Nguyễn Hoàng Văn
Mãi hai năm sau khi mẹ qua đời, Tết rồi tôi mới có thể về quê chịu tang để rồi chứng kiến cảnh dâu bể không biết khóc hay cười.
Đó không phải là cảnh bãi biển biến thành nương dâu thời xưa bởi bây giờ có “biến”, những bãi biển xinh đẹp chỉ biến thành những resort sang trọng mà người dân bình thường không thể thò chân trong khi những “nương dâu”, tạm gọi thế, lại chuyển mình cho những sân golf dành riêng cho giới dư thừa tiền bạc. Nhưng tôi không muốn nói đến đề tài khổ quá nói hoài này mà chỉ nói đến cảnh dâu bể qua sự biến mất của một lớp người, sau khi “tiên sinh tại đào”.
Mẹ tôi qua đời ngay giữa mùa dịch Covid-19, cái thời mà, theo “tiên sinh”, những cây cột điện Mỹ nhấp nhổm “tại đào” để hướng về đất ta còn dân ta thì, dưới quyền điều hành của “tiên sinh”, phải vểnh mũi ra cùng với động tác móc ví trả tiền để được ngoáy, không ai có thể… tại đào. Bây giờ, những ngày ngạt thở ấy đã qua, tôi có thể về quê chịu tang mẹ thì “tiên sinh”… đã “tại đào”, dẫn đến cảnh dâu bể nói trên.
Xưa nhà thơ Vũ Đình Liên có ghi nhận sự biến mất của những ông đồ già cho chữ ngày Xuân thì cảnh bể dâu ấy không ập đến cái ào mà từ từ “mỗi năm mỗi vắng” để rồi, đến một lúc nào đó, hoàn toàn vắng bóng qua câu cảm khái “Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ?”. Và tôi còn nhớ, hơn 20 năm trước, đến thăm nhà văn Nguyễn Mộng Giác ở California, lúc đang điều hành tạp chí Văn Học, ông buồn buồn kể về những lá thư báo tử thỉnh thoảng gởi về, đại ý “Ba tôi đã qua đời, xin đừng gởi báo đến nữa”: khi lớp độc giả gắn bó tiếp nối nhau trở thành “người muôn năm cũ” thì văn học hải ngoại đối mặt với một tương lai ảm đạm.
Nhưng cảnh dâu bể quê tôi không đến chậm như thế và lớp người biến mất này không hề là lớp người “muôn năm cũ”. Họ, cũng như “tiên sinh” vậy, vẫn còn sống sờ sờ ra đó, chỉ có điều là đang gục mặt, cúi đầu.
“Tiên sinh” là người quản lý cao nhất của bộ máy công quyền còn lớp người kia là đám thân thích xa gần, thật có, giả có. Họ tự hào là con cháu “tiên sinh”, là bạn của con cháu “tiên sinh”, hay, thậm chí, là cháu của… hàng xóm “tiên sinh”: có ông chú qua đời được “tiên sinh” đến tận nhà thắp nhang, v.v. Là người đồng hương với “tiên sinh”, một lần gặp những đồng hương là thêm một lần tôi bị làm phiền với hạng người dễ dãi sự tự hào này. Đâu đó, tại bất cứ một cuộc tụ tập đông đúc nào, thể nào cũng xuất hiện vài ba kẻ thao thao bất tuyệt về niềm tự hào vô duyên nếu không nói là thối tha ấy. Họ làm phiền tới mức có lúc tôi phải chọc họng rằng, phải chăng, chúng ta hèn yếu, chúng ta cam tâm chịu đựng sự hiếp đáp của láng giềng là do thiếu anh hùng: xưa ra ngõ toàn là “gặp anh hùng”, giờ ra ngõ gặp toàn… cháu “tiên sinh”.
Nhưng rồi “tiên sinh tại đào” và, thế là, đám người này biến sạch.
Nhưng tôi cũng phải cắt ngang, nói rõ hơn về điển cố đã dẫn. Đại khái vua Tề thích nghe thổi sáo, tuyển vào cung điện ban nhạc hàng trăm người và “tiên sinh” nọ, tuy chẳng biết thổi sáo, đã bằng cách nào đó lọt vào ban nhạc hoàng cung và ngày ngày bộ tịch chu môi bên cây sáo kiếm cơm. Đến ngày kia vua Tề bất chợt nổi hứng, muốn nghe tiếng sáo của từng người nên tiên sinh hết đường xoay xở và, tới đây, câu chuyện kết thúc: “Thế là tiên sinh tại đào”.
Nói theo giọng điệu chung của mấy bài ca chiến thắng rằng “quê ta nay đã sạch bóng quân thù” thì, so với những năm trước, quê tôi hiện đang sạch bóng… cháu “tiên sinh”. Nhưng đám này không phải sáo sĩ giả vờ mà chỉ là một bọn người “đá cá” về trí tuệ và “lăn dưa” về nhân cách, phải đánh bóng mình bằng cách bám víu hào quang của người họ hàng hay đồng hương, hàng xóm: khi ánh hào quang kia bị tắt hay lộ nguyên hình là hào quang giả tạo thì bọn họ biến mất theo, và đó là lẽ tự nhiên.
Muốn nói chuyện “thổi sáo” và “tại đào” thì phải nói tới “tiên sinh”. Mà, hòa theo diễn ngôn của bộ máy chính trị, “tiên sinh” chẳng đã phồng má chu môi bao nhiêu lần với giọng điệu rất riêng của mình là gì? “Tiên sinh” chẳng đã chu môi về “chính phủ kiến tạo” là gì? “Tiên sinh” chẳng đã phồng má về nền dân chủ… phi tào lao trên đất nước ta là gì? Và, kể ra, đôi khi tiên sinh cũng lạc nhịp, tỷ như bài sáo về đoàn tàu kinh tế đầy… đầu tàu, hay bài sáo về ba nước cờ lờ vờ, v.v. nhưng, nói theo Tố Hữu, “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại / Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”: Những sơ suất ấy là chuyện thường tình, cái không thường tình làm nên chiến bại của “tiên sinh” thuộc về tình trạng khẩn cấp của quốc gia.
Để đánh giá một bộ máy công quyền thì, ít nhất, giới quan sát xem xét năng lực của nó qua ba khía cạnh. Thứ nhất là cách nó quản trị và khai thác tài nguyên của quốc gia, cả tài nguyên vật chất lẫn tài nguyên nhân lực. Thứ hai là viễn kiến và dự cảm tương lai, là cách nó tạo nên một niềm cảm hứng cho toàn dân, cuốn hút toàn dân cùng tham gia dự án chung cho tương lai đó. Thứ ba là cách nó ứng đối trong những tình trạng khẩn cấp của quốc gia.
“Tiên sinh” từng toàn quyền quản lý quốc gia và, xem ra, “tiên sinh” cũng chẳng khá khẩm gì hơn: với cơ chế ấy thì tiên sinh vẫn là thế ấy, không thay đổi được bao nhiêu. Tài nguyên quốc gia bị phí phạm và bị xâu xé không thương tiếc trong khi nhân tài nối gót nhau bỏ đi. Dự án cho tương lai thì lại nằm bên kia biên giới bởi mơ ước lớn nhất của tuyệt đại đa số người Việt – kể cả con cháu những giới chức cao cấp – là… thôi làm người Việt Nam để làm công dân một nước khác. Chỉ còn tiêu chí thứ ba và, xem ra, “tiên sinh” tỏ ra rất giỏi. Xưa Mao Trạch Đông chỉ lệnh một tiếng là trên 600 triệu người Trung Quốc phải mang mõ, mang trống, mang phèng la đi diệt chim sẻ thì lúc đó, trong tình thế khẩn cấp của đại dịch Covid-19, tiên sinh buông một chữ ký là trên 80 triệu người Việt vểnh mũi ra cho người của nhà nước ngoáy.
Nhưng, than ôi, cái tài này của tiên sinh, hay đám thân thích dựa hơi “tiên sinh”, như thực tế đã phơi bày, chỉ là cái tài làm hại nước, thiệt dân; chỉ mang lại tiền bạc cho một thiểu số thân thích sau lưng “tiên sinh”.
Thế là tiên sinh “tại đào”, ngôn ngữ chính thức là “xin thôi”, chắc để cứu mình và cứu số thân thích cật ruột rất ít của tiên sinh.
Thế là là đám thân thích lăng nhăng đông vô kể bên ngoài biến sạch, làm nên cảnh bể dâu ở quê tôi.
Và thế là, may cho tôi, chuyến về quê chịu tang mẹ tôi mới hết bực mình, đỡ phải ngứa tai.
Nhưng, ơ hay, tại sao tôi lại khốn nạn như thế này?
Tại sao tôi có thể tự xem mình là “may” khi, để được như thế, bao nhiêu triệu người phải vểnh mũi ra ngoáy với bao hệ quả tức tưởi, oan nghiệt, cay đắng, bẽ bàng? Đã có bao nhiêu người không bệnh cũng thành bệnh? Đã có nhiêu người chết oan? Và đang có bao nhiêu người thắp nhang trước bàn thờ tổ tiên trong tâm trạng bất an và lẫn lộn bởi không thể đoan chắc rằng nhúm tro cốt sau bình hương có thật sự là những gì còn lại từ cha/mẹ, anh/em, vợ/chồng hay con/cháu của mình? Một bạn học cũ của tôi, một giáo viên ở Sài Gòn, cũng là một nạn nhân như thế khi phải vểnh mũi không biết bao nhiêu lần để ngoáy vì còn phải chăm con và chăm vợ đang mang bệnh ung thư tại bệnh viện: mỗi lần vểnh mũi là một lần tốn tiền và, vểnh mãi, vểnh mãi, đến lúc cạn tiền thì vợ qua đời, không còn đồng nào để hỏa táng, phải nhờ đến bè bạn và học trò.
Với những cảnh đời như thế mà tôi tự cho là mình may mắn, đỡ phải bị ngứa tai thì tôi là một kẻ khốn nạn khó tha thứ, cho dù tôi chỉ khốn nạn như thế trong thoáng chốc, chỉ trong một sát na.