Dặm trường (kỳ 11)

Trần Doãn Nho

CHƯƠNG 31

Thương lấy mấy tờ giấy từ tay Cảnh, giao lại cho Hạnh:

      –     Ðây là mấy cái phiếu giữ hành lý. Bà xem lại đi. Tất cả là ba giỏ gà và mười hai kiện xoài. Cước thuế đầy đủ. Nhớ xuống ga Bình Triệu xuất giấy tờ mà nhận. Coi chừng mất giấy là phiền đa!

      Hạnh nhìn về toa cuối đoàn tàu, băn khoăn:

      –     Nhận ở tại toa đó luôn hay sao?

      –     Không. Nhận ở phòng hành lý ga. Người ta sẽ chuyển hết  vào đó.

      Hạnh yên tâm bước lên tàu. Chợt nghe giọng Thương nói lớn ở phía sau:

      –     Coi kìa, sao anh cứ đứng nhìn vậy. Xách đồ lên giùm cho Hạnh đi.

      Nàng định quay lui để nói “Thôi, mình tự lo được rồi”, thì bỗng thấy hai cái xách bị dằn ra khỏi tay, đồng thời với giọng của Cảnh vang lên sát bên tai:

      –     Chị  để tôi xách lên cho. Nặng chứ có phải chơi đâu! 

      Vừa nói Cảnh vừa nhanh nhẹn lướt qua khỏi Hạnh, xách hai cái xách bước vào trong, đứng chờ. Hạnh theo sau. Anh nói:

      –     Ðáng tiếc là chiều nay, Thương lại rảnh.

      Hạnh hờ hững:

      –     Cũng tốt thôi!

      Ðợi, nhưng thấy nàng chẳng nói gì thêm, anh mang đồ đạc  đi cất, xong trở lại bên cạnh nàng, hạ giọng:

      –     Biết khi nào gặp lại Hạnh nhỉ !

      Giọng Cảnh nghe có chút bùi ngùi.  Nàng ngước nhìn:

      –     Anh muốn gặp lại em à?

      –     Sao lại không?

      –     Thôi. Ðừng gặp nữa.

      Cảnh tần ngần chẳng muốn đi, cố đứng sát thêm vào người nàng.  Nàng tránh ra:

      –     Thương đang đợi anh ở ngoài.

      Cảnh ngập ngừng:

      –     Hay là…hay là…Hạnh cho địa chỉ ở Sài Gòn để… để anh vào chơi.

      Hạnh nói:

      –     Em không có địa chỉ nhất định nào cả. Em đi đi, ở ở lung tung. Mà em mô có ở lâu trong đó, chỉ vào một hai bữa rồi lại đi.

      –     Thì kệ, cứ cho anh đi, biết đâu.

      –     Thôi, chẳng ích gì!

      Tàu hú còi. Cảnh chép miệng:

      –     Tiếc nhỉ!

      Chuyến tàu chợ số 183 Nha Trang – Sài Gòn chuyển bánh.  Hạnh hấp tấp hỏi:

      –     Chết cha! Ðồ của em anh cất  ở đâu?  Ham nói chuyện em quên mất. À, đàng góc đó há, em thấy rồi. Cám ơn anh. Thôi, anh về đi, cho em gửi lời thăm Thương. Mong có ngày gặp lại.

      Cảnh không nói gì, nhìn sững Hạnh, rồi buồn bã quay đi.

      Tàu chạy vòng quanh khuôn viên ga khá lâu trước khi  ra ngoài. Nàng thò đầu khỏi khuôn cửa, cố tìm xem hai vợ chồng Thương để chào từ biệt. Mãi khi tàu vừa vượt qua con đường nằm sát ga, Hạnh mới nhận ra hai vợ chồng Thương ngồi trên chiếc Honda trong đoàn người và xe cộ đang dồn đống lại hai bên đường tàu. Nàng nhoài người ra hẳn bên ngoài, vẫy tay. Cảnh nhận ra nàng ngay. Anh giang cả hai tay, chồm người tới phía trước, vẫy chào nồng nhiệt. Sau đó, Thương cũng đưa tay vẫy. Nàng nhìn mãi, cho đến khi tất cả khuất hẳn sau khu nhà cửa và các lùm cây. Chào Nha Trang. Chào Thương. Chào Cảnh. Nàng khe khẽ thở dài, tự hỏi không biết nếu còn ở lại Nha Trang thì tình trạng giữa nàng, Cảnh và Thương rồi sẽ như thế nào.

      Trái với ý nghĩ của Hạnh lúc đầu, tàu chợ Nha Trang-Sài Gòn không đến nỗi tệ. Mới thoạt nhìn, mọi thứ chẳng khác gì tàu Thống Nhất. Ghế ngồi, kệ để hàng hóa nói chung là tốt. Chỉ có sàn tàu không được sạch sẽ cho lắm. Nhiều vết bẩn.  Ghế nhiều chỗ tróc sơn. Mới bước vào, nàng nghe thoang thoảng một mùi hôi khó chịu, nhưng khi tàu chạy rồi, gió lồng vào thổi bay đi mất. Tàu vắng khách. Ghế trống tùm lum. Một mình nàng ngồi một dãy ghế. Hàng hóa chẳng có gì. Dưới gầm trên giá lưa thưa. Thương cho biết, tàu sẽ đông “dễ sợ” khi dừng lại tại nhiều ga xép dọc đường. “Dễ sợ” đến đâu nàng không hình dung được, nhưng trông thế này thì cũng không đến nỗi nào. Nàng cảm thấy yên tâm.

      Tàu chạy ào ào được một lúc thì giảm tốc độ, chạy chậm, rồi ngừng. Khách lục tục lên. Một thời gian ngắn sau, tàu chạy.  Lần này nó chạy chậm rãi, nhàn tản. Ðến một ga khác, lại dừng. Cứ thế, tàu chạy chạy, dừng dừng. Mỗi một lần tàu dừng, người và hàng tuôn lên. Và nàng lại đứng lên ngồi xuống, ngong ngóng. Ði tàu Thống Nhất quen, lần này đi tàu chợ, thật sốt ruột

      Qua khỏi ga Mường Mán, trời bắt đầu tối. Toa tàu chỉ có một ngọn đèn mờ nằm tận cuối toa, ánh sáng nhờ nhờ. Lối đi gần như bị lấp bởi hàng hóa, nhưng người ta dẫm chân lên đi lui đi tới không ngớt. Hành khách chuyển hàng. Ðám hàng rong giành khách. Kiểm soát viên hỏi vé. Công an hỏi giấy cước, thuế. Nhiều người khác, không biết thuộc loại nhân viên gì, rờ rẫm lục lọi từng xách hàng, hạch hỏi lung tung. Tiếng la, tiếng gầm gừ, tiếng cãi vả, chưởi bới, càm ràm không ngớt vang lên.  Người thì than bị đạp lên thân mình, kẻ thì rên hàng mình bị dẫm hư, người thì năn nỉ ỉ ôi chuyện thu vé, thu cước. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng gà đập cánh, kêu quang quác hoặc tiếng heo kêu lục cục trong mấy cái lồng sắt để dưới gầm. Toa tàu bây giờ trông chẳng khác gì một cái củi di động. Người, vật và đồ vật như một đống hổ lốn chen chúc, chồng chất lên nhau. Thật đúng là tàu chợ! Bây giờ nàng mới hiểu được hết cái “dễ sợ” mà Thương nói. Tất cả đều hỗn độn. Người và vật như nhau, thậm chí người  cứ thu lại, bé lại để nhường chỗ cho vật. Nàng đói bụng, thèm thuồng nhìn những soong cá, soong thịt kho của mấy người bán cơm mời mọc, nhưng chỗ chèn chật chội, đành nhịn thèm, chỉ mua một khúc bánh mì gặm tạm. 

       Lại sắp vào một ga nữa. Từ đàng xa, trong bóng đêm, nàng thấy nhiều bó đuốc cháy rực. Người nối người đứng lố nhố bên đường tàu. Gì vậy? Nàng thò đầu ra nhìn cho biết.  Bỗng có tiếng ai đó nói lớn như ra lệnh:

      –     Ðóng cửa lại!

      Nhiều người ngồi gần cửa nghe lời, nhanh chóng kéo cửa toa xuống. Nàng bắt chước làm theo. Bên ngoài, có nhiều tiếng la giận giữ vọng vào, hòa cùng tiếng đập cửa rầm rầm:

      –     Mở cửa ra, mở cửa ra mau!

      Mọi người làm lơ. Tiếng đập, tiếng đạp mỗi lúc một lớn.  Tiếng la càng lúc càng giận giữ hơn, và chuyển qua những tiếng chưởi thề thô bạo. Các cửa vẫn đóng. Hạnh hồi hộp ép mình sát vào ghế, không dám nhìn đi đâu hết. Ðột nhiên, từ hai đầu toa, có tiếng nhốn nháo. Mấy bóng người từ đâu bên ngoài tuôn vào, giọng gầm gừ:

      –     Ðù mẹ, mấy người điếc cả phải không. Ðù mẹ, xích ra.  Thằng nào, con nào thích vào nhà thương thì cứ nói. Ðù mẹ, xích ra…

      Họ dẫm chân đại lên hàng và người, nhảy đến mấy cửa sổ, giật chốt, kéo lên. Cửa vừa mở là từ bên ngoài, những bóng người khác đợi sẵn đâu đó, lập tức lao lên toa. Tiếp theo là những bao, những xách ào ạt tuôn vào. Một thanh niên nhảy qua chỗ Hạnh, đẩy nàng dạt sang một bên, kéo cửa lên rồi xoay người lại, vung tay, muốn đánh xuống. Hạnh kinh hoảng, nép người sau một bao hàng. Có lẽ nhận ra đó là một người đàn bà, nên thanh niên hạ tay xuống, gằn giọng:

      –     Mày…à…cô coi chừng!

      Toa tàu bây giờ như đang trải qua một cơn bão dữ dằn. Từ các cửa, hàng ào ạt chuyền vào. Người dưới tung, người trên nhận. Nhận hàng xong, tiện đâu họ ném xuống đó ngay lập tức  y như ném vào chỗ không người. Họ la, hét, vung tay, múa chân, tung hoành ngang dọc. Bụi bay mù mịt. Mọi người nín khe. Hạnh ngồi lọt thỏm giữa một đống hàng hóa đủ loại. Nỗi sợ hãi khiến cho nàng mất hết cảm giác.

      Ðến ga kế, mọi sự tái diễn. Rồi tái diễn. Càng lúc càng tệ hại hơn. Người và hàng hóa dồn vào, tưởng chừng như sức chứa của nó là vô hạn.

      Ðến một lúc, không còn ghế ngồi. Không còn sàn tàu.  Không còn cửa sổ. Hàng hóa chất lên cao, có nơi đụng tới trần, có nơi lấp hẳn khuôn cửa sổ. Chỗ nàng, may mắn thay, có nhiều bao bắp và đậu. Vì thế, nàng có được một chỗ để đặt lưng. Lúc đầu, nàng cảm thấy lộm cộm, khó chịu. Lần hồi, nàng cũng cảm thấy êm êm. Và thiếp ngủ. Bỗng có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Cửa vụt mở. Cảnh! Trời ơi, Cảnh. Sao Cảnh vào được đây? Nàng đang còn sững sờ thì Cảnh đã đến gần nàng.  Nàng nhìn ra ngoài vườn. Trời còn sáng trưng. Nàng hỏi: “Thương đâu?”. Cảnh lắc đầu. Anh tiến lại, kéo ghế ngồi xuống, đưa tay vuốt tóc, vuốt má nàng. Nàng ngẩn ngơ, không phản ứng, chỉ nhìn quanh xem thử Thương có ở đó không. Anh vuốt xuống lưng và luồn tay vào sâu trong ngực nàng.  Nàng vùng vẫy, kêu lên ú ớ, tỉnh dậy.

      Tàu  chạy. Lại ngủ. Vẫn là Cảnh. Cảnh chở  nàng đi ăn, đi biển. Rồi anh ôm hôn nàng ngay trên bờ biển. Cảnh lại luồn tay vào ngực, rờ rịt. Bỗng có tiếng ai la lớn ở giữa toa: “Thằng ranh con! Mày mò bà đấy hả? Này, mò này, mò này!”. Hạnh giật mình, ngóc đầu dậy, ngơ ngác nhìn. Một người đàn bà đang túm áo một người đàn ông trung niên đấm thùm thụp.  Người đàn ông vung mạnh tay, gạt người đàn bà ra, nhảy vội qua đống hàng hóa rồi biến mất ở cuối toa. Người đàn bà lầm bầm gì đó một mình. Lát sau, chị ta nằm xuống trở lại, im lặng.

      Hạnh tỉnh ngủ hẳn, sửng sốt khi thấy bên cạnh là một người đàn ông lạ. Hắn mặt cái áo ca rô màu đỏ, trở mình nằm nghiêng, hai tay ôm đầu, y như đang ngủ. Nhất định là hắn giả đò, vì vừa rồi, nàng liếc thấy đôi mắt hắn động đậy. Nhìn lại mình, nàng chợt phát hiện ra mấy hạt nút áo phía dưới bị bung ra. Nàng gài nút áo, bặm môi nhìn hắn, lòng bừng bừng giận dỗi. Cái thằng mất dạy! Nàng xoay thân hình, muốn dùng chân tống cho hắn ta một đạp, nhưng không cách gì nhấc chân ra được khỏi cái giỏ hàng nằm gần đó. Nàng đưa tay đẩy mạnh vào lưng hắn. Phải cố gắng lắm, nàng mới tách khỏi hắn, dịch đến gần cửa.

      Người đàn ông nhỏm dậy, đưa tay dụi mắt. Hạnh nhìn ra ngoài cửa sổ, kéo vạt áo xuống, bẽn lẽn. Hắn nói khẽ:

      –     Chị…chị không ngủ được à?

      Nàng quay lui, ném vào hắn một tia nhìn dữ dội, giọng khô khốc:

      –     Này, chú đừng có hỗn nha!

      Hắn tỉnh bơ, nói tiếp, nghe hiền khô:

      –     Tui có làm gì đâu mà hỗn. Chị nên ngủ tiếp đi một chút cho khỏe. Tàu sắp đến nơi rồi. Ðoạn này êm.

      Nàng nhìn thẳng vào mặt hắn. Trông hắn còn trẻ, khuôn mặt dầy dầy, không có vẻ gì nham nhở lắm. Nàng tự hỏi không biết có phải chính hắn là kẻ vừa rờ rẫm nàng khi nãy không. 

*

      Qua khỏi ga Long Khánh, tàu chạy nhanh và êm. Tiếng bánh tàu nghiến trên đường sắt nghe càng lúc càng hối hả. Những chòm cây, những hàng cao su đen ngòm chạy vun vút bên ngoài. Gió sớm lạnh tê. Tuy thế, Hạnh không muốn đóng cửa. Nàng lục xách lấy chiếc áo len mỏng choàng ngang phía trước ngực, dựa lưng vào một chiếc cần xé rau cải, hai chân ruỗi thẳng về phía hàng ghế trước. Người thanh niên bảo:

      –     Tàu đang xuống dốc, chắc là sắp đến Dĩ An rồi! Chạy nhanh thật!

      Ừ, chạy nhanh thật, nàng nhủ thầm.

      –     Chị kéo cửa xuống, kẻo lạnh. Cảm chết!

      Nàng im lặng, nhìn về phía trước. Anh ta nói trổng:

      –     Hay là đổi chỗ vào ngồi phía trong này đi.

      Vẫn im lặng.

      –     Chị!

      Một bàn tay đặt nhẹ lên vai nàng. À, cái thằng oắt con này gan thật! Nàng lắc mạnh vai, hất bàn tay hắn xuống. Anh ta nói, giọng dường như hơi chùng xuống:

      –     Xin lỗi!

      Hắn im lặng. Tàu tiếp tục lao nhanh. Gió ngoài tạt vào dữ dội. Lạnh lắm rồi! Nàng rụt  cả người vào, dùng hai tay cố kéo cửa xuống. Ðược một phần, cửa kẹt. Hắn nhanh nhẹn chồm qua người nàng, dùng hai tay, giật mạnh. Cánh cửa rơi ào xuống. Hạnh sợ hãi, ngả người qua một bên để tránh, vô tình rơi vào lòng hắn. Bỗng nghe có tiếng nhốn nháo ở toa kế. Một số nhân viên bấm đèn “pin” nhảy vội lên các bao hàng và người, cố băng thật nhanh qua toa. Nhiều tiếng kêu đau.  Nhiều tiếng la ó phản đối. Nhưng họ vẫn cứ băng băng đi. Lát sau, lại thêm một số người nữa, cũng là nhân viên tàu, hối hả chạy tràn qua toa. Mặt mày ai nấy trông có vẻ nghiêm trọng.  Bây giờ, cả toa thức hẳn dậy. Nhiều tiếng hỏi dồn dập :

      –     Cái gì vậy? Cái gì vậy?

      –     Ăn cướp hả?

      Hạnh nép hẳn vào cánh cửa vừa đóng, lo lắng. Hai người công an xuất hiện ở đầu toa, lên tiếng:

      –     Yêu cầu tất cả hành khách, ai ở đâu ngồi đó. Tuyệt đối không được di chuyển. Ðồ đạc cũng thế. Hành khách nào ngồi gần cửa, yêu cầu đóng ngay cửa lại.

      Giọng một người đàn ông lên tiếng:

      –     Có chuyện gì thế, đồng chí?

      Một người công an trả lời:

      –     Ðứt thắng!

      Nhiều tiếng hỏi đồng loạt:

      –     Cái gì?

      Một ai đó trả lời thay:

      –     Thì tàu đứt thắng chứ còn gì nữa.

      Mọi người ồ lên khiếp hãi. Tất cả mất bình tĩnh, nhốn nháo hẳn. Hai người công an, tay thì vịn vào thanh ngang trên đầu toa, tay kia rút súng, chĩa mũi lên trần:

      –     Yêu cầu tất cả ngồi yên, giữ trật tự. Các đồng chí có trách nhiệm đang kiểm tra sự cố. Có gì chúng tôi sẽ báo cáo lại cho các đồng chí và các bạn rõ. Này, bà kia, làm gì mà loay hoay ở bao hàng đó. Còn thằng nhỏ, mày ngồi yên đó, không được chạy. Này, này, anh kia, đi đâu, đi đâu. Dừng lại. Coi kìa, bộ mày không nghe lời tao sao? Dừng lại, nghe không?

      Anh ta lên đạn lách cách. Mặc! Không ai bình tĩnh nữa.  Tất cả đột nhiên náo loạn. Tàu lao càng lúc càng nhanh. Gió ào ào bên ngoài như bão. Hạnh kinh hoàng trườn người nằm đại xuống ngay trên đôi chân người thanh niên, ôm lấy anh ta, miệng lâm râm niệm Phật. Người thanh niên nắm lấy tay nàng, xiết chặt. Trong tiếng khóc, tiếng la, tiếng đọc kinh, tiếng niệm Phật và tiếng gió, nàng nghe giọng thanh niên thoang thoảng bên tai:

      –     Ðừng sợ, không có gì đâu.

      Ðột nhiên, một tiếng “ầm” dữ dội vang lên trong đêm. Và im lặng.

*

      Hạnh cựa quậy, mở mắt. Trời còn tối. Có tiếng người nói lao xao đâu đó. Nàng cố xoay đầu về một bên để nhìn, nhưng không thấy rõ gì. Mọi vật vẫn chỉ là những khối đen lờ mờ.  Nàng nhắm mắt. Có tiếng bước chân lại gần. Giọng một bé trai:

      –     Có người nằm đây, mẹ ơi.

      –     Ðâu? Ðâu? Còn sống không?

      –     Ai mà biết. Có cái bao gì nằm một bên. À, thêm một người nữa.

      –     Nằm gần nhau à?

      –     Không, nằm gần phía đường ray.

      –     Ðược, để tao lại coi thử coi. Chết hay sống?

      –     Con không biết. Nhưng nằm im rơ bà rờ hà. Chắc chết.

Hạnh cảm thấy một cánh tay mình bị nâng lên. Người đàn bà hỏi:

      –     Xem kỹ mấy ngón tay. Có gì không?

      –     Dạ, không.

      –     Còn tay kia?

      Tiếp sau lời nói của bà mẹ, một bàn tay vuốt dọc theo tay bên kia của Hạnh, kéo ra khỏi cái bao đè. Tiếng thằng bé reo lên:

      –     Có, mẹ ơi. Có, mẹ ơi.

      –     Sụyt, nói nhỏ thử coi. Có thì có, gì mà ồn lên vậy. Có cái gì?

      –     Khâu.

      Giọng người đàn bà hớn hở hẳn lên:

      –     Thiệt không mậy? Mấy cái? Ðể tao lại coi. Lục tiếp trong người còn gì nữa không?

      Nghe bàn tay thằng nhỏ sờ soạng, Hạnh cố hết sức rụt tay lại, miệng rên khừ khừ. Thằng nhỏ hốt hoảng đứng vụt dậy, nhảy lùi lại:

      –     Mẹ ơi, còn sống.

      –     Thế à. Vậy thôi. Mau lẹ chạy đi tìm người khác. Gặp thì nhớ để tay lên lỗ mũi xem thử sống hay chết. Lẹ lên, trời sắp sáng rồi. Lẹ lên, không thì bọn họ kéo ra cả đống bây chừ.  Mày nghe tao nói không?

      Giọng thằng bé run run:

      –     Dạ, nhưng con ớn quá. Người chết tùm lum.

      –     Càng tốt thôi. Không ớn gì hết cả. Không chịu khó kiếm chác lúc ni thì khi nào mới có dịp khác. Lẹ lên.

      Hai người vội vã bỏ đi. Hạnh nghe tiếng bước chân xa dần.

      Hạnh biết chắc mình còn sống. Nhờ thằng bé đẩy cái bao sang một bên người, nên nàng có thể cử động cả hai tay và chân. Nàng uốn éo, vặn vẹo cơ thể, cảm thấy ran rát ở phía đùi. Sờ vào, thấy ươn ướt. Kéo ống quần lên, nàng nhận ra quần rách một mảng, da bị trầy. Nàng lấy chân dẫm vào cái bao nằm dưới. Bao bắp. Có phải là cái bao nàng đã từng nằm, ngồi lên trên không?  Sờ tay trong bụng, bịch tiền và vàng vẫn còn đó. Nàng nhớ đến hai mẹ con khi nãy. May mà nàng tỉnh dậy sớm, không thì chắc là bị lột sạch.

      Nàng chống tay ngồi dậy. Qua ánh sáng nhờ nhờ từ một khoảng trời phía rừng cao su đàng xa, nàng kinh hoàng khi nhận ra cả đoàn tàu nằm bất động. Có toa lật ngược hẳn, bánh chổng lên trời. Có toa nằm nghiêng một bên. Ngay trước mặt nàng, chỉ cách có vài mét, ba toa dồn lại thành một đống. Về phía phải của nàng, một toa khác gần như bẹp dúm. Nàng nhìn quanh, không nhận rõ được vật gì ra vật gì. Tất cả chỉ là những bóng lồi lõm, những mảnh trăng trắng xen lẫn những mảng đen lù lù, những khối, những hình thể lờ mờ. Nàng giật mình khi nhận ra một người nằm bẹp dưới toa tàu, ngay trước mặt nàng.  Một nửa thân hình người đó nằm ngoài đất, còn nửa kia kẹt bên trong. Cái áo ca-rô màu đỏ! Nàng dụi mắt, cố nhìn cho rõ.  Cái áo ca-rô màu đỏ. Ðúng rồi. Chính anh ta. Nàng kinh hoàng quay đi, toàn thân lạnh buốt . 

CHƯƠNG 32

     Tảng sáng, Hạnh và nhiều người khác được những người tốt bụng tại địa phương dìu lên xe lam, đưa về bệnh viện Thống Nhất. Tại đây, sau khi điền một đơn khai lý lịch, nàng được chích một mũi thuốc khỏe và nằm nghỉ trên một cái giường trống của một bệnh nhân nào đó vừa xuất viện đêm rồi. Nàng cố ngủ và quên đi những hình ảnh hãi hùng của chuyến tàu. Nhưng không được. Các toa tàu dồn đống và xác người chết cứ hiện ra trước mắt nàng. Hình ảnh chiếc áo ca-rô lởn vởn trong đầu.  Nàng cảm thấy rờn rợn phía bàn tay trái, nơi anh ta đã táo bạo nắm lấy chỉ có vài giây trước khi đoàn tàu bị nạn. Cảm giác âm ấm của lòng bàn tay xa lạ đó vẫn còn đọng lại đâu đó trên da thịt.

      Ðến gần trưa, số người chết và bị thương được chở về dồn dập. Bệnh viện càng lúc càng ồn ào, náo loạn. Tiếng rên rỉ, khóc lóc, bàn tán, hỏi han không ngớt vang lên. Toàn là người và người. Kẻ nằm, người ngồi la liệt từ ngoài vào trong. Trời nóng bức. Bệnh viện càng nóng bức hơn, vì hơi người, hơi thuốc. Tất cả chìm trong nỗi hãi hùng, khắc khoải.

Ngột ngạt quá, Hạnh gượng dậy, nhường chỗ cho một nạn nhân khác, bước vội ra ngoài. Một đám đông vây quanh nàng lao nhao hỏi han. Nàng  kể lại tình hình. Một người hỏi:

–     Làm sao chị về được đây?

       –    Tôi may mắn được  mấy người tốt bụng dìu lên xe lam đưa về đây. Còn nhiều, nhiều lắm ở dưới đó…

      Một người khác hỏi:

      –     Vậy không ai đến cứu giúp gì hết sao?

      –     Chẳng thấy ma nào. Không biết cán bộ họ đi đâu hết.  Nếu không có những người dân tốt bụng, không hiểu tình hình sẽ tệ như thế nào.

      Một ai đó trong đám đông lên tiếng:

      –     Thì họ chỉ được tài nói dóc!

      Nhiều người muốn hỏi thêm, nhưng thấm mệt và đói, nàng cương quyết vẹt đám đông, bỏ đi. Ra khỏi cổng bệnh viện, thấy có chiếc xe gắn máy thồ đang chờ khách ở bên kia đường, nàng mừng rỡ băng qua. Chợt có ai ở phía sau đặt tay lên vai nàng:

       –    Chào chị.

      Nàng ngạc nhiên quay lại. Một phụ nữ mặc quần tây áo sơ mi trắng bỏ ngoài quần, tóc kẹp dài quá vai, nhìn nàng cười.  Nàng bực mình, hỏi:

      –     Chị cần gì?

      Người phụ nữ  hỏi:

      –     Xin lỗi, chị là hành khách trên chuyến tàu vừa bị nạn phải không?

      –     Phải. Cô cần gì?

      –     Em công tác trong bệnh viện. Có đồng chí ở trong bệnh viện cần gặp chị.

      Nàng ngạc nhiên:

      –     Lần đầu tiên tôi đến đây, làm gì có quen ai.

      Người phụ nữ cười:

      –     Trước không quen thì sau quen, đâu có sao, phải không chị. Vào đó là chị biết ngay hà. Nào, ta đi!

      Hạnh bực mình:

      –     Tôi mệt quá rồi, cần về Sài Gòn gấp. Ai cần gì thì ra đây gặp tôi, tại sao phải gọi tôi vào. Tôi không vào.

      Hạnh dậm dự bước đi thì người phụ nữ nắm tay nàng:

      –     Chị phải đi với em.

      Nàng giựt tay ra muốn cự nự tiếp thì người phụ nữ nhìn chị với cái nhìn đầy dọa nạt:

      –     Chị không được cãi. Chị có cần biết em là ai không?

      Nàng nhìn ngay mặt người phụ nữ, thấy đôi mắt chị ta lạnh tanh. Nàng đâm ra bối rối, cúi mặt xuống. Chị ta nhắc lại, giọng như ra lệnh:

      –     Nào, ta đi.

      Hạnh líu ríu bước trở vào cổng bệnh viện. Người phụ nữ theo sau, nói:

      –     Vào cổng, rẽ trái.

      Qua khỏi cổng, người phụ nữ bước nhanh tới trước, dẫn đường. Chị ta đến một căn phòng nhỏ nằm gần phòng đợi ở phía bên phải của khu căn-tin, bảo nàng ngồi ở đó đợi. Một lát sau, một người đàn ông từ bên trong bước ra, chào:

      –     Chào chị. Chị bị thương có nặng không?

      Nàng đáp, giọng run:

      –     Dạ, sơ sơ.

      –     Sơ sơ thế nào?

      –     Dạ, sây sát ở phía dưới chân.

      Nàng định đưa vết thương ra cho người đàn ông xem, nhưng anh ta xua tay:

      –     Khỏi. Tôi có xem hồ sơ chị.

Hạnh nói:

– Dạ, có hồ sơ gì đâu ạ. Em chỉ điền đơn rồi được chích một mũi thuốc khỏe, chứ không có thương tích gì trầm trọng.

– Tôi không nói chuyện thương tích. Tôi không phải là nhân viên của bệnh viện. Tôi là cán bộ phụ trách an ninh khu vực này.

Hạnh giật mình:

– Em…em đi tàu…em, em..đâu có làm chuyện gì…sai trái…

Người đàn ông hỏi:

– Vâng, tôi biết là chị đi tàu. Chị tên Hạnh, đúng không?

      –     Dạ, em tên Hạnh.

      –     Hàng hóa chị mang đi có nhiều không?

      –     Dạ, ít thôi. Toàn là trái cây.

      –     Trông bộ chị đã trải qua một đêm lo sợ, phải không?

      –     Dạ.

      –     Chị có mang theo giấy tờ gì không?

      –     Dạ có.

      Nàng lục đi lục lại mãi mới tìm thấy cái “Chứng minh nhân dân”, đưa ra. Anh ta xem xong, hỏi:

      –     Chị ở tận ngoài Huế?

      –     Dạ. Em ở Huế.

      Anh ta cười nửa môi:

      –     Dân Huế nhiều người đi buôn nhỉ.

      Anh ta ngồi xuống góc bàn, nhìn nàng soi mói. Hạnh bối rối, đảo mắt nhìn ngu ngơ quanh phòng. Căn phòng hẹp, trống trơn, không có gì ngoài chiếc ghế và cái bàn nhỏ. Anh ta lên tiếng:

      –     Tôi biết chị bị thương, chị vừa trải qua một đêm kinh hoàng. Tôi thay mặt chính quyền và nhân dân địa phương chúc mừng chị được an toàn, thoát qua tai nạn. Như chị đã rõ, Ðảng và Nhà nước ta bao giờ cũng chăm lo cho đời sống của nhân dân và không bao giờ mong muốn những vụ việc đáng tiếc như chuyến tàu bị nạn vừa qua. Tất nhiên chúng tôi biết có một số đồng chí làm việc không nghiêm túc, do đó, không kịp thời  tổ chức cứu trợ những đồng bào bị nạn. Tuy nhiên, nói chung, cho đến giờ này, công cuộc cứu trợ đã diễn ra tích cực. Chính quyền đã tận dụng mọi phương tiện huy động cán bộ, nhân dân hợp tác để khắc phụ hận quả của tai nạn. Hiện nay, trong nhân dân, có những tin đồn sai lạc. Bọn xấu lợi dụng dịp này để  tung tin đồn, làm hoang mang dư luận, phá hoại uy tín của Ðảng và Nhà nước. Chị may mắn đưọc các đồng chí trong bệnh viện chăm sóc sớm, bây giờ ra về, chúng tôi yêu cầu chị không nên gặp gỡ, kể chuyện linh tinh và nhất là có những lời lẽ phê phán vô trách nhiệm. Tốt nhất là chị không nên để cho người ta biết là chị vừa bị nạn để tránh sự tò mò của người khác. Chị hiểu rõ những điều tôi vừa nói không?

      –     Dạ, hiểu.

      –     Chị có nhận rằng vừa rồi chị có những lời lẽ không hay khi trò chuyện với những kẻ tò mò trong bệnh viện không?

      Hạnh đáp lí nhí:

      –     Dạ, có.

      –     Chúng tôi có bằng chứng là hiện nay có rất nhiều kẻ xấu đang trà trộn trong nhân dân, lợi dụng cơ hội này để phá rối chính quyền cách mạng. Vậy thì, chị ngồi đây, viết một bản cam kết trước khi chúng tôi để chị ra về. Mẫu đơn có sẵn đây.

      –     Dạ, em…em biết gì mà viết.

      –     Có sao viết vậy. Có gì tôi sẽ góp ý thêm. Nào, chị có thể bắt đầu.

      Anh ta đưa cho Hạnh giấy, bút:

      –     Khi nào xong, chị  gọi tôi ở phòng kế.

      Hạnh gật đầu, lòng nhão đi như con bún. Nàng ráng viết, hứa sẽ giữ im lặng hoàn toàn về chuyến tàu bị lật. Tay cán bộ đọc xong, gật gật đầu, thế này là tốt, chị biết điều lắm, thôi chị có thể ra về. Nàng mừng rỡ, lí nhí cám ơn. Ra khỏi cửa, nàng thấy một vài người đứng, ngồi trước cửa phòng, lóng ngóng nhìn vào trong. Chắc họ cũng đợi vào làm bản cam kết như mình, Hạnh nghĩ. Nàng cúi đầu xuống, cố đi thật nhanh ra ngoài.

*

      Ngồi trên ba chuyến xe lam chuyển tiếp về thành phố, Hạnh im thin thít trong lúc mọi người bàn tán xôn xao về tai nạn. Những câu chuyện kể phóng đại ra nhiều lần, hoàn toàn xa hẳn sự thật mà nàng chứng kiến. Mọi chuyện biến thành giai thoại một cách hồn nhiên. Xuống xe, nàng ghé chợ Bà Chiểu, mua sắm lại ít áo quần, dép, đồ trang điểm rồi mới đến Duyệt. Vừa thấy nàng, Duyệt reo lên:

      –     Trời, bà mới vào đó sao. Sao mà ở ngoài đó lâu đến thế! Chắc chuyến đi Hà Nội vừa rồi trúng mánh quá nên không muốn đi nữa chứ gì.

      –     Ðâu có. Mình đau nên phải ở nhà một thời gian để tĩnh dưỡng. Bà đi đâu mà về tối quá vậy?

      Duyệt sôi nổi:

      –     Bà không nghe gì cả sao? Cả thành phố đang náo loạn vì vụ lật tàu ở Bầu Cá. Cả chiều nay có ai làm ăn gì đâu. Tôi cũng thế, chạy quanh chạy quấc. Tôi vừa lên bệnh viện Nhi Ðồng về đây. Làm gì, bà biết không? Tìm thử có xác người thân hay người quen gì không. Vậy bà không nghe gì hết thật sao?

      Hạnh hờ hững:

      –     Không.

      –     Cái bà này. Người ta đang xôn xao như thế mà bà tỉnh bơ y như …thường vậy.

      –     Bộ bà nói tôi phải làm sao?

      –     Ðúng là điếc. Ðâu đâu người ta cũng bàn tán om sòm.  Nghe nói cả mấy ngàn người chết lận, bà biết không? Bệnh viện nào giờ cũng đầy người chết và người bị thương. Chưa hết đâu, xe còn tiếp tục chở lên nữa.

      –     Có ai quen trong chuyến này không?

      –     Làm sao mà biết được. Người ta đi đông đi tây, ai mà biết có đi chuyến tàu này không. Mình chạy quanh hỏi han hết bà con. Tất cả đều bình yên. Có một bà dì bà con xa lên Long Khánh thăm con, chẳng biết có về chuyến này không. Mấy đứa con đang lên ruột đàng nhà. Tôi có một con bạn thân thường đi buôn rau cải tàu chợ, giờ này vẫn chưa biết tin.  Không biết thế nào.

      Thấy Hạnh có vẻ không mấy quan tâm đến những tin sốt dẻo vừa đưa, Duyệt hơi cụt hứng. Nàng hỏi qua chuyện khác:

      –     Thế lần này bà đi hàng gì vào?

      –     Gà và xoài.

      –     Cái gì? Gà và xoài! Ðộ này bà biết khôi hài nữa hay sao đây?

      –     Không. Tôi nói thật.

      –     Bà buôn gà và xoài? Từ Huế vào?

      –     Không. Từ Nha Trang.

      –     Ði xe hả?

      –     Không. Ði tàu.

      –     Tàu Thống Nhất mấy, sao mà vào giờ này? Giờ này làm gì có tàu Thống Nhất kìa? Tôi vừa ra ga xem kế hoạch mà.

      –     Tôi đi tàu chợ.

      –     Lại đùa nữa. Tàu nào?

      –     Chuyến tàu vừa bị lật ấy.

      Duyệt trố mắt nhìn bạn:

      –     Hạnh, bữa này sao bà ăn nói kiểu gì tôi không hiểu.  Bà từ đâu về?

      –     Từ Bầu Cá?

      –     Thiệt không?

      –     Thiệt. Mình ở trên chuyến tàu đó.

      Duyệt bất ngờ đứng dậy, ôm choàng lấy Hạnh, xiết chặt thân hình bạn, la lên:

      –     Trời ơi, Hạnh. Bà còn sống đây, phải không? Có hề hấn gì không? Tôi nghiệp cô bạn tôi.

      Duyệt đẩy Hạnh ra xa, rồi nhìn từ trên xuống dưới, từ trước ra sau:

      –     Trời, bà vẫn còn nguyên vẹn chứ! Sao mà bà tỉnh bơ vậy?

      –     Không tỉnh bơ thì làm gì bây giờ.

      Hạnh vắn tắt kể lại cho bạn nghe những gì đã xảy ra trên chuyến tàu bị nạn. Nàng định dấu chuyện nàng bị làm kiểm điểm, nhưng sau đó, kể luôn cho Duyệt nghe. Duyệt tức tối bảo:

      –     Bọn nó hù bà đấy. Hèn gì, về tới đây rồi mà mặt mày ngơ ngơ ngác ngác như người thất thần. Ở đây, người ta bàn tán ầm ầm ở ngoài chợ, trên đường phố, trong bệnh viện. Sao không vào đó mà bắt người ta kiểm điểm đi.  Mà thôi, kệ xác!  Bây giờ, bà nằm nghỉ đi cho khỏe. Lạy Trời, lạy Phật, may tí nữa là tôi mất thêm một người bạn. Số bà lớn lắm! Về lo mà cúng quảy tạ ơn đi. Chín phần chết, một phần sống đấy!

      Sáng hôm sau, Duyệt ra sạp báo sớm, mua về tờ Sài Gòn Giải Phóng, chỉ cho Hạnh xem mẩu tin về vụ lật tàu:

      –     Chuyện động trời vậy mà họ chỉ loan như thế này này.

      Hạnh cầm xem. Ðó là một bản tin nhỏ, đăng khiêm nhường ở góc cuối trang trong tờ báo. Bản tin cho biết đã xảy ra một tai nạn tàu ở Bầu Cá hôm qua, gây ra một số thương vong. Chính quyền địa phương và nhân dân đang lo cứu cấp người bị nạn và khắc phục hậu quả của tai nạn. Bên cạnh bản tin là một thông báo ngắn của ngành Ðường sắt yêu cầu những ai có hàng trên chuyến tàu mang giấy tờ thuế và cước đến ga khai báo và nhận lại hàng hóa bị mất.  Duyệt hỏi:

      –     Bà có thích xuống lại dưới đó để nhận hàng hay không, tôi chở đi.

      Hạnh cười:

      –     Gà thì chết toi, xoài thì nát bấy, còn gì mà nhận. Tôi nghĩ chắc họ chỉ đăng thông báo lấy lệ cho vui thôi.

      –     Ừ, bà nói nghe cũng phải. Thôi, hay nhất là ở nhà nghỉ ngơi. Mọi chuyện tính sau. Tôi đi đây.

      Hạnh cầm tờ báo, lật qua lật lại, hờ hững liếc nhanh qua những tựa đề. Bỗng nàng chú ý đến một bản tin khác, tựa in đậm, có hai chữ Tân Hiệp. Nàng giật thót mình. Bản tin cho biết Bí thư huyện ủy Mười Giộc đã bị bắt vì câu kết với bọn gian thương và móc ngoặc, làm thất thoát và thiệt hại tài sản xã hội chủ nghĩa đến hai trăm triệu đồng. Ông ta đã tuyển dụng người bất hợp pháp, lợi dụng chức quyền, gian dâm với nhiều phụ nữ, trong đó có nhiều phụ nữ đã có gia đình.  Bên cạnh bản tin, báo còn cho đi một bài viết có tựa đề : “Tại sao anh có thể làm như thế?”. Tác giả bài báo tự nhận là bạn chiến đấu trong nhiều năm của Mười Giộc. Hai người đã từng “hạt muối cắn hai”, “chia nhau gian khổ” suốt trong thời gian chống Mỹ cứu nước. Mười Giộc là một chiến sĩ can trường, một đảng viên gương mẫu, một người bạn thủy chung, tận tụy hy sinh cho cách mạng. Ấy thế mà chỉ vì bị bọn xấu lôi cuốn theo lối sống hưởng thụ vật chất, trong một sớm một chiều, anh đã sa vào hố thẳm. Trong bản tự kiểm điểm, anh đã tự thú hết lỗi lầm. Nhưng quá muộn.

      Tác giả bài báo, sau một đoạn dài đề cập đến sự mất mát niềm tin của nhân dân đối với đảng qua những cán bộ hư hỏng như Mười Giộc, đã kết luận bằng một câu tán thán: “Mười Giộc ơi, tại sao anh đã làm như thế!”.

      Nàng không quan tâm mấy đến vẻ thống thiết của bài viết mà sửng sốt vì vụ việc. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ một tay Bí thư huyện ủy quyền thế bỗng chốc trở thành một tên tù. Nàng vứt tờ báo xuống bàn, ngồi ngẩn người ra, bần thần. Mười Giộc, thô bạo và nồng nàn, đã để lại trên nàng một dấu ấn khó phai. Chẳng biết ông ta có khai gì về nàng không? Ông ta có nhớ đến nàng không? Ðột nhiên, nàng nghĩ đến cái bào thai. Bào thai của ai? Có thể nào là của Mười Giộc? Nàng rùng mình, đứng phắt dậy. Của ai thì của, nhưng trước hết “nó” là của nàng.

      Thế là nàng vùng ngay dậy, mượn xe, nôn nao chạy ra xa lộ.

     Nhưng trái với  điều mong đợi, nàng đã không thể tìm thấy “mộ” của “nó”. Mới có một tháng chứ đâu có lâu lắc gì!  Nàng đã đánh dấu kỹ, đã ghi nhớ từng dấu vết đặc biệt của con đường, của lối đi, của từng cây. Thế mà sau hai lần chạy Honda vòng vòng để đi tìm, nàng mất phương hướng. Ðành phải trở về. Hôm sau nữa, nàng lại mượn xe để đi tìm. Vô ích. Cái “mộ” biến mất.

      Hạnh quỵ xuống vì tuyệt vọng. Nàng có cảm giác như mình vừa đánh mất một cái gì vô cùng quý giá. Chính “nó” đã cứu nàng thoát chết, thế mà, nàng bỏ rơi, không hương không khói. Cái mộ ở đâu? Trí nhớ nàng đã trở nên sa sút hay là “nó” giận nàng, không muốn cho nàng “gặp mặt”? Càng suy nghĩ, nàng càng hoang mang. Duyệt trở về, thấy sắc diện của bạn, lo lắng hỏi:

      –     Sao trông bà có vẻ thất thần vậy?

      –     Không có gì.

      –     Bà đừng dối. Bà còn mệt lắm. Liệu mà nghỉ ngơi đi đã, đừng vội.

      Duyệt dành cho Hạnh một căn phòng nhỏ ở trên gác lửng, mang cho nàng ít sách, báo, truyện. Duyệt đi, Hạnh nằm một mình, cố đọc một cái gì cho khuây khỏa. Nhưng không được lâu. Chỉ một lát sau là nàng chán nản, bỏ xuống, nằm nhắm mắt, nghĩ ngợi vu vơ. Bỗng nhớ ra, từ ngày đi, nàng chưa viết gì về nhà cả. Nàng vội vàng ngồi dậy, lấy giấy bút ra. Nàng viết: “Anh”, ngập ngừng, xuống hàng, viết tiếp: “Em vừa thoát chết trong đường tơ kẽ tóc trong tai nạn lật tàu ở Long Khánh.  Thật khủng khiếp! Ðến bây giờ, em vẫn chưa hoàn hồn”.  Nàng dừng bút. Cần gì phải báo cho anh chàng biết nhỉ? Có biết thì anh chàng vẫn thế. Không chừng lại đi kể chuyện lung tung với người này người nọ, thêm phiền. Biết đâu, lại còn trách móc vớ vẩn những là tại sao lại đi Nha Trang làm gì, tại sao lại đi đi tàu chợ, tại sao lại buôn bán linh tinh.  Nàng xé đi, viết lại:

      “Anh, em chưa thể ra được. Thiếu tiền, cứ mượn tạm ở đâu đó, khi ra tính sau.  Hạnh”.

      Nàng lấy một tờ khác, viết cho mấy đứa con:

      “Ðồng, Ngân, Phụng yêu thương. Mạ nhớ các con quá chừng. Mạ muốn ra sớm với các con, nhưng hiện mạ đang bận chuyện buôn bán, chưa ra được. Các con đừng buồn. Khi ra, mạ sẽ mua thật nhiều quà cho các con. Ðồng, con đừng có la thằng Phụng hoài, tội nghiệp. Ráng thương em. Ngân cũng rứa, rán thương em. Xong, mạ sẽ ra ngay. Gửi cu Phụng một ngàn cái hôn. Mạ thân yêu của các con”.

      Bỏ thư vào bì xong, nàng ngồi trầm ngâm. Hình bóng gia đình hiển hiện ra trước mắt. Chồng, con, căn nhà, những lo toan, bực bội. Ðời nàng sao mà khốn nạn thế này. Tất bật chạy đôn chạy đáo kiếm tiền, hết ngày này qua ngày khác, hết năm này qua năm khác, không khi nào được thảnh thơi. Ăn đường, ngủ sá, thân xác lê la chẳng khác gì một tên ăn mày. Biết bao giờ mới được yên thân, ở nhà với con, không còn bon chen, lo lắng ngày đêm như thế này. Ừ, nếu được ở nhà mãi mãi, không chạy đôn chạy đáo thì sung sướng biết bao nhiêu!

       Nếu được ở nhà mãi mãi? Nếu được ở nhà mãi mãi?  Hạnh giật mình. Có thể nào ở nhà mãi mãi trong ngôi nhà đó?  Quanh quẩn quanh năm suốt tháng với chừng ấy khuôn mặt, chừng ấy cảnh vật, chừng ấy chuyện? Ngày nào cũng đụng mặt Lục. Chán chết đi được! Những Phiệt, những Cảnh, những Mười Giộc, những Túy, những Thuận  sôi động biết bao nhiêu!  Họ băng mình vào xã hội, lăn lộn với nó, sống chết với nó.  Như nàng!  Họ khỏe, mạnh dạn, táo bạo, tự tin. Lục của nàng, chẳng khác gì một con chim bị gãy cánh, một con ngựa què.  Còn đâu Lục của một thời ngang dọc! Còn đâu Lục sừng sững bên cạnh nàng như một điểm tựa, một chỗ để tin cậy.

      Còn đâu! Nàng thở dài, buông một tiếng cười khan.

CHƯƠNG 33

      Lục đang loay hoay sửa lại cái ảng nước ở nhà sau thì thằng Ðồng từ trên nhà trên chạy vội xuống:

      –    Ba, có ông Nhề, công an khu vực tới hỏi ba.

      Anh vẫn tiếp tục công việc, không ngửng đầu lên:

      –     Lên bảo là mạ đi rồi, không có nhà.

      Một lát, thấy Ðồng vẫn còn đứng tại chỗ, anh gắt:

      –     Sao còn đứng đó? Lên nói mạ đi rồi.

      Thằng bé ngập ngừng:

      –     Nhưng ông ấy nói muốn gặp ba.

      Anh bực bội gắt tiếp:

      –     Mày có nghe tao không? Người ta hỏi mạ mi chứ hỏi tau làm gì?

      Thằng bé vừa đi miệng vừa  lầm bầm gì đó. Anh gọi:

      –     Cái thằng kia, mi càm ràm gì đó?

      Ðồng vẫn bước.

      –     Thằng kia, lại đây!

      Ðồng quay lại, mặt tái đi, nhưng lộ vẻ bướng bỉnh. Lục chỉ ngón tay ngang mặt thằng bé:

      –     Mi vừa nói gì, cái thằng kia?

      Ðồng mím môi, nhìn xuống đất, im lặng. Tức quá, anh tát ngay mặt thằng bé một cái tát xửng vửng:

      –    Ðồ mất dạy! Con cái mỗi ngày mỗi mất dạy. Chán ơi là chán!

      Anh hầm hầm bước lên nhà trên. Vừa vào, anh giật mình lùi lại vì thấy ngoài anh chàng công an khu vực còn có một người lạ nữa. Anh gật đầu lúng túng chào:

      –    Xin lỗi các anh. Mời các anh ngồi chơi chút, tôi sẽ quay lại ngay.

      Lục xuống nhà dưới rửa ráy chân tay, bưng khay trà lên pha nước, mời khách. Nhề chỉ người đàn ông lạ, giới thiệu:

      –    Anh Thắng, bạn học cũ ở Hà Nội. Còn đây là anh Lục.

      Lục đưa tay ra bắt, xởi lởi:

      –     Hân hạnh được biết anh. Anh cũng công tác ở đây?

      Thắng cười vui vẻ:

      –    Không, anh Lục ạ. Tôi từ ngoài kia vào.

      Lục tỏ vẻ ngạc nhiên:

      –    Vậy không phải anh công tác chung với anh Nhề?

      –    Tôi làm công tác văn hóa. Chúng tôi là bạn học.

      Nhề xen vào:

      –    Anh Thắng vào đây công tác một thời gian, nhân tiện ghé anh chơi.

      Lục rót nước mời:

      –    Anh uống tạm nước trà trong này. Tôi không sính trà lắm, nên không dùng trà bắc như ở miền ngoài. Một số người trong này cũng bắt đầu mê trà bắc. Tôi thì chưa.

      Thắng xua tay:

      –     Không sao, không sao!

      Anh ta bưng tách trà, lơ đãng nhìn quanh. So với Nhề, Thắng trắng trẻo, trẻ trung hơn. Khuôn mặt thon, đường nét khá thanh tú, trông có vẻ là một nhân viên làm công tác văn hóa. Nhưng anh ta đến đây có chuyện gì? Lục tự nhủ lòng phải cảnh giác. Từ lâu rồi, anh không hề tiếp xúc với công an. Mọi việc, anh đẩy qua cho Hạnh. Mỗi lần Nhề đến nhà, anh tránh.  Làm một cái bóng tiện hơn.

      –    Trước ở trong ngụy quân, anh làm gì nhỉ? Thắng hỏi.

      –    Quân nhu, anh.

      –    Thế à? Quân nhu là gì nhỉ?

      –    Là lo cung cấp áo quần cho lính.

     –    À, là một loại như anh nuôi trong bộ đội ta, phải không?

      –     Không hẳn như anh nuôi bên cách mạng mình. Tụi tôi lo cấp phát áo quần, giày dép, thuốc…cho lính.

      –     Chỉ vậy thôi à? Không phải có lúc anh cũng được chuyển qua nghành tâm lý chiến sao?

      –     Không, anh. Tôi ở quân nhu cho đến ngày cách mạng vào. Không tin, các anh cứ kiểm tra lại. Tôi đã khai báo rất rõ ràng với cách mạng khi mới tiếp quản.

      Thắng cười:

      –    Tôi hỏi chỉ để biết thôi chứ không có ý thẩm vấn anh đâu. Tôi ở ngành văn hóa, lại ít vào Nam công tác nên không rành, hỏi cho biết thôi. Công tác an ninh có đồng chí đây lo rồi, phải không đồng chí Nhề?

      Thắng sửa soạn thế ngồi nghiêm chỉnh, hai tay chống lên đùi, nhìn Lục:

      –    Nói thế, chứ thật ra, hôm nay, đồng chí Nhề đây dẫn tôi đến gặp anh cũng có tí chuyện. Tôi hy vọng anh có thể giúp tôi.

      Lục nhìn Nhề:

      –     Như anh Nhề đây biết, cái gì làm được là tôi sẵn sàng à. Cách mạng cần gì là có tôi ngay.

      –    Số là thế này, anh Lục. Tôi được trên phân công viết một giai đoạn lịch sử của công cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta ở miền Nam. Tài liệu các thứ đã hoàn chỉnh.  Nhưng đó là trên sách vở. Trên cử tôi đi tìm những tài liệu sống. Vào đây rồi mới thấy là cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam vĩ đại hơn là tôi tưởng nghĩ khi còn ở miền Bắc nhiều. Ðiều khôi hài là, anh biết sao không…

      Thắng ngừng lại, nhìn Lục cười thật tươi, rồi tiếp:

      –     Có những thứ mình tưởng là nằm trong tầm tay, mình muốn là có ngay. Nhưng rốt cuộc, tìm mãi không thấy. Chẳng hạn như bản “Chính sách mười điểm của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam”.

      Lục ngạc nhiên:

      –     Trời, thiếu chi trong các sách báo của cách mạng mà anh nói thế. Tôi không nhớ rõ ở đâu, nhưng chắc chắn là tôi có đọc qua nhiều lần.

      –     Tôi biết, tôi biết, anh Lục ạ. Hiện tôi cũng có đây.  Nhưng cái chúng tôi cần, không phải là nội dung 10 điểm chính sách, mà là cái văn bản nguyên thủy của nó kìa, tức là tờ truyền đơn phát ra hồi đó. Anh hiểu ý tôi nói không?

      Lục gật gật đầu, không nói gì. Thắng tiếp:

      –     Là thế này: chúng tôi cần cái tài liệu sống, tức là tờ truyền đơn mà đồng bào, đồng chí ta bí mật chuyền cho nhau hồi đó. Nghĩa là cái tờ giấy in lem luốt, vàng ố. Ðó là tài liệu sống. Chúng tôi có thấy tấm phóng ảnh của một tờ như vậy, nhưng nó không rõ ràng, có lẽ vì máy chụp ảnh hồi đó của ta còn thô sơ qua.

      Thắng quay sang Nhề:

      –     Ðồng chí biết không, cứ tưởng tượng giờ mà ta có được một  tờ như vậy, dù nó nhàu nát, vàng ố, nhem nhuốc, ngay cả cho dù không đọc được ra chữ, thì quý biết bao! Nó sẽ là chứng tích sống cho tấm lòng của đồng bào miền Nam, cho lòng trung thành của đồng bào đối với Ðảng, với Bác.

      Quay sang Lục, Thắng xuống giọng:

      –    Anh Lục à, chúng tôi cần sự giúp đỡ của anh.

      –    Anh muốn tôi giúp đỡ gì?

      –   Thì như tôi vừa nói đó, có cách nào anh tìm giúp tôi cái tờ truyền đơn cũ đó.

      Lục ngạc nhiên:

      –   Làm sao mà tôi tìm ra được. Sao anh không hỏi các cán bộ hoạt động nằm vùng trong này. Ở nông thôn, đâu có thiếu. Tôi nghĩ chính họ là những người giữ.

      Thắng xua tay:

      –    Ấy, ấy, khoan vội. Thế này, anh Lục à, chúng tôi làm việc dựa trên quần chúng nhân dân. Cái gì Ðảng không giải quyết được, là Ðảng động viên quần chúng nhân dân giúp tay.  Không phải tôi nhờ một mình anh đâu. Tôi nhờ nhiều người nữa. Nhân dân mà. Một người thì đâu phải nhân dân, phải không anh Lục. Anh có nhiều bạn bè, biết đâu.

      Lục chen vào:

      –     Không đâu anh. Tôi ít giao du lắm.

      –    Tôi nói chưa hết. Ai cũng có bạn bè, phải không nào.  Ai cũng có người thân, phải không nào? Gặp ai mình cũng hỏi, và động viên họ hỏi giùm người khác. Nếu ai cũng có tấm lòng với cách mạng thì ta sẽ có một dây chuyền nhân dân. Nếu thích thì ta cũng có thể gọi đó là mặt trận nhân dân vậy.

      Nhề hỏi:

      –     Ðồng chí có xuống tìm hiểu ở dưới các xã ấp chưa? 

      Thắng cười:

      –   Tôi nhờ nhiều đồng chí làm việc đó từ lâu. Lúc đầu, tôi cứ tưởng hô một cái là có ngay. Ấy thế mà tuyệt không tìm ra. Thế mới gay! Ðồng chí nào cũng nói là ta thắng lợi rồi, thì giữ cái đó làm gì. Họ nói đúng. Họ là những chiến sĩ  chứ đâu có phải sử gia, phải không anh Lục. Mà có cái này này. Hồi ta mới tiếp quản, đồng chí đã có mặt ở đây chưa?

      –     Chưa. Tôi mới được cử vào công tác đợt sau.

      –    Vậy đồng chí có nghe nói mấy cái vụ y như là, ta gọi là “tiêu diệt văn hóa đồi trụy”, tiêu diệt văn hóa Mỹ Ngụy gì đó không? Mấy phong trào ta phát động hồi mới giải phóng đó?

      –    Sao lại không?

      –   Các đồng chí tuyên huấn bên tỉnh ủy bảo tôi là hồi phát động phong trào tiêu diệt văn hóa đồi trụy, văn hóa nô dịch, ta làm quá, đến mức tiêu diệt luôn cả tài liệu cách mạng và những tài liệu cần thiết cho cách mạng luôn. Không khéo có đồng chí hăng quá, đốt luôn cả tài liệu cách mạng không chừng. Bây giờ, nghĩ lại thấy, mấy “ông” thấy tiếc. Cần tài liệu nghiên cứu không có. Thậm chí…ha..ha cần tài liệu để đọc giải trí cũng đành chịu. Tôi vào đây muốn nghiên cứu một tí về nền văn hóa nô dịch, đi lục trong thư viện chỉ thấy leo teo vài cuốn, lại  chỉ là mấy cuốn vô thưởng vô phạt. Thế mới thấy, đâu phải lúc nào chính sách đề ra cũng đúng, phải không anh Lục?

      Lục ậm ờ, không biết phải trả lời sao cho phải.

      Khi tiễn khách ra cửa, đợi cho Thằng đi trước, Lục thú thật với Nhề:

      –     Thấy anh và anh bạn vào tôi lo quá.

      –     Lo gì vậy?

      –     Tôi tưởng có chuyện gì dính dáng đến vụ hôm trước.

      –     Vụ gì?

      –     Vụ tôi bị bắt hàng.

      Nhề vỗ vai anh cười:

      –     Khéo lo bò trắng răng. Có lỗi, nhận lỗi rồi thôi.  Chuyện kinh tế mà, đâu phải chuyện phản động gì mà sợ. Sao, chị đi Nha Trang bao giờ mới về?

      –    Ủa, Hạnh đi Nha Trang à? Tôi đâu có hay. Tôi vẫn tưởng cô ấy đi Sài Gòn như mọi lần chứ.

      –    Lần này chị ấy đi Nha Trang đấy.

      –    Thế à!

      Nhề đùa:

      –    Thế thì anh nên coi chừng đi là vừa. Vợ đi đâu mà mình chẳng hay, không khéo có người bắt mất đó nghe…Mà Sài Gòn hay Nha Trang gì thì cũng thế thôi, phải không?

      Nhề cười ý nhị rồi quày quả theo Thắng bước đi.

      Vào nhà, Lục cảm thấy ân hận vì đã la oan Ðồng. Anh đi quanh nhà, tìm thấy Ðồng ngồi yên lặng ở góc nhà dưới, đang dùng một thanh tre vẽ ngang vẽ dọc trên nền đất. Biết anh đứng đó, nhưng Ðồng vẫn không nhìn lên. Anh nhìn chăm thằng bé. Ðồng ngồi chò hỏ, mặc chiếc quần đùi trắng, sọc xanh mới, ở trần. Hai chân đen đủi với chiếc sẹo tròn ở đầu gối, dấu tích của một lần té nặng vì chơi đá banh. Khuôn mặt thon dài, cằm nhọn, rõ ràng là một bản sao chép trung thành từ anh. Ðôi mắt nhỏ và đôi môi dưới dày, hơi trề ra nhất định là dấu tích của Hạnh. Trước, khuôn mặt tổng hợp ấy mang một vẻ kháu khỉnh dễ thương. Nó gần gũi, thân thiết. Anh vẫn thường ngắm nghía nó, như ngắm chính mình, ngắm một phần của anh hiện lên ở đó. Nó là của anh, từ anh. Nhưng thời gian gần đây, khuôn mặt đó đột nhiên đổi khác. Nó bướng bỉnh, thách thức. Nhất là khi anh la rầy, mắng mỏ. Nó mất đi cái vẻ sợ sệt hồn nhiên ngày nào. Nó sẵn sàng chống lại anh. Một khoảng cách vô hình hình thành giữa hai cha con. Anh cảm nhận một cách sâu sắc cái khoảng cách đó, nhất là khi Ðồng trả lời cho nỗi giận dỗi của anh bằng một sự im lặng gần như tuyệt đối. Nó nhìn anh với một tia nhìn thẳng, gan góc. Anh đau đớn nhận ra rằng nó không còn là vật sở hữu của anh nữa.  Nó đã là một người khác.

      Anh nhìn Ðồng, buồn và giận. Cảm giác bất lực dâng lên tràn trề. Anh bỏ đi. Thấy Phụng và Ngân đang chơi đánh thẻ  ở góc vườn, anh dịu dàng gọi:

      –     Lại đây ba.

      Con Ngân đứng dậy, nhưng thằng Phụng níu lại:

      –     Tụi con đang chơi mà ba.

      Anh nhắc, giọng đanh lại:

      –     Lại đây!

      Cả hai đứa ríu ríu đứng dậy, bước tới. Anh bỗng đổi giọng, cố cho thật dịu dàng:

      –     Thôi, chơi đi.

      Nét sợ hãi, vâng phục trên nét mặt hai đứa nhỏ làm lòng anh dịu lại. Nhưng anh biết rằng  những điều đó chỉ là tạm bợ.  Chúng đang khác. Dù không mãnh liệt, dứt khoát như thằng Ðồng, nhưng rõ ràng chúng cũng đang rời xa anh. Chúng không còn tự động chạy đến ôm vai, bá cổ. Chúng không còn vòi vĩnh, làm nũng với anh. Khi có Hạnh ở nhà, chúng quây quần quanh mẹ. Khi Hạnh đi rồi, chúng tự bày trò chơi với nhau.  Chỉ khi nào anh gọi, chúng mới chạy đến và đợi có dịp là chúng tìm cách rời anh ngay.

      Ðộ này chúng ít gây gỗ nhau hơn trước. Nhất là giữa Ðồng và Phụng. Thường thì ít nhất cũng vài lần trong ngày, thằng Phụng chạy đến phụng phịu với anh vì bị thằng Ðồng ăn hiếp.  Giờ thì không còn nữa. Dường như Ðồng có vẻ biết nhường nhịn em hơn. Và thằng Phụng thì không muốn dựa dẫm vào anh. Anh có cảm giác hụt hẫng.  Ngay cả đám con cũng không cần đến anh. Thế giới của chúng thay đổi.  Nó thay đổi luôn vị trí của anh trong gia đình. Nó gặm mòn quyền uy của anh.  Anh vùng vằn chống đỡ, níu kéo. Nhưng yếu dần.

*

      Tần cầm chai rượu còn lưng lửng đáy, chầm chậm rót vào chiếc ly kề bên anh. Ðược một chút, anh dừng, nhìn lại phần rượu còn trong chai, rót tiếp vào ly khác. Ðến ly cuối, anh chúc ngược cổ chai xuống, để cho phần rượu còn sót bên trong phải chui ra. Từng giọt rượu khiêm tốn, chậm chạp hình thành rồi miễn cưỡng rơi vào ly. Tần để mạnh cái chai xuống bàn, cười:

      –     Hết! Nào, trăm phần trăm. Không ai được quyền để sót một giọt nào trong ly.

      Sáu người bưng ly lên, nhưng không ai muốn uống cạn.  Lục ngửa cổ, uống hết ly của mình, rồi đột ngột đứng dậy:

      –     Cạn chén hết đi. Tôi sẽ trở lại.

      Mọi người nhìn Lục, ngạc nhiên, nhưng không ai thắc mắc, cản trở. Tuấn chạy theo, rút ra mấy đồng bèo nhèo, dúi vào tay Lục:

      –    Còn mấy đồng, cho tao hùn với.

      Lục cương quyết:

      –    Cất đi. Tao lo.

      Tuấn tần ngần cất tiền vào túi, trở vào. Mấy người cười đùa vui vẻ, kháo nhau:

      –    Thằng Lục bữa ni chịu chơi quá sá! Bao trọn.

      –   Mà hắn mô có hề uống nhiều. Sao bữa nay uống hăng dữ!

      –   Chắc vợ hắn trúng mánh. Hay là có chuyện gì vui?

      –    Cái thằng cũng tội. Cứ lui cui ở nhà, đợi vợ.

      –    Bộ ông hơn gì. Cũng bám đít vợ chứ thua ai.

      –    Bậy nào. Tao còn chạy quanh.

      –    Thôi đừng có chạy quanh nữa. Tao thấy ông có khi mô có đồng nào trong túi đâu.

      –     Sao không?

      –    Có thì đi mua giùm thêm một “xị” nữa coi.

      –    Thôi mà, thời buổi này thắt nhau làm gì. Ai bao được thì bao. Vấn đề là được ngồi với nhau. Uống rượu một mình thì có chi vui.

      Lục trở lại. Anh lôi từ cái túi xách nhỏ đặt lên bàn lít rượu đầy chấm nút, chục gói đậu phụng, một xâu nem, hai gói Ðà Lạt. Những đôi mắt thèm rượu sáng lên long lanh, rạng rỡ.  Không ai thốt ra lời nào, nhưng tưởng như mọi người cùng hào hứng la lên: “Trời, đã quá!”. Cuộc nhậu lai rai tiếp tục. Lý cạn ngay chén đầu, khề khà:

      –     Này, ông Lục, ông cho anh em biết đi, ông mới trúng mánh, phải không?

      Lục cũng cạn chén, cười:

      –    Tôi làm gì mà trúng mánh. Thích thì nhậu thôi. Nào, vô đi.

      Giọng anh nghe đã nhừa nhựa. Anh rót tiếp rượu vào ly mình, châm thêm cho ly bạn. Tần vừa nhắp rượu vừa gõ tay lên bắp chân, hát nghêu ngao:

Cuộc đời vẫn đẹp sao

      Tình yêu vẫn đẹp sao

      Dù đạn bom man rợ thét gào

      Dù thân thể triền miên mang đầy thương tích

      Dù cho thất bại trên đường chiến dịch

      Ta vẫn còn cùng nhau một ánh trăng rằm

      … … … … …

Lý ca tiếp:

Cuộc đời vẫn đẹp sao

      Tình yêu vẫn đẹp sao

      Miễn là còn bạn chơi

      Miễn là còn rượu nhậu

      Miễn là còn đậu để ăn

      … … …

      Giọng ca Lý khàn đục, trật “tông”, đổi lời, nhưng chân thật. Lý trông thật tội, Lục nghĩ. Lúc nào cũng kích động, cũng ồn ào, thích hát hò lẩm cẩm y như thể rất khoái chí với cuộc đời. Nhưng anh biết Lý rất buồn. Buồn quá đến chai lì đi. Còn anh, nỗi buồn mới rướm, còn tươi, hứa hẹn nhiều đột biến khác không lường trước được. Anh lại nâng ly mời mọi người.  Không đợi ai hưởng ứng, anh đã cạn. Người xưa nói đúng. Rượu làm mềm môi. Lần đầu tiên, anh cảm thấy môi mình mềm đi, mềm thật. Giờ anh uống vào cứ như nước. Không cay.  Không nghẹn. Không ngập ngừng, dè dặt. Thích rót. Thích nâng ly. Rượu rơi vào ly sóng sánh. Rượu nâng lên như chứa đựng một niềm vui. Và uống. Uống. Thấm thía với cái cay nồng lan khắp châu thân. Mắt hoa đi. Bóng người mờ nhạt, lung linh trước mắt. Như mơ như thật. Ðầu óc chờn vờn. Anh nghe giọng Phong rất hùng hổ:

      –    Nào, hãy cạn ly để cám ơn những bà vợ anh hùng, đã xả thân chạy chợ để cho chồng được ngất ngưởng say.

      Giọng Tần:

      –    Trước mắt, hãy cám ơn bà Lục. Nhờ bà mà ta có cuộc rượu hôm nay.

      –     Ðúng!

      –     Ðúng!

      Lý ngâm:

Quanh năm buôn bán ở mom sông

      Nuôi đủ năm con với một chồng

      Lặn lội thân cò khi quãng vắng

      Eo sèo mặt nước buổi đò đông

      Hãy hoan hô một hình ảnh của bà Trần Tế Xương thời hiện đại.

      Lục đột ngột dằn ly xuống:

      –    Các ông im đi!

      Tưởng Lục đùa, Lý định nói tiếp, nhưng khi thấy đôi mắt Lục đỏ ngầu, mày mày trở nên bặm trợn khác thường, Lý dừng lại.

      –    Gì vậy Lục, say rồi phải không? Tuấn lo lắng hỏi.

      Lục nói, giọng lè nhè, nhưng không dấu được vẻ chua chát:

      –    Làm sao mà say được. Say thì làm sao mà biết được cuộc đời hay hay dở. Chỉ có các ông say, còn tôi làm sao mà say được.

      Lục rót tiếp ly khác, nhưng khi đưa lên môi định uống tiếp thì ngả xuống, vai chạm mạnh vào chiếc ghế dựa để gần đó.  Cốc rượu nghiêng ngửa sắp đổ, may mà Tuấn ngồi bên kịp thời giữ lại. Lục cố gượng dậy:

      –    Cứ uống đi. Hết rượu thì tao còn tiền trong túi đây.

      Anh moi trong túi ra mấy đồng bạc để ra giữa sàn, rồi cố lục tìm nữa, nhưng không còn đồng nào. Anh gục gặt đầu:

      –    Thôi thì còn chừng nào xài chừng đó.

      Cơn say đẩy đầu anh chúi xuống. Nhưng anh cố gượng:

      –    Ông nào tìm được bản cương lĩnh chính sách mười điểm của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng thì cho tôi biết. Phải là cái tờ truyền đơn ấy. Tờ truyền đơn “rin” hồi đó. Nó phải nhàu nát, bạc màu, phải…

T.D.N.

Comments are closed.