CÁI ĐUÔI

Truyện ngắn Uông Tăng Kỳ

(Wang Zengqi 汪曾祺 – nhà văn Trung Quốc, 1920 – 1997 )

Sinh năm 1920 tại Cao Bưu, tỉnh Giang Tô, tiếp thu nền giáo dục truyền thống, nhưng sớm có xu hướng thiên về khoa học tự nhiên- toán, lý, hoá, tự tìm hiểu thơ ca, chịu khó chép lại những bài thơ cổ đời nhà Tống, thường gợi nỗi buồn ly biệt, chủ đề mà Uông Tăng Kỳ thường nhắc đến trong truyện của mình sau này.

Năm 1939, ông chuyển về Vân Nam, thi vào khoa Văn học Trung Quốc, Trường Đại học Liên hợp Tây Nam. Thời gian này, ông viết những truyện ngắn đầu tiên: “Tiểu học giáo đích chung thanh” (Tiếng chuông trường tiểu học) và “Phục cừu” (Trả thù).

Từ 1948 đến 1958, ông biên tập cho nhiều tạp chí văn học- nghệ thuật ở Bắc Kinh, rồi chuyển sang viết kịch bản ca kịch, chuyên viết cho Đoàn Kinh kịch Bắc Kinh.

Uông Tăng Kỳ được nhắc đến nhiều nhất như một tác giả truyện ngắn, nổi tiếng nhất là “Thụ giới” , “Đại náo ký sự” (Giải truyện ngắn xuất sắc năm 1981), “Tuế hàn tam hữu”. Không khí truyện của Uông Tăng Kỳ là hoài niệm quá khứ, nhắc đến những lễ hội truyền thống, nghi thức tôn giáo, sinh hoạt đời thường của người dân…, báo hiệu khuynh hướng “tầm căn văn học” ( tìm về nguồn).

Cố vấn về nguồn nhân lực Hoàng là một nhân vật rất thú vị. Thực vậy, xí nghiệp không hề có cái chức danh kỳ lạ này, “cố vấn về nguồn nhân lực”, đơn giản chỉ vì ông ấy đã công tác quá nhiều năm ở phòng nhân sự nên biết rõ hết đường tơ kẽ tóc. Hơn nữa, hai năm trở lại đây, ông đã già đi, sức khoẻ suy giảm, ông thường than van đủ thứ bệnh tật, lại cao huyết áp, và ông đã đề nghị để chỉ làm cố vấn, do phần lớn vấn đề người ta thường tham khảo ý kiến ông đều liên quan đến nhân sự, nên mọi người gọi ông là cố vấn về nguồn nhân lực. Ban đầu có vẻ như chỉ là một biệt hiệu, nhưng rồi nghe mãi lại thành ra một chức danh hoàn toàn chính thức. Khi nào có thể tránh, ông chẳng tham dự cuộc họp nào liên quan đến vấn đề nhân sự. Còn khi có mặt, có lúc ông lên tiếng, có lúc chẳng nói gì. Và khi ông phát biểu, nhiều người tỏ ra rất thích, có người không. Ông đọc đủ loại sách và thích kể chuyện. Ngay trong những cuộc họp quan trọng nhất ông cũng kể chuyện. Sau đây là một chuyện như thế.

Trong xí nghiệp kia, anh kỹ sư tên Linh chuẩn bị được đề bạt chức kỹ sư trưởng. Tuy nhiên việc này chưa được sự đồng thuận của ban lãnh đạo, nhiều người tán thành, có người phản đối, và họp đi họp lại nhiều lần vẫn chưa đi đến thống nhất. Lý lẽ của những người tán thành thì không cần bàn, còn ý kiến những người phản đối có thể tóm tắt ở mấy điểm:

1.Lý lịch gia đình xấu: gia đình tư sản.

2.Quan hệ xã hội phức tạp, quan hệ với nước ngoài, có anh họ đang ở Đài Loan.

3.Có nhiều phát biểu hữu khuynh vào lúc có chiến dịch chống hữu khuynh.

4.Quan hệ quần chúng không tốt, hay phát biểu châm chọc…

Sự phản đối mạnh nhất là từ một người tên là Đồng, trưởng phòng nhân sự, một kẻ dễ kích động, không thể lý luận chặt chẽ, hợp lẽ nên thường chỉ biết lặp lại mấy chữ: “Dân trí thức! Xì, trí thức!”, đỏ mặt tía tai.

Ông cố vấn về nguồn nhân lực tham dự nhiều buổi họp mà không phát biểu ý kiến. Và bí thư chi bộ nói với ông: “Sao, ông Hoàng, cho chúng tôi biết ý kiến đi chứ!”. Ông Hoàng thong thả, nói từ tốn:

“Tôi xin kể hầu quý vị một câu chuyện. Xưa có người tên Nghệ Tử. Một hôm khi ngồi trên chiếc thuyền neo bên bờ sông, giữa đêm khuya, ông nghe tiếng khóc vọng lên từ dưới nước. Chú ý lắng tai nghe ông mới biết là đám tiểu dân dưới nước đang khóc. Ông hỏi lý do thì được trả lời: Long vương ra lệnh cho chúng tôi giết hết loài thuỷ dân nào có đuôi, vậy nên chúng tôi mới khóc. Nghe mấy lời đó lòng Nghệ Tử thấy thương cảm. Tuy nhiên khi nhìn gần hơn ông thấy có một con ếch cũng khóc. Ông bèn hỏi: Sao chú cũng khóc? Chú đâu có đuôi!

Và con ếch đáp: Vâng, nhưng tôi sợ là Long Vương biết được rằng có thời tôi là nòng nọc”.

THÂN TRỌNG SƠN

Dịch theo bản tiếng Pháp của Brigitte Duzan

( Nguồn : chinese-shortstories.com )

Comments are closed.