Cõi yên nghỉ

Truyện Lữ Quỳnh

LU QUYNH.Phan Nguyên

* Chân dung Lữ Quỳnh – Phan Nguyên vẽ.

Nhìn những con chim ngậm cỏ ríu rít bay về rúc vào cuối mái hiên lớp học trong ánh nắng nhạt nhòa của một ngày sắp tắt, Lam cố nén tiếng thở dài trong cổ và cảm thấy cả vuông ngực căng tức khó chịu. Những hình ảnh thuộc ngày tháng nào mà Lam lười biếng không muốn nhớ, đang hiện ra lù mù, lãng đãng trong trí như sương muối những buổi sớm mai thức dậy đánh răng nhìn qua cửa kính. Lam vốn sợ những phút sống hãi hùng mà đối tượng có khi chỉ là một thoáng nắng, chút phất phơ của cành liễu, hay những vỏ ốc vụn vỡ lẫn với cát trắng trên con đường mòn mỗi ngày đi về mấy bận.

Lam cố xua đuổi những hình ảnh đó. Nhưng đã nhiều lần hình như cùng lúc với sự cố gắng khổ sở, Lam mặc cho tâm hồn mềm ra trong mỗi phút giây chờ đợi giờ về, để được đi dưới hàng liễu thấp có thể vói tay ngắt vài lá ngậm giữa vành môi. Lam chợt buồn ứa nước mắt khi so sánh mình với những con chim mỗi chiều tha rác về làm tổ dưới mái hiên lớp học. Các tổ ấm bằng cỏ ấm êm chỉ có trong truyện cổ tích, và cũng chỉ có trong ước mơ những ngày còn thơ ấu của mình.

Lam tựa lưng vào khung cửa, đưa mắt nhìn bàn ghế nằm ngay ngắn giữa phòng. Ngoài tiếng chim kêu đầu hiên thật nổi, tiếng sóng biển từ xa vọng vào trầm uẩn như những âm thanh vẳng dội từ tâm hồn. Đám học trò giờ này đang quây quần quanh mâm cơm chiều với mẹ cha. Đám học trò chia tay nhau ở lớp, để sum họp lại dưới mỗi mái nhà. Còn Lam, cô giáo của chúng vẫn đứng đây đang bùi ngùi nghĩ tới căn phòng trọ và ngại ngùng không muốn bước trở về trên con đường hằng làm  tâm hồn đau buốt.

Tấm bảng đen được xóa sạch sau giờ học cuối ngày. Lam nhìn những bụi phấn đóng dày trên mép bảng. Những bụi phấn làm sao xếp lại nguyên hình những dòng chữ đã viết ra? Biết mỗi lần xóa đi là không bao giờ có lại, nên Lam vẫn ngập ngừng mỗi khi nhắc đứa học trò trực lên xóa bảng. Bàn tay nhỏ nhắn vô tư nhưng thật thô bạo của đứa học trò không bao giờ biết tới nỗi xót xa của cô giáo mình trong giây phút đó.

Lam nhìn ra vòm trời xanh. Mặt trời như một đốm lửa hồng tắt dần  cuối ngọn đồi. Lam thả cho những sợi tóc dài bay bay trong gió. Những sợi tóc nồng nàn một đêm nào Lam dùng năm ngón tay chải trong bóng tối để thấy nó cũng buồn như thoáng nắng của trời, như âm vọng của biển khơi và Lam đã nhìn tóc mình mà khóc. Những sợi tóc cô đơn, thừa thãi đến tội nghiệp kể từ ngày Hiển tra đi. Bấy giờ Lam không thể tưởng tượng ra nỗi đau đớn của mình như thế nào. Người đi mang theo hình ảnh của một người với những kỷ niệm. Còn kẻ ở lại, phải sống với tất cả không gian mà mỗi dấu tích như vết xước trên da thịt đau rát vô ngần. Làm sao Lam có thể bình yên được?

Con đường với những vỏ ngao ốc vụn vỡ lấp lánh dưới nắng chiều những lần Lam đi qua, cùng tiếng liễu vi vu trong gió, như kéo tháng ngày dài thêm hun hút. Lam không còn nghĩ gì, không còn cảm thấy gì. Thời gian chỉ có ý nghĩa khi có đợi chờ, khi có những sắp đặt cho đời sống. Còn Lam bây giờ, cuộc sống lúc nào cũng như rã ra, sắp biến tan thành bèo bọt. Lam không biết sống để làm gì, nhưng chưa bao giờ Lam có ý định chấm dứt sự vô ích đó cả. Biết đâu những kỷ niệm, những vỏ ốc vụn vỡ lẫn với cát trắng kia sẽ lần hồi cắt chết Lam. Những sợi liễu cũng thắt dần trái tim Lam lại. Lam bước đi, nghe mình đang lả dần theo bóng ngày. Bàn ghế trong lớp nhập nhòa bóng tối. Lam thẫn thờ bước xuống những bậc cấp. Con đường cát đã đổi màu đen thẫm, những vỏ ngao ốc không còn nhận ra được với cát. Liễu cũng mờ nhạt trên nền trời.

Hình ảnh nhắc tới những kỷ niệm làm tâm hồn đau đớn đến hãi hùng. Lam nhủ thầm hãy về đi. Thôi hãy về đi. Bóng đêm đã cất kỹ những dấu tích của chàng. Lam bước chậm rãi. Cát mềm dưới chân. Sao lên vời vợi cả vòm trời.

Lúc đi qua chiếc cầu nhỏ để vào nhà, Lam thấy ánh sáng ở phòng mình chiếu hắt ra một khoảng sân. Chị Ánh ngồi ở bậc thềm đùa với lũ con. Lam hiện ra cuối sân lặng lẽ. Chị Ánh bỏ vào nhà, mặc cho bọn trẻ chạy về phía Lam nói cười ríu rít. Cô về rồi. Sao cô về tối thế. Cô cho em hoa từ bi trên tay cô đi. Lam cười nhỏ nhẹ với lũ trẻ. Từ bi, tên một loài hoa dại do chàng đặt đó, bây giờ đã trở nên quen thuộc trên môi những đứa trẻ. Lam nghe lòng thắt lại bước nhanh về phòng. Khi vừa đến ngưỡng cửa, Lam đứng khựng lại nhìn sững gối chăn mùng nệm sách vở… Những thứ đã biến căn phòng lạnh lẽo như một chiếc quan tài mà ngày xưa các cụ thường sắm trước cho mình yên tâm nhắm mắt. Các cụ mỗi ngày vẫn bình thản ngắm nhìn chiếc quan tài đó, lau chùi nó và trong lòng hẳn phải toại nguyện lắm. Còn Lam bây giờ mỗi ngày nhìn căn phòng của mình bằng đôi mắt không còn chút sinh động, với cuộc sống  không một cảm giác gợn vọng nào để có thể ý thức được mình đang sống. Đang sống, chỉ có thế thôi. Sống đây hay nằm sau quan tài kia thì có khác gì.

Lam thay áo quần trở ra phòng trước, đứng vịn tay trên lưng ghế nhìn mâm cơm nguội lạnh trên bàn. Tiếng chị Ánh nổi lên đâu đó, nhắc Lam về bữa ăn đã dọn sẵn. Lam trả lời mà không nghe nổi tiếng mình, không biết cả ý nghĩ mình. Những miếng cơm nghẹn ngào Lam ăn mà có cảm tưởng đang nuốt rơm rạ xuống cổ. Nước mắt Lam chỉ chực trào ra. Những bữa cơm một mình như thế này đã có trong suốt  hai mươi mấy năm Lam sống ở đời không biết còn tiếp tục cho đến bao giờ? Hiển đã đi rồi. Hiển đã xa rồi. Một lần Hiển đi rồi. Hai lần Hiển đi rồi. Nhưng đến lần thứ ba thì không bao giờ có thể còn lần thứ tư để chàng ra đi nữa. Bởi chàng đã nằm xuống trong lần ra đi đó. Không biết cánh rừng nào là điểm khởi hành cho cuộc đi cuối cùng của chàng? Tấc đất nào, đám cỏ nào là nơi cuối cùng nhận chàng vĩnh viễn? Lam không biết. Lam làm sao mà biết được. Chắc chắn ở đó thiếu cảnh bao dung của đại dương, thiếu hạnh phúc của sự yên ổn. Ở đó chỉ có sự hẹp hòi của thù hận, chỉ có mưu toan, cường lực và sự lạnh giá của trái tim. Hiển làm sao mà sống được khi bị rơi vào những cùm kẹp ấy. Hiển ơi, nơi ấy hẳn cũng thiếu những cánh hoa từ bi để làm anh nhớ em thắt ruột.

Mỗi lần cái quá khứ bi thảm đó trở về, tất cả Lam như tê liệt hẳn. Nàng vô tri như đá. Đau đớn sóng ngầm và những giọt nước mắt là lệ đá. Âm thầm, sự âm thầm như thuốc ngủ làm đời Lam mê thiếp mãi. Và nàng cũng chẳng muốn gì hơn.

Hiển chập chờn hiện về trong mê sảng, cho Lam thảng thốt không nhận ra tiếng mình réo gọi. Rồi quá khứ như một cuốn phim cũ được quay lại với những hình ảnh đã rách bươm chập chờn ma quái. Hiển đấy. Hiển với áo ka ki quần nâu bạc phếch, mái tóc rối bời, đôi mắt lõm sâu đang ở Câu lạc bộ Thành phố nơi đầu não của cuộc đấu tranh, đòi chủ quyền dân tộc. Cuộc đấu tranh như khối lửa âm ỷ được nhóm lên từ ý chí của mọi tầng lớp xã hội. Đó cũng là niềm hãnh diện cùng nỗi lo âu của những mẹ già, những người chị yếu đuối cho con cho em mình với tay trắng với lòng trong, chỉ có duy nhất tấm lòng rất dễ bắt lửa ái quốc thôi… Trong những ngày đó, Lam lặng lẽ đi sau Hiển, Lam lặng lẽ đứng chờ chàng trước mái hiên một quán nước đối diện Câu lạc bộ Thành phố. Dù cho không biết giờ nào chàng xuất hiện. Lam chỉ lặng lẽ như chiếc bóng của chàng giữa đất trời âm u bất trắc.

Lam biết Hiển đang cần sự yên lặng. Trong mắt Hiền, Lam đã đọc thấy niềm phẫn uất khổ đau. Phải chăng đó là niềm đau của một thanh niên trước sự mất còn của đất nước? Câu hỏi làm Lam bàng hoàng. Lòng yêu nước… Lam thường cảm thấy ơ hờ qua những bài công dân không ngờ lúc này nó đang là những cảm xúc có thật, nó đang chạy rần rần trong máu, nó đang làm hồi hộp con tim vì sự chờ đợi. Lam theo Hiển như rình mò một cách tội nghiệp. Lam nhìn dáng chàng xiêu đổ, nhìn áo quần chàng xốc xếch với những bước đi mỏi mệt mà chảy nước mắt.

Về nhà, Hiển vào ngồi trầm ngâm ở bàn viết. Lam rón rén đứng sau lưng nhìn đôi vai thật ngang và mái tóc rối bời lốm đốm bụi trắng của chàng. Lúc đó, Lam muốn ôm chầm lấy chàng mà khóc. Lam không thể chịu nổi hình ảnh khốn khổ đó. Lam muốn cản ngăn chàng. Nhưng  ý nghĩ đó chưa đủ mạnh để nàng có cử động nào. Lam đứng yên một lúc rồi rón rén bước đến ngồi xuống cạnh chàng. Lam không thốt được lời nào, lặng lẽ úp mặt xuống bàn mặc cho nước mắt trào ra. Hiển vẫn im lặng, đôi mắt dán chặt vào những cuốn sách vô tri trước mặt. Chàng ngồi đó như tượng. Nhưng cái gì đã làm chàng có thể ngồi chết như tượng thế được? Nghĩ đến sự hy sinh đang có ở chàng, Lam cảm thấy một nỗi hờn ghen vô hình tràn ngập lòng mình. Lam nhìn sững Hiển và thấy sự im lặng của chàng nghiêm nghị quá. Sự im lặng đầy uy lực làm Lam không dám có cử chỉ nào.

Sự im lặng cùng nỗi phiền muộn trong lòng hai người kéo dài ra cho đến khi Hiển vụt đứng dậy, lạnh lùng bước ra cửa. Bấy giờ sức chịu đựng của Lam đã hết, Lam gọi chàng thất thanh. Hiển dừng lại với khuôn mặt lạnh lùng đến tàn nhẫn. Chàng hỏi nghiêm nghị: Lam muốn giúp anh gì chăng? Nước mắt chảy ràn rụa xuống má xuống môi mặn chát. Lam bật khóc thành tiếng, khóc như trẻ con hãi hùng trước bóng đêm khi ngọn đèn ngủ ở đầu giường vụt tắt. Lam tức tưởi thét lên không ngượng ngùng: Em không thể nào giúp anh được cả, anh đừng tàn nhẫn quá như thế. Nhưng nếu anh nghĩ anh phải đạt được mục đích nào đó mà cần đến cả cuộc sống em, thì em sẵn sàng… Lam thấy đôi mắt Hiển sụp xuống. Lam biết chàng đang nghe mình,đang nghe tiếng nói của mình, nhưng chưa hẳn chàng đã nghe những điều muốn nói của Lam. Nên Lam nói tiếp: Em biết anh đã nghĩ kỹ, đã có nhiều lý do khi chấp nhận cuộc tranh đấu. Em hãnh diện về anh. Nhưng em  mong anh hãy nghĩ tới em một chút, một chút thôi. Có ích kỷ, có tư riêng đấy, nhưng anh cũng phải biết rằng em của anh chỉ là con gái, vô cùng yếu đuối và chỉ có một mình anh. Lam không cầm được tiếng nức nở, làm Hiển phải đưa tay bụm lấy môi Lam. Trong hơi ấm của bàn tay chàng, Lam nghe tiếng chàng thất rõ: Anh nghĩ kỹ lắm rồi. Anh chấp nhận. Anh thường chỉ sợ anh phải chết bởi những lý do vô ích, không bởi mình. Cái đau đớn nhất đối với anh là ở đó, chết vì những lý do không bởi mình.

Khi câu nói của Hiển dứt thì Lam cũng vừa nhận ra chàng đang bước nhanh xuống những bậc thềm. Lam ngồi gục đầu xuống trên bậc cấp thứ nhất. Nỗi đau đớn biến thành sự thản nhiên trong lòng. Lam gục xuống  với sự héo úa trong ánh ngày sắp tắt.

Sáng hôm sau Lam đi ngang Câu lạc bộ Thành phố nhìn vào. Lam nghe nhói ở tim khi thấy khoảng sân vắng hoe. Những bãi cỏ xác xơ rác rến bởi bước chân người đông đảo những ngày trước. Lam hiểu bọn Hiển đã ra đi. Họ đã khởi sự hành động. Và giờ này đối với Lam, một đứa con gái yếu đuối chỉ còn biết đợi chờ và cầu nguyện. Lam cố giấu nỗi lo lắng, nhưng nỗi lo lắng cứ thấp thỏm trong lòng. Lam bước đi như kẻ mất hồn trong không khí buồn thảm bao trùm cả thành phố.

Những đại lộ chạy dài im vắng. Chợ búa vắng tanh.Phố xá đóng cửa. Cây cầu bắc qua thành phố soi mình trên mặt sông u ám. Đài phát thanh với những bản nhạc hùng tráng trổi liên hồi. Và Lam cũng cảm nhận được trong lòng người nỗi tưng bừng đấu tranh. Cũng nghe rõ nhịp tim yêu nước đang hân hoan rộn rã. Lam nghĩ trong nhịp tim của thành phố như vậy, Hiển hành động là phải. Lam chỉ áy náy khi những kinh nghiệm lịch sử đọc được bắt nàng so sánh với hành động, những hy sinh lúc này của Hiển và bạn bè anh. Những hy sinh bao giờ cũng đẹp đẽ, nhưng sự mất mát thì quá lớn lao. Đôi khi sự mất mát còn làm xúc phạm đến những hy sinh mà mình vừa dâng hiến. Chưa kể những lường đảo, lợi dụng, phản trắc đằng sau những lời lẽ yêu nước. Nhưng những người trẻ như Hiển chỉ hành động bằng trái tim của họ,bằng niềm tin và lòng yêu thương từ quần chúng, từ những người cùng họ đập một nhịp tim, cùng san sẻ những giọt nước mắt những nụ cười. Chỉ một vắt cơm với muối vừng của chị tiểu thương chợ Đông Ba, chỉ một nụ cười trong giọt nước mắt cùa vị bô lão hé cửa nhìn đoàn xe chở họ ra đi khi trời còn tối cũng quá đủ cho bọn  Hiển chấp nhận hy sinh.

Và sự chấp nhận trước ấy của Hiển đã xảy ra ngay sau đó. Cuộc tranh đấu thất bại. Lương tâm và lòng ái quốc không chưa đủ. Dân tộc lại tiếp tục chịu đựng thêm. Những đầu răng của người Việt Nam nghiến lại. Tuổi trẻ tắt mỗi ngày trên quê hương càng nhiều. Hiển bặt tin cho đến một ngày Lam cay đắng cầm tin chàng chết. Lam nghĩ có phải những người đã chết đều chết cho tổ quốc? Có một cái gì bất an thiếu công bằng cho những người nằm xuống. Lam cảm thấy chua xót về những sự nhân danh mà người sống đã gán ghép cho họ. Lam chỉ cầu xin cho. Hiển một góc rừng vắng vẻ nào đó với sự yên nghỉ của chàng. Bởi Hiển khởi sự bằng chính máu mình làm vốn liếng, nên khi ngã xuống chàng chẳng có nợ nần. Tuổi trẻ chàng thật quá sòng phẳng.

Hiển không bao giờ trở về nữa. Nhưng mục đích, cũng là ước mơ của chàng vẫn còn đó. Qua ký ức Lam và qua tâm hồn những người trẻ khác, Lam không nghĩ mình mơ mộng khi ao ước linh hồn chàng được biến thành một ngôi sao hiện ra trên vòm trời khuya.

Chị Ánh bước qua khung cửa, bỗng ngừng lại sững sờ nhìn Lam với đũa chén trên tay hờ hững. Mâm cơm nguội lạnh còn nguyên trên bàn. Lam ngồi bất động, hai mắt mở lớn thất thần. Khuôn mặt thì ràn rụa nước mắt. Chị Ánh muốn phá vỡ sự im lặng, chị bảo lũ con vào chỗ ngủ. Tiếng nói của chị dội lên, Lam ngỡ ngàng như tiếng sét vừa bung ra làm nàng bàng hoàng. Lam run rẩy đứng dậy không tự chủ nổi, xin lỗi chị Ánh rồi bước vào phòng. Người đàn bà ái ngại nhìn theo. Lam nằm lả xuống giường, đưa mắt nhìn lên những gáy sách dựng đứng trong chiếc tủ nhỏ. Chợt Lam ngừng mắt lại ngắm những viên thuốc ngủ trong chiếc hộp bằng nhựa trong. Những viên thuốc mỗi đêm đã đưa Lam vào giấc ngủ dễ dàng. Có thể nào có giấc ngủ dài cả một đời không? Lam mỉm cười xanh xao.

Lam cầm tờ báo trên bàn lướt đọc nhưng không đọc được gì. Những tĩnh từ không thay đổi mỗi ngày được in bằng chữ lớn trên trang nhất làm mi mắt Lam sụp xuống. Những tiếng hòa bình, tự do, dân chủ đó đã dìm Lam xuống đến ngộp thở. Lam cố vùng thoát nhưng hai cánh tay vẫn xuôi rã rời không cử động được. Sự mệt mỏi của tâm hồn trong ngày tháng qua đã thay những viên thuốc ngủ đưa Lam vào cõi yên nghỉ rồi chăng?

Comments are closed.