CON MA

Truyện ngắn

Nguyễn Đức Tùng

Bảy ngày sau đám cưới, chị bị ma bắt.

Đó là con ma không có mặt. Da nó xanh nhờn, lốm đốm. Buổi chiều chị mất tích trên trời mây tụ về như sắp bão, nhưng bão không tới, chỉ có gió thổi rào rạt trên cánh đồng. Chị có bà con xa với tôi, ở cùng làng, khác xóm. Mười bảy tuổi, tóc còn thắt hai bím, chị về nhà chồng, ở một ngôi làng cuối sông, có nhiều đầm lầy. Chồng chị là chàng thanh niên cao lớn bảnh trai, con út nhà giàu, chạy chiếc xe Harley thể thao nửa đen nửa trắng trên đường làng, như trong phim cao bồi, chị đem lòng yêu khi vừa mới gặp. Phía nhà chồng đòi cưới ngay, không hiểu vì sao. Đám cưới lớn, chăng đèn kết hoa tở mở. Con ma giấu chị rất kín trong bụi dâu dại giữa đồng, gần cái ao nhỏ, phía sau nghĩa địa, nơi có cái lăng lớn của ông ngoại tôi. Vùng đó rêu mọc dày, trơn trượt, nên hiếm bóng người. Những buổi trưa hè tôi đi lang thang bắt châu chấu làm mồi cho chim cu, lấy đất sét về nặn tu huýt, thấy nước trong ao bị mặt trời đun sôi, sủi bọt, hắt lửa xanh lè. Nhưng đám cây bên bờ nước lại tặng chị những trái dâu vàng. Chị chưa hiểu cuộc đời, hôn nhân là khái niệm mơ hồ. Nhà chồng đổ xô đi tìm, nhà cha mẹ chị bị đập cửa trước tiên, lúc nửa đêm. Mọi người nhìn nhau, ngơ ngác.

Giữa nghĩa địa và cánh đồng, có cây ngô đồng cao vút. Thu năm ấy, chiếc lá đầu tiên vàng rụng là lúc chim phượng từ đỉnh núi Trường Sơn mây mù bay về đậu trên ngọn. Cứ mỗi lần loài chim thương xót ấy bay về, một mình, thế nào cũng có một cuộc phân qua đầy máu lệ. Chị dựng cho mình căn lều nhỏ trong lùm cây, có cửa liếp mở ra ao. Con ma đứng coi chị làm việc, chắp tay sau lưng, nửa không tán thành, nửa lại cho phép, chẳng hiểu ý nó ra sao. Những kẻ thích bạo lực không nói rõ ý tưởng của mình, ưa giấu mặt. Căn nhà nhỏ chỉ vừa đủ chỗ cho chị nằm và chỗ để trái cây chị lén lút nhặt ngoài đồng, đêm. Một trái dưa hấu, dăm trái dưa chuôt, chục quả cà pháo. Chị biết dè xẻn, lúc đói chỉ cắn một vài miếng, nhưng chút nước ngọt đăng đắng tiết ra đầu lưỡi làm chị nhớ nhà, nhớ căn bếp ám khói của mẹ. Mới đầu chị không được tự do đi lại, nhưng một lần đói quá, chị bỏ vào miệng một chiếc lá non, lập tức môi và lưỡi chị sưng phồng, mặt đỏ tấy, nước mắt ràn rụa, tức thở, từ đó con ma cho chị thêm một ít tự do phóng túng nữa, như đi ra ngoài kiếm thức ăn, mót củi, hay ngồi tiểu tiện bên bụi rậm, nhân đó hóng chút gió mát. Quá nửa đêm, chị đi ngủ và mơ những giấc mơ kỳ lạ, đôi khi bị đánh thức bởi một cuộc trò chuyện hay cãi vã.

Hai gã đàn ông lạ đến ngồi trước thềm nhà. Chị thức giấc, mở hé cửa liếp, một gã gầy ốm mặt choắt, một gã mập mặt rỗ. Nghe được tiếng thở của chúng gần, một dồn dập, một rời rạc. Chị ngồi im.

– Mày phải chia phần cho tao, gã mặt choắt lên tiếng.

– Mày muốn bao nhiêu, gã đàn ông mập và lùn, mặt rỗ, từ tốn hỏi lại bạn, giọng lịch sự. Gã dốc từ trong túi ra những đồng tiền vàng leng keng. Chúng đếm được cả thảy một trăm đồng tiền vàng vui tươi sáng loáng và mấy đồng bạc lẻ loi hơi ảm đạm.

– Chia cho tao một nửa, gã mặt choắt nói. Và nó thêm, phần tao năm mươi đồng.

Gã mập phản đối, than thở với bạn: chuyến này chúng mình đi buôn không có lời. Chức giám đốc công ty bán lại, thu được năm trăm đồng, nhưng phải lo lót gần hết ba trăm cho lão chủ tịch, đã trả rồi, mày biết, còn lại năm mươi đồng tiền thuê du đãng, ba mươi tiền thuê súng, hai mươi tiền vỗ về dân chúng di dời, dân oan khiếu kiện, hai mươi tiền đấm mõm bọn nhà báo nhà văn. Trăm đồng còn lại này chỉ vừa đủ tiền vốn ứng trước của tao, thực ra mày còn nợ tao một ít, nhưng thôi cho qua.

Tức thở, chị khẽ hạ tấm liếp, kịp nhìn thấy trên trời một vì sao nhấp nháy, sáng lạ thường, chị ngồi ép vào vách, nhắm mắt, nín thở.

Gã mặt choắt lớn tiếng chửi thề, bằng một thứ ngôn ngữ chị chưa hề nghe, có nguồn gốc lạ, nửa Bắc nửa Nam, vừa thanh lịch vừa tục tĩu, nhưng lại đủ sức đốn ngã một nhà dân tộc học. Thằng mập mặt rỗ dịu giọng xuống, trả lời bạn vài câu, dịu dàng, thương lượng, an ủi, vỗ về, chị không nghe rõ từng lời, nhưng đoán qua giọng điệu. Rồi sau đó không nghe đứa nào nói gì nữa. Im. Hoàn toàn im lặng. Thật lâu.

Chị mở hé cửa, liếc nhìn ra: gã ốm mặt choắt nằm sấp, một con dao sáng loáng cắm phập trên lưng nó, bên trái, trắng bạc, hắt ánh trăng xanh chênh chếch. Một thoáng, trăng chui vào mây, đen kịt.

Vui nhất là những buổi nắng ráo, trời trưa lồng lộng, thơ thẩn vài cụm mây. Thuở ấy có em đi nhẹ vào đời, chị hát một bản tình ca, ngân nga bất tuyệt.

Có hai đứa bé đến gần.

Chúng đi bắt cá. Hai đứa trẻ dùng một cái mũ bảo hiểm nhặt được ngoài đường, sau một tai nạn ô tô xe máy đâm vào xe tải, thứ ấy nhiều vô kể, múc nước từ dưới ao lên. Chúng bắt đầu hắt nước vào nhà chị. Lụt lội khắp nơi. Chị leo lên cột nhà, xà ngang. Nước mỗi lúc một dâng cao. Sóng đổ cuồn cuộn, xoáy, sủi bọt, réo như thác. Ngồi vắt vẻo trên xà nhà, qua một lỗ hổng trên mái, chị nhìn thấy mặt trời xuống sau núi. Một nỗi buồn chán nản rã rời dâng lên. Chị biết nếu cố chờ thêm lát nữa, con ma sẽ về và dắt chị đi. Nó cần chị sống, để dùng vào việc gì thì chị không nghĩ tới, có thể nó cần thêm nhân dân. Nhưng nước lên nhanh quá, chị đuối lắm, chìm dần, chìm dần, có lúc chị có ý tưởng chán chường muốn để mặc số phận cho dòng nước cuốn đi như giải thoát. Nhưng rồi chị cố sức bơi ra cửa, giơ hai tay lên trời, ra dấu đầu hàng. Hai đứa trẻ bắt chị bỏ vào cái hộp bánh bích qui cũ có mùi thơm của bánh ngọt Paris, mang về nhà.

Chị được cứu sống lại sau năm ngày mất tích. Người bé tí, khuôn mặt bằng nửa bàn tay, từ đó chị chỉ thích ăn gạo sống, nhai rôm rốp, chị bốc thẳng trong lu. 

Gia đình nhà chồng mở tiệc ăn mừng, giết gà, mổ lợn, cho đốt đuốc suốt đêm, mời cả làng, rước thầy pháp về cúng trừ tà. Những lá bùa xanh đỏ dán kín phòng tân hôn. Muối hột, tỏi, nén, gạo rang rắc khắp đường làng. Chồng chị lại lôi chị lên giường. Trước khi làm tình, gã rút sợi dây lưng to bản ra gập lại, giận dữ, căm hận, mắt long lên song sọc, quất túi bụi lên người chị, để trả thù và để đuổi con ma đi. Người chị đầy vết thương, máu rịn ra ướt cả quần áo. Khác với trước đây, chị im lặng. Nhưng máu tươi làm người chồng sướng điên lên. Hắn xé toạc chiếc quần lụa, không kịp lấy chân hất ra xa, gục đầu vào, hôn lấy hôn để, nước bọt trào ra ướt cả râu tóc. Đó là ngày mười hai sau đêm động phòng hoa chúc.

Đến ngày thứ mười bốn, con ma tìm được vết tích. Nửa đêm nó mò vào làng, giả tiếng gà gáy, làm tổ dân phòng tưởng trời sáng, vội mở cổng làng. Nó chui vào phòng của hai vợ chồng, khẽ đẩy người chồng ngủ say đang ngáy như sấm qua một bên, vòng quanh cổ gã bằng một sợi dây đàn ghi- ta bằng cước, siết từ từ, siết chặt, làm nước tiểu ướt loang loáng cả chiếu, rồi buông hẳn, ẵm chị lên, chạy đi.

Chị run rẩy, người trở nên nặng quá, nên con ma hơi bị chậm bước trước chân tường, vì nhà có vườn rộng, với tường gạch bao quanh. Bị mọi người đuổi gắt, con ma tức giận quay phắt lại. Nhìn thấy một kẻ không có mặt, da xanh nhờn lốm đốm như lươn, bọn người nhà rụng rời, đánh rơi cả gươm đao, máu gà, huyết heo, gậy gộc, có kẻ ngã ra bất tỉnh. Nhờ thế con ma kịp bế xốc chị lên, nhảy vụt qua tường, chạy thẳng. Suốt sự biến, chị không nói năng gì, vì sợ quá. Hay vì đồng ý với kẻ bắt cóc, không ai biết. Từ đó chị mất dấu, không tin tức, cũng không ai tìm, dần dần như những vết thương dù thoạt đầu chảy máu nhiều, cũng có lúc cầm lại, phải lành, phải được quên đi, dần dà ba mươi mấy năm. Cho đến khi tôi về làng. Cây ngô đồng ngoài truông đã rụng hết lá, sắp bị đốn hạ như bao nhiêu cây khác bởi kẻ thù của chúng, con chim phượng bay xa biền biệt, cõi nhân gian vẫn phân ly. Tôi tìm thấy một sợi tóc trong căn nhà cũ của chị. Gần chân giường tối. Tôi cầm lên giữ thật lâu trong tay. Một sợi tóc dài, dẻo dai, ấm, rõ ràng vừa mới rơi xuống đất mà đã bạc như tơ.

Comments are closed.