Cơn bấn loạn dưới đất (5)

Tiểu thuyết Nguyễn Viện

 

Năm 1976. Tất cả chuông nhà thờ, nhà chùa đều rền rĩ vang lên giờ báo tử. Chúa sẽ ra tay uy quyền cho người giàu có trở về tay không và đưa người hèn mọn lên. Nhưng trước khi Chúa kịp ra tay, nàng đã giúp gia đình chồng tẩu tán toàn bộ tài sản đến những người họ hàng nghèo khó. Ban cải tạo công thương nghiệp cho cạy tủ, đào bới nền nhà và moi móc tất cả mọi ngõ ngách nhà chồng nàng chỉ để thấy một nỗi ai oán. Toàn bộ hàng hóa gửi gắm họ hàng sau đợt cải tạo ấy không ai trả lại. Họ bảo nếu họ không lấy thì nhà nước cũng lấy mất. Cuộc cách mạng vô sản thiếu phần chuyên chính này được nàng hoàn chỉnh đoạn kết. Ðến từng nhà mà trước đây gia đình đã nhờ cất giấu tài sản, nàng điều đình: Các bác đều biết đấy là mồ hôi nước mắt của gia đình tôi. Ðể đền ơn các bác đã tiếp tay cho tư sản mại bản thoát khỏi sự trừng phạt của nhân dân (tội này cũng dễ bị bắt đi cải tạo lắm), tôi đề nghị các bác cho mua lại với giá vốn. nếu bác nào không đồng ý, tôi nhờ công an giải quyết giùm. Sòng phẳng kiểu giang hồ, nàng thu hồi được toàn bộ số hàng hóa đã gửi và bán đi với số lời gấp hai mươi lần. Sự biết ơn của gia đình chồng đã cho phép nàng tự do đi lại với tôi, đồng thời tìm kiếm mọi cơ hội để nàng vượt biên cho khuất mắt.

Ngày 16.3.2004. Cô gái nằm nhắm mắt. Tôi hỏi: Em say à? Không. Nàng ngồi dậy. Nào uống tiếp. Em cần phải uống cho lũ chúng nó làm giàu. Anh có giàu không? Anh bo em bao nhiêu? Muốn gì em cũng chiều.

Năm 1979. Nàng nói: Em muốn đi xem phim. Chúng tôi vào REX B. Phim Ba Lan. Gái Ðông Âu đẹp hơn Tây Âu. Tôi luồn tay vào trong áo nàng, mân mê bầu vú. Nàng bảo âu yếm nhau nơi công cộng cũng thú vị. Tôi nói: Suốt thời đi học, anh vẫn ao ước được dẫn gái vào rạp bóp vú.

Ngày 16.3.2004. Má mì gõ cửa bước vào. Cô gái rót bia. Mời anh, má mì cầm ly, chào mừng Trung Quốc đưa người vào vũ trụ. Chúc mừng em hết kinh. Tin thời sự cuối ngày cho biết ông Arafat đau bụng. Hàng ngàn người biểu tình chống chuyến thăm Philippines của tổng thống Mỹ. Tôi xoa mông má mì, nhớ mùi da nồng của người đàn bà hơn hai mươi năm trước.

Năm 1980. Chiều mai em xuống Vũng Tàu, nàng nói. Anh đưa em đi. Thôi, coi chừng đi tù oan. Nàng kể: Người ta dẫn em đến một căn nhà trong xóm. Ở đó, đã có bốn năm người cùng chờ vượt biên như em. Ðến chập tối thì căn nhà đông nghẹt. Con đường đi ra chỗ tàu phải qua một cánh đồng. Bất ngờ một ngọn đèn pha từ trong xóm quét trên bờ ruộng. Người dẫn đường hô nằm xuống. Ngọn đèn quét đi quét lại một lúc lâu rồi tắt hẳn. Khi em đứng dậy thì không còn ai. Em lủi thủi lần mò quay lại trong xóm. Không dám gõ cửa nhà ai. Em ngủ ngồi suốt đêm ngoài sân nhà người ta chờ sáng đón xe về lại Sài Gòn. Gần mười lần như thế, chưa bao giờ nhìn thấy tàu bè. Một lần khác, cũng ở Vũng Tàu, khi mọi người đang tụ tập trong nhà chuẩn bị xuống bến thì du kích xuất hiện ngay cửa. Họ hô đứng im. Một người nào đó đã nhảy ra ôm anh du kích. Tiếng đạn nổ, mọi người bỏ chạy. Ðêm đó, em ngâm nước dưới ruộng tới khi chuông nhà thờ đổ lễ sáng. Còn có một lần ngay tại con kinh bên quận Tám. Gã chủ đò bảo em ẩn vào trong cái lu đựng nước ngọt. Cảm thấy điều ấy ngu xuẩn, em không vào, nhất định ngồi ngoài. Khi chiếc ghe tách bến, không biết vì lý do gì, nó lật nghiêng. Tất cả những người chui vào trong lu đều chết. Tôi hỏi: Em vẫn chưa sợ à? Nàng bảo có nhiều điều còn đáng sợ hơn cả cái chết.

Ngày 16.3.2004. Má mì nói: Em mời anh một món nhé. Tôi vẫn xoa mông má mì. Thực đơn của ngày là một cơn mưa. Cô gái bên tay trái nép sát vào tôi. Chàng thanh niên chạy bàn gõ cửa thò đầu vào nói: Liên có điện thoại. Cô gái xin lỗi đứng dậy. Tôi nói với má mì: Cứ để nó chạy sô.

Năm 1980. Anh tìm mua giùm em khẩu M 79 được không? Em sử dụng à? Không, chủ tàu. Chủ tàu thì để nó lo. Em muốn có một khẩu Colt 45 hoặc K 54. Anh nghĩ nó chỉ rắc rối và nguy hiểm hơn. Em không muốn bọn cướp biển sờ vào em.

Ngày 16.3.2004. Tôi chui vào một phòng ngủ có rất nhiều chữ viết trên đầu giường và những hình vẽ bộ phận sinh dục. Cô gái nói: Anh có thể viết hoặc vẽ bất cứ cái gì cũng được. Mỗi người ngủ với em đều làm thế à? Dạ. Nàng đưa cho tôi cây bút. Tôi viết: Khoan cắt bêtông, phone 08.8888888.

Bốn mươi phần trăm người dân không được dùng nước sạch. Ba phần tư nhân loại sống dưới mức nghèo khổ. Ðồng chí Elsin hỏi ý kiến Mỹ trước khi bắn vào tòa nhà quốc hội Liên bang Xô viết. Gấu bị săn bắt bất hợp pháp. Triều cường ở thành phố Hồ Chí Minh làm nhiều con phố ngập lụt. Cơn bão mặt trời làm thông tin nghẽn mạch. Cô gái bảo em sẽ lấy chồng. Tú bà đốt phong long trước cửa. Cuốn tiểu thuyết bị tịch thu. Cô gái viết tôi đứng dạng chân dưới gốc cây xù xì để cho gã trai đâm vào đáy tử cung nước bắn ra tung tóe ướt cả đùi mở mắt nhìn khuôn mặt con đực rồi tôi lạnh lùng thả váy xuống. Cơn cớ chịu chơi cuối mùa hiu quạnh, tôi hỏi chơi tiếp nhé? Cô gái nói anh đọc văn chương thế à? Không đọc thế thì đọc thế lào? Triết lý cũng là để hành động. Văn chương cũng là để đồng hành. Bọn ấm ớ bảo văn chương là cuộc chơi. Thế thì chúng mày có dám chơi tới bến không? Tôi hỏi cô gái trời sáng chưa? Cứ ngủ thì trời sẽ không bao giờ sáng, cô gái nói. Vậy thì ngủ. Hãy trùm cho anh cái chăn. Thế giới trong chăn con sâu ủ dột, con cua lột vỏ.

Em đã đi rồi ư? Nếu như anh mua cho em khẩu súng thì em có bị hiếp không? Trên thuyền, bọn đàn ông run bần bật, nàng kể trong thư cho tôi, bọn cướp biển run một chi giữa, còn bọn đồng hội đồng thuyền thì cả tứ chi đều run. Ðã có lúc em ưỡn người lên cho tất cả đàn ông được thấy. Có thể là em đã hạ nhục mọi người khi mọi người để em bị hạ nhục. Cũng có thể là em đã hạ nhục chính em.

Tồn tại là cứu cánh cho cái gì? Con sâu vẫn ủ dột, nàng bảo, anh là đồ vất đi. Tưởng là đồi trụy, hóa ra phản động. Nàng cười nắc nẻ với ý nghĩ của mình và đắp thêm cho tôi một cái chăn nữa. Như thế là tôi đã nằm trong mộ huyệt, trước khi có thể tự quyết định về sự tồn tại của mình. Ba mươi năm trước, tôi đã khổ sở vì ông Heidegger hiện tồn tính thể, bây giờ lại vẫn ông Heidegger tính thể hiện tồn. Tôi vất quyển sách vào sọt rác, úp mặt vào cô gái. Cô gái hỏi thế này là triết học hay phi triết học? Tôi bảo bất khả luận. Anh buồn cười thật, nàng vò đầu tôi. Tôi cảm thấy mình vô nghĩa và muốn chui vào nàng. Những lúc như thế này, nàng nói, em mới thật là em. Có thật sự một niềm an ủi không, tôi không biết, nhưng nó đã là một hành động, ít ra khải thị tôi về tông truyền án lệ. Bọn cưỡng dâm tập thể bảo, trên ngọn cờ đầu độc quyền đổi mới văn chương không có chỗ cho chúng mày. Ðừng tưởng bở. Thưa các bác, nhà em không dám giành chỗ của các bác, nhà em vẫn đang trùm chăn để khóc thương cho Argentina – Madonna buồn nôn trên sự trinh tiết của Á Căn Ðình phiên âm Hán tự.

Tôi trốn chạy khỏi cô gái. Trốn chạy trú xứ.

Người đàn bà năm xưa viết: Có thể anh ngạc nhiên khi nhận được thư em. Có thể anh nghĩ rằng em đã quên mọi sự. Thật ra, em chẳng thể quên điều gì, cũng như đã chẳng thể quên anh. Cuộc sống giống như một bản án mà kẻ tuyên án không ai khác hơn là chính ta. Những trải nghiệm thật sự không mang đến một điều gì khác ngoài sự hồi cố. Mọi việc chúng ta đã làm, mọi khoảnh khắc chúng ta đã sống đều quí giá. Em có một đứa con như anh đã biết, lúc nó bé tí, cũng như lúc nó là một cô gái. Em cũng biết anh đã từng ngủ với nó. Và em tin rằng anh yêu quí nó. Hiện bây giờ nó đang ở trong trại cai nghiện. Nó cần anh. Em biết chắc thế. Anh hãy đến với nó, như một người cha, và quan trọng hơn, như một người tình. Anh và nó là phần em lưu lạc. Em không thể làm gì tốt hơn được cho anh và cho nó, bởi em là người đã chết. Em đùm bọc anh và con trong linh hồn em.

Năm 1969. Lý Công Uẩn bị đem ra phê bình.

Ðồng chí là con của giai cấp quan lại phong kiến thì không xứng đáng đứng trong hàng ngũ vô sản.

Ðồng chí là sản phẩm của thứ đạo đức lạc hậu.

Ðồng chí không có quyết tâm làm cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Năm 2002. Lý Công Uẩn nằm hấp hối. Ông Putin của nước Nga sang thăm. Tả hữu đặt vào tay Uẩn cuốn “Lênin toàn tập”. Ông Putin buồn buồn nói: Ở nước tôi, không ai đọc sách này nữa. Nói xong Putin vuốt mắt Uẩn.

Nhưng Uẩn bật dậy, la toáng lên: Tao không chết. Tao không chết. Tao không chết.

Bà Năm Hồng ở Tây Ninh nói vọng vào: Còn nhiều xác người lắm.

Tôi đã đến nhà bà Năm Hồng nhìn thấy những chiếc bao nhỏ đựng cốt người được đặt trên những cái giá gác qua vách chờ thân nhân đến nhận. Từ khi cuộc chiến tranh chấm dứt, bà lang thang trên các chiến trường tìm lại xác đồng đội. Bà làm không vì ai, cũng không để được điều gì. Những bao cốt không có người nhận, bà gửi về nghĩa trang liệt sĩ huyện.

Năm 1010. Thầy địa lý Tàu nhìn cái hồ tròn xanh long lanh như một con mắt, ông nhận ra ngay đây là chỗ hùng khí rồng phát lộ. Ông thuê người chở đất đổ xuống giữa hồ thành hình giống như cái mu rùa để làm mù mắt rồng. Sau này người Việt xây trên miếng đất nổi giữa hồ một cái tháp để thờ rùa mà không biết ác tâm của ông thầy địa lý. Cái tháp giống như cán gươm mà lưỡi vô hình của nó đã đâm ngập vào mắt rồng.

Tháp bút “Tả thanh thiên” của ông Nguyễn Văn Siêu dựng bên hồ vừa nhỏ vừa ngắn không đủ sức để giải bùa ếm của người Tàu.

Sinh thời, bố tôi bị tâm thần phân liệt. Lúc nào ông cũng cảm thấy như có người đang âm mưu hãm hại mình. Khi lên cơn, ông ra đường quơ tay chỉ nhà hàng xóm, sừng sộ: Tao đây, có giỏi thì cứ bắt tao đi. Muốn giết thì giết tao đi. Tao đéo sợ thằng nào. Tuy chửi thế, nhưng tôi biết, đấy là lúc sự sợ hãi đã lên đến tột đỉnh. Ông không còn kiểm soát được mình. Ông chửi và đập tay vào nhau cho đến khi miệng ứa máu và hai bàn tay dộp lên mới qua cơn. Tháng tư vào mùa lễ phục sinh, khí hậu nóng nực nhất trong năm, bố tôi thường hay lên cơn. Tôi không biết phải làm gì, cũng không cảm thấy buồn tủi hay oán trách. Tôi chỉ nghĩ, nếu con người không được sinh ra thì tốt hơn.

Ngày 16.3.2004. Hồng Phượng không muốn lỡ mất cơ hội ràng buộc của mình với Ðại Quang, cô nói: Anh đưa em đến khách sạn.

Tinh khí đầy cứng trong bầu giái, Ðại Quang gật đầu.

Hắn gọi một chiếc taxi.

Vừa đóng cửa phòng, Hồng Phượng đã chồm tới ôm cứng Ðại Quang. Cô hiện nguyên hình là một con quỉ. Ðôi mắt long lên, trắng dã. Hai hàm răng nghiến lại, cô đè Ðại Quang xuống, vội vàng lột quần áo hắn. Lưỡi cô thè ra vừa liếm vừa quấn chung quanh người Ðại Quang.

Khát vọng dâm dục của quỉ đã vuốt cặc Ðại Quang dài ra như một con lươn. Nó đâm vào cửa mình Hồng Phượng lút đến cổ họng. Cô rên như bị chọc tiết.

Hệ thần kinh trên đầu Ðại Quang tê điếng. Một xúc cảm hiện hữu chân thực và siêu thoát. Hắn thấy cửa vũ trụ mở ra tất cả những bí ẩn của sự sống.

Thuốc an thần càng làm cho bố tôi mất ngủ. Một vài loại thuốc khác có thể chế ngự được cơn điên nhưng tạo ra những phản ứng phụ như thèm thuốc lá, tay chân lật bật và thân thể mất thăng bằng. Bố tôi bảo, cứ để tao điên có khi lại dễ chịu hơn.

Năm 1961. Anh em nhà Lý Công Uẩn đều bị á khẩu mà không rõ nguyên do. Họ lần lượt qua đời trong sự cô quạnh. Chỉ sau cái chết của ông Ngô Ðình Diệm năm 1963, Uẩn mới trở lại căn nhà xưa bởi một cảm thức tương lân về cái phù ảo của quyền lực chính trị.

Tôi đã trở về nơi tôi từng sống với bố mẹ và những đứa em. Căn nhà ấy giờ đây không còn nữa. Nó đã thuộc về một ai đó, tôi không biết. Ðiều chắc chắn nhất là tôi đang bước lên chiếc cầu thang gỗ. Phía dưới, đứa em gái áp út nằm ngủ trên ghế bố sau quầy hàng. Mẹ tôi nằm ở chiếc giường phía trong. Tôi chỉ nghe thấy tiếng họ trong ký ức. Bố tôi đang bận bịu gì đó trong nhà bếp. Cũng chỉ là những âm thanh rất xa tiếng bố tôi phàn nàn vì đồ đạc thất lạc. Không nhìn nhưng tôi cũng biết đứa em gái kế tôi đang thay quần áo sau cánh cửa tủ. Tôi nghĩ cần phải sắp xếp lại căn gác cho hợp lý. Sẽ kê cái tủ ngay sát đầu giường cô em thay bức bình phong cho kín đáo. Bàn máy vi tính của thời tương lai đưa vào sát tường. Phần giữa nhà sẽ kê một bộ bàn ghế mây. Còn chiếc giường sát cửa sổ phía sau, trong một thoáng tôi không nghĩ được nó thuộc về ai. Tôi không nhớ được mình vẫn ngủ ở đâu trong căn nhà này. Và một nỗi bơ vơ tràn ngập tôi. Chiếc cửa sổ nhìn ra ngôi nhà thờ, tôi vẫn nghe thấy tiếng đọc kinh khi nhà thờ hoàn toàn vắng người, lúc ban trưa hoặc nửa đêm. Cuộc chiến tranh đã đưa đẩy gia đình tôi đi nhiều nơi, ở nhiều căn nhà khác nhau, và tất cả chúng tôi đều nghĩ đây sẽ là căn nhà chúng tôi sống mãi mãi, cả khi chúng tôi không một ai còn tồn tại. Có lẽ vì thế mà tôi đã trở về. Các em tôi cũng đã trở về. Bố mẹ tôi cũng trở về. Tất cả họ đều im lặng. Ký ức của tôi không phải là một ngăn tủ đóng kín. Trước cửa căn nhà, tấm màn gió màu xanh lá cây rũ xuống ngăn cách với mặt đường. Hình như có ai đó sợ ánh sáng. Nhưng bóng tối không phải là chỗ an toàn. Tôi vén màn nhìn ra ngoài, chú tôi vừa đi ra nói vọng lại: Mọi sự đã sẵn sàng. Ðấy là cái gì tôi không hiểu. Chúng tôi sắp phải ra đi sao? Tiếng bố tôi vẫn càu nhàu, không thấy cái búa đâu cả. Làm sao bố tôi thấy được khi tôi đang cầm nó trong tay và đập vào bức tường. Tôi cũng không hiểu tôi đập tường để làm gì, nhưng tôi biết chắc đó là điều cần thiết. Sau này tôi mới biết được nhờ cái lỗ ấy mà tôi sống sót. Viên đạn pháo rơi ngay trước cửa và căn nhà bốc cháy bịt kín lối ra bằng lửa. Tôi chui ra cái lỗ nhỏ như lỗ chó ấy thoát ra đường. Tôi đã được chọn để sống. Và đôi khi tôi vẫn tự hỏi sự sống ấy để làm gì. Trong rất nhiều năm, tôi đã bị dằn vặt bởi ý nghĩ ích kỷ. Nhưng điều ấy cũng không làm cho đời sống tôi trở nên sáng tỏ. Sự mù mờ ảo ảnh sương khói và những giấc mơ nửa hư nửa thật luẩn quẩn mà tôi cũng không biết nó nằm trong đầu hay đang hiện hữu bên ngoài tôi. Có tiếng ai gọi ngoài cửa bảo: Ðã đến giờ rồi. Tôi không biết chuyện gì, bố tôi trong nhà bếp nói vọng ra: Chúng tôi chưa chuẩn bị xong. Người ngoài cửa lại nói: Không cần chuẩn bị gì cả. Tôi nghĩ cho dù có là cái chết thì cũng nên chuẩn bị. Người ngoài cửa dường như nói với tôi: Nếu mày không muốn đi thì thôi. Vâng, tôi chỉ muốn ngủ. Thế thì hãy ra đường mà ngủ. Bố tôi bảo: Không được, nó là thằng hay ốm vặt. Người ngoài đường nói với tôi: Mày phải tự thu xếp. Dường như tôi bừng tỉnh nói thật to: Ông là ai? Không có tiếng trả lời. Người ngoài đường đã bỏ đi. Căn nhà yên tĩnh trở lại. Tôi nghĩ cần phải treo một cái gì đó lên tường. Tôi tìm trên kệ sách những tấm lịch cũ. 1974. 1973. 1972. Có những bông hoa đã úa tàn từ thế kỷ trước. Những người đàn bà khỏa thân sau bữa cơm chiều. Ánh trăng chiếu vào họ làm cho làn da ẩm ướt và có mùi cỏ. Phải treo họ lên ở đâu đó trong ký ức của những con giun. Tôi hỏi bố nhà mình còn đinh không? Bố tôi bảo không cần đinh. Cứ đóng đi. Liệu những người đàn bà có sống được không khi bị cất vào trong kệ sách? Mẹ tôi bảo đừng có dớ dẩn. Tôi nói mẹ đang ngủ cơ mà. Ừ mẹ ngủ đây, nhưng đừng có đóng đinh họ. Cô em gái đã thay quần áo xong và bước ra lan can. Tôi nói không nên mơ khi còn thức. Ít ra thì cũng để em nhìn thấy một thế giới khác chứ, em tôi nói. Làm gì có một thế giới khác. Tất cả chỉ là một thôi. Ở phía nhà thờ, những con chim sẻ ríu rít trên mái ngói. Người đàn ông đi tìm ý Chúa gục đầu trên những phím phong cầm. Mẹ tôi bảo khi con băn khoăn hoặc sợ hãi thì hãy phó dâng cho Chúa. Tôi đã chui ra khỏi cái lỗ chó nhìn ngọn lửa bùng bùng trên mái nhà. Cách thượng đế đến với con người giống như thợ săn dồn con thú vào bước đường cùng. Tôi đi tìm người chú để nương náu. Nhưng dường như chú tôi cũng chỉ là cái bóng. Những ngôi mộ đã được giải tỏa dành đất cho người sống. Người chết vất vưởng lang thang trên những cỗ bàn đã thiu mốc. Tôi quay lại ngôi nhà mình. Ngọn lửa vẫn cháy. Rất nhiều người đang đứng đọc kinh. Người đi tìm ý Chúa dang tay và ngửa mặt lên trời. Trong đầu ông ta có những con mọt đang đục đẽo. Tôi nghe thấy tiếng của chúng đùa rỡn với nhau. Thằng em trai út ngồi hút thuốc lá trong góc nhà. Nó bảo đốt cả thế giới thì mới mong diệt được chuột. Ðứa em gái nằm ngủ sau quầy hàng đã thức. Nó chải đầu và ngứa miệng. Nhưng nó chỉ ú ớ những âm thanh của một cơn gió giật. Cái lược rơi xuống đất. Tôi bảo lại đây anh bóp đầu cho. Dùng cả mười đầu ngón tay bấu vào đầu nó, cái sọ nhũn như một quả bóng, tôi nói lý thuyết cấu trúc là một điển hình cho những áp đặt sinh tồn. Chẳng ai hiểu được câu nói ấy, tôi vẫn tiếp tục vò cái đầu đứa em cho đến khi nó thật sự mềm. Tôi bảo nó muốn nói gì thì nói đi. Nó lắc đầu. Thế gian khép mắt. Bóng tối tràn từ tây sang đông. Những ngọn cây cúi xuống ngủ. Trên mỗi một ngôi mộ mọc lên một ngọn nến. Những người đọc kinh đã xếp thành hai hàng. Họ đi dọc theo những ngôi mộ, một tay lần tràng hạt, một tay cầm hoa. Tôi nhìn thấy họ khuất sau đường cong của quả đất. Bố tôi đã tìm thấy cái búa, ông bảo Chúa vẫn chờ chúng ta đóng đinh người. Tôi không thích tranh luận với bố hay bất cứ ai, nhưng tôi vẫn nói một mình. Chúa đã xuống khỏi thánh giá và đi vào sa mạc. Tiếng búa của bố đập ong ong trong đầu tôi. Tôi nghĩ mình cần phải đi ngược về phía biển. Những người lưới cá đang ngồi khóc vì thuyền của họ đã vỡ. Tôi hỏi Chúa của các ông đâu? Ngài đã lên trời, họ nói. Tôi bảo không phải, Chúa của các ông trong sa mạc. Họ lấy đá ném tôi. Dường như tôi đã chui xuống đất và thoát ra ở dưới chân núi. Con khỉ nói: Ngộ cũng chuẩn bị chạy trốn đây, nị nên giả vờ chết thì mới may ra sống được. Cái đồ khỉ Tàu, tôi rủa và tiếp tục chạy lên núi. Với tay tới mặt trăng, tôi cầm cái nia vàng ném xuống đất. Ánh sáng vỡ ra tung tóe làm mù mắt những người lưới cá.

Mẹ tôi bảo đừng có viển vông, hãy cứ ngồi ở nhà khâu cúc áo đơm khuy cho mẹ, tao lấy vợ cho. Hãy chọn một cách sống an toàn cho đến khi ý Chúa được hoàn tất. Trong khi ấy, người đi tìm ý Chúa vẫn ngửa mặt lên trời. Những con mọt trong đầu ông ta đã gặm tới sổ kế toán thu chi. Và người đàn bà đứng gần nói: Thưa cha, đã tới giờ ăn cơm. Người đàn bà quạt cho ông ta bằng cái quạt giấy. Tôi hỏi: Cha có thể nuôi con một ngày không? Người đi tìm ý Chúa bảo: Thực phẩm này không phải của ta, con cứ ăn. Cha có thể cho con trú ẩn không? Chỗ này không phải của ta, con cứ ở. Mồm người đàn bà há to như mồm con cá sấu, răng chĩa ra tua tủa, quát vào mặt tôi: Vấn nạn của ngươi là gì? Ôi, to chuyện quá. Tôi bỏ chạy trước khi có thể mang họa. Phía sau lưng tôi, người đàn bà cười sằng sặc: Bé giái non hột mà cũng học đòi. Mẹ tôi bảo về nhà đi con, thế giới này đầy cạm bẫy. Tôi thắp một cây nhang cắm xuống đất. Lạy thổ thần, người là mẹ của hoa trái, là bà cố của tai ương, xin hãy chỉ đường cho tôi về nhà. Người đàn bà đốt phong long quơ ngọn lửa ngoài cửa. Thổ thần uống rượu trắng khề khà. Tất cả chúng mày đều vớ vẩn. Tôi nhắm mắt bước. Con đã về rồi đây mẹ ạ. Nhưng quả thật, tôi không thể nào nhớ được cái giường tôi vẫn ngủ nằm ở đâu.

 

Comments are closed.