Chuyện kể năm 2000 (kỳ 5) – tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn

*

*        *

Bữa cơm tự do đầu tiên của hắn là bữa cơm hắn ăn ở quán ăn cạnh quốc lộ. Hắn không nhớ hắn ăn những món gì. Hắn chỉ nhớ đấy là quán cơm bán cho những người lao động. Một quán bên đường. Hắn cũng nhớ được là hắn vừa ăn vừa nhìn sang hàng bán bánh cuốn ngay bên cạnh. Hắn nhớ thế, vì khái niệm bánh cuốn đã quên đi bỗng sống lại trong đầu hắn: Ở mãi trong tù hẳn hắn quên đứt món ăn thuở bé hắn rất thích này. Mẹ gọi là bánh tráng. Thế mà hắn suýt quên.

Hắn ăn cơm một mình, chẳng thấy ngon miệng. Bữa ăn ấy chẳng làm sao nhớ được. Hắn vừa ăn vừa sẵn sàng vứt bát đũa xuống chạy ra, nếu có ô-tô đến. Hắn đợi ô-tô một mình. Hiển đã đi ra trước bằng xe đạp với cả một đoàn tháp tùng. Hiển đã dắt hắn đi mua chè ở nhà dân. Hắn nghiện chè, chưa bao giờ hắn có nhiều chè như thế. Hắn có tiền. Hắn được trại phát mười tám đồng. Đó là tiền trả công cho năm năm tù của hắn. Cầm món tiền, hắn nghĩ ngay đến việc tiêu. Mua chè. Chè ở đây nhiều, rẻ và ngon. Ai ở đây về cũng mua chè. Hắn cũng mua. Hai ki-lô.

Hắn chỉ để lại số tiền vừa đủ về tới Hà Nội. Cái bọc của hắn bây giờ phồng căng. Hoá ra bộ quần áo nâu là bộ quần áo có một phẩm trật tột cùng trong trại, ra đến đây lại là bộ quần áo chỉ cái thứ hạng thấp nhất trong xã hội. Nó nói với mọi người rằng hắn là một tên tù mới được tha. Ai cũng hiểu hắn là một tên tù vừa mãn hạn, một tên tội phạm bị pháp luật trừng trị, cải tạo nay được trở về, bắt đầu học lại cách sống lương thiện. Dân ở đây đã quá quen với những người mặc quần áo nâu như hắn.

Bà chủ quán hỏi hắn:

– Chú có uống chén rượu không? Tôi rót nhé. Tôi không tính tiền đâu.

Rõ ràng bà biết hắn vừa ở đâu ra. Nhưng không hỏi: “Chú bị có lâu không?” Hay “Chú về tận đâu?” Và bà muốn thết hắn chén rượu mừng.

Tuyệt vời làm sao. Cái tình người đầu tiên hắn hưởng khi trở lại thế giới này.

– Cứ ngồi đây, ô-tô qua luôn. Từ giờ đến tối còn nhiều ô-tô.

Hắn ngồi nép vào một góc quán, tay ôm cái bọc, nhìn trời, nhìn nắng mà sốt ruột. Mặt trời đã chênh chếch trên đầu cây đa Tân Trào xa xa rồi. “Cây đa Tân Trào đồng chí Giáp ra quân”, Trần Dần đã viết như vậy về cây đa này đấy.

Mãi mới có tiếng xe từ xa. “Xe đến đấy!” Bà chủ quán bảo hắn. Hắn đứng bật lên, tay cầm cái nón chóp cũ vẫy vẫy chiếc xe ca đang tới. Xe đông người vút qua trước mặt hắn. Người đứng lèn nhau cả ở bậc lên xuống. Hắn hoảng hốt và tuyệt vọng. Nhưng bộ quần áo nâu đã cứu hắn.

Hắn nghe tiếng một phụ nữ trên xe hét to:

– Ông tài, dừng lại cho người ta lên. Người ta vừa ở trại ra. Cho người ta lên.

Đó là tiếng nói của thiên thần, của người mẹ Việt Nam lúc nào cũng hiểu được khổ đau của người khác.

Hắn vứt cái nón chóp xuống vệ đường, trèo lên lách vào phía trong. Xe chuyển bánh về Hà Nội.

*

*        *

Cuối tháng 9 -1954, hắn đã làm một cuộc hành trình cuốc bộ từ Việt Bắc về Hà Nội. Đúng hơn, về một làng gần thị xã Hà Đông, rồi đi ô-tô về Hà Nội. Cuộc đi bộ hàng trăm ki-lô-mét kéo dài nhiều ngày ấy với hắn là những ngày hội. Không thấy mệt. Hay có thấy nhưng cứ hơn hớn. Lúc bấy giờ hắn cảm thấy người ta xếp đặt thế giới này cho bọn hắn. Như câu hát của trẻ em hiện nay “Trái đất này là của chúng mình“. Bọn hắn toàn đi qua những vùng mới giải phóng. Những vùng Tây mới rút. Đồng bào, nhất là thanh niên và trẻ em các làng xóm quây lấy bọn hắn, ngắm nghía bộ quần áo màu cỏ của bọn hắn… Bọn hắn nhảy múa tới khuya và nằm ngủ ở các gia đình, có khi ở sân đình. Rồi lại đi. Đi giữa ban ngày. Đi ngay trên đường nhựa. Đi và gặp nhiều đoàn khác cũng về xuôi.

Nằm chờ ở một vùng Hà Đông, bọn hắn được tập trung ở một sân đình rộng. Và hắn không thể ngờ được: Anh Diệu, người anh con ông bác ruột, ở Tuyên Quang, cũng có mặt trên sân. Hắn hiểu: Tất cả cơ quan đầu não của ta đã có mặt ở đây, áp sát thủ đô, sẵn sàng vào Hà Nội.

Hắn nhớ – điều này hắn nhớ – giọng trầm và chậm của ông bác sĩ, phó chủ tịch Uỷ ban quân chính Hà Nội căn dặn bọn hắn:

– Các đồng chí hãy nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Người cán bộ kháng chiến nghìn vàng không mua được”.

Hắn lại trúng số độc đắc: Được lựa chọn trong số người vào Hà Nội trước, chuẩn bị cho Đại quân ta vào Thủ đô.

Bọn hắn, những thanh niên hai mươi tuổi, kiểm tra lại từng cái dây buộc bát sắt trên túi ba-lô, kéo lại xanh-tuya, rồi lên ô-tô. Tới một chỗ, có xe ô-tô của Tây đón. Hắn giữ được nét mặt tỉnh bơ khi các nhà báo chụp ảnh ở nơi đón tiếp. Ngồi cùng ô-tô với hắn là một người lớn tuổi, nghĩa là gần ba mươi, một thanh niên đã chiến đấu và rời Hà Nội cuối năm 1946, đi kháng chiến. Đồng chí Vũ, đoàn phó “Đoàn thanh niên xung phong công tác” của hắn.

Xe tải nhà binh, có mui, có ghế ngồi bắt vào thùng xe. Phía cuối xe là hai lính thuộc địa, nước da nâu, cầm súng để ngang đầu gối. Hắn ngồi cạnh đồng chí Vũ. Hắn chỉ nghe nói đến Hà Nội khi hắn đi học trên Thái Nguyên. Những chợ Đồng Xuân, cầu Long Biên, những Nam Đồng, ô Chợ Dừa. Những tên gọi qua thơ Văn Cao, nhạc Nguyễn Đình Thi, bút ký Trần Đăng. Những tên gọi ấy là khát vọng, là lương tâm của hắn, của những người đi kháng chiến.

Hắn ngồi im nghe đường nhựa kêu dòn dưới bánh xe lăn.

Bỗng nhiên Vũ lẩm bẩm một mình, rất khẽ:

– Ngã Tư Sở.

Và một lúc sau:

– Khâm Thiên.

Rồi:

– Ga Hàng Cỏ…

Tiếng thì thầm của Vũ làm hắn xúc động hơn cả tiếng gào: “Hà Nội ơi, ta đã trở về!”. Hơn cả những giọt nước mắt chảy trên má người chiến sĩ. Hắn biết xe đang đi qua những nơi ấy. Hắn xúc động không kém gì người chỉ huy của hắn khi xe vào giữa lòng Hà Nội.

Giờ đây hắn cũng xúc động như vậy khi xe chạy qua đê Yên Phụ về bến Nứa, khi gió mát sông Hồng phả vào mặt hắn. Lúc đó đã chiều tà. Đèn đường đã bật. Ôm cái túi có hai cân chè, một cái ca, bộ quần áo tù yểm được và một bọc thư từ, hắn đi dọc những phố xá đông đúc, chả ai để ý đến hắn. Hàng Đậu, Hàng Đường, Hàng Đào. Như một người từ cung trăng rơi xuống. Còn hơn cả Trần Đăng hồi kháng chiến “một lần đến Thủ đô”, “đi giữa thành phố len dạ và ánh sáng”. Trời đã tối hẳn. Người, xe, tàu điện. Cửa hàng. Đèn điện. Hồng Vân, Long Vân kem máy. Hắn nắn túi. Còn ít tiền. Hắn mua ba chiếc kem hết ba hào. Đi xuôi về phía Thuỷ Tạ. Ngồi xuống một gốc cây tối và khuất. Cắn, mút. Hớp những chỗ kem chảy. Ngọt. Bùi. Mát lạnh. Thế giới vẫn còn nền văn minh này: Làm cho mọi thứ lạnh đi.

Lần này về Hà Nội hắn mua kem ăn ngay. Không như dạo 1954 vào tiếp quản. Kỷ luật tiếp quản là không được vào quán ăn uống. “Người cán bộ kháng chiến nghìn vàng không mua được“. Đóng ở nhà thương Đồn Thuỷ, bọn hắn cử người đạp xe đi mua kem Cẩm Bình cho vào túi mang về, cả đơn vị cùng ăn.

Bờ Hồ vẫn như xưa. Vẫn những cách đi ấy, cách ngồi chơi hóng mát, tìm sự tĩnh lặng trong ồn ào ấy. Những đàn ông ấy, đàn bà ấy, trẻ con ấy của cuộc đời. Mặt hồ phẳng lặng, gợn ánh điện như những ngày nào hắn vào tiếp quản, như những ngày nào hắn cùng vợ hắn, còn là một cô nữ sinh tóc xoã, ngồi ghế mây uống nước chanh đá, ngắm mặt hồ huyền bí và thấy trong lòng mình những điều huyền bí đang đến: Tình yêu. Hắn nhận ra hồ. Hắn nhận ra Hà Nội. Nhưng hồ, Hà Nội không nhận ra hắn. Không nhận ra người quần áo nâu, ôm tay nải đang mang trong lòng mình bao nỗi niềm cảm xúc khi về tới Hà Nội, về tới Hồ Gươm. Con đường đôi cạnh hồ này đây, bọn hắn đã hát vang những bài ca kháng chiến, dù đêm đã khuya, đêm thu tiếp quản, đường nhựa ướt đẫm mưa thu. Mưa vẫn say sưa hát, bởi hạnh phúc là được đứng trong hàng, hát đồng ca.

Bốt Hàng Trống, nay là đồn công an. Hắn đã bị nhốt ở đây, ngày 9-10-1954, trước hôm tiếp quản một ngày.

Sáng mồng chín như thường lệ, bọn hắn lên chiếc xe Citroen đen cùng với một sĩ quan Pháp, đi tiếp quản các công sở. Lẽ ra một sĩ quan ta đi cùng với một sĩ quan Pháp, nhưng có lẽ bên Pháp đã rã đám vì ngày mai mồng 10 tháng 10 đã phải rút khỏi cầu Long Biên, nên họ chỉ cho một sĩ quan đi với ba người phía hắn.

Tới ngôi nhà 14-16 phố Hàng Vôi, xe dừng lại. Hắn xuống xe đi tới ấn chuông. Thay vì một người Pháp đi ra như mọi ngày, hắn thấy một cô gái ló đầu sau cửa xếp. Hắn giật mình lùi lại. Lần đầu tiên trong đời, hắn giáp mặt một người như vậy. Đầu uốn quăn như cái rế, môi son đỏ chót, má phấn. Cô gái còn giật mình hơn cả hắn. Chỉ thiếu kêu rú lên như giẫm phải rắn.

Hắn định trình bày, nhưng cô gái không nói một lời, biến mất. Một lúc sau, một người đứng tuổi, béo tốt mặc pi-gia-ma ra, vẫn đứng sau cửa sắt:

– Các ông nhầm. Đây là nhà tư.

Và đi vào.

Hắn đứng ngoài phố một mình, bộ quân phục xám. Phía bên kia phố là những ngôi nhà bốn tầng nhiều cửa sổ. Lính Pháp, lính ngụy… kín các cửa sổ, nhìn xuống hắn.

Các em nhỏ xúm lại quanh hắn trước tiên. Rồi người lớn đứng vòng ngoài. Họ đến để chiêm ngưỡng hắn, biểu lộ lòng quý mến những người kháng chiến, những người chiến thắng. Một người nói với hắn:

– Anh vào nhà tôi. Đứng thế này nguy hiểm lắm.

Nhưng một chiếc xe Citroen sơn trắng đã đến. Một người Pháp to lớn bước xuống (hẳn ông mặc pi-gia-ma đã gọi điện thoại tới). Hắn đưa giấy tờ của hắn. Giấy của Uỷ ban Liên hợp. Trung tá Đoàn Thế Hùng ký, Cô-lô-nen Galibert ký. Người ta mời hắn lên ô-tô về bốt Hàng Trống…

Hắn nhìn vào bốt Hàng Trống, lối đi hun hút nơi hắn đã ngồi trên chiếc Citroen trắng. Lối đi ấy bây giờ vắng, nhưng hôm ấy hai dãy lính bồng súng, lưỡi lê sáng quắc. Hắn sợ hãi, lo lắng và yên tâm ngay, khi thấy mấy đồng chí bộ đội đeo quân hàm ngồi trong buồng làm việc. Suốt ngày hôm ấy hắn phải ngồi ở bốt Hàng Trống, trong một căn buồng trên gác, nhìn sang bên kia đường Tràng Thi, san sát những biển hàng có vẽ những chiếc giày rất to, những mái đầu của các hiệu uốn tóc, những hiệu chụp ảnh. Ở căn gác đối diện, một cô gái quần trắng, áo trắng, nằm trên ghế xích đu đọc báo Tia Sáng, số báo Tia Sáng cuối cùng.

Mãi tối hắn mới được về Đồn Thuỷ trên một chiếc xe chở bánh mì, có hai người lính Âu Phi gác.

Hắn thở dài. Tiếng thở dài chào bốt Hàng Trống. Tiếng thở dài vĩnh biệt một thời.

Hắn đã đặt chân lên phố Bà Triệu. Đường phố vẫn như xưa. Mùi hoa sữa. Hắn khựng lại vì vấp phải mùi hoa sữa. Con đường này, mùi hoa này là tuổi trẻ của hắn, là tình yêu của hắn. Nàng đi cạnh hắn như đi trong mơ.

Nhiều kỷ niệm quá. Hắn tự nhủ phải bình tĩnh.

Hắn nắm chặt cái ca trong túi vải. Hắn đi trên vỉa hè rộng. Hắn tìm một số nhà, nhà một người bạn thân của hắn.

Hắn không muốn về nhà anh chị Diệu ngay bây giờ. Cũng gần, ngay phố Ngô Văn Sở thôi. Hắn biết, anh chị rất quí mến và thương hắn. Chả là anh chị đều làm ở một cơ quan báo, đánh giá cao khả năng của hắn và tin rằng hắn chẳng có tội gì.

Nhưng bạn hắn hiểu hắn hơn. Bao giờ bạn hắn cũng hiểu hắn hơn. Nhất là Phương. Nguyễn Vũ Phương, biên tập viên điện ảnh.

Lối đi nhỏ chạy cạnh ngôi nhà mặt đường dẫn sâu vào dãy nhà trong. Hắn hiện ra ở cửa.

– Thằng Tuấn!

Bố mẹ Phương kêu lên và ôm lấy hắn, rồi quay lại đẩy hắn ra xa mà ngắm nghía:

– Về bao giờ? Tuấn! Trời ơi! Được về rồi hả?

– Con được tha sáng nay. Con vừa về đến đây.

Hắn tìm kiếm điều hắn đang mong. Bố mẹ Phương hiểu, nhưng không nói. Hắn không thể im lặng được nữa:

– Phương đi chơi, hả bác?

Hắn nhận được câu trả lời bất ngờ nhất:

– Nó bị bắt rồi, con ơi.

Như chỉ chờ có vậy, mẹ Phương oà lên khóc.

*

*        *

Hắn vẫn hình dung ngày trở về của hắn khác cơ. Khác thế nào, hắn không biết. Trong tù, những người tù tuyệt vọng đố nhau: Nếu được tha thì về nhà lúc nào là tốt nhất. Đa số nói: Về nhà vào buổi tối. Đứng nép ngoài cửa, yên lặng nhìn vào trong nhà, xem bố mẹ hay vợ con đang làm gì. Để biết được, để nhìn thấy được một buổi tối bình thường của gia đình khi mình ở trong tù.

Bữa ăn mẹ Phương nấu cho hắn, hắn nhớ. Hắn nhớ bát mì sợi nóng hổi. Có cả rau muống đầu mùa, mềm xanh. Cả mấy miếng đậu rán, ớt bột. Nhưng nóng. Nóng quá. Hắn không quen ăn nóng. Năm năm hắn chỉ quen ăn nguội, nguội tanh nguội ngắt. Mùa rét, ăn xong run cầm cập.

Hắn thổi, hắn húp xì xoạp. Có cả mỡ nước. Mỡ lợn thật, không phải mỡ hoá học. Mồ hôi hắn vã ra, nước mũi chảy như lúc ốm. Mẹ Phương đứng nhìn hắn ăn, lấy khăn tay chấm nước mắt. Bà ép hắn:

– Ăn nữa nhé. Còn một tí nữa thôi!

Hắn lắc đầu:

– Con no lắm, no lắm rồi.

Hắn sẽ không bao giờ quên bát mì gia đình nóng bỏng ấy. Nóng và tình thương xót. Suốt buổi tối, trong khi trò chuyện, bố mẹ Phương nhìn hắn như qua đó tìm hiểu những gì Phương đang chịu trong tù. Hắn biết vậy. Hắn hiểu, hắn không được phép gây thêm một mối lo lắng suy nghĩ nào đối với bố mẹ Phương đã quá thừa đau khổ. Nhưng dù hắn có nói chăng nữa, cũng chẳng ai hình dung được những điều gì đang đến với Phương. Chỉ có hắn biết được thôi. Ngay cả chính Phương nữa, Phương cũng không biết được những gì sẽ đến với mình. Hắn vẫn cứ rợn người khi nghĩ đến một anh tù cựu nhìn hắn dạo hắn mới bị bắt. Hắn bị giam ở khu 76. Hắn cũng chẳng biết đó là khu gì, chỉ biết cả mấy dãy xà lim nằm lọt thỏm giữa tường bao có dây thép gai chạy điện, chỉ có hắn và một anh tù nữa, mỗi người một xà lim. Anh tù kia còn trẻ, mặt xanh rớt, đầy trứng cá. Trong một lần ông quản giáo mở cửa cho hắn đi đổ bô, hắn thấy anh tù trẻ đang ngồi nhổ cỏ dưới nắng. Thật là hạnh phúc đến khó hiểu. Hắn lễ phép:

– Thưa ông, xin phép ông cho tôi được nhổ cỏ.

Ông quản giáo đứng lặng như trời trồng. Khi đã hiểu ra, ông giận dữ sập mạnh cánh cửa. Hắn phải ngả người về phía sau, suýt nữa cánh cửa đập vào mặt hắn. Cái bô cứt và nước đái trong tay sánh rớt xuống chân hắn. Có tiếng khoá cửa. Hắn bị trừng phạt vì hắn, một kẻ có tội đang giam cứu mà lại đi đề nghị những điều như vậy với quản giáo.

Thế rồi anh tù trẻ chuyển đi, còn lại một mình hắn. Một mình hắn trong một dãy xà lim mênh mông. Hơn một tháng sau khi bị bắt, hắn được gọi ra cắt tóc. Một người tù mặc quần áo xám với cái hòm cắt tóc, chiếc ghế đẩu, đã đứng sẵn dưới tán lá chuối sát tường. Hắn ngồi xuống ghế. Ông quản giáo đứng cạnh, suốt thời gian cắt tóc, không rời mắt khỏi hai người. Hắn mủi lòng nhìn những nạm tóc xanh đen của hắn rơi xuống đất. Không ngờ máu huyết mẹ cha cho lại rơi xuống xó nhà tù. Hắn rơm rớm.

Lựa lúc người tù cắt tóc quay lưng lại phía ông quản giáo, che khuất hắn, hắn ngước nhìn anh ta. Đó là một người đứng tuổi, râu mép có những sợi bạc, da sạm. Và cặp mắt anh ta đang nhìn hắn làm hắn rùng mình. Anh ta nhìn hắn như nhìn một người đang đi về cõi chết. Đó là vĩnh biệt, là ái ngại, là thương xót, là đồng cảm, chia sẻ. Cái nhìn buốt xương sống, lạnh tim, báo cho hắn biết hắn mới chỉ ở tầng đầu địa ngục và đang tiếp tục xuống từng nấc thang khủng khiếp.

Cái nhìn của một con vật hiểu thế nào là lò sát sinh nhìn con vật khác ú ớ, lớ ngớ bước vào mà không biết mình đang bước vào đâu.

Mãi sau này hắn mới biết 76 là khu trọng phạm. Ở đó là án tử hình, là án chung thân, là đi chuyến tàu suốt.

Đôi mắt người ấy như một lời tiên tri, một định mệnh. Nhưng hắn tin ở hắn. Hắn không có tội. Hắn sẽ được tha một ngày gần đây thôi. Phương bây giờ mới bước những bước đầu tiên như hắn khi đó. Đến bao giờ Phương mới đi hết đoạn đường của Phương. Đoạn đường ấy thăm thẳm, ghê rợn, khủng khiếp vô tận, mà những người ngoài cuộc không thể nào hiểu được. Hắn như nhìn thấy Phương đang đứng trước mặt hắn. Tầm thước, mắt đẹp và thông minh, cằm hơi vểnh ra, kiểu cằm Maiacôpxki. Hắn nhìn thấy Phương cười. Hắn nghe thấy cả tiếng cười và sau đó là câu nói:

– Tuấn ạ! Tao vừa đi Hải Dương về. Thăm trại chăn nuôi lợn giống. Ở đấy tao thấy con lợn đực nhảy lên phóng tinh vào con lợn gỗ. Con lợn ấy quả giàu sức tưởng tượng hơn anh em mình nhiều.

Phương có cách nói như vậy. Hài hước và cay độc. Đó là câu pha trò để chấm dứt đề tài bọn hắn đang thảo luận: Trí tưởng tượng. Sự cần thiết và không thể thiếu được của trí tưởng tượng trong sáng tác. Đó là điều bọn hắn còn kém, bọn hắn phải nâng cao.

Phương viết. Viết nhiều, nhanh và thông minh. Nhưng hắn nghĩ cái Phương thiếu là vốn sống. Có vốn sống, Phương sẽ là người đi xa.

Hắn lục lọi những kỷ niệm với Phương. Ngày Phương kéo hắn lên trại sáng tác kịch bản điện ảnh, đèo hắn bằng chiếc xe mô-bi-lét, ngừng đạp là ngừng nổ. Phương về nhà hắn, hắn đi mua cá song nấu chua, những tưởng bạn sẽ trầm trồ khen ngon. Nhưng Phương cười lăn lộn, rồi vớ lấy túi xách, moi ra một lọ ruốc thịt mang theo từ Hà Nội. Lúc ấy hắn mới biết Phương chỉ ăn được một loại cá là cá chép. Thêm nữa là cá diếc vì cũng có vẩy trắng và ngoại hình giống cá chép.

Tính nết khảnh rả như Phương, vào tù khó đấy. Lấy đâu ra cá chép?

Hắn như nhìn thấy Phương bê bô nước han gỉ vào trong xà lim. Thấy Phương gánh phân ở một xó rừng heo hút…

Không. Còn lâu. Còn lâu Phương mới được gánh phân ở xó rừng heo hút. Phương mới bị bắt hơn một tháng. Cũng vào một ngày thứ sáu. Trong một tuần, thế nào cũng có một ngày khủng khiếp đối với ai đó. Như mình và Phương là ngày thứ sáu. Sao tù chính trị lại hay bị bắt vào ngày thứ sáu nhl. Có lẽ vì còn ba ngày nữa mới sang thứ hai của tuần lễ sau, ngày đầu tiên của tuần lễ hỏi cung. Ba ngày ấy (kể cả ngày thứ sáu) đủ để khám xét thêm nhữug nơi còn nghi vấn, xếp loại tài liệu và cũng đủ cho thằng tù nếm náp những phút giây địa ngục đầu tiên mà hiểu được cái gì đang chờ trước mặt.
Giờ đây đang là những ngày căng thẳng nhất, đau đớn nhất của Phương. Phương phải suy nghĩ, đối phó với những điều tệ hại nhất, bất ngờ nhất, vô lý nhất. Phương phải tập để quen với một hiện thực không thể nào quen được: sự mất tự do. Và đang tính toán chi li, keo kiệt từng ngày tù một như mọi người mới bị bắt khác. Phương phải thích nghi với cuộc sống xà lim, vì đã rơi ngược về tiền sử. Phải thích nghi với thời đồ đá, với bóng tối xà lim, từ bỏ thói quen dùng lửa. Phải dùng răng nanh tách cái đũa tre, bóc ra một thớ tre trước khi trả nhà bếp bát đũa. Rồi khi đổ bô, tranh thủ nhìn trước nhìn sau, nhặt lâý một mảnh sành, giấu vội mang về xà lim. Vót, cạo mảnh đũa thành một cái tăm. Cái tăm ấy dùng suốt một đời tù giam cứu. Dùng cho đến khi mòn đi một nửa vì tù chính trị giam cứu lâu lắm. Móng tay móng chân dài phải lấy răng mà cắn. Cắn móng tay dễ. Cắn móng tay còn là một cái thú giải sầu. Cắn móng chân phải chờ sau khi đi tắm về. Móng chân mềm và sạch. Ngồi xếp bằng. Lấy hai tay bê một chân lên, cúi đầu xuông gặm. Móng ngón cái dày, nhưng dễ gặm vì thuận khi đưa lên miệng. Gặm ngón út khổ nhất, khốn nạn nhất. Đưa ngón út lên mồm, dù là chân trái hay chân phải, xương sườn cứ ngoẹo đi, đầu cứ vạy đi mới nhét được ngón út vào một bên mép mà nhay mà nhấm. Hơn một tháng, Phương phải gặm móng chân ít nhất một lần rồi.

Hoá ra đêm đầu tiên của hắn ở ngoài đời là một đêm mất ngủ giữa lòng Hà Nội. Hắn nằm dài trên cái giường Phương vẫn nằm. Một mình hắn trong một cái bán mái con con, ngay cạnh vòi nước.

*

*        *

Nằm trên cái giường của Phương trong cái bán mái của Phương, hắn cứ có cảm giác giở mình hay quờ tay môt cái là chạm vào Phương. Phương đang nằm ngay bên cạnh. Tất cả đều nói về Phương. Phương như chỉ đi ra phố mua thuốc lá, sắp trở về ngay bây giờ. Căn buồng hẹp. Tường loang lổ. Nền gạch mục và mòn. Xếp sách trên giá. Tấm hình Xamôilôva(1) treo trên tường. Vẫn y như trước. Chỉ thiếu Phương. Cái gối vẫn là cái gối của Phương. Chiếc màn này chắc không phải chiếc màn Phương vẫn nằm. Cả chăn nữa. Chiếc màn giường Phương, cái chăn của Phương hẳn đã theo Phương vào tù, họp thành nội vụ của Phương. Giường màn chăn gối hắn đã nằm, hai đứa ôm quặp lấy nhau khi trời rét, quạt phì phạch khi trời nóng. Biết bao chuyện trong những đêm như vậy.

Hắn đã tự nhủ không có gì làm hắn bất ngờ được nữa. Thế rồi vẫn bất ngờ. Cái chuyện Phương bị bắt là một điều hoàn toàn không ngờ tới. Choáng và đau đớn. Đến nhà Phương mà Phương đã bị bắt giống như đến nhà một người bạn thì người ấy vừa được mang đi chôn xong, chỉ còn lại tấm ảnh trên bàn thờ với những câu đối, hoa huệ, với khói hương nghi ngút. Còn hơn thế, vì chính hắn từ cõi ấy trở về gặp Phương với bao điều muốn nói với Phương về cõi ấy. Và đã nghĩ rằng sẽ được nói cùng Phương biết bao nhiêu chuyện.

Phương ơi. Ngủ chưa? Đang trong giai đoạn lấy cung phải không? Người ta hỏi cung có nghĩa là người ta chăm chú bới tìm cho ra tội, chứ đâu có phải là tìm hiểu sự thực.

Người hỏi cung Phương là người thế nào? Bao nhiêu tuổi? Tên là gì? Có trình độ không? Cần nhất là có trình độ, có văn hoá và biết được đôi chút về văn nghệ, về lao động nhà văn. Và khách quan. Không độc ác.

Người hỏi cung mình tên là Lan. Ông Lan rất mù mờ về văn nghệ, nhưng lại cứ đinh ninh rằng mình hiểu biết tỏ tường bởi vì “các anh vẫn nói viết là lách mà, ai còn lạ gì”. Thật sơ đẳng, nguy hiểm, tai hại và khó chịu.

Tù chính trị bị hỏi cung lâu lắm. Mới hơn tháng. Đang trong giai đoạn căng. Phương phải gắn bó với ông chấp pháp của Phương bao lâu. Người tù nào cũng có một ông chấp pháp của mình, họp thành một đôi, họp thành một cặp. Người nọ là một bộ phận của người kia, người nọ tạo thành người kia. Giống như một chiếc giày của một đôi giày, thiếu đi một chiếc sẽ chẳng là gì cả. Ông Lan đã nói với hắn nhằm làm hắn hiểu rõ con người ông:

– Tôi đã thụ lý ba án tử hình, năm án chung thân và trên mười án hai mươi năm.

 

 

(1) Nữ diễn viên điện ảnh Liên Xô (cũ). Diễn vai chính trong phim “Khi đàn sếu bay qua”.

Ông Lan (mà sau này hắn biết còn được gọi là Lan mặt ngựa) rõ ràng là quá yếu, nên mới phải khoe khoang thành tích tuyệt vời ấy. Nhưng hắn vẫn vững tin vào hắn. Ba tháng sau khi bị bắt, hắn đã hỏi ông:

– Thưa ông. Xin ông cho biết nhận xét của ông về số bản thảo của tôi.

Ông Lan cười xuề xoà:

– Chúng tôi bận quá, nên chưa có thời gian đọc.

Ông Lan cười rất sợ. Ông cười còn đáng sợ hơn khi ông làm mặt nghiêm. Nó giả dối. Nó rờn rợn. Ông Lan mặt ngựa có đôi mắt sắc lạnh. Khi cười đôi mắt ông càng lạnh lẽo. Môi mỏng mím lại uy nghiêm làm phạm nhân thấy không thể giấu được điều gì. Hình như biết cái ưu thế ấy của mình, ông càng nghiêm nghị. Cặp mắt lạnh như thép nhìn chăm chăm vào hắn. Hắn có thói quen nhìn thẳng vào mặt người đối thoại.

Hắn nhìn lại ông. Hắn cũng cười. Cười khẩy nữa thì phải. Vì hắn không chịu được sự dối trá trắng trợn. Càng không chịu được sự cố tình.

– Thưa ông. Với lòng tin tưởng ở tinh thần trách nhiệm của ngành công an, tôi xin được nói với ông điều tôi nghĩ: Các ông đã đọc, các ông đã chia nhau đọc (hắn còn muốn nói các ông đã bắc kính lúp vào từng chữ của tôi để tìm ra những sơ hở, những sai sót), các ông đã nhờ người đọc và giám định. Có đúng như thế không ạ?

Mình nói và nhìn thẳng vào mặt ông chấp pháp. Ông chấp pháp của mình rất lạ. Không làm sao xác định được tuổi của ông ta. Khi mình thấy trẻ hơn mình. Khi già hơn mình. Khi trạc tuổi mình. Như lúc ấy mình thấy ông ấy già hơn mình. Ông chấp pháp của Phương bao nhỉêu tuổi. Hẳn ông ấy cũng nhìn Phương như ông chấp pháp của mình nhìn mình. Các ông ấy có cái nhìn giống nhau. Căm phẫn, uy nghiêm, cái nhìn của công lý, của thiết diện Bao Công. Cái nhìn của cách mạng, của đất nước đang đổ máu nhìn kẻ tội phạm. Lại cả cái nhìn đau xót của Đấng Cứu Rỗi nữa.

Hắn nhìn lại ông, bình thản, tự tin, không chút bối rối.

Con mắt ông Lan lạnh như thép. Con mắt hắn kiên nhẫn không lùi bước. Một thời gian đủ để ông Lan hiểu hắn, hắn nhìn chếch ra mang tai ông và nói tiếp:

– Ông không trả lời, nghĩa là đã đọc. Và đã kết luận. Nhưng các ông không cho tôi biết. Vậy thì vấn đề theo tôi nghĩ là như thế này.

Hắn ngừng lại một lát:

– Những kết luận ấy có lợi cho tôi. Thưa ông, có đúng thế không ạ?

Hắn lễ phép hỏi ông. Ông Lan cười như một cách trả lời: “Anh toàn nói chuyện tầm phào. Chẳng đâu vào đâu.” Nụ cười của người lớn trước những câu hỏi ngây thơ của trẻ con. Hắn ngồi im trên ghế, một cái trụ vuông xây nhô từ nền nhà lên. Đến lúc đó hắn mới biết có những cái ghế như vậy. Loại ghế bất di bất dịch. Mùa đông ngồi tê buốt và mùa hè vẫn lạnh cả đít. Dành cho tội phạm.

Ông Lan ngồi sau chiếc bàn gỗ thông thường. Ông đang cầm bút tô lại những dòng chữ ngoài bìa xếp hồ sơ của hắn: Cung vấn Nguyễn Văn Tuấn. Từ cái ghế xây xi-măng lạnh lẽo hắn nhìn rõ những hàng chữ ấy. Ông muốn cho hắn biết rằng ông không thèm nghe hắn, nhưng vẫn để hắn nói. Ông là người biết điều.

Hắn biết sau lưng ông là Sở Công an. Với ban giám đốc, với các phòng ban, với các trinh sát. Với những cuộc hội họp phân tích bản khai cung của hắn. Với quyết tâm tìm ra tội của hắn. Bởi vì qua cách hỏi cung của ông Lan, hắn biết người ta không khách quan nữa. Người ta vặn vẹo xuyên tạc soi mói.

– Nếu các ông không đưa ra những kết luận của các ông, tôi xin phép được đưa ra kết luận của tôi: Những bản thảo của tôi là tốt. Tôi ca ngợi Đảng, ca ngợi nhân dân, ca ngợi lãnh tụ. Tôi ca ngợi cuộc sống mới.

Ông Lan vẫn im lặng. Mắt nhìn xuống. Vẻ tự kiềm chế và chán ngán. Toàn bộ dáng người ông như muốn nói: Nói nữa đi, nói cho thích đi. Rồi tôi sẽ chỉ cho anh biết…

Đấy, họ là như thế đấy. Còn mình thì cứ nói toạc vấn đề, chẳng úp mở gì. Đã xác định phương châm “mềm dẻo về thái độ, cứng rắn về nguyên tắc” thế mà vẫn có lúc mình to tiếng dồn ông chấp pháp. Đến nỗi ông ta cười nhạt:

– Anh xử sự hơi ngược đấy. Lẽ ra chúng tôi phải có thái độ như anh bây giờ. Nhưng anh thấy đấy, chúng tôi vẫn bình tĩnh…

Mình nói luôn:

– Thưa ông. Nếu ông ở vào hoàn cảnh của tôi, một người bị xúc phạm, bị lăng nhục, tôi tin ông cũng xử sự như tôi.

Ông ta lại cười, lạnh lẽo và rờn rợn. Mình còn nhớ ở phòng hỏi cung bên cạnh những hôm trước vẫn còn vang lên tiếng quát tháo, lúc đó có tiếng reo: Tôi đọc lại cho anh nghe nhé: “Tôi bước vào phòng thấy Liên đang ngồi ở giường. Tôi ôm lấy Liên, đè Liên xuống giường. Liên đẩy tôi ra. Tôi lâý trong túi một miếng sắt vuông mỏng mà tôi đã chuẩn bị từ ở nhà, cắt đứt dây rút quần Liên. Tôi kéo quần Liên xuống và lấy tay đút dương vật vào âm hộ của Liên”. Đúng không nào. Ký vào!

Giọng đọc của ông chấp pháp bên đó lanh lảnh, reo vang, phấn khởi, vừa diễn đạt được tâm trạng của người phạm tội hiếp dâm lúc y hành động, vừa phản ánh niềm vui của ông chấp pháp đã đánh gục đối thủ. Đến nỗi ông Lan phải chạy sang nhắc:

– Khe khẽ cho bên này làm việc!

Thật chẳng ra làm sao. Bên này đang toàn những vấn đề văn chương, tư tưởng, bên kia lại cứ oang oang những âm hộ với dương vật. Cho nên khi trở về ngồi trước bàn, ông chấp pháp của mình càng nghiêm nghị.

Vệt môi mỏng của ông càng mỏng. Nom ông gần như cau có. Hắn thông cảm với ông. Ông chấp pháp bạn ông đã chiến thắng rồi. Còn ông, ông vẫn phải đánh vật với hắn. Với phần tử ngoan cố như hắn.

Ông Lan hất hàm hỏi hắn:

– Anh nói hết chưa?

– Báo cáo ông, hết.

Ông ra một đòn quyết định:

– Anh không viết như thế, ai người ta in cho anh? Anh bôi đen chế độ người ta gô cổ anh lại.

Hẳn ông Lan không chỉ có cái sắc sảo của riêng ông. Ông còn là kết tinh trí tuệ của tập thể. Một tập thể những người có trình độ, có mọi phương tiện trong tay. Có nghiệp vụ. Có quyền lực và đang sử dụng hết công suất của bộ máy quyền lực ấy như nhà tù, xà lim, phát động bè bạn hắn, thông tín viên của hắn chống lại hắn. Cả những người cơ hội, những người cầu an, những người trung thực. Ông đang có mọi lợi thế. Nhưng hắn một có niềm tin lì lợm vào mình. Niềm tin lì lợm vào công lý. Vào sự công bằng của luật pháp xã hội chủ nghĩa. Hắn coi thường mọi lợi thế của ông. Hắn đã đọc ở đâu đó lời nói của một người cộng sản trong tù: Chúng ta đúng. Vì thế chúng ta mạnh. Chúng (bọn Pháp) có cả một guồng máy khủng bố, nhưng không đàn áp nổi vì chúng không đại diện cho chính nghĩa.

Vốn là người sách vở, hắn nghĩ: Hắn đúng, hắn không sợ. Hắn thấy ngón đòn của ông Lan ngây thơ quá. Ông trở thành thế yếu (dù ông đang nhốt hắn trong xà lim, dù ông thông minh, có cả tập thể hỗ trợ). Vì ông không khách quan trung thực.

Hắn khinh ông, hắn khinh tất cả những người không trung thực. Những kẻ gắp lửa bỏ tay người.

Mình không ngờ ông Lan lại đi nói một câu ngớ ngẩn đến thế. Mình sửng sốt và nghiêm nét mặt vì những điều sờ sờ trước mắt mà ông Lan cố tình không nhìn thấy. Cố tình không chịu hiểu.

Thưa ông. Có ai bắt tôi phải viết những tác phẩm của tôi đâu. Chính ông cũng đã nói trong một buổi hỏi cung tôi: Văn là người. Văn của tôi là con người của tôi. Đó là tình yêu của tôi, là sự tự giác làm việc của tôi, suy nghĩ của tôi. Là máu của tôi. Là trái tim của tôi. Thưa ông, không ai gí súng vào tôi, bắt tôi phải viết những sáng tác ấy. Ông Trường Chinh có nói: “Mọi sáng tác đều bắt nguồn từ trong tim”. Nếu những chân lý phổ biến ấy của chủ nghĩa Mác-Lê-nin còn phát huy tác dụng thì sao tôi lại nằm ngoài quy luật.

Hắn hiểu rằng hắn đã bị đẩy vào vòng đấu. Trong đấu trường chỉ có một mình hắn. Vợ con, bố mẹ, anh em, bạn bè, không ai bên cạnh. Một mình hắn đã bị tước vũ khí. Hắn không chỉ đấu với ông Lan, ông Quảng, ông Trần. Hắn còn đấu với cả những dãy xà lim nặng nề hoang vắng 76, một mình hắn ở. Hắn đấu với sự cố tình bẻ queo luật pháp, bẻ queo sự thật của những người đạo đức chẳng hơn hắn, yêu nước chắc chắn không hơn hắn.

Phương ơi. Trần trụi, nhưng phải thắng. Dù thế nào chăng nữa. Ông Lan đã phải lùi một bước trước sự thật mình nêu ra.

– Anh đừng chủ quan với những tác phẩm của anh. Chúng tôi sẽ nói với anh vào những thời điểm thích hợp.

Ông Lan của mình hay nói hai tiếng “thời điểm” lắm. Một câu nữa ông hay nói là:

– Anh cứ về nghĩ kỹ đi, chúng tôi có đủ kiên nhẫn.

Chao ơi! Đức kiên nhẫn của ông Lan mới đáng phục làm sao! Ông có dư thừa kiên nhẫn. Ông kiên nhẫn về sống với cơ quan ông, bạn bè ông, vợ con ông. Còn mình về xà lim. Mình cũng phải học ông rèn luyện sự kiên nhẫn sống trong xà lim. Ông đã chứng minh ông có đủ kiên nhẫn chờ đợi mình hối cải, chờ đợi mình thấy rõ lỗi lầm của mình. Ba tháng sau, mình không được hỏi cung. Chín mươi ngày đêm xà lim, ngày nào đêm nào cũng dài như vô tận. Mình đoán, lại một đợt tìm tài liệu mới nữa đây. Lại những cuộc họp phân tích bàn cách giải quyết nữa đây. Mình nằm. Một mình. Mình nhắm mắt, quay mặt vào tường vẩy xi-măng cách âm lổn nhổn, nhọn hoắt như ốc nhồi. Mình hát thành lời khe khẽ. Mình hát thầm trong óc. Những bài hát in dấu trong đời chúng mình. Thời chống Pháp là những bài Sông Lô. Trùng trùng quân đi như sóng. Qua miền Tây Bắc, Hồng Hà chơi vơi mang nước trên nguồn về xuôi. Mình lẩm nhẩm như ở đài phát thanh: “Các bạn thính giả thân mến, trong chương trình ca nhạc kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng Hai tháng Chín hôm nay chúng tôi xin giới thiệu”… , và Diệt phát-xít, Bao chiến sĩ anh hùng, Kìa xa xa nơi Côn Đảo ớ hờ.

Rồi ngược lên nữa: Con thuyền không bến, Thiên Thai, Trên sông Bạch

Đằng… Thứ nhạc thời chúng mình còn bé tý. Một buổi chiều thứ bảy vắng vẻ mình nghe thấy từ xa vọng lại một giọng huýt sáo rất trong một bài hát Pháp:

Qu’ avez vous fait de mon amour

Qu’ avez vous fait de mon bonheur (1)

Mình đoán người này ít nhất bằng tuổi chúng mình trở lên vì bài hát ấy có từ khi chúng mình còn nhỏ. Mình hát câu tiếp theo để thay cho một lời chào:

Étrange femme (2)

Và hỏi to:

– Mấy năm rồi ?

Tiếng trả lời vang vọng xa xa:

– Sáu năm rồi.

Sáu năm xà lim. Mình rợn người. Người ta quả có lòng kiên nhẫn. Người ta quả có lòng kiên nhẫn chờ mình lâu như thế. “Chúng tôi có đủ kiên nhẫn” dịch nghĩa ra là: “Anh không nhận thì anh cứ nằm mãi trong xà lim”. Phương chắc chắn cũng phải học bài học kiên nhẫn. Có anh tù chính trị nào thoát được bài học đó. Bài học kiên nhẫn mình còn đang học dở thì đã chuyển sang xà lim 75 rồi.

Hắn cởi truồng nằm trong xà lim, thiếp đi vì nóng. Và choàng tỉnh vì nóng. Người hầm hập. Mồ hôi toát ra. Hắn nhỏm dậy nhìn vết mồ hôi in thẫm trên những tấm ván lim thành hình một bộ xương người. Hắn ngắm nhìn bộ xương của hắn và nghĩ đến lúc chết. Hắn lẩm bẩm một mình:

(1) Nàng đã làm gì tình yêu của tôi

      Nàng đã làm gì hạnh phúc của tôi

(2) Ơi người đàn bà xa lạ.

– Xương mình to thật.

Hẳn trở dậy. Phải tắm. Phải lau đi cái mồ hôi dính nham nháp khắp người. Phải làm dịu mình một chút. Không chỉ hầm hập, ngột ngạt xà lim. Còn cháy trong người. Còn lò lửa trong óc.

Mình nghĩ đến cái bể nước nhà mình. Đến gáo nước đầy trong vắt múc lên giội từ vai hay đỉnh đầu trở xuống cho hạ nhiệt toàn thân. Thiên đường đấy. Và mình sẻ nuởc uống trong bô ra cái ca nhôm nửa lít. Tiêu chuẩn nước tắm của mình: Nửa lít bớt ra từ khoản nước uống. Nhúng khăn mặt vào ca. Lau. Lau từ mặt xuống cổ. Lau từ cổ xuống ngực. Xuống bụng. Dấp nước khăn mặt, rồi khoanh tay đập, đập vã vào lưng. Rồi lau xuống bẹn, xuống chân, cho đến khi cái khăn mặt nóng lên thì vắt nước đi. Vắt vào cái nắp bô vệ sinh để ngửa cho khỏi bắn nước bẩn trong bô ra ngoài. Rồi mới nghiêng nắp cho nước chảy vào bô. Cái thứ nước vắt ra ấy nâu nâu đen đặc nhơn nhớt. Bô đầy thì vắt nước lên tường xà lim cho nước ngấm vào tường. Cũng thấy người dễ chịu. Còn dễ chịu vì lúc tắm là lúc không để ý tới thời-gian-xà-lim. Nó qua đi mà chẳng tra tấn được mình như mọi lúc. Nhưng không lâu đã lại hầm hập. Không thể tắm nữa. Còn phải dành nước đế uống. Thì ngồi nhìn lũ kiến tha cơm…

Những con kiến bò ngoằn ngoèo vào tổ. Những con đi ra gặp những con đi về đều đứng lại. Như thăm hỏi. Lại cũng như kiểm tra. Hắn cố tình thả xuống một hòn cơm to. Lũ kiến bu lại. Đông. Rất đông. Không trông thấy cơm đâu. Như một hòn kiến động đậy. Cả những con kiến to cõng trên lưng những con kiến nhỏ. Nhiều loại kiến to. To kềnh. To vừa. Hơi to. Thuở nhỏ hắn và anh Văn hay chơi kiến. Đặt cho kiến các loại phẩm trật chức tước tùy theo kiến to kiến nhỏ khác nhau. Kiến vua. Kiến quan. Kiến cai. Kiến đội. Kiến quân. Hắn và anh Văn nghĩ ra một trò: Bắt châu chấu, cào cào đã bẻ càng thả cho kiến đốt. Cuộc chiến đấu thật quyết liệt. Trong những cuộc chiến như vậy bọn kiến cai, kiến đội được anh em hắn reo hò cổ vũ nhiều nhất.

Trong quyển Hải Đăng, nhà xuất bản đã ký hợp đồng in, nhưng hắn cứ nấn ná sửa đi sửa lại, rồi bị công an thu, có tả đàn kiến. Đó là kỷ niệm ấu thơ của hắn. Chỗ đó được nhà xuất bản rất khen. Cả đoạn tả con chuột nhắt nữa. Con chuột ở với người gác đèn biển. Bữa cơm, con chuột nhắt nhanh nhẹn chạy ra nhặt những hột cơm rơi và nhìn anh bằng đôi mắt đen láy. Nó là bạn của anh, là cư dân trên cái nhà đèn giữa biển. Nó làm anh đỡ cô đơn. Anh im lặng theo dõi cái sinh vật bé tí xíu ấy chạy chỗ nọ chỗ kia, nghe ngóng, tha thẩn. Nó cũng cô đơn như anh. Nhưng không hiểu nó có biết nó cô đơn không? Mong rằng nó không biết nó cô đơn, bởi vì điều ấy làm nó dễ sống hơn.

Thế rồi một hôm anh đùa với nó. Đùa hơi quá. Anh dang tay giậm chân đuổi nó, kéo cả những thứ dưới gầm giường, nơi nó vẫn ẩn nấp để dọa nó. Cu cậu sợ, vọt qua cửa sổ. Anh chạy ra nhìn theo nơi nó vừa nhẩy xuống. Ở chỗ ấy sóng biển sôi sục. Anh cứ đứng lì nhìn biển ào ào bọt trắng. Tiếc. Thương. Ân hận. Buồn rầu. Tự trách móc mình.

Mình viết những điều nó cứ vận vào mình. Trước đây mình cảm phục sự chịu đựng cô đơn của người anh hùng gác đèn biển. Nhưng anh ta còn có con chuột. Còn có bầu trời, mặt biển và những con tàu. Chúng mình đã bỏ xa anh ta. Bởi vì chúng mình sống trong xà lim. Những tiếng xà lim mình và Phương đã đọc trong những hồi ký cách mạng. Nó lấp lánh ánh hào quang cao cả, anh hùng, lãng mạn. Chúng mình cũng sống trong xà lim, nhưng không mang vầng hào quang ấy. Ngược lại đó là sự hạ nhục. Nhưng lương tâm chúng ta trong sáng. Và chúng ta bình đẳng với tất cả. Từ nay không ai có thể lòe chúng ta về chuyện tù đày, không ai có thể làm lóa mắt chúng ta về báu vật ấy.

Chỉ có điều chúng mình không thể nào hiểu nổi vì sao đang là đồng chí bỗng dưng lại biến ngay thành kẻ thù như vậy.

Hắn ngơ ngác nói với ông Lan:

– Thưa ông. Làm sao tôi lại chống Đảng, chống cách mạng. Không có cách mạng, tôi có thể làm gì? Một anh lý trưởng. Chánh tổng. Hoặc hương sư. Đảng đã trao cho tôi cây bút để tôi trở thành nhà văn. Cách mạng đã tạo nên một hiện thực phong phú anh hùng, tốt đẹp như thế để tôi thể hiện trong sáng tác. Rõ ràng các ông không hiểu tôi. Làm sao tôi lại đi chống cách mạng, chống Đảng.

Ông Lan đã tập hợp khá đầy đủ những yếu tố bất mãn của hắn: Không được đề bạt, ngoài Đảng, kêu ca mậu dịch, kêu ca cuộc sống khó khăn, tuyên bố không sáng tác, chán cả vợ con.

Vào xà lim ít ngày, nghe hỏi cung ít ngày, hắn đã quen. Hắn không thấy uất nghẹn nữa. Hắn đã quen với thói bẻ queo các hiện tượng phục vụ việc hãm hại hắn. Như hôm đầu tiên hắn được gọi. Nghĩa là ba hôm sau khi hắn bị bắt.

Ông Lan chỉ ghế cho hắn ngồi:

– Sao? Suy nghĩ nhiều lắm phải không?

Hắn cởi mở chân thành với tinh thần của người đồng chí:

– Thưa anh. Tôi không thể nghĩ được rằng tôi lại bị bắt.

Chưa đáp lại câu nói của hắn, ông Lan giảng giải về nội dung xưng hô cái đã:

– Các anh bây giờ là đối tượng của cách mạng. Chúng tôi là những người đại diện cho chính quyền. Các anh bất kể tuổi tác thế nào đều phải gọi chúng tôi là ông, là bà. Đây là nội quy chung. Nhưng riêng trường hợp anh có thể gọi tôi là anh cũng được.

Trong “lần thứ nhất giao duyên ” ấy mình đã được ông Lan đặt đúng vị trí của một tên tội phạm chống Đảng, chống chế độ. Và sự gia ân ông Lan dành cho mình mới to lớn làm sao: Được gọi cán bộ là anh! Bắt một người vô tội vào tù, biệt giam xà lim, rồi cho người ấy một biệt đãi được gọi cán bộ là anh. Làm sao mình có thể hiểu được họ. Phương có được ưu tiên như mình không. Và có sử dụng đặc ân ấy không?

Sau đó ông Lan mới giảng cho hắn về điều chính yếu một cách thản nhiên, gần như ôn tồn:

– Tất nhiên. Không một kẻ phạm tội nào lại nghĩ rằng mình bị bắt. Thằng ăn cắp nếu nó nghĩ nó sẽ bị bắt, nó đã chẳng đi ăn cắp. Con điếm cũng vậy. Nếu nó nghĩ nó sẽ bị bắt, nó đã chẳng đi làm điếm. Đó là quy luật.

Hắn thấy nghẹn ở cổ vì bảng xếp loại của ông Lan và việc hắn nghĩ hắn không thể bị bắt lại đúng quy luật của bọn tội phạm, chẳng có gì là lạ.

Nằm trong căn phòng của Phương, trong bóng tối của các cửa đóng kín, hắn trở về với những ngày đầu tiên ấy. Hắn được dẫn vào một phòng có những hai cái bàn. Một dành cho ông Lan. Và cái thứ hai chất đầy những bản thảo giấy tờ của hắn. Hắn được phép giở đống tang vật ấy. Xếp loại. Cùng với ông Lan xếp loại.

– Hải đăng Tiểu thuyết

– Hoa cau Truyện dài

– Làn sóng thứ nhất Tiểu thuyết

– Những người đang sống Kịch bản phim

– Những chuyện trên một vùng cửa biển Tập truyện ngắn

– Đầu cầu Trường ca

v. v…

Hơn một nghìn trang pơ-luya, với thứ chữ nhỏ ly ti. Miệt mài. Sao lại mộng du được dài như vậy. Hắn tự thấy hoảng lên vì kết quả lao động to lớn của chính hắn. Lẽ ra hắn đã được hàng nghìn đồng nhuận bút. Quyển Hải đăng nhà xuất bản đã vào kế hoạch, giục hắn đưa in nhiều lần, nhưng hắn còn cố sửa. Sửa đến từng dấu phẩy. Hắn muốn quyển đó là chef d’oeuvre(1)của hắn. Kịch bản Những người đang sống thì đã ký hợp đồng với xưởng phim và đã được ứng trước sảu trăm đồng. Đó là nhờ công sức của Nguyễn Vũ Phương.

Hắn lại được sờ vào những tờ giấy mà hắn đã mười năm miệt mài với bao mộng mơ, sự cố gắng vươn tới cái trần của mình, như một người thi đấu thể thao, luôn phải đạt mức cao nhất có thể đạt được. Lại cũng như một con kiến cần cù, kiên nhẫn tha từng bụi tấm về tổ. Trong một buổi hỏi cung sau này, hắn đã buộc lòng phải giảng giải cho ông chấp pháp để đáp lại lời buộc tội của ông là hắn bất mãn, chán không muốn viết, muốn bẻ bút.

– Thưa ông. Hơn một nghìn trang pơ-luya nếu in ra sẽ thành một nghìn năm trăm trang, nghĩa là dày bằng bộ Tam Quốc. Hãy cứ cho là tôi chỉ nháp có một lần và chép sạch một lần thì tôi đã viết ba nghìn trang. Mà phần lớn tôi viết về đêm, ngày lễ, ngày chủ nhật. Nếu chỉ viết Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Độc lập Tự do Hạnh phúc ngoài giờ chính quyền được ba nghìn trang cũng là một sức lao động không nhỏ. Đó là chưa kể còn phải lấy tài liệu, sống với nhân vật, suy nghĩ, sắp xếp…

Nhưng giờ đây những tập bản thảo ấy chỉ là những tờ giấy vô hồn. Làm gì có văn chương, cuộc sống, tiếng cười, tình yêu, mặt trời, biển cả. Những tờ giấy ấy chỉ đơn giản là tang vật của vụ án. Như một bộ quần áo ăn cắp, như một cái chìa khóa vạn năng có thể phá mọi ổ khóa, như một đống tài liệu phong phú để lật tẩy bộ mặt thật tội lỗi của hắn. Hẳn ông Lan tin chắc rằng sẽ tìm thấy những câu, những chữ, những ý nào đấy chứng tỏ hắn là kẻ xỏ xiên, bất mãn, căm ghét chế độ. Ông hỏi hắn về những tờ giấy rời, sắp xếp nó vào đúng tập như một biên tập viên nhà xuất bản nhiệt tình, ân cần, trách nhiệm.

Lúc ấy mình không nghĩ gì, Phương ơi. Những bản thảo của mình sao xa lạ thế. Mình dửng dưng với nó. Khi người ta bị bắt, bị nhốt vào xà lim, nghệ thuật là vô nghĩa. Hơn thế còn là một sự mỉa mai, giễu cợt. Lúc bấy giờ

 

(1) Tác phẩm chủ chốt

mình vĩnh biệt chúng mà mình không biết. Mình vẫn tin rằng chúng sẽ trở về với mình, vì chúng đươc viết ra với những ý nghĩ tốt đẹp thế cơ mà! Rồi họ sẽ hiểu mình. Mình sẽ được ra. Đây chỉ là sự hiểu lầm đáng tiếc. Chúng sẽ trở về với mình. Lúc ấy mình đâu đã biết được đặc tính “Không bao giờ mắc sai lầm, luôn luôn đúng, luôn luôn công minh sáng suốt” của họ. Bởi vậy sau này nhớ lại lần soạn bản thảo sáng hôm ấy mình mới hiểu ra rằng mình là một người bố sắp bị hành quyết được sờ vào thi thể các con mình.

Ông Lan giở một bọc nhỏ. Nhìn vào, hắn biết ngay là họ đã về quê khám nhà bố hắn. Truyện Con dế trong căn buồng ông thuyền trưởng để ở quê nay cũng đã nằm trên bàn.

Khổ thân bố. Bố là người được cả huyện kính nể nay phải mang vết nhục này. Khi ông Lan lập biên bản về những bản thảo, sổ tay, thư từ nhật ký xong và hắn đã ký vào đó, ông hỏi hắn:

– Anh còn giấy tờ cần chuyển về cơ quan hay gia đình không? Chị ấy vẫn ở trên trường, chưa về. Chúng tôi đã về quê, gặp cụ. Nói chung là cụ xác định được.

Lúc bấy giờ mình mới nhớ ra. Mình móc túi áo. Mảnh biên lai may áo sơ-mi. Cái giấy công tác đi ngoại thành và gần chục cái vé phà, mỗi vé năm xu. Mình gửi cả cho ông Lan. Để ông ấy đưa cho Ngọc. Trở về xà lim, mình hiểu rằng mình không còn chút liên hệ nào với cuộc đời nữa. Và nghĩ đành phải chờ thôi. Cắn răng lại mà chờ thôi. Chờ người ta đọc. Chờ người ta hiểu. Chờ thời gian. Thời gian xà lim thì Phương đã biết nó thế nào rồi. Mà thời gian xà lim cũng chỉ mới là khúc dạo đầu.

Comments are closed.