Dặm trường (kỳ 14)

Trần Doãn Nho

CHƯƠNG 40

Hạnh đánh răng rửa mặt xong thì cũng đúng lúc thông báo đặc biệt về việc đổi tiền được truyền đi qua loa phóng thanh đặt trên các toa tàu. Nhân viên của một đội công tác gọi là “Ðội đặc nhiệm đổi tiền cho khách vãng lai” đi các toa phân phối tờ đơn đổi tiền, hướng dẫn, giải thích cách thức đổi tiền.  Quất nói:

      –     Bọn họ đã bí mật lên tàu từ ga Mường Mán hồi nửa khuya.

      Cả tàu nhốn nháo. Nhiều người hoảng hốt chạy quanh.  Một số khác mếu máo, khóc lóc. Dù cơn sốt đổi tiền đã  diễn ra suốt mấy tuần nay, nhưng nhiều người không tin, vẫn giữ nhiều tiền mặt. Bây giờ mang tiền ngồi trên tàu thì thật là vô kế khả thi. Những con buôn như Hạnh, chẳng mấy ai giữ tiền mặt, nên chỉ có xôn xao đôi chút lúc đầu, rồi bình thản trở lại. 

      Công tác đổi tiền diễn ra chậm chạp. Khách trên tàu đã đông, lại đủ thành phần. Chỗ chèn làm việc chật chội, không thuận tiện, khách di chuyển khó khăn. Lúc đầu, chỉ có nhân viên đội công tác làm việc, nhưng đến trưa, thấy tình hình không mấy khả quan, nên họ yêu cầu sự tiếp tay của nhân viên tàu và cả công an cơ động. Hạnh còn hơn bảy ngàn, đưa cho Quất đổi ngay trong những giờ đầu. Cảm giác đầu tiên của nàng khi cầm những tờ giấy bạc mới tinh là vui. Cả một cọc tiền cất nặng túi được thay thế bằng mười mấy tờ 50 đồng gọn bưng, xếp vừa vặn trong chiếc ví nhỏ. Nàng nhủ thầm: thế cũng hay, bán cả cây vàng mang đi quá dễ, có thể cất gọn gàng trong người.

      Nhưng cảm giác vui vẻ đó không tồn tại lâu. Khi tàu dừng lại ở Nha Trang, nàng xuống ga tìm gánh bún. Sân ga vắng tanh, tuyệt không có một bóng người. Không bún, không cà phê, không hàng rong.  Chỉ có nắng và rác. Hóa ra mọi người bận ở nhà đổi tiền. Ðành phải vào cửa hàng. Cửa hàng cũng vắng hoe. Chỉ có một nhân viên ngồi ngáp vắng ngáp dài. Ðưa tờ năm chục đồng ra, cô ta lắc đầu. Lấy cái gì mà thối đây?   Tờ bạc hốt nhiên trở nên nặng nề khác thường. Năm chục mà là năm trăm. Tiền chục, tiền năm và tiền một đồng quá ít. Mà ngay cả cầm tờ một đồng cũng không dễ mua được gì, vì trị giá nó vẫn là mười đồng. Nhưng dù sao, nó cũng dễ lưu hành nhất.  Trên tàu, người ta chỉ tiêu những thứ lặt vặt, trị giá một đến hai đồng tiền mới: vài quả trứng gà luộc, một phần cơm, chai nước ngọt, gói thuốc chẳng hạn. Tình hình hoàn toàn bế tắc, vì có tiền mà không mua được, có hàng mà không bán được. Toa cung ứng trên tàu, ngoài việc phục vụ cho nhân viên, đành phải ngồi chơi, chịu trận.

      Ðến quá trưa, trong giới con buôn, đột nhiên truyền miệng nhau một “đường dây” đổi tiền lẻ: 50 đồng lấy 49 đồng tiền lẻ. Nghĩa là để có tiền lẻ, phải chịu mất đứt một đồng.  Hạnh chấp nhận ngay, đang hỏi dò chỗ đổi, thì Quất cản:

      –     Ðể đó anh lo. Dại gì mất toi một đồng.

      –     Nhưng làm sao mình ăn cơm và tiêu vặt đây?

      Quất kéo tay nàng:

      –     Ði với anh!

      Hạnh theo Quất, lòng phân vân không biết anh ta tính toán cách nào. Anh ghé tai Hạnh:

      –     Tới toa cung ứng, em thích gì cứ kêu, cứ ăn. Anh sẽ ký sổ mắc nợ giùm em. Ðâu có sao. Tụi mình làm ăn chung mà, sợ gì. Phải không nào?

      Nghe cũng có lý, Hạnh đồng ý ngay. Tuy thế, khi ăn xong, nàng nghĩ ra một giải pháp có vẻ “ổn thỏa” hơn: nàng đưa hẳn cho nhân viên toa cung ứng tờ 50 đồng, ăn ghi sổ, rồi trừ dần đến khi nào hết thì thôi. Quất cười:

      –     Em chu đáo quá! Bộ anh không bao em được  sao?  Thôi, cô Tuyết à, đừng nhận 50 đồng của Hạnh. Tiền đó coi như tôi nợ.

      Hạnh lắc đầu:

      –     Ðâu có được. Tính mình ưa sòng phẳng. Chuyện này Quất nên đứng ngoài. Chị Tuyết giữ giùm mình tờ 50 đồng này đi. Mình còn đi tàu này nhiều lần mà.

      –     Không, để anh bao!

      Hạnh hỏi thắng:

      –     Liệu có bao mãi được không?

      –     Sao không. Bao em luôn cả đời đấy. Chỉ sợ…

      Hạnh  cười duyên:

      –     Sợ gì?  Sợ chị ấy hả?

      Quất nói lãng:

      –     Thôi, coi như xong đi. Nào ta về toa đi.

      Hạnh cất tờ 50 đồng vào túi. Quất nói:

      –     Sau chuyến này, anh nghỉ phép  năm đấy. Em liệu có đi tiếp thì đi, mà không thì về nhà nghỉ một thời gian.

      –     Thế à? Ở nhà hú hí với vợ con, thích nhỉ?

      –     Hú hí thì lúc nào chả hú hí, cần gì phải đợi đến phép năm. Anh định đi Ðồ Sơn chơi.

      –     Ðồ Sơn là chỗ nào vậy Quất?

      –     Ðồ Sơn là bãi biển Ðồ Sơn ấy mà, em không biết sao?

      –     Ở đâu?

      –     Ở Hải Phòng.

      –     Ồ, Hải Phòng. Mình nghe nói đến Hải Phòng nhiều.  Mình biết bài hát “Hải Phòng hoa phượng đỏ”, mình thích lắm.  Gì mà “Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ, ôi Hải Phòng thành phố thân yên..”., phải không? Té ra Hải Phòng cũng có hoa phượng đỏ như Huế mình. Nhưng chẳng biết nó có đẹp như Huế mùa hè không. Trời, Quất chưa vào Huế chơi mùa hè đó.  Hoa phượng nở rợp trời, đẹp hết ý. Quất có biết bài hát của Trịnh Công Sơn “ Mưa hồng” không?

      –     Anh có biết bài gì gọi  là “xưa” đó, cái gì xưa nhỉ?

      –     Diễm xưa.

      –     Ðúng, “Diễm xưa”.

      –     Mà “diễm xưa” là cái gì nhỉ?

      –     Quất tệ thì thôi. Diễm xưa mà không biết là gì.

      –     Ai mà biết. Bộ Hạnh biết à?

      –     Sao không? Thì “diễm xưa” là…là là…ờ mà là cái gì nhỉ? Hình như mình có biết mà giờ quên rồi.

      Quất vuốt má Hạnh:

      –     Thấy chưa! Tưởng giỏi!

      Hạnh ngượng nghịu nói lảng:

      –     Bài “Diễm xưa” cũng hay mà bài “Mưa hồng” cũng hay.  Quất có biết vì sao gọi là mưa hồng không?

      –     Làm sao biết được. 

      –     Mưa hồng là hoa phượng rơi ngập trời như một trận mưa màu đỏ vậy. Chỉ có chứng kiến cảnh phượng rơi ngập trời như vậy mới hiểu được ý của bài hát.

      –     À, thì ra thế. Cái bọn nhà thơ lắm tưởng tượng. Mưa hồng với chả mưa hồng. Anh thì chỉ thích mưa tiền. 

      Hạnh chép miệng, gật gù:

      –     Có lẽ thế. Mưa hồng là chuyện của ngày xưa rồi. Giờ mình cũng chẳng thấy mưa hồng hay mưa xanh gì nữa cả.  Mình cũng quên bẵng là Huế bữa này có còn hoa phượng không nữa. Mà này, Quất về đó dẫn bà ấy đi tắm biển, thích nhỉ?

      –     Không đâu. Thực chất là anh về tìm đường làm ăn dưới ấy.  Nói về Ðồ Sơn là nói cho nó… nó cao cấp thế, chứ về Ðồ Sơn làm quái gì. Về cảng. Cảng Hải Phòng lớn lắm, đồ ngoại tùm lum. Có cả công ty xuất khẩu. Anh về dưới ấy liên lạc với bà Lý xem thử có thể chen vào một khâu làm ăn nào không.  Làm ăn với ngoại thương, không trúng quả thì thôi, chứ trúng thì đậm lắm. Em có thích về dưới đó  thử cho biết không?

      Hạnh nói:

      –     Mô được. Chuyến này trở vào, mình phải ghé nhà.

      Quất nhìn thẳng vào mặt Hạnh, đùa:

      –     Lại nhớ ông xã rồi, phải không?

      –     Ừ, thì nhớ chứ sao không. Nhớ mấy đứa nhỏ. Cả tháng rồi chứ có ít đâu, để xem, mình đi từ hôm mồng mười tháng rồi, bây giờ mà mồng mấy nhỉ, mồng 5 hay sáu, mồng sáu.  Ngót một tháng rồi. Quất về dưới đó bao lâu?

      –     Xuống đó có vài hôm à. Ðâu có ở lâu làm gì. Từ Hà Nội về Hải Phòng có mấy tiếng đồng hồ.

      Hạnh im lặng, nhìn ra ngoài. Tàu đang chạy qua những cánh đồng trơ cuống rạ, ngập nước lúp xúp. Mặt nước phản chiếu ánh mặt trời xế trưa hắt vào mắt, ran rát. Nàng đưa tay dụi mắt, quay vào, thấy Quất đang nhìn chăm, mỉm cười.

*

      Tàu đến ga Vinh xế chiều ngày hôm sau. Quất bảo:

      –     Tàu dừng lâu vì  có nhân viên bảo trì kiểm tra lại máy móc.  Em muốn đi đâu thì đi.

      Tàu vừa dừng bánh, Hành xuống ngay. Nàng mua một xô nước rửa ráy mặt mày tay chân xong, rồi đi lửng thửng về cổng ga. Mới đi được một đoạn, thì Quất từ trong văn phòng ga, hớt hải chạy tới. Anh thở hổn hển, nói:

      –     Trở lại tàu mau. Tụi nó sắp “tuôn” hàng.

      Nàng sửng sốt:

      –     Sao lại tuôn hàng? Không phải sửa chữa máy móc à?

      –     Thôi, về đi. Giải thích sau.

      Quất chạy đi ngay. Hạnh hối hả chạy theo, vấp té mấy lần trên sân ga lổn chổn những đá, gỗ, cọc sắt nằm rải rác. Quất  đứng đầu toa, lên giọng loan báo:

      –     Yêu cầu các đồng chí và các bạn, ai ở chỗ nào ngồi yên chỗ đó. Ðồ đạc, hàng hóa, ai nấy giữ. Ðội kiểm tra cơ động trung ương sắp lên tàu làm việc. 

      Qua cửa sổ tàu, Hạnh nhìn thấy một đoàn công an – thuế vụ dàn hàng ngang tiến về tàu. Ðoàn người từ tốn bước đều, nghiêm nghị, ung dung. Khi cách tàu chừng vài mét, đoàn người tách thành từng nhóm. Một tiếng còi đột ngột ré lên. Họ đồng loạt ào ạt nhảy lên tàu. Chỉ trong nháy mắt, cả đoàn tàu bị khống chế. Tàu chết sững. Mọi người kinh hoàng, nín thở.  Hạnh đứng lùi lại, nép sát người vào thành toa. Có đến tám người trong toa. Bằng một thái độ hung bạo và dứt khoát, họ lần lượt lôi ra những xách hàng, bao hàng, những gói đồ, đưa tay nắn bóp chung quanh hoặc mở ra xem qua loa rồi hỏi: “của ai?” hoặc “đã đóng thuế, đóng cước chưa?”.  Không đợi câu trả lời, họ tức tốc ném ngay hàng qua cửa sổ. Người ở dưới đỡ bịch hàng rồi ném ra khoảng đất trống phía sau. Tám người mặt mày đằng đằng sát khi, trông như những hung thần, bước lui, bước tới, nhảy lên ghế, lôi hàng, giựt hàng, ném ào ạt qua cửa sổ. Khóc lóc, mặc! Năn nỉ, ỉ ôi, mặc! Hàng đổ tung toé trên sàn tàu, dưới đất. Các đống hàng cao dần thành những hòn núi nhỏ dọc theo đường ray. Nhiều bà tiếc của, cố níu theo xách hàng, không buông. Mấy tay công an phải xúm lại, người đè, người kéo xách hàng, giựt ra, ném xuống. Có bà nhảy luôn qua cửa sổ theo hàng rơi xuống đất, ôm luôn bao hàng lăn tròn không chịu buông. Các nhân viên an ninh ga phải tiếp tay đến kéo bà ta đi chỗ khác. Bà ta vùng vẫy dãy dụa, vừa vùng vừa la, khóc, chưởi mắng tùm lum.

      Làm sạch trên tàu, dưới gầm xong, họ lục soát phòng kiểm soát viên. Một tay công an lật giường nằm lôi ra hai xách thuốc lá, mở tủ áo quần, lấy thêm một xách nữa. Anh ta dùng thanh sắt, nạy trần tàu, tìm thấy hơn chục tút thuốc dấu bên trên. 

      Ðội tuôn hàng làm việc y như tiến hành một cuộc tập kích quân sự vào đồn địch. Nhanh chóng, tàn khốc, quyết liệt. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, họ hoàn thành công tác. Các toa trống hẳn. Hàng hóa chất thành từng núi cao nằm dọc theo đường ray. Một tiếng còi vang dài. Các công an, thuế vụ rút xuống đất, sắp thành những vòng cung bao quanh các núi hàng trong lúc những toán công nhân đường sắt lần lượt chuyển hết hàng vào kho.

      Hạnh đứng nhìn cảnh tuôn hàng y như  trong mơ. Lúc đầu, nàng đau xót, bần thần, điên tiết. Nhưng cuối cùng mất hết cảm giác. Ðôi mắt lạc thần. Nàng đứng bất động như tượng đá.  Toán tuôn hàng đã xuống rồi, nàng vẫn còn đứng đó. Một lúc sau, tỉnh lại, nàng run rẩy bước tới đầu toa, gục mặt, khóc ngất.  Thế là hết!  Hết hẳn.

      Một ai đó đập nhẹ vào vai nàng. Nàng thẫn thờ quay lui.  Quất buồn rầu nói:

      –     Anh có gửi một ít ở toa cung ứng. Không biết sự thể ở đó ra sao.

      Hạnh hỏi:

      –     Xong rồi sao?

      Quất gật đầu, quay đi. Nàng đờ đẫn bước vào toa. Hành khách đang thu dọn lại hành lý, bàn tán sôi nổi. Một số người không ngớt chưởi thề. Một số khác khóc. Khung cảnh tan tác, mệt mỏi và chán chường như chiến trường sau một trận chiến ác liệt. 

      Quất trở lại, nhìn Hạnh, thở dài:

      –     Mất sạch. Bọn chúng lục lạo mọi nơi, không để sót  một chỗ nào.

      Hạnh ngơ ngác:

      –     Thế à!

*

      Một thông báo đặc biệt được lập đi lập lại qua hệ thống loa phóng thanh của ga cho biết: đợt kiểm tra hàng hóa đột xuất  trên tàu Thống Nhất 4 được thực hiện bởi toán  công tác hỗn hợp công an – thuế vụ-giao thông đường sắt nhằm bảo đảm cho các quy định của nhà nước về việc lưu thông hàng hóa bằng tuyến đường sắt. Tất cả các hàng hóa được tạm lưu giữ  tại ga Vinh sẽ được trả lại cho chủ hàng. Ai muốn nhận  lại hàng hóa của mình, tiếp xúc với trạm thuế Công Thương Nghiệp ga, mang theo đầy đủ giấy tờ chứng minh gồm có: giấy đóng thuế, cước chuyên chở và các hóa đơn mua hàng liên hệ.

      Nghe xong, Hạnh mừng.  Rồi thất vọng.  Mừng vì hàng vẫn còn đó. Thất vọng vì nàng chẳng có giấy tờ gì chứng minh cả.  Làm sao mà có giấy tờ cho được! Hàng hóa lậu thuế, lậu cước. Vả lại, hàng của nàng, thuốc lá, là hàng ngoại, thuộc diện “quốc cấm”, thành thử có muốn đóng thuế cũng không được.  Chẳng hy vọng gì lấy hàng ra một cách hợp pháp. Gặp Quất ở cửa toa, nàng buồn bã nói:

      –     Mình ở lại.

      –     Ðể làm gì?

      –     Không lẽ bỏ đi. Mà đi đâu? Còn gì nữa mà đi.

      Quất cắn môi, suy nghĩ rồi bảo:

      –     Em định làm gì?

      –     Mình tìm đường để chạy hàng ra.

      –     Không dễ đâu. Theo anh biết, chuyến này họ muốn lấy hết.

      Hạnh cương quyết:

      –     Mình không thể bỏ được. Còn nước còn tát.

      Quất thở dài:

      –     Em muốn thì cứ ở lại. Nhưng em định ở đâu?

      –     Mình chưa biết. Quất có quen ai đây không?

      –     Có, nhưng hắn chẳng có nhà cửa gì ở đây cả.

      –     Không sao, cứ giới thiệu cho mình. Mình sẽ tìm cách.  Ðây có nhà trọ không?

      –     Có. Nhưng phức tạp lắm.

      –     Không sao.

      Quất tần ngần nhìn nàng, lắc đầu. Tàu hú còi. Hạnh dứt khoát:

      –     Quất đi đi. Mình tự lo được.

      Quất không nói gì, vội vàng quay bước. Ði được một đoạn, anh quay lại, nói:

      –     Ðến Hà Nội giao ca xong, anh sẽ trở vào.

      Hạnh bước đi như người mất hồn, chẳng buồn nghe Quất nói những gì.

*

      Tàu chạy rồi, Hạnh mới hốt hoảng. Nàng quên hỏi tên của người quen của Quất. Cũng quên cả hỏi mượn thêm tiền để phòng khi cần. Chỉ còn bảy ngàn trong túi, làm sao dủ để chuộc ra một lô hàng ba cây. Ði giữa sân ga mênh mông, xa lạ, nàng cảm thấy mình lạc loài, chẳng còn một chỗ tựa nào.  Nàng rảo bước đi quanh. Những người ở lại lơ ngơ láo ngáo nhìn nhau, mặt mày bần thần. Họ tụ lại từng cụm năm, ba người, nhỏ to than thở. Ai cũng chưa ra khỏi trạng thái bàng hoàng. Có lẽ không ai biết phải làm gì.

      Nàng tiến lại  gần một chị có dáng dấp của một “con phe” Hà Nội, hỏi:

      –     Hàng chị cũng bị tuôn?

      –     Vâng. Cô cũng thế à!

      Hạnh đoán đúng, giọng chị ta “rặt” Hà Nội. Chị ta tiếp:

      –     Mẹ kiếp!  Bọn chúng hỏi giấy tờ, tôi lục bóp, chưa kịp tìm ra thì bọn chúng đã ném hàng xuống.

      Một người đàn bà khác đứng gần đó, nói chen vào:

      –     Cái bọn khốn nạn. Chúng làm như giời đất này là của chúng. Chúng tuôn hàng lậu không nói làm gì. Ðàng này, hàng có đóng thuế cước chúng cũng tuôn. Phen này, ra Hà Nội, tôi phải kiện cho chúng nó biết tay. Chúng nó bảo là làm theo chính sách. Chính sách cái con mẹ gì. Nhà nước ta đâu có cái chính sách kiểu đó. Chính sách một, chúng nó làm thành mười.

      Hạnh hỏi:

      –     Vậy bác có giấy tờ gì chứng minh không?

      Người đàn lục bóp, lấy ra mấy tấm giấy:

      –     Sao lại không.  Nhưng chúng nó có xem đâu.

      –     Có giấy tờ thì vào trạm nhận lại được mà.

      –     Nhưng mà chúng chất từng đống như thế kia, biết đâu mà tìm?

      Hạnh hỏi:

      –     Bác đi hàng gì?

      –     Linh tinh.

      –     Bác đóng thuế hết tất cả à?

      –     Ai mà dại thế. Ðóng thuế hết thì thà mang tiền cho chúng nó ăn cho khỏe, đi buôn làm gì?

      –     Vậy hàng không đóng thuế, làm sao lấy ra?

      Người đàn bà thở dài:

      –     Ấy, ấy. Thế mới phiền. Phải đút cho chúng nó ăn, không thì gay đấy!

      Thấy người ta lục tục đi về trạm thuế, nàng cũng bước theo. Tại đây, đã có hàng chục người đứng ngồi, chầu chực.  Nàng xin một mẫu giấy khai báo hàng hóa, xem thử. Mẫu đơn đòi  hỏi phải cung cấp đủ thứ chi tiết về lý lịch, số lượng hàng hóa, loại hàng, trị giá, nơi mua, nơi đóng thuế gốc, nơi cung cấp, ghi chú các chi tiết về bao bì. Ðọc xong, nàng chán nản, ngồi phịch xuống chiếc ghế dài đặt phía ngoài trạm, sát bức tường thành cao, loang lổ. Một số người được kêu vào văn phòng. Họ trở ra với nét thất vọng tràn trề trên khuôn mặt.  Thấy một người đàn ông trong áo quần bộ đội bước ra, nàng đứng dậy, hỏi khẽ:

      –     Tình hình thế nào, chú?

      –     Tôi mua một ít hàng cung cấp cho đơn vị, có giấy tờ đầy đủ, nhưng họ buộc đơn vị phải làm văn thư chuyển vào mới giải quyết.

      Người đàn bà mới nói chuyện khi nãy với nàng, bước vào.  Không đầy ít phút sau, bà ta bước ra, mặt mày giận dữ. Nàng hỏi:

      –     Thế nào bác?

      –     Mẹ kiếp! Nó bảo cứ điền đơn để đó, cứu xét sau.  Hàng hóa đã bỏ vào kho niêm hết rồi.

      Cứ thế, người này ra, người kia vào. Một hồi lâu, người ta chua chát nhận ra một điều: trạm không muốn giải quyết một trường hợp nào cả. Cho dù có muốn giải quyết cũng không thể được, vì cả mấy núi hàng lẫn lộn nhau, làm sao có thể nhất thời xác định được hàng nào là hàng nào, của ai. Mọi người tuyệt vọng nhìn nhau, im lặng. Hạnh ngồi xuống, ôm đầu.  Một âm vang sâu thẳm lập đi lập lại trong đầu nàng: hết rồi, hết sạch rồi. Không còn gì nữa. Vàng. Xe. Tài sản, vốn liếng.  Tiền mượn, tiền vay, tiền để dành. Hình ảnh chồng con chập chờn nhảy múa, hư huyễn.  Làm sao đây,hỡi trời!        

       Trời tối. Sân ga vắng vẻ. Ánh đèn vàng nhạt, chỗ có chỗ không, để lại những mảng sáng tối không đều trên khoảng đất rộng lổn chổn đủ thứ vật liệu bừa bãi. Sau khi nuốt vội vài miếng đồ ăn và ráng uống hết cốc bia vại Trúc Bạch ở cửa hàng ăn, nàng trở lại trạm, kiên nhẫn ngồi đợi. Chờ cho đến khi người khách cuối cùng bước ra, nàng rón rén bước vào. Phòng nhỏ, nhưng khá tươm tất. Bàn có lót kính. Ghế ngồi là một cái ghế xoay, tuy cũ nhưng trông còn chắc chắn. Có lẽ là loại ghế Mỹ mang từ miền Nam ra. Người đàn ông ngồi đó, đứng tuổi, mặt mày thoạt trông không mấy thiện cảm. Da đen, lấm tấm mụn đỏ. Một cái sẹo cỡ chừng hơn đốt ngón tay chạy từ giữa cằm sang một bên môi dưới, nên miệng trông hơi méo. Nàng nản. Nàng chìa gói thuốc samit mở sẵn trước mặt người đàn ông. Ðợi ông ta lấy xong một điếu, nàng để trên bàn, đưa tay đẩy nhẹ về phía ông ta. Nàng nhìn ông ta cười, giữ giọng cho thật duyên dáng, nói:

      –     Dạ, chào anh. Em tên Hạnh, từ miền Nam ra. Em xin phép hỏi anh, anh là trưởng trạm ở đây, phải không ạ?

      Hình như ông ta đã quá quen với giọng điệu của nhiều người đến đây năn nỉ, xin xỏ, nên ném ra một câu khô khốc:

      –     Chị cần gì?

      Nàng khựng lại, nhưng vẫn giữ nụ cười. Giọng nàng nghe ngọt lịm:

      –     Công tác ở đây cũng bận bịu lắm, anh nhỉ?

      Người đàn ông không nói gì, châm thuốc hút. Ông ta phà ra một cụm khói bay vòng vèo trong phòng. Khuôn mặt ông ta hơi giãn ra. Nàng hỏi:

      –     Anh công tác ở đây chắc cũng lâu rồi?

      Ông ta để điếu thuốc trên cái gạt tàn bằng gỗ, ngẩng nhìn:

      –     Ðiều đó thì quan hệ gì đến chị?

      Hạnh nhoẻn miệng cười, mắt long lanh:

      –     Ðâu có. Em hỏi cho biết vậy mà. Em có một người anh bà con cỡ tuổi anh hiện công tác ở Ngân Hàng Trung Ương Hà Nội. Anh em mà đến mấy chục năm mới gặp nhau đó anh.  Anh ấy đi tập kết từ hồi 1954. Anh chắc cũng ở vùng này?

      –     Sao chị biết?

      –     Em đoán thôi, nhờ giọng nói. Thành phố Vinh này lớn thật. Em muốn đi nhiều nơi cho biết, nhưng chưa có thì giờ.  Khi nào có dịp, anh giúp em đi chơi được không?

      Người đàn ông chợt bật cười:

      –     Chị này đến lạ! Làm sao tôi lại có thể đưa chị đi chơi được. Mà lại, thành phố Vinh này buồn lắm, có gì đâu mà đi.

      –   Mỗi thành phố có một nét đẹp riêng. Nghe nói chợ Vinh cũng lớn lắm phải không anh?

      –     Thì cũng có lớn thật đấy, nhưng chả bằng trong miền Nam đâu.

      –     Anh nói thế chứ, đâu cũng có chỗ lớn chỗ nhỏ. Như chợ Ðông Ba trong vùng em chẳng hạn, ai nói đến Huế cũng nhắc đến chợ Ðông Ba, chứ nó mô có lớn. Nhỏ chút xíu hà.

      Giọng người đàn ông bây giờ có hơi vui:

      –     Chợ Ðông Ba là ở Huế, phải không?

      –     Dạ, chợ Ðông Ba là chợ lớn nhất ở Huế. Anh có bao giờ vô trong đó chưa?

      –     Chưa. Tôi mới vào có Sài Gòn.

      Hạnh reo nhỏ:

      –     Thế là anh có đi ngang Huế của em rồi. Lần sau, anh có đi công tác trong Nam, ghé em chơi. Nhà em ở Thành Nội.  Em sẽ chở anh, à không, em cho anh mượn xe đi thăm lăng tẩm, chùa chiền, thăm Ðại Nội. Anh biết không, Huế có nhiều nơi đẹp và thơ mộng lắm.

      Cửa bỗng mở. Một nhân viên bước vào:

      –     Báo cáo đồng chí thủ trưởng, có đồng chí bên Ðường Sắt cần gặp.

      –     Nói đồng chí đợi một lát. Chị, bây giờ tôi có nhiều việc cần phải giải quyết. Tôi thích nghe chuyện Huế lắm, nhưng ta để dịp khác. Bây giờ thì chị cần gì?

      Giọng Hạnh đột nhiên trở nên sướt mướt:

      –     Anh, anh giúp em, anh làm ơn giúp em. Hàng hóa em bị tuôn hết trơn hồi chiều. Tất cả vốn liếng em để vào đó hết.  Toàn gia đình em hoàn toàn dựa vào đó. Anh ráng giúp em, rồi sau đó, anh muốn…muốn gì ở em, em cũng chịu hết. Anh, giúp em đi anh.

      Hạnh đứng dậy, đi vòng phía bên bàn, tiến đến gần người đàn ông, mắt nhìn ông ta tha thiết. Chưa bao giờ nàng cảm thấy mình bạo dạn và tình tứ đến như thế. Ông ta dùng chân đẩy chiếc ghế thụt lùi một khoảng, sửng sốt nhìn người thiếu phụ lạ đang bước tới. Ông ta đưa tay kéo hộc bàn, tay kia đưa lên, ra dấu ngăn lại, miệng lắp bắp:

      –     Chị…cô dừng lại.

      Hạnh giật mình, dừng lại, miệng vẫn mỉm cười. Người đàn ông chỉ chiếc ghế, giọng rắn lại:

      –     Chị ngồi xuống kia đi. Ðây là cơ quan nhà nước.

      Hạnh nghe lời bước lui lại ghế của mình, nói:

      –     Em xin lỗi anh về tội đường đột. Nhưng xin anh thông cảm cho hoàn cảnh của em.

      Người đàn ông hỏi:

      –     Sao, chị đi hàng gì?

      –     Dạ, thuốc lá.

      –     Ngoại?

      –     Dạ.

      –     Bao nhiêu?

      –     Dạ, khá nhiều.

      –     Thì nhiều là bao nhiêu?

      –     Dạ, 50 cây  Ba số, Jet, Craven A.

      –     Có giấy tờ gì không?

      –     Dạ, dạ không.

      –     Bao bì thế nào?

      –     Chỉ có hai xách. Số còn lại không có bao bì gì hết.

      –     Xách màu gì?

      –     Màu xanh đậm.

      –     Chị đi xe nào?

      –     Xe 8, Thống Nhất 4.

Người đàn ông ngẫm nghĩ, rồi vỗ trán nói:

      –     Gay đấy. Ðang mùa chiến dịch.

      –     Dạ, anh nói gì? Chiến dịch gì vậy anh?

      –     Không, tôi nhầm. Chuyện nội bộ mà. Còn vụ này là…là…hàng khi chở vào kho để lẫn vào nhau, không phân biệt được thứ nào ra thứ nào.

      –     Bởi vậy em mới nhờ anh.

      –     Tất cả vừa mới nhập kho chiều nay. Hiện đang chờ “trên” cho kế hoạch. Bây giờ chị về đi, có gì ta sẽ bàn ngày mai.

      Hạnh nhìn ông ta van vỉ:

      –     Anh hứa với em một lời đi. Rồi cái gì…cái gì…em cũng chịu hết.

      Người đàn ông cười, nụ cười thoải mái nhất mà nàng nhìn thấy từ khi bước vào đây. 

      –     Cái gì…là cái gì?

      –     Dạ, bất cứ cái gì anh thích. Em nói thiệt.

      Nàng lại cười duyên, mắt nhìn càng tình tứ hơn:

      –     Anh hứa với em đi anh.

      –     Chị cứ về đi, mai hãy tính.

      –     Hay là anh cho em địa chỉ đi, em ghé nhà anh.

      Nguời đàn ông xua tay:

      –     Ðâu có được. Gay lắm.

      –     Hay là mình…mình hẹn một chỗ nào khác đi. Bất cứ chỗ…chỗ nào…em cũng đến được.

      Người đàn ông im lặng, vẻ suy tính. Hạnh nhìn chăm ông ta và bắt gặp trong đôi mắt đục một tia sáng bất chợt loé lên.  Một sự kích động? Một niềm vui? Một ao ước? Ðôi mắt chuyển động qua lại, chợt nhìn nàng rồi chợt quay đi.

      –     Hay là…hay là…như thế này. Nhưng không, không được đâu.

      Hạnh chồm người lên bàn. Thấy bàn tay người đàn ông đang úp giữa bàn, kế bao thuốc, ngón tay trỏ gõ gõ trên mặt kính, nàng đặt nhẹ bàn tay mình lên. Thật dịu dàng. Nàng chạm phải một cái gì thô nhám. Dường như ông ta giật mình.  Nàng nghĩ  ông ta sẽ rút bàn tay lại. Không, ông ta vẫn để yên.  Hạnh tiếp:

      –     Anh, anh giúp em. Em biết anh giúp là được mà. 

      –    Gay lắm, chị. Ðang mùa chiến…à không đang lúc có khó khăn.

      Hạnh vuốt ve bàn tay người đàn ông:

      –     Anh. Hứa với em đi. Em biết anh làm được mà.

      Người đàn ông rút nhẹ bàn tay, cố tránh nhìn Hạnh:

      –     Thôi được, chị à…cô…em cứ về đi, để anh…anh…anh …tính. Ở đây lâu không hay. Ngày mai, để xem, ngày mai, anh có hội buổi sáng. Có gì, chiều mai…Mà em ở đâu?

      Hạnh khổ sở:

      –     Em cũng chẳng biết em phải ở đâu nữa. Em hiện giờ tứ cố vô thân. Khổ thật! Hay anh giúp em luôn đi. Anh ở mô… em… ở nấy, có được không anh?

      Người đàn ông lúng túng:

      –     Chịu thôi. Hay là đêm nay em tạm về nhà trọ bến xe Vinh đi. Ở đó, có chỗ nghỉ qua đêm.

      –     Làm sao em về đó được?

      –     Em ra lộ, đón xe ngựa đi. Có gì, chiều mai, em trở lại.

      Nhân viên khi nãy lại trở vào nhắc nhở.  Biết không làm gì hơn được, Hạnh đứng dậy. Nàng rút cái bì giấy đặt lên bàn:

      –     Em về. Chúc anh ngủ ngon, công tác tốt.

      Nàng bước ra cửa. Chợt nghe giọng người đàn ông hấp tấp gọi lại:

      –     Này em, này chị kia…

      Nàng làm bộ không nghe, đi thẳng.

      Nghe lời khuyên của người đàn ông, Hạnh ra đường, đón xe ngựa. Phải đợi cả tiếng đồng hồ sau, nàng mới thấy chiếc xe ngựa xuất hiện. Trên con đường trải nhựa khá lớn của thành phố Vinh, hình ảnh chiếc xe ngựa chạy lọc cọc trông khá lạ lùng, cả đời nàng chưa bao giờ thấy. Xe chạy dọc theo đường, dừng lại nhiều nơi trước khi đến bến xe.

      Bến xe lớn. Nhà trọ nằm khiêm nhường ở một góc. Nói là nhà trọ, nhưng khi vào quan sát thử, nàng thấy đó là một nhà ngủ tập thể. Không có từng giường riêng. Chỗ ngủ là mấy dãy giường lớn ghép bằng những tấm gỗ. Khách trọ nằm kế nhau, mỗi người nằm một khoảng hẹp vừa đủ chỗ để đặt lưng.  Chiếu, mùng, chăn trông đen đúa, bẩn. Mới bước vào, nàng đã nghe cái mùi ngai ngái khó chịu, nên vội bước ra ngay. Tới phòng quản lý mua vé, thì không còn nữa. Nàng vừa thất vọng lại vừa mừng, vì kiểu này, nếu có chỗ, chưa chắc nàng đã có thể nằm ngủ được, dù chỉ một thời gian ngắn, nói gì đến cả đêm.

      Ðành phải về ga lại thôi. Khuya, xe ngựa chẳng còn.  Nàng phải đứng đón xe bộ đội. Mới có chín giờ tối

mà đường sá vắng teo. Dọc đường lại chẳng có quán xá, tiệm hàng gì. Toàn là những cơ quan nhà nước và các khoảng đất trống bỏ hoang.  Thấy xe nào chạy ngang, nàng cũng đưa tay vẫy. Chẳng xe nào chịu ngừng. Có một vài chiếc ngừng, thì những người đàn ông trên xe lại buông lời chọc ghẹo nham nhở y như nàng là gái làng chơi, rồi chạy vụt đi. Một chiếc ngừng hẳn, tay tài xế mở cửa vẫy nàng lên xe. Nhưng khi nghe nàng chỉ muốn về ga, anh ta từ chối phắt, đóng sầm cửa lại, dọt đi. Nàng chẳng hiểu vì sao.

      Không biết cách nào hơn, nàng đành đi bộ về ga.

      Nàng tìm một chỗ bên ngoài cửa hàng ăn uống ga, trải tờ báo, ngồi dựa vào tường, cố gắng ngủ. Suốt đêm, vừa sợ, vừa lo, vừa chán nản, lại bị đám muỗi háu đói vây quanh, nàng không cách gì  ngủ được, chập chập chờn chờn mong trời sáng.

*

      Hạnh quanh quẩn suốt ngày trong khuôn viên ga. Khi thì đi uống nước, khi thì đi ăn, đi tắm hay tò mò đứng nhìn hành khách lên xuống tàu. Thỉnh thoảng, nàng lại tạt về trạm thuế, xem thử ông trưởng trạm về chưa. Văn phòng trạm vắng vẻ, chỉ có một, hai nhân viên ra vào. Một vài người lân la, hỏi dò tin tức, họ chỉ lắc đầu, nói là không biết gì hết.

      Ðến chiều, nàng ngồi trực trước trạm. Ăn chẳng muốn ăn, khát chẳng muốn uống. Cổ khô đắng như vừa bệnh nặng dậy.  Nàng chẳng dám đi đâu, vì sợ rằng tay trưởng trạm trở về bất ngờ, nàng không gặp được. Nhưng trái với lòng mong đợi, bóng dáng tay trạm trưởng vẫn bặt tăm. Ðến tối, nàng gần như kiệt sức, lơ láo nhìn quanh như kẻ mất hồn. Tám giờ tối. Chín giờ tối. Mười giờ tối. Tay trạm trưởng vẫn mịt mờ. Nàng tuyệt vọng úp mặt vào hai bàn tay, khóc. Ðột nhiên có tiếng gọi:

      –     Hạnh!

      Nàng giật mình vùng đứng lên. Quất. Quất trở lại. Trong một thoáng, nàng có cảm tưởng như anh ta là một vị thiên thần hiện xuống cứu giúp nàng. Nàng mừng rỡ, chạy lại phía Quất, dang hai tay ra như sẵn sàng ôm lấy cả thân hình anh ta.  Nhưng khi Quất đến gần, nàng rụt tay lại. Quất  ôm lấy hai vai nàng, bóp chặt:

      –     Cứ tưởng em không còn đây nữa. Trời, cô em Huế của tôi nhếch nhác như thế này đây hả?

      Hạnh gỡ tay Quất ra, nhìn anh, cố dấu nét vui mừng lộ liễu:

      –     Sao anh vào nhanh thế?

      Quất hào hứng nói:

      –     Sao mà có thể để em đây một mình cho đành, phải không nào?  Giao ban xong, chưa về nhà là anh bắt ngay xe bộ đội đi công tác miền Nam, vào đây tìm em.

      –     Trời, tốt thế đấy!

      –     Em loanh quanh ở đây làm gì?

      Nàng hạ giọng:

      –     Thì còn làm gì nữa mà anh hỏi. Em đang đợi tay trạm trưởng.  Ông ta hứa…

      –     Vô ích thôi, em.

      –     Sao vậy?

      Quất kéo nàng ra khỏi trạm, nói nhỏ:

      –     Báo cho em hay, việc tuôn hàng vừa rồi nằm trong một chiến dịch định sẵn sau khi đổi tiền, nhằm mục đích đánh vào việc buôn bán ngoài luồng, làm hại nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Hàng tuôn vừa rồi không thuộc trạm thuế quản lý đâu, mà nằm ở tỉnh và bộ ngoài Hà Nội.

      Hạnh run rẩy, thất thần:

      –     Có thật không? Ai nói với anh?

      –     Ðám bạn anh ngoài Tổng Cục cho biết. Chắc chắn trăm phần trăm. Bọn anh sẽ bị kiểm điểm. Có thể bị xử lý kỷ luật, mất việc luôn chưa biết chừng.

      Hạnh buông mình ngồi rủ xuống đất, khóc nấc lên. Quất im lặng đứng nhìn. Một hồi lâu sau, nàng nhìn Quất, nói qua màn nước mắt:

      –     Chắc em chết mất, Quất ơi. Lấy gì mà nuôi con đây trời!

      Nhưng rồi nàng đứng dậy, giọng nghe ráo hoảnh:

      –     Em phải gặp tay trạm trưởng mới được.

      –     Ðể làm gì?

      –     Ðể…để…

      Nàng im bặt. Quất tiếp, giọng dứt khoát:

      –     Anh làm việc bao nhiêu năm ngoài này, anh biết. Em gặp tay trưởng trạm cũng vô ích tôi. Hắn chẳng có quyền hành gì trong vụ này cả.

      Nàng uất ức nói:

      –     Thế mà…thế mà…

      –     Gì? Hắn hứa với em những gì?

      –     Không.

      Quất hỏi:

      –     Bây giờ em tính sao?

      Hạnh lắc đầu, tuyệt vọng:

      –     Không biết tính sao cả.

      Quất nhìn nàng ngập ngừng:

      –     Hay là…hay là…ra Hà Nội rồi đi Ðồ Sơn với anh. Ta xem thử con đường làm ăn dưới đó thế nào? Biết đâu?

      Hạnh nhìn Quất, không nói gì. Nàng ôm mặt trong lòng bàn tay, cảm thấy thấm thía cái vô nghĩa của cuộc sống. Quất đặt hai bàn tay lên vai nàng, vuốt nhẹ. Nàng im lặng, để yên.

CHƯƠNG 40

Nghe tiếng đài hiệu báo giờ phát thanh sáng bắt đầu, Hồng tỉnh ngủ ngay, nhảy phóc xuống giường, bước ra sân sau. Mùa hè, nên mới có 5 giờ, mà trời đã sáng hẳn. Nàng lên lửa nấu cơm ngay. Trong lúc chờ đợi, nàng vươn vai, làm một số động tác thể dục theo tiếng đếm nhịp và âm nhạc phụ họa cho bài tập thể dục buổi sáng vang vang qua loa phóng thanh.  Sửa soạn cơm nước cho hai đứa con xong, nàng sắp đồ ăn bỏ vào xách, không quên bỏ thêm mấy củ sắn, phòng khi cần ăn bữa lỡ. Ðịnh đắt xe ra, chợt cảm thấy có cái gì thiêu thiếu, Hồng dừng lại nghĩ ngợi. Mãi một lúc mới nhớ ra: cuốn sách.  Tới trước tủ sách, lại phân vân không biết hôm nay đọc cái gì.  Cuốn nào cũng đọc đi đọc lại nhiều lần rồi. Cuối cùng nàng lấy đại một cuốn. Chữ nghĩa quý giá, có nhai đi nhai lại cũng chẳng sao!

      Nàng đạp thoải mái đến chỗ bán. Ðịa điểm bán của nàng bây giờ nằm ở góc đường Trương Ðịnh – Hoàng Hoa Thám, ngay trên lề đường thuộc trường đại học tổng hợp. Lúc đầu, ngay sau khi trở về “nghề” bán thuốc lẻ lề đường như cũ, nàng không mấy ưa địa điểm này, vì quá vắng khách. Nhưng được cái là che mưa tránh nắng dễ. Trước mặt là một cơ quan văn hóa của thành đoàn sinh viên học sinh. Giới sinh viên học sinh và văn nghệ sĩ thường lui tới, nên trông cũng vui. Ðầu góc đường là một quán cà phê con cóc. Khách uống cà phê thỉnh thoảng ghé nàng mua vé số hoặc kẹo bánh lặt vặt. Dần dà, số khách quen đông. Nàng không muốn dời đi đâu nữa.

      Nàng bày bàn. Ðộ này, chơi vé số đang trở thành một phong trào phát triển mạnh mẽ trong các tầng lớp dân chúng.  Vé số do tỉnh đứng ra phát hành, mỗi tuần có đến ba lần xổ. Hấp dẫn nhất là “số tự chọn”. Ðây là một hình thức chơi số đề hợp pháp, do chính quyền địa phương bảo trợ. Lợi dụng chính sách này, đường dây số đề bất hợp pháp phát triển mạnh mẽ hơn. Người ta công khai mua bán và chơi số đề, không phải giấu giếm như trước. Ngoài phần ghi số tự chọn, nàng có tịch để ghi số đề ăn huê hồng từ một tay thầu số đề giấu mặt nào đó. Suốt ngày, nàng đâm ra bận rộn với việc bán số đề và vé số hơn là thuốc lá. Hơn một nửa diện tích bàn dùng để bày vé số. Phần còn lại của bàn là các thứ lỉnh kỉnh khác: kẹo cao su, hộp quẹt ga, đậu phụng da cá, bao cao su tránh thai Trung Quốc, bút bi, thuốc lá…

      Hồng lục xách, lấy cái “ca” cơm chan nước mắm ớt để sẵn, lùi vào trong bậc thềm. Nàng ăn chậm rãi, nhìn người qua lại.  Trời còn sớm, nên đường vắng. Cơ quan văn hóa bên kia đường vẫn chưa mở cửa. Gần Bưu Ðiện, một chị công nhân đang quét đường. Trên đường, vài chiếc xích lô và xe thồ chở bạn hàng ra chợ sớm. Một ngày mới bắt đầu. Như mọi ngày.  Chợ nhớ bài “Một ngày như mọi ngày”. Khúc hát mệt mỏi cũ thỉnh thoảng trở lại trong trí nàng như một nhắc nhở về cuộc sống không mấy vui. Ngày trước, khi lần đầu tiên nghe khúc nhạc này, nàng thích ngay, nhưng chỉ thích trong ý niệm, chứ không có cảm giác mệt mỏi của một đời sống lập đi lập lại nhàm chán.  Có lẽ vì hồi đó, nàng còn trẻ, còn hăm hở lao vào đời sống, còn mơ mộng viễn vông. Bây giờ, sau những đảo lộn khủng khiếp trong đời sống, sau những tuyệt vọng, đắng cay, sau những ước mơ lụi tàn, nàng thấm thía cái điệp khúc “một ngày như mọi ngày”. Một giờ như mọi giờ. Cũng chừng ấy việc. Cũng những người đi tới đi lui, vội vã, hấp tấp. Thế thôi! Không có gì thêm vào, không có gì bớt đi. Rien ne se perd, rien ne se crée. Nàng nhớ câu nhận xét của Lavoisier mà ông thầy dạy hóa nhắc đi nhắc lại hoài khi học một bài hóa học nào đó thời trung học.  Hóa học và đời sống nào có gì khác nhau! 

      Bỗng nàng buông đũa xuống, nhìn theo một chiếc xe thồ vừa từ đường Trương Ðịnh chạy ra. Anh chàng xe thồ gò lưng đạp, chở một thiếu phụ với xách, giỏ lỉnh kỉnh. Nàng giựt mình thảng thốt. Lục! Ðúng là Lục. Dáng dấp đó, khuôn mặt xương xương đó là Lục chứ không ai khác. Nàng đứng vụt dậy, bươn bả chạy theo. Nàng gọi lớn: “Lục, Lục”. Không ai nghe tiếng nàng.  Anh xe thồ đạp nhanh, quành xuống đường Lê Lợi. Nàng chạy tới góc đường, nhìn theo.  Chiếc xe thồ đã qua cầu Trường Tiền, biến mất trong giòng xe cộ ngược xuôi. Nàng thẫn thờ về lại chỗ, bàng hoàng như vừa ra khỏi một cơn huyễn mộng. Có phải Lục đó không, nàng ngẩn ngơ tự hỏi.

      Thế là một ngày bỗng không như mọi ngày.

*

      Một người đàn bà từ phía Bưu Ðiện đạp xe đạp cặp lề, dừng lại ngay trước bàn của Hồng:

–     Cô lấy cho tôi năm điếu, à thôi, bốn điếu con mèo đi.

Hồng lấy gói Craven A, rút ra bốn điếu, đưa cho người phụ nữ.  Chị ta nói:

–     Cô xem còn cái bao “không” nào, cho tôi một cái đi.  Chỉ có bao Jet thôi sao, thuốc con mèo ai lại bỏ bao Jet, kỳ vậy. Cô ráng kiếm cho tôi bao con mèo “không” đi. Ông xã tôi phải lên phường lo giấy phép cho thằng con.

      Hồng bực mình, nhưng cũng ráng tìm xem trong xách còn có bao con mèo nào hết thuốc không. Chẳng còn. Nàng đành phải trút hết thuốc trong bao con mèo còn lại vào trong bao Jet, bỏ bốn điếu con mèo vào bao Craven A đưa cho khách. Người đàn bà mừng rỡ, cười:

–     Cám ơn cô. Có cái bao mở ra mời trông lịch sự. Ơ, này cô, hình như cô là…cô là…đúng rồi, cô là…

Hồng ngạc nhiên nhìn lên, bây giờ mới thấy người đàn bà trông quen quen:

–     Cái gì vậy chị?

–     Ðúng rồi, cô là vợ cái anh gì buôn trầm, anh Thuận, phải không?

Hồng cải chính:

–     Ðúng là Thuận. Nhưng bọn tôi chỉ là bạn thôi, mô có vợ chồng gì. Giờ thì “xê-pa-rê” rồi!

–     Xê-pa-rê là sao vậy cô?

–     Là chia tay nhau, không còn ở với nhau nữa.

–    Sao vậy? Thấy hai người cũng xứng đôi vừa lứa. Mới hôm nào đây, hàng “ăn”, thấy anh Thuận với cô chạy qua chạy về bên chỗ tôi xem hàng hoài. Cô còn nhớ chỗ tôi không? An Lăng ấy mà.

      Hồng nhìn một thanh niên từ bên trụ sở hội văn hóa băng qua đường đến chỗ nàng trả lời:

–     Nhớ, nhớ chứ. Qua đó nhiều lần rồi mà. À, Hải, em cần gì? Ði mô mà đồ đạc lỉnh kỉnh vậy? Sao, chị có còn mua gì nữa không? Có ghi số tự chọn không?

–     Không, em không thích cái trò đỏ đen. Em ngán lắm, vì ông già em hồi trước, vì đỏ đen cờ bạc mà tụi em khổ. Này, độ này hàng “ăn “ trở lại, sao chị không chạy hàng mà ngồi làm cái nghề…cái nghề…à không, em nói là, sao chị không chạy hàng cho vui. Hàng đang “ăn” mà nhập công ty cũng có lời lắm.

–     Nói, thật mình không rành hàng. Hải, em đi mô mà đồ đạc lỉnh kỉnh vậy? Nào, em cần gì nào?

      Hải đáp:

–     Cho em gói Ðà Lạt đi.

      Hồng lấy gói Ðà Lạt đưa cho Hải:

–     Em hôm nay trông bảnh trai dữ. Ði công tác xa hả? Gì mà tay xách nách mang vậy?

–     Gì đâu mà tay xách nách mang, chị nói em như đàn bà có con vậy? Cái này là máy ảnh, cái này là máy ghi âm. Còn lại là sách báo không hà.

–     Ði công tác đâu?

–     Huyện Hương Trà, chị ạ.

–     Lại đại hội thi đua gì nữa đây?

–     Không, hôm nay đặc biệt. Em đi làm phóng sự phiên tòa.

–     Thế à!

      Người đàn bà vẫn còn đứng đó, có vẻ muốn hỏi gì Hồng thêm, nhưng thấy Hồng không để ý, nên buồn lòng bỏ đi.  Hồng định hỏi xin Hải tờ báo thì có hai người khác ghé mua số, mua thuốc và ghi số tự chọn. Loay hoay ghi số cho hai người khách xong, nhìn ra thấy Hải vẫn còn đó, Hồng cười:

–     Tưởng em đi rồi. Sao, có cần gì nữa không?

      Hải nhìn sang phía trụ sở Hội, thấy không có ai, bèn rút  từ trong sắc-cốt ra gói ba số, đưa vội cho Hồng:

–     Chị “thanh toán” giùm em.

      Vốn đã quen với kiểu “làm ăn” của mấy đồng chí trong Hội, nên nàng ném gói thuốc vào trong xách, hỏi:

–     Cần tiền ngay hay để trừ dần?

–     Cho em tiền đi. Em có chút việc. Nhớ trừ gói Ðà Lạt vừa lấy khi nãy.

      Hồng đếm tiền đưa cho Hải. Hải không đếm, cầm nguyên  mấy tờ bạc đút vào túi, giải thích:

–     Hôm qua, đi dự hội nghị tổng kết hàng năm nghành Thủy Sản địa phương. Ðồng chí giám đốc đưa gói thuốc, em không lấy, ông cứ chạy theo nhét vào cặp. Em không biết làm sao đành phải lấy. Số là em đang viết bài đề cao vai trò của ngành Thủy Sản trong nền kinh tế tỉnh ta đó mà.

–     Vậy là phải thôi. Có qua có lại mới toại lòng nhau, phải không em.

Hải gật gù:

–     Có lẽ thế. Nhưng hôm nay chắc là không có gì. Tòa án mà, lại vụ việc chính trị nữa. Em ít thích đi mấy chỗ này, nhưng mấy anh phân công, nên em phải đi thôi.

–     Vụ gì mà dính đến chính trị  vậy em?

–     Cái đám phản động ấy mà.

–     Lại phản động à? Ôi, cái thành phố này sao lắm phản động thế không biết! Có được cái giải gì đâu mà người ta cứ lăn vào. Chỉ tổ khổ vợ con, gia đình. Có gì hay về cho chị biết với nghe.

–     Hay thì chắc chẳng có gì hay. Nhưng vụ này có hơi đặc biệt, chỉ dính đến đám trí thức ngụy không hà.

      Hồng ngạc nhiên:

–     Trí thức à? Ai vậy, em có biết không?

–     Em chưa rõ, vì danh sách chưa tiết lộ. Nhưng tên cầm đầu nghe nói là Nguyễn Hữu Vấn thì phải. Hắn trước cũng là thầy giáo gì đó.

–     Vấn, Nguyễn Hữu Vấn? Trước dạy ở đâu mà chị chưa hề nghe tên.

      Có người vào mua vé số. Bán xong, Hồng hỏi tiếp:

–     Em còn biết tên ai nữa không?

–     Không. Lúc về, em kể cho chị nghe.

      Nói xong, Hải bước đi. Hồng hấp tấp hỏi:

–     Lúc nào xử và ở đâu vậy em? Dân có vào xem được không?

–     Trụ sở xã Hương Sơ, lúc 10 giờ. Thôi, em phải đi cả trễ mất.

*

       Lúc Hồng đến thì phiên xử đã bắt đầu. Nơi xử là hội trường Hội Ðồng Nhân Dân xã.

       Chỉ trừ những người có trách nhiệm và thân nhân của các bị cáo, còn không ai được vào phòng xử. Ai muốn theo dõi phiên xử phải đứng ngoài đường, cách xa địa điểm xử, nghe qua loa phóng thanh đặt trên đọt một ngọn cây cao. Trên con đường nhỏ dẫn tới nơi xử, rải rác từng nhóm người đứng, ngồi yên lặng, chăm chú lắng nghe. Phần đông là dân xe thồ đạp và xích lô. Hồng dựng xe đạp bên cạnh một gốc cây lớn nằm sát  bờ con sông đào. Chiếc loa phóng thanh ngay trên đầu nàng phát ra âm thanh khô và trầm trọng của một ai đó làm công tố viên, đọc bản cáo trạng về hoạt động phản cách mạng của các bị cáo. Quả như Hồng đã nghĩ, Lục nằm trong danh sách bị cáo của phiên xử. Dù linh tính đã báo cho Hồng biết trước, nhưng khi nghe công tố viên nhắc đến tên anh, nàng cũng giật thót mình, lòng nhức nhối y như ai vừa lấy một mũi dao nhọn chích sâu vào, đau buốt. Trời, anh ấy đã làm gì mà ra nông nỗi này. Nàng có bao giờ nghe anh nói xa nói gần gì về chính trị đâu.

      Bản cáo trạng dài kể lại chi tiết về hoạt động của tổ chức phản cách mạng do Nguyễn Hữu Vấn cầm đầu. Ông này trước đây là giáo sư trung học, dạy tại một số trường tư thục ở Huế.  Số còn lại, người thì đi dạy, kẻ thì là sĩ quan chế độ cũ. Người trẻ nhất là một sinh viên đại học tổng hợp. Theo bản cáo trạng, họ đã họp nhiều lần qua các cuộc nhậu, uống trà hoặc cà phê trá hình.  Họ trao đổi tin tức thời sự  thâu thập được qua các đài phát thanh nước ngoài như BBC, VOA, Chân Trời Mới, NHK… nói xấu chế độ và nhen nhúm một tổ chức chống lại nhà nước.  Ðặc biệt nhất là anh chàng sinh viên còn làm một bài thơ chống thuế, đang âm thầm lưu truyền trong sinh viên học sinh.

Bản cáo trạng kết luận rằng tất cả bị cáo kể trên đều có những hành vi, lời nói và việc làm phản cách mạng và yêu cầu tòa án dành cho họ bản án nghiêm khắc, xứng đáng với tội trạng của họ để làm gương cho những người khác. Hồng rùng mình, mồ hôi tươm ra ướt cả người. Từ ngày giải phóng, Hồng đã nghe nhiều bản án, kể cả hàng chục bản án tử hình tại thành phố này. Mỗi lần như vậy, nàng chỉ cảm thấy hơi chột dạ, cọng thêm đôi chút thương cảm, rồi thôi. Nhưng lần này, bản án chưa có, nhưng những từ như “phản cách mạng”, “phản động”, “ngoan cố”, “trừng trị” vân vân vang lên nghe thật khủng khiếp.  Chúng như những mũi nhọn tua tủa đâm xoáy vào người. Nàng có cảm tưởng nội những cụm từ này không thôi cũng đủ để nghiền nát Lục hiền lành của nàng.

      Sau phần cáo trạng là phần hỏi cung của chánh án. Mười một bị cáo lần lượt lên trả lời những câu hỏi của chánh án. Trước tiên là Nguyễn Hữu Vấn, người được quy cho tội  cầm đầu tổ chức. Kế đó là hai người nguyên là sĩ quan chế độ cũ, “cánh tay mặt” của Nguyễn Hữu Vấn. Cả ba người, lúc đầu tìm cách chối quanh, nhưng bị hỏi liên tiếp nhiều câu hỏi khác nhau, trả lời lúng ta lúng túng, lại bị cái giọng khô khan nghiêm trọng của viên chánh án trấn áp, cuối cùng đành phải nhận tội.

Sau đó là phần thẩm vấn người sinh viên. Hồng chăm chú lắng nghe.

Chánh án (CA): Anh tên gì?

            Sinh viên (SV): Tôi tên Nguyễn Tất Ðống.

            CA: Học ở đâu?

            SV: Ðại học tổng hợp.

            CA: Anh quen với Nguyễn Hữu Vấn trong trường hợp nào?

            SV: Ông là thầy cũ của tôi.

            CA: Anh đã tiếp xúc với Vấn bao nhiêu lần?

            SV: Nhiều lần, tôi không nhớ rõ.

            CA: Anh và Vấn đã bàn bạc với nhau những gì?

            SV:  Không bàn bạc gì hết. Chúng tôi chỉ nói chuyện học hành.

            CA: Anh láo. Chúng tôi có đủ bằng chứng là hai người đã bàn bạc chuyện thành lập một tổ chức trong sinh viên học sinh chống phá cách mạng, đúng không?

            SV: Không đúng. Chúng tôi không hề bàn về một chuyện như thế.

            CA: Anh có phải là tác giả bài thơ “chống sưu cao thuế nặng” không?

            SV: Vâng.

            CA: Tại sao anh làm bài thơ chống thuế?

            SV: Tôi thấy thuế nhà nước đánh cao quá, dân sống không nổi, tôi làm.

            CA: Anh nhờ ai phổ biến?

            SV: Không nhờ ai cả.

            CA: Vậy tại sao bài thơ lại được lưu truyền trong sinh viên học sinh?

            SV: Tôi không biết. Tôi chỉ viết ra một bản để trên bàn học.

            CA: Anh có biết làm như vậy là vi phạm pháp luật, là chống lại nhà nước, chống lại nhân dân không?

            SV: Tôi không hề chống nhà nước, cũng không hề chống nhân dân. Tôi chỉ có một nguyện vọng là nhà nước bớt thuế cho dân nhờ.

            CA: Anh láo! Thuế má là chính sách của nhà nước quy định, được nhân dân đồng tình. Chống thuế tức là chống nhà nước, chống nhân dân, anh hiểu chưa?

            SV: Tôi không chống thuế. Tôi chỉ than phiền thuế quá cao.

            CA: Anh ngoan cố. Than phiền thuế cao, tức là chống thuế.  Thuế nhà nước quy định bao giờ cũng phù hợp với thực tế, với yêu cầu của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Anh hiểu chưa?

            SV:  Tôi xin được phép không đồng ý. Tôi…

            CA: Anh im đi! Anh chỉ được phép trả lời những câu hỏi.  Muốn phát biểu điều gì, phải xin phép. Ai cho phép anh nói?

            SV: Tôi không…không… đồng…

Tiếng loa phóng thanh chợt im bặt. Hồng cảm thấy ngột ngạt, khó thở. Không khí chung quanh nàng cũng ngột ngạt. Mọi người im lặng. Hai người xe thồ lặng lẽ đạp xe đi. Một người đàn ông thở dài, nói nhỏ với một ai đó đứng gần bên:

–     Tay này quá dại! Làm sao mà lấy nạng chống trời cho được.           

Sau chừng mười phút, loa phóng thanh hoạt động trở lại.  Bị cáo kế tiếp là Lục. Hồng căng thẳng đến tột độ. Giọng Lục run run. Nàng nghe cả tiếng thở chừng như hụt hơi của anh khi trả lời những câu hỏi gay gắt của chánh án.

CA (Chánh Án): Anh là Tống Viết Lục?

            Lục: Vâng.

            CA: Anh là giáo viên lưu dung?

            Lục: Vâng.

            CA: Anh là sĩ  quan biệt phái của chế độ cũ, phải không?

            Lục: Vâng.

            CA: Là sĩ  quan, tại sao anh không đi học tập cải tạo?

            Lục: Tôi có đi cải tạo tại địa phương. Sau đó, nhà trường cho phép đi dạy lại.

            CA: Cách mạng đã khoan hồng nhân đạo như vậy, tại sao anh lại bỏ dạy?

            Lục: Không, tôi không bỏ dạy. Tôi  được cho nghỉ việc.

CA: Điều này làm cho anh bất mãn lắm, phải không?

Lục: Dạ thưa, không.

(…) 

            CA: Anh vẫn thường xuyên nghe đài địch?

            Lục: Ðài địch?Dạ không. Thỉnh thoảng tôi có nghe đài BBC, đài VOA.

            CA: BBC, VOA không là đài địch thì là gì? Anh đừng có giả bộ ngây thơ. Vậy anh nhận là anh có nghe đài địch, phải không? Anh nghe hàng đêm rồi sáng hôm sau thông tin lại cho bạn bè anh, phải không?

            Lục: Dạ, không. Tôi chỉ kể lại một vài tin tức về khoa học, đời sống…

            CA: Tin tức nào chúng loan ra cũng đều là tin tức bịa đặt cả. Chúng bịa đặt ra để làm hại uy tín của nhà nước ta và khích động những người như anh.

           (…)  

            CA: Tại sao trong đợt truy quét văn hóa đồi trụy, phản động, anh không chịu mang sách báo đi nộp.

            Lục: Dạ, tôi nộp hết.

            CA: Vậy tại sao trong nhà anh chứa toàn sách báo ngụy?

            Lục: Dạ, tôi mới mua lại sau này.

            CA: Mua ở đâu?

            Lục: Dạ, trên lề đường, ngoài chợ, nơi mấy người bán “lạc-xon”.

            CA: Anh nói láo. Nhiều cuốn tịch thu được trong nhà anh là thứ anh mua từ trước vì có chữ ký của anh trên đó, thậm chí có cuốn còn có bài thơ anh chép lại trên đó. Ðúng không?

            Lục: Dạ, dạ…

            CA: Sách báo anh giữ toàn là sách báo sặc mùi chống Cộng như Bách Khoa, Văn, truyện của Nhã Ca, Thế Uyên, Võ Phiến.

            Lục: Dạ, tôi đâu có sách truyện của Thế Uyên, Võ Phiến.

            CA: Anh cãi lại tôi sao. Tôi có đủ bằng chứng.

            Lục: Dạ… tôi… tôi…

            CA: Anh không được phép nói. Anh phải biết rằng sách thằng nào cũng như thằng nào. Cái thằng Võ Phiến hay cái thằng Nhã Ca, con mụ Thế Uyên đều phản động tuốt. Còn mấy câu thơ này là của ai: Con còn nhớ những ngày thư viện đói, học thuộc lòng kinh kệ Mã Khắc Tư?

            Lục: Tôi… không nhớ, không biết ạ.

            CA: Chính anh viết trên trang bìa tờ Bách Khoa của anh mua mà anh không nhớ sao?Chính anh viết, chính chữ của anh, sao anh còn chối?

            Lục: Dạ, lâu quá tôi không nhớ là tôi có viết hay không.  Nhưng câu thơ này là của một người theo cách mạng mà?

            CA: Tôi biết. Nhưng tại sao lại là Mã Khắc Tư. Mã Khắc Tư là ai?

            Lục: Mã Khắc Tư là ông Các Mác ạ.

            CA: Ðấy, anh thấy chưa, tên Các Mác mà anh xuyên tạc thành Mã Khăc Tư. Mã Khắc Tư là cái quái gì?

            Lục:  Tôi nhớ chính tác giả viết như vậy.

            CA: Tầm bậy tầm bạ.  Bài thơ đăng ở đâu, anh biết không?

            Lục: Tôi không nhớ. Nhưng hình như trên tờ Bách Khoa.

            CA: Ðấy, đấy. Bách Khoa là tờ đại phản động. Chính bọn phản động đã sửa thơ của tác giả, anh biết không. Không có cái gì là Mã Khắc Tư hết. Anh rõ chưa? Các Mác là Các Mác, Lê Nin là Lê Nin.

           (…)  

            CA: Tại sao trong những lần nhậu, anh hay hát bài “Hoa rụng ven sông”?

            Lục: Tôi không biết hát. Tôi nhớ tôi chỉ hát bài đó có một lần, vì bị anh em ép. Tôi không thuộc, chỉ hát có mấy câu.

            CA: Anh đã hát ba lần cả thảy. Một hai câu hay toàn bài không có gì quan trọng. Cái đáng nói là anh cứ hát mãi những là “giờ đây hoa rụng tơi bời”, rồi “cơn mộng tan rồi”. Hoa rụng muốn nói cái gì, có phải là ám chỉ bọn Mỹ Ngụy trốn chạy không. Mộng là mộng gì, có phải là mộng đàn áp nhân dân không? Bản nhạc này là của thằng Phạm Duy. Anh có biết thằng Phạm Duy là một thằng chống Cộng đầu sỏ, được Mỹ Ngụy nuôi dưỡng không?

            Lục: Dạ, dạ… tôi thấy…

            CA: Anh im đi. Ai cho anh phát biểu. Bây giờ mà anh còn ngoan cố, không chịu nhận tội phải không?

           (…)

            CA: Anh đi hỏi bạn bè tìm bản Cương Lĩnh Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam làm gì?

            Lục: Dạ, chính anh Thắng và anh công an khu vực nhờ tôi hỏi giùm. Mấy anh ấy nói là cách mạng cần tìm tài liệu sống.

            CA: Anh lại láo khoét, dám lừa dối cả cách mạng. Chúng tôi đâu có thiếu người, mà phải đi nhờ một thằng sĩ quan ngụy như anh tìm giùm.

            (…)

            CA: Tại sao anh đi xe thồ?

            Lục: Tôi kiếm tiền nuôi con.

            CA: Láo khoét! Vợ anh là dân buôn chuyến, tiền bạc không thiếu. Rõ ràng là anh ngụy trang hoạt động bằng cách đi xe thồ để liên lạc với đồng bọn, móc nối người vô tổ chức, đúng không?

            Lục: Không. Tôi nói thật, tôi không…

            CA: Anh im đi!

            (…)

            CA: Anh hội họp với Nguyễn Hữu Vấn bao nhiêu lần và bàn bạc những gì?

            Lục: Dạ, tôi không hội họp gì hết. Tôi chỉ ghé thăm ông ấy hai lần. Ông ấy trước là thầy cũ, sau là đồng nghiệp.

            CA: Anh đừng có ngoan cố. Anh ngụy trang nhiều lần gặp khác tại quán cà phê, bến xe đò, trong chợ, phải không nào?

            Lục: Dạ, những lần đó là gặp tình cờ…

            CA:(đập bàn quát)Trước sau, anh vẫn ngoan cố, không chịu nhận tội, phải không?

*

       Hồng trở về ngôi nhà trên núi, với cảm giác của một người vừa trượt xuống con dốc dài, không cách gì dừng lại được. Chẳng còn gì để bám víu. Cuộc đời rỗng không. Hoàn toàn rỗng không. Mọi thứ đã lần lượt vượt khỏi tầm tay. Cả Thiết.  Cả Thuận. Cả Lục. Và cả nàng.

       Nàng tha thẩn đi vào đi ra. Vú già gọi:

–     Miu, miu!

Nàng không trả lời. Vú già lại gọi nữa. Nàng bực mình gắt:

–     Vú làm ơn để cho con yên.

Nàng tìm thấy chai rượu uống dở ngày nào với Lục đang năm yên lặng ở góc phòng. Nàng cầm chai rượu lắc lên lắc xuống. Tăm sủi lăn tăn. Lục ơi, rượu còn đây mà Lục đâu rồi! Nàng bỏ chai rượu vào trong chiếc túi xách nhỏ, quàng lên vai, leo dốc, níu cây, vào rừng. Trời mây hiu hắt.  Rừng âm u lạnh.  Gió thì thào trên đầu ngọn cây. Nàng đi loanh quanh, đi mãi. Nàng đi tìm. Không có ai. Không có gì. Nàng gọi Lục ơi Lục ơi Lục ơi. Rừng quạnh vắng ngút ngàn. Không có dấu vết gì của một cuộc tình mong manh, tạm bợ. Chỉ có cây và lá.  Chẳng còn thấy gì. Tất cả chỉ là những bóng đen âm thầm. Nàng ngồi xuống trên lá úa, ngửa cổ, cẩn thận để cổ chai vào ngay miệng, đón một ngụm rượu. Rượu nồng chảy vào cơ thể, rạo rực. Ðợi một lát cho rượu thấm hết, nàng lại ngửa cổ, uống tiếp. Rồi uống tiếp. Uống tiếp. Nhưng rượu ngụm cuối cùng không rơi vào miệng mà chảy xuống đất. Nàng chới với buông chai, gục xuống trên đống lá. Rừng vẫn yên lặng, không nói gì. Mãi mãi không nói gì.

T.D.N.

Comments are closed.