Cứ thử ghé lên mạng một lần chơi cho biết

Lê Công Tư

Trong một lần họp với Sở Thông tin – Truyền thông ngoài Đà Nẵng, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, có phát biểu một câu như vầy: “Tôi có cảm giác là chúng ta sợ mạng xã hội. Nếu không dùng, đóng hết thì không biết họ nói mình cái gì”.

Phát biểu của ông Trương Quang Nghĩa chỉ là cái cớ để tôi bài này, bởi cả đất nước này không còn lạ gì với những lần cúp máy điện thoại, bận đi họp, đang bận họp, vấn đề này nhạy cảm lắm không thể trả lời ngay được, v.v. Tất cả đều hàm chứa, ẩn chứa một nỗi sợ hãi vô hình nào đó. Cái thảm kịch của một con người nói riêng và một guồng máy lãnh đạo nói chung là sợ sự thật; không dám đối mặt với sự thật thì cũng gián tiếp công nhận mình dối trá. Lúc tham lam thì không từ một thứ gì, lúc tất cả bị phanh phui trên mạng với đất đai, nhà cửa, ruông vườn như quân trộm cắp thì quay mặt ngó lơ, cứ như thể tao không đọc thì những gì tụi mày viết không có.

Không khó lắm để nhận ra trước khi có mạng xã hội với những thông tin đa chiều, trái chiều, phản biện, đúng sai thì cả dân tộc này chỉ có mỗi một loại thông tin mang tính rao giảng, chỉ đạo, tuyên truyền, khẩu hiệu, v.v. Những thông tin kiểu này che đậy bốn bề khuôn mặt đích thực của cuộc sống, của xã hội. Cái cách thông tin chết tiệt này kéo dài bao nhiêu năm trời góp phần bao che cho đám tham nhũng lộng hành. Nhìn từ chiều này thì những nguồn thông tin có được trên mạng là để cân bằng lại, đồng thời mở ra một cơ hội để những sự kiện đươc nhìn, đánh giá bằng những đôi mắt khách quan hơn, chính xác hơn, trung thực hơn.

Kinh nghiệm riêng tư có được từ cuộc sống của kẻ viết bài này cho phép tôi nhận ra rằng cách duy nhất để vượt qua được sợ hãi là cứ đâm đầu đi thẳng vào cái đã tạo ra sợ hãi. Ngoài cách này ra gần như không còn cách nào khác. Cứ tạm cho rằng những thông tin trên mạng xã hội là một cái gương để cho những đảng viên, cán bộ lãnh đạo soi lại khuôn mặt của mình thì chỉ như thế thôi, mạng xã hội quả thật đã rất đáng giá, bởi chỉ có soi mới biết “diện mục” thế nào, xấu hay đẹp, người hay ngợm.

Thử dạo chơi một lần trên mạng để xem ở trên đó có cái gì. Có thể nói dưới đất có cái gì thì trên đó có cái đó. Từ một mái chùa nghiêng cho đến một nhà thổ. Từ cái quần lót cho đến mặt mũi của mấy tay lãnh đạo. Từ “bảy đêm khoái lạc” cho đến cách ngồi thiền sao cho đúng. Từ khoe vú, khoe mông cho đến lời cha giảng giữa nhà thờ. Từ những tư thế tập yoga để có thể mở ra tuệ nhãn cho đến những kiểu cách làm tình sao cho đạt đến đỉnh điểm. Huênh hoang cũng có mà chân thành cũng có. Xây dựng cũng có mà phá hoại cũng có. Sự tự do tuyệt đối khi được bày tỏ một suy nghĩ nào đó ở trên mạng chưa hẳn là một điều hay, bởi ánh sáng quá nhiều có được từ tự do phát biểu đã khiến những cái nhìn, cùng cách nhìn có thể bị lệch đi, bởi không có gì ngu cho bằng muốn nói gì ở trên đó thì nói. Tôi nhận ra chính cái tự do tuyệt đối này đã sinh ra không biết bao nhiêu thứ giòi bọ, rác rưởi. Nhưng u mê, tăm tối hơn thế nữa khi ai đó cho rằng những quan điểm ở trên đó toàn là những thế lực thù địch, phản động, chống đối phá hoại đường lối của Đảng.

Giữa cái bãi chợ ở trên trời này với đủ thứ sạch dơ, sai đúng, người đọc phải chịu khó sàng lọc bằng cách so sánh, đối chiếu, phân tích, tổng hợp, và sau cùng là một cái đầu thoáng, đón nhận một thông tin trên mạng khách quan, không thành kiến, định kiến. Khi phải đối mặt với những chửi bới, thóa mạ, lăng nhục, vu khống thì cách hay nhất là bình tâm xem những thứ đó đúng hay sai, nếu sai thì đó đâu phải là khuôn mặt của mình mà sợ, còn nếu nó đúng thì làm ơn nhìn lại cái khuôn mặt của chính mình.

Trước khi có Internet, bản thân tôi cũng như rất nhiều người đều nghĩ ông Hồ Chí Minh dành cả đời hiến thân cho cách mạng không vợ không con, còn những thông tin trên mạng cho tôi biết ông cũng có vợ như mọi người, năm 1926 ông có kết hôn với một phụ nữ Trung Quốc tên là Tăng Tuyết Minh, đám cưới được tổ chức ở Quảng Châu, hai người sống với nhau được nửa năm thì chia tay. Gõ đến đoạn này tôi chợt nhớ có một lần đã rất lâu đọc được trên tờ Tuổi Trẻ một lá thư của cụ Hồ gởi cho Tăng Tuyết Minh. Việc đưa một thông tin như vậy lên báo đã khiến Tổng biên tập tờ Tuổi Trẻ lúc đó là cô Kim Hạnh rời khỏi chức vụ Tổng biên tập. Trong cuốn Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên, cũng đọc được ở trên mạng, hé mở cho người đọc thấy trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Tây Bắc ông Hồ cũng có quan hệ tình cảm với một phụ nữ người Tày tên là Nông Thị Xuân. Tôi cũng muốn nói thêm là những thông tin có được trên đây, với riêng tôi là nó chính xác tuyệt đối vì tất cả những người này họ chẳng có thù oán gì với cụ Hồ cả. Cũng nên biết cha của Vũ Thư Hiên, người cung cấp cho tác giả những thông tin này, là Vũ Đình Huỳnh – thư ký riêng của cụ Hồ.

Nếu có những tay khảo cổ mày mò hàng bao năm trời để đọc cho được những ký tự, ký hiệu trên những văn bia chỉ với một ước muốn là hiểu cho ra thân thế cùng sự nghiệp của một ai đó đã nằm sâu dưới đất cùng những gì đã dự phần làm nên diện mạo lịch sử từ bao nghìn năm trước thì thân phận của người Cha già dân tộc này đang diễn ra theo chiều ngược lại. Lấy cuộc sống riêng tư của Cụ Hồ dẫn chứng, tôi chỉ muốn nói ngay cả nhân thân của một lãnh tụ, ước nguyện về cái chết của mình trong di chúc mà còn bị bôi xóa, bị định hướng theo một quan điểm nào đó thì còn nói chi đến những chuyện khác. Chúng ta nghĩ sao khi ngay cả đời sống tình cảm riêng tư chẳng có gì sai trái của một lãnh tụ lại bị bưng bít bốn bề, nó chỉ sáng tỏ được một phần nhờ những thông tin có được trên mạng?

Ngay cả khi bóng tối cùng sự dối trá cũng có một chỗ đứng trong cuộc sống này, dự phần làm nên cái hình thù của cuộc sống này, thì cũng nên hiểu rằng sự sống trên quả đất này cho mãi đến hôm nay vẫn còn tồn tại được đó là nhờ những sự thật còn bám vào đâu đó trên những bờ núi, ánh sáng vẫn còn trong đôi mắt trẻ thơ, sự công chính vẫn còn có thể ngửi được trong không khí, lòng thiện hảo của muôn loài vẫn còn có thể thấy trên những bờ cát, những lúc mặt trời lên thì bóng tối lui dần và sự sống của muôn loài bắt đầu từ ánh sáng chứ chưa bao giờ là từ trong bóng tối, và trong một chừng mực nào đó thì chính những thông tin có được trên mạng đã góp phần làm cân bằng cái đời sống tinh thần của những con người đang sống trên cái xứ sở này, đồng thời cho phép những người dân đang sống trên đất nước này nhận ra cái khuôn mặt tăm tối của những con người đang tự nhận mình là lãnh đạo đất nước này, những người chưa đủ can đảm để có thể đối diện một lần với chính mình từ những thông tin trên mạng, chưa có được một dáng đứng đích thực dưới ánh mặt trời như một con người.

Liệu dân tộc này có thể kỳ vọng được gì vào một guồng máy cai trị mà những sự thực lại bị dìm sâu vào tăm tối, còn những gì đang trôi nổi giữa đời này thì lại phủ đầy bóng đêm?

Đà Lạt, 10-8-2018

Comments are closed.