Dẫu chết không lìa

Truyện Nguyễn Ngọc Hoa


Tháng Bảy1954, hiệp định Giơ-neo [Genève, tiếng Pháp] được ký kết, hứa hẹn mang lại hoà bình nhưng lại chia cắt đất nước theo sông Bến Hải, ranh giới phía Nam của tỉnh nhà. Căn nhà trên của nội trở thành nơi tụ họp của hầu hết những người khá giả trong làng. Họ ngồi quanh chiếc bàn vuông khảm xà cừ, suy đoán tình hình chính trị, mong tìm giải đáp cho câu hỏi: Di cư vào Nam hay ở lại quê nhà? Họ uống nước chè, châm điếu bình hút thuốc, và hăng say bàn cãi mà không để ý đến thằng bé con chưa đầy sáu tuổi nằm đọc sách ở dưới bộ và lắng nghe mọi lời thảo luận.

Dù kiến thức non kém, con “mọt sách” tí hon cũng nhận ra những người này, kể cả nội, không những mù mờ về thời cuộc, mà hầu hết suốt đời sống an phận thủ thường nơi thôn dã nên thế giới của họ chỉ quanh quẩn ở dăm ba huyện lân cận trong vùng. Ai cũng chủ trương “ở lại” và muốn người khác góp thêm lý lẽ đồng ý với mình. Ông Đàm, người giàu có và thế lực nhất làng và bạn tin cẩn của nội, cả quyết trong vòng hai năm sẽ có hiệp thương, nghĩa là hai bên sẽ thông thương và tổ chức tổng tuyển cử; trước sau cũng trở lại quê nhà nhưng:

Chừ [bây giờ] mình vô trong nớ đất khách quê người lấy chi mà sống, nhà cửa không có, thủy thổ không hợp, và người đàng trong khôn ngoan lừa lọc chớ không thiệt thà như người mình”.

Mấy tuần nay, mẹ bỏ buôn bán; đôi quang gánh nằm buồn thiu ở góc nhà ngang. Mẹ đi ra đi vào luôn miệng than:

“Thời buổi chộn rộn ra chợ cả ngày chẳng có ma thèm đoái hoài đoái quở”, rồi mẹ lo ra:

“Cứ như ri chắc sẽ đói cả lũ, ngồi không núi vàng ăn cũng lở”.

Chị vú xin nghỉ việc về quê trên làng Lộc Đại. Cha mẹ mất sớm, chị về ở với gia đình tôi từ năm lên bảy, lúc đầu làm việc lặt vặt trong nhà cho bà nội rồi dần dần giúp việc bếp núc và chăm sóc ba anh tôi, nay đã hơn mười lăm năm. Chị về để gặp người thân duy nhất còn lại là ông anh bỏ làng đi theo bên tê [bên kia] khi chị mới chập chững biết đi. Khi chia tay, chị gạt nước mắt nói nhỏ bên tai tôi:

Thằng Bé vô trong nớ học cho giỏi nghen”.

Trong lúc thằng Sáng khóc ngất níu tay chị và đôi mắt thằng Gái đỏ hoe, tôi nhìn tấm lưng gầy gò tất tả bước đi và tự nhủ mai mốt lớn lên tôi sẽ tìm gặp và tặng chị, bà mẹ thứ hai của anh em tôi, chiếc vòng ngọc bích giống như của mẹ mà chị hằng ao ước.

Trên đường lên nhà ngoại, con Cúi hình như đã chờ nhiều ngày, đón đườngvà hấp tấp kéo tôi vào sân sau nhà cậu Há thì thầm:

Mi về nói với mạ mi tìm đường mà đi, ba tau nói họ vô là nhà mi không ai sống nổi. Ngày mai gia đình tau đi máy bay vô Huế”.

Răng phải đi? Ông Đàm nói hai năm nữa là thông thương”, tôi ngơ ngác trả lời.

“Thông thương cái… cục kít, ai mà không biết con ôông nớ mần to [làm lớn] bên tê? Có phải như cha mi ?”.

Trước khi chia tay, con Cúi dặn dò:

“Vô trong nớ, mi kêu tau bằng tên đi học là Yên Thu nghen”.

Ban đêm nằm măn bụ [vú] ngoại, tôi kể lời ông Đàm và con Cúi và mơ ước:

“Ước chi con là Tề Thiên Đại Thánh, hoá phép để con được ngủ với ngoại như ri mãi”. Ngoại dịu dàng vuốt tóc tôi và nói ngày trước cậu Các cũng mê truyện Tây Du Ký. Ngoại mong ngày cậu Các về:

“Cậu mi lên núi rứa là mười sáu năm; năm ni ba mươi ba tuổi, không biết hắn có vợ con chưa”.

Trường làng đóng cửa cả tháng nay, và từ các cuộc bàn thảo ở nhà trên, tôi nghe nói gia đình thầy Trình chuẩn bị di cư nên ngạc nhiên khi thấy thầy xuất hiện ngoài cổng. Thầy cẩn thận nhìn trước ngó sau rồi đi nhanh như chạy vào nhà ngang gặp mẹ. Dạy tôi và thằng Gái ở trường làng hơn hai năm, thầy cho biết thằng Gái học ngang với lớp ba, còn thằng Bé thì:

Hắn học hết sách của tui; cả năm ni tui phải cho bài riêng mà không có trò hiểu tới”. Trước khi ra về, thầy tặng tôi cuốn sách Toán học Lớp nhất của Trần Tiếu thầy đã gửi mua trong Huế.

***

Đôi ba ngày lại có một toán cán bộ đến “thăm” nội; họ đội nón cối màu xanh cứt ngựa và mang dép Bình Trị Thiên, đế cắt ra từ vỏ xe hơi phế thải và quai dép là những dải cao su cắt từ ruột xe. Những người này rất lễ phép, một điều “Thưa bố” (họ gọi nội), hai điều “Thưa chị” (họ gọi mẹ), nhưng cặp mắt láo liên soi mói như muốn đào bới mọi góc kẽ trong nhà và luôn tay ghi chép vào cuốn sổ con. Chiều lại, những người khách không ai mời này gọi mẹ:

“Chị ơi, chị có gì ‘bồi dươỡng’ cho chúng em không?”, nghĩa là họ đòi ăn và dĩ nhiên mẹ phải tuân theo.

Mấy anh cán bộ ăn nhanh như chớp và chỉ một thoáng là vét sạch nồi, không bao giờ chừa lại phần cho chủ nhà. Họ đi rồi, thằng Gái rủa:

“Thứ mọi ở trong rừng trong rú mới ra, tham ăn như heo!”.

Nằm dưới bộ gõ, tôi thót ruột khi mụ Ruộng và thằng Rọm bước vào nhà; mụ mà méc anh tôi đánh thằng Rọm thì thế nào hai đứa cũng bị đòn quắn đít. Mụ ngang nhiên kéo ghế ngồi tréo mảy đối diện với nội. Cố nén giận, nội hỏi xẳng:

“Chị tới có chuyện chi?”.

Tui tới chơi coi nhà cửa của mấy người ra răng”, mụ xấc xược trả lời.

“Để làm chi?”, nội hỏi vặn.

“Ngày “nhân dân” về “tiếp thu” sắp tới rồi”, mụ mở nụ cười đắc thắng.

Trong lúc mụ Ruộng lên giọng kẻ cả hạch hỏi về cha tôi và chú Lam, thằng Rọm đi quanh nhà chỉ trỏ lung tung. Sau cùng, hắn lắc vai mụ và lấy tay chỉ:

[mẹ] ơi, tui ưng bộ ngựa ni”. Cầm tay thằng Rọm, mụ đứng dậy:

“Ờ, đợi bọ mi về rồi tính, hắn nằm chỗ nớ chớ đi mà lo”.

Cha thằng Rọm là ông Cột, theo kháng chiến từ khi hắn mới ra đời.

Mẹ con mụ Ruộng đi rồi, nội hết nén lòng nổi buột miệng chửi trổng “Tổ cha mi”, rồi xuống nhà dưới lấy cây rựa chẻ củi nội dùng cạo lưng khi ngồi tắm bên bờ giếng. Đứng giữa phòng xuống tấn, nội nhảy lên vung rựa múa một đường, thét lên một tiếng thật lớn rồi chém liên tiếp mấy nhát trên mặt ngựa. Tôi sợ rúm cả người, đợi một lát lâu mới dám nhìn ra; nội quỳ mọp trước bàn thờ, trán dựa lên lưỡi rựa đặt nằm trên sàn nhà, vai rung rung khấn khứa.

Tin ông Đàm uống thuốc phiện với dấm thanh tự tử và bà Đàm thắt cổ nhảy xuống giếng chết theo khiến nội thẫn thờ cả buổi. Con ông là chú Định theo bên tê làm đến chức tỉnh uỷ. Trong nhiều năm qua, gia đình ông đã ủng hộ kháng chiến hết mình, đóng góp tiền bạc, và liều mạng che giấu nhiều đồng chí của chú. Chú cho ngườí nhắn về với “vợ chồng tên địa chủ” mang “nợ máu với nhân dân” phải sẵn sàng “chờ ngày đền tội”.

Đêm hôm ấy, nội xuống nhà ngang nói chuyện với mẹ; tôi với thằng Gái rình nghe chữ còn chữ mất:

Cha Gái là người có chức phận trong nớMẹ Gái cần lo tương lai con cái… Bọ quyết không đi hết…”.

Bọ không thấy gương chú Đàm hay răng?”, mẹ cố thuyết phục nội.

“Thằng Định đe dọa “đấu tố” cốt để giục giã vợ chồng chú nớ di cư; biết rứa mà họ thà chết”, nội giải thích.

“Con làm răng bỏ ôông mà đi; lúc ôông đau yếu ai lo?”, mẹ thút thít.

Bọ từng ni tuổi đầu chết cũng mãn nguyện. Thân già ni sống thờ phụng ông bà giữ gìn mồ mả tổ tiên, thác chôn nơi quê cha đất tổ, (cớ sao) vùi xương nơi xứ lạ quê người”.

Mẹ khóc, nội cũng khóc.

Nước mắt cũng chảy dài trên má hai anh em tôi.

Ngày 2 tháng, 2013

Comments are closed.