Chuyện kể năm 2000 (kỳ 18) – tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn

*

*        *

Giang bị bắt trở lại vào mùa đông năm ấy. Mùa đông đầu tiên được tự do dài không kém gì một mùa đông trong trại.

Khi đó hắn đã thôi không làm hợp tác xã cơ khí nữa. Hắn bảo Dần:

– Thôi, ông xoay xoả thế nào tuỳ ông. Tôi không làm nữa đâu.

Hợp tác xã Đồng Tâm cho đến lúc đó mới thực hiện được một hợp đồng duy nhất: Làm khay hấp mì sợi. Hắn còn đi giả hàng cho Dần. Xếp khay lên một cái xe bò do Dần thuê. Dần đưa hắn mười đồng. Vừa trả tiền thuê xe, vừa ăn trưa…

Hắn, Dần đến nhà anh Thọ từ sớm. Toàn bộ công việc phải chuyển cho anh Thọ, một công nhân cơ khí. Anh lấy sắt thép dựng một cái bàn ép thủ công và thuê người làm ở nhà anh. Có dưỡng để tính lỗ. Có cần vít xuống là xong. Chất lượng không chê vào đâu được. Những hàng lỗ đều tăm tắp trên miếng tôn vẫn cứ phẳng lỳ, không một gợn ba-via.

Xe đi. Chiếc xe cao chất ngất những khay mì, đã được chằng buộc kỹ. Chú bé đánh xe (lớn hơn thằng Hiệp) ngồi trên cái ngáng buộc giữa hai càng xe. Hắn đạp xe theo. Dần còn nói lại một lần nữa:

– Có một số khay mình đục bị méo. Ông yên tâm. Cứ bảo thằng Thăng là tôi đã nói với nó rồi.

Tưởng nhanh, hóa ra quá trưa vẫn chưa xong giấy tờ. Đúng như lời Dần nói: Khay xấu khay đẹp Thăng nhận hết. Thăng ký hợp đồng với Dần. Thăng có suất. Dần thì chửi:

– Đ.mẹ. Thằng Thăng chém nặng quá.

Thăng lấy cho hắn bốn cái bánh mì nóng hổi, vừa ra lò (lò ngay gần đấy). Hắn hai. Thằng đánh xe hai.

Hắn đang dạt vào chỗ giọt gianh, tránh nắng, nhai bánh mì thì có người gọi hắn:

– Nhà báo! Làm sao đến nông nỗi này?

Hắn nhìn lên: Ông Hưng giám đốc nhà máy cơ khí nay là giám đốc nhà máy mì sợi, một người quen từ lâu. Ông là cộng tác viên tích cực của hắn. Nhờ hắn, xí nghiệp ông được nhiều người biết. Nhờ ông, hắn hoàn thành mọi yêu cầu đột xuất của báo. Hắn thuộc từng phân xưởng của xí nghiệp, biết tên từng tổ trưởng sản xuất và thân cả với tổ trưởng tổ khá, các cá nhân có tay nghề, có thành tích… Hắn viết những tin những bài đạt yêu cầu, nếu không nói là sâu sắc. Giữa ông Hưng và hắn còn có cả một sự hợp đồng tác chiến mà đôi bên rất hiểu vai trò, nhiệm vụ của mình. Ví dụ như buổi tối, ông Hưng đang ngồi ở nhà với vợ con thì hắn đến. Hắn bảo ông:

– Anh đã đọc chỉ thị của thành uỷ về đợt thi đua chào mừng Quốc khánh mồng 2 tháng 9 chưa?

– Rồi. Mới nhận được buổi chiều, sao?

Hắn trình bày. Ông Hưng hiểu ngay:

– Các ông cần tôi phát biểu hưởng ứng đợt thi đua chứ gì?

Và ông sốt sắng đi vào ngay vấn đề. Ông biết cái gì hắn cần. Ông bảo:

– Mục đích ý nghĩa đợt thi đua tôi không nói. Cái ấy phần nhà báo. Thành tích thì chưa có vì chỉ thị mới nhận, chưa phát động, triển khai. Tôi phải nói xí nghiệp tôi sẽ hưởng ứng như thế nào. Đúng không?

Hắn gật đầu lia lịa: “Đúng, đúng, chủ yếu là biện pháp”. Ông Hưng cười: “Nhất định rồi. Biện pháp là phần của chúng tôi…” Và hắn ghi. Cứ thế ghi. Ông nói về khâu yếu trong xí nghiệp. Đó là ngành đúc. Bên tiện, phay, bào thao diễn, năng suất tăng nhanh, nhưng thiếu phôi. Tại sao? Vì chất lượng. Trong khâu yếu này phải tìm ra khâu yếu nhất. Không thể chung chung được. Vì sao phôi hay bị rỗ? Cát? Hay gang? Hay kỹ thuật? Tức là không thể nói khâu yếu chung chung mà phải tìm ra khâu yếu của khâu yếu.

Sáng hôm sau báo đã có ngay bài hưởng ứng phong trào thi đua của giám đốc Đào Đình Hưng, in trên trang nhất. Cứ có việc đột xuất, cần gấp, hắn đến ông. Cũng có khi do mải chơi, nước đến chân mới nhảy. Ông hiểu ngay việc ông phải làm. Ông giúp hắn, hắn giúp ông. Cơ quan báo tín nhiệm hắn. Thành phố tín nhiệm ông. Hắn và Bình gọi ông là “Giám đốc Sở Biện Pháp”. Đúng, ông là con người của những biện pháp.

Ông đang đứng nhìn hắn. Hắn đang ngồi dạt vào vỉa hè tránh nắng và nhai bánh mì với thằng bé đánh xe bò. (Hắn giữ thằng bé lại để xem có phải chở cái khay nào về sửa không?)

Hắn vẫn ngồi. Hai tay hai cái bánh mì, một chiếc ăn dở, cười thản nhiên như những người biết tự trọng khi lâm vào hoàn cảnh tương tự:

– Anh Hưng! Tôi giả khay mì.

Hắn cố giữ vẻ mặt của người bằng lòng, hơn nữa, bất cần số phận. Ông giám đốc nhìn hắn. Hắn tin là ông đã biết chuyện hắn đi tù. Ông ngần ngừ một chút: “Chưa xong à? Hay vào phòng tôi mà nghỉ?”. Hắn thật sự cám ơn ông. Cả một tình bạn ngày xưa còn lại câu mời thân tình ấy.

Ông đi. Hắn lại nhai. Và kéo thằng bé đánh xe bò ra quán uống nước. Nó đã khiêng với hắn mấy trăm cái khay mì… Mãi đến chiều mới xong mọi thủ tục. Có phiếu nhập kho. Có hoá đơn nhận hàng… Thằng bé cùng con bò về trước. Hắn đạp xe thong thả trên con đường nhựa vào thành phố. Hắn dành ra được mấy đồng trong số tiền Dần đưa. Hắn đưa cho Ngọc.

Buổi tối, ăn cơm xong, Bình đến rủ hắn đi chơi phố. “Heo may. Lâu lắm mới được đi chơi heo may với nhau”. Hắn ngớ ra. Ừ, heo may thật. Heo may đã về.

Cuộc sống khó khăn làm hắn không còn cảm thụ được thiên nhiên nữa. Thật khốn nạn quá. Mà làm sao hắn lại không thấy heo may nhỉ? Hắn chỉ thấy lành lạnh. Và Ngọc lấy khăn ra quấn cổ cho thằng Dương. Thế mà trong tù hắn nhận biết được heo may, lòng xao xuyến khi heo may xao xác đầy rừng, đầy trại. Heo may xao xác trời mây, xao xác mặt đất sân trại…

Heo may là phép mầu làm sống lại kỷ niệm. Như lúc này đạp xe với Bình, hắn nhớ tới một đêm trăng thu thời chiến tranh bắn phá. Hắn về quê thăm con và sang phà muộn. Thành phố vắng. Đèn điện tắt. Đường phố tràn ngập gió heo may bất chợt và ánh trăng lu.

Hắn đạp xe trên đường phố Hồng Bàng hun hút, lòng ngân nga bài “Con thuyền không bến”. Đường phố dài thăm thẳm chỉ có một mình hắn đạp xe ngược chiều với những chiếc lá khô gió cuốn xào xạc. Bỗng hắn nghe thấy từ phía đối diện, dưới bóng những cây me, một tiếng huýt sáo rất trong bài hát hắn đang thầm hát:

Đêm nay thu sang cùng heo may

Đêm nay sương lam mờ chân mây

Tiếng huýt sáo vang, trong trên đường phố như tiếng ngân trong lòng hắn. Một người vừa huýt sáo vừa đạp xe từ trong bóng tối những cây me đi ngược lại. Đó là tiếng của trời, của gió, của lá, của thành phố vào thu. Hắn nhìn theo mãi con người đồng điệu trên đường phố vắng tanh mà lòng càng thêm yêu đời, yêu người, yêu thành phố có một người không biết mặt, không biết tên đang đạp xe về phía xa với tiếng huýt sáo nhỏ dần.

Hắn kể cho Bình nghe kỷ niệm ấy trong quán cà-phê và bảo:

– Hôm nay nếu không có mày tao cũng không biết là heo may nữa.

Bình cười ha hả:

– Mày ơi! Chính tao cũng có một thời quên Tết tháng Giêng, quên rằm tháng Bảy.(1)

 Hắn cũng cười và tự nhủ sẽ cố gìn giữ khả năng quý báu ấy của mình: Biết cảm xúc trước thiên nhiên. Không thể để cảm xúc ấy bị tiêu diệt. Hắn hiểu nó đang mòn mỏi. Đối với hắn heo may hay một trận mưa đêm chợt tỉnh chỉ là những thứ xa xỉ. Như nồi miến lòng gà ăn thừa ở nhà Thế (hôm hắn đến bán ba bó túi ni-lông) mà hắn không thể nào có được. Đó là những thứ không dành cho hắn. Nhưng hắn vẫn tự nhủ: Đừng lãng phí, đánh mất khả năng cảm thụ thiên nhiên, món quà trời phú của hắn. Cho tới mãi về sau, trong cuộc chiến đấu dai dẳng để giữ lấy khả năng ấy, hắn lại phát hiện ra một điều khác. Hắn chẳng lòng dạ đâu hưởng thụ thiên nhiên. Hắn làm sao tĩnh tâm được mà ngắm vầng trăng thu thăm thẳm, hay im lặng nhìn bầu trời chuyển từ đêm sang ngày, dìu dịu, nhàn nhạt, sự im lặng lúc đó luôn nhắc hắn nhớ tới biển ì ầm…

Lòng người phải yên tĩnh. Điều ấy không phụ thuộc vào hắn. Làm sao

 

 

(1) Thơ Nông Quốc Chấn

người ăn mày què, lê trên phà bằng hai đầu gối bê bết đất có thể nhìn sóng đang dào dạt quanh phà. Làm sao một người suốt ngày phải bịt miệng một ngọn núi lửa nghẹn ngào sôi sục trong lòng mình, lúc nào cũng lo kiếm sống, lại nghe được âm điệu, cung bậc thánh thót của con chim chích choè tinh mơ bay tới đỗ ở đầu nhà gọi mọi người dậy bằng khúc hót tự ngàn xưa:

– Thiếu tiểu tu cần học (Còn nhỏ tuổi phải chăm chỉ học hành).

Hắn có bao việc phải lo nghĩ. Và bây giờ tất cả sự suy nghĩ là hướng tới việc đi làm bốc vác phân đạm ở Cảng. Chính Bình xin cho hắn. Bình có một người quen làm ở công ty phân bón cấp I. Hắn chẳng tin sẽ được đi làm chút nào. Nhưng Bình bảo: “Mày đi làm lao động có gì mà không xong”. Thực sự Bình cũng không tin. Bình nói vậy để tự trấn an mình. Bình không tin vì điều khó nhất là công việc phải làm ở cảng. Hắn làm sao ra đó được.

Bởi vậy một buổi tối khi người bạn ở công ty phân bón cầm đến nhà tờ giấy hẹn hắn đi làm hợp đồng ngắn hạn và giấy đề nghị công an Cảng cấp cho hắn thẻ ra vào Cảng, Bình bổ đến ngay nhà hắn.

Bình cười:

– Mày được đi làm rồi.

Và lục túi áo bông, nơi Bình đã đút hai tờ giấy của công ty phân bón. Túi áo bông rỗng. Hai tờ giấy đã biến mất. Ôi! Hắn đã biết mà. Làm gì có sự may mắn quá như thế. Làm gì có cái sự xin mà được ngay. Số hắn là như vậy. Bình hoảng. Lo. Bình mượn đèn pin soi dọc đường. Tìm đi tìm lại. Lật từng mẩu giấy bẩn. Vẫn không thấy. Bình lồng ngay đến nhà người bạn đã giúp đỡ anh. Một tuần sau, Bình đem sang cho hắn hai tờ giấy với nội dung như hai tờ giấy đã bị mất. Anh cười:

– Lần này thì không thể mất được.

Anh moi ra từ trong túi áo sơ-mi, tận bên trong chiếc áo len và phía ngoài cùng là chiếc áo bông… Và bây giờ mới thật sự là nỗi lo lắng của cả hai: Cái giấy ra vào Cảng. Ai người ta cho hắn ra vào Cảng. Đó là các tàu quốc tế. Đó là biên giới. Mà hắn lại là một tên phản động.

Hắn đã được cấp giấy phép ra vào Cảng như mọi người bình thường khác. Như mọi người được tín nhiệm chính trị khác. Như một sự mất cảnh giác hồn nhiên khác. Ở đồn công an Cảng, người ta làm việc đó một cách đơn giản bình thường và ghi rõ hắn được ra Cảng từ cổng nào, làm ở phạm vi kho nào, cầu số mấy.

Bước qua cổng Cảng, đi làm, hắn thấy phẩm giá mình được nâng lên. Ít nhất là so với bọn Giang, Min, Dự. Hắn thấy hắn vẫn có sự tín nhiệm chính trị. Và thoáng một chút tự hào vì lại được hoà vào dòng người lao động của nhà nước.

Phân đạm trắng xoá mặt sân, trong kho.

Cùng với mọi người (toàn nữ) hắn làm một công việc kì cục nhất đời. Lấy liềm bổ vào bao giấy, xé ra, dốc cho hết đạm và quẳng vỏ bao rách vào một đống. (Công ty xuất phân rời, nên phải làm như vậy). Làm thông trưa. Con Thương mang cơm đứng ngoài cổng chờ bố. Hắn ra lấy cặp lồng cơm vào. Đang là mùa cá nục ướp muối của mậu dịch. Hắn ăn cơm với cá nục muối kho dưa, cà chua, ngọt thỉu.

Hắn làm đúng một tuần lễ thì hết việc. Trong một tuần ấy Ngọc đã bán cái áo len ngắn tay cải hoa dâu của con Thương được hai mươi đồng. (Cái áo Linh bảo Ngọc lấy cắp len vụn ở kho đan cho nó). Hắn cũng lập được thành tích: cuộn chặt và yểm về được hai cái vỏ bao u-rê lành (hắn đã tháo chỉ cẩn thận) để dán vào những ô cửa kính đã vỡ, chống gió mùa đông bắc. Người ta đưa hắn năm mươi đồng tiền công một tuần lễ làm việc, và bảo hắn tạm nghỉ, chờ việc. Lương quá cao. Nhưng hắn biết là hắn không làm lâu được. Rất nặng nhọc. Bao đạm xếp thành hàng trong kho, đổ những bao trên thì dễ, nhưng phải moi cả những bao bên dưới. Bới, móc, kéo. Sút cả lưng. Điều đáng sợ nhất là hơi đạm phả vào mũi, vào cổ. Rát như khía. Có lẽ cũng vì thế, nên hắn ăn cơm cứ thấy ngọt thỉu.

Chờ mãi không được gọi đi làm tiếp, hắn chuyển nghề: Cuốn thuốc lá. Hắn nhờ Giang đóng cho cái bàn cuộn. Dễ thôi. Vài thanh gỗ thông. Mấy cái đinh. Căn bản là có một que hàn để làm que cuộn. Giang xem hắn căng giấy, tập cuộn. Cuộn bằng thuốc lào, bằng giấy pơ-luya. Bóc ra, cuốn lại, cứ vậy. Giang rất thích. Giang bảo có khi Giang cũng làm việc này. Giang mách hắn chỗ lấy thuốc. Cô Miên, cô ruột Giang buôn chè và buôn thuốc lá. Cô không đi đâu, cô chỉ ngồi nhà. Người bán, người mua đều tới nhà cô. Hắn được cô và anh con giai làm còi rất quý. Hẳn Giang đã nói nhiều về hắn. Cô Miên bảo:

– Nhiều người cuộn lắm. Họ lấy thuốc của cô, nhưng cô không buôn nhiều. Mặt hàng chính của cô là chè cơ.

Nửa tháng sau khi cuộn thuốc, mẹ Giang đến báo tin: Giang bị bắt ở Tùng Dương. Hắn chết lặng. Điều hắn lo đã trở thành sự thật. Mới về được nửa năm. Lại đi. Lần này gay đây. Tiền sự, tiền án cộng cả vào. Lĩnh đủ.

– Cậu ấy tạm giam ở Tùng Dương hay di lý về đây rồi.

– Em vẫn ở Tùng Dương.

Người mẹ héo hắt. Mặt xám, quắt lại, môi mỏng dính. Da sát xương. Bé nhỏ. Hắn cảm thấy có lỗi với bà. “Giá anh cứ cố duy trì cái hợp tác làm miến thì đâu đến nỗi này!” Hình như bà muốn nói với hắn như vậy. Bà chẳng biết thêm gì về Giang. Hắn lên nhà bà. Lần này gặp Hiên, chị Giang. Hiên rất giống bức ảnh phóng to treo trên tường nhưng giản dị hơn và sống động hơn nên xinh đẹp hơn. Khổ người cân đối, nở nang, mặt mũi đầy đặn, má bánh đúc, mắt đẹp và khao khát dục vọng. Khác hẳn Giang, khác hẳn mẹ và càng khác lạ với người chồng làm thợ nề của Hiên. Hiên nhìn hắn chăm chú, thân mật như nhìn một người mình đã nghe nói tới rất nhiều, rất quý trọng mà nay mới gặp.

Nghe Hiên nói, hắn lại hy vọng Giang có thể được xử nhẹ. Giang chỉ tiêu thụ xe đạp ăn cắp. Ít ra trong trường hợp này là như vậy. Lại Thông cháy. Thông cháy có người mẹ bán chè chai đã kéo Giang lên giường. Thông cháy bật lên khi được gọi ra nhận tiếp tế: “Bố chờ con mãi”. Thông cháy mãn án, chuyển địa bàn hoạt động về Tùng Dương. Thông cháy nhận hết về mình. Và khẳng định Giang chỉ là người tiêu thụ. Hắn nghĩ Giang chẳng phải chỉ tiêu thụ, Giang còn tham gia vào nhiều công đoạn khác, nhưng Thông cháy đã nhận hết cho Giang, Thông cháy sẽ không bao giờ nói khác. Cánh hình sự rất giữ lời hứa, có khí tiết trước bạo lực. Sẵn sàng chấp nhận. Trong tù đáng sợ nhất và đáng phải cảnh giác nhất là mấy ông cán bộ tham ô, ăn cắp… đi tù. Những người này hay bẩm, hay sớ, hay bán anh em để mưu cầu một chút tín nhiệm chính trị. Để được lọt mắt xanh, các ông quản giáo tin, cho làm việc nhẹ, hoặc cao hơn, được trại ghi tên vào danh sách “Cải tạo tốt, đề nghị giảm án”.

Vợ chồng Hiên, mẹ Giang quây lấy hắn, kể lể. Ai cũng than thở về sự bất hạnh, cũng nói Giang được chiều, Giang muốn làm gì thì làm, chẳng phải lo nghĩ gì. Hiên bảo:

– Cậu ấy muốn lấy mấy tạ bột làm miến cũng có. Em có đòi tiền ngay đâu. Cậu ấy làm cho vui thôi, chứ nhà này có để cho cậu ấy đói đâu.

Hiên thừ người. Vẻ thừ thượi càng làm cô hàng chuyến trắng trẻo, áo phin nõn, búi tóc đen lánh này xinh hơn. Bà mẹ quắt queo thở dài, giọng như mếu:

– Lại mấy năm nữa! Còn gì là người. Khổ!

Giang vẫn bị giam ở Tùng Dương. “Cũng phải ba gậy”. Hắn nhẩm tính: Chỉ tiêu thụ, tội có nhẹ hơn, nhưng đã sẵn có tiền án, tiền sự thì chẳng nhẹ tí nào. Nó chứng tỏ “y không chịu hối cải, ngựa quen đường cũ, phải cách ly khỏi xã hội một thời gian để y ăn năn, hối lỗi”. Tuy nhiên Giang có lợi thế là con liệt sĩ. “Cha y đã hy sinh để bảo vệ chế độ khi y còn rất nhỏ, mẹ lại đi lấy chồng khác. Thế là y rơi vào hoàn cảnh không người nương tựa, dạy dỗ”. Ông ấy muốn nhấn mạnh, muốn phân tích kiểu gì cũng được, nặng cũng xuôi, nhẹ cũng xuôi. Hắn cứ lấy con số trung bình: Ba gậy. Vậy phải đến cuối năm 1976 mới về. Lựa lúc trẻ con xuống nhà, chỉ còn hai người, hắn mới báo cho Ngọc tin khủng khiếp ấy. Ngọc với hắn thống nhất: “Không cho trẻ con biết”. Ngọc bảo: “Nhìn cậu ấy gửi xe là em biết ngay”. Rồi lại bảo: “Thảo nào em nằm mơ thấy người ta đến bắt anh đi nữa. Em không dám nói với anh. Chỉ sắm lễ lên đền cầu xin các ngài được tai qua nạn khỏi…” Hắn lại đạp xe lên nhà mẹ Giang, gửi cho Giang một trăm điếu thuốc do chính tay hắn cuốn.

Rồi đến nhà cô Miên.

Người cô sọm đi. Có lẽ cô là người đau khổ nhất khi Giang bị bắt trở lại. Cô nhận hết lỗi về mình. Cô nhận lỗi với em ruột cô, liệt sĩ Giang Văn Khoát. Cô nhận lỗi trước dòng họ Giang Văn. “Tại cô. Lẽ ra cô phải bắt nó ở với cô. Nó ở với cô thì không đến nỗi”.

Cô dằn vặt, đau khổ, ân hận. Cô thương Giang, giận Giang. Trong cơn đau xót thấm thía, cô nguyền rủa mẹ Giang. Tất cả là do con mẹ Thơi. Tại con mẹ Thơi không chịu đựng được như cô. Chồng chết không ở vậy được. Đi lấy chồng khác, thằng Giang mới bỏ đi. Nó mới chán, mới không về nhà. Từ ấy cô có thèm đặt chân đến nhà con mẹ Thơi bao giờ đâu. Giỗ tết cô làm ở nhà cô. Lũ con có xuống thì xuống, chứ con mẹ không dám. Cũng biết sợ đấy. Những người đàn bà như vậy rồi xem có ra gì không. Cái loại đàn bà. Con gái có chồng, con rể ở ngay trong nhà mình, mà còn đi gọi giai về cho con gái. Để nó trả công, để nó cho một đồng đi hút thuốc phiện.

Điều cô nói làm hắn kinh hoàng. Thảo nào trong đôi mắt Hiên có những ánh lửa. Và giờ thì hắn đã biết nước da xin xỉn, sát xương, môi thâm của mẹ Giang là nước da của người nghiện thuốc phiện. Mẹ Giang nghiện, thảo nào mẹ Giang hút thuốc lào nặng thế.

Hắn nghĩ đến anh Tùy chất phác, đen đủi, đầu cắt bốc, người toả ra mùi vôi vữa, khi cô Miên nói: “Cả nhà ấy được mỗi thằng Tuỳ kéo lại thôi. Không có nó thì còn đốn nữa, hết cả phúc phận”. Cô tiếp: “Tướng thằng Giang giống y con mẹ nó. Mắt trắng, môi thâm, cô sợ rồi cũng không ra gì đâu”.

Hắn vẫn chưa bình tĩnh ngay được về chuyện cô Miên nói. Và hắn càng thương Giang. Bởi vì đến bây giờ hắn mới biết Giang sống trong một gia đình như thế.

*

*        *

Mỗi nghề đều có chuyên môn của nó. Cái chuyên môn quấn thuốc lá này nghe chừng hợp với hắn. Trước tiên là nhẹ nhàng. Và ở trong nhà. Không phải phơi mặt ra ngoài đường. Qua từng cân thuốc lá, hắn học tập, đi sâu vào nghề nghiệp. Và thấy thú vị. Thú vị vì kiếm được tiền là chủ yếu. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều cái hay. Từ cách căng giấy trên bàn quấn, điều chỉnh điếu thuốc to, nhỏ tuỳ theo thời điểm khan thuốc hay ế thuốc, tới việc dùng hai bàn tay vặn vặn, tãi cả xếp giấy, tờ nọ so le tờ kia thành một hình van vát mà phết hồ, mỗi tờ giấy mỏng tang và nhỏ xíu chỉ dính một đường hồ nhỏ, thẳng như kẻ chỉ. Rồi bốc thuốc. Hắn đã đạt trình độ điêu luyện. Cho tay vào đống thuốc rứt một cái đưa lên bàn quấn là vừa một điếu thuốc. Không thừa. Không thiếu. Hắn quấn. Ngọc quấy hồ, ngồi cắt hai đầu điếu thuốc, xếp ra hộp. Cửa đóng kín mít. Ngọn đèn sáng… Căn phòng hoàn toàn yên lặng. Ôi, hạnh phúc là như thế này đây! Ngày Noel năm ấy (thời đó còn nghỉ Noel) lũ trẻ về quê với ông bà, vợ chồng hắn phải ở lại làm mê mải vì có hai đám cưới đặt thuốc (do cô Miên nhận cho). Một nghìn điếu tất cả. Một ki-lô thuốc. Hắn quấn như máy. Chỉ nghe tiếng que hàn lăn trên bàn quấn. Và tiếng kéo lách cách của Ngọc cắt đầu điếu thuốc. Rồi Ngọc, áo bông xo ro, bịt khăn tu hú đi chợ mua tim gan lợn về xào. Như những ngày hắn có nhuận bút. Lũ trẻ về quê hết. Chỉ còn họ với nhau. Ăn. Nhìn nhau. Giống như những ngày xưa. Hắn biết Ngọc đang hạnh phúc. Không kìm giữ được trong lòng, Ngọc bảo hắn lúc cơm xong, hai vợ chồng ngồi uống nước:

– Ước gì cứ như thế này mãi, anh nhỉ?

Hắn kéo Ngọc về phía hắn. Người Ngọc toả ra toàn mùi thuốc lá. Ngọc dụi dụi vào vai hắn. Im lặng. Chỉ có ngọn đèn toả sáng ấm áp trong căn phòng đóng kín các cửa tránh gió mùa và vợ chồng hắn. Đây vừa là quá khứ trở về, vừa là khát vọng tương lai. Lẽ ra em không nên gắn bó với anh. Và cuộc đời em đã rẽ khác rồi. Rút cuộc anh chỉ là người đem đau khổ đến cho những người mình yêu quý. Bố mẹ, vợ con… Hắn vuốt tóc nàng và muốn nâng mật Ngọc lên mà nhìn vào gương mặt ấy, nhưng Ngọc cứ ép chặt vào vai hắn. Hắn hơi ngờ ngợ. Điều phỏng đoán của hắn là đúng: Khi lấy hai tay nâng đầu Ngọc dậy, hắn thấy gò má nàng đầm nước mắt. Ngọc vội lấy khăn lau mặt và nói như người có lỗi:

– Em đi rửa bát nhé. Anh cứ nghỉ một lát hãy cuộn.

Hắn không nghỉ. Hắn cuộn. Hắn lấy một điếu thuốc phế phẩm (làm hàng săng, chết bó chiếu) ra hút. Và gại giấy phết hồ…

Có rất nhiều loại giấy, cũng như có rất nhiều loại thuốc. Thuốc Lạng Sơn. Thuốc Hà Bắc. Sợi nâu. Sợi vàng. Giấy có gân ngang. Giấy không có gân. Giấy mậu dịch là tốt nhất. Gân nổi. Rất rõ. Hắn nói về loại giấy “vua chiến trường” ấy là gân cốt nổi lên ầm ầm. Điếu thuốc đẹp. Giao dễ. Nhưng đắt. Nói theo cách của các giám đốc bây giờ là giá thành đội lên. Khó giao. Phổ biến là giấy Trung Quốc. Giấy Hồng Đăng là loại giấy kém nhất. Không có gân. Tàn đen cứ ôm lấy điếu thuốc. Không chịu tan vụn đi. Giấy Sơn Thuỷ tốt hơn. Có gân. Trắng. Tuy còn lâu mới bằng giấy cuốn những điếu Tam Thanh, Nhị Thanh, Trường Sơn, Hoàn Kiếm… Những điếu này vạch gân ngang điếu thuốc rõ làm sao. Và trắng. Trắng như trứng gà bóc.

Kỹ thuật cuộn thuốc bao gồm mấy công đoạn. Thứ nhất là sao thuốc. Hắn đặt cái chậu nhôm hoặc mâm nhôm lên trên bếp dầu vặn nhỏ lửa, cho thuốc vào đảo. Đảo bằng tay. Lấy tay ấn nắm thuốc xuống đáy chậu hoặc mâm, vét cho hết thuốc vụn đọng ở dưới lật lên phía trên, kẻo thuốc cháy. Thuốc mua về thường bị ẩm. (Cho nặng cân, lại dễ nén, dễ giấu, không bị vụn gẫy). Khi sao, hơi thuốc bốc đầy nhà nồng nặc. Rồi phun rượu hoà lẫn với nước cam thảo, nhưng căn bản phải có ít đường hoá học, cho ngọt môi, ngọt khói và ngọt lưỡi. Hắn không gọi là sao tẩm. Hắn nói với Bình là Aromatiser. Thuốc đã aromatisé ủ hôm trước, hôm sau mở ra mùi như mùi nho. Đúng “goût Virginia!”.

Khó khăn nhất trong việc cuộn thuốc không phải là sản xuất mà là tiêu thụ. Hàng nước nào cũng có thuốc lá cuộn cả rồi. Như bố hắn nói “Đố nào vào ngàm ấy cả rồi”. Ôi! Lòng người cha già thương con xót cháu chỉ nói được có vậy, khi thằng Hiệp mang thuốc lá về làng giao cho mấy bà bán quà vặt ở đầu chợ mà cũng khó khăn. Ông thương hắn, thương thằng cháu trai còn bé mà đã phải nai ra kiếm sống. Hắn mang túi thuốc đi lang thang ngoài phố, rụt rè và đỏ mặt hỏi các chủ hàng nước. Cái khổ là hàng nước nào cũng có vài thanh niên rỗi việc ngồi lê la. Họ cứ nhìn cả vào hắn. Mà nào có bán được cho cam. Người ta lắc đầu. Người ta bảo còn, và đã có chỗ lấy rồi. Bình phải đi với hắn. Đến những hàng nước Bình quen. Cũng không hơn. Bình lại rủ hắn vào quán cà-phê quen thuộc ngày xưa. Ông bà chủ quán nhìn hắn, hình như muốn hỏi điều gì, lại thôi. Hắn ngồi uống cà -phê. Ông chủ quán kéo ghế ngồi bên. Và khi Bình nói về công việc hắn làm, ông sốt sắng:

– Để tôi giao hộ một ít. Mấy bà bán nước quanh đây này. Họ vẫn lấy đấy.

Hắn như mở cờ…

Hôm sau hắn lên tiệm cà-phê theo lời hẹn, nhận tiền và đưa thêm thuốc. Cái nghề “giao hàng” (danh từ của thằng Dương) bao giờ cũng phải nhận tiền sau. Ông chủ tiệm cà-phê đưa hắn ra gặp bà hàng nước cạnh đó để “hai người trực tiếp”. Hắn đưa thuốc cho bà được mấy lần, thì một lần bà nhất định không chịu trả tiền trăm thuốc hắn giao hôm trước. Hẳn là bà quên. Bà quên, chứ bà không định ăn quỵt của hắn, ăn xít của hắn. Bà nhớ rành rành đã trả tiền cho hắn. Hắn đỏ mặt lên, thì thầm với bà:

– Chưa. Bà nhớ nhầm đấy. Bà đã đưa cho tôi đâu.

Thế là bà mất bình tĩnh. Vì hắn đã coi thường trí nhớ của bà, hắn định đòi tiền bà những hai lần. Bà thét lên:

– Tôi nói cho anh nhé. Tôi giả tiền nhà anh từ hôm qua rồi. Anh nhớ lại đi. Không ai thèm lấy của nhà anh mấy đồng bạc đâu.

– Anh ăn nói lạ nhỉ? Tôi đưa tiền cho anh ở chỗ này.

Những người thợ chữa xe đạp, đám khách đang ngồi uống nước, cô bán bánh bao quay nhìn vào hắn. Hắn muốn nói với bà: “Bà nhầm. Tôi nhớ. Tôi chỉ giao cho mỗi mình bà. Bà đưa, tôi nhớ. Không. Bà chưa đưa cho tôi”. Nhưng bà đâu có ý định nghe. Bà tiếp tục:

– Nể ông cà-phê tôi lấy thuốc cho anh, chứ tôi vẫn có chỗ rồi. Ai ngờ lôi thôi thế này.

Hắn xách cái túi đựng thuốc lá cuộn, quay ra, cảm thấy mình là tên lừa đảo, là một thằng ăn cắp. Đó là kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất trong cuộc sống bám lấy vỉa hè của hắn. Cùng với một kỷ niệm nữa: Thằng cháu Côn, con anh Chân có một tút thuốc Tam Thanh. Dạo ấy đang khan thuốc. Hắn vay, đem bán để có thêm tiền đưa Ngọc. Hắn mang ra vỉa hè. Hắn đòi 22 (đồng), tuy giá gốc có bốn đồng. Người ta giả 20, hắn đồng ý. Tút thuốc được chuyển qua tay mấy người, mỗi người mấy bao. Họ trả tiền chỉ có mười đồng. Hắn ngơ ngác và phẫn nộ:

– Trả lại thuốc cho tôi. Các bà mua bán kiểu gì đấy?

Thế là một cô bán hàng thét lên:

– Giá mậu dịch bốn đồng, người ta giả mười đồng, còn gì nữa? Ăn gì mà ăn lắm thế? Cũng phải để mỗi người một tý chứ?

Một cô khác cong cớn chỉ vào mặt hắn:

– Trông mẽ cũng biết là được phân phối cơ quan đây. Bòn hàng nhà nước được thế, chứ còn được đến đâu nữa.

Mọi người lại nhìn cả vào hắn. Và những bao thuốc của hắn đã biến mất dưới những vỉ, những rổ rá… Hắn cúi mặt như người phạm pháp, như người ăn cắp bị bắt quả tang… Hắn lỉnh nhanh khỏi chỗ ấy, còn nghe tiếng dè bỉu sau lưng: “Lại quen ai ký giấy phân phối đây”, “lại moi được ở chỗ nào đây”…

Dạo ấy hắn đã biết áp dụng cơ chế thị trường, biết cách tiếp thị sau một thời gian cuộn thuốc. Hắn thực hiện giảm giá, bán thấp hơn giá thị trường. Những cân thuốc đầu tiên không lấy lãi. Người ta giao bốn đồng (một trăm), hắn giao ba đồng rưỡi, ba đồng. Giấy Sơn Thủy đàng hoàng. Để nguyên khổ giấy cho điếu thuốc dài. Không xén ngắn như những người khác. Rồi lại nối giấy, cuốn những điếu dài gấp đôi mời những ông chủ quán. Bên mua, bên bán mỗi người một điếu thuốc lênh khênh trên miệng. Hắn đã chen được vào mấy hàng nước quanh nhà hắn. Hắn đạp xe về nông thôn, qua phà để mở rộng mối hàng.

Cái lần giao hàng có cu Dương, hắn mua cho con hai hào củ ấu của bà hàng nước phố Kỳ Đồng. Đó là món quà đầu tiên hắn mua cho nó từ khi nó sinh ra, từ khi hắn đi tù về. Món quà đầu tiên thằng Dương nhận từ tay bố. Thằng bé mắt sáng lên, nhưng không cắn được vỏ ấu dày. Hắn phải lấy răng cắn hai đầu gai nhọn và tách sẵn cho con. Hai bố con ngồi vỉa hè, hắn uống nước chè chén và nhìn con ăn ấu. “Con chịu quá nhiều thiệt thòi so với các anh chị con, nhưng bố chỉ đền bù được có vậy thôi”. Hắn phủi phủi những vụn củ ấu trắng rơi trên áo bông thằng bé. Nó chẳng biết bố nghĩ gì. Nó thích được đi giao hàng. Có củ ấu cũng thích. Không có cũng thích. Nó thích được ngồi sau xe đạp, đi phố với bố. Cứ thấy bố lục thùng sắt tây lấy ra những bó thuốc đã cuộn cho vào túi, nó lại sán đến năn nỉ:

– Bố đi giao hàng đấy hở? Cho con đi với.

Chữ “giao hàng” thông dụng trong nhà là nhờ nó.

Công việc nghe chừng thuận lợi. Sau khi “đố đã vào ngàm” hắn mới nâng giá thuốc. Hắn chỉ cần năm nhà lấy thuốc thôi là mỗi ngày cũng được một, hai trăm thuốc. Đã thành quy luật, cứ gần Tết là khan thuốc. Lúc đó thả sức giao. Thả sức cuộn. Bình, Thao cũng cuộn. Sang nhà Thao cũng thấy Bình aromatiser, nghĩa là phun phì phì cả rượu cả nước bọt vào đám thuốc đã sao.

Thao bàn đi mua thuốc vụn của nhà máy thuốc lá Thăng Long độn vào giữa điếu thuốc. Và xén ngắn.

Thằng Hiệp cuộn thuốc tới khuya. Hắn phải thuê đóng thêm cầu (Giang không còn tự do để hắn nhờ nữa). Nó cuộn dẻo tay, nhanh hơn hắn. Nhưng thằng bé cố tình quấn lỏng để đỡ tốn thuốc. Ngọc phải lấy tăm nhồi thêm thuốc vào những điếu quá lỏng. Hắn giơ những điếu thuốc lỏng ấy lên không, soi soi một lúc và kết luận:

– Không khí thì nhiều mà thuốc thì ít.

Cả nhà cười vang. Đó là câu nói của những du kích Tây Ban Nha nói về điếu thuốc lá Robert Jordan mời họ trong tiểu thuyết của Hemingway.

– Chặt chặt tý nữa, Hiệp ạ.

Ngọc vừa cắt điếu thuốc vừa bảo nó. Nó cuộn tới khuya. Không có cả thì giờ học bài. Nó cuộn như vậy cho tới năm cấp ba. Hắn cũng không hiểu nó học vào lúc nào mà vẫn nhất nhì lớp. Lại là lớp chọn. Được đăng cả bài giải những bài toán khó trên báo “Toán học và tuổi trẻ” ở Hà Nội. Không những thế báo còn đăng đề toán của nó nghĩ ra nữa. Có lẽ nó học trên đường đi tới trường. Như hắn hồi chống Pháp. Đến lớp nó ngáp. Ngáp nhiều. Cúi đầu ngáp để thầy cô không biết. Bạn bè bảo nó:

– Thằng này thiếu ô-xy.

Comments are closed.