Chuyện kể năm 2000 (kỳ 24) – tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn

*

*        *

VỢ CHỒNG NGƯỜI THỢ XÓM CHIÊU THƯƠNG

Truyện ngắn

 

Nhà anh Chuỷ vẫn ở chỗ ấy. Anh vẫn ở một căn phòng sáng sủa và xinh xắn, căn phòng trên gác hai một khu nhà ba tầng mới xây. Trong nhà bầy biện, trang hoàng so với lần trước, cách đây một năm tôi đã tới chẳng khác là bao: Cái giường nan quạt kê ở một đầu buồng, bộ bàn ghế cũ kỹ đặt sát bờ tường, bên cửa sổ, chiếc gương tròn nhỏ của Trung Quốc treo ngang tầm mắt. Có khác là chiếc võng nâu không còn nữa. Và những bức tranh trẻ con, tranh công nhân thi đua sản xuất treo trên tường đã hơi cũ đi một ít. Nhưng khác nhất là những quần áo trẻ con. Không phải những cái áo lọt lòng, những chiếc yếm dãi, những tã chéo giăng đầy nhà như hồi nọ. Trên dây thép tôi thấy một cái áo cổ bẻ bằng vải hoa xinh xắn và một chiếc quần “xoóc” rộng bằng hai bàn tay.

Khi tôi tới thì vợ chồng anh vừa đi chợ về. Chuỷ bế con. Làn xách một lẵng mây rau tươi và một ít hoa quả. Cả hai mặt đỏ bừng. Nom thấy tôi, Chuỷ reo lên:

– Anh.

Tôi đỡ cháu Dân trong tay Chuỷ. Thằng bé lật cái mũ vải trên đầu, ném xuống nền đá hoa. Hai gò má nó đỏ ửng như trái đào. Nó giẫy khỏi tay tôi và tụt xuống bên cái làn của mẹ.

– Một năm rồi mới gặp lại anh.

– Chị Làn nom khoẻ quá. Cả cháu Dân nữa.

Tôi hết nhìn Làn, nhìn Chuỷ lại nhìn cháu bé. Họ khác trước rất nhiều. Làn hơi béo ra. Gái một con, nom chị đẹp hẳn lên. Cháu Dân là một cháu bé mập mạp. Cu cậu mặc áo may ô trắng có in hình con thỏ đang đánh trống, cái quần đùi bằng vải kẻ, nom đáng yêu quá đi mất. Hai vai rộng đầy lông măng của nó núng nính thịt. Đôi chân chỉ dài hơn gang tay, trắng mịn, lẫm chẫm đi từ góc nhà này sang góc nhà khác.

Tôi trút hết mối lo lắng từ hôm trở về Hải Phòng tới nay. Chuỷ quạt lấy quạt để:

– Nóng quá. Hôm nay lại im gió. Anh chờ chúng tôi lâu chưa?

Chị Làn rót nước mời tôi:

– Nom chúng em có khác nhiều không anh?

Rõ ràng chị chờ đợi một lời khen. Chị rất tin ở sự “khác trước” của những người trong gia đình chị. Tôi thành thực:

– Khác. Khác lắm chị ạ.

Chúng tôi chuyện trò mững rỡ. Chuỷ nói như ra lệnh:

– Hôm nay nhất định anh phải ở lại ăn cơm với vợ chồng tôi đấy.

– Vâng. Tôi sẽ ở lại đến chiều. Có gì làm cơm mời khách chưa?

Chị Làn tủm tỉm cười:

– Chẳng có gì đâu. Hôm nay đến phiên mua thịt. Em xếp hàng mãi mới đến lượt. Đông quá.

– Thật là số tôi may.

Chúng tôi cùng cười. Tôi bẻ quả chuối tiêu trên đĩa mà chị Làn vừa đặt lên bàn, vẫy cháu Dân. Nó không biết lạ, chạy tới vồ vào đầu gối tôi. Tôi quạt cho nó, vuốt vuốt những sợi tóc mềm mại bết trên trán nó.

– Nắng thế, anh chị cho cháu đi chợ làm gì.

Chuỷ vừa bóc chuối vừa đáp:

– Hôm nay nhà trẻ nghỉ. Chủ nhật mà. Nhà tôi đi chợ. Tôi bế cháu đi mậu dịch mua cho cháu đôi dép Thái Lan. Cháu chỉ thích dép Thái Lan thôi. Thấy con người ta đi, cứ đòi. Nhưng mậu dịch lại hết.

Tôi ở chơi với vợ chồng Chuỷ một ngày. Ngày chủ nhật của hai người thật bận rộn. Tôi giúp Chuỷ bổ củi. Chuỷ giặt giũ. Làn vừa trông con vừa nấu cơm. Bữa cơm “ăn tươi ngày chủ nhật” riêu cua, rau muống chẻ, thịt lợn ba chỉ quạt chả, thật tuyệt.

Làn từ ngày đẻ con đến giờ đã khoẻ lên rất nhiều.

– Nhà tôi khỏi hẳn bệnh ngất rồi anh ạ.

Chuỷ sung sướng báo tôi tin vui ấy. Anh tiếp:

– Mà trước đây anh cũng biết. Thuốc thang như thế. Tôi có tiếc một thứ thuốc nào đâu. Công đoàn, xí nghiệp cũng tận tình giúp đỡ. Đâu vẫn hoàn đấy. Thế mà đến khi nhà tôi sinh cháu thì khỏi hẳn. Ông bác sĩ bảo: Đấy là sự chuyển hoá trong cơ thể. Người phụ nữ đẻ xong thường có những thay đổi lớn trong người. Những thay đổi ấy là một liều thuốc rất tốt để chữa bệnh.

Tôi rất thông cảm với niềm vui của anh. Chúng tôi chuyện về tình hình công tác, sản xuất, về cái lò nung cao tuổi và bướng bỉnh trong xí nghiệp, về gia đình. Làn nói nhiều đến những nét đặc biệt của đứa con trai:

– Ai lại bằng ngần này mà đi nhà trẻ, cắn con người ta có chết không cơ chứ. Sáu tháng đã biết bò rồi. Người ta bảo ba tháng biết lẫy, bẩy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi, mà cháu tám tháng đã biết đi. Một mình cháu ăn hết một bát phở đấy anh ạ.

Chị nhìn con đầy vẻ trìu mến tự hào.

Sau bữa cơm chiều, chúng tôi đi dạo chơi trên đường cái. Cuộc sống ở khu tập thể chiều chủ nhật thật nhộn nhịp. Trong một khung cửa sổ gác ba tôi thấy mấy khuôn mặt thiếu nữ. Gió thổi tung mái tóc họ. Gian bên, một thanh niên đang kéo phong cầm. Tiếng đàn vang xa dồn dập. Và những giọng thiếu nữ trong trẻo hát theo.

Chuỷ, Làn nói đến những thích thú từ khi dọn sang nhà mới. “So với hồi còn ở Chiêu Thương, đời sống chúng tôi được cải thiện căn bản rồi đấy. Có một căn buồng rộng rãi, mát mẻ đâu phải dễ dàng. Đúng không anh?”

Chuyện lan man, chúng tôi lại nói đến những tồn tại trong cuộc sống khu tập thể. Nhà xa hơn trước, Chuỷ và Làn chỉ ao ước có được cái xe đạp đi làm. (Xí nghiệp đang tiến hành mua xe ô tô chở công nhân đi đi về về nhưng còn phải chờ dự trù ít ra một năm nữa.) Rồi quần áo phơi chung phơi lẫn hay mất mát. Cũng có nhiều người muốn có mảnh đất tăng gia, nuôi gà nuôi vịt như hồi còn ở Chiêu Thương cũ mà ở đây không có điều kiện…

Cuộc sống đi lên nhưng chưa phải đã hết khó khăn lo lắng và phiền phức. Điều làm tôi sung sướng nhất là Làn không bị ngất nữa. Những vết giầy đinh không hiện trên người Làn nữa. Năm ngoái, lần đầu tiên trong đời, tôi đã trông thấy những vết giầy đinh ma quái ấy. Nó nổi lên trên người Làn rõ từng vết đầu đinh bị vẹt và những lốt cá sắt mòn lỗ rỗ. Chiến tranh đã qua đi nhưng cái bóng dáng ghê tởm của nó chưa chịu buông tha người ta ngay đâu.

 

*

*     *

 

Cách đây một năm. Không…, mười bốn tháng, tôi đến gặp Chuỷ, một người thợ lò bình thường ở nhà máy xi măng. Hồi ấy tôi còn làm phóng viên một tờ báo địa phương, và toà soạn giao cho tôi viết một bài về những người thợ xóm Chiêu Thương được dọn về nhà mới.

Tôi đến xóm Chiêu Thương trong giai đoạn nó đang bị phá trụi. Trong những mảnh vườn nhỏ, người ta nhổ tung lên những luống rau muống cạn đang nẩy mầm mơn mởn. Mấy cây đu đủ xanh um vừa bị đẵn xuống, quả sai chíu chít. Lũ trẻ con đua nhau vặt những quả đu đủ xanh ứa nhựa vì sây xát. Mặc cho người lớn la hét, chúng vẫn ôm những quả xanh đầy nhựa ấy vào ngực.

Những hàng rào bằng nứa, bằng cây ruối, cây xương rồng bị rỡ, bị phát đổ ngổn ngang. Xóm Chiêu Thương nom lạ hẳn đi. Cả một khu nhà đang bị bóc hết mái, vì, cột. Mấy tấm vách còn đứng chơ vơ rung rinh giữa một khoảng ngổn ngang tre nứa, rạ mồ hóng cũ kỹ. Nhiều gia đình đã dọn đến khu nhà mới xây cách đây không xa lắm. Ở xóm Chiêu Thương nom rõ những ngôi nhà ba tầng mọc lên xan xát vừa rỡ xong giàn giáo, hiện ra lồ lộ với tất cả vẻ đẹp trinh tiết. Những bức tường mầu vàng rực chắn một vùng trời lồng lộng. Và những cửa sổ sơn xanh mở đều một lượt. Người ta đang xây tiếp những ngôi nhà ba tầng nữa dài về phía Bắc cho công nhân ở. Một con đường lớn vừa mở qua xóm Chiêu Thương để ô tô chở gạch, ngói, cát, sỏi, sắt thép đến công trường. Con đường mới như một mũi tên rạch đôi xóm thợ lầy lụa, bẩn thỉu tiến đến một khung trời khác.

Tôi đinh ninh nhà Chuỷ cũng tấp nập như mọi nhà đang chuẩn bị dọn đến khu nhà mới. Nhưng không. Nhà Chuỷ vắng vẻ lạ thường.

Một người đàn ông khom người, chống hai tay vào cửa sổ, mắt lim dim. Thấy tôi, người ấy choàng dậy. Tôi đoán đấy là Chuỷ. Anh mời tôi ngồi. Chúng tôi tự giới thiệu. Đúng là anh Chuỷ, người tôi muốn gặp. Nhưng sao nhà anh lại im ả thế này? Mấy chiếc áo xanh treo trên tường, chiếc võng nâu vắt qua một gian nhà, chiếc tủ buýp phê mặt đầy bụi và những chiếc nồi nhôm, mấy đôi đũa cắm chếch vào một cái nồi đầy bát chưa rửa. Không có vẻ gì là anh đang chuẩn bị dọn đi cả.

– Chị đi làm ca à anh?

Chuỷ lúng túng một chút:

– Vâng.

Như những nhà báo khác, tôi trình bầy yêu cầu của bài báo và hỏi chuyện anh. Anh cười, vừa gượng gạo vừa thành thật:

– Thật khó nói quá anh ạ. Đảng, chính phủ bỏ tiền triệu ra xây nhà cho chúng tôi để chúng tôi chấm dứt cảnh sống ở nơi ao tù nước đọng này. Lẽ ra tôi phải vui mừng mới phải, nhưng thú thật với anh, lúc này tôi chưa nghĩ đến chuyện ấy đâu, chuyện dọn nhà đi ấy mà.

Tôi ngạc nhiên:

– Sao vậy anh?

Anh đỏ mặt:

– Vợ tôi… đang… giở dạ đẻ.

Tôi reo lên:

– Anh sắp được làm bố rồi đấy. Càng vui chứ sao!

Anh nhìn tôi rồi lại nhìn đi nơi khác không đáp.

– Chị đi bệnh viện lâu chưa?

– Hôm qua. Vừa thấy khó chịu một cái là cô ấy đã gọi hàng xóm nhờ chạy đến báo cho tôi. Tôi đưa nhà tôi đi luôn.

– Anh được tin gì về chị ấy chưa?

Anh buồn rầu:

– Tôi chầu chực ở cửa bệnh viện suốt tối hôm qua mà chẳng được tin gì, ngoài cái tin vợ tôi chưa đẻ.

– Đẻ con so giở dạ lâu thế đấy anh ạ.

– Không. Nhà tôi khác. Tôi lo lắm.

Cặp mắt nâu của anh lờ đờ nhìn ra ngoài sân. Ánh sáng đọng vào con ngươi những vệt sáng bóng như thuỷ tinh. Tự nhiên tôi ái ngại cho anh quá:

– Rồi đâu sẽ vào đấy cả thôi. Có người còn giở dạ đến bốn năm ngày cơ mà.

Chuỷ lắc đầu:

– Nhà tôi hay bị ngất lắm. Mấy lần chửa trước đều bị sẩy. Không biết lần này… Nhà tôi rất yếu. Tôi chỉ lo nhà tôi bị ngất ở trong ấy. Tôi đến bệnh viện sản bốn lần rồi, nhưng người gác cửa nhất định không cho tôi vào. Những cô y tá, y sĩ mặc áo trắng cứ nhìn tôi chằm chằm rôi trả lời dè dặt: “Anh là chồng chị Làn phải không? Anh cứ yên tâm. Chị Làn vẫn nằm ở phòng đợi tận gác ba cơ. Chị ấy chưa đẻ và vẫn khoẻ lắm.” Tôi biết người ta nói dối. Có lẽ nhà tôi khó mà qua được.

Rồi anh kể về tình trạng sức khoẻ của vợ anh cho tôi nghe. Tôi thấy thật không biết điều chút nào nếu vẫn cứ ngồi đây hỏi chuyện anh về việc dọn nhà. Tôi rủ anh tới khoa sản và hứa với anh sẽ hỏi được tin tức về chị Làn. Anh đi ngay, nhưng có vẻ không tin tưởng lắm.

– Cũng khó đấy. Từ hôm qua tới nay các đồng chí công đoàn rồi ban quản đốc phân xưởng đã tới bệnh viện nhưng đều không được vào. Nguyên tắc là không ai được lên gác đâu. Anh em đều rất lo lắng cho tôi. Tôi biết có nhiều đồng chí đã chuẩn bị mừng cháu quần áo, mũ, giầy nhưng họ chưa dám đem tới. Họ sợ. Nhà tôi có lẽ yếu lắm mới không xuống được.

Nét mặt anh buồn rười rượi. Nhưng rồi anh lại hỏi tôi:

– Nhưng như vậy bệnh tình nhà tôi cũng chưa đến nỗi nguy kịch anh nhỉ? Vì nếu có sao họ phải cho gọi tôi chứ.

Tôi vừa đạp xe vừa động viên anh. Tôi bảo anh đứng ngoài chờ. Với cái thẻ phóng viên, tôi đi thẳng vào gặp người phụ trách bệnh viện, đề nghị được tìm hiểu tình hình để viết báo. Người nữ bác sĩ giám đốc bệnh viện có mái tóc hoa râm rất vui vẻ tiếp tôi. Bà khoác cho tôi chiếc áo “lui” trắng và chỉ định một y tá đưa tôi tham quan bệnh viện. Khi đi qua cửa cầu thang, tôi liếc ra ngoài: Chuỷ ở ngoài cổng bệnh viện nhìn tôi vừa ngạc nhiên vừa vui mừng. Đã có chủ định từ trước, tôi lên thẳng phòng chờ. Qua những hành lang lát đá hoa bóng lì, tôi gặp rất nhiều những người áo trắng như tôi đi lại nhanh nhẹn, nét mặt bình thản mặc dù tiếng trẻ sơ sinh khóc oa oa và tiếng đàn bà rên rỉ làm tôi hồi hộp lạ thường. Một y tá đang xốc nách một phụ nữ đi từng bước chậm chạp về phía phòng đẻ. Từ phía xa, hai người lặng lẽ và nhẹ nhàng khiêng một chiếc băng ca đi ngược trở lại. Tôi bước qua một căn buồng đầy trẻ sơ sinh tã trắng quấn kín người. Cạnh đấy là buồng những bà mẹ mới đẻ các cháu. Cuối cùng tôi đã tới phòng chờ. Hơn chục người đang lo lắng hồi hộp mong đợi từng giờ, từng phút chóng đến lúc sinh đẻ đều hướng cả về một đám đông những y tá, bác sĩ đứng chung quanh một chiếc bàn sắt. Tôi bước tới không một tiếng động và nghển cổ nhìn vào. Một người đàn bà bụng chửa nằm thiêm thiếp trên bàn, tóc rũ rượi. Cô y tá cùng đi rỉ tai tôi:

– Một chị công nhân xi măng. Chị ấy bị yếu quá.

“Chị Làn đây rồi”. Tôi nhìn kỹ người phụ nữ đang nằm trên giường bệnh. Nét mặt chị xanh xao. Hai vành mi khép lại, chiếc cổ gầy nổi lên nhiều đường gân. Đầu chị hơi dốc, tóc xoã rối bù, nhưng ở gần mang tai vẫn có những nếp óng mịn.

Tất cả đăm chiêu. Một thầy thuốc đứng tuổi, mặt xương xương, da ngăm đen, râu cằm tua tủa, khe khẽ:

– Có lẽ phải dùng phuốc xép phá thai.

– Thưa bác sĩ, mạch rất yếu, khó bắt lắm.

– Áp huyết thấp quá, tám mươi- sáu mươi.

– Chị ấy không đủ sức để đẻ.

Người sản phụ nằm trên một cái bàn bốn bánh cao su thiêm thiếp, hoàn toàn phó thác tính mạng chị, tính mạng đứa con cho những người thầy thuốc.

– Đêm qua chị ấy lại bị ngất nữa.

– Phải dùng phuốc xép để cứu lấy mẹ… Để lâu sẽ chết cả mẹ lẫn con mất.

Mọi người vừa nói vừa nhìn cả vào một người đã có tuổi. Ông lẳng lặng nghe rồi cầm lấy tờ giấy gài trên đầu một chiếc giường bỏ không gần đấy. Tôi đọc thấy những dòng chữ: “Trịnh Thị Làn 25 tuổi. Công nhân phân xưởng bao giấy nhà máy xi măng. Lấy chồng năm 1955. Đã sẩy thai ba lần. Cả ba lần đều sẩy vào lúc ba tháng…”

Ông ta đặt tờ giấy vào chỗ cũ:

– Tim thai thế nào?

– Tốt ạ.

Trán ông nhíu lại. Im lặng lúc lâu, ông giơ tay ra hiệu cho chị y tá tiêm thuốc trợ tim. Tiêm xong (cô y tá trẻ vừa tiêm vừa run một cách lạ thường) cô lấy dầu xoa bóp khắp thân thể chị. Tôi nhắm mắt lại: Trên mình chị, những vết giày đinh tím bầm hiện lên rõ mồn một. Ở bả vai, vết giày đinh chồng chéo lên nhau. Ở thắt lưng, hai vết giày đinh to quá khổ in ngang đến mạng sườn, tím đen lại. Giầy đinh ở bắp tay, ở cổ, ở ngực. Trên làn da tái đi của chị máu tụ lại thành những vết rõ những lỗ tròn của đầu đinh, cái gót hình vành cung có cá sắt và cái mũi bè bè của đôi giày lính. Suốt đời tôi chưa bao giờ trông thấy những vết giày đinh ghê rợn như thế.

Cô y tá toát mồ hôi. Khi đã xoa bóp cho chị xong, cô ngẩng lên, tôi thấy cô đầm đìa nước mắt:

– Chị ấy bị chúng nó tra tấn…

Cô lắp bắp và bước nhanh ra cửa. Tất cả những người có mặt lặng đi. Người bác sĩ già nói khe khẽ, rõ ràng quyết định của mình:

– Thế nào cũng phải cứu cả mẹ lẫn con. Tim thai khỏe, không thể dùng “phuốc xép”.

Tôi thở phào. Người phụ nữ đang nằm trước mặt tôi đầu ngoẹo về một bên, hai tay buông xuôi, có một vẻ mệt nhọc cực độ. Chị như không còn thiết gì nữa, kể cả cuộc sống của chị. Hai bàn tay to và thô, gầy guộc, hằn lên những đường gân xanh, ngón tay cum cúp như móng gà.

Bác sĩ lấy ống nghe, chăm chú. Tôi nhìn ông cầu khẩn và hy vọng. Nhưng ông chẳng chú ý đến ai hết. Mắt ông đang tập trung vào một cái gì đó rất nhỏ, rất khó nắm bắt và chỉ cần chớp một cái là biến mất. Sau đó những người thầy thuốc lại bàn luận với nhau về bệnh tình của chị, về mạch, về áp huyết, về tim, về thần kinh, về những thứ thuốc kích thích, trợ tim và lại tiếp tục công việc cứu chữa.

Nửa tiếng sau chị khẽ mở mắt, cắp lờ đờ, ngơ ngác. Rồi chị dần dần tỉnh hẳn.

Tôi vội trở ra. Chủy ngồi tựa lưng vào gốc bàng, bật dậy, chạy tới:

– Sao lâu thế? Anh có gặp nhà tôi không?

Tôi gật đầu. Chủy nắm lấy bắp tay tôi:

– Nhà tôi làm sao anh?

Tôi lúng túng:

– Không… Chị ấy chưa đẻ. Vẫn khỏe.

– Thật chứ anh?

Chủy lắc mạnh tay tôi rồi nhìn chằm chằm vào mặt tôi:

– Anh không nói dối tôi đấy chứ?

  Tôi trả lời hết sức khó khăn tuy đã làm ra vẻ tự nhiên:

– Không. Tôi nói thật đấy. Anh cứ yên tâm.

– Sao anh bắt tôi chờ lâu thế?

– Làm gì mà lâu. Tôi vừa vào xong đấy thôi. Các “ông ấy” máy móc quá, nhất định không cho tôi lên, nói mãi…

Chỉ cố được đến thế rồi im bặt. Chủy lắc đầu ngờ vực:

– Nhà tôi khỏe như thế nào. Khỏe mà mấy lần trước tôi đến, nhà tôi đều không xuống cầu thang để gặp tôi được.

  Tôi dắt tay anh:

– Làm gì anh cứ cuống lên thế. Đạp xe về nhà tôi sẽ nói chuyện tỉ mỉ cho anh nghe.

Hai chúng tôi trở về Chiêu Thương. Trời đã ngả chiều. Ánh nắng vàng hắt qua làn khói xi măng như phun lên trời một lớp bụi hồng. Suốt trên đường đi chúng tôi không ai nói một câu. Không biết Chuỷ đang nghĩ gì. Còn tôi thì nghĩ đến Làn, nghĩ đến nhưng vết giầy đinh bám trên người chị, đến đứa trẻ nằm trong bụng mẹ đang bị đe doạ. Thần chết có thể bắt nó đi ngay từ khi nó chưa ra đời. Rồi tôi nghĩ đến Chuỷ và chuẩn bị những câu để nói dối anh. Nhưng rồi tôi hiểu rằng không nên làm như thế. Dọc đường anh bị nhiều người vồ lấy, giữ lại hỏi chuyện. Đó là những người bạn trong xí nghiệp, những người hàng xóm của anh. Anh buồn rầu nói với họ:

– Nhà tôi yếu lắm. Không biết có qua được không.

Câu ấy đối với tôi rõ ràng là những lời trách móc.

Về đến nhà, hai chúng tôi vẫn không nói với nhau một câu. Tôi ngồi xuống ghế, rót nước uống, còn Chuỷ nằm vật trên võng. Một lúc sau, Chuỷ đứng dậy bước lại phía tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi:

– Anh nói dối tôi. Anh nói với tôi y như cô y tá hôm nọ. Anh sợ tôi buồn chứ gì.

Tôi không dám nhìn vào đôi mắt đau khổ, trách móc của anh và càng bối rối. Anh thở dài:

– Anh muốn làm tôi yên tâm. Nhưng tôi… Mấy hôm nay không hiểu sao tôi lo quá. Linh tính như báo trước chuyện chẳng lành. Đêm qua tôi nằm mơ thấy nhà tôi chết. Tôi thì bế cháu bé mới đẻ đỏ hỏn trên tay…

Tôi nói một cách hết sức khó khăn:

– Không. Chị ấy đỡ nhiều rồi. Quả là chị ấy có bị ngất, nhưng bệnh viện đã hết lòng cứu chữa. Lúc tôi vào chị ấy đã tỉnh.

Chuỷ có vẻ không để ý đến những gì tôi nói. Anh chống một tay lên thái dương nhìn xa xăm:

– Nhà tôi hồi kháng chiến bị chúng nó đánh rồi sinh ra như vậy. Nhà tôi đã chịu bao nhiêu điều cay đắng…

Buổi chiều, nhà Chuỷ lại chật ních người, những bác thợ già da nâu khô, những người thợ trẻ và những cô gái đầy sức sống. Họ đem đến rất nhiều quà cho Làn: Sữa, đường, bánh ngọt, những quả cam trái mùa đắt tiền.

Một cô gái trẻ – cô con gái ông trưởng kíp – tự động bưng nồi rửa bát, nấu cơm hộ Chuỷ và đun một ấm chè tươi mang lên. Chúng tôi vừa uống nước vừa nói chuyện. Có thể nói cả phân xưởng lò nung rất quan tâm đến Chuỷ, đến Làn, người đàn bà đang nằm trong buồng đợi đẻ. Câu chuyện xoay quanh tình hình sức khoẻ của Làn và cái quá khứ đau khổ của chị.

Đêm hôm ấy tôi ngủ lại nhà Chuỷ. Chuỷ đã kể cho tôi rõ hơn về cuộc đời của vợ chồng anh.

Chuỷ và Làn đều làm công nhân xi măng từ những ngày còn rất nhỏ. Bố Chuỷ dắt Chuỷ vào đóng thùng (thời đó xi măng còn đóng bằng thùng gỗ). Hai bố con chỉ có một chiếc thẻ. Mỗi khi sếp Tây tới, Chuỷ lại phải chui vào một chiếc thùng mới đóng xong lẩn trốn.

Còn Làn theo mẹ vào làm ở nhà than. Hai người cứ lớn dần lên giữa xóm thợ bẩn thỉu và lam lũ này.

Năm 1944-1945, những năm cuối cùng của thế chiến thứ hai, chủ dãn thợ. Công nhân thất nghiệp. Giá gạo lên cao. Đói. Chuỷ rủ cha Làn đi lấy gạo trong kho của Nhật. Quần áo của họ đều may bằng bao tải, hai ống quần chít “gôn” chặt. Họ trà trộn trong đám phu mộ vào kho gạo, lấy dao nhọn, loại dao bản cong lòng máng, thọc vào bao tải, ấn lưỡi dao chếch xuống như người chọc tiết lợn. Bao thủng, gạo chẩy qua máng dao. Chuỷ và cha Làn (cùng nhiều người khác nữa) phanh áo cho gạo chẩy vào ngực. Khi áo đầy gạo thì thót bụng lại, gạo tuồn qua bụng xuống bắp chân… Rồi hai người trà trộn theo đám phu trở ra. 

Hàng chục gia đình xóm Chiêu Thương sinh sống bằng cách ấy. Lần cuối cùng họ bị bọn Nhật phát giác, đuổi bắt. Tất cả đều thoát trừ có cha Làn. Một băng tiểu liên trúng giữa sọ ông cụ.

Suốt ngày hôm sau Chuỷ và Làn cứ lảng vảng ở cửa đồn Nhật để xin xác cha Làn. Bọn Nhật chở một cam nhông đầy xác người đi chôn ở An Dương. Không biết đồng bào ta bị chúng giết ở đâu mà lắm thế. Chuỷ và Làn cứ chạy theo xe xác. May mà xe chạy chậm. Chúng xếp mấy chục người chết trên xe. Đầu vào trong, chân thò ra ngoài. Mấy chục cái chân người, khi xe chạy cứ vẫy lên vẫy xuống, dập dờn, dập dờn trước mặt Làn và Chuỷ.

Chợt Làn vừa thở vừa gọi:

– Anh Chuỷ ơi. Chân thày em.

Chuỷ nhìn lên. Đúng là chân cha Làn rồi. Đôi bàn chân của cha Làn thì không lẫn vào đâu được. Hai bàn chân da đỏ, mọng và nhẵn bóng. Đấy là những vết sẹo khi ông cụ đội đá ở lò đứng, bị bỏng. Hai người vừa chạy vừa nhìn lên hai bàn chân đỏ bóng ve vẩy trên xe cam nhông thỉnh thoảng lại đập vào nhau rất mạnh mỗi khi cam nhông qua ổ gà. Xe dừng lại bên một cái hố rất lớn và sắp nghiêng đi, đổ tất cả mấy chục cái xác vào đấy. Làn và Chuỷ nói với thằng lính Nhật:

– Lạy các ông. Các ông cho chúng tôi xin người này.

Khi kéo xác ra, Làn và Chuỷ đều không nhận được người chết là ai nữa. Mặt mũi bị vỡ từng mảnh, nát bét, máu đọng đen kịt bám vào những đống óc trắng nhầy nhụa. Chỉ có hai bàn chân bóng nhẵn, hai bàn chân bị bỏng hồi làm ở lò đứng là vẫn như trước. Ít lâu sau mẹ Làn ốm chết.

Cách mạng rồi kháng chiến. Hai người cùng tham gia vào phong trào đấu tranh giành lại tự do của hàng nghìn công nhân xi măng đang cuồn cuộn dâng lên như một dòng thác lớn.

Làn bị chúng bắt trong một đêm rải truyền đơn kêu gọi bãi công. Kể ra đây làm gì những đòn tra thời trung cổ mà bọn Pháp vẫn dùng để hành hạ những người yêu nước. Thằng Tây đen giẫm đôi giầy to quá khổ lên ngang lưng Làn. Hai thằng Tây trắng thi nhau nhẩy trên vai Làn, vừa nhẩy vừa rít lên nhưng vẫn không moi được ở Làn một lời khai.

Sau một trận đòn dữ dội, chúng kéo xác Làn vất ra đường số 5 vì chúng tưởng Làn đã chết. Chị chỉ còn thoi thóp thở. Một bà già đi chợ sớm cõng Làn về nuôi.

Ở nhà mọi người đinh ninh Làn đã chết thì Làn trở về.

Từ bấy đến nay, Làn thay đổi nhiều lắm: Xanh xao, gầy yếu, lúc nào cũng mệt mỏi. Cái sức sống mơn mởn ở những cô gái hai mươi tuổi đã biến mất.

– Nhà tôi thường bị những cơn ngất bất ngờ. Có khi đang với chén nước trên bàn thì ngất. Có khi đang ngồi khâu. Một lần tôi về, thấy nhà tôi nằm sóng soài, một nửa người trên chõng, một nửa người dưới đất. Những lúc nhà tôi ngất đi như vậy, tôi đều thấy đầy đủ ngần ấy vết giầy đinh hiện lên trên người rõ mồn một.

Chuỷ chấm hết câu chuyện của vợ chồng anh bằng câu nói ấy. Anh thở dài. Những vết giầy đinh tím ngắt tôi vừa nom thấy ban chiều. Chiến tranh đã qua đi năm năm rồi, nhưng những vết giầy đinh của bọn lê dương tàn ác vẫn còn ám ảnh cuộc sống chúng ta hôm nay. Những vết giầy đinh. Những vết giầy đinh ghê tởm ma quái trên người chị Làn mà chiều nay tôi vừa thấy.

Đã ba lần Làn có chửa nhưng cả ba lần đều bị sẩy vì những cơn ngất bất thình lình, vì những vết giầy đinh bỗng từ một nơi chết chóc nào lại trở về, hiện ra trên người chị.

Xí nghiệp đã chuyển chị về bộ phận làm bao giấy, một công việc tương đối nhẹ nhàng. Các bác sĩ, y sĩ đã hết lòng chạy chữa mấy năm nay. Chị đã khoẻ hơn trước rất nhiều. Chỉ riêng chứng hay bị ngất là vẫn không khỏi.

Có một đứa con, đó là ao ước của hai vợ chồng. Nhưng lần nào cũng vậy, niềm ao ước ấy bị những cơn ngất bất thình lình làm cho tiêu tan. Làn bị ngã và thai sẩy. Hai vợ chồng nhìn nhau rầu rầu, không dám thổ lộ niềm khao khát chung của hai người. Làn sợ Chuỷ buồn. Chuỷ lo làn tủi.

Cho đến lần này, cái mầm sống trong bụng mẹ đã qua thời kỳ gay go nhất: Thời gian nó được ba tháng. Tháng thứ bẩy nó bị động mạnh vì lần ấy chị bị ngất khi đang phơi quần áo, ngã xoài xuống sân. Chị được đưa ngay vào bệnh viện.

Không phải chỉ những người thày thuốc săn sóc chị mà tất cả công nhân nhà máy. Người ta gửi đến đầy ắp những trứng chuối, cam, sữa…

Rồi tới ngày hôm qua…

…Suốt đêm chúng tôi không ngủ. Bầu trời hè cao và dịu lạ thường.

Chúng tôi bắc chõng ra sân. Chuỷ vẫn không sao dứt được suy nghĩ, lo lắng về Làn:

– Tôi chỉ lo cháu đẻ ra sẽ bị yếu, sài đẹn…

Tôi an ủi anh. Chao! Cái đêm mới dài làm sao. Tôi chỉ mong chóng sáng để đến ngay bệnh viện.

Sáng hôm sau Chuỷ đến phân xưởng làm. Phân xưởng đồng ý để anh nghỉ, nhưng anh nói: “Tôi nghỉ làm gì bây giờ? Vợ tôi còn trong bệnh viện. Nằm nhà một mình tôi phát điên lên mất.” Tôi lại đến khoa sản.

Hai người đang lẳng lặng khiêng một cái băng ca về phía cổng sau: Một sản phụ vừa chết. Tôi giật mình. Hay là Làn? Chị đã chết đêm qua, lúc chúng tôi ngồi ngắm công trường. Nhưng tôi thở phào. Chị y tá cho tôi biết đó là một phụ nữ ở Thuỷ Nguyên đẻ ngược, vì đưa đến bệnh viện quá muộn, cái thai đã chết trong bụng và mẹ cũng không còn sống nữa.

Tôi càng lo cho Làn và bước lại xem quyển sổ báo tin ở phòng thường trực. Một đêm qua có mười hai trẻ ra đời và mười hai người mẹ sinh con, nhưng trong số mười hai người ấy không có Làn.

– Chị công nhân xi măng hôm qua ra sao rồi hở chị?

Chị y tá, người tiêm và xoa bóp cho Làn hôm qua, nhìn tôi bằng con mắt rầu rầu:

– Chị ấy vẫn như thế. Tim thai vẫn đập. Chỉ cần chị ấy khoẻ lên một chút thôi. Nhưng đêm qua chị ấy lại bị ngất. Chúng tôi suốt đêm ở cạnh chị ấy. Chúng tôi cố cứu bằng được cả mẹ lẫn con. Chỉ còn từ giờ đến tối thôi chị ấy sẽ đẻ.

Còn từ giờ đến tối. Tôi và Chuỷ mong từng phút. Chỉ còn từ giờ đến tối. Cái bóng dáng ma quái của chiến tranh liệu sẽ biến mất hay một lần nữa lại thắng thế?

Chúng tôi đến bệnh viện từ chập tối. Mấy anh thợ lò, cô con gái ông trưởng kíp cũng theo đi. Chúng tôi cùng nóng nẩy bồn chồn. Một y sĩ mặc áo trắng từ nhà sau bước lên thang gác. Nhận ra chị trong buổi chiều cứu chữa Làn hôm qua, tôi gọi chị. Chị quay lại nhưng rồi chân cứ bước lên thang gác vội vã.

Chúng tôi nhìn lên cầu thang quanh co thăm thẳm, im lặng không một tiếng kêu rên. Trên ấy những người thầy thuốc đang cùng với Làn đem hết sức để chiến thắng thần chết. Làn đang đau đớn một mình chiến đấu chống lại bệnh tật. Chúng tôi sẽ làm mọi việc để có thể góp một phần rất nhỏ, cùng với Làn vượt qua bước gian lao này, nhưng hoàn toàn bất lực, vẫn phải ngồi ở đây, đau khổ hiểu rằng mình là người ngoài cuộc.

Chừng nửa giờ sau, một cô y tá lạ mặt bước xuống, nét mặt mệt mỏi nhưng sung sướng. Chị cầm quyển sổ báo tin, chấm mực viết. Chúng tôi hồi hộp nhìn theo tay chị: “Trịnh Thị Làn, công nhân bao giấy xi măng. Chỗ ở: Xóm Chiêu Thương. Con giai. Nặng ba cân mốt.” Chúng tôi reo lên ôm lấy Chuỷ. Chuỷ vui mừng đến chẩy nước mắt. Cô y tá mủm mỉm cười:

– Anh nào là bố?

Rồi nhìn Chuỷ:

– Anh phải không? Ăn mừng đi thôi!

Tôi như đã trông thấy một chú bé quấn kín trong lượt tã trắng, mắt nhắm nghiền, đang khóc, đầu ngọ nguậy đòi bú. Còn Làn nằm nghiêng vạch vú cho con bú, cười sung sướng dịu dàng.

*

*            *

Chúng tôi vẫn đi thong thả dưới rặng phi lao. Thằng bé nặng đáo để. Ba chúng tôi thi nhau bế. Làn khoe:

– Hôm nọ nhà máy tổ chức chiếu bóng, chúng em bế cháu đi. Cháu đã biết xem rồi đấy.

– Anh chị có hay xem chiếu bóng không?

– Từ hôm đẻ cháu đến giờ chúng tôi mới đi mỗi lần. Bận quá anh ạ. Một tối họp. Hai tối văn hoá, còn các tối khác thì giặt giũ, trông cháu.

Làn tiếp lời chồng:

– Đi xem ở rạp “các ông ấy” không cho trẻ con vào. Cứ chồng đi thì vợ ở nhà, vợ đi thì chồng ở nhà.

Chuỷ cười:

– Mà tính tôi thế này anh ạ: Đi xem một mình tôi có muốn đi đâu.

Chiều hè, trời đẹp lạ thường. Vầng trăng mồng mười sớm hiện trên bầu trời xanh cao như một vẩy vàng. Một gia đình khiêng chõng ra ngồi dưới hàng cây. Bên lề đường mấy người ngồi ăn kem. Lòng tôi dào dạt niềm vui. Đã qua rồi những ngày đau khổ xóm Chiêu Thương. Đã vĩnh viễn biến mất những vết giầy đinh trên người Làn. Tôi giữ mãi trong lòng hình ảnh Chuỷ đi chơi với vợ trở về nhà. Hình ảnh cháu Dân ngồi nghịch chiếc tầu bay bằng sắt tây. Và Làn nhìn con trìu mến. Có khuôn mặt nào đẹp và đáng kính trọng bằng khuôn mặt người mẹ đang nhìn đứa con chơi.

“Anh nom nhà tôi khác trước nhiều đấy chứ? Béo, khoẻ ra nhiều anh ạ. Đặc biệt nhà tôi từ khi sinh cháu đến giờ không bị ngất lần nào nữa. Những vết giầy đinh biến mất hẳn. Ông bác sĩ ông ấy bảo: “Đấy là sự chuyển hoá trong cơ thể…”

Tôi tin lời ông bác sĩ nào đó đó nói với Chủy, nhưng tôi nghĩ đó còn là vấn đề khác nữa. Đó chính là sự sống đã thắng cõi chết. Cuộc sống mới đủ sức xoá đi những đau khổ cũ. Cuộc sống mới tuy còn cả lo âu và những khó khăn, nhưng có rất nhiều niềm vui lớn.

28 – 3 – 1963

Hắn đọc lại một lần nữa những câu cuối cùng trong truyện ngắn “Vợ chồng người thợ xóm Chiêu Thương” của hắn và ngồi rất lâu trong im lặng.

Truyện viết lấy ý từ một cô gái Lâm Động, bí thư chi đoàn khi hắn từ báo T về Lâm Động viết bài cho số báo xuân. Cái chi tiết những vết giày đinh tuồng như bịa đặt, nhưng lại là sự thật với cô bí thư chi đoàn, cô gái cùng quê, bạn hắn. Thời ấy cứ cùng lứa tuổi cùng chí hướng gặp nhau là bè bạn…

Hắn nhìn lại dòng ngày tháng hắn đã ghi khi hoàn thành truyện ngắn. Năm tháng ấy chẳng gợi một ý niệm gì. Một ngày nắng hay một ngày mưa. Lúc viết xong là chiều, sáng hay đêm khuya. Chẳng làm sao nhớ được.

Rồi hắn gấp mấy tờ giấy đánh máy lại, cho vào túi ni-lông đựng thư từ. Đó là những trang bản thảo của hắn còn giữ lại được trong số trên một ngàn trang đã bị tịch thu. Nhờ Phượng. Phượng đánh máy thêm một bản mà không ngờ đó là bản duy nhất còn lại đối với chính người đã viết ra nó.

Hắn đọc Vợ chồng người thợ xóm Chiêu Thương lần này là lần thứ ba. Ba lần đọc. Mỗi lần một ý nghĩ khác nhau. Đã đành “văn mình, vợ người”, nhưng hắn đọc lại không phẫi để thưởng thức, nhấm nháp văn chương của hắn. Hắn đọc để trở về quá khứ. Đời hắn bây giờ chỉ còn quá khứ. Truyện ngắn ấy như hắn nghĩ, nói được hắn. (Viết bao giờ cũng là sự tự thể hiện mình, dù viết về ai, về điều gì. Hắn lúc nào cũng tin như vậy). Nó nói được khát vọng của hắn, của mọi người về một cuộc sống tốt đẹp hơn, niềm tin vào cuộc sống mới. Khi hỏi cung, các ông công an có vặn vẹo hắn về quan điểm, lập trường, nhìn đời đen tối, kêu ca, bất mãn… hắn đã dẫn chứng phản bác lại bằng những trang viết của hắn mà các ông ấy đã tịch thu, trong đó có Vợ chồng người thợ xóm Chiêu Thương. (Hắn rất muốn nói thẳng với các ông ấy rằng, hắn có quyền bất mãn với những cái xấu và sự bất mãn đó là tích cực, là cách mạng, nhưng không dám. Thôi, đừng khiêu khích các ông ấy làm gì).

“Cuộc sống mới tuy còn cả lo âu và những khó khăn, nhưng có rất nhiều niềm vui lớn”. Ngày xưa hắn thành thật tin như vậy. Bây giờ đọc lại hắn thấy mình quá ngây thơ. Ngây thơ và ngu ngốc nữa. Những canh gà báo trượt rạng đông.(1) Nỗi đau còn quá nhiều. Nỗi đau còn quá lớn. Nó chỉ thay đổi vẻ mặt, thay đổi y phục mà thôi. Nhiều người đã nhận ra điều ấy, trong đó có hắn. Nhưng còn rất nhiều người chưa nhìn thấy. Lại có vấn đề “đôi mắt” (2) .

“Đôi mắt ngày ấy còn là đôi mắt trẻ thơ mà đã bị qui là phản động rồi. Và đó chính là cái mày gọi là cuộc sống mới”. Hắn chua chát nghĩ. Hắn lẩm bẩm rằng chính bọn hắn phải chịu trách nhiệm về những gì đang xảy ra. Hắn

(1) Thơ Trần Dần

(2) Tên một tác phẩm của Nam Cao

cùng bao người đã thành thật ca ngợi cách mạng. Đẩy lên thành sự tô hồng. Rồi đẩy quá nhanh tốc độ của sự tô hồng mà nghĩ rằng mình chỉ nói sự thật hoặc báo trước sự thật. Để sau này nhìn ra thì không hãm được nữa. Tốc độ ấy cuốn theo cả những người đã tạo ra nó. Bọn hắn vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân. Và hắn lại thấy đổ vỡ, trống rỗng. Một lỗ sâu hoác, không đáy. Cảm giác trống rỗng của thất vọng, của niềm tin sụp đổ. Thà cứ được là con chiên loá mắt trước Chúa, trước Nước Thiên Đàng, còn hơn bỗng nhiên chẳng thấy ảo ảnh đâu mà chỉ có thực tế trần trụi. Và hắn bỗng nhớ tới Dự. Hẳn Dự cũng đã trải qua những cảm giác ấy. Cho dù có đơn giản hơn, nhưng vẫn là những cảm giác ấy.

Đó là những gì hắn nghĩ khi đọc lại truyện hắn viết lần thứ nhất.
Lần thứ hai hắn đọc để rồi đem đốt đi. Sau khi xuống xí nghiệp đánh cá trở về, hắn ra phòng lao động gặp ông Thưởng, hỏi ông về cái giấy giới thiệu đi làm. Ông Thưởng nói như người có lỗi:

– Thằng Khuổng hiểm quá. Nó rất cáo. Nó không dám đặt vấn đề với tôi, mà nó nói với tiểu khu. Chúng tôi không thể làm được hồ sơ cho anh. Đó là nguyên tắc.

Rồi ông tiếp:

– Tôi cũng đã xuống tiểu khu. Đúng là thằng Khuổng đã chỉ thị cho họ như vậy, nhân danh khu uỷ (1). Bậy bạ thế chứ. Tôi cũng ở trong khu uỷ . Khu uỷ nào có nghị quyết như vậy.

Hắn cũng đã làm đơn lên tiểu khu, xin được đi làm. Ông phụ trách tiểu khu nhìn hắn vừa như ái ngại, vừa như khinh bỉ:

– Hiện nay chưa có việc gì cho anh đi làm đâu.

Hắn nói rõ là có nơi nhận hắn. Ông tiểu khu như đã biết mọi chuyện:

– Đâu thế mà được. Cơ quan, xí nghiệp nào cần người phải có chỉ tiêu về phòng lao động. Phòng lao động phân bổ cho các tiểu khu. Trên cơ sở ấy tiểu khu mới tuyển. Anh hiểu không? Không thể làm sai nguyên tắc được.

Hắn lại xuống xí nghiệp, chầu chực gặp ông trưởng phòng tổ chức. Ông trưởng phòng tổ chức khẳng định một cách rất vô tư rằng không có giấy của phòng lao động thì không thể tiếp nhận hắn dù có chỉ thị trực tiếp của Tổng cục trưởng.

 

(1) Khu uỷ tương đương quận uỷ hiện nay..

– Với lại tôi cũng không giấu anh làm gì. Bên an ninh họ can thiệp vào chuyện của anh dữ lắm. Chưa đâu vào đâu, họ đã xuống đây hỏi han, dò xét và nói dứt khoát anh chỉ được đi lao động.

Hắn chân tình nói với ông Thưởng:

– Tôi biết anh đối với tôi rất tốt, nhưng việc này ngoài ý muốn của anh. Tôi chẳng bao giờ quên được tình cảm của anh dành cho tôi.

Hắn hoàn toàn tuyệt vọng.

Nguyền rủa cuộc đời, nguyền rủa số phận, nguyền rủa những người rượt theo đánh hắn khi hắn đã ngã gục, hắn quyết làm lại từ đầu. Hắn phải quên hắn đi. Phải chính mình cũng không biết mình là ai như già Đô đã làm. Cài trái cửa, hắn lấy bộ quần áo tù ra ngắm nghía, mặc vào người và đứng trước gương. Tấm gương tây vuông vắn mà thằng Hiệp đánh vỡ hồi nó lên ba, hắn giữ lại mảnh to nhất, vẫn dựng trên bệ lò sưởi. Trong mảnh gương vỡ, một anh tù CR 880 viết bằng sơn đỏ trên ngực. Chiếc quần dải rút xám, số đỏ ngang đùi CR 880. Đây mới thật là hắn. Là cái cuộc đời dành cho hắn. Là cái đã tồn tại, đang tồn tại và sẽ tồn tại cùng với hắn. Thành thật thú hết tội lỗi còn giấu giếm hoặc chưa nói hết. Thật thà tố cáo tội lỗi của đồng phạm và bọn phản cách mạng mà mình biết dù chúng đã bị bắt vào trại hay còn ở ngoài xã hội…

Nội quy đấy. Nào. Thử xem còn thuộc nội qui không. Hắn lẩm nhẩm trong óc và lẩm nhẩm thành lời lúc nào chính hắn cũng không biết.

Điều 8. Không được trao đổi tội lỗi của mình với người cùng giam. Không được trao đổi khi đi khai cung về hoặc nói những điều đã khai cho người khác biết.

Điều 9. Cấm mang vào trại những loại kim khí, dao, que sắt, vật nhọn sắc, gạch đá, dây thừng, thuốc nổ, dây cháy chậm, mìn, kíp mìn, các loại chất độc nước hay bột, quần áo bộ đội, cảnh sát, rượu, thuốc phiện. Không mang vào buồng giam những loại giấy bút, sách vở, diêm, bật lửa, dao cạo râu nếu không được phép của ban giám thị.

Điều 10. Không được lén lút mang giấy thông hành, chứng minh thư, các loại giấy chứng nhận khác, tiền nong vàng bạc vào trại. Ai có tiền, vàng bạc phải ghi lưu ký, lấy biên lai. Nêú có thể thì cho gửi về gia đình.

Điều 11. Không được tự ý đổi chỗ nằm và đi quá phạm vi đường cấm qui định ở trong trại. Không được sang khu vực khác, buồng khác. Không được đứng hát, nói chuyện, gọi tên người khác cùng giam ở khu vực khác trong trại. Không được tự ý mở cửa sổ con ở buồng giam riêng (xà lim).

Điều 12. Không được dùng bất cứ hình thức gì để thông cung liên lạc giữa người nọ với người kia ở trong và ngoài trại.

Điều 13. Không được chuyển thư từ đồ vật cho bất cứ ai…

Hoá ra hắn vẫn nhớ rất rõ từng điều trong bản nội qui. Thì đã bao đêm mất ngủ, hắn cứ đứng ở buồng giam, trước cái bể đựng nước uống, cạnh chỗ nhóm trung tâm nằm, nơi sạch nhất, xa nhà mét nhất, thoáng đãng nhất, học 37 điều nội qui ghi kín một bức tường. Không phải một mình hắn. Nhiều người nữa. Đứng im lặng trong đêm khuya dưới ánh điện vàng vọt lầm rầm như người cầu nguyện. Đứng im lặng ở lối đi giữa hai sàn gỗ, hai bên là hai dãy màn thấp sít nhau. Lúc thì tất cả buồng như thiếp đi. Lúc rộ lên những tiếng mê sảng: “Khéo ngã! Khéo ngã! Con!”. “Ối giời ơi! Lạy các ông. Đau quá! Ự. Ự”. “Mẹ ơi! Con ăn nhé!”. Lạ nhất là mọi người cùng thi nhau nói mê một lúc. Rồi những tiếng lầu bầu, tiếng nghiến răng, tiếng thở dài, chóp chép mồm khi trở mình. Và lại im bặt cùng một lúc.

Những khi tù vào nhiều (thường là trước Tết) phải nằm ngủ dưới nền xi-măng ẩm ướt gầm sàn, chân thò ra cả chỗ người đứng học nội quy, nơi ấy có một rãnh nước chạy dọc buồng giam.

Chỗ trước bể nước ấy lúc nào cũng có nhiều người đứng. Đứng một lúc tê chân lại về chỗ, chui vào màn. Nằm ê ẩm lại ra đấy đứng. Đứng đó khi đã có kẻng cấm là phạm nội quy. Nhưng đứng đó học nội quy thì được, thì không phải là vi phạm nội quy. Và dù bất kỳ lúc nào dậy ra đấy lẩm nhẩm “sôi kinh nấu sử” cũng thấy hai anh tù trực ca ngồi giữa buồng giam cạnh cái sọt đựng điếu cày, gục đầu xuống gối im lặng.

Hắn quên nhiều thứ. Trí óc hắn mụ mị, nhưng những điều trong bản nội quy hắn vẫn nhớ rành rành vì nó nhập tâm rồi! Hắn còn nhớ những điều ấy được viết như thế nào trên tường, đến chữ nào thì xuống dòng, chữ nào đã tróc sơn. Hệt như hắn vẫn nhớ cả tranh vẽ minh hoạ đi kèm theo những bài học trong các sách lớp Đồng Ấu, lớp Dự Bị khi hắn mới lên bảy, lên tám đi học ở trường làng và giờ đây vẫn có thể đọc thông một mạch: “Năm nay tôi lên bảy. Tôi đã lớn. Tôi không chơi đùa lêu lổng như những năm còn bé…” “Thầy bảo anh Xuân đọc. Anh đứng dậy, hai tay cầm quyển sách…” Hay “Nhà ga. Nhà ga là nơi xe lửa đậu để cho khách lên xuống. Ga nào cũng có chỗ bán vé, chỗ cân hàng…”

Hắn phấn khởi vì trí nhớ hắn vẫn khá, dù chỉ khá ở mặt nhớ nội quy nhà tù. Và hắn lại tìm cách thử trí nhớ một lần nữa. Hắn tự bảo: Không đọc thứ tự. Đọc thứ tự thì ai chả thuộc. Đọc ngay điều 25! Cấm ăn những thức ăn thiu, sống, rau sống quả xanh và các thứ mà Ban giám thị cấm. Đúng! Điều 18! Cấm không được tự ý sửa chữa quần áo của trại phát hoặc cho mượn. Đúng rồi. Nhân đôi lên xem nào! 18 nhân 2 là 36. Điều 36! Bị can và phạm nhân nào vi phạm nội qui này tuỳ theo mức độ nặng nhẹ mà xử lý theo các hình thức sau:

– Cảnh cáo ghi hồ sơ.

– Đình chỉ viết thư, nhận quà có thời hạn.

– Phạt giam buồng riêng. Cùm một chân từ 1 đến 7 ngày.

– Truy tố trước pháp luật.

Đọc luôn điều 37 đi. Điều 37. Điều cuối cùng. Chính dòng này chữ M hoa ở đầu câu bị tróc sơn đây. Mỗi bị can và phạm nhân được vào trại trong vòng hai ngày phải học tập nội quy này để nghiêm chỉnh chấp hành, tuân theo.

Rõ ràng thừa chữ được. Được bị bắt. Được vào trại giam. Được đóng thuế. Được đi dân công. Nhưng đứng ở góc độ nào mà phân tích thì chữ được dùng đúng, chứ không sai đâu, không thừa đâu. Được vào trại giam nghĩa là được cứu vớt, được ngăn chặn. Để khỏi mắc những tội to hơn, khỏi phải tù lâu hơn. Đó là vì lợi ích chính mình. Được đóng thuế xây dựng đất nước. Đất nước của ai? Của mình. Đóng thuế là xây dựng cuộc sống cho chính mình. Đây là vấn đề chỗ đứng. Là lập trường. Có lập trường đúng mới phân biệt được hiện tượng với bản chất. Cùng là hiện tượng đóng thuế nhưng khác nhau về bản chất. Cùng là việc đi phu, nhưng với ta là nghĩa vụ công dân. Cùng là hiện tượng đi tù nhưng khác nhau về bản chất. Mình đi tù cho chính mình. Vì tương lai của mình. Mà cũng không phải là đi tù. Đấy là đi cải tạo. Chính xác lắm. Không cãi vào đâu được. Ở nước ta ai cũng là nhà ngôn ngữ học.

Tự tra khảo mình về bản nội quy, lan man sang chuyện chữ nghĩa, hắn lại lấy thư ra đọc. Thư con Nguyệt năm nó lên 6 tuổi. Thư đầu tiên của Ngọc gửi vào xà lim 76 báo tin Ngọc mang bầu thằng Dương. Thư ông Chân gửi vào trại cho hắn. Và đọc lại Vợ chồng người thợ xóm Chiêu Thương một lần nữa. Rồi đốt. Phải chặt bằng được quãng đời trước quăng đi. Quên đi. Đừng luyến tiếc làm gì. Hắn đưa xếp giấy đánh máy bản thảo vào gần ngọn đèn không có thông phong. Tay hắn run lẩy bẩy. Một góc giấy bắt lửa. Hắn nhìn ngọn lửa vàng đang liếm vào góc giấy mà thấy người bỏng rát lên như chính hắn đang bị đốt cháy. Mồ hôi đầm đìa, hắn vội vàng lấy cả bàn tay ấp lên lửa. Hắn gục đầu im lặng.

Hôm đó nhà vắng. Ngọc đi làm. Lũ trẻ đi học. Bé Dương về quê với ông bà từ tuần trước. Hắn xem lại những trang bản thảo. Ngọn lửa mới bắt vào phần lề. Cũng có trang mất ít chữ.

Hắn hiểu rằng hắn vẫn cứ là hắn. Chẳng thể nào khác được. Chẳng thể nào đốt cháy quá khứ thành tro. Chẳng thể nào thay hết máu trong người, thay cả tim, cả óc. Không thể đầu hàng. Hắn bỗng nhớ đến già Đô và nghĩ: Không biết già có đầu hàng không? Hay chỉ thua thôi. Đi trên đường phố hắn để ý tìm bóng dáng quen thuộc của già, nhưng không thấy. Hắn đau xót nghĩ: Có thể già đã chết rồi. Đám ma già có những ai? Có đông bằng đám ma Xìn Cắm, đám ma Ôtenlô không?

Hắn đang định bàn với Ngọc, bán mấy cân mì lấy tiền đi Hà Nội gặp ông Hoàng, thì Bình tới. Bình bảo Bình nhận cho hắn một suất hợp đồng với nhà xuất bản về tập sách những điển hình tiên tiến, mà trong đó không thể thiếu được người gác đèn biển. Hắn viết cái bút ký về người gác đèn. Hắn đọc Vợ chồng người thợ xóm Chiêu Thương một lần nữa để tìm lại cái hơi văn đã quên đi.

“Kỷ niệm về biển, kỷ niệm về người”. Anh Lê. Bình xuýt xoa với cái tít. “Khá quá. Mày vẫn là thằng đặt tít vô địch”. Không phải ngẫu nhiên có cái tên ấy đâu Bình ơi. Biển chỉ còn là kỷ niệm. Người cũng chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm xa vời và đã chết hẳn rồi. Hắn viết. Say mê. Dồn nén. Không giống cái truyện ký trước cũng viết về người gác đèn, nặng về thuật thành tích, đây là những khao khát khi còn đang trong lò ngục luyện thèm một ngọn gió mát rượi hơi nước từ chân trời thổi đến. Là hôm đi lấy than trong rừng ở trại QN, nhìn thấy hai cô gái Mán váy áo hoa văn sặc sỡ, vòng bạc sáng loá, lông mày cạo nhẵn, nước da vàng vọt, bỗng nhiên thấy xao xuyến, hiểu rằng một nửa thế giới là phái đẹp và mình đã đánh mất cuộc đời. Là hôm lấy phân xanh ở VQ, tự nhiên nghĩ tới con cá mòi khô và ao ước nhặt được nó trên đường.

Bài viết có con chim hải âu bị chém cánh bay đến thả mình cạnh nhà đèn. Anh gác đèn nhận ra nó giữa hàng trăm nghìn con hải âu khác. Có nỗi nhớ cồn cào một bàn tay bật công-tắc điện những lúc nhá nhem để căn buồng sáng bừng lên… Hắn viết và biết rằng đây là lần cuối cùng hắn còn viết được, viết hay. Hắn như bị hút vào trang giấy.

Và cũng trong một đêm khuya ngồi viết, hắn bỗng cảm thấy Ngọc đứng sau lưng. Hắn ngửa người về phía sau, chạm đầu vào ngực nàng. Nàng ôm lấy đầu hắn. Hắn nói như người bị bắt quả tang đang làm một việc xấu xa:

– Anh chỉ viết lần này nữa thôi.

Ngọc nói, thương xót:

– Không hay gì cái nghề này đâu. Nó đã làm chúng ta khổ cả đời rồi.

Hắn viết rất nhanh. Chưa đầy một tuần lễ. Vừa nháp vừa chép lại. Bình kêu lên:

– Trong sáng quá. Tao không ngờ mày vẫn trong sáng như vậy.

Bình ơi! Lòng chúng ta có bao giờ không trong sáng. Có bao giờ chúng ta không yêu mến con người. Có bao giờ chúng ta căm ghét cuộc đời này. Có bao giờ chúng ta thù ghét ca dao. Bình nhìn tên tác giả: Anh Lê. Anh bảo:

– Đến một lúc nào đó phải công bố đây là sáng tác của mày. Phải trả cho Xêda những cái gì của Xêda.

Có biết bao Xêda trên cuộc đời này. Hắn phải viết văn chui, đội cái tên phải đổi của Bình. Bình phải đổi tên. Anh Lê. Và Lê Bàn thì đang cố làm cho tên mình xuất hiện ở mọi nơi để nó trở thành quen thuộc. Báo tường ở tiểu khu. Vài dòng “Lượm lặt gần xa” đăng ở góc trang về những ai béo nhất thế giới, ai nhổ nước bọt xa nhất thế giới. Bình được nói rõ: Vẫn được in nhưng phải đổi tên. Còn Bàn thì không ai nói gì. Người ta chỉ không in của anh thôi. Tức là một án treo lơ lửng. Án treo có cái nguy hiểm là người ta lảng tránh anh như ngày nay người ta xa lánh người bị bệnh AIDS nhưng cũng có cái lợi là không chính thức tuyên án. Anh tận dụng điều này. “Nụ cười”, “Lựợm lặt gần xa”, ý kiến bạn đọc yêu cầu không vứt chuột chết ra đường. Ký Lê Bàn. Tiến lên viết những bài nếp sống văn hoá mới trên đài phát thanh. Cái loa Ngã Bảy thỉnh thoảng lại vang lên những bài của Lê Bàn dạy mọi người cách chào hỏi, cách cảm ơn, cách xin lửa hút thuốc lá, cách vào bệnh viện thăm bệnh nhân. Dù đang khốn nạn nhưng vì cái tính hài hước chưa chết hẳn, hắn bảo Ngọc và lũ trẻ:

– Im. Nghe bác Lê Bàn dạy mọi người cách hỏi thăm đường…

Chương trình “Phục hồi nhân phẩm”của Lê Bàn còn kéo dài kiên trì, dai dẳng. Phải nói Lê Bàn có một khả năng vô tận về mặt này. Tiến lên một bước cao hơn, anh viết bài dự thi do Mặt trận Tổ quốc tổ chức. Giữa những bài viết của các vị hoà thượng, linh mục, các nhân sĩ, văn chương anh cứ lấp lánh lên. Anh trúng giải và so với các vị cai quản các xứ đạo các thượng thư triều Nguyễn, anh còn là con nít. Anh ăn thêm một giải nữa, giải dành cho những người viết văn trẻ vì anh chưa đến sáu mươi hai. Trong thời gian ấy anh vẫn viết chui, đứng tên những người mới viết. Giao dịch với nhà xuất bản là họ, lĩnh nhuận bút là họ, anh được một phần họ đưa cho. Đã có người nhờ anh mà trở thành tác giả quen thuộc, những uỷ viên chấp hành chi hội văn nghệ địa phương. Làm thuê cho những tác giả mới, anh có giọng văn của người mới viết, anh biết phải viết như thế nào trong một đoạn để nhà xuất bản có thể góp ý yêu cầu sửa chữa.

Hẳn là có nhiều Xêda. Những gì phải trả cho Xêda hẳn là không ít. Nhưng đến bao giờ điều ấy được thực hiện? Nó quá xa vời, nó huyền viễn theo cách nói của bố.

Bình đánh giá cao sáng tác mới của hắn, nhưng hắn lại coi là một thứ tầm phào. Ai cũng viết được cái hắn vừa viết xong. Hắn vẫn có tật ấy. Suy nghĩ về những điều đã viết và thể hiện nó trên giấy giống như một trò thi đấu thể thao. Thích thú. Say sưa. Và như mê mụ đi. Nhưng tới khi viết xong thì chán. (Khi in xong lại càng chán nữa). Chán mình vì mình chỉ làm được có vậy. Thấy rõ khả năng hạn chế của mình. (Rồi đi tuyên bố sẽ bẻ bút, không viết nữa để bị kết luận là bất mãn và biến thành tội phạm).

Đưa bản thảo cho Bình, hắn coi như việc ấy đã kết thúc. Giờ đây có mong là mong sách in ra để được ít đồng nhuận bút. Bài này nhà xuất bản có tính mạt hạng cũng phải trên trăm đồng. Ý nghĩ ấy động viên hắn nhiều hơn.

 

Comments are closed.