Con Chắt mò rạm

Truyện Nguyễn Ngọc Hoa

Nội nói họ Nguyễn mình đông người nhất làng. Họ có một sào ruộng cho cấy thuê lấy lợi tức dùng sửa sang từ đường (nhà thờ họ) và cúng giỗ. Cúng là dâng lễ vật lên thần thánh tổ tiên và giỗ là lễ kỷ niệm ngày chết của người đã mất. Nếu là kỵ (ngày giỗ) thường, họ làm heo và xuất kho hai thúng nếp, nhưng giỗ tổ thì giết bò và xuất bốn thúng nếp. Nội là tộc trưởng nên việc giỗ họ do nội quyết định.

Trẻ con trong làng hầu như chỉ được ăn thịt ăn xôi vào những ngày giỗ họ. Sau phần cúng vái tế lễ, toàn tộc mâm trên chiếu dưới theo vai vế mà nhập tiệc, ăn uống đồng đều không phân biệt giàu nghèo hay tuổi tác. Đánh chén no nê xong còn được mang về, mỗi phần là một gói gồm hai chén xôi đầy úp vào nhau, giữa kẹp thịt ba chỉ.

Tôi mong những ngày giỗ họ, không phải vì ăn uống mà vì được gặp đám trẻ con và nghe chúng kể về đời sống đồng nội tôi hằng ao ước. Tôi mơ được như thằng Hụ chăn trâu, buổi sáng cưỡi trâu ra đồng, chiều về dẫn trâu xuống đầm tắm, dầm nước và bơi lội thỏa thuê. Tôi say sưa nghe thằng Tỏi thuật lại những lần trèo cây lấy tổ chim, bắt cả chim con lẫn chim mẹ về nuôi. Tôi muốn theo thằng Be vác cần câu ra rạch câu cá rô cá giếc đem về nướng ăn. Chuyện của mấy đứa em họ, cháu họ hay hơn các bài học Quốc Văn Giáo Khoa Thư rất nhiều.

Nhân ngày giỗ họ, tôi gặp gia đình anh Đồng. Chị Đồng đã ngoại ngũ tuần nhưng còn nhanh nhẹn, luôn tay chặt xắt và nấu nướng trong nhà bếp. Anh Đồng lấy vợ năm lên mười bốn tuổi, chị lớn hơn anh một giáp và gánh vác hết việc gia đình từ trong nhà ra ngoài ngõ nên anh luôn luôn nghe lời chị và chịu tiếng sợ vợ nhất làng. Anh chị chỉ có một đứa con duy nhất là thằng Đinh bị Tây ruồng bắn chết, để lại đứa con gái là con Chắt và người vợ góa người làng kêu là mệ (mụ) Đình.

Anh Đồng dắt con Chắt đến trước mặt tôi và bảo con bé, “Mi đứng đây hầu ôông Bé không được đi hết; không nghe tau đập chết”. Con Chắt cùng tuổi với anh tôi mà bé loắt choắt, thấp hơn tôi nửa cái đầu. Gầy gò trong bộ áo quần vá chằng vá chịt, con bé co ro như muốn giấu mấy ngón tay sưng đỏ đầy vết trầy mưng mủ ở bàn tay phải. Tôi gợi chuyện:

Răng tay mi bị vẹt (trầy) rứa?”

Ba tê (hôm kia) tui đi mò rạm (cua đồng) ngoài ruộng, thò tay vô hang bị hắn kẹp đau thấy mồ tổ,” con bé dạn dĩ trả lời.

Con Chắt làm thân với tôi rất nhanh; nó kể hàng ngày đi hái rau bắt ốc, ra đồng mò tôm mò rạm giúp mệ (bà) và đẻ (mẹ) nó sống lây lất qua ngày. Mùa gặt thì mót lúa, mùa khoai thì lượm khoai sâu, và mùa bắp thì bươi tìm bắp lép. Tôi ngạc nhiên:

Răng mi không đi học?”.

“Ăn còn không có lấy chi mà đi học ôông ơi! Thấy tui bữa đói bữa no ôông tui không đèng (đành) tính bán tui cho nhà ôông Đàm nhưng tui không chịu; ở nhà ăn rau ăn cháo với mệ và đẻ tui sướng hơn”, con bé thản nhiên nói.

Mẹ nói bán con gái cho nhà giàu là cho con đi ở đợ không công suốt đời, mà cùng lắm là được trả hai thúng lúa. Bù lại cô gái có cơm ăn áo mặc, và nhất là nhà nghèo đỡ một miệng ăn.

***

Gần một tháng nay, đêm nào tôi cũng chống mắt thức chờ mẹ về. Càng cận Tết, việc bán buôn càng bận rộn nên mẹ về khuya. Nhiều đêm, tôi gượng không nổi, ngủ thiếp đi. Có đêm mẹ mệt về sớm, dọn vén qua loa rồi đi ngủ khiến tôi không thực hiện được ý định. Hôm nay mẹ về vừa đúng lúc: tôi sắp bỏ cuộc trùm mền ngủ thì mẹ vào nhà, đặt đôi quang gánh xuống.

Mẹ cởi áo ngoài mắc lên ghế rồi lấy áo quần ra giếng tắm. Thằng Gái nằm cạnh tôi ngủ khì, tiếng ngáy o ọ của nội vọng xuống từ nhà trên, và chị vú cùng thằng Sáng đi ngủ từ hồi tối. Tôi rón rén bước sang phòng mẹ, lần tìm túi áo bên phải cài kim băng ngay ngắn trên áo mẹ.

Hồi hộp nhưng không run tay vì đã tập mở và cài kim băng nhiều lần, tôi mở gói tiền của mẹ, rút lấy tờ bạc ngoài cùng, gấp gói tiền để lại trong túi áo rồi bình tĩnh cài kim băng lại như trước. Trở lại phòng tôi và thằng Gái, mở cuốn Pháp Việt Từ Điển của Đào Văn Tập trên kệ sách, tôi giấu tờ bạc giữa bìa sau và tờ cuối cùng. Xong tôi lên giường ngủ ngon lành.

Sáng hôm sau, mẹ xuýt xoa than để lạc mất tờ bạc mười đồng in hình Hoàng Hậu Nam Phương, vốn liếng một ngày buôn bán. Mẹ tiếc của ứa nước mắt; mẹ chi li từng tí, từ năm mười hai tuổi theo ngoại đi buôn khắp huyện khắp phủ chưa bao giờ mẹ để mất một xu. Nay ma dẫn lối quỉ đưa đường khiến mẹ mất món tiền to. Chị vú đề nghị:

Túi ni (tối nay) mự (thím) mua nải chuối về cúng Thổ Công, biết tìm lại tiền”.

Ờ, tìm được tau cúng nguyên con gà”, mẹ đồng ý nhưng không mấy tin tưởng.

Tờ bạc Nam Phương nằm trong cuốn đại tự điển cho đến ngày ba mươi Tết. Trong lúc cả nhà sửa soạn ăn Tết, nội bận rộn cúng đón ông bà,và anh Đồng ngồi canh nồi bánh tét ở sau hè, tôi xin phép mẹ lên nhà ngoại chơi. Tôi rủ thằng Gái cùng đi và dĩ nhiên anh từ chối. Ra khỏi cổng, tôi không lên nhà ngoại mà rẽ xuống nhà anh Đồng ở bìa làng.

Nhà anh là một túp lều tranh vách đất mỗi bề chừng ba thước, cất sơ sài trên bãi đất vắng vẻ. Nhà trống vì mọi người ra đồng kiếm ăn từ sáng. Trong nhà chỉ có cái bếp ba ông táo ở góc trong cùng, một chiếc bàn nhỏ xiêu vẹo dựa vách, và mấy tấm chiếu rách cuộn gọn gàng nằm giữa nhà. Tôi vội vàng đặt tờ bạc trên bàn, lấy hòn đá dằn lên rồi chạy như bay ngược lên nhà ngoại.

Tối Giao Thừa, tôi lấy bộ áo quần mới vuốt phẳng phiu và đánh xia đôi xăngđan (sandales) để ngày mai mồng một Tết đi đạp đất. Trong giấc ngủ, tôi mơ thấy con Chắt xúng xính trong bộ áo quần mới

11 Tháng Ba, 2013

Comments are closed.