CUỘC HỘI THOẠI GIỮA CÁNH ĐỒNG HOANG

Truyện

Chân Pháp Xa

Có một cơn gió bay qua một cánh đồng hoang. Ở giữa cánh đồng có một tảng đá lớn. Tảng đá gọi với theo để bắt chuyện với gió:

-Gió ơi, được làm gió như bạn thích nhỉ! Luôn được bay tung tăng khắp mọi nơi, còn làm đá như tớ đây thì buồn chết mất. Tớ đã ngồi ở đây ngót hai trăm năm năm rồi đấy.

-Ồ thế à? Thế trước khi ở đây, ấy đến từ đâu?

-Tất nhiên là tớ được sinh ra từ mẹ tớ. Bà ấy đứng kia kìa. Hòn đá ra hiệu cho cơn gió nhìn về ngọn núi sừng sững không xa cánh đồng hoang. Nghe đâu bà đã già cả triệu tuổi rồi mà vẫn đứng đấy. Đối với tớ, bà chỉ làm có hai điều, một là sinh tớ ra và hai là cứ đứng đấy nhìn tớ hàng trăm năm nay. Thế có chán không chứ!

-Cậu mới thực sướng chứ. Ngọn gió nói. Tớ đã bay mỏi cánh không biết bao trăm ngàn triệu năm nay mà vẫn không tìm ra được nơi mình sinh ra. Không biết mẹ mình là ai. Và tệ nhất là không biết bao giờ mình mới kết thúc việc bay để làm một cái gì khác.

Bỗng từ xa có một người hành khất đi tới. Không hiểu sao ông nghe được cuộc trò chuyện này mà cất lời xen vào:

-Các bạn ạ, ta lại gặp một vấn đề khác. Bốn mươi năm trước ta được sinh ra từ một bà mẹ, sáu mươi năm trước mẹ ta lại được sinh từ một bà mẹ khác. Chín mươi năm trước bà ngoại ta lại được sinh ra bởi một người phụ nữ khác. Ta đã hỏi tất cả những người phụ nữ đó nhưng chẳng một ai trả lời được thỏa đáng cho ta câu hỏi: Vì sao ta lại được sinh ra mà lại không có quyền lựa chọn việc ra đời.

Tảng đá chẳng do dự liền trả lời người đàn ông:

-Úi giời, thế mà bác cũng hỏi. Đơn giản chỉ là một tai nạn thôi mà. Như tôi đây, đêm hôm đó trời đất rung chuyển dữ dội, có một tiếng nổ xé ngang trời thế là tôi được tách ra thành một sinh linh. Không biết là do động đất hay sét đánh, chỉ biết là do một tai nạn mà tôi chào đời. Hay là mẹ bác cũng bị sét đánh nhỉ? Người ta hay nói cái gì mà “tiếng sét ái tình ” hay cái của khỉ gì ấy…

Ngọn gió trầm tư hơn, cất giọng uyên thâm:

-Bạn đá ạ, anh vẫn chưa trả lời được ý chính của bác ấy hỏi. Là vì sao con người không có quyền lựa chọn việc có xuất hiện hay không nơi cõi đời này. Việc đó lại được quyết định bởi một người cũng không có quyền quyết định cho họ.

Vậy là ba nhân vật của chúng ta mỗi kẻ ôm một mối bận lòng riêng. Hòn đá chán nản cái hiện hữu buồn tẻ. Cơn gió hoang mang về nguồn gốc và sự kết thúc của mình. Còn con người thì hoài nghi về ý chí tự do.

Và họ lại lên đường để tìm cho ra câu trả lời cho đời mình. Tuy nhiên, mỗi người một cách đi. Hòn đá không có chân nên hành trình chỉ là khoảng thời gian vô tận để suy niệm. Ngọn gió thì tiếp tục dong ruổi đó đây nhưng khó để đi đến kết luận vì suy tư dễ dàng bị bốc hơi trong khoảng trời không có chỗ bám víu. Còn con người thì vừa đi vì có chân lại vừa tích lũy được suy nghĩ của mình trong hộp sọ.

***

Năm qua tháng lại, câu chuyện trên được để lại như một hòn đá bên đường hay như một cơn gió bay mất. Bỗng một buổi sáng mùa xuân, trên cánh đồng hoang ngày trước, có một bóng người đang ngồi lặng lẽ. Người ấy ngồi như một tảng đá, tĩnh lặng đến độ vài chàng sâu, nàng kiến bò thảnh thơi trên làn da của ông mà như đi lại trên một lãnh địa an toàn tuyệt đối.

Lại thấy dường như một luồng gió mát luôn được sản sinh mỗi khi ông thở ra và một cơn gió lành khác thể nhập vào theo hơi thở đi vào buồng phổi ông. Theo một cách nhìn nhận nào đó, ông cũng thanh thoảng như gió. Thế nhưng, có một điều người ta sẽ nhận ra một cách hết sức ngạc nhiên, đó là ông vẫn là một con người. Một con người nhưng khác một con người, nhiều hơn một con người…

Ông ta vẫn ngồi yên đấy nhưng dường như mọi câu hỏi đã đi đâu mất rồi, không ai còn tìm thấy chúng trong mảy may tâm tưởng của ông nữa. Bởi vì phải chăng giờ đây, ông hoàn toàn tự do trong ý chí, hoàn toàn biết rõ mình đang làm gì và là gì. Không ai phải quyết định cho ông mà ông cũng không quyết định điều gì cho ai cả. Ông hiện hữu cùng hiện hữu, vậy thôi.

Cả cánh đồng dường như đang lặng yên theo dõi hành động rất đơn sơ mà được ông thực thi như một nghi lễ linh thiêng tột mực: Thở.

Và đâu rồi những người bạn cũ? Hòn đá tảng? Ngọn gió phiêu du? Ồ, họ có việc của họ đấy.

Rất gần đây, hòn đá vẫn ngồi đấy nhưng không còn muộn phiền mà vô cùng thích thú cảm nhận cả trăm loài côn trùng đang trú ngụ trên thân hình của mình. Đây đó một chút đất được những chú kiến chuyên chở về xây tổ. Dưới sâu là công trình kiến trúc của một tổ giun. Còn trên lưng là hơi ấm một thân người- Người hành khất năm xưa đang ngồi chơi trên tảng đá nọ.

Bỗng tảng đá thấy mình không còn suy nghĩ như một thực thể “sống như đã chết”. Đây là sự sống. Anh cũng sống như vậy, mà Mẹ Núi cũng sống như vậy. Lặng lẽ trong muôn vật. Lặng lẽ cùng muôn vật. Đá trú ngụ trên cánh đồng và kiến trú ngụ trong đá. Mẹ Núi đã phải chờ đợi con mình già hơn vài trăm tuổi mới nhận ra được sự thật này chăng.

Ngọn gió thì đi đâu, có còn hoang mang nữa không? Ngay trong khoảnh khắc này đây, bạn ấy đang cư ngụ trong buồng phổi thênh thang của người hành khất để khoảnh khắc sau lại được chào đời từ hơi thở ra của ông ấy. Anh ta thấy mình có thể được sinh ra bất cứ lúc nào khi lựa chọn một tình huống với suy nghĩ là đây là sinh nhật của mình. Và anh sẽ chết đi bằng cách rất đơn giản là thôi không nghĩ về mình nữa. Với nhiều năm tháng luyện tập vất vả, cuối cùng gió cũng vui với nếp sống đó. Nhưng thường thì anh chọn sự quên mình để tháng năm của anh cũng nhẹ nhàng bay đi như… một cơn gió.

Cả ba cùng hòa vào hiện thể thâm trầm mà rực rỡ của một buổi sáng mùa xuân.

***

Còn bạn và tôi – người đọc và người viết câu chuyện này, phải chẳng chúng ta đã thấy khá hấp dẫn với nó mà quên rằng, tôi chưa hề viết đoạn giữa.

Vậy thì hãy tự viết một phần thân truyện cho riêng mình, bắt đầu bằng việc mang vác những câu hỏi nặng nề đớn đau của đời mình mà leo lên ngọn đồi của thân phận.

Để: Một là tự đóng đinh đời mình trên cây thập giá ấy. Hoặc là, trở lại nơi đây với đoạn kết thanh thản kia…

…Từ trên cây thập giá…

Tối ngày 05/06/2016

Comments are closed.