Dặm trường (kỳ 10)

Trần Doãn Nho

CHƯƠNG 28

Nhìn Hạnh vội vã trở vào ga sau khi đã đưa đồ ăn cho anh, Lục cay đắng nghĩ thầm: Hạnh không còn là của anh nữa.  Hạnh đã có bầu trời riêng. Nàng bây giờ như một con chim sổ lồng. Sau khi rời lồng, tập tễnh bay rồi trở về, rồi bay rồi trở về nhiều lần, bây giờ quen đường, nàng bay xa, bay cao, bay dài.  Bay thỏa thích, chẳng cần hỏi ý kiến của anh. Trước đây, mỗi lần đi xa trở về, nàng tíu tít chia xẻ với anh những gian nan cũng như những niềm vui của chuyến hành trình kiếm sống.  Như một con chim bay về chiếc tổ nhỏ nhoi, nàng hân hoan cắn những cọng rơm hạnh phúc. Nàng nép vào anh, tìm hơi ấm và điểm tựa. Nàng trở thành nhỏ nhoi, yếu đuối.

      Tàu hú còi, hướng về phương Bắc. Dù khuất sau nhà cửa và cây cối, nhưng anh tưởng như thấy rõ từng chuyển động của con tàu. Chúng mang con chim nhỏ của anh xa dần, xa dần khỏi tầm tay. Miền Bắc xa lạ và hiểm trở.  Anh đứng sững trên sân ga  một hồi, lòng hụt hẫng. Lần đầu tiên, anh kinh qua một cảm giác kinh khiếp: Hạnh ra đi mãi mãi. Cảm giác đó càng mạnh hơn khi anh lục xách đồ mà Hạnh gửi lại. Hạnh mua đủ thứ: dầu, bột ngọt, tôm khô, cá khô, mắm, hành, bột nêm, kẹo dừa, kẹo mãng cầu, mấy cuốn truyện cổ tích, báo thiếu nhi, dầu gió…Rấùt nhiều thứ, nhưng không có thứ nào cho riêng anh. Chẳng hạn như cái quần lót. Chẳng hạn như cái áo lót.  Chẳng hạn bịch cà phê. Hạnh đã lo lắng chu đáo mọi thứ cho cuộc sống gia đình, cho con, nhưng tuyệt nhiên, quên hẳn anh.  Anh hậm hực kéo phẹc mơ tuya lại, rú xe chạy như điên. Nỗi giận hờn trút hết lên tay ga. Xe phóng ào ào trên đường. Mãi đến khi sắp vào cửa Thượng Tứ, thấy chiếc xe mô tô ba của công an đậu trước cổng Thương Bạc, anh mới hạ ga, từ tốn chạy về nhà.

      Anh ngạc nhiên thấy đèn nhà trên còn sáng. Hóa ra mấy đứa con thức dậy, chờ đợi. Nghe tiếng xe nổ, cả ba đứa tông cửa chạy ra. Thấy Lục một mình, chúng đứng hóng ra cửa.  Anh vứt cái xách cho thằng con lớn:

      –     Mẹ mày không về đâu. Ðồng, xách đồ vào cất đi rồi đi ngủ. Mai còn đi học.

      Nét thất vọng hiện rõ lên khuôn mặt ba đứa. Thằng Phụng chạy lại anh, rơm rớm nước mắt:

      –     Mạ còn ở Sài Gòn hả ba?

      Lục không nói gì, dắt xe vào nhà. Trong lúc đó, cả ba đứa xúm lại mở xách đồ. Chúng reo lên vui vẻ khi tìm thấy kẹo, bánh và sách vở. Ðồng và Ngân giành nhau mấy cuốn truyện và báo. Cu Phụng đòi ăn kẹo dừa. Lục bực bội nạt:

      –     Không có ăn uống gì giờ này hết. Dẹp, đi ngủ. Mai còn đi học. Nghe không?

      Thấy  ba đứa vẫn tần ngần bên xách đồ, anh bước tới, lùa hết đồ đạc vào, vứt xách vào góc nhà. Anh gầm ghừ:

      –     Ði ngủ, nghe chưa.

      Ba đứa tiu nghỉu vào phòng ngủ.

*

      Sáng hôm sau, Lục tìm lên thăm mẹ. Bà cụ, kể từ hôm bị con trai gây gổ vì bà dám đụng tới Hạnh, vẫn muốn về thăm con, thăm cháu, nhưng tự ái không muốn đi. Giờ thấy Lục lên, bà mừng quá. Nhưng ngoài mặt bà làm ra vẻ bất cần. Bà liếc nhìn con, rồi cúi xuống cặm cụi lặt rau. Ðứng tần ngần một lát, anh hỏi:

      –     Mạ khỏe không?

      –     Khỏe.

      Anh xuống giọng, cố nói một cách thật dịu dàng:

      –     Lưng của mạ bữa ni thế nào?

      Nghe hỏi đến cái lưng, bà cụ uốn éo qua lại vài lần:

      –     Cũng đơ đỡ. Ðổi trời thì có hơi đau một chút.

      Thấy giọng mẹ không có gì khó chịu lắm, anh yên tâm kéo chiếc ghế  đến gần, ngồi xuống. Bà cụ ngước mắt hỏi:

      –     Cần chuyện chi đây?

      Lục lúng túng:

      –     Dạ…

      Giọng bà cụ nghe như giễu cợt:

      –     Chắc có cần chuyện gì mới lên đây, phải không?

      –     Dạ…

      –     Con vợ mi về chưa?

      –     Dạ chưa.

      –     Lần này hắn đi hàng gì? Nghe nói trầm đứng mà.

      –     Tui cũng chẳng biết nữa. Hình như thuốc tây hay hàng gì đó.

      Bà cụ chép miệng định nói một điều gì đó, nhưng kịp dừng lại. Một lát bà tiếp:

–     Thì cũng phải đi thôi. Không hàng này thì kiếm hàng khác. Buôn bán thời buổi này mô có nhất định được.

Thấy bầu không khí có vẻ thuận tiện, anh nói:

–     Mạ cho tui mượn thêm ít chỉ nữa, được không?

      Bà cụ bỏ bó rau xuống, quay lại:

–     Tau còn tiền mô nữa. Bữa trước còn bao nhiêu trút hết đưa cho mi cả rồi. Rứa con vợ mi nướng hết rồi hay sao?

Lục khó chịu vì chữ “nướng” mà bà cụ dùng. Y như nói vợ anh đi đánh bạc không bằng. Anh cố dằn lòng. Giữ giọng bình thường làm như không để ý đến cái từ ngữ đầy dụng ý của mẹ, anh đáp:

–      Không, lần này tui muốn mượn riêng cho tui.

Bà cụ ngạc nhiên thật sự:

–     Răng mà có chuyện riêng với chung ở đây. Vợ mi ở mô, mi ở mô mà chung với riêng.

Lục nói thẳng:

–     Tui muốn làm ăn.

–     Cái gì? Mi muốn làm ăn? Nhưng làm ăn là làm ăn cái chi?

Lục đáp gọn:

–     Ði buôn.

–     Trời, đi buôn. Lại đi buôn. Không được. Mi tưởng đi buôn đi bán dễ lắm răng?

–     Thiên hạ làm được thì tui cũng làm được.

–    Không được. Tau biết mi không làm được. Mà tau cũng hết cả rồi. Mi coi, nào ăn, nào uống, lại đau lên ốm xuống, tau già rồi mô có làm chi ra tiền.

      Thấy mạ sắp kêu ca như mọi lần, anh thay đổi chiến thuật.  Anh nói:

      –    Tui không muốn cứ ngửa tay lấy tiền của “hắn”. Hắn  ỷ hắn có tiền hắn làm bộ làm tịch.

      Ðúng như anh nghĩ, nghe giọng anh có vẻ khác thường, bà cụ đứng vụt dậy ngay. Trong cử chỉ và nét mặt của bà, anh nhận thấy có cái gì vừa sửng sốt vừa mừng. Bà hỏi gấp:

      –     Hai đứa bây có chuyện gì lộn xộn rồi phải không?

      Lục muốn nói “không”, vì sợ mẹ nhân đó mà nói hành nói tỏi Hạnh, nhưng nếu thế thì làm sao mà vòi tiền mẹ được.    Thành thử, anh im lặng, hàm ý chấp nhận là giữa Hạnh và anh đã có “vấn đề”.

      –     Chuyện chi vậy?

      –     Không có chuyện gì quan trọng. Hắn ỷ hắn làm ra tiền, rồi coi tui không ra gì. Tui không chịu được.

      –     Ðúng rồi! Vợ luôn luôn dưới quyền chồng là phải.  Ðàn bà là thế, được đàng chân lân đàng đầu. Tau là đàn bà, tau biết, không biết cách kềm giữ là hư…

      Biết  bà cụ sắp  lặp lại bài bản cũ, anh tìm cách nói qua chuyện khác:

      –     Tui định thế này, tui sẽ đi buôn, nhưng không đâu xa.  Chỉ chạy hàng quanh đây thôi. Tui có đứa bạn chạy thuốc tây khá lắm.

      –     Mi thấy không, tau tần tảo buôn bán, ba mi mô có làm chi ra tiền, nhưng hễ nói một tiếng là tau phải nghe. Có rứa, gia đình mới êm ấm được…

      –     Mạ cứ cho tui mượn nhưng đừng có nói với hắn, hắn làm ồn…

      –     Ðó, mi thấy chưa, hắn có quyền chi mà hắn dám làm ồn. Mi là chồng mà! Vợ mà lớn tiếng, lấn quyền chồng là gia đạo không yên.

      –     Ngày mai hay ngày mốt, tui lên lấy được không. Hay nếu tiện, mạ đưa cho tui chừ cũng được…

      Bà cụ bây giờ mới quay về với thực tế:

      –     Mi nói lấy cái chi?

      –     Thì lấy mấy chỉ vàng.

      Bà lắc đầu:

      –     Tau đã nói rồi. Còn bao nhiêu tau đã đưa hết bữa trước rồi. Tau mô có tiếc gì. Mi thấy không, còn một đứa nữa chưa có chồng…

      Lục đứng dậy:

      –     Ðược rồi, mạ có thì mạ cho mượn, bằng không tui đi mượn chỗ khác..

      Anh ra lấy xe đạp, đạp đi. Bà cụ gọi với:

      –     Lục, Lục…

      Thấy Lục vẫn không quay lại, bà cụ thở dài, ngồi xuống lặt rau tiếp.

*

      Dắt xe đạp ra tới đầu cửa ngõ, Lục gặp ngay Hạnh vừa bước xuống từ xe xích lô. Anh không ngờ nàng trở lại chóng vánh thế. Trong thâm tâm, anh nghĩ  là Hạnh phải ở ngoài đó cả tuần như khi đi Sài Gòn. Mới có ba ngày kể từ hôm gặp nhau trên ga. Vừa ngạc nhiên vừa ngượng, anh lắp bắp:

      –     Em…về rồi.

      Hạnh cũng lắp bắp:

      –     Anh…anh…

      Anh dựng xe đạp lại ngay hàng chìa tàu, phụ vợ mang giỏ trái cây vào nhà. Giờ này mấy đứa con đi học chưa về, nên cả hai lúng túng, không biết phải nói gì với nhau. Anh lẳng lặng mở cửa cho vợ, bỏ giỏ trái cây trên bàn, rồi đi ngay. Anh chẳng muốn nhìn thấy khuôn mặt lườm lườm của vợ. Tại sao nàng lại làm ra vẻ giận anh trong lúc đáng ra nàng mới là kẻ đáng giận? Nàng đi đông đi tây mà chẳng cần hỏi qua anh một lời.  Ðáng lẽ nàng phải biết điều, tỏ ra ân hận. Ðáng lẽ nàng phải xuống nước với anh. Ðáng lẽ nàng phải vỗ về, an ủi anh.  Ðàng này không. Nàng làm y như là anh có lỗi.

      Giận cho giận luôn. Anh đi suốt cả buổi chiều. Về nhà, trời tối. Gặp hai đứa con đang ngồi chơi ở sân trước, anh hỏi:

      –     Thằng Phụng đâu?

      Ðồng trả lời:

      –     Mạ chở đi đâu, con không biết.

      –     Từ hồi nào?

      –     Lâu rồi.

      Lục gắt:

      –     Lâu rồi là bao lâu?

      Thấy gắt gỏng vô lý, anh dịu giọng:

      –     Mạ đi khi nào, cỡ mấy giờ?

      Thằng nhỏ lúng túng:

      –     Dạ…dạ…cũng chừng lâu rồi.

      Anh bật cười:

      –     Thôi được. Ðã học lớp 7 rồi mà không biết tính giờ giấc chi cả. Tệ thật.

      Anh quay sang hỏi Ngân:

      –     Sao, mạ mi mua về những gì?

      Thấy ba vui vẻ, Ngân hớn hở khoe ngay:

      –    Trời, ba biết không, mạ mua vào toàn đồ Hà Nội không hà. Ngon ơi là ngon. Bánh đậu xanh này, kẹo cốm này, trái hồng, trái hồng tươi, chứ không phải hồng khô như trong mình. Hồng tươi mà ăn không chát. Còn gì nữa, anh Ðồng hè?

      –     Mứt hột sen.

      –     Ừ, mứt hột sen, ngon hết ý. Ba có ăn không, con vô lấy. À, mà chưa được. Mạ nói để cúng trước đã. Hay ba ăn cốm, cốm này mùi lạ lắm. Mạ nói cốm Hà Nội ngon số một.

      Anh hờ hững hỏi thêm:

      –     Còn chi nữa không?

      –     Hết. Ðể xem…Phải rồi, hết.

      Lục thất vọng. Cũng chẳng có gì cho anh cả. Hay nàng cất ở một nơi nào đó chăng? Anh vào bếp. Không có gì. Trên bàn cũng không có gì. Hay là nàng để trong phòng? Cũng không.  Anh ngồi phịch xuống ghế. Hai đứa trẻ thấy ba đột nhiên thay đổi thái độ, không hiểu chuyện gì, rủ nhau bỏ ra ngoài sân.

      Mọi vật trong nhà bây giờ đột nhiên xa lạ với anh, như thể chúng mới vừa xuất hiện. Chúng trân tráo, dễ ghét. Chúng không dính dáng gì đến anh. Chung quanh trống vắng lạ lùng.  Có tiếng xe chạy vào. Hạnh về. Anh vội vã vào phòng, lắng nghe. Hạnh hỏi chuyện mấy đứa con, xong đi xuống thẳng phòng mấy đứa nhỏ. Mấy mẹ con rù rỉ rủ rỉ nói chuyện. Thỉnh thoảng, chúng la hét, đùa giỡn với nhau một cách vui vẻ. Càng nghe, càng giận. Cả mấy mẹ con làm như thể anh không có ở trong căn nhà này. Cả trong thế giới này. Sao họ vô tình, bạc bẽo thế!

      Anh vùng ngồi dậy, đến cửa phòng mấy đứa nhỏ, nhìn vào.  Hạnh ngồi xoay vào trong. Ba đứa con, đứa nằm, đứa ngồi, kéo tay kéo chân nghịch lẫn nhau. Anh bước ra ngoài bàn, gọi lớn:

      –     Ðồng, Ngân, Phụng, ra đây.

      Ðang chơi đùa vui vẻ, nghe tiếng ba gọi khác thường, cả ba đứa im bặt, nhất tề ngồi dậy, rón rén đi ra. Anh lừ đừ nhìn từng đứa một, gắt:

      –     Sao không học bài để mai đi học?

      Phụng nhanh nhẩu:

      –     Con học thuộc rồi.

      Ðồng đáp:

      –     Mai con không có bài gì hết.

      Riêng Ngân lúng túng, mắt lấm lét nhìn anh. Anh nạt:

      –     Còn con kia, học bài chưa?

      Con bé líu lưỡi:

      –     Dạ…chưa.

      Trong một thoáng, anh bỗng thấy khuôn mặt lạnh lẽo của Hạnh hiện lên. Không còn bé Ngân ở đó nữa, chỉ có Hạnh, bướng bỉnh, thách thức. Anh bặm môi, bước tới, tát vào khuôn mặt đó. “Bốp!”. Bé Ngân lảo đảo người, té nhào. Thằng Ðồng đứng gần đó, kịp thời đỡ lấy thân hình con bé. Má bên trái của Ngân đỏ hồng lên. Con bé ôm mặt thút thít, không dám khóc lớn, mắt vẫn lấm lét nhìn ba, không biết có sẽ bị thêm một tát nữa không. Ðồng và Phụng đứng im thin thít, mặt mày tái nghét.

      Hạnh từ phòng trong, xô cửa bước ra, kéo bé Ngân lại, ôm vào lòng hôn hít. Nàng nhìn anh, mắt long lanh giận giữ:

      –     Có đánh thì đánh tôi đây này. Mắc chi đánh nó.

CHƯƠNG 29

Từ ngày đi Hà Nội về, Hạnh cảm thấy hoàn toàn thấm mệt. Chuyến hành trình quá dài, từ Nam ra Bắc, rồi trở lại Huế với bao nhiêu tình huống phải lo âu đối phó, khiến nàng kiệt sức. Đã thế, mấy ngày sau, nàng khám phá trong người có những dấu hiệu khác lạ. Nàng thường thấy tê tê ở bụng dưới. Ðầu óc có lúc  mơ mơ màng màng. Tay chân yếu hẳn mỗi khi cử động.  Người nhẹ hẫng như mất trọng lượng. Nàng đâm ra lo lắng, không biết mình có bệnh gì không. Ðịnh đi khám bác sĩ, thì bỗng nhớ ra những lần đây, sau khi sinh xong, nàng cũng có những cảm giác tương tự. Phá thai cũng chẳng khác gì một lần sinh nở, nàng đoán. Vậy thì chuyến đi Hà Nội vừa rồi quả là quá liều lĩnh. Nàng vẫn tưởng chuyện phá thai cũng như giải phẫu một cái mụt, không có gì quan trọng. Từ đó, nàng tự đặt cho mình một chế độ dinh dưỡng và kiêng cử y như những sản phụ. Nàng uống thuốc bổ, tránh ra nắng gió và tự xoa bóp các bắp thịt hàng đêm. Nàng tự làm một cách âm thầm, vụng trộm. Không muốn cho Lục biết đã đành, nàng còn muốn giấu luôn cả các con.

      Trưa hôm đó, sau khi xoa bóp xong, đang nằm thiu thiu ngủ thì nàng bỗng nghe có tiếng trẻ con kêu la thảm thiết từ ngoài vọng vào. Nàng vùng dậy bước ra cửa. Một người đàn bà bồng một đứa nhỏ lấm la lấm lét nhìn quanh rồi thình lình để đứa nhỏ xuống đất và bỏ chạy. Ðứa nhỏ được bọc trong một cái tả lót  nhớp nhúa, trên người chỉ có một chiếc áo nhỏ, quá nhỏ, không đủ che hết tấm thân gầy gò, để lộ ra nguyên cái cuống rún dài. Nàng chạy vội ra, kêu người đàn bà lại, nhưng bà ta đã biến mất sau dãy nhà bên kia đường. Nàng trở vào xem tình hình đứa bé như thế nào. Ðứa bé không còn đó nữa.  Nàng hốt hoảng chạy quanh nhà tìm. Tuyệt nhiên không có.  Tiếng khóc im bặt. Khi vào nhà bếp, nàng đụng phải cánh cửa, tỉnh giấc. Tiếng khóc trẻ con vẫn còn nghe vang đâu đây.  Nàng bàng hoàng bước ra sân. Trời rực rỡ nắng. Nàng nhìn vào khoảng sân, nơi người đàn bà để đứa bé. Chẳng có gì ngoài một vài hòn sỏi nhỏ và một cọng rác. Nàng rùng mình xúc động, sợ hãi.

Nghĩ đến chuyện thiêng liêng, nàng nhờ một người bà con xa đến đóng thêm cho nàng một miếng gỗ nhỏ vào cái “trang” thờ ngoài vườn. Rồi mua một bát nhang mới đặt lên. Ðể tránh sự chú ý của Lục, nàng  sắp cái mới lẫn vào những cái cũ có sẵn. Thực tình thì Lục cũng chẳng để ý mấy đến chuyện cúng kiến linh tinh như nàng, tuy thế, cẩn thận vẫn hơn. Từ đó, hàng ngày, nàng ra thắp nhang, cầu nguyện.

      Một hôm, Hạnh vừa xách giỏ đồ ăn về thì thằng Ðồng từ trong nhà chạy ra:

      –     Mạ ơi, mệ nội có xuống.

      Nàng đáp hờ hững:

      –     Ờ. Này, xách mấy trái mít vào trong bếp cho mẹ đi.  Bà nội xuống khi nào?

      –     Lâu rồi. Về rồi. Bà nội cho chè hột  sen với chả.

      –     Hèn gì!

      Hèn gì trông thằng nhỏ không vồ vập hỏi đồ ăn như mọi khi nàng đi chợ về. Nàng hỏi con Ngân đứng gần đó:

      –     Bà nội có nói gì không?

      Ngân chưa kịp trả lời thì thằng Phụng từ dưới nhà bếp chạy lên, nhanh nhẩu:

      –     Có. Bà nội nói nhà mình có chuyện lạ. 

      Hạnh ngạc nhiên:

      –     Cái gì mà chuyện lạ vậy?

      Phụng chỉ ra phía góc vườn:

      –     Bà nội nói bữa nay nhà mình có thêm một người chết.

      Nàng giật nẩy mình, níu vai Phụng:

      –     Con nói gì? Bà nội nói như vậy thật à?

      –     Bà nội nói bữa nay cái am mình có thêm một bát nhang.

      –     Sao bà nội biết?

      –     Bà nội đi quanh vườn một hồi rồi vào bàn thờ lấy nhang ra thắp. Thắp nhang xong ngoài am, bà nội lẩm bẩm một mình: “trước chỉ có bốn cái, sao bây giờ lại năm”. Có đúng không vậy mẹ? Mẹ mới để thêm một cái à?

      Hạnh gắt:

      –     Con biết gì mà hỏi. Năm hay bốn thì cũng vậy thôi, mệ khi nào cũng ưa thắc mắc.

      Tuy nói thế, nhưng lòng nàng lo âu. Bà già này tinh mắt thật. Làm sao mà bà biết là có bao nhiêu bát nhang ngoài vườn. Hay là vì cái nàng vừa mới đặt lên mới quá, gây sự chú ý. Thực là bà già chồng lắm chuyện. Nhà người ta có bao nhiêu bát nhang thì mặc người ta, mắc gì mà bà xía vào. Hạnh bực mình. Và bối rối. Nếu không khéo giải thích, bà ta có thể nghi ngờ, đâm ra nói bậy thì phiền. Không chừng giấu đầu lại lòi đuôi. Ðúng là sự đời đôi khi không đơn giản như mình vẫn tưởng. Có những việc không đáng chi, có thể dẫn đến những phiền toái không lường trước được.

      Dọn dẹp đồ xong, Hạnh gọi Ðồng lại hỏi:

      –     Khi mệ xuống thì có ba ở nhà không?

      –     Không.

      –     Mệ có hỏi gì mạ nữa không?

      –     Có. Mệ hỏi: mạ mi đi Sài Gòn lại rồi à? Con nói: Chưa.

      –     Rồi mệ nói gì nữa không?

      Con Ngân xen vào:

      –     Mệ xoa đầu con, nói: tội cháu tui, có mẹ mà cũng như không. Mẹ cứ vắng nhà hoài.

      Nàng gằn giọng:

      –     Mệ nói như vậy à? Không vắng nhà, không đi buôn, đi bán thì lấy gì mà ăn. Tau mà ở nhà thì tụi bây có nước mà ăn đất.

      Thấy mẹ đột nhiên giận dỗi, Ngân sợ hãi lùi lại. Thằng Phụng không biết gì, chạy đến:

      –     Mệ thương tụi con lắm. Khi mô mệ xuống đây, mệ cũng mang nhiều đồ ăn. Mệ thay áo quần nè, mệ tắm nè, có lần mệ còn cãi nhau với ba nữa vì ba không cho tụi con ăn…

      –     Cãi nhau khi nào?

      –    Lâu rồi. Khi mạ còn ở Sài Gòn.

      Hạnh hỏi Ðồng:

      –     Có không, Ðồng?

      Ðồng đưa mắt trừng em, rồi lí nhí:

      –     Dạ, có. Nhưng sơ sơ.

      –     Cãi chuyện gì?

      –     Dạ, con nghe cãi nhưng không biết chuyện gì.

      –     Mi có thương mệ nội không?

      –     Dạ, thương.

      –     Có thương ba mi không?

      –     Dạ, thương.

      –     Mệ nội có thương con không?

      –     Dạ,thương.

      –     Ba có thương con không?

      –     Dạ, thương.

      Hạnh ôm Ngân và Phụng vào lòng:

      –     Nhưng không ai thương tụi con bằng mạ cả. Phải không?

      Cả ba đứa cùng dạ và ôm chầm lấy mẹ.

Trong lúc ôm cả ba đứa, tận hưởng cảm giác vô cùng ấm cúng của tình mẹ con, thì đột nhiên Hạnh nghe có tiếng xe nổ máy rộn ràng bên ngoài. Hạnh buông con, nhìn ra. Ngay trước cổng nhà, một chiếc “mô tô ba” dừng lại, chắn hẳn lối đi. Ba người công an nhảy xuống, đi nhanh vào. Qua khỏi cổng, hai người tẻ ra hai bên, đi vòng ra phía sau vườn. Người thứ ba thì đi thẳng vào nhà trên. Trong lúc đó thì ngoài đường, thêm hai chiếc Honda nữa chạy đến, mang theo ba người trong sắc phục thuế vụ. Họ dựng xe, rồi hấp tấp đi vào.

      Hạnh vội vàng chạy ra khi nghe tiếng gõ cửa gấp rút. Nàng sửng sốt khi thấy toán công an và thuế vụ đã đứng đầy nhà, mặt mày người nào người nấy lộ vẻ khẩn trương không giấu giếm.  Thấy nàng, người công an hỏi ngay:

      –     Chị là Ðoàn thị Mỹ Hạnh?

      –     V…â…n…ng ạ. Chính tôi…đây. Các ông đến có việc gì không?

      –     Chị là vợ của Tống Viết Lục?

      –     Vâng ạ.

      Người công an rút từ trong “sắc cốt” tờ giấy đưa cho nàng:

      –     Chúng tôi thừa lệnh Ủy Ban Nhân Dân thành phố và tòa án nhân dân đến xét nhà chị.

      Nàng run rẩy cầm tờ giấy. Ðọc xong, nàng tái mặt, vò đầu bứt tai, than:

      –     Trời ơi là trời! Chồng với con, chán ơi là chán. Tui đã nói bao nhiêu lần rồi là đừng đi. Thế mà không nghe lời, cứ đi để xẩy ra cớ sự như thế này.

      Người công an giục:

      –     Ðây không phải là lúc than khóc. Xin chị ký vào đây cho chúng tôi còn thi hành phận sự. Ðây, ký ngay đây. Chỗ này này… Không phải chỗ đó…, phía dưới một chút. Nghe chị đã từng là nhân viên văn phòng chế độ ngụy mà không biết ký chỗ nào sao.

      Hạnh muốn ngộp thở. Người công an hỏi:

      –     Còn ai trong nhà nữa không?

      –     Dạ còn. Mấy đứa con.

      –     Chị gọi hết ra đây.

      –     Dạ.

      Hạnh không cần gọi vì cả ba đứa đã đứng ở cửa tự nãy giờ, đôi mắt đứa nào cũng tỏ vẻ sợ hãi. Người công an chỉ ba đứa:

      –     Chúng ở đây cả phải không?

      –     Vâng.

      –     Chắc chắn là không còn ai trong nhà nữa, phải không?

      –     Vâng.

      –     Nếu còn một ai nữa mà chúng tôi thấy được, chị phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Bây giờ chúng tôi yêu cầu tất cả người trong gia đình ngồi tại chỗ, tuyệt đối không được di chuyển. Ai không tuân, chúng tôi sẽ xử lý ngay.

      Anh ta chỉ vào cái phản nhỏ đặt ở đầu góc sân:

      –    Yêu cầu tất cả đến ngồi đầu kia.

      Cả bốn mẹ con líu ríu đến ngồi. Một người đến đứng cạnh mấy mẹ con, canh chừng. Năm người còn lại bắt đầu lục soát. Họ đi quanh ngoài vườn, lục lọi tất cả các chỗ khả nghi. Họ xem xét cẩn thận các gốc cây, các chỗ đất mềm, lật các hòn đá hay bất cứ vật gì nằm che trên mặt đất hay có dấu mới di chuyển. Một người dùng que nhọn chọc  vào các chậu hoa, vào cái bể cạn ở góc sân. Trong  lúc đó, người công an canh chừng mấy mẹ con, gọi Hạnh đến hỏi nhỏ:

      –     Chị có giấu giếm gì trong nhà thì khai đi. Nói trước có lợi hơn nói sau, khi người ta đã khám phá ra rồi.

      Hạnh đáp:

      –     Thú thật với anh, chúng tôi không có giấu gì trong nhà cả.

      –     Chị đừng nói dối với chính quyền cách mạng. Khi chúng tôi đến đây là chúng tôi đã có bằng chứng rồi. Chị có đi buôn trầm, phải không?

      –     Tôi chạy hàng xô, chứ có buôn bán gì lớn lao đâu. Tôi nhập hàng cho thương nghiệp.

      –     Chị đừng nói dối. Chúng tôi sẽ tịch thu tất cả những gì tàng trữ bất hợp pháp.

      Anh ta hạ giọng:

      –     Nếu chị biết điều, thì còn châm chước, bằng không…

      Hạnh cương quyết:

      –     Không. Nhà tôi không có chứa thứ gì bất hợp pháp cả.

      Xong bên ngoài, người công an trưởng toán ra dấu cho Hạnh theo họ vào nhà trong. Họ xem xét cẩn thận từng viên gạch lót nền nhà, các góc tường. Họ đưa tay vỗ vào tường, lắng nghe âm thanh đặc hay rỗng, để xem có dấu hiệu gì khác lạ không. Họ lật tung giường chiếu, di chuyển đồ đạc, dùng đèn “pin” dọi các góc nhà, gậm giường, mở tất cả các tủ, từ tủ đựng áo quần cho đến tủ đựng chén đọi. Vào phòng Lục, họ cầm cái radiocassette săm soi trước sau. Một người công an lục tung hết sách báo, hỏi:

      –     Tại sao chồng chị có những sách báo loại này?

      –     Anh ấy mua lại đâu ở chợ trời, tôi không rõ.

      –     Chị có biết đây là loại sách ngụy không?

      –     Dạ, tôi không để ý vì tôi chẳng bao giờ đọc cả.

      –     Ðáng lý ra, chúng tôi  giữ tất cả các loại sách báo này.  Nhưng…sao, chị có cần nói gì không?

      –     Dạ, thưa không.

      –     Trong biên bản, chúng tôi ghi là chồng chị có lưu giữ một số sách báo phản động, chị nghĩ sao?

      Biết là tay công an muốn làm khó dễ để vòi vĩnh, Hạnh định trả lời ngay là “tùy các anh”, nhưng nghĩ đến những rắc rối có thể xảy ra sau này, nên kịp dừng lại. Nàng xuống giọng năn nỉ:

– Xin các anh thông cảm. Đúng là chồng tôi đã làm những việc sai trái. Tôi sẽ khuyên răn anh ấy chịu khó tu tỉnh. Còn sách báo này, tôi sẽ đốt hết, xin anh đừng ghi gì vào biên bản.

Nói xong, nàng qua phòng bên cạnh, lấy một ít tiền, kẹp vào tờ báo, rồi đưa cho tay công an.

Sau gần hai giờ lục soát, toán công an thuế vụ lên xe chạy đi, để lại một căn nhà đầy rác rưởi bừa bộn. Hạnh nhìn theo, lắc đầu chán nản.

Sau khi ký vào biên bản tạm giữ hàng tại trạm thuế Công Thương Nghiệp  quận I, tưởng thế là xong, Lục trở về nhà, mới biết rằng trong lúc anh loay hoay năn nỉ ỉ ôi với các nhân viên thuế vụ thì nhà anh bị lục soát một cách thô bạo. Anh đứng lặng người, sửng sốt nhìn vườn, nhà bị đào, bới, đục, nạy lung tung một cách không thương tiếc. Ở phòng anh, nguyên cả kệ sách báo bị xáo trộn hoàn toàn. Sách, báo vứt bừa bãi trên giường, trên nền nhà. Ở mấy phòng khác, nhiều khoảng tường bị tróc sơn, có nơi tróc cả mảng lớn, có nơi bị búa nện sâu vào, tạo thành lỗ hổng. Một số gạch lót nền bị bể. Ngoài vườn, cây cỏ bị giẫm nát. Dụng cụ làm vườn vất bừa bãi. Hai luống cà chua anh vừa mới trồng, trốc gốc hoàn toàn. 

      Bây giờ anh mới thấy hết cái tai hại của việc anh làm. Chỉ cần có một chút tang chứng là công an có thể làm bất cứ việc gì họ muốn. Không những hàng hóa bị tịch thu mà nhà cửa còn bị lục soát và bản thân anh phải khai lại những điều về quá khứ mà anh hoàn toàn muốn quên lãng. Ðúng như lời Hạnh đã cảnh cáo, đi buôn không đơn giản như anh vẫn nghĩ. Nó không chỉ là chuyện bỏ ra một số vốn, mua hàng rồi bán lấy lời, mà là một cuộc đấu tranh, giành giật và đối phó – vừa bằng tiền, vừa bằng trí tuệ, vừa bằng sức lực – với đủ thứ bất trắc. Càng nghĩ, càng ngượng. Anh đã làm phiền vợ con, làm phiền mẹ anh. Hai chỉ vàng mẹ anh cắn răng đưa cho anh mượn thế là tiêu tùng. Bây giờ anh là một con số âm không hơn không kém. Ý chí tranh đua với vợ hoàn toàn sụp đổ.

Hôm sau, Lục được mời về đồn công an phường để làm việc. Tại đây, anh phải làm một bản kiểm điểm, nêu rõ lý do tại sao không chịu lao động mà lại đi buôn, đã thế, lại buôn thứ hàng hiện do nhà nước kiểm soát là thuốc tây ngoại nhập. Anh phải giải thích rõ tại sao khi nhân viên thuế vụ chận hỏi, lại đạp xe bỏ chạy; tại sao bị bắt quả tang rồi lại còn cự nự, có hành vi chống cự và lời lẽ thiếu văn minh văn hóa với nhân viên nhà nước. Trong lúc đó, Hạnh lên xuống trạm thuế nhiều lần để “chạy” hàng ra, nhưng không có kết quả. Vụ việc đổ bể tùm lum, không ai dám nhúng tay vào. Số lượng thuốc tây gần hai chỉ của Lục “tạm thời” bị giữ với lời phê của tay trưởng trạm “sẽ giải quyết sau”. Hạnh thắc mắc:

      –     Xin anh cho biết giải quyết sau là lúc nào?

      Anh ta cười:

      –     Thì cứ để đó đợi cho mọi chuyện đi vào quên lãng.

      Hỏi cho có hỏi thế thôi, chứ nhìn cách làm việc của họ, nàng biết thế là hàng đi đong.

      Sau hơn nửa ngày làm việc ở đồn công an, Lục trở về nhà như một người lính bị thương nặng ở mặt trận trở về hậu cứ. Anh đau đớn không chỉ vì mất tiền, mất của mà còn vì sự bất lực của anh bây giờ hiển lộ ra như đáy một con sông cạn. Anh đợi chờ những cơn giằng xé quyết liệt của vợ. Ấy thế mà không.  Trong bữa ăn,  Hạnh vui vẻ hỏi chồng:

      –     Anh chở hàng đi đường như thế nào để cho bị bắt?

      –    Chở vào cửa An Hòa, theo mấy đường hẻm ra phía chùa Tây Lộc, định chạy về ngả Cầu Kho. Nhưng khi vừa ra khỏi con hẻm thì bị một thằng thuế chạy kèm theo bắt dừng lại. Anh không dừng, tiếp tục đạp. Hắn đuổi theo. Xe hắn chạy nhanh vượt qua anh, ép lại. Anh đưa chân tống vào xe nó. Hắn loạng quạng tông vào lề đường. Còn anh cũng mất thăng bằng, ngã xuống. Anh đứng dậy định dắt xe vòng lại thì một thằng thuế khác từ phía sau chạy đến chận. Hai đứa đòi xét hàng.  Anh cự nự không chịu. Ðôi co một hồi thì công an tới.

      –     Sao anh không bỏ đi mà lại đứng cho công an bắt?

      –     Không lẽ bỏ hàng mà đi à?

      –     Bỏ hàng hay không thì cũng vậy mà thôi. Anh có đứng lại họ cũng mang hàng đi, mà anh có chạy họ cũng mang hàng đi.

      –     Nhưng mình phải ở đó để chứng minh là hàng của mình chứ.

      Hạnh cười ngất, bảo:

      –     Biết hàng là hàng của anh để làm gì? Ðể họ trả lại hàng cho anh à? Còn khuya! Biết hàng của anh thì họ bắt luôn anh, anh thấy chưa?

      –     Nếu mình bỏ chạy là bỏ chạy luôn sao?

      –     Bỏ chạy là cách tốt nhất. Nhất cử lưỡng tiện. Nếu anh bỏ chạy thì bây giờ mình có thể chuộc hàng lui, mà còn tránh khỏi bị lục nhà nữa. Ðể mình bị bắt thì mình phải khai. Khai rồi thì họ biết nhà họ về lục. Bây giờ thì sự việc đổ bể tùm lum,  còn ai dám ăn tiền mình nữa. Không có ai đi buôn mà như anh.  Hàng bị bắt lại còn đứng đó chịu trận. Tiền mất tật mang.

      –     Anh đâu có biết!

      Con Ngân rụt rè hỏi:

      –     Công an có đánh ba, không ba?

      –     Không.

      Lục  không dám nhìn mặt vợ. Cũng không dám nhìn mặt con. Anh cắm cúi gắp thức ăn, lòng thẹn thùng vì đã không lường trước bao nhiêu điều tưởng rất bình thường, rất dễ, nhưng không đơn giản tí nào. Hạnh gắp bỏ cho Lục miếng thịt, hỏi tiếp:

      –     Bọn họ hăm he gì anh?

      –     Không.

      –     Vậy thì họ làm gì?

      –     Tay đồn phó chỉ nói: viết bản kiểm điểm cho tốt rồi về. Nếu chưa tốt thì ở lại viết đến khi nào tốt thì thôi.

      Hạnh cười:

      –     Viết kiểm điểm tốt thế nào mà lâu thế? Từ sáng đến chiều. Anh viết mấy trang?

      –     Ba trang chứ mấy.

      –     Ba trang mà mất cả buổi. Văn chương chữ nghĩa anh để mô?

      Lục ngừng ăn, nhìn vợ (bây giờ anh mới dám nhìn), nói:

      –     Ba trang, nhưng viết đến năm lần. Lần nào cũng bị chê là chưa tốt. Có cái còn bị mắng là chê bai cách mạng.

      Hạnh giật mình:

      –     Trời, anh viết bậy bạ gì để cho họ nói thế. Cái này là nguy hiểm lắm. Tội buôn không sao chứ tội chính trị là phiền vô cùng, không ai gỡ ra được mô.

      –     Anh đâu có viết gì bậy bạ. Anh chỉ nói, gia đình cực khổ, thiếu thốn phải đi buôn để nuôi con. Tay đồn phó nói viết thế là bôi bác nhà nước, có ý cho nhà nước không chăm sóc đời sống nhân dân. Viết đi viết lại mấy lần, anh mới hiểu ra: mình càng viết thật thì càng không tốt. Phải biết nói láo.

      Con Ngân thắc mắc:

      –     Ở trường cô giáo dạy con phải thật thà, khiêm tốn theo năm điều bác Hồ dạy mà. Vậy ba nói láo kiểu nào mà được tốt vậy ba?

      Lục  tếu:

      –     Dễ lắm con ạ, ba nhận là ba lười biếng, nhác nhớm, thích hưởng thụ, sợ lao động, thích ăn bám, tư tưởng ba lạc hậu, ba bị ảnh hưởng của Mỹ Ngụy. Ði buôn là ngu, là bóc lột vân vân. Ba chỉ viết chưa đầy một trang là được tốt ngay.

      Thằng Ðồng xen vào:

      –     Vậy là mạ còn tệ hơn ba nhiều.

      Hạnh cười. Và ba đứa con cười theo. Lục cũng cười, nhưng lòng vô cùng ngượng nghịu.

*

      Phải mất nguyên một ngày, Lục mới sửa sang lại mọi thứ trong nhà và ngoài vườn. 

Xong việc, anh định vào khoe với vợ con thành quả dọn dẹp của mình như một cách chuộc lỗi, thì cảm nhận ngay một không khí khác thường: sự lặng lẽ. Không nghe tiếng nô đùa của mấy đứa con. Chúng không chạy lui chạy tới, tò mò hỏi anh chuyện này chuyện nọ. Hạnh cũng không thấy xuất hiện. Anh nghĩ chắc mẹ con đi đâu đó hay ngủ. Anh đi quanh, thấy hai đứa nhỏ lặng lẽ chơi ở góc bếp. Trở lên phòng mấy đứa con, thấy cửa đóng. Tưởng không có ai, nhưng khi mở cửa ra, anh thấy Hạnh và thằng Phụng. Nàng đang loay hoay với đống áo quần. Anh lên tiếng:

      –     Mẹ con ở đây mà anh tưởng đi đâu hết.

      Hạnh trả lời trong lúc vẫn cắm cúi trên đống áo quần:

      –     Ðâu có đi đâu.

      Anh bước vào, nhìn vợ:

      –     Tụi nó quyền thị thật, lục tung mọi thứ không chừa một chỗ nào.

      Hạnh nhìn anh:

      –     Họ vẫn làm thế từ  lâu, anh không biết sao?

      –     Anh có nghe nói, nhưng không ngờ nó quá đáng như thế.

      Bây giờ anh mới để ý thấy khuôn mặt vợ tai tái. Anh ngồi xuống bên cạnh, đặt tay lên vai nàng:

      –     Trông em có vẻ không được khỏe. Có đau ốm gì không?

      Hạnh hờ hững:

      –     Không. Em chỉ hơi mệt.

      Anh ngập ngừng:

      –     Anh…anh xin lỗi em.

      –     Lỗi gì?

      –     Thì đã làm em phiền. Anh đã không nghe lời em để đến nước này.

      Hạnh im lặng. Anh muốn làm một cử chỉ âu yếm, nhưng thái độ thinh lặng của nàng khiến anh ngần ngại. Anh thở dài, bước ra.

      Những ngày kế tiếp không có gì vui đối với anh. Không khí gia đình trở nên  buồn nản.  Hạnh ít nói. Anh chờ đợi Hạnh sẽ nhắc nhở, cằn nhằn, đay nghiến anh. Thế mà không. Nàng hoàn toàn không nói gì về chuyện cũ. Lúc đầu, anh nghĩ  là nàng xem thường chuyện xảy ra, vì có lẽ nàng quá quen với những việc như thế. Nhưng không phải. Rõ ràng là Hạnh không muốn nhắc. Có thể nàng xem đó là cách đay nghiến trừng phạt hay nhất đối với anh? Trong bữa ăn, anh nhắc xa nhắc gần đến sự việc, nàng nói lãng qua chuyện khác. Hoặc im lặng. Anh ao ước được nghe nàng la hét, nặng lời với anh. Hay ít ra cũng tỏ ra giận dỗi, mặt nặng mày nề với anh, chẳng hạn. Ðể cho anh nhẹ lòng. Thế mà không.  Tuyệt đối không. Nàng dịu dàng nhưng hờ hững. Chu đáo nhưng xa cách.

      Mấy đứa con cũng thế, hờ hững, xa cách. Chúng lẩn tránh anh. Chúng ít la hét ồn ào như mọi khi. Buồn nhất là khi mấy mẹ con tụ lại với nhau đang chuyện trò, thế mà khi anh đến, muốn góp vui, thì không khí thay đổi hẳn. Vợ anh chăm chú làm một việc gì đó. Mấy đứa con thì lần lượt bỏ đi. Anh sống giữa gia đình mà như sống trong một ốc đảo. Càng ngày anh càng cảm thấy mình như thừa ra. Muốn la mắng con, anh cũng đâm ra ngần ngại. Anh bắt đầu có những hoang tưởng. Anh nằm yên trong phòng, thỉnh thoảng nhổm lên nhổm xuống, nghe ngóng đợi chờ vu vơ. Ðợi bước chân vợ vào phòng. Ðợi những đứa con chạy ào vào ôm lấy anh vòi vĩnh, trững giỡn. Ðôi khi, nửa khuya, anh thức dậy, đi lui đi tới trong phòng nhìn mông lung, mong chờ một tín hiệu vui trong gia đình, hầu xoá tan đi cái cảm giác vô tích sự đang mỗi ngày mỗi lớn dần trong anh.

*

Trong lúc đó, Hạnh cũng có một nỗi riêng mang. Nàng âm thầm chăm sóc sức khỏe cho chính mình. Ăn ngủ đều đặn, uống thuốc bổ thường xuyên. Dần dần, nàng thấy mình khỏe hẳn ra. Những dấu hiệu mệt mỏi bất thường trên cơ thể dần dà biến mất. Nàng yên tâm là đã lập cho đứa con bất hạnh của nàng một “nơi ở” và cúng kiến đàng hoàng hàng ngày. Có lẽ nhờ thế mà những cơn ác mộng đã không xảy ra như nàng tưởng tượng. Trái lại, nàng chỉ nằm mơ toàn những giấc mơ an lành bình thường. Nàng hy vọng rằng tấm lòng thành của nàng đã được linh hồn đứa con chia sẻ, thông cảm. Nhưng mỗi lần ra thắp nhang ngoài vườn, nàng không khỏi bối rối khi nhớ lời bà nội mấy đứa nhắc đến cái cái bát nhang mới đặt trên bàn thờ này.

      Một buổi sáng, thức dậy, lòng nàng bỗng xôn xao vô cớ. Trời nắng đẹp quá chừng. Chim hót líu lo sau vườn, trước ngõ.  Ra vườn, thấy Lục đang loay hoay xới đất cho mấy vồng cà chua bị hư hại hôm nọ, nàng nhìn anh mỉm cười. Lục ngừng tay, nhìn vợ, cười lại, nét mặt hân hoan, ửng lên một nét trẻ thơ kỳ lạ. Nàng dịu dàng:

      –     Em đi ra ngoài có chút việc.

      Anh nhìn nàng đáp “ừ” rồi lại cúi xuống, cắm cúi làm. Hạnh ngắm chồng. Lục ở trần, mặc một chiếc quần lính bạc màu cắt ngắn đến đầu gối, đầu đội mũ lưỡi trai. Trời còn sớm, chưa nóng lắm, nhưng người anh mồ hôi nhễ nhại. Vai, lưng ướt đẫm. Trông anh có vẻ ốm và đen. Chắc là do anh chàng làm việc nhiều. Ðộ này anh siêng năng, ít nói và rụt rè. Có vẻ nhẫn nhục, chịu đựng. Trông bộ anh chàng đã thấm đòn! Cảm thấy mình có phần không phải đối với anh, nhiều lần nàng muốn thân mật trở lại với chồng như ngày nào. Nhưng nàng không mấy hào hứng. Có một khoảng trống mơ hồ ngăn cách giữa nàng với anh. Nàng còn giận anh? Không. Nhưng dường như cái thú thích hờn, thích dỗi với chồng không còn nữa. Càng ngày, nàng càng có cảm giác Lục mất dần cái nét tinh anh cuốn hút ngày nào.

      Khi lái xe chạy vòng vòng hỏi tình hình hàng hóa, Hạnh mới hiểu ra nỗi xôn xao của mình: nàng muốn lại được lên đường đi buôn. Những tháng ngày gần chồng gần con, sao mà chật hẹp tù túng lạ lùng! Nàng nhớ khoang tàu, nhớ băng ghế xe, nhớ những quán ăn dọc theo con đường bắc nam xuôi ngược. Những đám hàng rong xao xác bất kể đêm ngày. Mực nướng Lăng Cô. Cua, ốc Ðại Lãnh. Gà luộc Quảng Ngãi. Mực tẩm Nha Trang. Nho Tuy Hoà. Chôm chôm Long Khánh.  Những đĩa cơm thịt sườn hấp dẫn. Những giấc ngủ lắc lư. Những bữa ăn tuy vội vã, nhưng ngon lành và có cái hương vị riêng của nó mà ở nhà, nàng không tìm thấy. Nhớ lúc lên tàu xuống tàu xôn xao sôi nổi. Nhớ da diết những đêm ngồi nhìn màn đêm bí ẩn chạy lướt qua khuôn cửa tàu. Nhớ những câu chuyện râm ran không dứt với bạn hàng, kẻ quen người lạ.  Những bỡn cợt, tán tỉnh. Những câu chuyện tiếu lâm cười muốn bể bụng. Nhớ cả những phút hồi hộp, lo âu, căng thẳng khi sắp đi qua trạm thuế, hay khi công an lục hàng để rồi được hưởng lấy những giây phút hạnh phúc vô bờ khi mọi chuyện bình yên. Nàng nhớ cảnh lại nhớ người. Không biết thầy Túy độ này làm ăn ra sao, có còn tưởng nhớ đến nàng? Phiệt đã đi nước ngoài chưa? Mười Giộc làm ăn thế nào? Càng nhớ nàng càng hăm hở muốn đi, muốn tung trời bay lượn.

      Nhưng tình hình hàng hóa, chợ búa không có dấu hiệu gì khả quan khiến nàng thất vọng. Tại các sạp hàng ở chợ, mấy bà ngáp vắn ngáp dài.  Trầm vẫn đứng. Thuốc tây không mấy có lời. Hàng Hà Nội cũng như hàng Lào đột nhiên khan hiếm. Thuốc hút cũng vậy. Áo quần đứng giá từ sau Tết vẫn chưa có dấu hiệu tốt. Chỉ có mặt hàng tạp hóa là còn buôn bán được, nhưng nàng không thích mặt hàng lỉnh kỉnh, vụn vặt này. Hạnh bâng khuâng giữa chuyện đi và ở. Ở thì buồn mà đi thì chẳng lợi lộc gì.

      Mỗi lần về nhà, đến trước cửa ngõ, vừa nhìn cánh cổng gỗ cũ kỹ khép hờ, nàng đã thấy buồn rười rượi. Vẫn phải vào đây sao? Nàng  nghĩ  đến  những ngày vô vị trước mắt với một Lục lặng lẽ, ngơ ngẩn đi vào đi ra, với ngôi nhà chật, với những lo toan vụn vặt hàng ngày, với đám con luôn luôn vòi vĩnh. Chán ơi là chán! Có bữa, khi về, ngừng một lát trước cổng, nhìn lui nhìn tới bâng khuâng, nàng bỗng quày xe, đi tiếp. Không biết đi đâu và làm gì.

      Nàng loay hoay chạy quanh chạy quất như thế. Cho đến khi, may thay, nàng gặp lại Thương, một cô bạn học cũ.

CHƯƠNG 30

Tàu hú còi. Tiếng còi quen thuộc làm Hạnh đột nhiên phấn khích mừng rỡ y như thời trẻ con nghe mẹ kêu thức dậy vào sáng mồng một tết. Tàu sắp sửa mang nàng ra đi, thoát khỏi những ngày tù túng. Thương ngồi sát cửa, nên nàng phải nhoài người, ép vào phía sau lưng bạn, mới nhìn được ra ngoài.  Nàng muốn nhìn  mọi thứ y như thể đây là lần đầu được đi xa.  Tàu băng qua đường Nam Giao, lầm lũi chạy về An Cựu. Trời còn tối. Hạnh chỉ nhìn thấy những ngôi nhà thấp ở hai bên đường lướt qua mau trong bóng tối nhờ nhờ. Nhà thờ Phủ Cam, cầu Kho Rèn, quốc lộ I. Cũng thế, đâu có gì khác trước.  Nhưng không hiểu sao nàng thấy chúng nó mới mẻ, lạ lùng.  Nàng tò mò nhìn mãi cho đến khi một ngọn gió sớm lạnh từ phía những cánh đồng hai bên quốc lộ tạt vào. Nàng rụt người vào, bảo Thương kéo cửa xuống.

      Hạnh hỏi:

      –     Dép Lào thì không nói gì, nhưng loại áo Nato, ai bày cho bà mà bà biết mà đóng vậy?

      Thương cười:

      –     Cần gì ai bày. Ở chợ, cái gì “ăn”, cái gì không “ăn” tự nhiên mình biết thôi. Loại “fieldjacket” này thỉnh thoảng đám bạn hàng ngoài mình cũng vào bỏ cho tôi.

      –     Cũng lạ. Ngoài này tôi chỉ nghe người ta nói đi Sài Gòn chưa hề nghe ai nói đến chuyện đi Nha Trang. Loại áo  này quá đắt, ai dám mua mà mặc nhỉ?

      –     Thiếu gì người mặc. Cán bộ, bộ đội này, đám con ông cháu cha này, đám chạy hàng trúng mánh này.

      –     Cán bộ, bộ đội mà thích mặc đồ “đế quốc” à?

      Hỏi xong, nàng thấy mình có hơi ngớ ngẩn. Ði buôn đi bán bao nhiêu năm, nàng có lạ gì chuyện hàng hóa, mà lại phải thắc mắc với Thương một điều quá sơ đẳng như thế. Nàng nghĩ là Thương sẽ chế nhạo nàng, nhưng không, Thương vui vẻ giải thích:

      –     Giờ mà còn đế quốc, đế que gì nữa. Ðẹp là mặc.  Thích là mặc. Có tiền là xài. Bà không biết chứ bây giờ, xài đồ tư bản là cái “mốt” của cán bộ đấy. Nhiều tay cán bộ mặc đồ không muốn xé cái nhãn tư bản ở ngoài, để dợt le với đồng nghiệp nữa đấy. Nghĩ cũng buồn cười. Hồi trước, người ta bày bán đầy chợ, không ai thèm mua. Chỉ có mấy ông nhà quê dùng. Bây giờ có một cái cũ mang ra chợ là có người tới gạ gẫm đòi mua ngay. Không sờn, không rách, bán có cả nửa chỉ.  Cũng là một gia tài.

      Hạnh thành thật khen bạn:

      –     Bà giỏi thật. Xoay sở làm sao mà có được một cái sạp ở chợ, lại có mối lái làm ăn.

      –     Cứ khen người khác, còn mình thì sao? Bà chẳng số một hay sao. Này nhé, từ một cô thư ký văn phòng, nhảy ra buôn bán, đi đông đi tây, lại buôn thứ hàng “xịn”. Dân trong kia, chẳng biết trầm là gì, nhưng nghe ai đi buôn trầm là họ khiếp. Nghe nói ở vùng Vạn Giã, người ta cũng đi trầm đấy, nhưng họ khéo giấu lắm. Họ sợ công an.

      –     Vất vả lắm. Buôn thứ đó, có đó mà không đó. Y như vào sòng bạc vậy. Tôi cũng ao ước có được một cái sạp như bà, ngồi một chỗ buôn bán, tối tối về với gia đình.

      –     Bà cứ tưởng thế thôi! Ngồi hoài ngồi hủy một chỗ, ngày này qua ngày khác, chán lắm bà ơi. Nhất là những lúc ế khách, ngồi đuổi ruồi, mình ngồi bên này, nhìn qua con mệ chủ sạp bên kia, mặt mày nhăn nhăn nhó nhó, muốn phát khùng luôn. Tôi thích được tự do đi đây đi đó như bà.

      Hạnh nhìn bạn, xem thử Thương đùa hay thật:

      –     Nữa! Lại đứng núi này trông núi nọ.

      –     Không, mình nói thật đấy.

      Nghe Thương quả quyết, nàng chỉ mỉm cười. Hôm qua cô ta mới hãnh diện khoe với nàng là nàng có một cái sạp ở chợ, buôn bán ổn định, thoải mái, không mong gì hơn nữa. Cô bạn cũ này trông bộ vẫn vô tâm như hồi nào còn đi học. Có lẽ vì thế mà cô ta suớng chăng?

      Trời sáng hẳn. Hạnh đòi Thương nhường chỗ phía ngoài cho nàng ngồi một lúc. Nàng sung sướng ngắm nghía cảnh vật lần lượt hiện ra theo con tàu tiến dần về phía trước. Ruộng, đồng, nhà cửa, cầu, sông nước, phố xá. Lâu lắm rồi, nàng mới tìm thấy cái cảm giác bình an, thơ thới. Bao năm, bao tháng trôi qua trong những lo lắng, băn khoăn, hồi hộp, đợi chờ vật vã. Mỗi một ngày đến là một ngày thách thức. Mà ngày tháng thì cứ như nước chảy xuôi, tràn tới tràn tới mãi.

      Thương hỏi:

      –     Này, gì mà nhìn say sưa thế. Dân buôn tàu mà y như mới đi lần đầu.

      Hạnh giật mình:

      –     Bà nói gì thế?

      Thương hỏi qua một chuyện khác:

      –     Sao, nhớ ông xã à?

      –     Không đâu.  Mới có nửa buổi mà nhớ gì.

      –     Nhớ là nhớ.  Nửa buổi hay một năm thì có khác gì đâu.  Này, mà bà chưa cho tôi biết gì về chồng con của bà nhe.

      –     Cũng bình thường vậy thôi.

      –     Là sao?

      –     Thì anh ấy ở nhà, chăm sóc con cái, ba đứa.

      –     Anh ấy chịu để cho bà đi long nhong thế này sao?

      –     Không cho cũng phải cho. Không đi long nhong thì lấy gì mà sống bây giờ. Cả vạn người chứ đâu phải một mình tôi.

      –     Ông Cảnh mình thì khác. Ông không chịu. Hồi mình buôn tàu, ông theo mình suốt. Nói cho đúng ra, chẳng phải ông nghi ngờ gì mình, nhưng muốn giúp mình một tay. Mà có đàn ông đi theo cũng hay bà ơi. Cáng đáng trăm thứ giúp mình trên đường. Hơn nữa, có chồng một bên, nói thật, mình cũng đỡ hư.

      Hạnh giật mình:

      –     Bà nói sao? Cái gì hư?

      –     Mình nói, nhờ có chồng bên cạnh, mình đỡ hư.

      –     Sao lại hư? Bà làm như tụi mình còn con nít không bằng.

      Hạnh im lặng, tư lự. Thương tiếp:

      –     Vậy mà thật đấy bà ạ. Cái giống đàn bà mình thường nhẹ dạ lắm. Ai nói ngọt thì tin ngay. Có lần, một thằng thuế dụ mình vô rừng, thế mà mình đi theo…

      Hạnh ngắt ngang:

      –     Sao lại dụ được? Mô mà dễ dụ vậy?

      –     Ấy thế mà thật đấy bà. Chuyện thế này: hồi đó, mình còn đi buôn một mình, ông Cảnh chưa theo. Mình đi Sài Gòn mang theo năm giỏ gà, cũng hơn trăm con. Ðến ga …ga gì nhỉ, ga…à phải rồi, ga Sông Lũy, thì bị “sạc”. Mình ở lại đợi đóng thuế để lấy hàng ra. Thấy mình kỳ kèo, mà lại cũng có tiền nhiều, tụi hắn ngâm, không chịu giải quyết ngay. Thằng trưởng trạm dỗ ngon dỗ ngọt mình, rồi rủ mình vô rừng chơi. Mà lạ, không hiểu sao mình lại nghe theo lời nó, mới kỳ. Mình không nhớ nó nói những gì nhưng giọng thì ngọt lắm, ngọt xớt. Thế là mình theo. Ði đi mãi, vừa đi vừa nói chuyện. Mà cái thằng nói chuyện có duyên, bà ạ. Nó nói “thiên thung mang nai” gì gì đó, vậy mà sao mình nghe, mình cũng thích. Ðến một lúc, khi mình bắt đầu sợ thì đã ở giữa rừng. Tâm trạng lúc đó cũng lạ: nửa sợ mà nửa thì xem thường, sao cũng được. Nó ưng làm gì cứ cho nó làm, miễn sao mình lấy hàng lại. Ðâu có mất mát gì, phải không? Khi hắn ôm mình, bà biết không, nói bà đừng cười, mình chỉ phản ứng lấy lệ. Ừ, mà sao lúc đó người mình y như không thuộc về mình nữa. Y như có một người khác ở trong mình. Mình phó mặc. Nhưng cũng may…

      Thương ngừng lại, cúi xuống lấy chiếc khăn mặt bị gió thổi bay xuống dưới gầm. Loay hoay mãi một lúc, Thương mới lôi được chiếc khăn ra khỏi lỗ kẹt giữa chỗ ngồi của hành khách khác. Thương bảo:

      –     Thôi bà vào ngồi phía trong đi. Tôi nóng quá, hứng chút gió cho nó đỡ. Mồ hôi mồ kê ra tùm lum đây này.

      Không đợi Hạnh đứng dậy, Thương đã lấn ra, khiến Hạnh phải cong người lại, nhường chỗ. Thương nhìn quanh, thấy không có ai nhìn, bèn thò tay xuống dưới áo, dùng khăn lau ngực, lau lưng. Hạnh quay mặt đi, vì nghe mùi mồ hôi của bạn khá nồng. Thương lau xong, bỏ khăn vào bịch ni lông, nói:

      –     Vào ga Quảng Ngãi, chắc phải đi tắm một cái. Nóng quá!

      Hạnh cố ý chờ bạn kể tiếp câu chuyện, nhưng dường như Thương quên mất. Nàng nhắc:

      –     Vụ đó rồi ra làm sao?

      –     Vụ gì?

      –     Vụ thằng thuế dẫn bà vào rừng đó.

      –     À, đến đâu rồi…khi hắn ôm mình, phải không? Ðúng, khi hắn ôm mình, đầu óc mình nó lơ mơ, lạ lắm. Mình không nghĩ gì hết, sao cũng được. Nhưng rủi cho hắn, mà cũng may cho mình, bỗng nhiên có ai gọi hắn từ trên loa phóng thanh ở ga, gọi gấp lắm. Hắn luống cuống, buông mình ra, chạy. Mình hoàn hồn, lúc đó mới nhận ra là mình đang đứng bên bờ vực mà không hay.

      Hạnh rùng mình, hỏi:

      –     Gì mà đứng bên bờ vực?

      –     Không vực sao được. Cứ tưởng tượng hắn làm ẩu mình, thì hậu quả sẽ ra sao, ai mà biết được.

      –     Thì mình sẽ chống cự đến cùng. Mình cấu, mình xé, mình la lên rồi mình bỏ chạy…

      Thương thở dài:

      –     Bà chưa ở trường hợp đặc biệt của mình, bà chưa biết.   Nếu mà cấu được, xé được, la được, bỏ chạy được thì nói làm gì. Con người mình lúc đó nó lạ lắm, nó kỳ lắm…nó y…như không phải của mình.

      Hạnh lại rùng mình.

*

      Thương có một ngồi nhà nằm ngay trên đường quốc lộ, cách thị xã chừng vài cây số. Nhà khá khang trang. Vườn rộng, trồng nhiều loại cây khác nhau, nhiều nhất là xoài và thanh long. Thương lấy chồng sớm, nên tuy bằng tuổi Hạnh, con cái Thương đã lớn. Hai đứa đầu đi học xa. Nhà chỉ còn hai đứa nhỏ. Thương dành cho Hạnh một phòng ngủ riêng biệt, nên nàng cảm thấy không phiền hà gì. Cảnh, chồng Thương, hiếu khách. Anh tế nhị dành cho vợ nhiều thì giờ được ở gần bạn. Chỉ trừ những trường hợp cần thiết, còn thường thì anh để cho vợ và bạn vợ  được thoải mái trò chuyện. Anh sẵn sàng bỏ những việc riêng, đến trông hàng cho vợ, để hai người đi chơi với nhau. Kể cả những lúc đi ăn tiệm. Hai người bạn học cũ trò chuyện đủ mọi thứ trên đời, từ những kỷ niệm vu vơ thời còn đi học cho đến chuyện buôn bán, yêu đương rồi chuyện gia đạo, chuyện đàn bà. Dù hai người chẳng phải là bạn thân hồi còn đi học, nhưng nhiều năm tháng trôi qua, bất cứ thứ gì cũng trở thành quý giá. Chúng quý chỉ vì chúng không còn nữa.  Hạnh không quên kể lại cho Thương nghe về ông thầy cũ, Túy.  Thương lơ đãng lắng nghe, không mấy mặn mà với ông thầy này, chỉ vì hồi đó cô đã có bồ. Thương là một trong những cô bạn hiếm hoi của Hạnh có bồ rất sớm, hình như chỉ khi mới có mười lăm mười sáu tuổi.

      Kể từ sau ngày giải phóng, có lẽ chưa có lúc nào Hạnh cảm thấy thoải mái hoàn toàn như thời gian ở Nha Trang lần này. Nàng thấy mình trẻ hẳn lại. Những lo âu vớ vẩn tự nhiên biến đi đâu mất. Thương chở nàng đi nhiều nơi: Cam Ranh, Hòn Bóng, Tháp Bà, đi thăm những vườn xoài lớn ở những vùng sâu, cách quốc lộ khá xa ở Hòa Tân. Thú nhất là sáng và chiều nào, nàng cũng được ra bãi biển. Chưa bao giờ nàng được tận hưởng mùi vị của biển như bây giờ. Ở Huế, cả một thời tuổi nhỏ, họa hoằn lắm nàng mới có dịp về biển. Nhưng khi đi lại đi theo trường, nên chẳng mấy tự do. Sau giải phóng, cuộc sống tất bật, nàng chẳng còn nhớ gì về biển nữa. Ði chơi biển có vẻ sang quá, nhàn nhã quá, không thích hợp với hoàn cảnh chạy chợ. Bây giờ ở đây, biển nằm ngay thành phố. Ðưa tay ra là đụng biển. Bước xuống là gặp biển. Mùi biển phảng phất trong không khí, trong gió. Mấy buổi sáng liên tiếp, nàng đòi Thương chở nàng ra biển thật sớm. Lợi dụng lúc vắng người, Hạnh nằm lăn ra trên cát, tận hưởng những cảm giác mới mẻ. Nàng tưởng như mình còn là một cô gái mới lớn, chưa có hệ lụy với đời, hồn nhiên vui sống y như cuộc đời mãi mãi cứ thế không thay đổi. Không thuế má, không công an, không hàng hóa, không vàng cao vàng hạ, không vay mượn. Không chồng, không con, không ai, không gì níu kéo nàng. Nàng tự do thoả thích.

      Hôm đó, Thương hẹn chở nàng đi ăn một món gì đặc biệt gì đó ở Thành, một thị trấn nằm trên đường quốc lộ. Rủi thay, đúng lúc đó, bốn bạn hàng từ cao nguyên về đóng hàng đi cùng một lượt. Thương tất bật chạy hàng, đóng hàng, không thể rời sạp được. Thấy Hạnh lần chần chờ đợi, chỗ lại chật, bạn hàng thì vây quanh chẳng biết khi nào xong, Thương nhìn chồng:

      –     Hay là chiều nay, anh thế em, đưa Hạnh đi Thành chơi.  Em chở đi nhiều nơi rồi, nhưng chưa lên Thành. Ở đó có cái quán bún khá ngon, anh biết rồi. Ngó cái điệu này, em không thể rảnh được cho đến tối. Xem, cái chị ấy đợi từ trưa đến giờ…cho chị tiền đi. Em có bà bạn từ Huế vào…À, không loại quần này từ Thái đến, còn cái này không phải, hàng Sài Gòn…Coi kìa, em đừng xếp như thế, loại vải Thái này dễ nhăn lắm, đây, đưa tôi xếp cho. Sao, anh ráng đi. Hạnh, bà chịu khó, bà xem mình bận quá, lâu lâu có một lần bạn hàng đến một lượt. Ờ được rồi chị, em đã gói xong rồi, chị nói người ta đưa ra ga đi. Ði nhé anh.

      Cảnh lúng túng:

      –     Em nói gì kỳ vậy.

      –     Thì có gì đâu mà kỳ. Bạn em cũng như bạn anh thôi.  Mười bốn mười lăm, mười sáu…Sao, chị muốn lấy thêm bao nhiêu quần jean nữa…Thái hả?  Không, cái này để dành cho chị Ðào rồi. Ðược, đừng lo…có đủ mà. Ði, đi anh, chở Hạnh đi chút. Xin lỗi bà nghe, khi thì ngồi rục cùi thúi cuống, khi thì không kịp thở. Sao? Ở đây hả?  Ở đây làm gì, bà ơi. Tùm lum nè. Kiếm cái gì ăn đi. Ối trời ơi, ngại gì mà ngại…

      Cảnh và Hạnh nhìn nhau, ngập ngừng.  Hai người đứng nép sát vào lối đi hẹp giữa hai sạp, quan sát Thương làm việc.  Thương giục:

      –     Cái anh này, lạ thật, đi cho em nhờ. Khoan, khoan, chị Ngộ, để em bỏ vào thùng cái đã. Gì? Áo NATO hả? Hết sạch rồi. Tuần trước hai chị em mang vô được 20 cái, đóng liền cái rụp. Lần sau đi. Ðó, bà thấy chưa Hạnh, người ta hỏi NATO như chi. Ði, đi, bà ơi. Làm ơn…Có gì tối về nói chuyện.

      Cảnh nói:

      –     Thôi, hay là anh chở chị ấy về nhà đợi em.

      –     Cái anh này!…Mười tám, mười chín…Thấy chưa, lộn rồi.  Em đã nói mà!

      Nghe lời Thương, Cảnh và Hạnh lừng khừng một hồi lâu khi ra khỏi chợ, không quyết. Nhưng rốt cuộc, họ lặng lẽ đồng ý. Người thì chiều vợ. Kẻ thì không muốn làm buồn lòng bạn. Cảnh bối rối khi chở một phụ nữ không phải vợ mình trên xe. Còn Hạnh thì thực sự lúng túng khi ngồi trên chiếc yên liền có bọc một lớp da phụ màu nâu của chiếc Honda đàn ông. Hạnh ngồi dịch lui sau một khoảng để tránh khỏi phải tiếp xúc với Cảnh, tay bấu chặt lấy thanh sắt mé dưới yên xe. May mà cái gạt chân phía bên trái khá to bản nên nàng có thể tạm bỏ hai gót chân lên trên.

      Khi xe chạy ra đường quốc lộ, hai người dần dần cảm thấy tự nhiên hơn. Ðoạn đường ở đây rộng rãi, tốt, phẳng phiu, ít ổ gà nên xe chạy êm đềm khiến Hạnh giữ được khoảng cách cần thiết. Tuy thế, lúc Cảnh tránh xe hay thắng gấp vì có xe băng ngang, hai thân hình lại có dịp đụng chạm nhau. Hạnh bấu chặt vào yên. Có lúc va chạm mạnh quá, Hạnh phải đưa tay níu vào áo Cảnh. Cảnh vật hai bên đường thật đẹp. Không gian thoáng đãng. Những cánh đồng lúa ửng chín dưới ánh mặt trời chiều. Những vườn xoài sai quả hai bên đường. Thỉnh thoảng nàng lại thấy một khu vườn đầy trái thanh long, màu đỏ hòa lẫn màu xanh  với những chiếc lá dài hình dạng kỳ lạ rủ xuống, gây cho ta những cảm giác phấn chấn. Hạnh cảm thấy hào hứng. Và trong một thoáng, nàng vô tình để một cánh tay lên vai Cảnh, có cảm giác rạo rực mới mẻ như đây là lần đầu tiên trong đời được người yêu chở đi chơi trong một chuyến du ngoạn xa, ra khỏi khung cảnh ồn ào, chật hẹp của thành phố. Cảnh chăm chú lái xe, không nói gì. Ðến Thành, anh cho xe chạy chậm lại, hỏi:

      –     Tôi đưa chị đi ăn cháo cá nhé?

      Nghe hỏi, Hạnh thấy buồn cười. Nàng nói:

      –     Cái bà Thương này cũng lạ. Bỗng không bắt anh phải chở đi tận đây. Thiếu gì chỗ đi.

      Cảnh cũng cảm thấy buồn cười. Anh nói:

      –     Ừ, bà xã tôi cũng lạ. Bắt tôi phải chở chị lên tận đây ăn cháo. Cô ta làm như ở Nha Trang không còn gì để ăn nữa.

      Hạnh không thể hình dung mình ngồi ăn với một người đàn ông xa lạ trong một cái quán. Sao vô duyên như vậy? Hạnh  không hiểu sao đến bây giờ nàng mới nghĩ ra điều ấy. Cảnh suy nghĩ một lát rồi hỏi:

      –     Chị đã đói bụng chưa?

      –     Chưa anh ạ.

      –     Vậy, tôi đề nghị đi kiếm cái gì uống rồi về. 

      Hạnh gật đầu. Cảnh lái xe chạy vòng vèo rồi ghé vào một quán nước ở góc đường.  Quán nước sát đường, nhưng chỗ ngồi lại ở trong khu vườn, sát hàng rào, nằm dưới bóng những cây dừa và xoài. Hai người cùng ngồi xuống, cùng nhìn nhau và không hiểu sao, cả hai cùng bật cười. Nụ cười bất chợt khiến họ mất hết những ngượng ngập, lúng túng. Cảnh buột miệng:

      –     Chị còn trẻ ghê!

      –     Anh cũng thế, trẻ ghê!

      Cả hai lại cùng cười thoải mái. Họ nhìn thẳng mặt nhau và bắt đầu nhận ra rằng từ cả tuần nay, tuy ở cùng một nhà, tuy đã từng đi chung với nhau, chào hỏi nhau, đứng gần nhau, nhưng thực sự chưa ai thấy rõ ai. Hạnh nói:

      –     Anh có người vợ thật tuyệt! Hồi tụi này còn nhỏ, Thương là lanh nhất. Vui vẻ, năng nổ nhất.

      –     Vâng, không có cô ấy, chắc tôi cũng không biết phải xoay sở làm sao để nuôi con giữa thời buổi này.

      Hạnh đưa ngón tay chỉ vào mặt Cảnh đồng thời  ném vào anh một cái nhìn giễu cợt:

      –     Anh xạo! Thương khoe anh giỏi quá trời. Anh đã từng đi buôn chuyến với Thương…

      –     Ờ, thì có đi, mà đi như người hộ vệ, chứ tôi mà biết buôn bán gì. Cô ta sai đâu, đánh đó. Sao, gì mà chị cứ nhìn tôi cười hoài vậy?

      –     Không, không gì hết. Anh cứ nói tiếp đi. 

      –     Nói cho đúng là cô ta hành tôi: bưng cái này cho em, vác cái nọ cho em, bỏ đồ kia vô giỏ cho em  vân vân và vân vân. Cô ta xoay tôi như chong chóng.

      –     Anh người Nha Trang?

      –     Không. Tôi người Bình Ðịnh, nhưng lớn lên ở Nha Trang.

      –     Hèn gì! Tôi nghe giọng anh ngồ ngộ mà không đoán được anh người ở đâu.

      –     Cái gì mà chị kêu là ngồ ngộ. Tôi nói dở lắm hay sao?

      –     Ngồ ngộ là ngồ ngộ. Ngồ ngộ là hay, sao lại gọi là dở.  Ở xứ tôi, ngồ ngộ tức là ngộ lắm. Là hay đó.

      –     Giọng Huế của chị cũng ngộ lắm.

      –     Thì cũng như cô Thương của anh thôi chứ gì.

      –     Không, giọng Thương lai rồi. Giọng chị Huế thiệt.  Giọng Huế thiệt nghe nó…nó ngọt, nó..mùi hơn.

      –     Rồi! Chê vợ rồi đấy nhé. Tôi mách lại với Thương giờ.

      –     Nếu chị thích chị cứ nói lại. Có sao tôi nói vậy thôi.

      Có tiếng người phụ nữ bán quán:

      –     Thưa, anh chị dùng gì ạ?

      Hạnh giật mình nhìn lui:

      –     Trời, xin lỗi chị. Quên mất. Uống gì anh hè?

      –     Gì cũng được. Nhường cho chị chọn. Chị thích gì, tôi thích nấy.

      –     Vậy thì nước dừa đi. Hai ly nước dừa. Anh có hút thuốc không, kêu luôn. Có há?  Ba số hay con mèo? Thôi cho ít điếu con mèo.

      –     Chị cũng hút thuốc?

      –     Mô có.

      Cảnh nheo mắt nhìn Hạnh:

      –     Chị nói chữ “mô” hay quá!

      Hạnh huơ tay phác một cử chỉ như muốn vỗ nhẹ vào Cảnh:

      –     Rồi, lại cho tôi nói giọng Huế quê phải không?

      –     Mô có!

      Nghe Cảnh nhái giọng nàng, Hạnh lại huơ tay lên không, cười ngặt nghẽo. Nàng nói:

      –     Thôi thì quê cũng được. Quê vậy mà có người mê lấy vợ Huế đấy!

      –     Ấy, chị nói quê chứ tôi không có nói quê à nghe.

      –     Nghe cái giọng anh là tôi biết rồi cần chi anh phải nói ra, phải không? Thôi bỏ qua đi. Này, Nha Trang đẹp thật đó nghe. Tôi mới vào lần đầu mà đã mê ngay. Nha Trang có đủ: biển trời cây cỏ và… người.

      –     Mô mà không biển trời cây cỏ và người. Nha Trang mà so với Huế của chị chi được.

      –     Không đâu anh ơi. Ở xa nghe người ta ca tụng Huế đẹp Huế thơ, chứ ở đó hoài chán chết. Ði lui đi tới cũng chừng đó.  Ngày mô cũng gặp chừng đó người. Nói thật với anh, nếu mà có dịp, có điều kiện, tôi muốn đi xa, không ở Huế nữa.

      –     Chị chẳng đi xa đó rồi còn gì nữa.

      –     Em nói xa là xa luôn kìa, nghĩa là đi ở chỗ khác. 

      –     Thì ai cấm Hạnh đi. Quyền Hạnh mà. Mà nếu đi chỗ khác thì Hạnh muốn ở đâu?

      –     Nha Trang chẳng hạn.

      –     Ðứng núi này trông núi nọ rồi. Tôi thì tôi thấy Nha Trang cũng chán lắm. Ngày nào cũng như ngày nào, không có gì đặc biệt. Ðược đi đây đi đó như Hạnh thật sướng.

      –     Anh muốn đi thì đi, ai cấm.

      –     Hồi trước kìa. Giờ thì bị cột chân ở đây rồi.

      –     Thì lâu lâu mình đi một lần.

      –     Không đơn giản đâu.

      –     Thương không cho anh đi à?

      –     Ừ. Cô ấy ngó vậy mà khó lắm.

      Hạnh cười:

      –     Khó là phải. Dễ cho mấy ông sinh chuyện à. Tướng ai chứ tướng anh mà thả ra thì phải biết!

      –     Hạnh nói “phải biết” là “phải biết” làm sao?

      –     Thì “phải biết” là “hết ý”.

      Cảnh cười lớn, thoải mái. Nụ cười làm cả thân người anh rung lên. Hạnh nhìn thấy khoảng ngực của Cảnh chuyển động phập phồng qua lằn chiếc áo lót nổi lên dưới áo sơ mi trắng. Trông anh ta thật mạnh khỏe, tươi tắn. Một ý nghĩ vu vơ thoáng hiện, khiến nàng bối rối quay mặt đi. Ðúng lúc đó, người bán hàng bưng nước dừa tới. Hạnh chăm chú khuấy đường. Tiếng muỗng va lanh canh vào thành ly, trong và vui. Cảnh vừa khuấy đường vừa hỏi:

      –     Hạnh định khi nào đi lại?

      Hạnh làm ra vẻ ngạc nhiên:

      –     Ði đâu anh?

      –     Thì rời khỏi đây.

      Hạnh chống tay lên cằm, nghênh nghênh nhìn Cảnh:

      –     Vậy lúc nào anh đuổi em đi nào?

      –     Ai mà dám đuổi Hạnh. Sợ Hạnh bay vù đi liền. Ai mà giữ Hạnh cho nỗi.

      Hạnh bỏ tay xuống, tiếp tục khuấy:

      –     Thì rồi cũng phải đi thôi.

      –     Hạnh định vào Sài Gòn hay ra lại Huế?

      –     Sài Gòn chứ anh. Ðang đi buôn mà.

      –     Hạnh sướng thật! Như chim.

      Hạnh nhìn ra xa. Qua một khoảng hở giữa hòn núi và một chòm cây, nàng nhìn thấy biển. Nàng nói:

      –     Có lẽ thế. Em cũng muốn thành chim luôn cho khỏe.

*

      Hạnh trải qua nhiều giấc mơ khác nhau trong đêm. Ðến gần sáng, nàng muốn thức dậy, nhưng giấc mơ kéo nàng nằm xuống lại. Mơ tiếp. Nhiều lần như thế. Khi tỉnh ngủ hẳn thì trời đã sáng trưng bên ngoài. Nắng tràn vào phòng cùng với mùi biển và mùi cây lá. Nàng vùng dậy, đến cửa sổ, kéo tấm màn chắn lên, nhìn ra ngoài. Nắng mênh mông. Nàng thấy Cảnh. Cảnh mặc chiếc quần jean cũ, ở trần, đang tưới cây. Anh đi tới, đi lui, khom người xuống rồi đứng dậy, vươn vai, mạnh khỏe, vững chải. Khi anh đi về phía giếng nước, nàng thấy khuôn mặt anh ửng đó, tóc lòa xòa phủ tận mắt. Ngực và bụng anh ướt nước. Nàng bỗng sực nhớ tới Lục. Nhớ Lục bửa củi, múc nước, cuốc đất. Thân hình Lục gầy hơn Cảnh. Nàng chợt có cảm giác Thương hạnh phúc hơn mình.

      Hạnh đi rửa mặt đánh răng, thay áo quần. Khi ra phòng khách đã thấy Cảnh ở đó. Nàng ngạc nhiên:

      –     Anh sao nhanh vậy?

      –     Gì đâu mà nhanh chị.

      –     Vừa thấy anh tưới cây ngoài vườn.

      –     Thế à? Ra Hạnh… à chị thức dậy lâu rồi sao?

      –     Vâng.

      –     Tôi cố ý đợi… Hạnh đấy.

      –     Thương đâu mà đợi em… à đợi tôi.

      –     Thương lại bận nữa. Có bạn hàng tới lúc nửa đêm.  Sáng ra đã đi rồi. Cô ấy nói tôi đưa Hạnh đi ăn sáng.

      –     Nữa!

      –     Mà sao? Hay Hạnh không thích đi?

      Hạnh nguýt:

      –     Sao không?!

      Cảnh nói:

      –     Tưởng Hạnh không thèm…

      –     Ai mà thèm.

      Ngồi lên xe rồi, Hạnh nói:

      –     Em chẳng muốn ăn sáng đâu. Nhịn quen rồi. Cho em ra bãi biển chơi đi. Em thích biển. Ngoài em, biển xa quá, ít có dịp đi.

      –     Hạnh thích gì thì tôi chìu nấy. Nhưng đói bụng, trúng gió, tôi không chịu trách nhiệm đâu nhe.

      Hạnh bĩu môi, “xì” một tiếng, nói:

      –     Ai thèm bắt anh chịu trách nhiệm. Có người chịu rồi.

      –     Ai mà sướng vậy?

      –     Anh khỏi cần biết.

      Cảnh ghé tiệm mì, mua hai ổ mì thịt rồi phóng xe ra bãi  biển. Trời đã khá trưa nên biển vắng dần. Cư dân địa phương đi tắm sáng đang lục tục rời biển. Dựng xe ở gốc cây dừa, Cảnh thuê hai chiếc ghế xếp. Anh đưa mì cho Hạnh và chỉ chiếc ghế:

      –     Hạnh ngồi đây ăn và ngắm biển.

      Hạnh lắc đầu:

      –     Em nói rồi, em chưa muốn ăn. Em thích đi dạo biển. 

      –     Tùy. Tôi đợi.

      Hạnh đi ngay xuống bờ nước. Nàng bước trong vùng cát thấm nước. Sóng đều đặn tràn lên rồi rút xuống. Cảm giác mịn màng, mát lạnh dưới chân gây cho nàng một khoái cảm đặc biệt. Nàng theo bờ nước đi, đi mãi về phía xa. Bờ biển cong cong vươn ra, thu vào duyên dáng. Nuớc rung rinh, bập bềnh, sống động. Cát trắng. Trời xanh dịu ngọt. Gió biển dào dạt thổi vào. Biển vắng người phơi ra một bãi cát dài hân hoan dưới nắng. Biển ở đây trông gần gũi hơn biển Thuận An của nàng. Thuận An có cái nét hoang dã, khiến những người ít đi biển như nàng sợ hãi vu vơ.

      Nàng mải miết bước. Thỉnh thoảng, nàng phải nhảy cỡn lên để tránh một đợt sóng lớn bất thần tràn vào. Ống quần đẫm nước mang lại cảm giác mát lạnh rờn rợn, kích thích. Nàng say sưa tận hưởng mùi biển y như thể nàng sẽ không còn cơ hội nào nữa. Ðến khi quay nhìn lui, nàng giật mình thấy mình đi xa quá rồi, xa đến nỗi không nhìn thấy chỗ Cảnh ngồi. Nàng vội vàng quay lại.

      Về chỗ cũ, không thấy gì hết. Cảnh không, xe không, hai chiếc ghế xếp không, cả đôi dép Lào cũng không. Cảnh mang đi đâu? Bãi biển vắng tanh. Con đường Trần Phú xe cộ ngược xuôi. Nàng ngẩn ngơ, nhìn quanh quất. Cái anh chàng này nghịch ngợm hết ý, trốn đi đâu mất để người ta một mình thế này! Vậy thì ra bờ nước đi tiếp cho anh hàng biết mặt, nàng nghĩ. Nhưng khi thấy phía bên kia đường, nhiều khách du lịch đi dạo, nàng đổi ý, băng ngang qua. Ðến góc đường Lý Tự Trọng, nàng dừng lại, đợi xe. Ðột nhiên, nàng nghe tiếng bước chân hấp tấp ở phía sau. Chưa kịp quay lại thì hai bàn tay ai đó giữ lấy hai vai nàng ấn xuống.  Một giọng cười vui vẻ vỡ ra:

      –     Hạnh đi mô đó?

      Nhận ra giọng Cảnh, nàng ngoái đầu lui:

      –     Làm người ta hết hồn!

      Nàng đưa tay, định đẩy Cảnh ra, nhưng rồi để mặc, buông tay xuống, cười.

T.D.N.

Comments are closed.