Truyện Nguyễn Hữu Liêm
Ðây là một chuyện kể như thật như mơ của một người xa xứ nhớ về đất Quảng Trị.
Đưa vào chuyện: Tôi về lại làng Bích La Thượng để thăm lại nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Khi đến uống rượu đế ở một chợ nhỏ bên sông Thạch Hãn, chợ Hôm, tôi đã gặp được một ông nông dân đang ngồi đan giỏ tre. Câu chuyện giữa tôi và nông dân này – ông Ðạo – trở thành một viễn du vào trong chiếc gương soi của ý thức.
Tôi nằm ngửa xuống mạn đò trên sông Thạch Hãn để nhìn lên vầng trăng còn sót lại ở phía tây. Sau lưng tôi mặt trời vừa hé mọc. Như vậy là trăng dưới chân và mặt trời trên đầu. Lúc đó hãy còn sáng sớm. Khách qua đò chưa có. Bà lái đò nai lưng ra với mái chèo và chẳng buồn để ý đến gì tôi. Tôi muốn uống trọn lấy cái cảnh sông nước tràn đầy kia. Dãy Trường Sơn xanh rờn và cao ngất nằm choán hướng tây bên kia làng Ái Tử. Tiếng mạn thuyền lướt nhẹ trên nước sông và tiếng mái chèo khuấy nước đều đặn làm cho tôi muốn nhắm mắt lại.
Tôi thấy người phụ nữ vươn lên từ dòng sông xanh ngắt. Chiếc áo dài trắng, quần trắng ướt đẫm phô bày thân xác. Nàng bước đến khi tôi đang nhìn lên dãy núi xanh mờ. Nước sông mát rượi nhỏ xuống từ vạt áo dài và mái tóc đen dài của nàng lên trên ngực, trên bụng của tôi. Tôi cảm thấy cái năng lực dục tính chuyển động từ trên xuống. Cái sức mạnh của ý thức đang chuyển hóa thành năng lượng sinh dục. Tôi thấy nhiệt lượng và ánh sáng mặt trời đang đi từ trên đầu tôi, hướng đông, theo xương sống, qua các luân xa, đi xuống về phía mặt trăng, hướng tây, và thân xác tôi rung lên, đứng thẳng lên để đón lấy mặt trời cho mục đích của vầng trăng. Cái dương tính của mặt trời qua tôi muốn đến với vừng trăng của nàng sông thuần nữ tính để tái tạo cho một sự sống mới, một vũ trụ mới, để phục vụ thiên nhiên.
Tôi bị cuốn lấy bởi đợt sóng của dục – của mặt trời chuyển xuống mặt trăng qua thân thể. Cả hai nguồn lực, cái của ánh sáng, của tinh thần trên cao, đang bị cuốn lấy và nắm chặt bởi năng lực khát sống và sinh nở của thiên nhiên từ mặt trăng phía dưới. Những giọt nước sông mát nhỏ xuống thân xác tôi kích thích. Nhưng ý chí mặt trời của tôi cố gắng níu lại. Tất cả đều là ở đây, trên thân xác và ý chí này: ta muốn phục vụ cho thiên nhiên, hay là ta muốn đứng trên cao với mặt trời? Người phụ nữ của dòng sông đang vươn hai tay lên vuốt tóc và ưỡn ngực ra đầy sức sống. Nàng là của dòng sông, là sự sống, là cuộc đời. Tôi có vượt qua dược dòng sông như Phật Thích Ca Mâu Ni đã vượt qua dòng A Nô Ma hay là Chúa Jesus đã bước đi trên mặt biển Capernaun! Cho đến khi tôi có thể đi trên mặt nước như Phật, Chúa, tôi sẽ không thắng nổi sức hút của dòng sông. Chỉ có những siêu nhân mới bước qua nổi cái hấp lực của cuộc đời – của mặt trăng, của nữ giới.
Tôi nhớ đến bài ca của Rumi về Dục Thân (Desire-Body) nói đến thân xác con người đàn ông tràn ngập những nafs (ái dục). Cái ái dục mà tôi đang kinh qua hay là cái ý chí cưỡng lại sự tuôn trào sức sống vào người phụ nữ đều chỉ là hai mặt từ một Ý Chí. Qua thân và thức con người, Ý Chí này biến thành hai: ý chí thiên nhiên hay là ý chí siêu nhiên. Tôi nghĩ đến Ananda trong Kinh Lăng Nghiêm khi chàng bị dụ dỗ vào nhà thổ. Tôi nhìn thấy Gurdjieff, một đạo sĩ gốc Amernia, đang trừng mắt nhìn tôi như là một “đạo sư từ địa ngục”. Và dù có cố gắng khách quan hóa cái dục của mình, tôi thấy hình như mình đang đánh lừa chính mình. Có phải rằng ta cố kềm hãm dục vọng để cho sự lôi cuốn của tình dục càng hấp dẫn hơn? Ý thức càng cao thì dục tính càng mãnh liệt – cái sinh khí của thiên nhiên được transmuted (chuyển hóa) bởi năng lực ý thức. Cái nào là cái ý chí mà tôi đang có? Gurdjieff nói qua không gian, “Cái quan yếu là ý chí vật lộn giữa ý thức và ái dục: sự xung đột sẽ nung lửa tinh thần, để chuyển hóa cái phàm, cái thô thành nên cái thanh, cái đẹp. Cuộc đời là những trận chiến như vậy – là một lò lửa “alchemical” qua cơ năng thân thể và ý thức. Nên nhớ: chuyển hóa, đừng dồn nén”.
Tôi vùng dậy đưa tay rờ tới mặt để tự biết mình đã tỉnh thức. Tôi bước ra ngoài sân, trăng sáng vằng vặc trên trời trong. Té ra là mình đang nằm ngủ và thấy chiêm bao trên giường của nhà bác Giá ở làng. Tôi nghe tiếng bác Giá hỏi, “Rứa mi đi đấy (tiểu) hả Liêm?”. Tôi ra đứng góc nhà và nghĩ đến giấc mơ vừa qua. Không lẽ chừng này tuổi mà mình còn mơ về cái chuyện đó. Hay vì ta đang về lại quê nhà nên chuyện yêu đương trỗi dậy? Tôi nhớ đến có người nói rằng, tình dục ở tuổi gần năm mươi còn mạnh hơn là tuổi hai mươi. Tôi nhớ đến Cephalus nhắc lại lời Phophocles, trong cuốn Nền Cộng Hòa của Plato, cho đến khi tuổi già, trên bảy mươi hai, ông mới thoát khỏi cái kềm chế và hành hạ bởi a mad and furious master (chủ nhân điên loạn và cuồng nộ). Cái thằng chủ mạnh bạo đó là dục tính. Nhất là khi nào mình nằm ngủ ở miền quê trong đêm trăng sáng, cái sức hút của Luna (Nguyệt) làm cho tính dục càng tăng. Tôi nhìn lên chị Hằng. Mặt trăng này đã làm tôi thấy giấc mơ của dục. Ôi nàng Luna điên loạn, hấp dẫn. Nàng là cơ năng vũ trụ đang giữ cái hồn và cái xác của tôi lại với nhau – nàng là sự phản chiếu của tâm thức của tôi vào thiên nhiên. Nàng thu hút nhiệt lượng mặt trời, lấy cái mạnh vay mượn của thiên nhiên để nhận chìm ta. Hỡi nàng Nguyệt, hỡi vầng trăng, ta thấy ta qua nàng. Qua cái dục cho nàng, ta tỉnh dậy cho cái tâm và cái thức. Qua cái đẹp của nàng, ta nhìn thấy cái xấu từ trong ta. Ta muốn đổ hết sức sống của ta vào người nàng như để trút hết cái ta của chính mình vào Tạo hóa – nhưng cái ý chí tuôn thoát, từ bỏ chính mình, kenosis, chỉ là cái vô thức của tự-Ngã muốn tung thân vào sự Hữu.
Tôi bước vào giường ngủ. Trăn trở trên chiếc giường tre cọt kẹt. Bác Giá lại hỏi, “Mi khó ngủ hả Liêm? Ôi chơ tao mất ngủ đôi khi cả đêm không chợp mắt. Nằm ngủ mà suy nghĩ lung tung, lo lắng, tức giận, bao nhiêu chuyện từ sáu bảy chục năm qua tau vẫn còn nhớ, còn buồn, còn thương. Tau nhớ ngày chú mi (Nguyễn Hữu Phong) lên đường đi tập kết với bác mi (Nguyễn Hữu Ý), (1954), trong tay không có một cấy chi. Chỉ ra đi với một vài lon gạo và chiếc chiếu. Khi bước lên đò qua rào (sông), hai eng tam (anh em) mi cứ tỉnh bơ không nói năng chi cả. Tau lúc nớ mới mười tám tuổi, đang có mang con Xeng (Xanh), mà bác mi ra đi. Mi thử coi.”
Tôi vừa nghe vừa nhớ đến bài thơ mà tôi đọc được năm nao trên chuyến tàu Bắc Nam:
Trong bão dông cuộc chiến và những năm kinh hoàng
lòng rực sáng nỗi căm hờn xưa cao đẹp
Chú Bác tiến bước
tuổi thanh xuân đâu có sợ gì
cứ theo đường lý tưởng Chú Bác đi
Nay Chú Bác về
nụ cười thắp sáng trên môi
từng cây mít chép những vòng nguyệt tuế
Tui vượt chín tầng nhân loại để về thăm
nghe nhẹ nhàng nỗi hân hoan cùng khắp.
Một lát sau tôi nghe tiếng ngáy của bác Giá. Và tôi cũng ngủ quên cho đến sáng hôm sau. Bác Giá lại kêu, “Dậy mà ăn khoai lang Liêm ơi”. Tôi đi xuống bếp, thấy bác đang gắp khoai lang ra cái rổ tre, hơi bốc nghi ngút. Tôi hỏi bác là thằng Khương mô rồi? Thằng Khương là con trai mà bác có sau khi bác trai trở về từ kháng chiến năm 1972, sau mười tám năm xa cách. Trời cho Bác hai đứa con: đứa gái đầu khi bác Ý ra đi vì đất nước; đứa con trai năm bác Ý về lại quê nhà. Người phụ nữ như bác Giá là linh hồn của quê hương. Ôi cái kỳ diệu của người phụ nữ đất Quảng Trị. Ở đây, ăn khoai, sắn, uống nước sông, nước chè xeng, cơm gạo ngoài đồng. Thỉnh thoảng có chút thịt, chút cá. Quanh năm chỉ biết có cơm và nước ruốc. Cái khổ, cái khó cũng giống như là cái vui, cái no, cái ấm. Tất cả thì “cũng rứa thôi”. Cả cuộc đời chỉ biết hy sinh. Cho chồng, cho con. Cái phức tạp của con người thời đại ở thành thị – nhất là chuyện nam – không có ở đây. Con gái, con trai lớn lên, mười tám là lấy chồng, lấy vợ, đẻ một đàn con. Thế mà rồi cũng xong thôi. Thật vậy không? Nếu tôi vẫn còn ở làng cho đến bây giờ thì tôi đâu có bị dằn vặt suy tư bởi những thứ này. Hay là làm người ai cũng phải kinh qua những vật lộn, trăn trở để tiến hóa? Tôi nhớ đến Marx, “Tiếng sét của tư duy sẽ đánh thức vùng đất ngây thơ của tâm hồn đang say ngủ”. Nhưng có phải con người thời nay đang thức dậy bằng một cơn mơ khác, đắm chìm hơn. Ôi mà những kẻ mới thức dậy thì thường hay đi lạc đường.
Chiều hôm đó, tôi một mình mò qua chợ Hôm để uống rượu đế và đi tìm ông Ðạo. Rượu đế là sự thức dậy của giác quan thân thể. Ông Ðạo là sự vươn về một nấc thang cho sự Hữu mới. Ðến nơi cũ, ông Ðạo vẫn ngồi đan rổ như thường. Ông chào tôi và tôi mời ông qua hàng bên cạnh ăn bánh cuốn thịt heo và uống bia đá Huda, còn tôi vẫn thích rượu đế địa phương. Khi rượu bia đã ngà ngà, tôi hỏi ông Ðạo về giấc mơ ái dục trên sông Thạch Hãn. Ông Ðạo cười và hỏi tôi, “Bạn còn nhớ Mahabharata không?”. Ông Đạo kể:
Ở thời đại ngàn xưa của Ấn Ðộ, có một vị vua thuộc dòng dõi thiên thể mang tên là Santanu. Hoàng hậu thứ nhất của vì vua này là Ganga. Ông gặp nàng Ganga khi đang đi dạo bên dòng sông Hằng và ngỏ lời xin cưới. Vì vua không biết rằng Ganga là hiện thân của dòng sông bằng thân xác người con gái. Nàng Ganga đồng ý thành hôn với vì vua với điều kiện là nhà vua không được can dự vào bất cứ điều gì mà nàng sẽ làm sau khi thành hôn. Nàng nói rõ rằng ngay cả nếu nhà vua chỉ đặt vấn đề hay nghi vấn với việc nàng làm, nàng sẽ từ bỏ ra đi ngay. Khi đứa con trai đầu vừa mới được sinh ra, Ganga đem vị hoàng tử chưa mở mắt này ném mất tăm xuống dòng sông Hằng. Nhà vua, dù rất đau lòng, vì giữ lời hứa, đã chấp nhận im lặng. Ganga sinh hạ thêm sáu chú hoàng tử nữa. Sáu đứa bé trai này từng đứa ngay sau khi sanh cũng bị ném xuống sông Hằng mất tích. Khi đứa con trai thứ tám chào đời, nhà vua mới can, bảo là không được ném nó xuống sông. Ganga liền dứt áo bỏ nhà vua, bỏ hoàng tử mới sinh, và đi ra sông Hằng, ném mình xuống dòng nước và biến mất. Nhà vua rất thương yêu vị hoàng tử thứ tám còn lại, tên là Devavrata. Ông chăm sóc và huấn luyện cho vị hoàng tử trẻ này một cách xứng đáng. Nhiều năm sau, một hôm nhà vua đi săn trong rừng, ngồi nghỉ bên một dòng sông, thấy nhiều cánh hoa sen trôi theo nhau trên mặt nước. Ông đi theo dòng sông và thấy một người con gái đang thả hoa sen cúng dường dòng sông. Nhà vua xin cưới nàng, tên là Satyavati. Cha nàng chấp thuận với điều kiện là Satyavati là chánh hoàng hậu và con của nàng sẽ tiếp ngôi vua. Nhà vua, vì yêu hoàng tử Devavrata, từ chối. Về lại cung, nhà vua sầu não. Hoàng tử Devavrata nhận thấy điều đó và kín đáo đến thăm cha của nàng Satyavati, yêu cầu gả nàng cho nhà vua. Ðể đổi lấy, hoàng tử Devavrata hứa là sẽ không chấp nhận lên ngôi, không lập gia đình, không có con – nhằm bảo đảm cho con của Satyavati được lên ngôi. Với hai lời hứa đó, Devavrata được kêu là Bhishma (Kẻ đáng sợ)…
Ông Ðạo kể thêm. Câu chuyện khá dài với nhiều chi tiết và những tên chữ Phạn, khó mà có thể theo dõi. May mà tôi cũng đã quen với câu chuyện từ những bài giảng triết học Ấn Ðộ về Bhagavad Gita (Chân Thức Ca) cho sinh viên. Ông Ðạo chấm dứt câu chuyện và ông khai giải những ý nghĩa ẩn dụ của câu chuyện. Nhà vua Santanu là Chân Thức (God/Brahma). Tính ngoại thân của Chân Thức là thiên nhiên (ganga). Vì năng ý muốn diễn tả, Chân Thức giao cấu với tính ý thức của thiên nhiên. Nàng Ganga, từ sông Hằng, là nguyên lý và tinh hoa của OM – nguyên âm tạo thế từ Chân Thức. Với sự giao cấu này, tám đứa con sinh ra. Bảy đứa bị đôi xuông dòng sông tượng trưng cho năng lực chủ quan của Chân Thức chưa được phát huy. Ðứa thứ tám, Bhishma, là hiện thân của Chân Thức vào cõi khách quan. Nàng Satyavati là tính vô thức của thiên nhiên. Tính vô thức này gồm có thời gian, không gian và vật thể. Trường khai diễn của nàng vô thức Satyavati là Maya, màn ảo giác vũ trụ che đậy Chân Thức.
Ông Ðạo tiếp: Khi bạn giao cấu (trong mơ) với một nàng áo trắng đi lên từ sông Thạch Hãn là lúc mà năng lực dục thức (thiên nhiên/thân xác) của bạn đang bị lý tính tác động. Nhưng nó chỉ là giấc mơ – và những gì sinh ra từ giấc mơ ái dục đó thì bảy phần là chưa được đánh thức, còn phần thứ tám thì là ý thức của bạn về ý nghĩa trên ký ức của giấc mơ. Ðó là khách quan tính của dục th – kể cả dòng sông, thân thể bạn, cảnh chợ Hôm bây giờ. Mahabharata là một ẩn dụ truyện – một biểu tượng về tạo thế, giống như Genesis của Kinh Cựu Ước. Giấc mơ của bạn cũng là một allegory. Và hơn thế nữa, thân xác, hoàn cảnh, cuộc đời, tâm lý, linh hồn, ý thức của bạn bây giờ, trong không và thời gian này, đều chỉ là biểu tượng – một reflective consciousness của Chân Thức. Bạn thấy chưa? Cho nên theo Sufism thì mỗi ý nghĩ về dục, dù không có tác hành, đều có sinh con. Ðứa con của ý thức – cũng “thật” như là đứa con sinh ra từ giao cấu nam nữ bằng thân xác. Cho nên, Rumi có khuyên rằng, hãy coi chừng về những tưởng tượng tình dục. Bạn có biết là bao nhiêu đứa con đang được sinh ra bởi cái dục thức của bạn không? Nhiều hơn con số tinh trùng – hàng trăm tri – mỗi lần. Mỗi con tinh trùng là một đơn vị của thức được hiện thân vào cõi xác – một physical possibility chờ cơ hội tác hợp với trứng noãn sào để hiện thân nhằm cho mục đích tiêu hóa cái năng thức (nghiệp) của chủ nhân.
Cuộc đời của tôi, của ông Ðạo, cả vũ trụ này, chỉ là một phản chiếu ý thức? Ông Đạo gật đầu cười. Tôi nhắc đến Jacob Boehme, một triết gia Ðức, khoảng năm trăm năm trước, có nói rằng, Thượng Ðế sáng tạo con người có thể hiểu qua cái tỷ dụ một người đứng soi mình trước gương. Cái bóng trong gương có thật trên bình diện khách quan từ ý thức người soi, nhưng cái bóng không có bản chất, và cái bóng chỉ có thể tồn tại (sustained) nếu người soi còn đứng soi và nhìn vào gương. Cũng như thế, trong Cựu Ước có nói, “Thượng Ðế tạo con người qua ảnh tượng của mình (in His own image)”. Ông Ðạo gật gù. Ông Ðạo suy diễn tiếp. Cho nên, khi ta ái dục thì chính là lúc Thượng Ðế ái dục với “cái khác” của chính mình (His own otherness). Cái ái dục đầu tiên là ái dục tự-ngã – khi cái bóng trong gương tự yêu chính nó, cho nó là tự mãn (self-sufficient) và không biết cái chân tính (ontology) của nó là do đâu. Ðây là gốc rễ của tha hóa (alienation) mà tôn giáo muốn cứu vớt. Cái dục tiếp theo là ái dục hiện thân – chiếc bóng trong gương muốn hiện hình. Ðây là năng ý dục tính nam nữ – khi chiếc bóng tinh thần muốn trở nên thực thể thân xác vật chất. Cái ý chí hiện hình qua thân xác trở nên bản năng dục tính ở mọi cõi sinh hiện, nhất là ở cõi người.
Ông Ðạo cao hứng: Thế thì bạn hiểu vì sao mà Maria trong Thiên Chúa Giáo là “Mẹ đồng trinh”? Tôi lắc đầu. Ông tiếp: Maria là một tấm gương trong suốt để cho Thượng Ðế (Chân Thức) nhìn chính mình. Không có ái dục hiện thân trong đó, trên mặt kính Maria. Tất cả chỉ là ảnh tượng của Chân Thức. Cái khó của chúng ta là cái gánh nặng biểu tượng đã biến ra gần như thực với cái cuộc đời và thân thể này. Không những thế, Phật Thích Ca, Chúa Jesus, các tôn giáo, đều là những hình ảnh, năng lực biểu tượng thì nay đã bị thoái hóa thành nên những gánh nặng lịch sử và coi như là những sự thể (facts) khách quan. Muốn sáng Ðạo, do đó, việc đầu tiên là phải vượt qua “giáo”. Ðó là phá chấp, không luỵ vào biểu tượng. Chúng ta bị nô lệ hóa trong tất cả những gì của sự sống vốn chỉ là biểu tượng – kể cả mỗi cuộc đời, thân thể chúng ta.
Thời gian trôi qua. Ánh nắng chiều trải dài trên cảnh chợ Hôm đang tàn dần. Tôi quay ra nhìn xuống dòng nước trong xanh của sông Thạch Hãn. Tôi tự hỏi, thế còn dòng sông Thạch Hãn này là biểu tượng nào cho tâm thức nhớ nhà của tôi? Có lẽ cái biểu tượng nào đó muốn tìm về cái chân tướng của mình mà từng đã lôi kéo tôi về lại quê nhà suốt mười mấy năm nay?
Ôi Thạch Hãn, Thạch Hãn! Đến lúc mô tau mới vượt qua được mi!