong An Giang kháng chiến, tập 5, tháng 12 năm 1987 có ba bài thơ của Ba, trong đó bài về chị Hai tôi như sau:

CUỘC BIỂU TÌNH TẠI XÃ NHƠN HƯNG

Khắp làng xóm chung lòng đánh Pháp

Dân Thất Sơn đáng mặt Anh hùng

Cuộc biểu tình tại xã Nhơn Hưng

Kéo lên chợ gần bên đồn giặc

Người tham dự thật là đông nghịt

Có chỉ huy Trần Thắng đi đầu

Đến lễ trường trên kháng đài cao

Cờ đỏ giữa bàn thờ Tổ quốc

Một cháu gái bước lên trên bực

Tên mẹ sanh là Nguyễn Thị Phò

Đọc diễn văn giọng nói rất to

Mừng bộ đội ta vừa chiến thắng

Đốt xe giặc thu nhiều súng đạn

Thật tự hào dân xã Nhơn Hưng

Theo Đảng làm cách mạng đến cùng

Có lãnh tụ cụ Hồ vĩ đại

Kêu lính giặc quay đầu trở lại

Mau trở về sum họp gia đình

Dưới ngọn cờ chánh nghĩa Việt Minh

Ta sẽ thắng, Pháp thua, Nhật bại./.

clip_image002

Nơi chị Hai yên nghỉ

Chị được Nhà nước truy tặng liệt sĩ, gia đình bốc cốt về cải tángvà đặt tượng chị nơi đất nhà, cũng là nơi chị đọc Hiệu triệu Việt Minh tháng 8-1945 mà Ba có bài thơ như trênlà “Những lời dõng dạc đinh ninh/ Tạc hình liệt nữ quê mình thiên thu (thơ của Nguyễn Minh Nhị).

Nhà tôi cất trên đất ngoại cho, đối diện nhà ngoại. Theo anh Tư Đào kể lại là nhà sàn liệt tre già chẻ to bản bóng lộn, cột vuông, lợp lá chằm đẹp lắm. Đất rộng khoảng 3.000 mét vuông. Theo ba, đất là của cậu Chín Thu (cháu kêu ông ngoại bằng chú ruột). Khi ngoại chia đất cho các con đều nhau, mỗi người một thửa đất vườn khoảng 2 công tầm cắt cùng hơn một héc-ta (10 công tầm cắt = 12.960 m2) đất lúa ruộng bưng, nhưng do thiếu phần đất vườn cho má nên ông ngoại kêu cậu Chín Thu bán lại phần đất liền ranh để chia cho má ở gần ngoại. Ba nói, ba nhận của ngoại cho, nhưng tiền trả cho cậu Chín thì ba tự lo, vì cậu Chín mới mua lại của ba đôi bò cày giá 50 đồng, còn giá đất bao nhiêu tôi không nghe nói.

clip_image004

Mảnh đất ông cha, nơi tôi chào đời, nay là nơi kỷ niệm.

Đây là đất cấy lúa ruộng trên, lấy nước trời mưa từ cái ô cặp ranh đất. Ba tôi mướn người gánh đất gò mối lấp ruộng thành đất rẫy, trồng thuốc lá rất tốt. Trước khi Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương, do mấy năm nước lớn mất mùa, dân tình khó khăn, chấy rận thành dịch, ba bịnh nặng “chết đi sống lại”, má xóa nợ cho dân nghèo rồi gia đình làm ăn gặp khó khăn hơn nên có lúc ba đóng cửa nhà bỏ đó, ra bờ kinh (Cây Mít) cất nhà làm đại lý bán da bò muối. Ba kể: Có lần người ta đem bán một tấm da con nưa có bề rộng 1 mét; ba tưởng trúng đậm, không ngờ bị ế, sau phải bán bằng giá da bò. Một bận, ba đi khỏi, bọn trộm xông thuốc mê, đào ngạch vào nhà vét sạch đồ đạc từ mâm, nồi, lư đồng cho đến mùng mền và cả hoa tai chị Hai tôi đang đeo. Trong những ngày Cách mạng tháng Tám, xóm chùa Cây Trôm gần nhà cũ của tôi là trung tâm của xã, cũng có nghĩa là trung tâm Cách mạng ở xã lúc ấy, nên cả nhà tôi có mặt ở nhà cũ nhiều hơn. Nhưng những ngày nhộn nhịp rồi cũng qua, gia đình tôi trở lại nhịp sống bình thường, duy chỉ có chị Hai tôi là thoát ly gia đình đi hoạt động Việt Minh gần như chuyên nghiệp.

Sau ngày Độc lập, cũng trong tháng 9.1945, giặc Pháp trở lại gây hấn và đánh chiếm Sài Gòn. Từ đó chúng đánh lan ra các tỉnh. Ngày má tôi gần sanh, ngoại sai các cậu đem xe bò ra rước má về nhà ngoại. Không phải tại nhà cũ của tôi đối diện đang bỏ không, mà tại chuồng bò cũ đang bỏ trống, liền vách nhà bếp ngoại. Các cậu kê giường và che phòng ở đó, tiện cho ngoại tới lui chăm sóc. Đến sau này, tôi vẫn thấy người phụ nữ khi sanh thường ở nhà bếp hoặc che chòi cách xa nhà ở, hình như bị kỳ thị là “ô uế” sao đó. Những nơi thờ tự thiêng liêng, có khi phụ nữ không được vào tự nhiên, còn nếu phải ngày hành kinh thì là cấm kỵ tuyệt đối. Thật tội nghiệp và bất công. Ngày 20 tháng Giêng 1946, trong tiếng súng giặc Pháp tấn công chiếm thành Châu Đốc, xâm lược lần thứ hai, tôi cất tiếng khóc chào đời. Đó cũng là ngày 18 tháng Chạp (đủ) năm Ất Dậu nhằm tiết Đại Hàn. Nói như cách tính của thời bấy giờ, tôi chịu “tuổi oan”, sanh ra được mười hai ngày là tính hai tuổi. Có lẽ, vì nghĩ rằng năm 1945 có nghĩa là năm Dậu, nên ba má tôi khai hồ sơ cá nhân tôi sau này đều ghi tôi sanh 1945. Và tôi không cải chính. Bà Tư Hợi ở Xóm Bún là “mụ vườn” mát tay, đỡ đẻ cho bà ngoại tôi cũng mấy lần và riêng má tôi là tất cả các lần sanh, trừ em gái thứ tám của tôi má sanh tại Mũi Tàu (kinh Tám Ngàn) do thím Ba Cù đỡ cho. Như vậy, vì chạy giặc Tây xâm lăng lần thứ nhất mà ông bà tôi đến nơi tận cùng Tây Nam đất nước lập nghiệp. Và lần thứ hai giặc Pháp xâm lược nước ta, tôi lại chào đời.

Nhiều lần má kể lại, tôi là đứa khó nuôi nhất nhà. Trong thôi nôi, tôi mắc bệnh liên miên, thầy Ba Thâm nói tôi ẩn tuổi mẹ nên khó nuôi, bảo cho ai đó nuôi một lúc qua “cái đốt” mới được. Ba tôi muốn nghe theo. Nhưng má tôi cự tuyệt. Lần bệnh nặng nhất tưởng chết, gần cả tuần bỏ bú, mắt nhắm nghiền, bí tiểu tiện… Thầy Ba Thâm hốt thuốc Nam nổi tiếng trong vùng, nhưng cũng chạy. Ông nói với má tôi: “Cô Ba, thằng này “cao số” hơn, tôi chạy rồi. Nhưng cô ráng tìm thầy khác trị cho nó. Cô tin tôi đi, lớn lên ai làm gì được thì nó làm được, cho cô coi”. Má tôi lên chợ Nhà Bàn rước thầy Bảy Vạn Tuế Hòa. Ông là người Hoa giỏi về thuốc Bắc, rất thân với ông bà ngoại và má tôi, nên có khi gọi thân mật là Chệt Bảy. Ông nói: “Hòa Hảo nổi lên đều trời, tôi làm sao dám đi. Tôi hốt cho nó một thang, cô cho nó uống, đêm nay tiểu tiện thông và mở mắt, sáng cô bồng nó lên, tôi coi lại”. Quả nhiên, sáng hôm sau, tôi mở mắt và chịu bú, má tôi mừng quá, ẳm tôi lên cho ông xem và hốt thuốc uống thêm, đến hết bịnh. Năm tôi bảy, tám tuổi, trong lần từ Vùng tự do kinh Tám Ngàn về thăm ngoại, má có dẫn tôi đến tiệm thuốc Bắc nhà ông ở Nhà Bàn để tôi chào ông. Ông xoa đầu tôi và nói gì đó với má tôi, rồi cười, mà tôi cũng quên rồi. Lần cuối cùng tôi gặp ông là năm 1957, tôi học lớp Nhì, các cậu sai tôi đến tận nhà rước ông về xem mạch cho cậu Bảy tôi là Huyện ủy nằm vùng. Ông mặc quần “phá lấu” và áo cụt tay trắng, đội nón lá trắng, mang đôi guốc mộc quai trắng: Đúng 100% là “Chệt” thân thiện. Đi ngang qua nền cốt số Một phía dưới chợ Nhà Bàn, tự nhiên ông quàng vai tôi và kề tai tôi nói: “Ha! tao… thương Việt Minh, nhưng tao ghét Cộng sản lắm. Cộng sản Tàu nó ác lắm. Nó đấ…u…u – t…ố…ố…, mày biết không?”. Nghe ông nói tôi không biết gì nên làm thinh. Nhưng hình ảnh vở kịch “đấu tố” do “Văn-tác-vụ Sài Gòn” diễn hồi cuối năm 1954 ở chùa Phi Lai (Núi Voi) mà tôi sẽ kể bỗng tái hiện lại trong đầu. Tôi lờ mờ hình dung mà không hiểu thực hư.

Đầu năm 1947, lúc cả nhà tản cư xuống Hòa Lạc quê cũ của ông ngoại, nay thuộc huyện Phú Tân. Lúc ấy, bịnh đậu mùa xảy ra thành dịch, các anh chị em tôi ai ai cũng mắc. Chị Hai tôi đang công tác ở quê nhà, vậy mà cũng nhiễm bệnh cùng lúc với chúng tôi, mà là nặng nhất, được cậu Hai Thể đưa về nhà cho ba má lo thuốc, nhưng chị đã qua đời ở tuổi 19. Sau những ngày tang thương ấy, ba má tôi dời nhà vô ngọn Thôm Rôm, làm rẫy, trồng dâu nuôi tằm và làm rạch. Hết mùa rạch, ba quay sang làm đìa, trúng đậm. Rồi thời cuộc ngày khó khăn, xô xát giữa Việt Minh và Hòa Hảo xảy ra, gia đình tôi phải lặng lẽ rời Hòa Lạc về Nhơn Hưng. Mùa nước năm 1948 bắt đầu, ba tôi lại lên đồng trên giáp Campuchia đặt lọp, gặp con trăn quá lớn, ba nắm đuôi mà nó chạy kéo theo chiếc xuồng như tàu kéo ghe; ba la làng, bà con trong xóm túa lên tiếp, bắt được con trăn, bán có tiền làm vốn, về vườn đốn tre, mua dây choại, mướn thêm nhân công…, xin phép Chánh quyền Việt Minh và cả của Hòa Hảo làm rạch ở mương Xẻo Tre – Bến Lúa, con rạch nằm bờ Bắc kinh Vĩnh Tế, bắt nguồn từ biên giới giáp Campuchia nên rất nhiều cá. Lại trúng mùa rạch thứ hai liên tiếp trong hai mùa nước, đỡ nghèo, nhưng rồi tình hình càng lúc càng xấu, nhà tôi ở giữa hai làn đạn “tảo thanh” giữa Việt Minh và Hòa Hảo, giữa hai xóm Cây Mít và Cây Gòn – Nhà Neo. Mỗi khi lính Việt Minh do ông Tư Hỷ (có bà con xa với má) cầm đầu, ra đốt nhà Hòa Hảo ở Bài Bài (ngoài) gần Cây Gòn – Nhà Neo, khi đi ngang thì nói “Nhà của chị Sáu tao, chừa lại”. Khi lính Hòa Hảo vào truy sát Việt Minh trong Cây Mít thì cũng ra lịnh: “Để nhà này cho anh chị Sáu ở”.

Thấy không thể kéo dài cảnh sống căng thẳng này, cuối mùa nước năm 1948, sau khi anh Tư Đào thoát ly gia đình theo Việt Minh, ba má tôi cũng buộc phải rời bỏ sở rạch đang làm ở Bến Lúa (Nhơn Hưng), giao lại cho chú Chín em của ba để vào Lung Trạo – Tám Ngàn lánh giặc. Không hiểu sao, lúc tôi mới hơn ba tuổi nhưng tôi đã ghi nhận được phần nào về con người, sự kiện và hoàn cảnh chung quanh mà tôi tiếp cận lúc ấy và nhớ được cho đến lúc này. Sau này kể lại, có người hoài nghi, nhưng đó là sự thật. Sự thật mà tôi nhớ, từ chỗ ba tôi làm rạch ở Bến Lúa, cả nhà chúng tôi rời đó theo kinh Vĩnh Tế, qua khỏi mấy rặng núi mập mờ trong đêm (có lẽ núi Tượng, núi Dài lớn) rồi rẽ vào cánh đồng tràm mênh mông. Ngồi trên xuồng mà tay tôi thọc xuống nước làm cho nước bắn tóe lên và lấy làm thích thú, má tôi rầy mà tôi vẫn không nghe, rồi bà mắng “Thằng này lì quá!”.

Vào một nơi mà nghe người lớn kêu là Lung Trạo. Từ ngã ba Mũi Tàu, có con kinh nhỏ có tự hồi nào gọi là kinh Trời Sanh, đi về hướng Bắc – Hà Tiên chừng năm, sáu cây số là đến; nơi có Binh Công Xưởng 18 của Quân khu 9 đóng. Các gia đình tản cư từ vùng ngoài, trong đó có gia đình ngoại tôi ở gần đó. Kinh Trời Sanh là con rạch tự nhiên hoặc có thể là con kinh do bộ đội đào tay để vận chuyển vật liệu, vũ khí vào ra quân xưởng mấy năm trước. Những người đến vùng đất còn hoang, do không biết và cũng không hỏi được ai, nên thường gọi những con rạch như vậy là “Trời sanh”. Nhà – trại cất dưới tán tràm mát rượi. Dưới sàn là nước và cá, rắn, rùa… nhiều lắm. Nhà này gần nhà kia, đi lại qua “hệ thống giao thông cầu khỉ” làm bằng cây tràm. Mươi gia đình quây quần nhau thành “xóm ẩn dật”. Ban ngày, các chị tôi đan đệm ở trong mùng, vì muỗi nhiếu vô kể. Tôi luôn được ở trong mùng trốn muỗi. Nằm lăn lóc xem các chị đan đệm bàng và ngủ. Có lần tôi rắn mắt, cầm cây kềm càng cua kẹp vào chân chị Năm Kiểm chảy máu, chị khóc méc ba chớ không đánh em. Tôi bị ba la, quát chưa từng thấy, bắt nằm sấp đánh đòn, nhưng ba cầm cây thước bản đo đệm giơ lên cao rồi để xuống nhẹ hều, tôi biết ba cưng, nhưng từ đó không dám vô lễ với các chị.

Đầu năm 1949, ba tôi dời nhà từ Lung Trạo về ở Mũi Tàu. Lúc đầu ở bờ Đông. Tại đây, khoảng đầu mùa mưa năm ấy, má tôi sanh em Gương (đi kháng chiến tự đổi tên Sương). Đó là vào thời điểm bộ đội ông Huỳnh Văn Trí từ vùng ngoài mới chuyển vô đóng dọc theo kinh Tám Ngàn, máy bay “săn giặc” của Pháp còn gọi là “còng cọc” ngày nào cũng lượn qua mấy vòng, bắn mấy loạt trọng liên, chủ yếu là bắn bò của bộ đội, mà tôi nghe người lớn nói là nó diệt sức kéo, phá kinh tế là chủ yếu. Hễ nghe tiếng máy bay, trước hết xem bò có ở gần mình không, nếu có thì đuổi đi, không thì mình phải tránh xa nó để không bị vạ lây. Một hôm, nghe hơi máy bay, má đang mang bầu, ba hối má dẫn tôi ra ngoài đồng có mấy cái hố chiến đấu cá nhân do bộ đội đào trước đó nhưng đang ngập nước mưa chum; gặp bò đến gần, má tôi đuổi nó và nói cho tôi hiểu vậy. Lúc này bụng má lớn lắm rồi, đi đứng có vẻ mệt nhọc, tôi rất thương má. Bò chết, bộ đội xẻ thịt chia nhau, khi nhiều cho dân ăn. Các anh bộ đội ở nhà tôi, nên nhà lúc nào cũng có thịt bò. Ba tôi kho cho một thùng thiếc, loại thùng chứa dầu lửa 20 lít hiệu Con Sò, trưa buồn miệng xé thịt bò kho lạt ăn chơi, ăn riết rồi cũng ngán, thậm chí hửi mồ hôi của mình cũng có mùi bò. Ngán thịt, bắt giòi bám theo thịt bò vụn đang thối rửa để làm mồi câu cá rô đồng đổi món. Hôm má chuyển dạ vào buổi chiều, mưa không lớn. Anh Trần Ngọc Quế trong đơn vị ở nhà tôi mượn nhiều bao gạo của bộ đội chất quanh cái giường sanh của má, đề phòng máy bay bắn, có chỗ núp. Tôi không rời má ngày nào, nên khi má vào phòng sanh thì tôi thấy tủi thân sao đó mà khó dễ với ba. Lần đầu tôi thấy ba tôi o bế tôi, như má tôi hay làm với tôi. Nhưng đến bữa cơm, tôi cũng vào được ăn chung với má. Mùi cá lóc kho khô để tiêu thơm lừng, nó gắn liền với câu chuyện sanh nở mà hễ nghe cái mùi ấy dù ở đâu tôi như thấy má tôi đang ngồi ăn cơm trên “giường cữ” với em gái tôi nằm gọn hơ bên cạnh. Sau này nghe má tôi đọc truyện “Thập ngoạt hoài thai”, kể chuyện Đức Phật Tổ dạy A-Nan Ca-Diếp cách phân biệt xương của đàn ông, đàn bà cần lựa ra chôn riêng, tôi mới biết xương người phụ nữ nhẹ và thẫm màu hơn xương đàn ông là do sanh nở và kinh nguyệt mất máu. Đặc biệt, từ lần vợ tôi sanh đứa con trai bị sự cố, tôi đọc hết cuốn sản khoa và sách nói về trẻ con bị động kinh do hậu quả của thiếu ô-xy não (bị ngột)… tôi càng thương thân phận người phụ nữ qua hình ảnh má tôi và vợ tôi lúc sanh nở mà tôi mục kích. Những câu chuyện má kể và những câu hát ầu ơ: “Người ta đi biển có đôi/ Còn tôi đi biển mồ côi một mình”, hay như câu nói của người Khơ-me nói về người phụ nữ lúc sanh nở cũng rất văn hóa và thấm đậm nhân văn: “Sa-lon-tà-lê” nghĩa là “qua sông”, như người Việt có câu “vượt cạn”.

Nhà đang ở yên, không hiểu sao ba tôi dời qua bờ Tây-Bắc đối diện, gần Ty Thông tin Long Châu Hà. Ở đây có nhiều nhà người quen như chị Tư Lệ (vợ anh Tăng Thanh Kim), anh Hai Ánh con bác Chín Mới… Đầu năm 1950, nhà tôi dời về Đường Củi Giữa ở bờ Tây nhìn về phía mặt trời mọc, cách Mũi Tàu đâu 1.000 mét, là nơi tôi nặng tình và kỷ niệm thời thơ ấu như ở Nhơn Hưng vậy. Tại đây, ba má tôi tổ chức gả chị Ba tôi cho anh Bảy Quế (Trần Ngọc Quế) là lính Vệ quốc đoàn, người mượn bao gạo chất thành công sự nổi cho má tôi sanh như đã kể. Sau lễ tuyên bố, ba má cho chị tôi ra riêng, cất nhà về phía trên chừng 1.000 mét, có tên là Đường Củi Trên. Năm ấy, chị tôi sanh cháu Trường Sơn, con đầu lòng; sau đầy tháng, anh Ba không có ở nhà, má sai tôi lên ngủ nhà chị cho đỡ hiu quạnh. Con heo nái của chị đẻ 8 con vào ban đêm, nhưng khi đẻ không ai hay, bao nhiêu heo con đều lọt xuống mương nước bên hè chết hết. Ba má tôi hay tin lật đật lên xem, chỉ còn biết hít hà, còn chị tôi thì hình như có khóc! Anh Ba tôi là người rất tháo vát, biết làm mọi việc mà người nông dân làm, đặc biệt có tài cắt lúa bằng hai người bình thường, nếu cắt mướn một mùa một người được 50 giạ lúa thì anh được 100 giạ; còn tài bắt cá thì chưa chắc rái cá bắt giỏi hơn. Anh em tôi phục anh lắm, còn ba má tôi thì rất hài lòng về rể và lúc nào cũng tin anh như con trai. Anh còn biết thương vợ, thương con với tư cách một người đàn ông mà tôi hiếm gặp. Ở đơn vị về thăm nhà, anh chỉ lo làm, không đi chơi đâu, để đỡ đần bớt việc nặng nhọc cho chị tôi. Anh là thần tượng của anh em tôi: đẹp trai, nói năng lưu loát, có duyên, uống rượu không say, có biệt danh “Ba xị đế” nhưng lại không thích nhậu nhẹt bê tha, có nhiều phụ nữ quan tâm nhưng cũng rất được tôn trọng vì anh rất đàng hoàng, nghề võ giỏi thuộc bậc thầy nhưng không ai biết, biết làm và làm giỏi mọi việc nhà nông. Đặc biệt, anh có cách cư xử chân thành và có sức thuyết phục tất cả mọi người, nhất là bà con, anh em bên vợ. Tôi thường nói với các con anh: “Chị ba tao có tu chín kiếp mới gặp ba tụi bây!”

Mùa nước năm 1952, ba đưa má về nhà ngoại ở Nhơn Hưng sanh em Định, vì sợ năm Thìn nước lớn như thường xảy ra, nên ngại giặc thừa cơ ruồng bố. Hôm ba chở tôi theo ra xóm Chân Num dưới chân núi Tà Pạ, gần chợ Cầu Cây Me (Soài Tón) rước má và em về, ba lật đật làm con càn đước mà ba đặt lọp bắt được mấy bữa trước để dành, lấy huyết pha rượu với gừng giã nhỏ cho má uống bồi bổ máu huyết, như ba nói.

Ở Đường Củi Giữa, ba phát hoang, móc gốc tràm, đào mương xổ phèn dẫn ngọt khai hoang theo sức mình hơn hai năm mới được hai héc-ta đất sau nhà trồng lúa, mỗi mùa một hai thứ như để chọn lựa mà bây giờ hay gọi là khảo nghiệm: Nàng Tây, Tàu Binh, Chệt Cụt… Nhưng cuối cùng ba chọn lúa Nàng Tây gạo đỏ, ngọt và thơm cơm để trồng hàng năm; rẫy có khoai mì, khoai lang, khoai cao (sọ), củ cải, củ sắn, củ kiệu… Đất bờ kinh trồng chuối, đất bờ mương ranh thì trồng tre gai… Ba lao động nặng nhọc nhiều đến mức ho khạc ra máu. Cuộc sống gần như tự túc được hết, ngoại trừ lệ thuộc mấy món như vải mặc, xà bông, dầu lửa… phải mua từ ngoài thành. Có lần, bà ngoại tôi từ vùng địch tạm chiếm xã Nhơn Hưng vào thăm con cháu, ngang trạm thuế Giồng Cát do ông Toán người miền ngoài làm trưởng trạm, nên còn có tên “Huế Toán”, là người nổi tiếng khó khăn bị nhiều người ghét. Có lẽ, do hay tịch thu hàng cấm như vải, dầu lửa, xà bông, thuốc uống… theo lịnh của Việt Minh “bao vây kinh tế giặc”. Có tin nhắn, bà tôi bị trạm của “Huế Toán” bắt, lập tức các cậu, anh tôi và một số người nữa vội chèo ghe lên trạm, định “một phen sống mái với Huế Toán”. Nhưng may quá, họ đến nơi thì bà tôi đã được thả cùng với số hàng mua làm quà cho con cháu. Sau này, thời “kinh tế tập trung quan liêu bao cấp”, “cấm chợ ngăn sông”, sau 1975, chuyện bà Sáu Minh chỉ huy thu thuế ở huyện Châu Phú, bắt một giạ gạo mà người mang nói là “quà cho ông Đỗ Mười” (Trưởng ban Cải tạo Công – Thương nghiệp Xã hội Chủ nghĩa Trung ương), bị bà nói: “Đỗ Mười Một cũng tịch thu”, thành câu chuyện nổi tiếng được nhắc như làm chứng cho một thời…

clip_image006

Tôi đang đứng trên nền nhà (cũ) –  Bờ Bắc Kinh Tám Ngàn – Đường Củi Giữa – và cũng là mảnh đất ba má tôi khai phá (2 ha) năm xưa (1948). Sau giải phóng, những năm 1980 chị Sáu tôi có về ở một thời gian. Hàng tre ranh đất ba trồng vẫn còn phía sau lưng tôi trong ảnh. Đất này nay thuộc tỉnh Kiên Giang. Anh em Kiên Giang có nói với cháu tôi rằng họ sẽ thu xếp cho tôi nhận lại đất này, nhưng tôi không muốn. Đứng đây nhớ cả một thời Mẹ Cha! (Anh Tư Đào chụp)

Nhớ hồi chiến dịch Điện Biên Phủ, có lần họp vận động thanh niên tòng quân tại xóm trên, các chú được ba tôi đồng ý, đưa cho tôi 5 đồng tiền xanh (tiền Đông Dương rất có giá), dặn khi nào có người kêu gọi ủy lạo các anh tân binh thì tôi bước lên xin ủng hộ. Tôi làm theo, được các ông vỗ tay hoan hô quá trời, nhưng khi bước xuống tôi nghe bà Sáu (má của cậu Ba Dương Sơn Châu – Trưởng ty Công an tỉnh Long Châu Hà) chửi: “Cái thằng nhỏ chưa ráo máu đầu, là con ai vậy?”. Tôi không hiểu gì nhưng khi nghe các bác, các chú nhắc lại với vẻ đắc ý vì đã chọc cho bà Sáu giận, như “trả thù” bà keo kiệt không hào phóng ủng hộ tân binh, tự nhiên tôi thấy tôi có lỗi với bà, mặc dù tôi cũng không có thiện cảm với bà vì ông Châu (mà tôi kêu theo trong gia đình bằng cậu Ba) đã làm nhiều người rất sợ, còn bà thì mượn hơi mẹ Trưởng ty Công an mà ra oai với mọi người. Tôi nghe người lớn bảo nhau: “Đi ngang nhà ông Trưởng ty không dám nhìn vào”.

Hồi ấy không hiểu sao có một tốp hơn mười người, nghe người lớn nói là “tàn quân Quốc dân đảng”. Họ to béo, trắng trẻo, đầu húi trọc tóc, nói tiếng Tàu, được cán bộ trại giáo hóa tỉnh gần nhà tôi gởi ở nhờ, có cán bộ trại đi theo quản lý, họ ăn ở riêng ngoài vườn chuối, chỉ mượn nhà để gởi ba lô, làm nơi sanh hoạt buổi chiều; ban ngày, họ đi mò củi tràm lụt về làm chất đốt cho trại. Tràm lụt là những cây chết lâu năm, nằm dưới một lớp trầm tích, có cây dài cả năm bảy mét. Nói vậy để thấy chánh sách bảo vệ rừng là rất nghiêm, không được đốn cây sống làm chất đốt. Ngày ấy, Nông hội được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng và quản lý an ninh trật tự trong xã nên có quyền lắm, ai chặt cây là bị mời làm việc ngay, nếu nặng thì giao cho chánh quyền (du kích) giải giao về trên, nên rừng tràm bạt ngàn mà ai muốn đốn làm nhà đều phải xin phép.

Nhà tôi là nơi thường họp Nông hội xã. Mỗi lần họp đều có treo cờ đỏ sao vàng. Có lần họp, nghe các bác bàn việc tách ấp Tân Lập xã Bình Sơn chỗ nhà tôi thành xã mới và đề nghị lấy tên Tân Lập. Có người còn giải thích Tân Lập là “mới lập”. Bình Sơn và Tân Lập là hai xã thuộc huyện Tri Tôn tỉnh Long Châu Hà. Hình như xã chỉ tồn tại đến sau tập kết 1954, và khi tỉnh Long Châu Hà không còn, để trở thành hai tỉnh An Giang, Kiên Giang.

Những năm ở Đường Củi Giữa thật là vui. Bà con cô bác là người thân của gia đình ngoài thành có việc vào vùng tự do, tất nhiên là ở nhà tôi rồi. Phần nhiều là vào thăm người thân đang công tác hoặc bị giam “giáo hóa”, kể cả có người nghe y tá Việt Minh cấy phi-la-tốp trị được nhiều bịnh dây dưa mà sau này ta hay gọi là mạn tính. Trong số bà con vào thăm, có dì Hai Xạ (cháu ruột kêu bà Ngoại tôi bằng cô Tư), là người thi đấu xảo nấu ăn hạng nhất, đẹp người đẹp nết, làm dâu nhà danh giá ở Châu Đốc và được nhà chồng rất quí nể. Tôi có lần theo má đến nhà dì, dì rất tử tế nên tôi nhớ bằng thiện cảm. Sau 1975, ông Sáu Độ có lúc làm Giám đốc Hải quan thành phố Hồ Chí Minh, gặp tôi hay nhắc: “Anh em tôi rất biết ơn chị dâu (dì Hai), mong ngày báo đáp, nhưng hòa bình về chị đã không còn”. Mợ Bảy được ba má tôi rất thương vì là người ba má mai mối cưới cho cậu Bảy; và cậu tôi làm đến Bí thư Huyện ủy nên công tác xa, thường vắng nhà, nên ba má tôi tự thấy mình có trách nhiệm đùm bọc. Mợ có hai con trai tên Xem và Kim Anh, lớn hơn tôi từ một đến bốn tuổi, rắn mắt hàng vô địch, nhà tôi dời đi đâu mợ và các con cũng dời theo ở cạnh. Nhà tôi lúc nào cũng có cán bộ, bộ đội ở nhờ, ăn cơm chung. Có anh Đông (người miền Bắc) và anh Nguyên (thương binh) được gởi ở nhà tôi đến gần một năm mới có chuyến đi về miền Đông – Việt Nam hay Đông Nam – Cao Miên gì đó. Hôm chia tay, anh Đông nói trong nước mắt: “Ngày hai cháu đến, em Định còn nằm ngửa, mà nay đã biết đứng chựng rồi. Ơn gia đình rất lớn”. Các cậu và anh Tư Đáo (Tư Đào) công tác gần nhà, lui tới thường xuyên. Nhà tôi nhiều chị gái, suốt mùa kháng chiến, cán bộ, bộ đội rần rần như thế, vậy mà không xảy ra tai tiếng gì thì… thật là tuyệt. Cối xay lúa và cối giã gạo hình như ngày nào cũng hoạt động. Ở đây được cái là lúa trồng tự túc đủ, cá mắm nhiều vô biên, muối Bạc Liêu ngon mà rẻ, mía nhà ép đường để cả lu ăn quanh năm, chuối vườn ăn không hết còn bán nữa… Ba má tôi tạo nên cuộc sống hơn người trong vùng cho nên trở thành người nổi tiếng, ba tôi được bình chọn Chiến sĩ thi đua nông nghiệp Nam Bộ, được bầu làm Trưởng ấp, Trưởng nông hội xã, có lúc phụ trách nấu rượu tự túc tài chánh cho Huyện ủy Tri Tôn, nên quen biết anh Mười Ly từ đó. Ba được gợi ý vào Đảng nhưng ông kiên quyết không vào vì cảm thấy lý tưởng cao siêu và ràng buộc nhiều quá mà ông thì là người rất tự do, thấy không phù hợp. Sau khi đi dự đại hội “Chiến sĩ thi đua nông nghiệp Nam bộ” ở Bạc Liêu, được Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam bộ Phạm Văn Bạch tiếp và đãi cơm, ông cảm thấy rất tự hào, hãnh diện cho đến cuối đời. Nhưng lạ một điều, ông là nông dân rặt mà luôn khen ông Bạch là người trí thức, lịch sự… hơn ai! Ông tự cho mình thiếu chuẩn để làm đảng viên nên hễ thấy cán bộ, nhất là đảng viên sai phạm thì ông rất trách móc là không xứng đáng. Là nông dân, thấy nhà ai không chịu trồng rau ăn, ông đem những thứ rau gia vị như sả, rau tần, ngò, quế… đến trồng cho. Sau này khi nhận trách nhiệm khai thác Tứ giác Long Xuyên đất phèn nặng, nhờ học và từng làm theo cách trị phèn của ba mà tôi dám nói với Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại hội nghị ở Dinh Thống Nhất rằng: “Tôi uống nước phèn mà lớn, và tôi có thể trồng được nhiều thứ trên mảnh đất phèn này…”. Ông hình như không tin và có phần thiếu thiện cảm với tôi, có lẽ nghĩ rằng tôi “nổ”. Nhưng 10 năm sau tôi hoàn thành nhiệm vụ khai phá xong vùng này, với bằng chứng là được hai Huân chương Lao Động II, I (không kể Huân chương Lao Động hạng Nhất của chức danh Chủ tịch – theo chánh sách) ông rất thương tôi, lúc ấy ông không còn làm Thủ tướng nữa và tôi cũng đã sắp về hưu.

Hồi ấy có bộ phận điện đài của Ty Thông tin nhận tín hiệu tít… tít… te… te, sau này tôi mới biết là Đài Minh Ngữ; tối các anh đi xuồng đốt đèn măng-xông phát loa tin chiến thắng, dài từ Ngã ba Mũi Tàu ra Ngã ba Vàm Rầy và trở lại. Tôi được các anh cho đi theo rất vui. Lúc này tin chiến thắng từ biên giới Tây Bắc, Điện Biên Phủ… ngày càng nhiều, thấy người lớn tỏ ra phấn chấn lắm! Có lần, tôi thấy anh Trường (cán bộ Ty Thông tin – Văn hóa) in rất nhiều hình ông gì có “râu Ăng-lê”, nghe nói là ông Xít-ta-lin. Tại các cơ quan, tôi thấy hình các ông có râu, ông Staline, ông Mao-sing-Túng ngang hàng nhau, ảnh Bác Hồ ở giữa, nghe người lớn gọi các ông ấy là lãnh tụ! Sau đó, thấy cậu Út tôi (Chín Kiên) đeo miếng vải tang trên miệng túi áo trên, nghe cậu nói tang ông Staline!

Thấy cả xã Bình Sơn không có trường học, ba và cán bộ Nông hội vận động bà con cất một cái trường bằng cột tràm, lợp đưng ở bờ kinh phía mặt trời mọc đối diện nhà tôi giữa nhà mợ Bảy tôi và nhà bác Hai Dương Hồng Sanh (Chủ tịch Mặt trận Liên Việt xã) và đi qua xã Nam Thái Sơn rước thầy; nghe nói thầy hứa, nhưng đợi mãi, đợi mãi đến trường sập và rồi đình chiến mà cũng không có thầy; bọn con nít chúng tôi đành chịu dốt hoặc ở nhà dạy dăm ba chữ ê a vậy thôi. Cái chữ ngày ấy đắt đỏ là vậy. Má dạy tôi đọc chữ trong sách, thông tin, văn nghệ… nhờ vậy mà tôi đọc chạy chữ nhưng không biết vần ngược, vần xuôi chi cả. Sau đó, tuy ba và cậu Út Tiến có dạy tôi học chữ cái và tập đồ theo cuốn vần i tờ… nhưng tôi rất làm biếng, cầm tới sách là buồn ngủ. Học với má thì vui hơn vì đánh vần rồi đọc nguyên chữ, nguyên câu nên biết con chữ nó nói lên cái gì. Vả lại, biết ba cưng chiều, nên tôi không sợ cậu. Có lần ông đang đe nẹt tôi, tại sao không hoàn thành bài tập đồ chữ cái. Tôi đang bệu bạo, thấy ba đi ngang, tôi đổ thừa: “Hồi trưa ba sai…”. Ba liếc nhìn tôi ra chiều xót dạ, bèn lên tiếng: “Hồi trưa, tao có sai nó, đó mày”. Cậu tôi bực mình quăng tập vở và nói: “Tôi hết dạy nó được rồi. Anh làm gì nó thì làm”. Tôi thấy dựa được ba nên đắc ý. Đây là kinh nghiệm cho tôi dạy cháu ngoại bây giờ. Tuy nói vậy, chớ ba dạy tôi cửu chương Tây và cửu chương Tàu, tôi đều thuộc làu, nên làm toán rất nhanh. Sau này, có máy tính tôi đâm ra mất tự tin, rất khờ tính nhẩm. Học theo cách má dạy, tôi đọc đến thuộc lòng các bài thơ, hò vè… cổ động trong văn nghệ kháng chiến. Có lần tôi khoe với cậu Bảy tôi là Bí thư Huyện ủy về tranh châm biếm “Ông lớn quan liêu”. Cậu tôi xem rồi đem đốt với thái độ không vui. Sau này, tôi mới biết không ai thích “được phê bình” đâu, nhất là báo chí phê bình! Có kịch thơ lên án địa chủ mà tôi thuộc lòng nhiều đoạn, nói về bà Năm nào đó ngoài Bắc có con tên Lê Hồng làm lớn trong bộ đội Việt Minh. Bà bị Việt Minh xử tử vì là “Việt gian tồi tệ”, vì “dọ dẫm hành tung Quân Giải phóng…”. Nay cọ lại, sao nó giống với bi kịch “Cải cách ruộng đất” mà bà Nguyễn Thị Năm là người đầu tiên bị xử bắn!

Trong gia đình, chỉ có chị Hai, chị Ba, anh Tư, chị Năm là được đến trường tư ở xóm và trường làng của nhà nước từ đầu, nhưng cũng chỉ có chị Hai, anh Tư là học đến hết lớp Nhứt. Còn từ chị Sáu đến tôi, em Sương, em Định và các cháu con của các chị, anh tôi đều do ba má dạy ở nhà, rồi sau đó đứa nào có dịp thì đến trường tư, trường công ở làng, học cũng cỡ lớp Năm, lớp Tư… làm nền cho sau này có điều kiện học lên gần hết tiểu học. Riêng chị Sáu tôi chỉ biết đọc, biết viết là xong, rồi chị phải lo cho cha cho mẹ, anh, em; phụ giúp ba má nuôi cháu Minh Hiền con anh Tư, Minh Đức con em Sương lúc anh em tôi đi kháng chiến và khi chị có chồng rồi có con thì lo cho chồng, cho con, một đời dốt chữ, nghèo khổ, vất vả thật là thương!

N.M.N.

Comments are closed.