Con Cún đã về

Truyện

Châu Diên

                                                    Nghệ thuật chi quang

                                     (Bức hoành ở bàn thờ gia tiên nhà bạn tôi tại phố Cửa Đông)

 

Gia đình hoạ sĩ Trân có những hai Cún. Một con Cún thật, nuôi đã gần sáu năm trời, trưởng thành lâu rồi nhưng vẫn gọi là Cún theo tên cúng cơm từ hồi nhỏ mới xin về nuôi. Và một Cún kia năm nay học lớp Sáu. Sinh nhật nó năm nay, nó tuyên bố bây giờ Cún nhớn rồi từ nay cả nhà không được gọi Cún là Cún nữa đấy. Cả nhà vồ lấy cơ hội để trêu con bé, thế không gọi Cún bằng Cún thì gọi Cún bằng gì? Cún lớp Sáu trả lời rằng gọi Cún bằng gì cũng được, nhưng Cún không thích mọi người cứ gọi Cún bằng Cún mãi, mà phải gọi Cún bằng tên thật của Cún ấy!

 

Hoạ sĩ Trân tỉnh giấc sớm rồi cứ nằm nguyên trên giường để lơ mơ nhớ cả hai Cún, một Cún đang đi xa, một Cún mới bị lạc. Ông cầm lấy cái đài thu thanh để trên đầu giường và bắt đầu dò sóng. Lẹt xẹt lẹt xẹt… Lẹt xẹt lẹt xẹt… Ông vừa dò sóng vừa nhớ đến đứa con gái. Nó đang theo mẹ đi mãi tận bên Canada. Hội Chống lại Sân gôn Toàn thế giới World Anti-Golf Association cùng với Hội Bảo vệ Rừng nhiệt đới Thế giới World Rain Forest Protection Association và Hội Những người Bảo vệ Cá măng World Association for the Protection of Sturgeons ba Hội đồng tình nhất trí trao cho vợ hoạ sĩ Trân một xuất điền dã ba tháng tại Canada nghiên cứu chuyện bên đó người ta phá bỏ một đập nước đã năm chục tuổi, lớn nhất xứ sở mênh mông này, để bảo vệ con đường di trú sinh sản tự nhiên của cá măng. Nhân dịp nghỉ hè nên Cún lớp Sáu được đi theo mẹ, tranh thủ bước vào thế giới rộng lớn và luôn tiện thực hành tiếng Anh.

 

Ngón tay ông cứng lại. Ông cố co duỗi để chỉnh làn sóng. Nhưng mấy ngón tay không chịu tuân lệnh ông. Chiếc máy cứ ọ ẹ và lẹt xẹt lẹt xẹt… lẹt xẹt lẹt xẹt… Ông nghĩ thầm, chuột rút thế này, ngộ nhỡ khi mình bị hôn mê, chẳng biết kêu ai, liệu có ai nắn hộ mấy ngón chân ngón tay không… Ông thương mình thì ít, mà nghĩ thương mấy cậu bạn “đi” trước ông thì nhiều. Tội nghiệp, nhất là trường hợp anh nhà báo họ Vũ… Hình như ngay trong lúc hôn mê nó cũng muốn nói với mình điều gì ấy…

           

Mấy ngón tay hoạ sĩ Trân đã bớt co cứng, ông tự xoa bóp nắn nắn tiếp mấy lần, rồi ông lại chỉnh làn sóng. Nhưng máy vẫn cứ lẹt xẹt lẹt xẹt… lẹt xẹt lẹt xẹt…

Có tiếng mẹ khe khẽ gõ cửa phòng, rồi tiếng mẹ nói, mẹ vẫn gọi ông bằng Trân  như tự thuở nào đến giờ:

-Trân  à, hôm nay bên kia người ta đổi giờ, Trân dậy chat với con bé kẻo nó chờ. Mẹ mở máy cho Trân rồi đấy.

-Vâng, con ra ngay đây.

 

 

***

 

 

Hoạ sĩ Trân bao giờ cũng cho rằng mình là người sung sướng. Thì đấy, mẹ già rồi mà vẫn còn biết mở máy sẵn cho con trai chat với cháu gái nội. Có mấy nhà cùng hiện đại hoá được như thế nhỉ?

Nhưng hôm nay, ngồi vào bàn để chat ông thấy buồn. Chỉ vì chuyện con Cún bị lạc hai ba hôm nay rồi. Hoạ sĩ Trân gọi dây nói báo tin buồn cho một chị bạn. Chị bạn tìm lời an ủi anh nhưng lại càng khiến anh thêm nhớ con Cún. “Ôi, anh Trân , con chó nhà anh bị mất à? Ờ thật đấy, sao mỗi lần nhìn nó em thấy đôi mắt nó buồn ơi là buồn, đúng là số nó phải xa anh, em linh cảm được điều đó từ lâu rồi, đôi mắt nó buồn lắm anh Trân ạ”. Hoạ sĩ Trân lại hỏi ý kiến chị ta xem có nên báo tin cho con gái không? “Ồ, đừng, đừng, anh Trân à, đừng báo tin chuyện con Cún cho con Cún, một mình anh chịu đựng thôi, đừng để con bé buồn lây”.

Nhưng hoạ sĩ Trân là người không thể giấu diếm điều gì cho riêng mình. Ông ngồi vào bàn làm việc, lấy ngón tay sờ vào cái nốt sần chuẩn ở chữ J giữa bàn phím, rồi ông bắt đầu gõ, gõ xong ông dùng kính lúp đọc lại trước khi chuyển tin đi. Hàng chữ không đánh dấu làm mất hẳn bản sắc dân tộc, đồng thời làm cho cái mẩu tin tức cũng có vẻ như vô cảm, cứ nhơn nhơn ra:

-Con Cun nha ta di mat roi.

Tận đầu đằng kia thế giới, con Cún lớp Sáu nghĩ rằng bố nó đang nói năng theo lối nghệ thuật, đang dùng nghĩa bóng để bộc lộ nỗi nhớ, nó vội vã trả lời bố, chữ cũng không đánh dấu, nhưng hoạ sĩ Trân  đoán biết hết nội dung:

-Con nhớ bố và bà lắm, chỉ ba tháng thôi bố à, rồi mẹ và con lại về.

Hoạ sĩ Trân ngập ngừng một lát, chẳng biết có nên nói rõ ra nữa không, rằng con chó Cún đã bị mất rồi. Bị người ta câu mất cũng nên. Số phận nó bây giờ ngàn cân treo sợi tóc, chẳng biết đâu mà ngờ… Nhưng rồi ông mỉm cười một mình, ờ phải, con bé hiểu việc Cún đi mất như một cách nói bằng nghĩa bóng, thôi thế càng hay. Ông gõ tiếp vào bàn phím để nói với con gái:

-Con Cún nhà mình có đôi mắt rất buồn…

-Nó cũng nhớ con đấy.

-Nhớ thì nhớ, đằng này mắt nó buồn như định mệnh buồn ấy con ạ.

-Định mệnh là gì hả bố?

Hôm nào về bố sẽ nói với con vì chuyện này dài lắm không đủ chỗ chat.

 

 

***

 

 

Hoạ sĩ Trân từ lâu nay đã không còn có dịp nhìn được kỹ đôi mắt buồn của bất kỳ ai. Mắt kém dần, hoạ sĩ Trân  đã phải ngừng vẽ, vì không còn đủ sức phân biệt những biến ảo của các nhóm mầu. Ông chuyển sang dùng dao và kéo để cắt và trổ vào giấy bồi cứng, làm ra những hình thù. Những hình thù chỉ riêng ông hiểu. Nhưng ông là người hạnh phúc. Mẹ ông nhìn các “tác phẩm” mới của ông và bao giờ cũng mỉm cười, có ai gặng hỏi thì bà nói “Tôi suốt đời được làm mẹ”. Cún lớp sáu thì nói về “tác phẩm mới” của ông như sau: “Cún nhớn hơn bố Trân, Cún không sáng tác như bố đâu”. Và người vợ thì sau một ngày làm việc mệt nhoài nếu có dịp chú ý đến hoạ sĩ Trân thì bà thường ôm lấy Cún lớp sáu rồi bịa ra mấy câu đồng dao mà hát “Thả đỉa ba ba, Nhà ta ba Cún”…

Nhưng hôm nay thì hoạ sĩ Trân quá buồn. Ông mở đài thì chỉ thấy lẹt xẹt lẹt xẹt, ông đi vào đi ra chẳng biết làm gì. Một hồi sau, ông ngồi vào đàn, cây đàn của con gái đang tập nay bỏ đó và ông ấn phím tạo ra những hợp âm tuỳ hứng. Những hợp âm như những câu hỏi không có câu trả lời.

Chợt ông thấy như có hai hàm răng của con chó gặm gặm vào cái cổ chân gầy ngẵng của ông. Ông cúi xuống và thấy bóng một con chó, không kịp nghĩ ngợi gì, ông vồ lấy nó ôm vào lòng.

Mắt mũi kém cỏi, ông cảm nhận được là lông con chó không sạch. Nhưng không sao, thế là nó đã về, thế là được rồi.

Mẹ từ trong nhà đi ra.

Hoạ sĩ Trân ôm con chó, nói với mẹ:

-Con Cún đã về mẹ ạ.

-Không phải, con chó khác, con chó nào ấy, không phải con Cún ngày trước của nhà mình.

Hoạ sĩ Trân nghĩ mẹ trêu mình. Ông vẫn ôm lấy con chó mà ông nghĩ đó là con Cún đi lạc của nhà mình. Mẹ thương hoạ sĩ Trân mắt kém. Bà đến bên, nói khẽ với Trân:

-Con Cún đi lạc của nhà mình là chó vàng, con này trắng, Trân ạ.

-Thật hả mẹ?

-Không sao, mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giầu, cứ giữ nó lại mà nuôi thay con Cún cho đỡ nhớ, khi nào biết chó của nhà ai bị lạc người ta xin thì trả lại sau, Trân ạ.

-Không phải con Cún nhà ta hả mẹ?

 

 

***

 

 

Ngủ dậy sáng hôm sau, đến giờ chat với con Cún lớp sáu ở phía đầu bên kia trái đất, hoạ sĩ Trân nói với con:

-Con Cún bị lạc, một con Cún khác đã về với bố…

Cún lớp sáu lại an ủi bố:

-Con sắp về rồi, bố đừng mong nhiều quá, con đi đường mà bị vấp thì bố phải đền con đấy.

-Bố đền một con Cún trắng.

-Con chỉ thích anh Cún vàng của con thôi.

-Nhưng mà hợp và tan là chuyện thường tình.

-Bố ơi, bên này con đã có bạn mới, các bạn hỏi con bố có là hoạ sĩ nổi tiếng không?

-Con bảo các bạn rằng bố là hoạ sĩ giỏi như một anh Cún trắng, bố không bị câu.

-Vâng, con sẽ về, bố đừng cáu.

Chắc đọc chữ không đánh dấu, nó đã hiểu “bố không bị câu” thành “bố không bị cáu”, nó không hiểu rằng hoạ sĩ Trân đang không sao thoát nổi cái ám ảnh con Cún bị câu trộm.

-Bye bye, bố hôn con.

Hoạ sĩ Trân ra khỏi chương trình chat rồi ông gọi con Cún trắng đến, gọi mãi chẳng thấy bóng dáng nó đâu, ông đã chợt cảm thấy thất vọng sợ nó cũng như Cún xưa rơi vào tay lũ câu chó trộm, cuối cùng ông như tỉnh lại vì tiếng của mẹ:

-Ô kìa Trân, con Cún Trắng vẫn ngồi trên ghế bên cạnh Trân từ nãy mà không nhận ra à?

-Vâng, con đây.

Bà mẹ nhìn Trân, tuy tuổi đã nhiều nhưng bà còn kịp thấy con trai bà nói nhịu, con đây, con của mẹ đây, hay con Cún trắng đây.

Bà đến bên con trai và con Cún trắng. Bà nhìn xuôi xuống cái đầu của con. Tóc nó dạo này bạc nhiều quá rồi.

 

Biệt thự Thu Trang, 19/ 4/ 2005

 

 

Comments are closed.