Nguyễn Tuyết Lộc là tên thật của tác giả.
Trước 1975, chị dạy tại trường Trung học Phan Chu Trinh và Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng. Cộng tác với các báo Văn hóa Ngày nay, Phổ thông, Văn nghệ Tiền phong,…
Sau 1975, chị tiếp tục dạy học, và còn dịch thuật, viết báo.
Hiện chị sống và làm việc ở Singapore và Sài Gòn.
Tác phẩm mới nhất: Ký ức xanh (thơ, in chung với Nguyễn Đông Nhật và Nguyễn Thanh Văn, NXB Hội Nhà Văn).
Dì tôi nhũ danh là Nguyệt Cầm, con gái thứ ba trong gia đình có năm người con của ông bà ngoại tôi. Mẹ tôi là chị đầu, rồi lần lượt đến cậu Hoà, dì Nguyệt Cầm, áp út là dì Hoa (chồng theo Việt Minh bị Tây xử bắn), cuối cùng là cậu Nguyện chủ tiệm may lớn, thường may lễ phục cho các vị chức sắc cao cấp của chính quyền Sài Gòn thời đó. Tất cả đã qua đời, trừ cậu Nguyện tôi đã trên chín mươi tuổi, hiện còn sống ở Sài Gòn.
Trước đây, khi ở Quảng Trị, ông bà ngoại thuộc diện gia đình giàu có. Ba người con gái đều nổi tiếng xinh đẹp, mẹ tôi là chị cả không những đẹp mà còn giỏi cầm kỳ thi họa. Anh Hai tôi thường tự trách là môn toán dù khó đến mấy anh học cũng được, vậy mà ngón đàn của mẹ thì anh đành chịu thua.
Thuở thiếu thời, theo lời cậu Nguyện kể ông Lê để ý và có nhờ cậu làm chim xanh chuyển thư từ cho dì. Thật hư thế nào tôi không rõ nhưng rồi dì phải lòng và lấy ông Nguyễn, người tôi gọi là dượng, cũng là một cán bộ đảng. Cả ba giúp nhau hoạt động trong tình đồng chí vừa là cấp trên và cấp thừa hành. Khi được lệnh ra thành phố hoạt động, bên ngoài dượng là thầu khoán đứng thầu các dinh thự dưới thời Ngô Đình Diệm, bên trong dượng hoạt động kinh tài cho tổ chức bí mật. Công việc thầu khoán kiếm được nhiều tiền chủ yếu dùng làm quỹ cho tổ chức. Quyền hạn, của cải nằm trong tay dượng, ân oán nhiều không biết đâu mà nói. Tiền dượng đem về, dì sắm hột xoàn đựng cả hộp đầy. Điều lạ là chính người dì xinh đẹp, lành tính của tôi dần dần bỗng thay đổi. Có tiền dì sinh ra đánh bạc, lắm lúc chơi với mấy phu nhân tướng tá của chính quyền Sài Gòn. Hết tiền, dì bán xe hơi ngay tại sòng bài, gọi tài xế lên cho tiền bảo về quê mà sống. Chú tài xế từng kể với mẹ tôi là đã quỳ mọp xuống van xin: “Lạy bà, bà làm như thế này ông biết được, ông bắn con chết”, và nhận được câu trả lời đầy quyết đoán của dì: “Tao bảo là cứ nghe lời tao. Ông nói gì, có tao”.
Mỗi lần mẹ tôi từ Huế vào Sài Gòn thấy gia đình dì dượng không hạnh phúc lắm thường la rầy dì. Em út trong nhà ai cũng nể mẹ vì bà học hành đến nơi đến chốn, lại có gia đình con cái thành đạt, nghiêm túc. Một lần chắc không kiềm chế được, dì òa khóc:
-Dạ, em biết em làm sai, nhưng thằng này mặt mày đẹp trai, tướng tá oai nghiêm vậy chứ thâm độc, tàn ác và… – dì tức tưởi một lúc mới nói tiếp được – loạn luân lắm chị ạ. Nó gây không biết bao nhiêu tội ác. Em không nói được với ai em sẽ chết vì tâm bệnh. Đồng tiền này là của phù vân, kiếm dễ thì phá cũng dễ. Em muốn làm cho nó tan hoang, lột hết bộ mặt đạo đức giả của nó mới bằng lòng.
Càng về sau dì ghiền uống bia, mỗi ngày từ năm đến mười lít là chuyện thường.
Cuối năm 1979 tôi cùng ba mẹ, Thanh Tịnh em trai tôi, và Thi, con trai út của tôi vào Sài Gòn ở nhà dì tại Bình Thạnh. Dì dượng có bốn con, hai trai, hai gái. Con gái đầu là Kim Chi có gia thất ở riêng, rồi đến Cẩm, Hoàng Lan và con trai út là Nghiễm. Cẩm ra đời khi dì dượng còn hoạt động trong bưng. Vì hoàn cảnh xa cha mẹ, nên Cẩm học lớp ba đã nghỉ. Như tôi đề cập ở trên, sau khi về thành hoạt động bí mật, dượng làm thầu khoán xây dựng và nhanh chóng trở nên giàu có. Cẩm đến tuổi quân dịch nhưng nhờ dượng quen biết nhiều viên chức cao cấp nên xin cho Cẩm đi “lính kiểng”. Bộ mặt đẹp trai, cao ráo lịch lãm, Cẩm ăn rồi chỉ biết chơi bời, tán gái. Các ca sĩ tên tuổi bấy giờ có người từng là người yêu một thời của Cẩm mặc dù cậu ta đã có bảy con. Sau 1975, dượng giữ chức vụ cao, can thiệp để Cẩm không phải đi học tập cải tạo. Nhà nước cấp cho dì dượng một khu đất rất rộng ở Bình Chánh, Cẩm về đó, và dù dì dượng có chu cấp Cẩm vẫn lái xe lam chở khách, vợ bán cơm tấm cho đến ngày được gia đình bên vợ bảo lãnh đi Mỹ.
Hoàng Lan là con thứ ba trong nhà, có vẻ đẹp kiêu sa, da trắng nõn, môi hồng mọng, mi cong, dáng cao, gầy, một vóc dáng và nhan sắc đến tôi là phụ nữ còn ngắm không biết chán. Nhìn Hoàng Lan ngồi thêu, vừa khe khẽ hát, mấy ngón tay búp măng thoăn thoắt, điệu nghệ không ai nghĩ em bị tâm thần cả. Khi tôi hỏi:
-Em biết ai ngồi trước mặt em không?
Hoàng Lan mỉm cười, không nhìn lên:
-Thì chị Tuyết con bác An chứ còn ai nữa.
Những tháng hè nghỉ dạy hay chấm thi tú tài ở Sài Gòn, tôi được dịp về nhà dì ở. Hoàng Lan, Nghiễm và tôi chỉ cách nhau vài tuổi nên chúng tôi rất dễ gần gũi chuyện trò. Bấy giờ Hoàng Lan nổi tiếng là hoa khôi trường Marie Curie. Trong lúc các giáo sư đi dạy bằng xe đạp hay xe gắn máy thì Hoàng Lan đi học bằng xe hơi. Người đẹp, con nhà giàu, bao nhiêu chàng trai theo đuổi. Vì dì dượng vừa hoạt động bí mật vừa là nhà thầu khoán tiếng tăm nên dì sợ mọi bất trắc có thể xảy ra cho con cái, nhất là với cô con gái cưng vừa đẹp người lại đẹp nết, nhưng thật may mắn, Hoàng Lan có thiên hướng sống nội tâm, không thích phô trương như một số tiểu thư Sài Gòn ngày đó.
Ngoài giờ học ở trường, Hoàng Lan chịu học thêm nhiều thứ: piano, chụp ảnh nghệ thuật, Anh văn. Chính tay em trang trí phòng riêng của mình. Chiếc đàn piano đặt trong phòng ngủ rộng của em cạnh cửa sổ nhìn ra vườn nhiều cây xanh. Tất cả màn cửa, tường, drap giường, chăn nệm đều một màu nâu trầm lặng, từ đậm đến nhạt dần, chấm phá nhẹ nhàng giữa tông màu lạnh đó là màu đỏ đậm rượu vang, rất hiếm hoi xen vài nét mỏng màu đỏ tươi như máu. Cái màu bất hạnh như dự cảm đoạn kết thảm khốc của gia đình và của chính em.
Hoàng Lan quen và phải lòng một trung úy quân y biệt động nhân dịp sinh nhật bạn. Em đưa cho tôi xem hình ảnh và thư từ của người yêu từ mặt trận gửi về đóng dấu KBC (Khu Bưu Chính). Em nói:
-Hiếm khi anh ấy được phép về thăm nhà nên mỗi lần về cứ quấn quít bên em không muốn rời. Anh bảo là chiến tranh ngày càng khốc liệt, hết hạn quân ngũ mình sẽ ở mãi bên nhau.
Tôi nhớ như in, mỗi lần có dịp tâm sự em như muốn hụt hơi khi kể lể chuyện tình không ngày mai của mình. Nhưng mọi chuyện không xảy ra như giấc mơ của em tôi và người yêu của mình, những gì mà tôi từng chia sẻ với em, với số phận phũ phàng và đắng cay của bao nhiêu đôi lứa trong thời chiến. Khi biết chuyện, dượng đã tìm cách đẩy người em yêu ra tận Khe Sanh, mặt trận đẫm máu nhất lúc đó, để không còn đường trở về hậu phương nữa.
Ngoài tôi để thỉnh thoảng nhỏ to tâm sự, Hoàng Lan may mắn có một em trai rất đỗi thương yêu chị. Trái ngược với tính đằm thắm, kín đáo của chị, Nghiễm phóng khoáng, nghệ sĩ. Nghiễm thua Hoàng Lan một tuổi nhưng cậu hiểu biết, giao thiệp nhiều, bạn bè đến chơi nườm nượp, đàn hát, tập dượt nhu đạo, hay học nhóm với nhau. Nghiễm thường đóng vai vệ sĩ đưa Hoàng Lan đi xem phim hay đóng vai “ông cụ non” trò chuyện khuyên lơn, an ủi, vỗ về chị. Cao lớn, đẹp trai, đi đâu Nghiễm cũng nắm tay, ôm vai chị, người ta cứ lầm tưởng đây là cặp tình nhân đẹp đôi, lý tưởng. Nghiễm rất thương yêu và quý mến chị đến độ trốn học, trốn ba má, mua vé máy bay định đưa chị ra tận Huế rồi ra Đông Hà, Khe Sanh cho chị gặp người yêu. Chuyến đi bất thành khi dượng Nguyễn phát hiện hai chiếc va-li “trong tư thế sẵn sàng lên đường”. Từ đó Hoàng Lan rơi vào trầm cảm, ngày một nặng hơn.
Nghe dì kể có lúc em bỏ nhà đi lạc mấy ngày, dì dượng tìm mãi mới gặp trong nhà thờ Bình Thạnh, may có người cho ăn uống tử tế nhưng người ngợm, quần áo dơ bẩn, lem luốc, tóc tai rối bù trông thật thê thảm. Mỗi tháng dì đưa em đi khám ở phòng tâm thần bệnh viện Bình Thạnh. Ngày nào dì ham đánh bạc, quên cho uống thuốc thì em lên cơn điên dữ dội, lấy dao chặt chém, rượt đuổi những người có mặt trong nhà. Những lúc như vậy, chỉ có dì mới “trị” được em. Dì cột hai tay em lại, nhét thuốc an thần vào miệng. Nhưng bệnh em ngày càng nặng, thuốc càng tăng liều.
Tôi nhớ hôm mồng hai tết Canh Thân, nhằm vào tháng 2 năm 1980, đúng là cái Tết đầu tiên tôi ở Sài Gòn, dì dượng đang tiếp ông Phạm. Nghe dì bảo là ông giữ chức bộ trưởng hay thứ trưởng gì đó. Mặc dù là một nhân vật quan trọng nhưng vào các dịp Tết ông vẫn dành chút ít thời gian thăm viếng dì dượng. Ông Phạm đem quà của ông Lê vào biếu, khi nào cũng có một thùng bia dành cho dì, trà và bánh chưng, bánh tét… Dượng đang tiếp khách thì đột ngột Hoàng Lan từ phía sau nhà bước nhanh ra phòng khách, trên người không có mảnh vải che thân, đôi mắt long lên, tay cầm con dao lớn chỉ thẳng vào dượng:
-Thằng kia, mày đang bày mưu kế gì đó nữa? Mày là con thú dữ, tao sẽ giết mày.
Trong lúc dượng và ông Phạm hết sức bối rối thì dì hốt hoảng trèo lên ghế xa lông chạy đến kéo Hoàng Lan vào trong. Tôi và Thi, hai mẹ con chân run như cầy sấy. Tôi kể lại chuyện này cho cậu Nguyện. Cậu tôi im lặng một lát như ngẫm nghĩ có nên nói cho tôi nghe không, rồi giọng trầm xuống:
-Con ở Huế nên không biết gì về gia đình dượng Nguyễn, chứ dì con đau khổ từ khi lấy ông ta. Ông là tay thầu khoán cáo già, giàu sụ, ăn chơi tung hoành chứ không phải ngồi cù rủ như chừ mô. Ông đối xử với người lạ tàn ác thế nào cậu không biết, mà biết cũng không nói làm chi, còn trong nhà ông làm nhiều điều xằng bậy lắm. Ông Nghè là anh ruột ông Nguyễn ở Hà Nội. Ông Nguyễn từ Sài Gòn ra chơi, thấy chị dâu xinh gái là để mắt tới ngay, tán ra tán vào làm bà chị dâu có bầu, đẻ thằng Cảnh. Trong dòng họ ông ai cũng biết. Sau 75, thằng Cảnh được nhà nước phân bố một căn nhà lầu gần chợ Bến Thành. Nó biết ông Nguyễn là cha nó, và ông Nguyễn cũng nhận nó là con ông với bà chị dâu. Thằng này cũng thường kiếm dịp thăm “cha”, nhưng ông Nguyễn đối xử lạt lẽo lắm, ngượng ngập lắm. Chưa hết, dì Hoa con chồng chết đã lâu, một mình nuôi bảy đứa con. Khi dì con từ Quảng Trị vào thăm chị ở Sài Gòn, vì thương em nên dì Cầm con bảo chồng hằng ngày lấy xe hơi chở em gái đi đây đó cho biết. Chẳng may vì không cưỡng nổi vòng tay anh rể thầu khoán giàu có, đẹp traihào hoa nên khi về lại Quảng Trị, dì Hoa đã mang bầu sinh con Mỹ Hoa đó, nó giống hệt ông Nguyễn không cãi chối được. Vậy mà mẹ Hoàng Lan vẫn thương em, gửi tiền nuôi nấng Mỹ Hoa đầy đủ, lại xưng má mácon con. Biết chuyện mẹ con giận lắm nhưng nghĩ cho cùng thì cả hai đều là em gái của mình, nên mẹ con nói anh Hai giúp cho dì Hoa chuyển về dạy ở Quảng Ngãi, tránh dư luận xì xào. Sau này tốt nghiệp Đại học Sư phạm ban Văn ở Huế, Mỹ Hoa có gia đình và được các anh chị cùng mẹ khác cha bảo lãnh sang Úc đi theo với mẹ.
Liên quan tới bệnh tật của Hoàng Lan, cậu kể:
-Ông Nguyễn là đảng viên cộng sản nên khi biết con Hoàng Lan có người yêu là trung úy quân y thuộc lực lượng biệt động quân Việt Nam Cộng Hòa, ông tìm mọi cách ngăn cấm không cho chúng nó gặp nhau. Ông vận động đổi anh ta ra chiến trường nóng ở Khe Sanh, thật xa để không về Sài Gòn được. Hoàng Lan thương nhớ đổ bệnh một thời gian, nhưng như vậy chưa đủ để nó bị tâm thần. Biệt thự có vườn rộng, cây cối um tùm, sau vườn có cái giếng, Hoàng Lan rất thích tắm ở giếng. Có lần nó đang đứng tắm thì ba nó ra và giở trò gì đó không biết, nó vùng chạy, la hét thất thần. Cậu đang ngồi nói chuyện với mẹ nó, nghe tiếng hét, hai chị em cùng chạy ra, thì vừa lúc nó hớt hải chạy vào không nói được gì, chỉ ráng gân cổ hét, hét và hét, tay chỉ ra vườn. Ông Nguyễn vừa đi vào vừa lẩm bẩm, cậu không nghe rõ vì Hoàng Lan hét to quá, nhưng mẹ nó hiểu. Chỉ mẹ nó mới hiểu chuyện gì đã xảy ra cho con gái mình. Bà đến nắm áo ông ta, tát đấm vào mặt ông lia lịa. Ông không phản ứng, đôi mắt trân trân nhìn vợ rồi lên thẳng lầu. Kể từ đó con Hoàng Lan sinh trầm cảm, bỏ ăn, đóng kín cửa phòng, bệnh càng ngày càng nặng, lúc tỉnh lúc điên. Mẹ nó càng lúc càng hung dữ, càng đánh bạc, uống bia, bất cần đời. Gia đình như địa ngục.
Nghe cậu kể tôi bàng hoàng cả người, ngồi lặng đi rất lâu, biết rằng đây không phải là chỗ an lành cho ba mẹ và tôi. Hằng ngày dì sai cu Thi đi bộ thật xa, qua hai khoảng đồng trống mới đến nhà hàng bán đồ ăn nhậu. Tay Thi xách theo một cái can nhựa năm lít để mua đúng năm lít bia hơi, thứ bia mà ngày đó rất nhiều người uống và hợp khẩu vị của dì. Dì uống đến khi nào môi mềm nhũn ra, mắt lờ đờ là bắt đầu lên cơn chửi bới dượng cho đến khi quá mệt, kiệt sức, miệng không mở ra được nữa dì gục xuống luôn, cả nhà mới hoàn hồn. Khi tỉnh dì nói quấy quá rằng lúc đó bia nói chứ không phải dì nói.
Những lúc dì tôi lên cơn như vậy, dượng không bao giờ hé môi cãi lại dì. Không hiểu sao ai cũng khiếp dượng, chỉ có dì không hề tỏ ra nể sợ dượng, mà ngược lại, dượng rất sợ dì. Im lặng là thượng sách với dượng. Tôi để ý dượng không bỏ đi mà rụt người ngồi chịu trận, hai tay bó đầu gối, hai vai nhô cao, mắt chỉ nhìn về một hướng như người không hồn. Một lần cậu Nguyện nhận xét: “Ông Nguyễn ít ra cũng có một ưu điểm là không bao giờ dám cãi cọ với vợ”. Không rõ cậu nói đùa hay thật.
Ba mẹ và tôi thương dì, thương Hoàng Lan nhưng lại sợ cảnh lên cơn điên của em và rất căng thẳng những lúc dì vật vã với bia rượu nên phải tìm thuê nhà khác. Dì năn nỉ, khóc lóc muốn ba mẹ tôi ở lại. Có ba mẹ tôi, dì cảm thấy như có chỗ dựa tinh thần. Càng ngày dì càng gầy ốm hơn. Dì nói, nếu dì chết sớm sợ không ai chăm sóc Hoàng Lan. Dì phải sống. Sống như vậy!
Khoảng đầu năm 1982, khi gia đình Cẩm đã đi Mỹ theo diện đoàn tụ bên vợ, dì dượng bán ngôi biệt thự chuyển sang ở khu đất vườn Bình Chánh mãi tận An Lạc. Nhà mái tranh vách ván, Cẩm đã sửa sang lại khá xinh xắn, đủ rộng cho dì dượng sinh hoạt nhưng lại lọt thỏm giữa cánh đồng ruộng mênh mông, cây cỏ khô cằn. Dì cho đào một hồ thả cá tra và trồng thêm rau muống. Tôi không hiểu vì sao dì dượng chọn cảnh sống biệt lập và cô độc đến thế.
Dì vẫn đánh bạc hằng ngày, và uống bia liền miệng. Người ta dụ dỗ vay tiền dì rồi quịt luôn không trả. Dì không biết tính toán, tiếp tục tiêu pha thả giàn. Dượng ngày một già yếu, bệnh suyễn từ thời trai trẻ nay kéo về hành hạ vào lúc đổi mùa. Dượng dùng đủ thứ thuốc, thuốc uống, thuốc xịt khi bị ngộp thở. Gần như không có ai bầu bạn, dượng tự cô lập, sống như người tịnh khẩu. Con cái chỉ còn Kim Chi và Nghiễm. Cháu nội, cháu ngoại hầu như chẳng đứa nào đến thăm viếng ông bà. Dì cho một cậu ăn xin ngủ trước hiên để coi nhà ban đêm, ban ngày cậu này đi xin ăn. Sau này có dịp nhớ lại, tôi lờ mờ đoán rằng dượng Cẩn không tin tưởng ai, còn dì có lẽ không muốn ai ở gần biết rõ những bí mật không hay ho gì của gia đình. Cuộc sống về già giữa đồng không mông quạnh này chỉ có hai người và một cô con gái tâm thần. Kịch bản dì chửi, dượng im lặngcứ lặp đi lặp lại như thế.
Hóa ra dì về ở đây chủ yếu cho Hoàng Lan có khoảng không gian rộng, thong thả ra vào hít thở khí trời, không bị tù túng như ở Bình Thạnh. Chiều chiều tắt nắng, là lúc Hoàng Lan được “sổng chuồng”. Bấy giờ Hoàng Lan đã trên ba mươi tuổi.
Có hôm tôi về thăm nhằm ngày trăng, thấy em đang chạy tung tăng khắp cánh đồng cằn cỗi, y như đứa trẻ con ham chơi. Có lẽ đó là những giây phút hạnh phúc nhất đời em. Có lúc em hái hoa dại kết với rơm rạ, lá khô cài lên tóc, vừa chạy vừa hát líu lo rồi cười vang, rồi khóc, quá mệt lại nằm ngửa trên mặt đất khô, hai tay duỗi dài, bất kể bùn đất vấy bẩn. Dơ dáy đến thế, hoang dã đến thế mà kỳ lạ sao dưới ánh trăng em vẫn đẹp, đẹp đến bàng hoàng. Nước mắt tôi không ít lần trào ra, thương và xót xa cho em tôi quá!
Hôm đó tôi đang ngồi đan len trước nhà ở bến Chương Dương thì nghe Tuyết con dì Hoa, em họ tôi, báo tin Hoàng Lan chết rồi. Tôi thót cả tim, vội vã thuê xe xích lô đi ngay. Xác Hoàng Lan đã được quàn, dì không muốn để lâu. Những người đến lo đám nói cô Hoàng Lan chết linh lắm và vì còn con gái nên phải làm kỹ và nhẹ nhàng. Thanh Tịnh, Nghiễm và Kim Chi đang ở Vũng Tàu cũng được Tuyết báo tin, nhưng chưa về kịp. Đám ma vắng vẻ, nhạc đám ma ỉ ôi, lê thê suốt ngày thật não lòng. Tôi ôm tấm thân tong teo đang run rẩy của dì, nghe dì thều thào kể: “Chiều nào nó cũng ra chơi thơ thẩn, múa hát ngoài đồng cho đến tối dì mới dẫn về. Khoảng bốn giờ chiều, dì nghe tiếng hét lớn vội vàng chạy ra thì thấy một con trâu điên đang rượt theo nó, dùng hai sừng để húc. Hoàng Lan chệnh choạng, cố chạy. Con trâu lao vào húc Hoàng Lan, húc mạnh đến lòi cả ruột rồi bỏ chạy. Dì thấy rành mạch tận mắt, chạy đến thì không kịp nữa, nhưng có kịp cũng chẳng làm chi được con ơi! Thôi, nó chết trước dì cũng tốt rồi. Chứ dì chết trước nó, dì không nhắm mắt được…”. Dì lại kể tiếp, giọng khào khào gần như không cảm xúc: “Ba nó nhìn cảnh chết chóc thảm khốc của con gái, mặt mày tái xanh không còn chút máu, lần mò tới chỗ đi văng, bò vào tận góc tối, mắt lờ đờ nhìn người qua lại. Dì nhìn mà không nén nổi căm phẫn: “Ông đã giết nó. Nó chết rồi đó, ông hả dạ chưa?”. Ổng lầm bầm nói nhỏ: “Tôi đâu giết nó”. Tới đó, con biết không, dì phải hét to: “Ông im đi, không thì tôi sẽ giết ông. Lẽ ra con gái tôi cũng được hưởng hạnh phúc như bao nhiêu con cái nhà người khác, nếu ông không dùng quyền lực ngăn cản tình cảm của nó, nó đâu đến nổi trầm cảm. Chưa đủ, ông còn đẩy nó đến mức điên khùng. Ông lấy chị dâu của ông làm tan nát gia đình anh Nghè, ông cũng lấy luôn em gái tôi, lòng tôi đau như xé, nhưng vì thương em tôi bỏ qua cho ông. Tôi biết, tôi có nghiệp nặng phải cộng nghiệp với ông nên cam chịu cả đời, chứ những chuyện ông gây ra cũng đủ để trời tru đất diệt ông, ông nghe rõ chưa?”. Bất ngờ ông lết xuống đất quỳ dưới chân dì, níu lấy chân dì… Dì đi đến đâu ổng lết theo đến đó. Ngang qua xác của Hoàng Lan, ổng rúm người, chồm dậy, đâm đầu chạy ra khỏi nhà, vừa chạy vừa la lớn: “Đừng đuổi theo tao. Tụi bây định giết tao hả?”. Nhưng có ai đuổi theo ổng đâu con”.
Dì tôi chợt im thít, người lả ra như không còn chút sinh lực nào, ngạc nhiên là khuôn mặt không còn nét của dì ráo hoảnh, chắc đã cạn kiệt nước mắt rồi. Tôi khẽ khàng vòng tay ôm lấy đầu tóc bù xù của dì y như ôm một đứa trẻ đang bệnh, biết muộn lắm rồi, không còn một lời nào an ủi được dì nữa!
Bây giờ chỉ còn Nghiễm, út trai của dì cũng đã ba mươi mấy tuổi, rất hiếu thảo với dì dượng, là cậu em tôi thương nhất trong số anh em bà con. Mọi chi tiêu của dì dượng đều do Nghiễm lo chu đáo. Mẹ nợ đến đâu Nghiễm trả hết đến đó không bao giờ dám than phiền mẹ. Nghiễm tốt nghiệp kỹ sư hóa học, nhưng lại nối nghiệp cha làm thầu xây dựng. Nghiễm có gia đình và hai con.
Lúc con gái tôi đang theo học năm thứ ba ban Anh văn ở Huế thì tôi đã gửi gắm cho Nghiễm, để khi ra trường có chỗ làm ngay. Những năm này ba mẹ tôi không còn mạnh khỏe như trước. Tôi nghỉ dạy ở Sài Gòn, vừa đan len kiếm tiền mà vừa có thể ở nhà chăm ba mẹ. Nghiễm tạo điều kiện cho tôi tìm mua các thứ vật liệu xây dựng như sơn, bột màu, gạch, đá granit, đá hoa làm nền từ Sài Gòn rồi cho xe tải chuyển ra Vũng Tàu. Con gái tôi tốt nghiệp đại học, được Nghiễm đưa vào làm văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nghiễm cho cháu làm tại đây để được sống gần tôi và cùng tôi chăm sóc ông bà ngoại.
Một hôm Nghiễm đột ngột ghé tôi và báo tin hai vợ chồng Nghiễm đã ly dị, tài sản Nghiễm tạo dựng giao hết cho vợ để nuôi hai con và ra đi với cây đàn ghi ta Nhật. Không tiện góp ý, tôi chỉ im lặng, lòng thương xót hoàn cảnh lận đận của em. Vài năm sau, Nghiễm cho xây một biệt thự rộng đẹp ở thành phố Vũng Tàunhưng chưa hoàn chỉnh. Nghiễm nói tôi đưa ba mẹ, Tịnh và con cái ra ở đó. Hai chị em liên lạc nhau hằng ngày, bàn tính mọi thứ. Vào dịp nghỉ hè hay những ngày lễ, tôi cho Thi ra nhà cậu chơi, Nghiễm giao luôn cho cháu nhiệm vụ đi đòi nợ khách hàng. Vũng Tàu thời kỳ đó rất yên bình, chưa phát triển nhiều, đường sá cũng chưa mở rộng, nên Thi ôm tiền về cho cậu mà không lo nạn cướp giựt như sau này. Thi làm chơi mà được cậu “trả lương” nên thích ở với cậu lắm. Nghiễm rất quý em trai út của tôi, vẫn thường nói anh Tịnh là thần tượng của Nghiễm. Tịnh dạy Nghiễm sáng tác nhạc và tiếng Anh.
Một hôm vào tháng 5 năm 1985, trời chập choạng tối, Nghiễm từ Vũng Tàu phóng xe lên nhờ tôi đứng chủ hôn cho tiệc cưới Nghiễm và người yêu mới vào tuần sau. Nghiễm cho biết giấy tờ hôn thú xong rồi, thiệp cưới cũng in xong, chỉ còn hình thức lễ nghi hai họ. Do sức khỏe kém, dì dượng tôi không xuống Vũng Tàu lo cho con được.
Trước lễ cưới Nghiễm hai ngày, em lên Sài Gòn đón hai đối tác làm ăn người Đài Loan bằng xe du lịch bốn chỗ ngồi của Sở. Dư thời gian, Nghiễm ghé qua thăm tôi đang ở nhà khách đường Pasteur. Hôm ấy mưa lớn, mới năm giờ chiều mà trời đã tối. Nghiễm có vẻ mệt mỏi ngồi duỗi dài trên ghế bành, thở ra thườn thượt, bứt rứt không yên. Chiếc áo ca rô màu xám làm cho da mặt Nghiễm sạm đi. Tôi khuyên Nghiễm ở lại mai khỏe rồi về lại Vũng Tàu. Nghiễm lắc đầu:
– Công việc nhiều lắm chị à. Mười giờ tối này, sau khi đi ăn em phải đưa hai tay Đài Loan này về Vũng Tàu để kịp sáng mai họp.
Trong ký ức tôi vẫn còn ghi nhớ hình ảnh cơn mưa tầm tã phủ trắng cả đường phố trong buổi tối bất hạnh khi em bịn rịn từ biệt tôi.
Sáng hôm sau con gái tôi xong công tác từ Vũng Tàu đang trên đường về Sài Gòn. Tôi chờ con ở nhà khách thì được điện thoại của công ty báo tin Nghiễm mất từ hôm qua tại Long Thành, hiện xác đang để tại nhà xác bệnh viện Vũng Tàu chờ thân nhân đến nhận. Tôi bán tín bán nghi hỏi lại vậy Nghiễm mặc áo màu gì, họ cho biết Nghiễm mặc áo thun ca rô màu xám. Đúng là chiếc áo Nghiễm mặc khi đến gặp tôi.
Cùng lúc ấy con gái tôi bước vào. Nghe tôi kể nội dung cú điện thoại, cháu tái mặt.
– Trên đường về ngang Long Thành con thấy có mấy xác chết lôi từ ruộng lên sắp thành hàng ven đường, nhưng không biết đó là cậu.
Tôi gọi ngay điện thoại cho anh Lộc nhờ anh điều động xe cấp cứu xuống Vũng Tàu chở xác Nghiễm lên, nhưng anh nói xe cấp cứu chỉ để chở bệnh nhân còn sống, cần cấp cứu chứ không chở người đã chết. Tôi phải điện thoại qua chị Cảnh, phó giám đốc bệnh viện xin chị ký giấy chứng nhận xe bệnh viện xuống Vũng Tàu chở bệnh nhân cần cấp cứu. Chị đồng ý. Theo xe là cu Thi, Mỹ Đức con gái tôi, và anh Lộc. Hơn một giờ sáng xe mới đến bệnh viện Vũng Tàu, rồi chở xác Nghiễm quay về Bình Chánh nơi dì dượng tôi ở.
Người sống sót trong xe là chú tài xế. Chú kể:
-Long Thành hôm đó mười giờ đêm vẫn còn mưa tầm tã. Trên xe có hai phó giám đốc sở là anh Nghiễm và chú Sáu cùng hai người Đài Loan. Xe đang chạy thì một chiếc xe bồn chở xăng ngược chiều, do tài xế ngủ gục hay nhậu say lạc tay lái đâm nhào qua kéo xe con xuống ruộng. Sáng sớm có người đến kéo từng xác dưới bùn lên để ven đường. Con tưởng mình đã chết rồi. Chú Sáu thì như điên khùng, bò lóp ngóp, bò đi bò lại không điều khiển được mình. Anh Nghiễm và hai ông Đài Loan đã chết, bụng sình lên, toàn thân nhuốm bùn không nhìn rõ mặt, chỉ nhìn vóc dáng mà đoán người. Một số người dân tốt bụng gần địa điểm tai nạn đã thuê xe đưa tất cả về bệnh viện Vũng Tàu.
Chỉ trong vòng một năm phải chứng kiến sự ra đi thảm khốc của hai người con, một trai một gái, dì tôi bị sốc nặng, suy sụp thật nhanh. Dượng như kẻ tâm thần. Căn nhà thật sự đã trở thành địa ngục.
Từ khi hai em mất, tuần nào tôi cũng xuống Bình Chánh thăm dì tôi. Thấy tôi dì mừng lắm, níu lấy tay tôi. Tôi gửi tiền nhờ người hàng xóm đi chợ, lo ăn trưa cho dì dượng. Tôi chào dượng, nhưng dượng chỉ gật đầu nhìn chỗ khác, không nói câu nào.
Có hôm tận mắt tôi thấy dượng ngồi dựa một gốc cây cạnh nhà, tự mình cào cấu vào mặt đến chảy máu. Khi tôi rón rén bước lui, chợt nghe tiếng dượng gào sau lưng:
-Mình ơi, mình nói giùm chúng đi đâu thì đi, đừng theo tôi nữa.
Tôi quay lại định hỏi thì dượng bỗng xông vào bếp, tay cầm dao hớt hơ hớt hải chạy ra vườn như rượt đuổi ai:
-Chúng mày muốn gì? Muốn gì? Đòi mạng hả?
Dượng chặt túi bụi vào mấy đám cỏ khô, rồi quá mệt không còn sức nữa, dượng ngồi bệt xuống đất hả miệng thở dốc.
Dì chạy ra lật đật kéo tay tôi vào nhà.
-Con đừng để ý, đừng sợ, không phải chỉ hôm nay mà mỗi ngày. Ổng điên thiệt rồi.
Hình hài đẹp trai, phong lưu ngày nào của dượng nay trông như người tàn phế, dơ dáy, hôi hám. Mỗi lần đi ngang qua phòng khách dượng không dám ngẩng đầu có lẽ vì tấm ảnh trên bàn thờ của Hoàng Lan đang trừng trừng nhìn dượng. Dượng rón rén bò lên đi văng, kéo mền trùm kín mít từ đầu đến chân chỉ chừa hai mắt và mũi để thở, thỉnh thoảng lẩm bẩm một mình:
-Để tao yên. Mệt rồi! Mệt rồi!
Mỗi lúc cơn suyễn đến, mắt dượng trợn trừng mà thở dốc. Cơn suyễn hành hạ dượng không buông tha mỗi ngày. Đuối sức, dượng nằm xuống lại vội nhổm dậy tựa vào tường há miệng để thở.
Nhiều khi bất đắc dĩ phải nhìn dì dượng như thế, lòng tôi đau xé. Có lúc tôi tự hỏi liệu dượng đã thực sự ăn năn sám hối chưa. Nhưng dẫu có cũng đã quá muộn màng. Tôi ôm dì, ôm hình hài xương bọc lấy da không còn chút sức sống nào nữa của dì mà nước mắt ràn rụa. Thêm một lần khóc nữa trong đời, đau đớn xót xa từ khi tôi khóc vì mất ba mẹ chỉ trong vài tháng.
Theo lời người ăn xin kể thì hai ngày liền anh ta không thấy ông bà ra ngoài ăn sáng, kêu hoài chẳng ai trả lời. Anh ta vào nhà trong thấy dì dượng tôi đã chết liền chạy báo công an, rồi thấy có số điện thoại dán trên vách nhà, anh ta gọi cho Kim Chi, cho ông cậu Nguyện.
Người ta thấy dượng trong tư thế đang với tay tới chai thuốc suyễn xịt mũi chỉ cách mấy tấc, người té nghiêng trên đi văng. Từ hai hốc mắt mở to, từ hốc mũi, lỗ tai kiến to, kiến nhỏ đang bò rúc rỉa. Và dì, không rõ trước đó có ăn uống gì không, nằm gọn trong võng rồi qua đời luôn, dưới đất là can bia hơi đã cạn.
Tôi chưa bao giờ thực sự tin thuyết quả báo đời sau, nhưng những gì xảy ra cho gia đình dì tôi, làm tôi nghĩ ngay đến chữ Nghiệp của nhà Phật. Tính ác của xã hội không phải một sớm một chiều xảy ra, mà cái nghiệp quả của con người phải chăng đã được cộng nghiệp qua nhiều kiếp trước như Đức Phật đã dạy!
Bản án dành cho dượng, tự dượng xử lấy. Còn dì tôi, hết nghiệp chướng cũng đã ra đi như người đã trang trải xong cả nợ lẫn lãi, như một diễn viên trong bi kịch của Shakespeare rời sân khấu khi nước mắt chưa kịp lau.
Nhưng bản án đó quá nặng tay với một trái tim đầy mẫn cảm và lương tri của dì tôi, và quá đỗi bất công với hai đứa em trẻ trung, xinh đẹp, tài hoa, hoàn toàn vô tội của tôi. Dù muốn tránh xa mặt chính trị vốn đã quá thừa phức tạp ở đất nước này, tôi không khỏi chạnh lòng nghĩ rằng hóa ra một con người –tôi không dám nghĩ là tất cả – có thể có mặt đóng góp nào đó cho xã hội, thậm chí cho “lịch sử”, vẫn có thể nhúng tay vào những tội ác bất nhẫn đáng xấu hổ, như là trường hợp của dượng tôi, chồng và cha những người thân cùng máu mủ đầy bất hạnh của tôi.