Trích tiểu thuyết của Thận Nhiên
Những trao truyền từ ông nội cho đứa cháu đích tôn, sức nặng vượt quá khả năng dung nạp của bản thân nó, là lũy thừa n lần những gì mà nó phải sống, cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Nỗi căm ghét được nung nấu xuyên lịch sử bởi những ký ức cay đắng và đau đớn mà chiến tranh mang tới, những ám ảnh khôn nguôi trong tâm trí đứa con trai mới chín tuổi. Nó được hình thành từ những cái chết, những mất mát đổ vỡ hữu hình và vô hình trùm phủ cả cuộc đời người ông và sẽ định đoạt cả cuộc đời đứa cháu sau này…
Đoạn trích tiểu thuyết của Thận Nhiên chứa đựng một dự báo chẳng lành sẽ gặm nhấm, ăn mòn cuộc đời một con người sớm bị định đoạt bởi những gì mình không thể chịu trách nhiệm, cũng không thề từ chối hoặc từ bỏ. Đó là một di sản đẫm nước mắt và cả máu, của một người Việt Nam tha hương với nỗi hờn vong quốc trong trái tim tan nát…
VĂN VIỆT
Câu chuyện này do ông nội tôi kể lại. Hình ảnh Việt Nam được tái hiện lại trong tôi qua những câu chuyện như thế này. Tôi biết chúng không hoàn toàn được kể lại một cách chính xác, mà nhiều phần chúng bị ông nội và cha tôi sắp xếp lại theo thiên kiến của họ.
Ông nội tôi căm ghét cộng sản như hầu hết những người Việt trong cộng đồng, những người đã bỏ nước ra đi bằng nhiều cách, nhiều đợt khác nhau, nhưng hầu hết đều có chung tâm trạng thất vọng với cái giá của hòa bình mà họ phải trả, cũng như những kinh nghiệm cay đắng với chế độ cầm quyền khi còn sống trong nước. Ông cho rằng cộng sản là nguyên nhân của mọi thất bát của cuộc đời ông; xa hơn nữa, sự thất bát và xuống dốc của gia tộc; xa hơn nữa, sự đổ vỡ, tan nát của cả đất nước; cộng sản là nguyên do mà ông, và những người như ông, phải bỏ nước ra đi. Ông thấy mình có bổn phận truyền nỗi căm phẫn ấy xuống cho cha tôi, cha tôi truyền xuống tôi, và tôi sẽ truyền xuống các đời sau.
Ông chưa bao giờ kể với tôi về chiều dài lịch sử Việt Nam xa hơn thời điểm 1945. Ông chỉ khuyến khích tôi tự tìm hiểu lấy bằng cuốn Việt Nam Sử Lược của sử gia Trần Trọng Kim, cuốn sách mà có lẽ ông mua lại từ hiệu sách cũ ở Sài Gòn hay đâu đó, rồi đưa cho tôi trong dịp Tết, năm tôi lên mười lăm tuổi, khi mẹ tôi đưa đến thăm ông.
Cuốn sách bìa cứng, dày, được bọc bằng vải xanh, với nhan đề và tên tác giả mạ vàng. Giấy mỏng, màu vàng ngà, cổ kính.
Khi tôi đứng vòng tay kề bên, ông nắn nót viết ở trang đầu: “Tặng Quân, cháu của ông. Đây là câu chuyện của đất nước mình”, rồi ông trao cho tôi.
“Cháu giữ lấy mà đọc. Chuyện đất nước của mình ở trong đó”.
Tôi cảm động và thấy được sự nghiêm trang khác thường ở cử chỉ và giọng nói.
Khi nói “đất nước”, tất nhiên là ông nói đến cái đất nước xa xôi, bé tí, được in trên mô hình quả địa cầu trong phòng ngủ của ông. Những năm trước ông thường đố tôi tìm ra dấu vết của cái đất nước châu Á đó trên quả cầu, một màn đố vui có thưởng. Và “của mình” tức là của ông, và của tôi- của thằng cháu chưa từng đặt chân lên Việt Nam, mảnh đất mà ông gọi là quê hương ấy.
Khi lớn lên, tôi mơ hồ cảm nhận được nỗi mong ước và kỳ vọng mà ông đặt vào tôi- đứa cháu đích tôn- nhiều hơn là lên những đứa cháu khác, qua những trao truyền về dòng dõi và huyết thống, rằng phải bảo tồn những gì đang có và khôi phục những gì đã mất.
Tiếng Việt của tôi phát triển tốt nhờ cuốn sách này và những cuốn sách văn học miền Nam được in lại ở Cali mà tôi tìm mượn ở thư viện, những tạp chí Văn học, Hợp lưu, Thế kỷ 21… mà ông đặt mua hàng tháng, những băng ca nhạc Thúy Nga Paris, những phim bộ Hồng Kông xem ở nhà mấy đứa bạn, những tờ báo mẹ tôi nhặt ở các chợ địa phương, và những buổi học với hai vị sư trụ trì chùa Báo Ân- một ngôi chùa Việt ở trong vùng.
Tôi theo học tiếng Việt ròng rã suốt hơn bốn năm, mỗi tuần hai buổi, mỗi buổi ba giờ. Sau này, khi đã khá, tôi vừa học vừa tham gia vào nhóm giáo viên dạy thiện nguyện cho trẻ em ở đó và ở một nhà thờ Việt khác, như một cách trả lại món nợ mà mình đã vay.
Tiếng Việt có thành ngữ “người mù sờ voi”. Theo ý nghĩa của thành ngữ này thì tôi là một thằng mù đang rị mọ sờ sẫm từng phần cái cội nguồn, cái căn cước văn hoá và chủng tộc của mình, cố gắng tạo dựng những ý niệm về hình hài tổng thể của nó. Ông tôi rất khuyến khích chuyện này. Ông bảo tôi nên làm vậy, vì đó là “về nguồn”, là “tìm về nguồn cội”, để khỏi “mất gốc”. Cội nguồn là những từ có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng với ông. Sống ở Mỹ lâu rồi, nhưng tôi thấy ông vẫn tỏ vẻ khinh miệt với những kẻ vì nỗ lực hội nhập vào vùng đất sống mới mà xao lãng với cái nơi mà họ từ đó ra đi. Ông khinh, bất kể kẻ đó thuộc sắc tộc nào: Á hay Phi hay Âu hay Nam Mỹ, bất kể hắn có địa vị gì.
Tôi thì, tôi thấy mình sờ voi.
Tôi không sờ trúng ngà voi.
Tôi không sờ trúng vòi voi.
Tôi không sờ trúng tai voi.
Nhiều khi tôi ngờ rằng mình sờ trúng đít voi.
Một cái đít chỉ đầy cứt là cứt!
***
“Hồi đó ông nội còn là một đứa bé chín tuổi, tham gia trong đội Thiếu niên Tiền phong ở trong làng, còn ông cố chỉ là anh nông dân, không làm một chức vị gì cả, thậm chí dân quân cũng không, vì có cha bị cách mạng thanh trừng. Làng của gia tộc mình nằm bên con sông, ở khúc hẹp, rộng chừng hơn một trăm mét, bên kia là đồn Tây”.
“Vì sao gọi là Tây vậy ông?”.
“Tây là Tây phương. Người ta gọi Pháp là Tây vì họ từ phương Tây tới”.
Qua lời ông kể, tôi cố gắng tưởng tượng mình là ông, nhập vai vào tình huống và bản thân ông, qua những tình tiết của câu chuyện sau đây.
“Tờ mờ sáng, tôi choàng dậy cùng lúc với những người trong nhà khi nghe tiếng mõ bất ngờ vang lên cuối làng. Có tiếng ai la lớn:
“Trâu ăn lúa, trâu ăn lúa…!”.
“Trâu ăn lúa” là quy ước của dân quân để báo rằng lính Tây đi bố ráp. Còn “Bò ăn khoai” là báo lính bảo an.
Mạ tôi lay: “Dậy mau con, dậy!… Tây đi lùng! Tây đi lùng!”.
Tôi choàng dậy. Bà tôi xua tay, nói với cha mẹ tôi: “Hai đứa bây chạy mau đi, ra phía cánh đồng sau làng với họ. Tao lo cho thằng Bái được, cứ yên tâm”.
Bà ra dấu cho cha mẹ tôi chạy thoát thân trước, cùng với vài người hàng xóm, còn mọi việc ở nhà để bà lo.
Cha mẹ tôi vơ vội nón tơi. “Tụi con chạy ra đồng trước, chiều êm thì về, mạ hỉ?”.
Nói xong, hai ông bà bước vội ra ngõ, mưa nhoè nhoẹt con đường làng.
Tiếng mõ đã dứt, có lẽ người ta đã chạy xa rồi, không còn cần báo nữa.
Có tiếng chó nhà ai sủa. Tiếng súng nổ. Con chó ẳng lên một tiếng rồi im bặt.
Bà lôi tôi xuống bếp, dúi ngồi xuống kề bên. Bếp lửa còn cháy âm ỉ dưới cái kiềng, trên bắc nồi cháo nấu từ đêm qua. Bà giở nắp nồi, vơ đũa bếp quậy lên, rồi múc ra lưng một bát cho tôi. Bà bốc nắm tro thả lên đầu tôi, cái đầu húi trọc vì chứng cứt trâu. Bà quẹt lọ nghẹ dưới đít nồi, bôi lên mặt tôi, lên người tôi, để ngụy trang. Tôi đã được dặn bài học này từ trước. Tôi sẽ đóng vai một thằng bé nhem nhuốc, đói ăn, và đang bị bệnh. Cha mẹ đi làm ăn xa không có nhà, không biết họ ở đâu. Chỉ có hai bà cháu sống với nhau. Một thằng bé côi cút bệnh hoạn và một bà già lú lẫn”.
Tôi chỉ có thể dẫn mình theo câu chuyện ông kể tới đây thôi, một cách khó khăn. Tôi không thể hình dung được thêm những chi tiết khác. Những hình ảnh như một đoạn phim bị đứt mất giữa chừng.
Chứng “cứt trâu” là chứng gì mà người ta phải cạo trọc đầu? Có phải do bị ghẻ? Tôi thắc mắc nhưng không dám hỏi vì ngại làm đứt đoạn dòng hồi tưởng của ông.
Hai ông cháu đang ngồi ngoài vườn. Hôm nay thứ Bảy, mọi người đã ra khỏi nhà đi shopping hay đi chợ mua thực phẩm cho tuần sau.
Ông nhả từng bụm khói lớn sau mỗi lần bập bập, rồi gõ cái ống vố vào thành ghế đá cho tàn lửa bên trong rơi ra. Trời vẫn còn ấm trong nắng cuối thu. Một con ong nhỏ cứ bay vo ve lẩn quẩn mãi bên hai ông cháu.
“Rồi sao nữa ông?”.
“Rồi lính Tây được xe tải chở đến đầu làng và tràn vào ruồng bố thật nhanh. Mọi người không kịp chạy trốn. Dù đóng vai thằng bé bẩn thỉu và bệnh hoạn, ông cũng không được chúng tha. Ông bị chúng lùa theo đám trẻ con ra sân làng, bắt đứng một bên. Bên kia là đám người lớn bị bắt khi cố chạy băng qua cánh đồng. Ông không thấy mẹ, nhưng thấy cha đang đứng cùng với số nông dân trong làng. Chúng lùa mọi người ra để nhận diện và phân loại”.
“Nhận diện và phân loại để làm gì vậy ông?”.
“Để quyết định giết hay không. Nếu không giết thì đánh cho sợ để không theo Việt minh nữa. Hoặc bắt vào nội thành giam hay làm tạp dịch cho chúng”.
“Việt minh là ai vậy ông? Ông có theo Việt minh không?”.
“Việt minh là Việt cộng. Lúc đó nhà mình đang sống trong vùng quê, vùng hoạt động của Việt cộng”.
“Cháu hỏi là ông có theo Việt minh không?”.
“Không, ông không theo Việt minh”.
“Vậy ông theo Tây?”.
“Không, ông cũng không theo Tây”.
“Vậy ông theo ai?”.
“Ông không theo ai cả. Lúc đó ông chỉ là một đứa bé, nhỏ hơn cháu bây giờ”.
“Còn cha của ông? Ông ấy theo ai?”.
“Ông ấy cũng không theo ai cả. Ông ấy chỉ là một anh nông dân”.
“Vậy Việt minh với Việt cộng là một hả ông? Có phải Việt cộng là người Việt theo cộng sản không ông?”.
“Ừ, Việt cộng là người Việt theo cộng sản. Việt minh với Việt cộng ban đầu là hai thứ khác nhau, nhưng rồi là một. Việt minh là Việt cộng. Chuyện này dài và phức tạp lắm”.
“Ông có thể giải thích cho cháu không?”.
“Không, ông không thể. Cháu tự tìm đọc tài liệu để hiểu lấy. Cháu muốn nghe ông kể tiếp chuyện Tây đi lùng không?”.
“Muốn chứ. Ông kể tiếp đi”.
“Vậy thì đừng cắt lời ông”.
“Vâng”.
“Sau đó, những người đàn ông bị trói quặt hai tay ra sau lưng, đứng bên nhau sắp thành hàng ngang. Đàn bà thì chạy theo than khóc đứng chung quanh nhìn chồng và con mình đang trong bàn tay may rủi của số mệnh. Ông tuy nhỏ cũng phải đứng chung với đám con nít cùng lứa, nhưng đám này không bị trói.
Một người trùm kín đầu bằng bao bố, chiếc bao có khoét hai cái lỗ cho hai mắt nhìn ra, được bọn lính dắt ra. Nhiệm vụ của hắn là nhận diện và chỉ điểm những ai tham gia cách mạng. Hắn lần lượt đi ngang qua từng người, thỉnh thoảng gật cái đầu trùm bao trước một kẻ xấu số thì kẻ ấy bị lôi đi. Có mấy kẻ bị hắn cho rằng theo Việt minh. Lính Tây lôi những người này ra ngoài đồng bắn bỏ. Một số khác thì chúng nện một trận đòn chí tử bằng báng súng và lưỡi lê, rồi mang vào đồn để tiếp tục điều tra.
Thằng trùm bao bố đứng lại trước mặt cha của ông, ngần ngừ giây lát lâu hơn khi đứng trước những người khác. Rồi bước qua. Nhưng khi qua đám con nít thì hắn lại gật đầu với ông.
Ông nghe tiếng mẹ rú lên kinh hoàng.
Thằng sĩ quan Tây hỏi ông có phải là đội viên thiếu niên hay không. Ông gật đầu. Nó xáng cho ông hai bạt tai xính vính. Ông khóc nức nở. Không hiểu sao nó đứng ngần ngừ một thoáng khi thấy ông khóc dữ quá, rồi móc túi lấy ra một thỏi kẹo sô-cô-la đưa ông, xua tay ra dấu thả cho ông đi. Ông chạy qua với bà rồi đứng lỳ lại không chịu về, dù bà lôi đi. Ông vùng ra, len vào đám đông xúm xít để xem cảnh chúng bắn bốn người theo Việt Minh ở ngoài đồng, cách một khoảng xa.
Không phải Tây bắn. Một gã lính người Việt bắn. Gã xô họ quỳ xuống bờ ruộng rồi bắn vào gáy ở tầm gần. Vừa bắn vừa nốc rượu. Sau mỗi phát đạn, gã bước lại lật xác lên xem nạn nhân đã chết chưa. Máu của họ vấy lên áo lính và mặt gã.
Bọn lính Tây rút về, lôi theo những người tình nghi bị trói lại thành xâu, trong đó có ông Đoàn, dượng của ông. Lúc đó, người ta mới ra mang xác bốn người này về đặt ở sân làng.
Chập choạng tối, ông tham gia cùng đội thiếu niên. Họ tổ chức cuộc mít-tinh đả đảo bọn thực dân xâm lược, rồi lập kế hoạch phản công làm tiêu hao lực lượng và tinh thần bọn Pháp theo lời chỉ dẫn của một anh đoàn viên du kích. Ông cùng đi với người anh bà con là Kiên, tên ở nhà gọi là Chó Anh. Hai anh em đi đâu cũng có nhau, ông là Chó Em, vì nhỏ tuổi hơn Chó Anh. Chó Anh là con trai duy nhất của O Toan và ông Đoàn- người dượng đã bị bắt đưa về đồn.
Mười ba đứa cả thảy, mang theo nồi, thùng sắt, hay bất cứ thứ vật dụng gì mà gõ vào có thể phát ra tiếng kêu. Ông có cái trống múa lân nhỏ. Cả bọn nằm phục trong vạt cỏ rậm và vườn chuối bên bờ sông, quan sát động tĩnh ở đồn Tây bên kia sông trong ánh hoàng hôn mờ mờ hơi sương chiều. Rồi theo hiệu lệnh của anh du kích, cả bọn đồng loạt vừa hò reo vừa gõ nồi, trống… liên hồi. Bọn Tây trong đồn tưởng là bị bộ đội chủ lực của Việt Minh tấn công, bèn hốt hoảng chĩa súng bắn xối xả qua phía làng bên kia sông, chúng bắn suốt cả giờ, cho tới khi trời tối hẳn. Ông và các chiến sĩ cách mạng chạy thục mạng vào làng trốn. Bọn Tây cũng sợ, chúng không dám vượt qua sông để truy kích.
Kết cục, quân ta toàn thắng, vì đã làm tiêu hao một cơ số đạn đáng kể của địch và làm cho chúng sống trong nỗi hoang mang lo sợ, suy sụp tinh thần. Thiệt hại của phe cách mạng trong làng thì chỉ hai con heo, vài con gà, hai cái chuồng heo bị trúng đạn cháy nham nhở nhưng đã được dập tắt sau khi địch ngừng bắn.
Khi lính Tây ngừng bắn, ông không thấy Chó Anh đâu, hỏi trong đám bạn cùng chạy về thì không ai biết. Cả bọn hào hứng kéo nhau vào làng nấu nồi khoai để ăn liên hoan mừng chiến công, rồi ai về nhà nấy. Cho tới khuya vẫn chưa thấy Chó Anh về, cả nhà lo sợ nhưng không thể đốt đuốc đi tìm xa. O Toan vừa lo cho chồng bị bắt chưa có tin tức, vừa lo cho đứa con thất lạc. O đi loanh quanh trong mấy thửa vườn, vừa đi vừa thất thanh gọi con, “Kiên ơi…! Chó Anh ơiiii!”.
Mờ sáng hôm sau, ông theo cha và mấy người làng quay lại bờ sông. Khi đến đoạn cả bọn nằm phục kích chiều hôm qua thì ông thấy Chó Anh nằm bên vồng khoai, tay bíu lấy dây khoai, một viên đạn phá tan lồng ngực. Chắc Chó Anh không chết ngay, anh ấy giẫy giụa, đạp nát cả một khoảng cỏ. Ông thất thần, cúi xuống nhìn vào cái lỗ toang hoác trên ngực người anh mình. Những dẽ xương sườn gãy chìa ra. Máu còn trào ri rỉ. Chó Anh không chịu nhắm mắt, cho dù ai vuốt, cho tới khi được mang về cho chính tay O Toan vuốt mắt. O khóc không thành tiếng, không còn nhận biết gì nữa. O thất thần, trở nên bất bình thường và không có con nữa trong suốt quãng đời còn lại. Người ta mang xác Chó Anh về, đặt nằm kề bên bốn cái xác của những người đã bị lôi ra đồng bắn ngày hôm qua.
Với ông, ngày hôm đó chưa bao giờ hết, vì nó còn nằm mãi và trở lại nhiều lần trong ký ức. Chiều xuống, tiếng mõ thê thiết, rờn rợn trên ngọn lúa cháy.
Người ta thắp đuốc tổ chức truy điệu những người bị giết trong trận càn và Chó Anh, người đội viên tuổi trẻ anh hùng. Rồi những cái xác được mang đi chôn. Ông chưa kịp chia với Chó Anh thanh kẹo sô-cô-la, nó bắt đầu mềm oặt, chảy ra nhão nhoét. Ông ăn nửa thanh kẹo, gói phần còn lại trong miếng lá chuối, rồi bỏ lại ở ngôi mộ mới, cho kiến ăn.
Ông và các bạn nhỏ được chính quyền cách mạng tuyên dương lòng yêu nước. Nhưng sau đó ông lại bị bà và mẹ đánh cho một trận lê lết không phải vì tội yêu nước, mà vì tội đã góp phần làm cho cháu Chó Anh của họ phải chết.
Vài tháng sau, ông Đoan, cha của Chó Anh, được lính Pháp thả về. Ông gầy rộc, xơ xác. Ông và vợ- O Toan- thành một đôi thảm hại, như hai con ma thất thểu, không ra dáng dấp con người. Một ngày nọ, ông bị dân quân phát hiện có giữ một chiếc gương nhỏ và mảnh vải xanh trong túi. Chính quyền cách mạng cho rằng ông giả điên giả tỉnh, nhưng thật ra để giấu tung tích nhận làm gián điệp của Pháp, dùng hai vật này để làm tín hiệu báo tin mật cho chúng. Họ quyết định sẽ khử ông, bất chấp sự việc ông là gia đình liệt sĩ, có con hi sinh cho kháng chiến. May sao tin này lọt đến tai gia đình. Mọi người thấy tình hình quá nguy ngập, lén bàn với nhau rồi quyết định trốn vào nội thành. Chuyến vượt sông vào thành trót lọt. Phải mất một thời gian để phòng Nhì- cơ quan an ninh của Pháp- điều tra, xác minh lại lý lịch. Chuyến đi mở ra một vận mệnh mới cho gia tộc mình.
Sau này, nghiệm lại, ông thấy rằng vận mệnh của con người, hay của cả một đất nước, đều ở những chuyến đi, những cuộc chạy trốn”.
“Như chuyện vượt biển của ông, hả ông?”.
“Ừ, như chuyện vượt biển”.
Ông không kể nữa. Ông nhồi thêm thuốc vào chiếc tẩu, đốt hút. Tôi ngồi im theo, thở thật nhẹ theo từng bụm khói của ông. Tôi không muốn phá cái không khí hoài niệm mà ông đang chìm vào đó.
Tôi thấy mình chìm vào câu chuyện. Vào cái không gian ở một miền Trung Việt nắng gió, nghèo xơ xác. Có Tây đen, Tây trắng. Có trâu ăn lúa, bò ăn khoai. Có Việt minh, Việt cộng. Có Chó Anh, Chó Em. Có vết thương trên ngực đứa trẻ trạc tuổi tôi, mở ra toang hoác lộ những dẽ xương, rỉ máu.
“À, cái mõ là cái gì? Nó kêu như thế nào, ông hả?”.
“Con tra tự điển đi. Ông quên rồi.
.Tôi nói ra thành tiếng. Cố gắng phát âm cho đúng. “mmmm… oooo… mooo… mõ”. Rồi lắng nghe từng âm thanh của danh từ, của động từ, của tính từ, âm thanh của một thứ ngôn ngữ vừa xa lạ vừa gần gũi mà tôi mới học được ngân vang trong đầu.
Tôi thấy mình đứng trước một con voi. Mắt bị bịt lại bằng một dải khăn đen, hai tay lần mò quờ quạng thân nó. Con voi ngó xuống tôi, cái thằng người nhỏ bé và tội nghiệp.
Tôi không hiểu hết những chuyện được kể, nhưng thấy chúng quá buồn, và thật kỳ cục. Chúng như những chuyện viễn tưởng ở một thế giới xa xôi nào, một thế giới nằm ngoài không gian và thời gian của địa cầu, của trí tưởng tượng. Chúng khác với những cuộc chiến tranh mà tôi được xem trong phim. Khác với cuộc chiến ở chiến trường Trung Đông hàng đêm tôi thấy trên ti-vi. Khác với những cuộc giết chóc man rợ ở châu Phi. Tôi tự nhắc mình rằng chúng là những câu chuyện xảy ra ở Việt Nam. Những câu chuyện có tuổi thọ đã gần một trăm năm. Tính đến bây giờ thì một trăm năm là dài lắm, thuộc về thế kỷ trước, ở một thiên niên kỷ khác.
Thật vậy, Việt Nam là một xứ sở ở một thiên niên kỷ khác.
Ở một thế giới khác.
(Trích đoạn tiểu thuyết NHỮNG GHI CHÉP Ở TẦNG THỨ 14)