Con và cha

Truyện Nguyễn Ngọc Hoa

Rốt cuộc cha cũng xuất hiện đón mẹ và anh em tôi về làng Truồi, nơi cha đóng đồn. Cha đến với dì Cúc mà chúng tôi đã gặp trong chuyến đi Lăng Cô gần hai năm trước. Năm nay dì hăm ba tuổi (mẹ sinh tôi lúc bằng tuổi dì), nói giọng Huế líu lo như chim hót, thanh tao mà khó hiểu,và hết lòng chiều chuộng ba anh em tôi.

Mặt tiền nhìn ra sông Truồi (sông Hưng Bình), ngôi nhà thuê rộng rãi có ba gian thông nhau; hai chái (phòng) hai bên, và hàng hiên phía trước. Gian giữa với cửa chính mở rộng là nơi đặt bàn thờ và bộ tràng kỷ dùng tiếp khách đồng thời làm bàn ăn của cha. Hai gian bên có cửa hẹp hơn, dùng làm chỗ ngủ, cha mẹ và thằng Sáng ở một phòng còn phòng kia dành cho dì và tôi và anh Quang. Vườn cây chè rộng sau nhà trở thành sân chơi của anh em tôi.

Vốn là chú bé nhà quê, tôi quen luông tuồng không ai câu thúc, nhưng ở với cha thì việc gì cũng phải làm liền làm nhanh làm đúng vàcó kỷ luật hẳn hoi. Ăn uống đúng giờ đúng giấc, ngồi ăn phải ngồi thẳng thớm, muốn dùng muỗng múc canh thì trước hết phải đặt đũa xuống bàn, và ngay cả đôi đũa cũng phải gác ngay ngắn đúng chỗ. Đọc sách xong phải xếp lại cất gọn gàng vào chỗ chỉ định, đôi guốc và áo quần dùng xong phải có chỗ có nơi đàng hoàng, tóc tai phải luôn luôn cúp (hớt) ngắn gần như trọc, và nhiều luật lệ khác mà tôi không bao giờ hiểu và ít khi nhớ mà tuân theo.

Trong vô số phép tắc và khuôn khổ của cha, “luật” ngủ trưa là điều tôi ngán nhất. Trưa hè nóng bức, mẹ lùa ba anh em vào phòng bên bắt phải nằm ngủ. Căn nhà rộng im phăng phắc không có một tiếng động ngoài tiếng ngáy khò khò của cha, mẹ và dì Cúc nói chuyện thì thào vì sợ động giấc ngủ cha. Trời nắng đẹp bên ngoài và bóng mát trong vườn mời gọi, tôi không thể nằm yên nên lò dò xuống bếp tìm mẹ,

“Cho con ra vườn chơi, con không làm ồn (đâu)”.

“Không được. Cho mi ra rồi hai đứa ( kia) đi theo, làm rộn cha dậy thì chết đòn”, mẹ lắc đầu.

“Vườn sau rộng như rứa (thế), làm răng (sao)nghe được tiếng tụi con?”, tôi hỏi lại.

“Biểu ngủ thì phải ngủ, không nói oong-đơ chi hết”, mẹ nhất định. “Không nói oong-đơ” là “không nói một hai”, lời ra lệnh cho người khác đừng nên nói gì cả; “oong-đơ” do tiếng Pháp “un-deux,” nghĩa là “một-hai”.

“Không buồn ngủ làm răng ngủ được? Con ra bến sông chơi nghen?”.

“Thằng ni (này) lì, nói không nghe. Cha cấm mấy đứa bây chơi gần sông khi không có mặt người lớn”.

“Trong nhà ni chỉ có một chắc(một mình) con và anh Quang biết bơi, người lớn có ai dám xuống nước , một sự thực không thể chối cãi.

“Tổ cha mi ưng cãi sai cung.  Cha dậy đập cho mi một trận tởn tới tra (chừa đến già)!”,  mẹ giận nhưng không dám lớn tiếng; tôi xem đó là lời đồng ý và chạy biến ra cửa.“Cãi sai cung” là lý sự cùn, cãi chày cãi cối vì thấy mình bị bắt ép hay bị đòn oan.

***

Chưa đến cuối ngày thứ ba mà sự tiếp đón ân cần của cha đã phai nhạt. Cha lớn tiếng đòi mẹ giao nạp của cải mang ngoài làng vào để trang trải nợ nần. Mẹ phân trần vốn liếng tài sản một đời để phòng thân phòng thủ nơi đất khách quê người; bây giờ chân ướt chân ráo, chưa có nhà có cửa làm chỗ nương thân mà chẳm hẳm tiêu pha cho hết thì chẳng bao lâu ba đứa con dại sẽ cạp đất mà ăn. Cha chửi tục và toan hành hung, nhưng mẹ quyết chí, đừng hòng lay chuyển. Nhưng từ hôm ấy cuộc sống của thằng Bé bỗng dưng bước vào những ngày đen tối nhất.

Trong ba đứa con, thằng Sáng mới ba tuổi còn anh Quang thì nhanh nhẩu và khôn ngoan, chỉ có thằng Bé kém ăn nói, luôn luôn phạm vào các luật lệ mới, và mang thêm trên đầu đủ thứ tội vạ đáng phạt đòn. Trước hết là tội hỗn hào, hễ “người lớn” (tức là cha) nói sai là cãi phăng không nể nang, biện bác cho ra lẽ mới chịu im. Kế đến là tội lì lợm, mỗi khi đã quyết rằng mình đúng thì ai nói cũng coi như pha. Rồi đến tội giả điếc: khi mải đọc cuốn sách đắc ý, đố ai gọi hay bảo làm chuyện gì khác. Sau cùng là tội tham ăn, gặp món vừa miệng là ăn mãi không ngừng như thùng rỗng đáy; anh Quang gọi là “thợ ăn” và dịch ra tiếng Pháp là “ouvrier de manger” – theo lối tên thằng Bé lấy từ chữ “Le Petit. Còn ai lý tưởng hơn để cha tùy tiện phạt đòn?

Ngày ngoài làng, nội vót sẵn cây roi mây treo trên cột nhà để răn phạt khi tụi hắn “hư quá”. Nội bắt nằm sấp dưới sàn nhà, vừa hạch tội bằng chuyện xưa tích cũ vừa la mắng cho đến khi “phạm nhân” rơm rớm nước mắt hối cải mới phết một roi vào mông. Có khi có khách tới nhà thăm, nội nể mặt khách tha luôn màn“ăn lươn mây” cuối cùng.

Cha là nhà binh nên cách trừng phạt cũng khác. Khi bị gọi ra đứng trước mặt cha ở gian giữa trước bàn thờ, tôi biết mình có tội, nhưng nhiều tội quá không biết sẽ bị phạt về tội gì. Cha giáo đầu bằng hai cái bạt tai choáng váng mặt mày, và tôi lính quýnh xoa mặt lùi một bước,

“Chạy đi , muốn chết hả? Nằm xuống đây”.

Cha rút chiếc thắt lưng da ra. Tôi chưa kịp giấu hai bàn tay dưới bụng thì cây roi da quất tới tấp vào lưng, mông, và đùi,

“Cho mi chết, biết tội chưa?”.

Nếu đau quá mà khóc thét lên thì lãnh thêm một tràng roi da khác,

“Oan ức lắm răng mà còn khóc?”.

Nhưng nếu nghiến răng không khóc thì cũng không hơn gì,

“Thằng chó ni gan lì, đập cho mi hết lì”.

Đằng nào cũng “ăn da bò” nên tôi ngậm miệng chịu đau để mẹ khỏi đau lòng. Trận đòn chấm dứt khi cha mỏi tay dừng lại thở dốc và dì Cúc chạy tới nâng dậy,

Thằng Bé xin cha tha đi, lần sau con không dám nữa”.

Tôi không xin tha vì chắc chắn sẽ tái phạm – cái tội gì đó không rõ. Cha chỉ đợi có thế,

“Cút đi cho khuất mắt!”.

Mẹ đứng nhìn mếu máo, dì đổ dầu tràm thoa lên các vết hằn, và tôi xót thấu xương. Mẹ nấu cháo thịt bò bằm mịn, món ăn dành cho người bệnh, cho ăn. Đêm nằm trong lòng dì, tôi đau quá không ngủ được, suốt đêm ngọ ngoạy như con trùn.

Càng ngày các trận đòn càng đến thường xuyên hơn, nhất là sau những lần chủ nợ đến nhà làm dữ. Nằm nghiêng trên giường (cho khỏi đau), tôi tuần tự ôn lại những thứ đọc được khi làm con mọt sách nằm dưới bộ gõ (bộ phản) của nội ngoài làng. Tài liệu huấn luyện của trường Võ bị Liên quân Đà Lạt cha và chú Lam để lại có bài luận về sự thiết yếu của quyền chủ động trong Binh pháp Tôn Tử,

Người chỉ huy tác chiến giỏi là người có thể điều khiển quân địch chứ không thể theo sự điều khiển của quân địch”.

Phải rồi, tôi phải nắm quyền chủ động mới mong thoát khỏi khổ nạn này! Trận đòn sau đó, bị hai bạt tai giáo đầu nổ đom đóm mắt nhưng không xoa mặt hay thối lui, tôi thản nhiên nhìn cha như không có gì xảy ra.

“Nằm xuống,” cha quát lên.

Tôi giả điếc đứng yên. Đối với cha, một sĩ quan, con cái không tuân lệnh là điều không thể chấp nhận – một tội tày trời – nên cây nịt da toàn lực quật xuống liên hồi,

“Thằng khốn nạn, dám không nghe lời!”, cha thở hồng hộc.

Tôi loạng quạng ngã xuống, gượng đứng dậy, và chờ cha đánh tiếp. Ngọn roi da tiếp tục giáng xuống thành tiếng “đét”, “đét”… ,

“Cho mi chết rồi đem chôn!”, cha nghiến răng trèo trẹo.

Sau lần gắng gượng thứ ba, tôi không còn có cảm giác đau đớn mà thấy sau lưng ươn ướt, nhìn vào đôi mắt long lên sòng sọc vì giận dữ, nhưng thoáng sợ hãi của cha. Thấy máu thấm sau lưng áo tôi, mẹ thất thanh rú lên, và dì Cúc nhào tới,

Đập tui nì (này), con mới sáu tuối đầu mà hành hạ còn hơn tra khảo Việt Minh!”.

Biết mình đã thắng cuộc chiến tranh cân não với mẹ, cha xuống giọng,

Chiều hắn cho gắt, hắn được lờn (chiều nó cho lắm vào, nó làm tới)!”.

Dì xê ra, kệ chó con (dì xích qua đi, để mặc con)!”, tôi đẩy dì sang một bên, đứng ưỡn ngực nhìn lên.

Mặt cha tái nghét, tay run run đưa dây nịt lên cao, dừng lại một lát rồi hạ xuống,

“Cút đi. Con quỷ con yêu, con với cái chi mô (gì đâu)!”.

Tôi đứng yên không đi. Buột lên tiếng chửi thề tục tĩu, cha bước nhanh ra sân lên xe Giép (Jeep đọc theo tiếng Pháp) nổ máy rột rột. Trước khi ngã vào lòng dì bất tỉnh, tôi nghe xe tông vào cây mít trước nhà cái “rầm”.

***

Tôi nằm liệt giường lúc tỉnh lúc mê suốt hai tuần lễ. Mẹ mời thầy lang thăm bệnh, xem mạch cho toa. Dì sắc thuốc cho uống ngày ba lần, thuốc Bắc đắng nghét, đắng hơn canh mướp đắng (khổ qua) mẹ nấu cho cha ăn. Khi tôi ra khỏi giường, anh Quang kéo ra vườn nói nhỏ: cha mẹ vừa đi Đà Nẵng lấy tiền, và cha nhượng bộ chịu dành ra một phần tiền mua nhà ở Huế.

Từ giã làng Truồi dọn về An Cựu, hình như không ai trong gia đình thực sự hài lòng với ngôi nhà chật hẹp dưới chân núi Ngự Bình, ngoại trừ thằng Bé.  Chủ nhà trước để lại tủ sách xưa, trong đó có bộ Grammaire française (Văn phạm Pháp ngữ) của Claude Augé.

Chọn cuốn văn phạm cours préparatoire là lớp dự bị (tương đương với lớp một ngày nay) mày mò học một mình. Thấy tôi ôm cuốn sách dày bằng nửa cuốn tự điển, cha hất hàm,

Mi học lớp mấy?”.

“Dạ không biết”, có đi học đâu mà biết.

“Học chi, đưa đây coi”, cha giật cuốn sách ra khỏi tay.

“Dạ…”, không cần trả lời vì cha đã cầm cuốn sách, biết rồi.

Mi hiểu không?”, cha không cần hỏi vì nếu không hiểu tôi đã không học.

“Dạ… ”, đưa hai tay đòi lại cuốn sách, chấm dứt cuộc đàm thoại một chiều vì cha đã hỏi đến câu thứ ba.

Bàn luận với anh Quang về những thứ tôi không thích: thoa dầu tràm, ăn cháo thịt bò, uống thuốc bắc, và… cha, bị mẹ nghe được mắng mỏ,

“Đồ con bất hiếu bất mục, cha mi mà mi dám nói rứa.

Nhớ lại các bài học trong Luân Lý Giáo Khoa Thư lớp đồng ấu (tương đương với lớp mẫu giáo ngày nay), tôi hổ thẹn với chính mình.

Ngày 6/11/ 2013

Comments are closed.