CON GÀ TRỐNG TỘI NGHIỆP

Truyện

Phạm Đình Trọng

VĂN - PHẠM Đ TRỌNGBước ra từ cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt giữa người Việt với người Việt, nhóm chúng tôi, năm thằng lính sống sót của một tổ đài thông tin vô tuyến điện có một tục lệ là ngày kết thúc chiến tranh ba mươi tháng tư hàng năm, ngày biết mình còn sống sót, chúng tôi lại tìm đến nhau. Mỗi năm cuộc gặp diễn ra ở nhà một đứa. Năm nay, lần thứ ba tôi được là chủ nhà cuộc gặp.

Khi đơn vị luyện quân dã ngoại ở rừng Lương Sơn- Hòa Bình để chuẩn bị vào mặt trận, tôi là thiếu úy vừa tốt nghiệp trường sĩ quan thông tin được đưa về phụ trách một trung đội gồm bốn đài vô tuyến điện sóng ngắn. Cán bộ trung đội chỉ có một nên tôi sinh hoạt với tổ đài Nguyễn Văn Bé.

Tổ đài có tám mạng. Một bị sốt rét ác tính cướp đi ở Kon Tum. Hai bị bom B52 thả trúng hầm, chúng tôi chỉ lượm được một dúm xương thịt chia làm hai phần, chôn vào hai huyệt mộ bên đường 13. Một bị mìn tiện mất một giò phải cáng về trạm phẫu phía sau rồi mất hút luôn. Trưa ngày ba mươi tháng tư năm 1975, vào đến Sài Gòn, tiểu đội chỉ còn bốn. Cả tôi là năm.

Cuối năm đó chia tay mỗi đứa một ngả, chúng tôi hẹn nhau rằng khi ổn định được cuộc sống rồi sẽ liên lạc với nhau theo địa chỉ gốc và hàng năm sẽ lấy ngày ba mươi tháng tư làm ngày gặp nhau. Sau này khi tất cả đã có vợ con, chúng tôi còn quy định rằng ngày gặp nhau phải đưa vợ con đến để các bà vợ vừa ríu rít với nhau vừa trổ tài làm bữa nhậu cho chúng tôi và lũ trẻ thì có bạn chơi.

Chúng tôi mới có đủ năm cặp từ vài năm nay, từ khi Bạch Quốc Khang đi học ở Đức về dẫn theo cô vợ Tây và đứa con lai sinh ở bên đó. Dịp gặp nhau, chúng tôi đều mặc bộ đồ thời trận mạc còn các bà vợ đều lòe xòe váy áo, hồng hào phấn son trông đến vui mắt và bà nào năm sau cũng phì nhiêu, mỡ màng hơn năm trước.

Vợ chồng Nguyễn Văn Bé ở xa nhất, tận Hải Phòng, lại đến sớm nhất. Chưa uống nhạt ấm trà, Bé chồng đã lăng xăng dọn dẹp nhà cửa. Bé vợ thì xách giỏ đi chợ với vợ tôi. Hai bà vợ đi chợ về thì có thêm cặp Nguyễn Khắc Khoa và cặp Phí Danh Điệng. Bốn bà vợ lao xao trong bếp. Bốn ông chồng chỉ còn mỗi việc ngồi ôn chuyện cũ người xưa của thời trận mạc. Nhắc lại những chuyện máu lửa vào sống ra chết của chính mình, ai cũng bồi hồi xúc động. Những đứa chết cũng hiển hiện về, gần gũi, thân thiết như chưa hề xa nhau ngày nào. Vậy mà vẫn còn thiếu một thằng. Tôi thốt kêu lên:

– Sao giờ này vợ chồng thằng Bạch Quốc Khang chưa đến nhỉ?

Điệng Lào Thưng bảo :

– Phải phạt vợ chồng nó đến muộn, bắt các ông anh phải chờ. Sau bữa ăn bắt hai đứa rửa bát, quét nhà.

Khoa đoán:

– Chắc nó đang chờ bà vợ trang điểm. Cái thằng làm gì cũng nhanh mà lại rước bà vợ lạch bạch như vịt. Mà hình như vợ chồng nó đang có chuyện gì đó. Trước đây lúc nào cũng thấy hai vợ chồng cặp kè. Bây giờ mấy lần gặp nó chỉ thấy đi một mình.

Câu chuyện lại dồn về Khang. Vừa tốt nghiệp phổ thông trung học, chưa tròn mười bảy tuổi, Khang hăng hái nhập ngũ. Nước da nâu đậm của con trai đồng ruộng. Lớp lông măng phớt trắng trên đôi má bầu bĩnh. Khang là đứa em út trong tiểu đội, hăng hái, xốc vác, không nề hà việc gì. Chỉ riêng cái ba lô con cóc căng tròn đã hơn ba mươi cân, Khang lại được phân công cõng chiếc máy phát điện quay tay hơn mười cân nữa thế mà Khang vẫn giành mang đỡ cho tôi giấy tờ, sổ sách của một cụm thông tin vô tuyến điện. Tiểu đội trưởng Bé còn phân công Khang giúp tôi đào hầm khi đến chỗ dừng chân và bao giờ Khang cũng làm hầm cho tôi trước rồi mới làm hầm của mình.

Chợt Bé hỏi :

– Các cậu có còn nhớ con tu cay thằng Khang mang suốt một chặng dài ở Trường Sơn không?

Đấy, ngồi với chúng tôi Bé lại lôi cái vốn tiếng Lào quen thuộc ra. Tiếng Lào, tu cay là con gà. Điệng Lào Thưng nói:

– Nhớ chứ, làm sao quên. Nhớ đến thằng Khang những ngày đó là phải nhớ đến con gà mái mỗi ngày cho một quả trứng đập vào nồi canh môn thục, cả tiểu đội sì soạp húp.

Khoa bảo :

– Ừ, con gà Lào Thưng! Chiếc bật lửa cũ đã định bỏ đi mà đổi được con gà mái nặng hơn kí lô. Thấy nó mang đã nặng lại chất thêm cái lồng ngất ngưởng, gà ỉa cả vào vai áo, bảo làm thịt gà đi cho đỡ khổ nhưng nó cứ giữ gà lại nuôi để bữa ăn mỗi ngày tiểu đội có thêm quả trứng gà. Cái thằng thật chịu khó. Ngày ấy tiểu đội có nó cũng đỡ được khối việc.

Dạo ấy chúng tôi đang men theo một sườn núi chênh vênh trên đất Lào, bỗng Bé kêu:

– Có dân ! Khoa đâu, chuẩn bị!

Mươi phút sau, chúng tôi mới ngửi thấy mùi thuốc rê thoảng trong gió. Cắm cúi leo một đoạn dốc nữa, lên đến khoảng võng giữa hai sườn núi, chúng tôi mới gặp mấy người đàn bà cởi trần, da đen cháy, hút thuốc rê khét lẹt đứng bên lối mòn. Đó là những người dân Lào Thưng sống trên núi cao.

Mấy năm trước, cứ đến mùa chiến dịch, Bé lại dẫn một tổ đài vô tuyến điện bám theo sở chỉ huy các chiến dịch Xảm Thông, Loong Chẹn, Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng trên đất Lào, nơi suốt mấy năm trời diễn ra những trận đánh giằng co ác liệt. Những năm tháng chinh chiến ở rừng núi Lào đã cho Bé sự thính nhạy với mùi thuốc rê và những từ ngữ Lào xen trong câu nói. Một lần nghe Bé nói về người Lào Lum, Lào Thưng, người Lào Lum sống ở đồng bằng cuộc sống gần như người Kinh ở ta còn người Lào Thưng ở trên núi cao, đàn ông đàn bà đều đen bóng và đốt thuốc rê liên tục. Đàn ông đóng khố còn đàn bà chỉ quấn tấm vải sui ngắn quanh bụng làm váy. Câu chuyện của Bé đang rôm rả thì Điệng từ dưới suối đi lên, chỉ đánh mỗi chiếc quần đùi, mình trần đen bóng còn lấm tấm nước, Khoa liền reo: A, trông xa lại tưởng Lào Thưng, đến gần mới biết Hải Hưng quê mình.

Lính thông tin vô tuyến điện vốn cần chút chữ nghĩa nên phần lớn là học sinh, sinh viên. Lính của tôi ngày đó dù nhập ngũ từ thành thị hay nông thôn, phần lớn đều vừa rời sách bút. Ở tiểu đội Bé chỉ có Phí Danh Điệng là dân cày bừa quê Hải Hưng. Điệng hút thuốc lào, thuốc lá đến vàng xỉn cả hàm răng và bao giờ cũng có chiếc điếu cày buộc cạnh ba lô. Nghe Khoa reo lên như thế chúng tôi đều cười rộ và từ đó chúng tôi vẫn quen gọi anh lính nông dân quê Hải Hưng ấy là Điệng Lào Thưng.

Những người dân Lào Thưng sống heo hút trong rừng sâu mang rau cải, chuối, bí xanh, bí đỏ, gà, vịt, trứng gà… đứng hai bên lối mòn quân đi đổi cho bộ đội lấy những thứ mà nền sản xuất nguyên thủy của họ chưa có được. Với chiếc bật lửa cũ ngày nay chỉ đáng vất đi, Khoa đổi được con gà mái béo mượt nằm hiền lành trong giọ tre. Khang lại nhận mang con gà và cái ba lô con cóc kềnh càng của Khang lại vắt vẻo thêm cái giọ gà.

Đến chỗ dừng chân, hạ ba lô xuống, Khang reo :

– A, gà đẻ trứng!

Quả trứng gà nhỏ xíu không làm ai bận tâm nhưng Khang thích thú lắm. Làm bữa cơm chiều, Khoa định làm thịt gà, Khang ngăn:

– Nó đang đẻ, đừng giết nó, tội nghiệp, anh Khoa.

– Dễ mủi lòng như mày, làm sao làm sao cầm súng bắn nhau được.

– Bắn nhau là một chuyện còn em thương con gà lại là chuyện khác.

– Mấy tháng chưa được miếng thịt tươi rồi, bắt gà ra đây! Khoa dứt khoát.

Khang năn nỉ :

– Quả trứng nó cho mỗi ngày là quả trứng vàng đấy. Lính ăn uống kham khổ thiếu thốn quá. Mỗi ngày có thêm một quả trứng cũng quí lắm. Để nó đẻ lấy trứng bồi dưỡng cho tiểu đội có sức leo núi, anh Khoa ạ.

– Một quả trứng tí xíu cho cả tiểu đội, bõ bèn gì. Thịt đi cho mày đỡ phải mang nặng.

– Em mang được. Đang thiếu dinh dưỡng, thiếu chất tươi. Quả trứng tươi là vi ta min đấy.

Khang quay sang Bé cầu cứu:

– Anh Bé ơi! Anh cho ý kiến đi. Thịt gà chỉ ăn được một bữa. Để nó đẻ, ngày nào tiểu

đội cũng được một quả trứng gà. Đừng giết nó, anh Bé nhé.

Vốn tính xuề xòa, tiểu đội trưởng Bé nói:

– Tùy mày.

Thế là con gà mái thoát được lưỡi dao găm của Khoa.

Một hôm gà đẻ muộn. Đến trạm giao liên đã lâu gà mới đẻ. Được đặt yên tĩnh trong buị cây bên suối vắng, con gà lại trở về thói quen cũ, đẻ xong nó lại cục tác ầm ĩ. Tiếng gà cục tác trong rừng chiều tĩnh lặng lay động lạ thường. Giữa rừng hoang vu bỗng thấy như giữa làng xóm đầm ấm. Tiếng gà tác ổ đẻ gợi về cuộc sống thanh bình sinh sôi.

Tôi đang lan man về tiếng gà cục tác bỗng thấy Khoa đang nằm trên võng bật dậy, chụp lấy khẩu AK, đứng nép vào thân cây, chĩa súng ra bờ suối. Chuyện gì vậy? Có biệt kích à? Tôi giật mình vội vùng dậy, nhìn theo hướng mũi súng của Khoa. A, chú gà rừng. Trên cành cây cao ở khe suối một chú gà trống rừng mới trổ mã từ đâu bay đến đang nghiêng ngó. Cánh rừng vẫn yên tĩnh làm cho chú gà rừng yên tâm nhẹ nhàng lượn xuống bên con gà mái đang tao tác trong giọ. Nòng súng của Khoa vẫn bám sát con gà trống đang say tình.

Bên kia suối là vách núi dựng đứng như bức tường chắn đạn ở trường bắn nên tôi yên tâm dõi theo điểm xạ của Khoa. Đoàng! Viên đạn rúc vào lùm cây sát con gà trống nhưng nó chỉ giật mình sững lại, nghiêng ngó. Sự yên tĩnh lại đánh lừa nó. Nó vừa tiếp tục tiến lại phía con gà mái thì viên đạn thứ hai cày tung sỏi đá dưới chân. Nó vội bay vọt lên, đỗ trên cành cây cao nhìn xuống ả gà mái mượt mà với cặp mắt sáng rực lửa tình và ngơ ngẩn tiếc nuối. Sự dùng dằng níu kéo không dứt đi nổi của bản năng trống mái làm cho nó phải lãnh một viên đạn và rơi nhẹ xuống suối như chiếc lá rụng. Thấy Khoa chạy lại, nó cố lết theo bờ suối rồi loạng choạng cất mình bay lên cành cây và chuyền từng đoạn ngắn vào rừng sâu. Thì ra tiếng gà mái tao tác đã trở thành tiếng gọi tình với chú trống choai rừng mới lớn nông nổi hồn nhiên đang khao khát bạn tình. Đến với tiếng gọi tình, chú trống choai vô tư đã phải nhận một viên đạn chí mạng.

Con gà mái cũng không thể ở mãi với chúng tôi. Hôm mghe tin thằng Tuyên mất trong viện quân y vì sốt rét ác tính, chính Khang đưa ra ý kiến làm thịt con gà cho bữa cơm tiễn biệt Tuyên. Con gà mái đã đi vào những kỉ niệm thời chiến tranh bom đạn của chúng tôi, gắn liền với những câu chuyện về Bạch Quốc Khang là như vậy.

Những câu chuyện về Khang chưa dứt thì bốn bà vợ bắt đầu chuyển đồ ăn từ trong bếp ra. Tôi bày một mâm lên bàn thờ, thắp hương gọi tên ba đứa nằm lại dọc đường chiến trận cùng trở về họp mặt với chúng tôi. Tuần nhang cháy đến lưng chừng thì Khang đến chỉ một mình, không vợ, không con. Chúng tôi đều sửng sốt nhìn cảnh thất thểu cô độc của Khang. Bé hỏi:

– Vợ đâu, Khang? Cô An và thằng nhóc đâu?

Vợ Khang là dân Đức tên là Anna, chúng tôi vẫn gọi là cô An hoặc cô An Khang. Một anh lính từ chiến trường đánh Mĩ lừng lẫy với các nước cộng sản thời đó, sau chiến tranh được sang Đông Đức học, lại học giỏi, nói tiếng Đức không khác dân Đức làm cho cô sinh viên trẻ cùng lớp phải lòng. Khang lại vốn hay xiêu lòng. Thế là cô theo Khang về Việt Nam như đã từng có cô gái Đức theo Che Guevara về Cuba. Khang nói :

– Chúng em chia tay nhau rồi. Cô ấy về Đức định đưa cả con em đi. Phải khó khăn lắm em mới giữ được con em. Xin lỗi các anh, em đến muộn vì phải đưa con em đi dự sinh nhật bạn nó.

Khang đến nắm tay từng bà chị. Dù vợ Khoa, vợ Điệng còn ít tuổi hơn Khang, Khang vẫn ngoan ngoãn :

– Em chào chị. Em không đến sớm được để được các chị sai bảo, các chị tha tội cho. Giàu con út, khó con út. Đứa em út của các chị đang gặp lúc khó khăn, hết hầu vợ bây giờ lại hầu con.

Vợ Bé hỏi :

– Làm sao đến nỗi vợ chồng bỏ nhau để bây giờ phải gà trống nuôi con?

Khang bảo :

– Con gái Tây, lấy chồng là chỉ sống với chồng. Về Việt Nam, cô ấy phải sống với gia đình nhà chồng, hàng xóm nhà chồng, rồi lại phải sống cả với cơ chế quê chồng. Em cứ phải đi công tác luôn, có đợt đi cả tháng. Ở ta, đi công tác không thể mang theo vợ được. Đàn bà bên ấy họ không thể chấp nhận cảnh phải sống cô đơn xa chồng hàng tháng.

Thấy mấy bà chị có vẻ đang bị câu chuyện của chú em Khang thu hút, tôi phải lên tiếng

– Thôi, vào mâm đi, đồ ăn nguội hết rồi.

Bọn trẻ con trải chiếu ngồi đất ăn đã sắp xong. Bốn cặp vợ chồng lẻ Khang ngồi quanh chiếc bàn ăn tròn. Chồng nào vợ ấy ngồi cạnh nhau. Khang ngồi giữa tôi và vợ Bé. Vợ Bé chu đáo chăm sóc đồ ăn cho cả hai người đàn ông ngồi hai bên là Bé chồng và chú em Khang. Đặt li bia xuống, Bé bảo Khang :

– Trong mấy thằng lính chúng mình còn sống sót trở về, cậu là người may mắn hơn cả. Điệng về làm dân, lại một nắng hai sương với bùn đất. Khoa về học tiếp đại học rồi cũng chỉ là anh kĩ sư quản đốc nhà máy. Mình về làm bảo vệ kho. Đêm người ta được ngủ với vợ thì mình phải ra kho ngủ với lũ chuột, cả lũ chuột bốn chân lì lợm và lũ chuột hai chân tinh quái. Trung đội trưởng của chúng ta dù leo lên đến cấp tá mới chuyển ra công chức dân sự cũng chỉ là công chức xoàng. Còn cậu được đi Tây, học một lèo cả chục năm, học hàm học vị đều ở nấc cao nhất, chức tước cũng tới cấp vụ. Thế mà xem ra cậu lại là người vất vả nhất. Cậu biết vì sao không?

– Tại số của em. Em tuổi ngựa. Ngựa thì chả có khi nào nhàn nhã.

– Không phải. Tại cậu vớ phải con gà mái công nghiệp. Gà công nghiệp thì không tự kiếm ăn được. Cậu xem lũ gà mái ta của bọn mình đây này, không những mấy chị gà ta này tự kiếm lấy ăn mà còn nuôi được bọn gà tồ chúng mình nữa. Bọn mình sướng hơn cậu là vì thế.

Được Bé khen nhưng mấy người phụ nữ lại không tán thành nhận xét của Bé về An. Họ khen An thương chồng, yêu con, khéo chăm sóc con, học tiếng Việt nhanh, học được cả cách làm nhiều món ăn Việt Nam. Trong cuộc gặp năm ngoái, làm món bún bò Huế, An biết chế cả mắm tôm vào bát bún. Vợ Bé nói :

– Chỉ tiếc là An chưa học được cách sống vắng chồng như bọn mình.

Trước bữa ăn, bốn thằng lính chúng tôi ngồi với nhau, câu chuyện chỉ xoay quanh con gà trống ở rừng Lào thì bây giờ bốn bà vợ của chúng tôi lại chỉ nói về con gà mái Tây được Khang đưa từ bên Đức về. Câu chuyện đang nở như ngô rang thì Khang xem đồng hồ, vội đứng lên:

– Em phải đi đón con em. Em chỉ đi nửa tiếng sẽ về ngay.

Nhìn Khang hấp tấp dắt xe ra cửa, Khoa nói :

– Đúng là con gà trống tội nghiệp!

Comments are closed.