Chuyện kể năm 2000 (kỳ 2) – tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn

*

*        *

Đã hơn bốn tháng kể từ ngày Ngọc lên thăm hắn.

Hắn vừa cảm thấy như mới gặp Ngọc hôm qua, lại vừa như thấy lâu quá rồi, một thời gian đằng đẵng.

Tất cả mọi thứ Ngọc đem lên đã gần hết. Khi Chắt mở hòm của hắn, trong hòm chỉ còn chừng vài lạng đường chảy nước, một bọc các túi ni-lông giặt sạch cuộn bó vào nhau và một túi cơm khô, thứ cơm độn ngô vàng vàng, trăng trắng.

Nhưng trong hòm hắn lại có một cái bếp than. Đó là một cái ống bơ sữa bò có mấy que thép làm ghi chia đôi hộp. Phía dưới đục làm lỗ thông gió. Cái bếp được để sang một bên.

Chắt cùng hắn giũ tung cái chăn bông to sù, vỏ bằng vải ka-ki vụn đã sờn thủng ở những gân cạnh đường may cộm lên. Không có gì đặc biệt. Bị. Đấy mới là cái cần xem. Hắn khoác bị đi làm và khoác bị về. Một túm rau thơm ướt đẫm nước gói trong một mảnh ni-lông. Một củ su hào bánh xe đã vặt trụi lá hắn tạt được ở vườn rau bên kia suối. Lúc rửa chân tay đi về hắn tót sang, hai tay quơ hai cái là xong…

Ông Thanh Vân gật gù hài lòng.

“Quả tớm”(1) rồi! Hắn bình tĩnh nghĩ. Chắt đặt nắm rau thơm, củ su hào ra một chỗ. Ông Thanh Vân lấy chân đá đá vào cái hòm ra hiệu. Chắt kéo cái hòm ra phía ngoài. Ở giữa hòm gỗ và bức vách là một cái ống quần tù rách một đầu đã được khâu liền, đầu kia buộc túm phồng phồng như một con chuột cống. Đó là một túi đựng than củi. Chắt nhấc cái túi ra. Hắn ấp úng:

– Báo cáo ông. Tôi bị ốm quá, mạn phép ông mang tí than về nấu cháo…

Không thèm nghe, không thèm nói nửa lời, ông Thanh Vân đá vào các

(1) Quả tang

thứ phạm qui và đá cả vào cái hòm. Rồi ông tụt xuống đất. Hắn nhấc vội túi đường, túm ni-lông trong hòm. Chắt xếp các tang vật vào hòm, cắp mang ra.

Còn lại những người tù im lặng. Rồi mỗi người một câu, ầm lên. “Thế là mất sột sệt rồi”. “Ông ấy làm căng quá nhỉ”. “Tôi giả A Tuấn con dao đây”. “Mẻ to rồi”. “Chắc có thằng nào bẩm”. Một anh tù trẻ măng nhảy từ sàn bên kia sang chỗ hắn. Đó là Cân, giáo dân Phát Diệm, mới vào tù mấy tháng nay. Nước da Cân vẫn sáng, săn và thấy rõ hồng cầu. Không giống nước da tù ngăm ngăm tai tái, bờn bợt, sưng sưng kín mít nỗi lòng, khuôn mặt Cân vẫn còn nét riêng, đó là cái linh hoạt, cái biểu hiện tình cảm ra bên ngoài. Từ con người Cân vẫn còn bóng dáng uyển chuyển của Tự do, của đồng ruộng, của luỹ tre gió thổi.

– Hẳn có một thằng chó nào bẩm đây.

Hắn nói và nhìn vào một anh tù ngồi ở sàn bên kia, cũng tầng trên, chênh chếch chỗ hắn ngồi. Già Đô tiếp: “Đó là cái chắc”. Già cũng nhìn vào người ấy.

Trong tù cũng như ngoài đời, hắn căm thù nhất sự phản bội.

Rất nhiều cái nhìn hướng về anh tù sàn bên kia.

Đó là Hợp, một anh lính ngụy quê ở Bắc Ninh đã tập trung cải tạo tới năm thứ chín. Vẫn bình thản chữa cái bẫy chuột, anh ta chép miệng:

– Đã khổ thế này rồi mà còn hành hạ lẫn nhau. Chó lại đi giết chó.

Nhìn Hợp, nghe Hợp nói, hắn lại phân vân, không biết có phải Hợp bẩm không. Anh ta mới ở trại Phú Sơn chuyển về. Cũng như hắn ở trại Q.N chuyển lên.

Sau 16 tháng 4, số lẻ (1) các nơi nườm nượp về đây. Xe chạy đi chạy lại và nhả ra bao nhiêu tù mặt lạ hoắc.

Anh em ở Phú Sơn cho biết: Hợp thích bẩm, sớ (2) để lập công, sớm được trở về. Muốn gì hắn cũng phải tổ chức bữa uống chè tối nay. Vẫn phải sột sệt. Để cho kẻ nào làm li-cai-tơ (3) thấy rõ họ đã thất bại. Thực lòng hắn rất đau. Nhìn vào chỗ để nội vụ trống một khoảng, hắn xót. Cái hòm. Cái hòm không thể thiếu được của hắn. Hắn đã viết thư cho vợ xin cái hòm sau vụ mất cắp hai gói kẹo. Và vợ hắn đã đèo bằng xe đạp đi gần trăm cây số lên cho hắn. Hắn đã mang cái hòm vào trại trước bao cặp mắt thèm thuồng của các bạn tù.

(1) Tù chính trị (mang số lẻ)

(2) Báo cáo bằng giấy tờ, văn bản

(3) indicateur (chỉ điểm)

Cái hòm đã gắn với hắn đi bao toán. Từ Q.N đến V.Q. Cái hòm với bao nhiêu công dụng. Cái hòm gia sản, tổng kho. Cái hòm ấy mà chác, giá trị không kém cái cặp lồng tốt nhất.

Hắn tiếc túi than. Đây là một túi than đặc biệt. Không phải loại than củi thông thường. Đi làm, việc đầu tiên là phát hoả cái đã. Kiếm cây que đốt lửa đùng đùng. Mùa rét thì sưởi. Mùa hè thì hút thuốc lào. Dúi ngầm vào đó củ khoai, cái bắp ngô nếu tốt số tạt được. Anh nào thích than thì đi tìm củi chắc vứt vào, rồi nhặt than ra, lấp đất lên. (Tất nhiên là phải rình lúc quản giáo không có mặt). Rồi liệu mà bồng về. Đó chỉ là thứ than hoa thường thấy.

Mẻ than vừa mất của hắn là một mẻ than đặc biệt. Lâu rồi toán hắn đốt lửa trên một gốc cây to. Lửa cháy ngún xuống rễ sâu dưới lòng đất. Phải đến tuần lễ sau hắn mới lang thang ra đấy bới đống tro, xem còn ít than sót lại không và phát hiện ra những cái rễ cháy âm ỉ trong đất từ bao giờ. Chúng đã tắt, còn lại than.

Hắn bới đất. Nậy một khúc than nguyên hình rễ cây. Một khúc nữa. Hắn đào. Im lặng đào. Lưng một bị than. Thỏi nào thỏi ấy như than đá, nặng, óng ánh, rơi vào nhau kêu thành tiếng sang sảng. Hắn đã bồng về trại trót lọt, mặc dù hôm ấy ai đi qua cổng trại cũng bị khám. Hắn đã chuẩn bị. Hắn cho than vào cái ống quần tù để dưới đáy bị. Hắn để bộ quần áo ướt lên trên. Và cái ca rỗng nằm nghiêng ở phía trên nữa, cạnh cái khăn mặt ướt. Sau cùng là cái điếu cày nằm chênh chếch từ đáy bị tới miệng bị.

Thấy khám xét, nhiều người sợ hãi. Hắn rướn lên đứng trên cùng. Chờ khám xong một toán, hắn hớn hở bước lên, tay chành sẵn miệng bị. Ông quản giáo không nhìn, phẩy tay ra hiệu cho hắn vào. Hắn bước qua bao nhiêu của cải quí như vàng vất dưới đất, ngay cạnh lối đi, sát bốt gác: nắm lá khoai, túm lá sắn non, túi than, những bó đóm. Có cả những mẩu sắn và mấy củ khoai, chẳng biết của ai mà sao không khợp ngay ở chỗ làm đi, bồng về đến đây để mất. Mẻ than đã nằm gọn trên giá, sau cái hòm. Mẻ than nặng, đượm, chắc, bỏ mấy hòn cháy suốt cả tối, không phải thêm than. Hắn mới sột sệt mấy bữa, còn đun được mươi ngày nữa mới phải lo.

Thế là bây giờ tay trắng.

Hắn ra sân đi bách bộ cho khuây.

*

*        *

Buổi chiều hôm ấy cũng như bao buổi chiều khác.

Những giây phút tự do cuối cùng của một ngày. Những giây phút chưa bị nhốt cuối cùng của một ngày. Chỉ lát nữa thôi, bọn hắn sẽ được lùa vào trong chuồng. Khoá. Nhốt. Như nhốt gà nhốt vịt. Như nhốt trâu bò.

Xam xám, vật vờ, cánh phạm đi quanh sân trại. Người đi một mình, nghiền ngẫm như bao chiều rồi nghiền ngẫm. Người khoác tay nhau rủ rỉ. Chẳng hiểu họ chuyện những gì. Chẳng qua là tri kỷ gượng mà thôi. Vì ở cái chốn này không một ai tin ai. Không một ai cởi mở cùng ai. Cũng có những ngoại lệ, cũng có những người tin nhau. Nhưng chẳng có chuyện gì để nói mãi cùng nhau suốt năm này sang năm khác, bởi vì cuộc đời tù của họ có gì đâu ngoài một chuỗi lặp đi lặp lại những đói, khổ, buồn, nhớ, tuyệt vọng…

Nhưng buổi chiều hôm ấy có một sự kiện làm thay đổi cuộc sống đều đều, buồn tẻ trong trại: Một chiếc xe ô-tô bịt bùng từ ngoài cổng tiến vào sân trại. Mặc dù có tấm vải bạt phủ kín đầy bụi bị mưa dầm làm bết thành từng mảng, nhìn chiếc xe, anh em tù biết ngay là có phạm mới. Không sai. Từ ca-bin, các ông công an nhảy xuống. Cửa sắt cuối đuôi xe mở.

Và hơn hai chục người ăn mặc toàn xi-vin khoá tay đôi một nhảy xuống. Đám tù mới đứng cụm vào một chỗ ở đầu dốc, lối lên hội trường.

Đôi bên đứng cách nhau một khoảng an toàn vừa đủ tò mò nhìn nhau. Hắn cũng đứng ngó đám lính mới. Những người mới đến còn chưa nhuộm một màu tù vì chưa mặc quần áo số, nhưng chỉ ngày mai thôi, đố ai phân biệt được cũ mới từ quần áo đến dáng đi. Lại bắt nữa. Đến bao giờ mới được ra hở giời?

Bỗng có tiếng gọi to bên cạnh hắn:

– Vĩnh! Kiều Xuân Vĩnh!

Tiếng Phổ.

Một người cao, gầy đứng giữa đám tù mới giơ cánh tay không bị khoá lên hoa hoa trên không đáp lại:

– Chào anh Phổ. Khoẻ không?

Phổ cười rất tươi. Phổ cùng toán hắn, nay đã chuyển sang toán chăn nuôi.

– Khoẻ. Nhớ trại quá, lại vào à? Lâu chưa?

Anh tù tên Vĩnh cười:

– Cáo chết ba năm quay đầu về núi. Ở Cổng Giời về được hơn hai năm.

Đang làm thợ mộc thì bị xúc.

– Đến đây khi nào?

– Vĩnh đến đúng 17 giờ 30 giờ GMT, nhưng còn đỗ ngoài kia làm thủ tục nhập kho. Vĩnh đã gặp ông giám thị: “Báo cáo ông thượng uý giám thị phân trại. Tôi đại uý Kiều Xuân Vĩnh có mặt”.

Đứng giữa đám tù bị còng tay ngơ ngơ ngác ngác, Vĩnh lại cười. Cười kha kha.

Tất cả há hốc mồm nghe. Phổ bảo với mọi người xung quanh:

– Cậu Vĩnh này là đại uý trẻ nhất đấy. Tốt nghiệp trường sĩ quan Đà Lạt ít ngày là lên trung uý ngay. Rồi do có tướng quân sự lại đẹp trai, tiếng Pháp nói như gió, nên được cấp trên phong đại uý. Chết vì cái đại uý. Tăng trước mười năm…

Câu chuyện Phổ nói bị ngắt quãng vì anh em được phân công trực nhật đã bưng những xoong cơm xoong canh (tù chuyên gánh cơm chỉ có nhiệm vụ gánh cơm nước một bữa trưa ra chỗ làm và lấy suất ăn sáng) từ nhà bếp đi lên cái dốc xoai xoải tới giữa sân. Cả trại ầm lên. Tiếng gọi nhau “Khợp thôi!” “Khợp thôi!”. Tiếng gõ bát đũa. Tiếng đếm bát đũa của từng mâm. Tiếng chân người huỳnh huỵch chạy từ xa về buồng giam, nhảy lên sàn lấy bát đũa chạy vội ra.

Bữa cơm chiều hôm ấy sao mà ngon. Dù lòng hắn không yên. Lòng anh tù tập trung cải tạo làm sao mà yên được. Yên tâm cải tạo, câu ấy đúng với ai, chứ không đúng với anh tù không án. Ngon như cơm tù. Phải ghi vào từ điển thành ngữ ấy.

Nhưng hãy bắt đầu từ việc chia cơm đã. Đó là một sự im lặng. Im lặng tuyệt đối. Trong sân trại, anh em tù đứng thành mấy chục vòng tròn. (Bao nhiêu mâm thì bấy nhiêu vòng). Những vòng người quần xám, áo xám, mắt trắng dã, mặt nghiêm nghị, căng thẳng, chăm chú nhìn nồi cơm, nồi canh, đếm số bát. Một nhận xét đầu tiên:

– Cơm hôm nay sao ít thế nhỉ?

– Cơm nát.

– Lại độn nhiều khoai quá.

– Đánh đánh cho nó đều, Cân ạ.

– Rau cũng ít quá.

Đó là những thất vọng dù quen thuộc, nhưng vẫn là thất vọng. Cơm đã ít. Lại độn khoai. Lại chỉ có một món rau lõng bõng nấu trong vạc đen sì.

Cách đây ít lâu, ông chánh giám thị đã thực hiện được lời hứa: Bữa ăn có nhiều món. Rau bắp cải mọi khi luộc thì nay chia làm hai: Thái nhỏ muối dưa xổi và luộc. Một tý rau thơm. Một tý muối hoà với nước hàng làm nước chấm. Nhiều bữa có một con cá khô mủn hoặc hai miếng thịt vịt đang đâm lông ống vừa thui vừa luộc, khét lẹt, mỏng dính. Bốn năm món chia chác thật phức tạp. Cân chia ba bốn lần. Nguyễn Văn Phổ nói:

– Tôi mà làm giám thị, tôi sẽ cho ăn nhiều món hơn nữa. Để chỉ chia thôi cũng đã chết. Không còn thời gian nghỉ nữa.

Sau những tiếng xì xầm, giờ đây cả sân lại im lặng. Và căng thẳng. Quá căng thẳng. Tất cả dán mắt vào cái muôi của người chia cơm, vào cái bát được đưa lên cân. Nghĩa là một que củi thẳng và khô làm cán cân. Một đầu treo hòn cuội. Đó là quả cân. Một đầu làm cái quang để vừa một cái bát men hai mươi. Người ta đã lấy một cái bát của một anh cố định làm trọng lượng bì. Qua thực tế người ta khía những nấc ở cán làm định mức trọng lượng. Nấc ngoài là nấc mười tám cân. Nấc trong là nấc mười lăm cân, mười ba cân. Thông thường việc chia có thừa thiếu chút ít. Thừa thiếu càng trở nên phức tạp, khi nhà bếp thổi khô quá hoặc nát quá như hôm nay làm đảo lộn trọng lượng bình thường, phải thêm bớt nhiều lần. Nhìn thìa cơm đổ thêm vào bát mình thì vui, nhưng nhìn cái thìa của người chia cơm xắn tàn bạo vào suất cơm trong bát mình nó vẹt lẹm đi, buốt lòng như có ai bấu rứt đi quả cật. Xén rồi lại xén nữa vì vẫn chưa đủ. Chưa hết một vòng.

– Sao lại nhích vào thế, Kỷ Mình?

– Cơm hôm nay ít lắm à.

– Nhưng nó nát, nó nặng.

– Nặng cũng ít à.

– Gượm, để cho nó đứng hẳn lại đã. Cân còn đang đảo mà.

Ôi! Trông kìa, có hai muôi thôi mà đã được một suất rồi. Ít quá!

Kỷ Mình và Cân cứ chia, cứ xúc. Cầu sao còn được tản (1) nữa. Chứ thế này thì ít quá. Có khi còn được tản nhiều là khác. Nhưng mới có sáu suất mà đã vẹt nửa xoong cơm rồi. Lại miếng khoai kia. Cầu sao nó đừng vào bát của mình. Miếng khoai to quá.

– Dầm dầm khoai ra, Cân ạ. Cho nó đều.

 

 

(1)Chia thêm

– Được rồi. Được rồi.

Cơm trong nồi còn ít quá. Khéo thiếu mất. Không, nhưng mà chỉ còn ba suất nữa thôi. Trong xoong to trông nó thế, chứ ba suất thì đủ. Một suất nữa rồi. Sao suất này trông có vẻ nhiều thế nhỉ. À! Nó đã bốc hơi một ít. Đỡ nát hơn. Suất ấy của ai nhỉ. Cán. Cán may rồi. Ai chẳng biết được chia ở cuối xoong bao giờ cũng nhiều hơn một tý vì cơm đã nguội đã bốc hơi.

Nhưng Cán thì không chú tâm đặt bát ở cuối hàng đâu. Chỉ có Lê mới làm như vậy. Ở QN, Lê cứ làm như vô tình ra sau và đặt cái bát men mười sáu(1) của Lê ở cuối hàng. Việc ấy kéo dài được nửa tháng thì bị Kỷ Mình và cả toán phát hiện ra. Nhưng không ai nói gì. Chỉ có Kỷ Mình trả lời bằng hành động. Kỷ Mình cân cơm và đổ ở cuối hàng trước. Khi Lê chuyến bát về đầu hàng, Kỷ Mình lại cân cho bát đầu hàng trước. Lê xếp bát ở giữa hàng, Kỷ Mình đổ từ giữa hàng xoè ra hai đầu. Như một trò chơi ú tim. Như chuyện cổ tích vậy. Lê chẳng dám nói gì. Đành ngậm đắng nuốt cay.

Kỷ Mình chia rất công bằng và không một lần nào suất của Kỷ Mình nhiều hơn suất của người khác. Kỷ Mình vẫn dằm dằm vun vun xúc xúc. Đáy xoong đã lộ ra, những hột cơm dính với khoai bê bết. Không biết chỗ kia chia đôi có được hai suất không? Một suất. Hơi nặng một tý. Xúc ra nửa thìa. Phải nói Kỷ Mình xúc rất chính xác. Mười mấy năm chia cơm có khác. Còn lại trong nồi hơi ít, nhưng trông thế thôi. Vét vào, vun vào chắc chắn sẽ đủ. Đủ là tốt. Sao? Kỷ Mình còn bớt lại à? Không xúc hết à. Xem nào. Vẫn hơi tươi! Xắn một nửa thìa rồi. Vẫn còn tươi, hơi ngỏng. Một xíu nữa. Cái cân bềnh lên hạ xuống. Lại hơi chúc. Ngón tay Kỷ Mình gẩy gẩy mấy hạt cơm ở đầu thìa xuống bát. Được rồi. Ngang cân rồi. Chỉ gần chục hột mà ngang cân. Các cụ bảo “con ruồi đỗ nặng đồng cân”. Đúng thật. Thế là được tản rồi. Mỗi người được một thìa đấy. Còn bát này, bát này chưa. Bát này chưa. Kỷ Mình nhoài người ra đổ vào những bát ở xa. Còn một tí nữa. Tản nữa. Mỗi người hơn chục hột. Còn miếng cháy nữa đấy. Bẻ ra làm hai mươi suất. Được chưa. Thôi mang vào nhé. “Một tý, một tý không cần à!” Nói thế thôi chứ ai mà không cần. Miếng cơm trong tù ngọt hơn cả đòng đòng.

Mọi người cúi xuống nhấc bát cơm, bát canh đứng lên. Có anh đổ ụp luôn bát canh vào bát cơm, cho cù dìa đảo đảo, đứng ăn ngoém hết tại chỗ. Có anh bưng ra ngồi ở góc sân. Kỷ Mình còn lấy tay nhặt mấy hạt cơm dính vào

 (1) Đường kính mười sáu cm

thành xoong.

Hắn và già Đô hai tay hai bát bưng vào buồng. Già Đô cẩn thận trút hai bát rau làm một. Rồi già giở cái cặp lồng của hắn ra. Một cặp lồng rau ngân ngẩn. Cả ngày chỉ ngồi chặt hom sắn, già Đô với hắn cấu vội được một nắm rau tàu bay, khi đi ngang qua khu cơ quan, già tranh thủ suốt được một nắm lá ớt, lá hoa mào gà. Mặc ông áo xanh hét:

– Anh kia làm gì đấy. Có đi vào hàng không?

Hai tay hai nắm rau, ngắt cả cành, già trở về hàng và vừa đi vừa ấn chiến lợi phẩm vào bị. Nhìn già, hắn nghĩ đến những nơi già đã đi qua, đã in dấu chân: Khải Hoàn Môn, tháp Eiffel. Marseille…

May là chỗ làm có nhiều rau tàu bay. Người ta bảo ăn rau tàu bay hại máu. Bọn hắn ăn chỉ thấy ngon. Còn lá mào gà, lá ớt ăn như rau dền vậy. Họ lặng lẽ nhai. Mỗi người một tâm tư. Đắm chìm trong tâm tư ấy.

Vũ Lượng từ nhà mét bước ra. Đó là một anh tù trẻ hơn hắn, cằm vuông, má hóp, râu quai nón. Tay xách một cặp lồng bốc khói, thơm ngào ngạt, thật hấp dẫn. Mùi thơm váng cả buồng giam. Nhưng hắn không quay đầu về phía ấy.

Ở trong tù thái độ đối với miếng ăn là quan trọng. Rất quan trọng. Nhận một quả tắc. Thái độ đối với quả tắc thế nào đây. Không thể mời tất cả mọi người. Nhưng cũng không thể quay mặt vào tường, ăn một mình những món ăn ngoài đời, những món ăn của tự do. Cũng không thể chờ đến lúc đi ngủ, chui vào màn ăn một mình trong bóng tối, tiếng giở các túi ni-lông loạt soạt. Tạt được củ sắn, một kỳ công đấy. Thiết kế rất công phu, chớp thời cơ ngàn năm có một, bồng về trót lọt, đói hoa mắt, nhưng chớ ăn một mình. Trong tù quan hệ con người bị lột truồng. Không thể che đậy. Không thể giả dối. Không thể đánh lừa được ai. Có hai điều quyết định nhất khi anh sống trong tù: Một là thái độ của anh trước bạo lực. Nghĩa là thái độ trước các ông công an, các ông quản giáo, các ông giám thị. Thái độ trước tù đày. Hai là thái độ trước miếng ăn trong khi lúc nào cũng đói rã rời.

Giữ được hai điều đó anh sẽ là người tù chân chính, được cộng đồng công nhận. Mà giữ được hai điều đó nghĩa là phải sẵn sàng chấp nhận những công việc nặng nhọc nhất, meo nhất. Đừng mơ tưởng đến toán nhà bếp, đi nuôi ong, chăn trâu. (Ai bảo chăn trâu là khổ. Không, chăn trâu sướng lắm chứ. Đúng thế đấy. Chăn trâu sướng lắm. Vì được tương đối tự do. Thoải mái sột sệt). Đừng hy vọng cái án cao-su co lại.

Hắn làm được cả hai điều ấy một cách đơn giản tự nhiên. Không phải cố gắng. Vì đó là bản chất của hắn. Chưa bao giờ hắn bẩm, sớ, phản bội anh em, để mua về cho mình một chút lòng tin của giám thị. Điều này dễ thôi. Vì hắn biết chẳng ai tin bọn hắn. Vì hắn biết các ông ấy chỉ là thủ kho. Là những người giữ chìa khoá kho chứa một mặt hàng đặc biệt, biết đi lại, ăn uống như người, nên càng phải cẩn tắc.

Bởi vậy hắn còn tìm mọi cách tránh gặp gỡ các ông ấy. Cái dạo mới từ trại Q.N chuyển lên đây, tù các nơi dồn về nườm nượp, xe con, xe tải, xe ca ngược xuôi như một bến xe náo nhiệt, cái dạo ấy hắn đã được chỉ định làm toán trưởng. (Chắc là có sự bàn giao của trại Q.N, một sự bàn giao tốt về hắn). Hắn lễ phép trình bày với các ông ấy là sức khoẻ hắn kém, hắn không am hiểu nông nghiệp, nên không làm toán trưởng toán làm đồi được. Giám thị đã chỉ định một người khác. Thực ra hắn không muốn làm toán trưởng dù toán trưởng không phải lao động. Chỉ xem xét anh em làm, đôn đốc nhắc nhở anh em. Đi theo ông quản giáo nghe ông nói về công việc, nhắc nhóm này làm dối, nhóm kia ngồi nghỉ quá lâu rồi đấy, hút thuốc gì mà hết nửa ngày thế, nắng cũng nhúc nhắc ra làm thôi, từ sáng đến giờ chưa được mấy công việc. Rồi: “Báo cáo ông, cho anh em củng cố lại cái nhà phân”. “Báo cáo ông, chỗ sắn bị nhổ trộm ấy, tôi đã hỏi nhưng không biết ai. Anh Chí Lồng Sếnh không làm ở đấy. Anh Lượng cũng bảo không có ở đấy…”

Những việc ấy hắn không làm được! Quá sức của hắn. Hắn chỉ có thể sống và làm khổ sai như những anh em tù bình thường khác. Dù phải làm đến kiệt sức. Dù có phải phơi mình ở nương sắn tháng Sáu, nắng chang chang, dù có phải lội xuống suối lạnh buốt giữa mùa đông tháng giá, tím bầm hai chân, vục nước gánh lên đồi tưới rau, phải đút hai bàn chân cóng lạnh không còn cảm giác vào đống lửa, hắn cũng vẫn thấy dễ chịu hơn việc làm toán trưởng, suốt ngày báo cáo ông, báo cáo ông… Dù bàn chân cóng dại cho vào lửa mãi mới thấy nóng, khi đã thấy nóng rồi rút vội chân ra, nhưng cái nóng ở chỗ gan bàn chân da dày, cứ khoan mãi vào người, xoáy mãi vào người, bổi hổi bồi hồi, xuyên lên tận bẹn, phải nằm lăn ra bên cạnh đống lửa mà xuýt xoa, mà kêu, mà cười ra nước mắt thì vẫn còn hơn. Vì bên cạnh mình không phải là ông quản giáo mặc bộ quần áo vàng. Mà là già Đô, là Lượng, là Cân, là Lê Bá Di cũng đang lăn lộn với cái nóng dùi xuyên tuỷ như mình. Làm toán trưởng. không phải lao động, nhưng mất tự do đến hai lần, luôn phải giữ nét mặt kính cẩn và đau khổ, phải quát giục anh em tù khác. Hắn không làm được.

Hắn cũng chưa bao giờ đặt miếng ăn lên trên nhân phẩm. Điều này khó hơn. Cũng may hắn là người cầm bút. Cái máu sĩ đã giúp hắn.

Lượng không về chỗ mình mà cầm cặp lồng đến thẳng chỗ hắn, nụ cười trên khuôn mặt đỏ và nhọ:

– Khợp không? Làm tý nhớ?

Đó là một sự chia sẻ với tổn thất hắn vừa chịu. Là sự tuyên chiến với người vừa bẩm để hắn bị khám, bị thu nội vụ. Như một lời tuyên bố của đồng minh khi lâm chiến. Lại càng quý giá vì người ấy là Lượng, một người quá coi trọng miếng ăn, luôn luôn đói. Lượng cùng quê, thổi kèn clarinette, mới bị đưa lên gần một năm nay. Làm sao bị bắt tù lại là tù chính trị thì có mà trời hiểu. Món quà tặng của Lượng, giá trị vật chất là to lớn, tuy chưa biết rõ nội dung nhưng giá trị tinh thần còn to lớn hơn nhiều.

Hắn hỏi, giọng ấm áp:

– Gì đấy?

– Gà đồng.

Hắn ỡm ờ:

– Ếch à?

Đào đâu ra ếch. Lượng cũng ỡm ờ:

– Không. Em của ếch thôi.

– Nhái à?

Lượng gật gật.

Hắn chìa nắp cặp lồng ra. Lượng xúc cho hắn non nửa, khoảng dăm con. Lượng bảo:

– Sột sệt ở chỗ làm rồi. Về chỉ hâm lại thôi. Nguội ăn sợ tanh. Tanh như nhái mà lại.

Rồi Lượng về chỗ. Chỗ của Lượng cạnh chỗ Cân, sàn phía bên kia.

Lượng sột sệt nhái rất khéo. Chỉ với muối thôi. Nhưng căn bản là có ớt. Và một tý rau thơm. Hắn gọi sang sàn bên với Lượng:

– Đặc sản. Ngon lắm! Mai có lại tiếp tục nhé.

Lượng cười:

– Giá có tý mều(1) thì tuyệt.

(1) mỡ

– Một tý thịt ba chỉ nữa.

Lượng cười rất tươi:

– Một tý đậu phụ, một tý chuối xanh, một tý lá lốt, một tý nghệ, một tý rau rút!

– Thế thì thành món cháo rìu đấy.

Lượng rất vui. Vui vì đã giúp đỡ được bạn, người đã giúp đỡ Lượng rất nhiều. Lượng muốn đến với hắn trong lúc hắn đang gặp khó khăn. Như hắn đã làm thế với Lượng. Lượng muốn ăn chung với hắn, nhưng hắn đã có già Đô rồi. Việc hắn ăn chung với già Đô làm Lượng nể phục. Vì già Đô không tiền lưu ký. Không có ai gặp mặt. Không một quả tắc. Thông thường người ta chọn người ăn chung, ngoài phần tình cảm cũng phải “môn đăng hộ đối” nghĩa là người của ngon vật lạ chỉ trông vào trại thì ăn với nhau, người nhận tắc ăn với người nhận tắc. Lượng ăn một mình như số đông anh em tù với phương châm Cá nhân tác chiến cá nhân bành (1).

Hắn hỏi khẽ già Đô:

– Bên Pháp người ta có ăn ếch không?

Già Đô cũng trả lời rất khẽ:

– Có chứ, ăn mạnh. Nhưng chỉ ăn đùi thôi. Bên Đông Âu không ăn.

Họ nói gần như thì thào. Sợ có ai nghe tiếng, bẩm với cán bộ là già Đô với hắn ca ngợi Pháp.

– Chỉ tẩm bột rán chứ gì.

Già Đô gật đầu.

– Ăn thế không ngon. Tôi thích nhất ếch om. Nó còn nguyên vị ếch.

– Nó là do thói quen thôi. Dân mình ăn được mắm tôm, nhưng không thể ăn được phó-mát. Mà đó lại là thứ rất ngon. Nhất là phó-mát Hà Lan. Ngon và bổ nữa.

– Tôi chưa được ăn phó-mát. Mắm tôm cũng không biết ăn. Nhưng vào đây biết ăn rồi.

Tự nhiên già Đô ngồi thẳng lên, nhai một cách chăm chỉ. Hợp đã vào. Mấy người khác đã ăn xong ở ngoài sân, mang bát vào. Và đã xách ống bương, cặp lồng nước ra rửa bát.

Thấy Hợp, Lượng hỏi to như có ý khiêu khích.

– Ngon không?

 

 

(1) một mình xoay sở, một mình no.

Ngồi ở sàn bên dưới, Voòng Kỷ Mình trả lời thay hắn:

– Hẩu xực à.

– Không biết mai còn làm ở đấy nữa không? Nhiều nhái lắm.

Kỷ Mình đã ăn xong chui ra đứng giữa lối đi:

– Mai vẫn làm ở đấy. Lúc đi tắm thấy ông quản giáo nói với ông vũ trang thế mà.

– Vẫn trảm mộc xì quát, Kỷ Mình pác à?(1)

Lượng làm ra vẻ giỏi tiếng Hoa.

– Lượng phấn khởi quá đấy. – Hắn nói.

Lượng vừa nhai xương nhái vừa cười:

– Tối nay, anh bảo gì Lượng cũng làm.

Rửa xong bát đũa, hắn đi ra ngoài sân, qua chỗ Lượng đang lấy cát đánh cặp lồng. Bàn tay Lượng nhọ nhem. Cặp lồng nấu xong phải đánh ngay. Để mai còn xách đi làm. Các ông ấy thấy nhọ là chết với các ông ấy. Nấu trong nhà mét, cấp tập, nhọ lắm. Nấu ở chỗ làm đỡ hơn. Cời than hồng ra đặt lên. Không có than thì đắp đất chung quanh nồi, cặp lồng rồi nấu. Hoặc không đắp đất, có nhọ đấy, nhưng đánh rửa ở ngoài suối vẫn thoải mái hơn. Có những anh ăn luôn ngoài suối chỉ đánh cặp lồng không. Có anh mang cả cặp lồng đựng thức ăn đang sôi xuống suối đánh cát. Vớt nước vào cặp lồng, cặp lồng bốc khói, khô ngay, nóng cả cát ướt.

Ngày nào cũng đánh cặp lồng là một cái thú. Đánh tỷ mẩn. Cả đáy, cả nắp, cả bên trong bên ngoài, cả cái gờ, cả chỗ quai, cả những chỗ lõm vào. Sáng loáng. Một ông áo xanh đã phải kêu lên:

– Các anh thật lạ. Đem nấu cho nó nhọ. Rồi lại đánh cho nó sáng. Mai lại nấu lại nhọ, lại đánh.

Rõ ràng các ông không hiểu bọn hắn. Không đánh sáng gô, cặp lồng, nó sẽ két lại ngay. Nhọ, không cho được vào bị khi cần phải yểm một cái gì đó. Để gô, cặp lồng nhọ đen là tự tố cáo mình trước các ông áo vàng. Là khiêu khích các ông ấy. Là mất cái thú chăm sóc cho gia tài của mình, cái cần câu cơm của mình. Là nhỡ ra khi cần phải chác là mất hẳn đi một nửa giá trị.
Hắn cầm ống bương nước giội cho Lượng, bảo Lượng tối sang uống chè rồi hắn đi bách bộ quanh sân. Đám tù mới đến có Kiều Xuân Vĩnh đã biến đi đâu. Chắc là nhốt rồi. Nhiều người như hắn đi quanh cái sân rộng. Quanh quanh.

 

 

(1) Vẫn chặt hom sắn, bác Kỷ Mình à?

Như kiến trong miệng chén. Hắn nhìn trời âm u. Lại sắp mưa đây. Bao nhiêu buổi chiều rồi. Những buổi chiều cứa vào lòng. Những buổi chiều tuyệt diệt vô phương. Hắn bỗng nhìn thấy Cân. Cân đang ngồi với một người trên cái ghế băng ở đầu hội trường trên gần đỉnh đồi cao. Hắn bước về phía đó. Nhận ra Hoá đang ngồi bên Cân, hắn lảng ra chỗ khác. Hoá là một tu sĩ. Theo cánh tù nói, Hoá đã bị buộc tội “lợi dụng những buổi giảng đạo để kích động giáo dân chống lại chủ trương hợp tác hoá nông nghiệp, và gây rối an ninh trật tự”. Anh em công giáo trong trại vẫn tìm đến Hoá để xưng tội, rửa tội.

Và bây giờ Cân đang ngồi bên Hoá.

Hoá ở toán khác.

Hắn đã có một cuộc đối thoại với Hoá, khi Hoá còn cùng một toán với hắn. Hai người xới sắn. Mỗi người một bên luống. Những cây sắn cao ngang đầu gối. Băm băm gốc sắn, vun đất ở rãnh lên luống. Đó là công việc nhẹ nhàng. Nhưng làm lâu cũng mệt. Cũng thở. Hắn hỏi Hoá số lệnh Hoá đã chịu. Hoá bảo kém một năm đầy ba lệnh.

Hắn bảo: “Thế thì anh có nhanh cũng phải mười năm”. Nếu tù hai lệnh là sáu năm, thì sang năm thứ bảy đã được về. Đằng này Hoá đang ở năm thứ tám. Thế là phải ba lệnh. Hết lệnh thứ ba, người ta mới xem xét. Có được ra ngay thì cũng một năm nữa. Tổng hợp các người tù tròn lệnh (ba năm, sáu năm, chín năm, mười tám năm…) cũng phải mất vài tháng. Suy nghĩ, cân nhắc, họp hành hàng tháng. Và nếu mình có trúng số độc đắc, được có tên trong danh sách tha, thì cũng phải chờ vài tháng viết quyết định, vào sổ đóng dấu gửi từ Bộ về trại. Rồi trại vào sổ, xem xét và có thể giữ lại ít ngày…

Hoá bảo:

– Có nhanh nhất cũng phải hai năm nữa.

Rồi Hoá cười:

– Nói thế để có cái mốc mà nghĩ đến thôi. Hai năm nữa được về là tốt lắm rồi.

Hắn cũng nghĩ đến cái mốc của hắn. Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại.

Thế mà chỉ cần cái khúc đệm để được ra tù thôi cũng tính tới hàng năm!

Sự kiện dồn hết anh em số lẻ về đây và những người mới bị bắt như Cân, Lượng là một triệu chứng xấu. Rất xấu. Sau một thời gian ngưng chiến, máy bay Mỹ ném bom trở lại càng làm cho tình hình của bọn hắn xấu đi.

Hoá hỏi:

– Anh là cộng sản à?

– Cả nhà tôi là cộng sản. Là đảng viên. Nhưng tôi thì chưa. Tôi là quần chúng.

– Vì sao anh chưa được kết nạp?

– Đã có lúc tôi phấn đấu, nhưng chưa được vào.

Hoá nhìn hắn từ đầu đến chân. Định nghĩa cái nhìn ấy là: Anh nói thật. Tôi quí anh vì anh nói thật.

– Vì sao anh bị vào đây? Tôi có tò mò quá không?

– Tôi bị bắt với tội danh “Tuyên truyền phản cách mạng”.

– Ở đây anh em gọi là tội nói sự thực.

Đó là một lời khen. Nói sự thực là một việc khó khăn, nguy hiểm. Từ xưa đến nay vẫn thế. Bao giờ cũng là một việc nguy hiểm. Bố hắn đã nói nhiều lần: Trung ngôn nghịch nhĩ. Thế mà đến bây giờ hắn mới hiểu được điều ấy.

– Chắc là anh viết báo có điều gì…

Hắn cười. Không trả lời. Ai cũng tưởng hắn viết lách gì đó bôi đen chế độ. Cũng như ai cũng biết hắn là nhà báo. Là cộng sản. Cả trại tù này biết hắn là cộng sản. Có người nửa đùa nửa thật nói với hắn:

– Ông cộng sản bị tù đày nhiều, ông ấy cải tiến nhà tù khiếp thật. Bao giờ đến ông chống Đảng này lên cầm quyền còn khiếp nữa. Ông ấy lại cải tiến một lần nữa, chỉ có chết.

Đúng là nhà tù của ta đã cải tiến rất nhiều. Những khe hở của nhà tù đế quốc đã bị bịt kín. Một cái bánh chưng gửi vào cũng được cắt ngang dọc, xem có tài liệu gì trong ruột bánh không, không sao để dành được, chỉ hai ngày sau là mốc xám dài bằng đốt ngón tay đã mọc xù lên dọc hai bên vết cắt. Khi còn giam cứu, gói đường gửi vào cũng bị đổ tung ra. Bao thuốc bị bóc. Điếu thuốc bị xé. Hắn và Hoá thận trọng trao đổi. Trong tù rất thận trọng. Chẳng nên làm phức tạp tình hình. Chẳng nên làm mình thêm lo lắng. Ở ngoài đời tự nhiên đã bị khoác cái tội “tuyên truyền phản cách mạng”. Vào đây lại thêm tội chống đối thì chỉ có mục xương. Nên tù chính trị ai cũng giữ mồm giữ miệng. Chỉ cởi mở với rất ít người đã qua thử thách. Như với già Đô. Với Giang.

Chẳng ai nói với ai những điều sâu kín trong lòng, nhưng tất cả đều hiểu rằng: Không ai chấp nhận cái thứ tù không án. Tù không có ngày về. Không một ai chấp nhận chế độ ăn uống lao dịch khủng khiếp mà họ đang chịu đựng. Hắn quý trọng anh em tù Công giáo. Tất cả đều sống kiên cường, đúng mực. Tốt với bạn tù. Không ai là Giuđa. Không ai bẩm sớ. Có lẽ đó là anh em thực hiện lời dạy của Chúa. Thử thách này cũng là thử thách trước Chúa.

Thấy Cân đang ngồi với Hoá, hắn vòng về phía sau hội trường. Ngồi một mình. Đấy là nơi cao nhất của quả đồi được lấy làm trại tù. Hắn nhìn anh em đi vật vờ, vô mục đích. Những thân hình xác xơ trong những bộ quần áo xác xơ. Những cái đầu cúi chậm rãi đếm bước. Chờ thời gian trôi. Chờ tối xuống. Để ngày mai lại hệt như hôm nay. Hắn nhìn hàng rào ken dày dưới chân đồi. Cỏ mọc lút. Không ai dám tới. Ra đấy làm gì, nếu không có ý định trốn trại. Ở đó vắng teo. Như cầu Hiền Lương, khu phi quân sự. Tháng Tám năm ngoái, bọn hắn đã được ra chỗ đó. Bão. Bão to làm hàng rào đổ mấy chỗ. Bọn hắn phải đẵn gỗ, đẵn cây, đẵn nứa giồng lại. Chỉ một ngày xong. Để nhốt chính bọn hắn. Bao giờ thì mình cũng tự làm hàng rào, làm nhà tù nhốt mình. Đời là thế!

Già Đô đến ngồi cạnh hắn. Già đã đi đảo một vòng và biết khối tin thời sự. Già bảo:

– Cái đám mới lên ấy nhốt chung với toán lò vôi. Chưa phân toán. Có một anh ở Bộ N tên là Đức. Từ Hoả Lò chuyển lên. Còn cái anh Kiều Xuân Vĩnh chính họ Cao. Dòng dõi Cao Bá Quát. Sau vì sợ tru di tam tộc nên đổi thành họ Kiều. Thấy bảo chỉ thêm cái chấm vào thôi thì chữ Cao thành chữ Kiều.

Hắn cơ hồ tuyệt vọng:

– Tình hình xấu lắm, cụ ạ. Ngoài ấy lại đang bắt.

– Hội Vũ Lượng thổi kèn làm gì mà cũng tù chính trị.

– Thì tôi với cụ làm gì mà cũng tù chính trị. Mưu đồ gì. Chống đối gì. Chỉ có tin tưởng ở các ông ấy quá. Tội của chúng mình không phải là mất lòng tin mà là tin tưởng quá.

– Sống thế này không điên kể cũng lạ thật.

– Tôi cũng mong tôi điên. Thật khốn nạn vì mình vẫn không điên lên được.

– Đêm qua, tôi mơ thấy con bé con bên Pháp. Nó vẫn như lúc tôi từ biệt nó. Tôi mơ thấy quán rượu của bà Jeannette. Tôi vào ngồi ở quán. Con bé chạy ra hỏi: Que buvez vous?(1) Vẫn cái giọng nói ấy. Nó chẳng nhớn lên chút nào. Tôi ôm lấy nó: “Không nhận ra bố à? Con mèo con của bố”. Nó khóc, nó giãy tụt khỏi tay tôi. Rồi nó gọi: “Mẹ ơi! Có khách!” Vợ tôi ra đứng sau quầy: “Ông dùng gì?” Tôi cũng nói như một người khách: “Cho một cốc vang và một xăng-đuých”. Kỳ lạ… Bà Jeannette cũng không nhận ra tôi. Tôi thì nhận ra cả hai. Nhưng cứ ngồi uống như một người khách lạ.

Già Đô cúi đầu. Hắn thở dài, thèm được như già Đô, giọng rầu rầu:

– Tôi mất khả năng nằm mơ rồi. Đã bao lần tôi ao ước nằm mơ thấy vợ, thấy con. Nhất là các cháu. Lần cuối cùng tôi nằm mơ là thời gian còn ở xà lim 75 Trần Phú(2) cách đây hơn ba năm rồi. Phải nói tôi mong nằm mơ thấy các cháu lắm. Thế rồi cầu được ước thấy. Tôi nằm mơ thấy thằng cháu lớn. Hai bố con ở dưới đầm. Nước tới cổ tôi, cổ cháu, mênh mông, nắng loá. Sóng nữa. Tôi bơi lại chỗ cháu. Và cứ thế túm đầu thằng bé mà tát nó, đánh nó. Nó khóc, nó khóc thảm thiết: “Con lạy bố rồi, bố đừng đánh con nữa”. Tôi vẫn cứ ấn nó xuống mà đánh. Nó nhô lên, tóc ướt đẫm. Nó khóc. Nó gào khóc đau đớn: “Con lạy bố rồi. Bố đừng đánh con nữa”. Tôi choàng tỉnh. Run lên. Toát hết mồ hôi. Trống ngực đập thình thịch. Nghĩ thương con quá. Sao tôi lại đánh nó? Tôi chỉ mong nằm mơ thấy chúng, được gặp chúng trong mơ để ôm ấp, yêu chiều. Thế mà mơ thấy nó tôi lại đi đánh nó.

– Tôi cũng thế. Tôi cứ ngồi uống như một khách hàng, thế mới khổ chứ.

Hắn lặng im. Hắn đang nghĩ đến cái ước mơ nằm mơ thấy con của hắn, nằm mơ thấy thằng lớn một lần nữa để hắn sửa chữa tội lỗi làm bố của hắn. Sao hắn lại đánh con hắn như đánh đòn thù? Sao hắn lại là một thằng bố độc ác, vũ phu đến thế? Thằng bé gào lên trong mơ, những tiếng gào thảm thiết cứ vọng mãi bên tai hắn: “Con lạy bố rồi. Bố đừng đánh con nữa”. Sao phải lạy bố, hở con? Ôi! Con tôi, những đứa con khổ đau, côi cút ở bên kia thế giới.

Hắn than thở:

– Đêm nào đi ngủ tôi cũng ao ước nằm mơ thấy cháu một lần nữa. Nhưng từ bấy đến nay tôi không nằm mơ thấy gì hết. Tôi hoàn toàn mất khả năng nằm mơ rồi. Đấy là lẩn nằm mơ cuối cùng của tôi. Tôi thương nó quá.

– Tôi cũng ít nằm mơ. Giá đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy Marseille. Thật là một thành phố… Không. Hải Phòng không thể nào bì được. Hải Phòng

(1) Ông uống gì

(2) Tên trại giam ở P . Gọi vậy vì nó nằm trên đường Trần Phú, số 75, nhiều khi còn gọi tắt là Trần (chẳng hạn như “Thằng ấy v ào Trần rồi!”)

xa biển. Đằng này biển gầm thét ngay nơi mình ngủ. Thật là vĩ đại. Những người dân ở đấy thẳng thắn, cởi mở, vui tính… Ông Martin với cây đàn violon và cả bầu đàn thê tử. Đến đâu là hội ở đó. Trẻ con người lớn quây lấy. Thật là những người vô tư lự.

– Đời cụ thật sung sướng. Biết đây, biết đó. Tôi thì từ bé lên rừng, ăn rau muống của cách mạng. Bây giờ lại lên rừng. Rau muống chẳng có mà ăn.

– Tôi về nước với bao ý định tốt đẹp. Thật không ngờ.

– Tôi ao ước được như cụ. Được một lần leo lên tháp Eiffel, đứng trước Khải Hoàn Môn.

Họ nói với chính họ. Mỗi người mang trong lòng nỗi khổ đau quá lớn, đến nỗi trong một lúc không còn khả năng tiếp thu được nỗi lòng người khác.

Có tiếng kẻng vang lên. Một hồi dóng dả dội vào rừng xanh. Kẻng điểm danh buổi tối.

*

 

*        *

Mọi người lặng lẽ trở về, tụ tập ở khoảng sân trước cửa buồng giam. Chờ cho đến khi thấy ông Quân, theo sau là Chắt từ buồng bên đi đến, tất cả về chỗ ngồi. Người nào ngồi đúng chỗ người ấy. Người sàn trên chiếu thẳng xuống người sàn dưới, đôi ngồi sàn bên này đối đối xứng với đôi ngồi sàn bên kia, xếp bằng tròn, tay đặt lên đùi, ngửa lòng bàn tay lên, đầu cúi nhìn xuống. Đó là nội qui bắt buộc. Ông Quân đi giữa hai hàng sàn gỗ. Ông đi giữa hai hàng tù quần áo số xám xịt ngồi thành dãy như bụt mọc. Ông dứ dứ cái bút máy vào từng người, miệng lẩm nhẩm. Ông đếm bên phải, ông đếm bên trái. Dứ bên trên, dứ bên dưới. Những mặt tù lì lì, bí ẩn. Vẻ mặt ông Quân lạnh lùng, khó hiểu không kém.

Người ta đã tính những lần ông Quân phải đếm trong ngày. Sáng mở cửa ra: Đếm. Đi làm: Đếm. Trưa về: Đếm. Chiều đi làm: Đếm. Đi làm chiều về: Đếm. Đi ngủ: Đếm. Tổng cộng sáu lần đếm trong ngày. Trại cứ tính một nghìn tù cho chẵn. Vậy thì một ngày ông Quân phải đếm sáu nghìn người. Một năm ông phải đếm hơn hai triệu người. Mà ông làm quản giáo đã được hai chục năm rồi, làm từ khi tập kết. Ông đã đếm bốn chục triệu người tù.

Thật là một sức lao động vĩ đại.

Một năm hai triệu khuôn mặt mệt mỏi, lờ đờ, xám xịt diễu qua mặt ông.

Có lẽ vì soi mãi vào tấm gương ấy, ông cũng biến dạng: Mệt mỏi, lạnh, chai, không một tình cảm nào biểu hiện ra ngoài. Ông đã nhiễm phóng xạ của bọn hắn.

Ông đã đếm xong.

Ông bước ra.

Chắt đóng hai cánh cửa, khoá lại.

Khi cánh cửa đóng lại một lúc, nghĩa là đủ thời gian để ông Quân vào phòng bên cạnh, phòng giam ồn lên. Nói. Tẩm quất. Sắp xếp lại nội vụ. Và sột sệt.

Lửa lại cháy đùng đùng trong nhà mét. Khói mù mịt. Chất đốt chủ yếu là nứa. Không hiểu sao họ vẫn kiếm ra nứa.

Có một lần hắn đã lấy được cả một cây nứa để giữa sân trại, trước mắt các ông áo xanh(1) và các ông áo vàng(2) đứng trên năm bốt gác chính và phụ cao ngất. Trước mắt hàng trăm người tù. Đi làm về, thấy bó nứa để giữa sân, ngon quá, hắn nhìn lên các bốt gác quan sát. Rõ ràng người trên bốt quay mặt vào sân (nhìn sinh hoạt trong sân tù, dù sao cũng vui hơn nhìn ra rừng già, nhất là buổi chiều tà). Hắn thản nhiên rút một cây nứa dài, chạy vào buồng, gác lên quá giang, cạnh những cây nứa khác, phơi bộ quần áo ướt của hắn và gìà Đô lên đấy. Vừa xong, thì một ông quản giáo chạy vào buồng, giận dữ:

– Anh nào vừa ăn cắp cây nứa chạy vào đây? Đâu rồi?

Hắn đã nằm dài trên sàn, lờ đờ khuôn mặt, dửng dưng với những lời quát nạt của ông. Cứ để ông ta tìm trong gần trăm bộ quần áo số này kẻ đã cầm cây nứa chạy vào đây. Cây nứa của hắn cũng như mọi cây nứa khác đang mang trên mình những bộ quần áo tù rỏ nước, như đã nằm đấy từ bao giờ.

Đó là cách dự trữ chất đốt an toàn nhất và cũng là thứ chất đốt tuyệt diệu nhất đảm bảo cả bốn tiêu chuẩn: nhanh, dễ nhóm, dễ dập, chóng sôi. Chất đốt còn là những mẩu củi, cành cây gẫy, quang sảo rách, thùng gánh nước đái vỡ (3)… Nghĩa là tạt được, bồng được về thì vẫn có thức đun.

Người không đun nấu thì quây quần từng nhóm nói chuyện, người nhóm bếp than đun nước pha trà. Anh khác quay mặt vào tường giở suất cơm ra ăn. Có thể anh ta kiếm được cái gì lưng lửng bụng lúc đi làm, nên lùi bữa lại, để đêm đỡ đói. Có thể anh ta ăn thêm với đồ tiếp tế. Những chỗ nào nổi

(1) Công an vũ trang

(2) Công an quản giáo

(3) Thùng làm bằng gỗ thông

bếp than, được coi là loại giầu có, sang trọng. “Nhẩm xà”, uống chè. Có chè uống đều đặn đâu phải chuyện đùa. Phải rất mạnh. Chè lạng là nhất. Thứ này quá sang. Cũng có lần hắn thắng đậm. Hắn tạt được một nắm ở chỗ sao chè của trại. Chè Hà Giang, chè loại hai, đều sang. Chè “chín hào ba”(1) cũng là lý tưởng, được đánh giá ngang với chè U, thứ chè bồm, đồng bào thiểu số ở U sao, ngai ngái mùi ám khói. Bí quá thì lấy lá một loại cây, pha uống ngăm ngăm, ngòn ngọt, hình như có mùi cam thảo. Bọn hắn gọi là cam thảo nguyên.

Hội chè của hắn được mọi người vì nể. Uống khá đều, cho ít chè thôi, lúc tàn thì đặt lên ninh. Hai cái chén hạt mít lau tráng cứ bóng loáng. Tất nhiên vừa uống vừa nghe ngóng. Có tiếng mở khoá thì phải vứt ngay được bếp than đi trước khi ông ấy đến. Có khi ông ấy im lặng đi chung quanh buồng không một tiếng động. Như hổ.

Hôm ấy hắn vẫn sột sệt. Già Đô đưa cái ca con tí xíu của già ra. Đó vừa là cái ấm vừa là cái siêu, ưu điểm là mỏng, đun rất chóng sôi. Hắn lấy bó ni-lông đựng các đồ tiếp tế đã ăn hết và đã được giặt sạch mà ông Thanh Vân để lại cho hắn. Hắn chọn hai túi, một túi đựng kẹo, một túi đựng xúp, và hắn xé một mảnh quần đùi cũ. Hắn bện hai thành phần giẻ và ni-lông thành hai cái đũa dài. Đó là những thanh nhiên liệu.

Già Đô lấy ra một dụng cụ chuyên dùng khác: Một vòng tròn bằng dây thép lồng vừa khít ca có tay cầm dài chống nóng. Già Đô cầm ca. Hắn đun. Lửa bập bùng dưới đít ca. Khói nhiều. Nóng ít. Khói và mùi ni-lông khó chịu. Nhưng không sao. Đượm ra phết. Ca mỏng. Nước đã kêu kêu.

Có tiếng chân đến cửa sổ của hắn. Hắn dụi ngay lửa xuống cái bát sắt đã chuẩn bị sẵn. Rất nhịp nhàng, già Đô đặt cái ca lên trên. Hai bàn tay người nào nắm vào cửa sổ. Tất cả giật mình. Người ấy đu lên: Chắt! Hắn hoảng.

– Khét lắm đấy, các bố ạ. Ông ấy biết là chết đấy. Này, cho miếng cháy này.

Chắt đưa qua cửa sổ cho hắn miếng cháy con và biến mất.

Hắn bị bất ngờ. Ngạc nhiên và ấm lòng. Hắn mới lên đây được một năm. Nhưng thấy tù trật tự trại ở đây khác hẳn Q.N. Tù trật tự trại Q.N là Thất, một anh tù to béo da đỏ au, một vận động viên, trưởng phòng thể dục thể thao một huyện, án hai năm vì biển thủ công quỹ. Không trò chuyện với ai bao giờ, lúc nào cũng đi sau ông Quân (Phải, vẫn là ông Quân. Ông Quân

(1) Chè cám (chín hào ba gói)

cũng từ Q.N chuyển lên trại này sau hắn ít ngày) như cái đuôi. Có lẽ vì suất ấy quá thơm, nên anh ta giữ gìn cẩn thận lắm. Khi tù đi làm, khi tù về trại, Thất đứng bên này cổng, đối diện với ông Quân. Thất cũng đếm. Thất nhắc nhở tù bỏ nón, bỏ guốc. Đi dép thì được. Đi guốc qua mặt quản giáo là không được. Là không tôn kính cán bộ. Là vô lễ.

Nhưng Lê Bá Di đi guốc. Lê Bá Di thì không thể có dép. Người Quảng Trị, tù cũng đã mười năm, gia đình không thể theo đuổi từ trong ấy lên mãi VQ, QN mà tiếp tế được, Lê Bá Di hoàn toàn sống bằng trại. Bữa ăn sang nhất của Di là ba lạng thịt trâu kho chuội choại ngày Tết. Một năm có một lần. Không thuốc đánh răng, không khăn mặt (Di lấy quần áo rách làm khăn mặt) không tiền lưu ký, không bít-tất, không dép… Lê Bá Di đẽo lấy guốc đi. Và cứ đi guốc qua cổng trại.

Thất gọi nhắc nhở. Lê Bá Di cứ đi. Không biết Di không nghe tiếng, hay biết nhưng cứ làm theo ý mình. Thất chạy tới túm vai Di quát mắng và chỉ xuống đôi guốc, sừng sộ. Di cúi xuống nhặt guốc và bỗng nhiên, hắn và tất cả không ngờ: Di quật guốc vào mặt Thất. Hẳn là chỗ guốc ấy có cái đinh lòi ra. Thất vuốt mặt. Mặt đầy máu. Tay đầy máu.

Thất im lặng. Ông Quân im lặng. Bọn hắn im lặng đi qua. Hắn không ngờ Di lại hành động như vậy. Di cùng toán với hắn. Người nhỏ thó, trán hẹp, đầu nhỏ, nhưng quai hàm bạnh ra. Những anh em cùng tù với Di ở Cổng Giời bảo: trước Di không thế đâu. Nhai sắn nhiều nên quai hàm mới bạnh ra. Ai nhai sắn nhiều đều có kiểu mặt hổ mang bành như vậy.

Râu Di đen sì, kín cằm, kín mồm, môi dưới thưỡi ra thâm thâm, cứ như nhọ mõm. Di không chơi thân với ai. Việc Di, Di làm. Lầm lũi như cái bóng. Nhưng gánh khá. Gánh khoán, Di cứ chơi sáu mươi ki-lô phân trâu bò chạy vài cây số, lội bốn suối, vượt vài dốc.

Di cũng rất tự trọng. Có lần hắn cho Di một véo thuốc lào, thế là hôm sau gặp nhau ở bờ con suối cạn, Di dúi cho hắn hai cái bánh khoai vừa bằng cái trôn bát, như hai cái bánh trứng cáy ở quê hắn, toàn xơ. Chắc Di tranh thủ xuống ruộng khoai đã dỡ, mót được.

Di lành. Di khổ. Di ít nói. Bỗng nhiên Di khùng. Nhưng Di lại bị hành hạ theo cách khác.

Buổi chiều đi làm về, hắn đã lấy nước uống và đang đi sang bên toán mộc chơi, thăm Giang, người bạn tù cùng giam ở 75 Trần Phú, thì sau lưng hắn có tiếng rầm rầm. Tiếng thét. Tiếng kêu ú ớ. Hắn quay lại. Thùng nước đổ chỏng chơ. Một đám đông đang đá, đạp, đấm. Lê Bá Di nằm lăn dưới đất. Ba Đen, Phi Cốc, Triều Phỉ, Lập Ba Tai… những tù tập trung hình sự cao lớn, bấy lâu ngứa ngáy chân tay đang đánh đòn hội chợ. Toàn những miếng hiểm. Toàn những miếng vào bụng, vào sườn, vào ngực. Ợ. Ợ. Cứ mỗi đòn Di nhận, Di lại ưỡn lên. Ưỡn, nhưng không kêu. Chỉ ợ ợ. Đòn cuối cùng là một cú đánh bằng gót của Ba Đen nện thẳng xuống mỏ ác. Tứ chi Di rúm lại. Ợ. Ợ.

Thoắt một cái, tất cả đã biến hết. Trận đòn rất nhanh. Như chưa hề xảy ra. Chỉ một mình Di. Quần áo xám, số đỏ, lấm láp, nằm co trên đất. Mắt nhắm nghiền thiêm thiếp. Một lúc sau, Di mở mắt, chớp chớp. Không nhăn nhó, không kêu rên một lời, Di gượng ngồi dậy. Nhặt cái (1) lăn lóc, đứng lên phủi quần áo. Đi đến chỗ thùng sắt chắt tí nước cặn còn sót lại, cầm gô vào buồng đặt lên sàn như không có chuyện gì xảy ra.

Hắn đi về phía toán mộc và thấy ông Quân đang lặng lẽ hút thuốc sâu kèn ở cổng trại. Ông có biết không? Hẳn là ông biết. Ầm ầm như thế làm sao không biết. Cũng như cả trại biết Thất đã xuỳ bọn đàn em dạy Lê Bá Di một bài học. Và cũng là dạy tất cả cánh phạm bài học.

So với Thất, Chắt thật dễ chịu. Có lẽ cũng vì Chắt tù lâu quá rồi. Chắt, tập trung hình sự, đã ngót chục năm. Chắt hiểu cánh tập trung. Hắn chưa kịp nói lời cảm ơn với Chắt về miếng cháy thì Chắt đã đi. Hắn lại nhóm lửa. Lác đác vài bếp than. Còn tất cả nằm dài im lặng. Như những xác chết. Anh em đang “mặc niệm tới gia đình”. Hắn lấy ra hai cái chén mắt trâu men trắng. Hắn tự hào về hai cái chén của mình.

Hai cái chén sứ men trắng này làm hội của hắn nổi lên. Nó cũng giống như ngoài đời, người ta uống nước bằng chén cổ đời Lý, đời Trần. Quá ư sang trọng. Bởi vì trong tù người ta uống nước bằng nắp ca, bằng bát… Có chè mà uống là tốt lắm rồi. Hai cái chén “tù bảo” ấy hắn đem từ trại QN lên. Kỷ mệm của Cương, người sĩ quan trẻ tuổi nhất của khoá huấn luyện cuối cùng của lớp sĩ quan Đà Lạt. Cương gầy gò. Không gia đình. Chỉ khoảng ngoài 30 tuổi, nhưng đã chín năm tù. Răng rụng hết. Móm. Đầu trọc. Nom mặt Cương giống hệt cái sọ đầu lâu nằm giữa hai khúc xương bắt chéo trong tấm biển Nguy hiểm chết người. Cũng hốc mắt sâu thế nằm dưới cái sọ to. Cũng hai má hóp, quai hàm xương xẩu. Cương ở toán lâm sản. Cùng với những người tù thiểu

 

 

(1)Hộp sữa Guigoz bằng nhôm.

số lực lưỡng. Những Hỉn Sán, Cắm Xìn (không phải Xìn Cắm) những Tằng Xình Quay… leo núi như dê rừng. Cương loẻo khoẻo, nhưng vẫn vác những bó nứa, những cây gỗ đúng tiêu chuẩn. Một buổi lang thang trong rừng đào măng cho ông quản giáo, Cương đi vượt sang bên kia núi và thấy một cây lớn. Trong một hốc trên cây, một bát hương, tàn hương phủ đầy mùn lá mùn gỗ mục. Một cuộn giấy đựng hương phải cố gắng lắm mới nhận ra hình dạng. Và bốn cái chén mắt trâu.

Cương đi đến cây vả gần đấy, hái mấy trái chín để vào trong hốc cây thay cho đồ lễ và xuýt xoa khấn vái thần núi, thần rừng cho xin hai cái chén. Cương đem chén xuống suối, đánh rửa sạch sẽ rồi đem về cho hắn. Mãi sau này hắn mới biết tất cả những chuyện ấy. Hắn cũng thấy hơi chờn chợn.

Nhưng đó là chuyện về sau.

Hai cái chén ấy làm hắn với già Đô nổi tiếng. Nhiều người mang cả chè sang đây uống. Những người thân như Xìn Cắm, Tảng ở QN, Lượng, Cân ở VQ thì mượn về uống tăng hai.

Nhưng hôm nay hắn muốn mời Cân và Lượng sang cùng uống với bọn hắn. Hắn tụt xuống đất và leo lên sàn bên kia. Ngay chỗ Cân. Cân đang ngồi giữa chiếu, xếp bằng tròn, quay mặt về phía tường. Hắn xển đến cạnh Cân, đặt tay lên vai Cân thì thào:

– Sang uống…

Hắn bỗng im bặt, vì Cân ngồi im như tượng gỗ. Không quay lại. Cũng không trả lời. Hắn hiểu. Cân đang cầu nguyện, đang độc thoại trước Chúa. Lượng nằm, thấy hắn tới, vùng dậy:

– Anh về đi, Lượng sang ngay.

Ba người ngồi xụp xoạp. Già Đô uống bằng bát vậy. Cam thảo nguyên đã ngấm. Nước đỏ ngăm ngăm, ngòn ngọt. Vẫn còn cái thú tuyệt vời này. Hôm nay phải uống lâu một tý, già Đô ạ. Uống chè, nhắm cháy. Ngon hơn cả bánh đậu xanh. Hơn cả kẹo trứng chim. Chắt thật là một người tốt. Cám ơn anh. Tôi sẽ nhớ anh cho đến lúc chết. Lượng ơi, tý nữa hát cho mình nghe.
Từ chỗ tận cùng xã hội này, mình đã thấy tận cùng của cái phi lý. Đúng như Lượng nói: Nếu như bây giờ được tha về nhà, có tiếng gõ cửa, ra mở, thấy có một người tự xưng là Giời thì cũng chẳng có gì ngạc nhiên. Cứ việc mời Giời vào uống chè mà không phải băn khoăn. Mọi việc đều có thể xảy ra. Sao lại không có một ông Giời xuống uống chè với mình được. Cân nó vẫn còn cầu nguyện. Nó dọn mình trước Chúa. Nó có một niềm tin vào Chúa. Còn mình chẳng biết tin vào đâu nữa. “Sung sướng thay những kẻ có lòng tin”. Đó là một câu phương ngôn Pháp.

Mỗi người đến đây bằng một con đường khác nhau. Một hoàn cảnh khác nhau. Hắn khác. Lượng khác. Già Đô khác. Nhưng đều giống nhau ở một điểm: Sự ngây thơ. Nhẹ dạ. Cả tin. Và đều phải trả giá. Ngọc có lại thăm Trà Mi. Mình mong muốn hai người thân thiết với nhau. Hắn uống cam thảo nguyên và im lặng. Lượng, già Đô im lặng.

Comments are closed.