Dặm trường (kỳ 2)

Trần Doãn Nho

CHƯƠNG 4

Về đến nhà thì trời tối hẳn.

Cảm thấy đói bụng, nhưng Hạnh chưa muốn ăn. Nàng đóng cửa, mang hàng vào bếp, mở ra. Nàng ngồi lựa từng miếng hàng, cầm lên săm soi, phân ra từng loại theo chất lượng dầu và màu sắc đậm nhạt. Xong, nàng cân lại thử. Thấy số lượng hao hụt không đáng kể, nàng mừng thầm. Kể ra cũng là may mắn đầu năm. Nhưng nghĩ cho cùng, đâu chỉ là may mắn. Buôn mặt hàng này đòi hỏi nhiều mánh lới riêng, không giống như buôn các thứ khác. Còn phải chịu khó và biết quyết định đúng lúc. Ngắm nghía lô hàng và nghĩ đến một chuyến đi an toàn sắp tới khiến nàng bồi hồi, rạo rực. Mới đó mà đã gần một năm kể từ ngày nàng nhảy vào cái nghề buôn đầy kịch tính này.

Cũng chỉ là chuyện tình cờ. Tình cờ và bất ngờ, hoàn toàn bất ngờ. Sau khi quyết định bỏ sở làm ra “chạy chợ”, nàng làm đủ thứ để kiếm thêm tiền thu nhập hàng ngày: chạy mánh thuốc tây, thuốc lá, bỏ mối áo quần. Nàng giao dịch với một số dân buôn trầm, nhưng chẳng bao giờ nghĩ đến việc dính vào nghề này. Nàng không có vốn. Hơn nữa, sợ. Nói chung, buôn bán mánh mun bất cứ mặt hàng nào nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nước đều được xem là bất hợp pháp và đều có thể bị công an thuế vụ làm khó dễ đủ điều. Nhưng trầm là mặt hàng bị săn đuổi nhiều nhất. Dù không có một văn bản công bố chính thức nào, nhưng qua truyền miệng và qua cách làm việc của công an, thuế vụ, người ta được biết rằng trầm được đánh giá ngang với thuốc phiện là món hàng thuộc diện “quốc cấm”. Bị bắt quả tang mang một ký trầm, không những hàng bị tịch thu mà người phải chịu một bản án lên đến ba năm tù giam. Nếu rủi bị bắt, chủ hàng không bao giờ đứng ra nhận.  Không ai muốn tiền mất tật mang.

Trầm lại là loại hàng không có tiêu chuẩn giá cả rõ ràng.  Cách phân loại hàng lại càng phức tạp hơn, tuy rằng nó có quy định loại như dzách lầu, loại một, loại hai, loại ba vân vân. Mỗi loại có giá cả của nó, nhưng vì một miếng hàng – chỉ là một mảnh gỗ chứa dầu – lượng dầu nhiều ít không đều, nên khó xếp loại, khó định giá. Ðã thế, giá cả lại cao thấp tùy theo nhu cầu người mua hoặc người bán, và tùy thuộc vào tỷ lệ các loại nằm trong một lô hàng. Thành thử, chung quanh việc mua bán trầm phát sinh ra vô số giai thoại, thực có, giả có, kể lại nghe cũng khá ly kỳ. Chính những điều như vậy khiến Hạnh giữ thái độ “kính nhi viễn chi” đối với việc buôn trầm.

Một hôm, nàng đi đóng thuốc tây cho một mối hàng tại Bao Vinh. Sau khi tính toán xong tiền bạc, bà bạn hàng thuốc tây kéo nàng vào phòng trong, lôi trong tủ ra một gói ny lông, bảo rằng:

–     Chị có quen biết ai chạy hàng trầm không?

–     Biết thì biết chứ. Em không chạy mặt hàng này, nhưng vẫn giao dịch với dân trầm nhiều. Chị cần gì?

Bà bạn hàng hạ giọng:

–    Ðây là một gói trầm người ta gửi nhờ đi bán gấp. Tôi chẳng biết cái loại hàng “dễ sợ” này. Nhưng vì ơn qua nghĩa lại nhiều phen, tôi không thể từ chối. Họ lại biết tôi kín miệng.  Nhưng không biết ai thân mà hỏi. Sợ hỏi không trúng người, thêm sinh chuyện. Bởi vậy nhờ cô xem giùm.

Hạnh nâng thử gói hàng, thấy khá nặng, khoảng vài ba kí lô. Nàng hỏi:

–    Mở ra xem thử có được không chị? Thú thật, em nghe nói thì nhiều mà thực sự, chưa khi nào em thấy một miếng trầm mặt mũi nó như thế nào.

–    Ðược thôi. Có mất mát gì đâu mà sợ. 

Mở ra, nàng hết sức ngạc nhiên khi thấy hàng chục miếng lớn nhỏ sắp sát nhau. Có miếng toàn màu đen như dầu hắc.  Có miếng thì màu đen đã ngả sang đà. Có miếng thì vừa đen vừa xám. Về hình dạng, miếng thì tròn tròn, miếng thì nhọn đầu, có khía, miếng thì  lại lõm vào. Có miếng  màu gỗ nhiều hơn màu đen. Nàng lấy ngón tay chà lên xem thử, thấy tay vẫn sạch. Té ra màu đen này là dầu, không dính tay. Chắc loại tốt đây, Hạnh nghĩ bụng. Nàng gói lại cẩn thận, đưa cho bà bạn hàng, hứa:

–    Ðược rồi. Em sẽ cố gắng kêu người về mua.

–    Nhanh lên nghe cô. Mà phải tìm người đàng hoàng, kín miệng nghe cô.

Trên đường về, nàng ghé nhà một người bà con xa đang chạy trầm.  Sau khi nghe kể về lô hàng, anh ta tức tốc đi ngay với Hạnh. Cuộc  mua bán diễn ra chóng vánh. Khi hỏi giá, bà bạn hàng nói: “Tùy anh, anh muốn trả bao nhiêu cũng được.  Tôi không biết mặt hàng này”. Người bà con rút ngay ra năm chỉ vàng, đưa cho bà bạn hàng, rồi hấp tấp ôm hàng về. Anh ta bảo:

–    Chị biết không, đây chắc là hàng ăn cắp. Em nghĩ có lẽ một tay công an hay thuế vụ nào đó tịch thu của ai, rồi nhờ người bán, lấy tiền chia nhau. Hàng rẽ rề. Biết cơ sự thế này, em đưa cho bà ta hai chỉ thôi. Mà thôi, của trời cho mà! Chị yên chí, em sẽ chia lời cho chị.

Xong việc, Hạnh về, không mấy quan tâm đến lời hứa vu vơ của người bà con. Ấy thế mà hôm sau, người bà con đến đưa cho nàng ba chỉ vàng, nói:

–    Em bán lời được sáu chỉ. Chị em mình cưa hai. Kể cũng hên.

Hạnh cảm động đến sững người. Bao năm tháng chạy chợ, nàng chưa hề cầm được trong tay vài phân vàng lời, nói gì đến nửa chỉ hay một chỉ. Không ngờ, chỉ với một tiếng nói, nàng bỗng không có trong tay đến ba chỉ vàng. Bắt đầu ra chạy chợ với vốn liếng hơn chỉ vàng (nàng dùng cái nhẫn cưới), nàng lấy bên nọ “đập vào” bên kia, bạo mồm hứa với mối này, dẻo miệng thuyết phục mối kia để có hàng. Bây giờ bỗng không, có trong tay một lúc đến ba chỉ vàng làm vốn, còn gì sung sướng hơn.

Sau lần đó, người bà con mua hàng, hỏi nàng có thích hùn không. Nghĩ là mình tự nhiên có duyên với trầm, nàng đồng ý bỏ ngay cả ba chỉ vào. May mắn thay, lô hàng đi trót lọt, nàng được chia lời thêm một chỉ nữa. Từ đó, Hạnh chính thức nhảy vào nghề buôn trầm.

*

Nghe tiếng động bên ngoài, nhìn ra thấy Lục, nàng mới hay là chồng đi vắng mới về. Không hỏi han thắc mắc, nàng nói ngay:

–    Anh giúp em một tay đi. Lô hàng em mua khá lắm, nhưng phải làm lại đôi chút. Anh vào trong tủ xem, có bao nhiêu bi xe đạp, mang ra hết đây cho em. Lấy luôn cây bút chì Trung Quốc, bút chì dùng để tô đen ấy mà.

Lục nhìn nàng, nghiêm giọng:

– Hạnh! Em có biết là hôm nay vẫn còn là ngày Tết. Khách khứa liên miên suốt ngày. Ai cũng hỏi em. Anh chẳng biết em đi đâu mà nói. Người nào cũng nói em tết nhứt mà ham việc tiếc công. Em không nể anh thì cũng nể bà con bạn bè chứ. Lại còn phải đi thăm đáp lễ người ta nữa…Đợi không được, đành phải đi một mình…

Bất ngờ bị chồng than phiền, Hạnh nổi cạu, dằn mấy miếng trầm xuống:

– Trời ơi! Anh làm như em đi chơi bời, la cà đàng đúm cả ngày không bằng. Anh có biết là em chạy đôn chạy đáo khắp cả thành phố để kiếm cho ra hàng không?

– Anh biết, anh biết…nhưng…nhưng…

Hạnh ngắt ngang:

– Anh khi nào cũng nhưng với nhị. Buôn bán là phải biết chớp thời cơ. Cứ ru rú nằm nhà như anh thì sao kiếm ra hàng. Anh có biết là cho đến giờ, em vẫn chưa có miếng cơm vô bụng…

Thấy chưa, hễ nói động đến là mang chuyện buôn bán ra dọa. Anh, anh, anh…

Giọng Lục chợt chùng xuống, nhão đi. Anh nuốt nước miếng, cảm thấy bất lực, không tìm ra chữ để diễn tả hết ý mình. Biết chồng không dám gây sự, Hạnh làm lành:

– Thôi, em xin lỗi. Em biết em có lỗi. Thiệt ra, nghe có xe đi an toàn, em nóng ruột nóng gan, đứng ngồi không yên…

      Lục định làm nư, nhưng nghe vợ xuống giọng, liền lẵng lặng bỏ đi, mang tất cả những thứ cần dùng xuống cho nàng. Nhịn vợ đã trở thành một thói quen từ khi nào, anh chẳng còn nhớ rõ. Vì anh hèn yếu hay vì Hạnh lấn lướt? Có thể là cả hai. Thực tình mà nói, cãi nhau gì thì cãi, nhưng hễ đụng đến chuyện buôn bán làm ăn là lúc nào anh cũng thấy mình đuối lý. Thôi thì đành nhịn cho yên cửa yên nhà. Mà nghĩ cho cùng, Hạnh đâu có làm gì sai. Ý nghĩ đó khiến anh cảm thấy mình lòng nhẹ đi, đỡ ấm ức. Thua ai chứ thua vợ mình chẳng chết thằng tây nào.

Hạnh hôn lên trán chồng biết ơn, rồi chỉ cho anh mấy miếng hàng mà nàng đã lựa để riêng:

–    Anh lấy cây bút chì tô đen, tô thật đen vào những nơi nào còn thấy màu gỗ. Cẩn thận nghe, hàng loại “hai” cả đó.

Hạnh thì lấy những miếng hàng  có những lỗ hổng, nhét những viên bi xe đạp tròn tròn vào đó, rồi dùng bột gỗ rơi ra từ miếng trầm nhét kín lại. Miếng nào lớn, nàng bỏ bốn hay năm viên bi. Miếng nào nhỏ, nàng bỏ một, hai viên. Lục vừa làm vừa liếc nhìn Hạnh:

–   Người Việt mình làm cái gì cũng gian dối. Tụi Hồng Kông chúng nó biết, chúng nó trả về cho biết mặt.

Hạnh chống chế:

–    Làm sao mà biết được. Mình làm rất khôn, nghĩa là vừa phải. Miếng hàng này, anh xem, em bỏ bốn viên, anh cầm thử, chẳng có gì khác cả. Nặng vừa phải, không có vẻ gì là bất thường cả.

–    Anh cho rằng, nếu người ta qua mặt được một lần, lần sau, người ta sẽ bỏ nhiều hơn. Lòng tham vô tận mà. Người này làm được thì người kia cũng làm được. Cuối cùng, bi sẽ nặng hơn trầm.

Hạnh xẳng giọng:

–    Thôi mệt quá, anh ơi! Cứ làm, khi nào họ phát hiện được hẳn hay. Thời buổi này, không lừa dối nhau làm sao mà sống được. Mà lừa dối tụi nước ngoài, thì có sao đâu! Chúng nó quá giàu mà! Anh biết không, tô màu cho khéo là hàng sẽ được nâng loại. Bỏ bi vào, mình vừa trừ được hao hụt, vừa dư thêm ít lạng nữa. Một lạng trị giá cả nửa chỉ. Tụi nước ngoài chúng nó xạo không thua gì người mình. Chúng nó mua mình một, mà bán về Trung Ðông giá gấp ba, gấp bốn. Một kí loại “một”, chúng bán 4000 đô, trong lúc chúng nó mua của mình chưa tới 1500 đô. Ðấy, anh xem, vậy thì dại gì mà không tô, không độn.

Lục cười. Cái lối lý luận buôn bán này không hợp với tạng của anh. Anh không tin người ta có thể kiếm được lợi nhuận trong việc buôn bán chỉ bằng sự lừa dối. Nhất là khi sự lừa dối kéo lòng vòng từ khâu này đến khâu khác. Trong mặt hàng trầm, sự lừa dối được nâng lên thành nghệ thuật. Cứ tưởng tượng, một lô hàng trầm, người này mua của dân đi cội, bán lại cho người khác lấy một ít lời, người mua lại bán lại cho một người khác nữa và cứ thế chuyền qua tay bốn, năm, có khi sáu, bảy người. Khoảng cách giữa giá đầu tiên và cuối cùng lên đến  vài cây là thường, so với số vốn bỏ ra lúc đầu chỉ một, hai cây vàng, lắm khi chỉ vài chỉ. Lục không rành buôn bán, lại càng không biết gì  về mánh lới của mặt hàng trầm, nhưng trong nhà này, anh đã chứng kiến biết bao nhiêu vụ mua đi bán lại giữa Hạnh và bạn hàng, giữa bạn hàng và bạn hàng. Giống như đánh bài xì phé. Giá trị món hàng không nằm trong chính mặt hàng mà nằm trong cách bán. Ai có mánh lới nhà nghề cao, người đó sẽ kiếm được lời nhiều nhất. 

Có lần anh nói với vợ:

–    Mua bán riết rồi, không khéo em sẽ xem anh là một món hàng luôn.

Hạnh lườm chồng:

–    Chẳng thế mà nuôi nổi mấy cha con anh. Cứ ngồi đó mà chân chính với không chân chính. Ðói thì có!

Anh ngậm miệng. Kẻ làm ra tiền không những có quyền nói mà còn có quyền nói quá, nói xa hơn sự thật, có khi không cần cả sự thật nữa. Chẳng khác gì cái xã hội ngoài kia. Tất cả đều giả, từ những câu khẩu hiệu treo đầy đường phố cho đến các thông tin phát ra trên loa phường; từ những bài học trẻ con dạy ở trường cho đến những buổi họp dân phố, điều quan trọng không phải là sự thật mà là sự vâng phục và im lặng. Mỗi lần nhìn tấm biểu ngữ treo ngay trước lối đi vào xóm, “buôn bán là bóc lột”, dưới đó, hàng ngày đủ thứ loại con buôn, chạy mánh đi vào đi ra, anh cứ cười thầm. Một xã hội đầy nghịch lý. Nó tồn tại bằng sự nghịch lý. Chẳng lạ gì, gia đình anh cũng phải tồn tại bằng nghịch lý. Nghĩ như thế, anh nhìn Hạnh, cảm thấy bớt giận.

Hạnh gói lại, cân thử, rồi xoa tay thỏa mãn, nhìn chồng:

–     Lô hàng tăng thêm được năm lạng…Ơ kìa, anh làm gì mà ngồi ngẩn ngơ như thể nhớ ai vậy.

Lục như sực tỉnh, nhìn nàng, cười gượng. Nàng dùng dây ni lông, gói chặt lại rồi bảo Lục mang ra sau góc vườn, giấu dưới đống rác.

*

Để thưởng công chồng, mà cũng để chuộc lỗi, sáng hôm sau, Hạnh rủ chồng cùng mấy đứa con đi ăn tiệm. Lục chở hai đứa nhỏ.  Hạnh mượn thêm xe Honda của đứa em, chở Ðồng. Lục hỏi ăn ở đâu, Hạnh cười:

–   Cháo lòng Nguyễn Huệ.

Lục biết Hạnh lần này chìu anh, nhìn nàng cười duyên rồi lặng lẽ chạy về hướng đường Nguyễn Huệ. Anh biết Hạnh chẳng thích thú gì món cháo lòng. Nàng thường thích đi mấy quán đông khách, nơi nàng được gặp những người quen mà đa số là dân buôn. Ở những nơi đó, gọi đồ ăn, bia bọt cho anh xong là nàng chạy đi bàn này bàn nọ nói chuyện. Nếu nàng không đi, thì thế nào cũng có một ai đó kéo ghế đến ngồi cạnh nàng. Thôi thì đủ thứ chuyện: giá cả, lô hàng, các giai thoại về buôn bán, chuyện gia đạo người này người nọ. Chỉ trong thoáng chốc, anh trở thành người thừa. Anh đành im lặng nhâm nhi cốc bia, nhìn mọi người nhậu nhẹt, bàn luận, cãi nhau. Và đợi. Nhiều lần, ham nói chuyện, nàng quên mất cả anh. Mãi đến khi đứng dậy trả tiền, nàng mới sực nhớ ra, nàng chưa ăn gì cả.

Ðến quán, dựng xe xong, Lục liếc nhìn vợ. Hạnh không nói gì, háy anh một cái, cầm tay thằng cu Tơ vào trong quán. Quán ăn là một chiếc lều che tạm sơ sài ở góc vườn. Trong lều chỉ có hai chiếc bàn nhỏ. Các bàn khác đặt rải rác ngoài vườn, dưới gốc cây, và phần sân phía ngoài.  Không như các quán nhậu khác, ở đây, không khí thoáng đạt, yên tĩnh. Mồng ba Tết, quán còn thưa khách. Chỉ thấy một cặp ngồi ở phía cuối vườn. Lục cảm thấy thoải mái trước cái yên tĩnh này. Anh muốn được vừa ăn, vừa tâm sự chuyện đời với vợ con. Nhưng Hạnh trông không vui. Nàng lặng lẽ sắp xếp ghế ngồi cho mấy đứa con và gọi thức ăn. Thấy Lục  còn ngồi yên, nàng hỏi:

–    Anh ăn lươn xào hay lẩu? Hay làm một tô cháo đi.  Mấy đứa không thích ăn lươn. Chúng sợ. Ở đây thức ăn ít quá.

–    Quán bình dân mà!

– Anh uống một lon heineken nhé?

Lục xua tay:

–    Heineken đắt quá, uổng tiền. Anh uống một cốc  rượu “Thiên tường” thôi.  Ở nhà còn mấy lon Sài Gòn, về  uống sau.

Hạnh cười:

–    Em đãi anh một lon. Lâu lâu nhấm một tí đồ ngoại cho vui.  Mừng em mua được bận hàng đầu năm.

Thấy Hạnh vui, anh im lặng chấp nhận. Ðược mấy khi nàng không cằn nhằn, nói chi đến chuyện nàng chìu anh như bữa nay. Anh cảm động nhìn vợ:

–    Cám ơn em.

–    Chồng em đến lạ!  Bữa này lại bày đặt cám ơn!

Lục không thoải mái được lâu. Khi anh vừa ăn được mấy miếng lươn và nhấp một, hai ngụm bia thì nghe có tiếng xe dừng trước quán. Anh nhận ra hai người khách mới, lại là bạn hàng của Hạnh: Hồng và Thuận. Anh nản chí. Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Hai người bước vào, đang nhìn quanh để tìm chỗ, thì Hạnh vui vẻ lên tiếng:

–    Hồng! Thuận! Lại đây ngồi cho vui.

Hai người quay lại. Hồng reo lên:

–    Trời, hai vợ chồng chị Hạnh kìa.

Thuận nhận ra Hạnh, nói:

–    Tôi đang muốn tìm chị đây.

Thuận chào Lục, kéo ghế ngồi xuống cạnh Hạnh. Hồng ngồi phía bên kia, gần Lục. Thuận hỏi ngay:

–    Nghe chị mới “dớt” được một bận hàng xịn lắm, phải không?

Hạnh giật mình:

–     Ai nói với anh vậy? Ðừng nghe người ta đồn. Thiên hạ khi nào cũng ưa thêm mắm dặm muối vào.

Thuận oang oang:

–   Chị hên hơn tôi. Hôm qua tôi lên Dương Xuân, hỏi thằng Gò-đen mấy hắn cũng chối là không có hàng. Tổ mẹ thằng oắt con, có ngày tôi cũng phải cho nó ăn đấm.

Hồng chen vào:

–    Thuận khi nào cũng ăn nói phang ngang bửa củi. Tùy người mà nói chứ. Ðầu năm đầu tháng…

–     Không tức sao được. Bán ai cũng là bán, sao lại chọn người này người nọ. Bộ thằng này không có tiền trả tươi hay sao.

Hạnh dịu dàng:

–    Tự dưng Thuận nói vậy. Mình có mua được gì đâu.  Trách nó làm gì tội.

–   Thôi chị ơi, Thuận chứ có phải ai mô mà nói câu đó.  Dân trầm, chị biết rồi, đánh hơi còn tinh hơn chó nữa. Nói là nói cho vui, chứ thằng này mà thèm giận thằng oắt con đó làm gì! Bây giờ thế này, liệu chị sang lại cho tôi bận hàng đó được không. Tôi đang cần hàng để nhập cho ông Quán mồng năm tết. Hàng “đuôi” thì nhiều mà hàng “đầu” không có. Không cần xem hàng, tôi trả lời một chỉ, được không.

Hạnh chối mãi không được, đành nói:

–    Giấu không được thì nhận vậy. Nhưng nói thật, tôi cần hàng đi.  Mua xong, tôi chuyển đi liền. Tôi nói thật đó.

Thuận nài nỉ, nhưng Hạnh cương quyết từ chối. Thuận bực  bội ra mặt, nhưng liệu khó thuyết phục được Hạnh, bèn xuống nước:

–    Hay là, chị cho tôi xem được không? Nghe nói mà không “chộ”, cũng tức.

Hạnh mềm mỏng:

–    Hàng mua xong, gửi liền, Thuận à. Mô có dám giữ trong nhà. Có xe là vọt ngay. Thuận thông cảm giùm mình.  Nếu còn giữ ở nhà thì tiếc gì mà không cho Thuận xem.

Cứ thế, hai người xoay quanh chuyện mua bán trầm. Câu chuyện nhảy vọt từ bận hàng ở Dương Xuân đến tình hình hàng hóa ở Sài Gòn, xoay quanh việc nhập hàng đầu năm cho công ty, rồi lang bang qua các giai thoại mua bán trầm. Hồng và Lục ngồi nghe một cách lơ đãng, thỉnh thoảng miễn cưỡng gật đầu hay lắc đầu khi Hạnh hay Thuận cần hỏi gì đó. Nghe chán, hai người quay qua nói chuyện với nhau. Hồng hỏi Lục:

–    Lâu nay, anh có đọc thêm sách báo gì không?

–    Trời, có sách báo gì đâu mà đọc, chị. Toàn là sách báo tuyên truyền vớ vẩn, đọc một bài là đủ.

–    Hồng muốn nói sách báo cũ kìa.

      –    Có chị ạ. Thỉnh thoảng thôi. Tôi còn giữ lại được một ít sách báo cũ sau mấy đợt truy quét tịch thu sách báo đồi trụy. Lâu lâu mang ra đọc lại chơi. Kể ra thì cũng ẩu.

–    Sách của ai vậy anh? Có cuốn nào hay không, cho Hồng đọc với.

–    Nói thật, tôi cũng chẳng còn thấy hay hay dở nữa. Ðọc là đọc cho vui, vì không có gì để đọc. 

–    Báo hay sách vậy anh?

–    Báo có, sách có. Một ít Bách Khoa, Văn. Mấy truyện dịch của Hemingway như “Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro”, “Chuông gọi hồn ai”, rồi “Một thời để yêu một thời để chết”…

–    Có truyện Việt nam không?

–    Một ít. “Tôi nhìn tôi trên vách” chẳng hạn.

–    À, “Tôi nhìn tôi trên vách” của Túy Hồng phải không?  Anh cho tôi mượn cuốn này đi. Trước giải phóng, tôi khoái truyện này lắm. Ðọc văn Túy Hồng cứ có cảm giác nhột nhạt thế nào ấy.  Nhột mà thích. Chữ nghĩa bà ấy cứ như cái gì chích vào người mình.

–    Chị nhận xét hay thật.  Tôi đọc cũng có cảm giác như chị nhưng không biết cách diễn đạt. Không khéo chị có thể viết phê bình sách đa.

Hồng cười thích chí:

–    Không dám đâu anh. Nhưng đọc truyện ai mà mình thích, Hồng đọc đi đọc lại hoài, cố tìm hiểu lý do tại sao mình thích.

–    Chị chịu khó nhỉ?

–    Hồng dạy văn mà anh.

–    Hèn gì!

–    Tháng rồi vào Sài Gòn, Hồng có mua lại được cuốn “Exodus”. Anh đọc cuốn này chưa?

–    Thế Uyên dịch phải không. Tôi có thấy nhưng chưa có dịp đọc. Hay không chị? Truyện đề cập đến cái gì? Chuyện tình?

–   Không hẳn. Ðề tài chính là chuyện dân Do Thái lập quốc.

–   Tôi nhớ ra rồi, đề tiếng Việt là “Về miền đất hứa”, phải không?

–    Ðúng. Hồng cũng mới mượn được của cô bạn mấy tập Bách Khoa đóng bộ, nhưng cũ quá, đâu thời kỳ 60, 61 gì lận.  Cũ, nhưng đọc lại cũng vui vui.

–   Tôi thì còn một ít Bách Khoa những năm sau này.  Nhưng tôi ít thích Bách Khoa. Bách Khoa nghiêm túc quá. Tôi thích tờ Văn hơn. Có mấy thằng bạn lính của tôi  viết ở đó.

–   Ðúng rồi. Hồng cũng đọc Văn luôn. Ðám nhà văn trẻ trong Văn nhiều, mà toàn là lính không. Hồi đó, Hồng cũng thích lính lắm.

Lục cười:

–    Vậy mà Hồng mô có lấy lính?

–   Cũng cái số thôi anh. Nhưng thích thì mình vẫn thích.  Mà thời trước, mấy ai thoát khỏi lính đâu. Truyện cũng thế, toàn là chiến tranh. 

Lục định nói tiếp thì Thuận bỗng nhiên nâng ly bia lên, mời Lục:

–    Thôi cạn ly đi ông Lục ơi. Quý vị thì ai cũng văn chương chữ nghĩa cả, mà người nào người nấy ốm teo.

Anh ta quay sang Hồng:

–     Bà cũng thế. Cạn ly đi. Ngày nào cũng sách với lại chữ nghĩa. Tôi chán ngấy mấy cái trò văn chương chữ nghĩa của quý vị. Mẹ kiếp, không có tiền vào thì văn chương cái củ…mẹ gì! Nào, ông Lục, vô đi.

Hồng hớp một hớp bia, nhìn Thuận, nhỏ nhẻ:

–    Thuận kỳ thiệt. Thuận có chuyện của Thuận, tụi này không biết chuyện trầm thì nói chuyện khác cho vui thôi mà.  Chẳng lẽ cứ ngồi không.

Thuận quay sang Hạnh cười:

–    Họ khác mình khác, phải không chị. Họ thích chuyện giả, mình thì chuyện thật thôi. Nào, uống.

Thuận cạn ly, đặt một cái thật mạnh xuống bàn, rồi bàn tiếp chuyện trầm với Hạnh.

Thái độ của Thuận cắt ngang hẳn câu chuyện của Hồng và Lục. Hai người ngẩn ngơ nhìn nhau, im lặng.

CHƯƠNG 6

Chuyến xe Bộ Nội Vụ với một viên chức cao cấp áp tải cùng với lệnh công tác do bộ trưởng ký đã giúp tay tài xế thong dong đi lọt mười mấy trạm thuế, mang đến Sài Gòn hơn ba mươi ký trầm xịn. Tất cả có ba chủ hàng: Mễ-Tư, Phúc-Toàn và Hạnh. Mễ đi máy bay trước đợi đón hàng. Phúc và Hạnh nhảy tàu Thống Nhất vào sau. Hạnh nhờ người dùng xe chuyển hàng về chỗ trọ. Lần này, nàng không gửi hàng chỗ cũ nữa, mà gửi ở nhà một người quen khác chuyên chạy mánh thuốc tây chợ Bến Thành, nhà ở đường Ðiện Biên Phủ. Thường thì dân buôn, nhất là dân buôn trầm, ít khi gửi hàng tại một nơi nhiều lần. Dân Sài Gòn chẳng mấy ai biết đến mặt hàng này, nhưng công an thuế vụ và đám viên chức phường khóm biết khá rõ. Vì thế, địa điểm bán hàng phải thay đổi luôn, để tránh gây chú ý, bảo đảm an toàn và dễ mua bán.

Trái với lời đồn đại ở Huế, tin tức thị trường không mấy vui. Sau chuyến hàng Tết, thương lái Campuchia hoàn toàn vắng bóng ở Sài Gòn. Cũng chẳng nghe tin tức nào từ bên kia biên giới gửi về. Các công ty nhà nước  nhập cầm chừng, chỉ mua hàng xấu, giá thấp. Hàng đứng. Thị trường hoàn toàn lặng lẽ. Thương lái trầm vắng biệt, y như họ biến đi đâu mất, không ai hay. Mễ-Tư thấy không xong, gửi hàng lại Sài Gòn, trở ra Huế  ngay.  Phúc nấn ná ít hôm, rồi cũng ra. Hai người này mạnh vốn, hàng ăn thì bán, hàng đứng họ xoay ra làm việc khác, đợi giá. Riêng Hạnh, nàng chỉ có một vốn. Vốn chôn chặt trong lô hàng thì đành chịu trận. Hạnh buồn bã, phân vân không quyết. Ði tay không ra Huế thì tốn tiền tàu xe. Lại không yên tâm chút nào khi để hàng lại tại nhà người ta quá lâu. Cả gia tài sự nghiệp và cuộc sống của chồng con đều nằm gọn trong mấy ký hàng. Bỏ đó mà đi khác nào giao sinh mệnh của cả gia đình vào nơi mênh mông vô định. Nhưng ở, thì biết ở đến bao giờ. Chồng chờ, con đợi, tiền cạn túi. Thì thôi, đành phải về. 

Trưa hôm đó, đợi nắng dịu, Hạnh trở dậy, sắp xếp hàng lại, gói, niêm phong kỹ, nhờ người nhà cất giùm. Nàng ra ga đúng lúc tàu Thống Nhất 4 chuẩn bị khởi hành. Vào giờ cao điểm, khách đặc kín phòng đợi. Những tay anh chị bán vé chợ đen cùng dân mánh mun đủ loại  chạy qua chạy lại gạ gẫm, móc ngoặc. Ðám vác hàng thuê làm việc cật lực để chuyển hàng của con buôn vào ga cho kịp chuyến. Nếu muốn ra ngay bây giờ, Hạnh có thể chìa ngay mấy trăm bạc cho con nhỏ gác cổng để vào ga, nhảy tàu ra ngay. Nhưng lòng chưa quyết, vẫn còn phân vân. Nàng đi lui, đi tới, ngẩn ngơ nhìn khách qua lại, lòng đau đáu, bồn chồn.

Chợt nghe tiếng gọi. Hạnh giật mình, nhìn quanh. Trời ơi, Duyệt. Duyệt, dân chạy hàng chợ Tân Bình. Như vớ được cái phao, nàng ôm lấy bạn, lòng ấm lại. Rồi buông tay, nhìn Duyệt, ngạc nhiên:

–    Ðịnh bỏ chợ ra buôn tàu hay sao mà vơ vẩn ở đây, bà?

Duyệt cười thoải mái:

–    Mô có. Ra tiễn ông anh họ đi Ðà Nẳng. Anh ấy mới ở trại cải tạo về. Bà cũng đi chuyến này hay sao?  Ra hàng gì vậy?

Hạnh đưa tay phủi bụi bám trên cái áo lụa láng của Duyệt:

–    Chẳng có hàng gì. Hàng vào bán chưa được, chưa biết tính sao đây. Ðợi mãi sốt ruột quá, tính nhảy tàu ra lại.

–    Ði tay không à? Có ai đời dân buôn mà để uổng phí thế! Ðóng ít thuốc lá ra đi. Craven A đang hạ đấy. Bữa này còn có “chín hai” à. Hôm qua hôm kia, hàng khan, bọn Hà Nội, “chín tám”, có khi “chín chín” mà cũng đóng đấy.

Hạnh ngập ngừng:

–    Ừ, đi tay không thì phí thật, nhưng…

Hạnh ngừng nói. Chẳng lẽ nói với Duyệt mình chẳng còn bao nhiêu tiền trong túi. Không để ý đến thái độ khác thường của bạn, Duyệt dứ dứ mấy ngón tay vào mặt Hạnh, cười tủm tỉm:

–    Lại ra gấp kẻo nhớ chàng chứ gì! Nhớ vòng tay, hơi thở, phải không. Của mình, chứ của ai mà vội. 

Hạnh cười theo:

–    Nhớ chứ sao không nhớ. Ðâu phải sướng như bà, về cái là gặp chàng ngay.

Duyệt xốc tay Hạnh:

–    Nhớ thì nhớ, nhưng phải có tiền. Không có tiền nuôi chàng thì đâu có mà vòng tay với vòng chân, hơi thở nồng nàn, phải không nà? Thôi, quyết định đi. Bà theo tôi, tôi đóng cho, bảo tụi nó chuyển hàng ra. Còn bà với tôi đi long nhong chơi, đợi khuya ra tàu, đi.

–    Ðầu óc tôi rối bù đây này, chơi gì mà chơi.

–    Bộ không được sao? Chuyến tàu kế, khuya mới đi.  Giờ mới có ba giờ chiều. Ðóng thuốc xong, bà còn cả khối thời giờ, chẳng lẽ nằm ngủ. Ta đi tới chỗ này chơi, vui đáo để lắm.  Tôi cá là bà chẳng bao giờ biết đến đâu. Quyết định đi. Buôn bán đầu tắt mặt tối quanh năm, phải hưởng thụ đôi chút chứ. 

Duyệt hạ giọng:

–    Ông xã tôi vắng nhà, tôi “nhảy dù” đi chơi.

Hạnh đâm ra tò mò:

–    Chơi cái gì mà gọi là “nhảy dù”?

Duyệt cười khanh khách:

–    Nghe hai chữ “nhảy dù” bà sợ sao? Không có gì ghê gớm đâu. Tôi dùng chữ tượng hình ấy mà. Nào, đi nhé. À bà ra đây bằng gì?

–     Thì xe lam chứ gì.

Duyệt nói như ra lệnh:

–     Nào, tôi đèo bà đi đóng hàng trước. Ðừng suy nghĩ gì hết. Dân buôn là phải biết quyết định. Ðừng có mà lừng chừng, mất mối. Không lỗ thì cũng bị tụi thuế chúng nó “đớp” cho hết vốn.

Hạnh miễn cưỡng theo Duyệt, leo lên xe.  Qua khỏi cầu Bình Triệu, Hạnh ôm vai Duyệt thú thật:

–    Thực tình, tôi chẳng mang tiền theo. Tiền hiện giờ nằm ở trong hàng cả rồi. Bà chở đi vòng vòng chơi rồi cho tôi về lại đường Ðiện Biên Phủ.

Duyệt ngoái đầu lui, nói lớn cho át tiếng ồn ào trên đường:

–    Bà cứ thậm thùi thậm thụt. Giờ có muốn lui lại ga, tàu cũng chạy rồi. Ðấy, bà nghe chưa, tàu hú còi rồi đấy. Giờ bà không đóng thuốc, phải không?

–    Ừ!

–    Ðược, ta đi chơi vậy. Ngồi yên đó, đừng có mà bàn tới bàn lui. Tôi ghé chợ một chút, dặn dò đôi chuyện rồi dông.

*

       Gửi xe xong, Duyệt nói:

–    Thời buổi này, đi đâu, làm gì cũng phải cẩn thận. Nhất là đám mánh mun như bọn mình. Bọn phường khóm chúng nó thính mũi lắm. Nhiều việc chẳng đáng gì mà bọn chúng cũng làm ồn lên.

Duyệt dẫn Hạnh đến một căn nhà nằm khá sâu trong một con hẻm tráng nhựa ngoằn nghoèo. Căn nhà khá khang trang.  Cổng sắt, cửa kéo. Một giàn hoa giấy đủ màu chạy dọc bờ rào, phủ cả cổng. Duyệt nói nhỏ vào tai Hạnh:

–    Nhà này trước của sĩ quan ngụy.

–    Hèn gì!

–    Nhưng giờ chủ nhân bây giờ là bộ đội.

–    Bộ đội thì phiền quá.

–    Không sao đâu. Nói bộ đội là nói cho vui vậy, vì là dân ngoài kia vào. Chẳng bộ đội bộ điếc gì, cũng dân mánh mun như mình thôi. Nghe nói chịu chơi lắm.

Duyệt gõ cửa. Ðợi một lát, mới có một bà cụ ra mở cửa.  Hai người đi ngang phòng khách vắng, theo một hành lang hẹp ra phía sau đến một phòng khác. Bước vào phòng, nàng ngạc nhiên khi thấy nhiều người  đã ở đó, kẻ đứng người ngồi rì rào nói chuyện. Có tiếng nhạc êm dịu phát ra từ chiếc cassette nhỏ đặt ở góc phòng. Nàng lúng túng vì nhìn quanh chẳng thấy ai quen. Thấy Duyệt, một giọng đàn bà reo lên:

–     Làm gì mà giờ này mới đến bà Duyệt?

Duyệt đẩy Hạnh tới trước:

–    Hạnh, khách mới, tin cậy. Dân trầm, từ Huế vào.

Duyệt chỉ từng người, giới thiệu:

–    Anh Thông, giáo viên lưu dung, chị Hồng bà xã anh Thông; Hương, em gái Hồng; Sinh, y khoa bỏ học ra chạy chợ; chị Tuyết, vàng chợ Nancy; Chị Phong, chợ Bà Chiểu; anh Toàn, anh Trang, anh Thắng, anh Phiệt và kia là chị Mùi.  Ðồng hội đồng thuyền cả.

Hạnh dè dặt chào từng người. Nàng ngồi xuống chiếc ghế mà người đàn ông tên Toàn vừa mang đến. Anh ta bảo:

–    Tôi rất thích nghe giọng Huế.

Hạnh mạnh miệng nói tếu để che giấu nỗi  ngượng ngịu:

–     Giọng Huế dở nhất nước, anh thích gì nổi.

Toàn nghiêng đầu cười, điệu bộ rất ga lăng:

–     Trái lại, chị Hạnh à.

Nói xong, Toàn quay đi, trả lời một người khác vừa hỏi anh ta một điều gì đó. Hạnh kéo Duyệt ngồi xuống, nói nhỏ:

–    Tự dưng bà kéo tôi vào đây làm gì. Có ai quen đâu.  Với lại, tôi mô có biết nhảy nhót gì.

Duyệt ra lệnh:

–    Ngồi yên đó. Ðừng có nhiều chuyện. Không ai đưa về đâu, trừ khi mãn tiệc. Dễ gì có được một dịp vui vẻ như thế này vào thời buổi này. Không phải ai ở đây cũng biết nhảy cả đâu. Mà lại, không biết thì tập, mấy hồi.

Hạnh ngồi yên chịu trận, cố đè nén cảm giác lạc lõng.  Nàng không biết nhảy và cũng chưa bao giờ tham dự một buổi họp mặt có khiêu vũ nào. Ở Huế, khiêu vũ từ xưa đến nay vẫn điều cấm kỵ. Con gái và ngay cả con trai biết khiêu vũ bị xem như những người hư thân mất nết.  Hồi còn nhỏ, và ngay khi đã lớn, có chồng, đôi khi nàng cũng tò mò muốn tận mắt nhìn người ta khiêu vũ như thế nào, nhưng không có dịp. Không biết một người đàn bà sẽ có cảm giác như thế nào khi để một người đàn ông không phải chồng mình ôm sát lấy mình để nhảy. Mới nghĩ đến không thôi, nàng đã thấy nổi gai trong người, huống gì là trong thực tế. Khi Duyệt cho biết rủ nàng đi dự một buổi khiêu vũ lậu, nàng khăng khăng từ chối. Quen với trò trốn tránh công an, thuế vụ, nàng chẳng sợ gì chuyện “lậu” với không “lậu”. Nàng ngại chuyện khác. Nàng sợ bị lạc lõng.  Sợ hiểu lầm. Sợ tiếng tăm bay đến những bạn hàng Huế. Chỉ khi nghe Duyệt cho biết mọi người đều là dân Bắc và Nam, nàng mới bằng lòng vì nàng biết chắc là không có ai quen. Thực sự, trong thâm tâm, khi nghe Duyệt rủ, nàng đã muốn đi rồi. Nàng tò mò. Vả lại, đây cũng là dịp giúp nàng quên nỗi băn khoăn hiện tại.

Ðồ ăn bày ra. Toàn đồ nhậu: nem nướng, thịt vịt quay, phá lấu. Mấy bà lăng xăng bưng chén, đĩa, nước ngọt. Người đàn ông tên Thông bước tới vặn nhạc nhỏ lại. Anh lôi ra từ hộc tủ gần đó một  gói giấy báo. Anh tháo mấy lớp giấy để lộ ra một chai rượu. Anh đưa chai rượu lên, nói:

–   Ðây là chai Napoléon thứ thiệt thằng em tôi từ Mỹ mang về cho tháng rồi. Cũng đa đoan lắm mới lấy được. Nó mang hai chai, tụi hải quan đòi giữ lại hết. Năn nỉ mãi, lại biếu luôn một chai, mới được mang về. Hôm nay, khỏi rượu cồn, rượu Cây Lý, rượu Sitomen. Làm một bữa rượu Tây cho đã, đỡ ghiền.

Anh mở nắp, rồi dùng chiếc nắp nhỏ như một dụng cụ cân đong, trịnh trọng rót từng nắp đổ vào mấy cái ly để sẵn. Vừa rót vừa cười:

–    Thời buổi này, cái gì cũng phải cân đo đong đếm cẩn thận.

Rót rượu xong, Thông quay qua mấy bà:

–    Xin mấy chị nhắm một chút. Người nó có hưng phấn thì nhảy mới vui.

Ðến gần Hạnh, Thông nói:

–    Hân hạnh được biết chị. Mời chị…

Hạnh bẽn lẽn lắc đầu:

–     Tôi không hề…biết uống rượu. Cảm ơn anh, tôi uống nước đá lạnh cũng được.

–    Sao lại nước đá lạnh. Có cô ca cô la Mỹ đằng kia chị. Chị Phong mang đến đấy.

Theo tay chỉ của Thông, Hạnh thấy trên chiếc bàn nhỏ cuối phòng có một bịch ny lông khá lớn với chất nước màu đen sánh nàng vẫn thường thấy bày bán ở chợ Huỳnh Thúc Kháng.  Loại nước ngọt cô-ca đựng bình này chỉ mới thấy xuất hiện gần đây ở các khu chợ bán đồ ngoại ở Sài Gòn. Nhìn thôi, nàng đã thấy quá xa lạ đối với đời sống bình thường của nàng, nói gì đến chuyện mua để uống. Nàng bước đến bàn, lấy ly, cầm bình cô ca, mở nắp. Bịch lớn hơn bàn tay, nàng loay hoay mở nắp, trượt tay, bình nghiêng xuống bàn, nước chảy ra ùng ục. Nàng hoảng hốt, dùng cả hay tay đỡ bịch lên, nhưng lại trượt. May mà một người đàn ông đứng gần bàn, kịp thời chạy đến đỡ giúp nàng. Hạnh đỏ mặt, nhìn người đàn ông, ấp úng:

–    Xin lỗi ông, tôi vô ý quá.

Người đàn ông cười:

–    Ðâu có gì chị. Kìa, nước đổ cả vào vạt áo chị kìa.

Hạnh giật mình nhìn xuống, thấy thân áo bên phải, phía dưới bị nước đổ lan ra, nhỏ xuống quần. Nàng nhìn quanh tìm cái bóp để lấy chiếc khăn, thì người đàn ông rút vội khăn tay của mình, định chùi cho nàng. Nàng hoảng hốt bước lùi lại:

–    Cám ơn ông. Ai lại làm thế, nhớp  khăn ông. Tôi có khăn ở đàng kia.

Hạnh trở về chỗ của mình, mở túi xách lấy chiếc khăn mu-soa nhỏ, chùi nước cô ca trên áo trên quần. Nước thấm vào da qua lớp quần mỏng. Nàng rùng mình, cảm thấy lành lạnh ở hai bắp đùi. Khi trở lại bàn thì người đàn ông đã chùi sạch nước đổ trên bàn. Anh ta đưa cho nàng cốc cô ca đầy:

–    Mời cô. Tôi tên Phiệt. Hân hạnh được biết cô.

Nói xong, anh ta nâng cốc rượu lên:

–    Nào, nâng cốc  chúc sức khỏe cô Hạnh. Gọi cô cho trẻ, được không, hay gọi tên?

Hạnh bực mình vì cái vẻ xum xoe quá đáng của Phiệt.  Nhưng vẫn mỉm cười:

–    Không có gì, anh. Anh muốn sao cũng được.

–    Thế thì tốt quá. Kêu Hạnh đi nhé. Nào, mời Hạnh.

Hạnh nâng ly với anh ta, uống một hớp. Không đợi Phiệt nói thêm, nàng bước về chỗ Duyệt. Duyệt đang nói chuyện vui vẻ với Thông về chuyến xuất cảnh của gia đình Thông sắp đến. Thấy Hạnh trở lại, Duyệt ghé tai hỏi nhỏ:

–    Thế nào, ông Phiệt ông ta tán bà đấy phải không?

Hạnh phác nhẹ vào vai bạn:

–    Bà khi nào cũng nói bậy. Ai mà tán tôi.

–    Có gì mà gọi rằng bậy. Ðàn ông thấy đàn bà thì tán là chuyện thường. Tôi thấy anh ta dùng khăn tay định lau áo cho bà, phải không?

Duyệt hạ giọng:

–    Vợ vượt biên mấy năm rồi.  Hiện ở Canada. Lúc đầu có thư từ, lâu nay bặt tăm. Chắc bà ta cho “de” rồi. Tính tay ấy cũng vui, nhưng tán vụng. Không bằng tay Toàn kia.

Hạnh im lặng, ngồi xuống chiếc ghế cạnh đó. Lúc này, nàng mới để ý thấy ai cũng ăn mặc khá tề chỉnh. Ðàn ông, áo bỏ vào quần. Ðàn bà, quần jean áo pull. Hồng mặc jupe. Chỉ có nàng là mặc đồ bộ. Nàng quay sang Duyệt:

–    Tôi ăn mặc thế này mà bà cũng kéo vào.

–    Sao lại gọi là “ăn mặc thế này”. Bộ ăn mặc sao mới được?

–    Bà xem, ai cũng áo quần nghiêm chỉnh, chuẩn bị đàng hoàng.

Duyệt phác vào bắp vế Hạnh:

–    Bày đặt! Không ở truồng là tốt rồi. Thời đại xã hội chủ nghĩa mà. Bà mặc thế này lại trông còn hấp dẫn ra phết. Bất ngờ mới thú. Nếu bảo bà chuẩn bị, chắc gì bà chịu đi. Thời buổi này, cận đâu xâu đấy, gặp đâu làm liền đó. Bà xem, không có thời buổi nào mà mọi sự xoay đổi xoành xoạch như bây giờ. Mới vợ vợ chồng chồng đó, thoắt cái, bỏ nhau. Mới mạ con đó, thoắt cái, ở tù.  Mới có mấy cây vàng đó, thoắt cái mất hết trơn hết trọi. Có nghĩ, có lo cho lắm cũng chẳng thấu đâu, Hạnh à. Bà hiền quá, cứ ru rú với chồng con, lại ở ngoài cái xứ Huế cổ chẳng ra cổ kim không ra kim, nên chẳng hiểu chi sự đời.

Hạnh gật gật đầu, nhưng vẫn chống chế:

–    Ai bảo với bà là tôi chỉ biết có chồng con? Mà không chồng con thì …sao được.

Nàng chợt nghĩ vu vơ, rùng mình. Duyệt nói:

–    Cứ xem như tôi lầm. Mà lầm thì càng tốt. Nào, tập nhảy đi.

Lúc này, Thông đã bỏ nhạc.  Một bản nhạc hòa tấu ngoại quốc. Hạnh nghe âm thanh quen quen, nhưng không biết là bản gì. Duyệt kéo Hạnh đứng dậy.  Hạnh ngồi trì xuống, không đi:

–    Tôi không biết nhảy. Ðể tôi ngồi đây nhìn cũng được. 

–    Không biết thì học. Nhảy cho vui chứ có biểu diễn trên sân khấu đâu mà sợ. Ừ, mà thôi, ngồi đó cái đã. Ðiệu tango khó nhảy. Ðợi khi nào có slow, tôi kéo bà ra tập.

Hạnh mừng rỡ ngồi xuống. Ðã có ba cặp ra nhảy. Thông với bà xã anh ta, Hồng. Toàn với Hương. Sinh với Mùi. Một lát sau, có thêm Trang với Tuyết. Tiếng nhạc vặn vừa đủ nghe.  Bốn cặp ôm nhau bước qua bước về theo điệu nhạc trong căn phòng chật. Cặp này nhìn cặp kia để khỏi giẫm chân lên nhau hoặc đụng nhau. Ngoài cặp Thông – Hồng là vợ chồng, còn ba cặp kia chỉ là những người quen. Ðúng là họ không kiêng dè gì cả.  Họ ôm nhau nhảy y như ngày nào nàng xem trên phim ảnh ngoại quốc. Hai thân thể ôm sát vào nhau. Ngực của mấy bà gần như ép sát vào ngực của mấy ông. Hạnh tránh không nhìn thẳng, nhưng lấm la lấm lét liếc mãi. Nàng cảm thấy nhột nhạt, toàn thân rần rần khó chịu. Mấy bà mấy ông này bạo thật bạo. Chẳng biết mấy bà này chồng con đâu? Nàng quay mặt đi, bưng ly cô ca lên hớp một hơi. Ngụm nước mát lạnh tuồn vào cổ. Nước ngon thật. Ðúng là đồ Mỹ. Chả bù với mấy thứ nước ngọt quốc doanh, ngọt chẳng ra ngọt, chua chẳng ra chua, uống vào cứ muốn nôn. Thấy Duyệt cùng Thắng nắm tay nhau bước ra một góc, Hạnh chăm chú nhìn. Người đàn ông đang chỉ cho Duyệt nhảy. Hai người ôm nhau bước qua, bước về. Trật nhịp. Thắng tập lại. Bước qua, bước về, xoay người. Duyệt vừa nhảy vừa cười khúc khích.

Xong một bản. Thông đến bỏ bản khác. Mấy cặp lại ra nhảy. Hạnh để cốc nước xuống bàn, chăm chú nhìn. Bỗng Phiệt bước tới:

–    Hạnh ra đây, tôi chỉ cho nhảy. Dễ lắm. Điệu slow, ai nhảy cũng được cả. Ra đây, Hạnh. Trật nhịp cũng được. Nào, mời Hạnh.

Phiệt đưa tay ra. Hạnh bối rối, không biết phải cư xử thế nào. Nàng ngồi yên, mặt đỏ nhừ. 

–    Em không biết nhảy, anh Phiệt à. Ðể cho em ngồi xem cũng được. Em…em không quen.

Phiệt vẫn không rút tay lui:

–    Ai lại ngồi xem trong lúc mọi người đều nhảy. Ðầu lạ sau quen thôi. Nể tôi một chút đi, Hạnh.

Hạnh miễn cưỡng đứng dậy, mặt nhìn về phía Duyệt, hy vọng Duyệt sẽ nói một câu gì để cho nàng thoát khỏi tình hình khó khăn này. Duyệt làm lơ. Phiệt nói:

–    Nào, mình bắt đầu đi. Trước hết, Hạnh đưa tay phải ra, nắm lấy tay tôi như thế này này, đấy, không phải nắm chặt, để tựa nhẹ thôi. Còn tay kia, để lên vai tôi. Thế, thế…

Hạnh ngượng nghịu đưa bàn tay phải ra. Phiệt nhè nhẹ nắm lấy. Nàng rùng mình, người nhột nhạt y như có kiến bò đâu đó sau lưng.

–    Còn một tay nữa, đấy đấy, để lên vai tôi.

Hạnh run rẩy đặt bàn tay lên vai người đàn ông xa lạ, có cảm giác ngột thở y như lần đầu nàng đưa tay cho ông thầy  dạy học của nàng nắm năm nào. Bàn tay kia của Phiệt đặt sau lưng nàng. Lại rùng mình. Phiệt nhè nhẹ kéo nàng sát vào anh ta. Hạnh cưỡng lại. Tuy giữ một khoảng cách khá xa, nhưng hơi hám từ Phiệt tỏa ra nghe nồng. Nàng cảm thấy như mình bị đẩy tới phía anh ta. Nàng lúng túng liếc nhìn quanh, có cảm giác mọi người đang trố mắt nhìn. Thực ra, chẳng ai nhìn nàng cả. Mọi người đang chăm chú nhảy theo điệu nhạc và nói chuyện thì thầm với nhau. Chỉ trừ Duyệt. Hạnh bắt gặp nụ cười ý nhị của cô bạn khi Phiệt tình cờ dìu nàng đi gần đó. Nụ cuời này càng làm Hạnh bối rối thêm. Nàng đột ngột rút cả hai tay về. 

–    Em…nhảy không được.

Phiệt chưng hửng. Anh đâm ra bối rối, nhìn Hạnh ấp úng:

–    Xin lỗi, có lẽ là tôi…tôi vụng quá.

Hạnh thở dài nhẹ nhõm trở về chỗ ngồi cũ. Bản nhạc vừa chấm dứt, mọi người ngừng nhảy. Thông nói:

–    Bản kế cũng là slow. Xin mời. Ai muốn tập thì tập bản này.

Hạnh  định bụng sẽ trốn ra ngoài chốc lát cho đỡ lạc lõng, thì Toàn bước  lại. Toàn nói, giọng chắc nịch:

–    Nào, mời cô Hạnh đứng lên. Tôi sẽ bày cho cô điệu slow. Ðây là điệu dễ nhất, không biết nhịp cũng nhảy được.

Hạnh vẫn ngồi, mắt nhìn đi chỗ khác. Nỗi thẹn thùng sợ hãi làm nàng lì ra, không còn lưu ý đến chuyện lịch sự nữa.  Mặc kệ! Toàn cười:

–    Cô Hạnh đừng ngại. Bọn tôi toàn là những người đứng đắn. Ai cũng có gia đình vợ con đàng hoàng. Khiêu vũ là nghệ thuật, một loại hình giải trí. Cô đã đến đây, nên chung vui với chúng tôi, chung vui với mọi người. Thời buổi này buồn lắm, có một chút vui mà không chia nhau cũng uổng phí.

Toàn nói giọng Bắc, pha Nam. Giọng ấm, thuyết phục.  Toàn đưa tay ra. Không hiểu sao, nàng líu ríu làm theo lời Toàn. Mọi người trở lại nhảy. Khác với Phiệt, vừa ra sàn, Toàn nắm ngay tay Hạnh, tay kia dịu dàng đặt lên vai nàng. Anh ta ý tứ cố không kéo nàng sát gần. Anh ta kiên nhẫn chỉ vẽ và từng bước dìu nàng đi theo điệu nhạc. Thế rồi, không biết từ lúc nào, Hạnh thả hồn theo tiếng nhạc, đôi chân bước đều qua lại. Bàn tay nàng giờ nằm gọn trong bàn tay Toàn, ấm áp, tin cậy và hứng khởi. Dần dà, thân hình nàng sát vào người Toàn.  Vừa nhảy, nàng vừa lắng nghe Toàn kể chuyện đi buôn của anh ta. Toàn là những câu chuyện tủn mủn tẳn mẳn. Những câu chuyện không mấy lạ, nhưng không hiểu sao làm nàng cảm thấy vui.

CHƯƠNG 6

Lục đứng tần ngần khá lâu trước đống rễ cây bừa bộn.  Ðống rễ này Hạnh đã mướn ông Búa trong xóm đào từ gốc cây nhãn bị bão trốc gốc mấy năm trước. Rễ nhãn rất chắc, đượm, nhưng lại ít hao. “Cả một xứ tiền đó. Anh bửa nhỏ dùm em, khỏi tốn tiền củi ít nhất là nửa năm, tám chín tháng chứ không phải chơi,” nàng dặn anh như thế trước khi đi. Mấy lần vác cây rìu và cái rựa ra để làm, anh lại tự nhủ thôi để mai hãy làm. Lần lữa mãi đến ngày Hạnh gần về, anh mới hốt hoảng.  Làm không xong việc này, lúc về, mặt mày nàng chắc sẽ nặng như cái thúng, không ai chịu nổi. Sợ nàng giận đã đành, anh còn sợ nàng buồn.

      Ðã quyết tâm làm, anh cởi ngay chiếc áo vứt trên bụi chìa tàu, lấy rìu bổ mạnh xuống khúc rễ lớn nhất. Mảnh gỗ văng tung tóe, bắn vào cả người anh, đau điếng. Cái rìu cắm phặp ngay giữa khúc rễ, dính chặt vào đó. Anh phải dùng tay và kềm chân mới rút ra được. Lại tiếp tục bửa xuống. Khúc rễ trông bộ chẳng chìu ý anh chút nào. Bửa năm bảy nhát, mà trông nó cứ trơ trơ ra như không. Mồ hôi bắt đầu vả. Anh thở phì phò, hụt hơi. Nghỉ một lát, anh bửa xuống, lần này  cố ráng hết sức với hy vọng nó sẽ tách đôi. Không ra gì. Chiếc rìu bây giờ cắm sâu vào gỗ, nằm lì. Anh bắt đầu nản chí. Cả đống rễ nằm ngang nằm dọc như thách thức. Anh tự nhủ: thôi hãy để mai. Nhưng biết đâu ngày mai, Hạnh về. Dám lắm. Nàng đi đã hơn cả tuần rồi. Không thể trù trừ được nữa. Phải làm thôi.

Anh vươn vai đứng lại. Lần này, anh thay đổi cách làm.  Anh đẩy chiếc rễ lớn sang một bên, bắt đầu bửa những khúc nhỏ trước. Vừa rìu vừa rựa, không bao lâu sau, anh làm xong một phần khá lớn đống rễ cây. Ðịnh tiếp tục qua những khúc lớn hơn thì nghe tiếng gọi thất thanh của thằng Ðồng từ vườn sau:

–     Ba ơi ba, thằng Phụng đạp mẻ chai, chảy máu quá trời.

Anh hốt hoảng ném cái rìu vào đống củi, vội vàng chạy đi. Ðến nơi, anh thấy thằng con út ngồi bệt giữa đất, hai tay ôm lấy bàn chân, lăn lộn khóc la ầm ĩ. Anh ẵm con lên, chạy vào nhà bếp, múc nước rửa sạch sẽ. Mảnh chai cứa đứt một đường khá sâu ngay giữa lòng bàn chân của Phụng. Anh nhìn khuôn mặt tái mét của con, dịu dàng:

–     Ðau lắm không con?

Ðứa bé gật đầu. Anh hôn lên mái tóc con, hỏi:

–     Con ra làm gì ngoài đó để cho đạp mẻ chai?

Thằng nhỏ mếu máo:

–     Còn đi lượm mẻ chai nạp cho trường để làm “kế hoạch nhỏ”.

–     Hèn gì! Gần nghỉ hè rồi mà còn kế hoạch nhỏ, kế hoạch lớn gì không biết.  Bắt con người ta đục bờ lủi bụi. Khổ thân con tôi chưa. Mà ai bảo con làm?

–     Cô giáo nói hôm trước nạp nhưng chưa đủ chỉ tiêu.

Anh bồng con vào giường, xức thuốc đỏ, rồi bôi một lớp thuốc mỡ lên bàn chân, lấy vải băng lại. Anh dặn:

–    Nằm cho khỏe. Ðừng có đi mô hết. Lát nữa đỡ, dậy nói anh Ðồng đơm cơm cho mà ăn.

Thằng Ðồng đứng xớ rớ một bên, nghe ba nói vậy, bèn lên tiếng:

–    Gạo hết rồi ba à.

Anh giựt mình:

–    Thế à. Sao bây giờ con mới nói?

Ðồng nhìn anh ấp úng:

–    Con…con…

Anh không nói gì, sực nhớ ra Hạnh dặn anh nhiều thứ.  Nàng  cẩn thận ghi hết mọi điều cần thiết vào một miếng giấy để anh theo đó tuần tự mà làm. Anh ỷ y là trí nhớ mình tốt, nên giữ giấy mà không hề liếc thử xem nàng viết gì. Anh cho rằng những gì nàng viết, nàng cũng đã có nói với anh hết rồi.  Anh lên phòng, rút miếng giấy anh đã cẩn thận chuồi dưới cái radio. Tờ giấy trông như  một cái sớ, ghi đủ thứ lỉnh kỉnh: mua gạo, mua ruốc, giặt chiếu cho ba đứa con, trả tiền thuốc cho y tá, mang tiền cúng lên cho dì Sanh, chỉ lại toán nhân và chia cho bé Ngân, thắp nhang nơi am và bàn thờ ông địa, bỏ giây thun vào quần đùi cho thằng Phụng, bửa củi. Cô ta bao giờ cũng cẩn thận như thế. Anh chợt mỉm cười với ý nghĩ mình bây giờ chẳng khác chi một người giúp việc. Nàng dặn dò như bà chủ nhà giàu dặn dò con sen trước khi cùng gia đình đi nghỉ mát.

Mà quả thế thật. Từ nhiều năm rồi, kể từ khi Hạnh ra chạy chợ, anh đóng vai trò của một người nội trợ. Lúc đầu, nàng chỉ nhờ anh giúp một số việc khi nàng quá bận bịu. Nhưng kể từ khi buôn trầm, nàng chẳng còn thì giờ đâu để lo việc nhà nữa. Nàng đi, về khi sớm khi muộn thất thường. Ðôi khi suốt từ sáng đến chiều, nàng ở ngoài đường. Có khi nửa đêm nàng mới về nhà, lúc cha con anh đã ăn no ngủ kỹ. Ðã thế, sau này, nàng đi buôn Sài Gòn, vắng nhà một tuần, mười ngày là thường. Không biết từ lúc nào, vị trí trong gia đình đảo lộn hẳn.  Suốt ngày, anh quanh quẩn trong nhà lo từ việc nấu nướng, dọn dẹp đến giặt rửa, chăm

sóc con cái. Có lần, anh bảo Hạnh:

–    Anh bây giờ là một nội trợ thứ thiệt. Chỉ trừ một thứ…

–    Thứ gì vậy?

–    Chỉ trừ…trừ cái việc đó, anh còn  là đàn ông.

Hạnh nguýt anh một cái.

Làm riết thành thói quen. Và thói quen làm người ta dễ chịu đựng. Còn nhớ trước đây, anh có bao giờ đụng tay, dù là một việc nhỏ nhất, vào chuyện nhà. Hạnh, sau thời gian đi làm, trở về nhà quán xuyến hết mọi việc. Anh thì hết cà phê đến nhậu, bù khú với bạn bè. Dù không thâu đêm suốt sáng, nhưng chẳng mấy khi anh có mặt ở nhà được một buổi. Nếu có về nhà, lại nằm dài đọc kiếm hiệp, nghe nhạc, học Anh văn.  Hạnh vui vẻ lo toan mọi việc chu đáo. Ấy thế mà thỉnh thoảng anh còn tìm cách gây gổ với nàng. Chỉ vì một sơ ý nhỏ như giặt áo cái cổ không sạch, để con bẩn, hay quên mua cà phê cho anh. Bây giờ, anh hiền dịu như con nai. Anh quán xuyến hết việc nhà, không than van trách cứ. Lại còn vui vẻ, nể nang nàng đúng mực. 

Ðọc xong những điều Hạnh dặn, anh ngưng ngay việc bửa củi. Nhiều việc cần thiết khác anh chưa hoàn thành. Có tiếng xe chạy vào nhà. Tưởng ai, hóa ra Hồng. Anh bối rối vì trên người chỉ có độc một cái quần đùi. Hồng dựng xe, bước xuống, nhìn anh tươi cười:

–    Lao động là vinh quang nhé. Xin lỗi, Hồng vào có hơi đường đột, vì nhân ghé nhà cô bạn gần đây, tạt vào trả anh mấy cuốn sách.

Hồng lấy mấy cuốn sách ở giỏ xe phía trước, trao cho Lục.  Lục ngượng nghịu cầm lấy, nói lí nhí:

–    Xin lỗi cô Hồng, tôi đang …bửa củi.

Hồng cười xuề xòa:

–    Hồng biết mà. Cái này…cái này là tại Hồng. Thôi Hồng đi.

Nàng bước ra, nhưng đột nhiên dừng lại, quay lui nhìn anh, ngập ngừng:

–     Không mấy khi ghé ngang đây, hay là anh cho Hồng mượn thêm ít cuốn nữa, được không? Hồng hiện không có gì để đọc cả. Cứ phải đọc đi đọc lại mấy cuốn cũ hoài, chán ơi là chán. Tính Hồng lại ưa đọc, mới phiền. Ngày nào mà không đọc, thì ăn không ngon…

Nàng nói một hơi, rồi ngừng lại, chờ đợi. Lục không biết làm gì hơn, đành phải vào nhà lấy thêm mấy cuốn báo đưa cho Hồng. Hồng rối rít cám ơn, rồi ra xe, vọt chạy.

Người đàn bà này trông cũng ngộ, anh nhìn theo, nghĩ thầm.

*

Lục dắt xe ra. Xăng cạn bình. Tiếc tiền, anh mang xe vào, lấy xe đạp. Anh ghé chợ mua gạo, ruốc, nhân tiện, ghé sạp thuốc lá bán sỉ, mua hai gói để dành. Anh buộc bịch gạo sau xe, chở về nhà, dặn thằng Ðồng nấu cơm, hâm cá cho em ăn, rồi đi lên nhà dì Sanh. Dì Sanh là dì ruột của Hạnh. Dì lo chuyện cúng giỗ vì  người em đi kinh tế mới, quá nghèo, không lo nổi.

Trên đường trở lại nhà, anh nghe tiếng gọi:

–    Lục, Lục!

Lục giật mình hướng về phía có tiếng kêu, thấy mấy người bạn quen đang đứng bên kia đường, tay đưa cao, vẫy vẫy. Anh vòng xe lại. Ngải nói:

–    Nhậu.

Anh thích thú hỏi:

–    Ðâu vậy?

–    Ðâu thì quan trọng gì. Có đi không, thế thôi.

Lục phân vân, vì còn nhiều việc phải làm. Nhưng rồi cười:

–    Nhậu chùa mà từ chối thì có là điên.

Phong cải chính:

–    Không có nhậu chùa đâu. Nhậu đậu.

–    Ðậu thì đậu!

Anh hăng hái nhận lời ngay. Ngoài chuyện thích thú vì được bù khú với bạn bè, lần này, tiền chi tiêu Hạnh giao cho anh có nhiều hơn mọi khi. Ðiều này khá bất thường.  Vì tiền Hạnh giao cho anh, nàng thường tính đâu vào đó rạch ròi: tiền ăn, tiền gạo, tiền thuốc lá, tiền linh tinh, kể cả tiền cho anh uống cà phê con cóc hay tiền quà vặt cho con. Nếu có “bất thường chi” thì mượn đâu đó hay đợi nàng về. Vì theo nàng, “nố nào có nố đó”, không thể lẫn lộn với nhau đưọc. Nhưng riêng với cá nhân anh, anh thường có những “bất thường chi”. Giả dụ như hôm thứ ba vừa rồi, nhân cao hứng trong câu chuyện với một người bạn trong quán cà phê, anh “chơi” luôn hai điếu samit. Hai điếu samit tương đương với hai tuần cà phê của anh. Bởi vậy, anh phải nhịn liên tiếp nhiều bữa cà phê để bù.

Cuộc nhậu do Tuấn, một bạn đồng nghiệp cũ, tổ chức.  Tuấn được lưu dung dạy học, sau bị thải hồi như anh. Nói tổ chức chứ thực ra, cũng như mọi cuộc nhậu khác, là đứng ra triệu tập và lo chỗ. Còn mọi thứ là đóng góp. Ðám bạn bè Lục đều thuộc loại dở en dở thằng, không ai có tiền. Ai cũng nghèo, cơm nhà quà vợ, lấy gì mà đãi nhau. Họa hoằn, có tay quen nào đó, trúng mánh, đãi cho một chầu nhậu, thì cả đám sáng mắt ra, ùa vào. Nói cho đúng ra, chẳng phải người ta đói quá, thèm ăn, thèm uống, mà người ta thèm bạn, thèm một không khí, thèm một chút hưng phấn tập thể. Nhậu để quên.  Nhậu cũng để nhớ. Nhậu riết, thành quen, thành chuyên nghiệp. Ðâm ra thèm. Chiều xuống là thấy thèm. Không có chất cay, miệng mồm đắng nghét.

Cả nhóm đạp xe về nhà Tuấn. Việc chuẩn bị diễn ra rất chóng vánh. Mồi, Tuấn có sẵn: một xô huyết heo làm tiết canh. Rượu, thuốc lá và đậu phụng thì kẻ ít người nhiều chia nhau đóng góp. Thoáng chốc, cuộc nhậu bắt đầu. Tất cả tám người ngồi xuống chiếc chiếu trải giữa nền xi măng. Một cách nhậu rất nam bộ, không kiểu cách. Không bàn, không ghế, không quan cách như thời trước. Nhậu riết kiểu này, người ta mới hiểu ngay ra tại sao người Nam dễ tính, xuề xòa. Họ xem cuộc đời bỡn cợt chứ không trầm trọng như người Trung hay người Bắc. Cuộc đời chẳng qua chỉ là một cuộc nhậu, nói như thằng Lý viết văn.

Nhìn mấy lít rượu đầy ắp bày ở bàn, trông bộ ai cũng có cảm giác thoả mãn. Chúng bảo đảm là mọi người có thể và có quyền uống tùy thích, không sợ nửa chừng hết rượu, mất hứng.  Lục chọn một chỗ ngồi gần cột nhà, vừa có thể duỗi chân và dựa lưng thoải mái, để ngắm nhìn bạn bè nhậu. Anh uống chừng mực, góp chuyện chừng mực. Nói cho đúng, chừng mực như anh thì chưa phải là dân nhậu chính gốc. Tuấn bảo anh, “nhậu như ông là nhậu giả, chưa toàn tâm toàn ý”. Lục không đồng ý, nhưng không cãi. Khanh cãi thế anh:

–    Nào có ai là toàn tâm toàn ý đâu. Ai cũng nhậu giả cả.  Người dùng nhậu để quên. Người nhậu để đỡ buồn. Không có ai có tác phong nhậu thực sự như dân Nam. Họ nhậu là họ chỉ biết nhậu, không mượn nhậu để làm việc khác. Bọn mình nhậu là nhậu vì chuyện khác cả.

Có thể là như thế, Lục nghĩ. Nhưng riêng anh, anh thích vui. Thích bạn bè.

–    Nào, vào cuộc đi. Cuộc đời vốn buồn, nhậu vào cho đỡ buồn. Trăm phần trăm đi cho nó cao hứng.

Tấn nâng ly lên, nhắc mọi người điệp khúc anh ta vẫn thường nói trong mỗi lần nhậu. Như một thứ nghi lễ nhập cuộc, cuộc nhậu nào cũng bắt đầu bằng thủ tục một trăm phần trăm.  Tiếp đó là lai rai, vừa nhắp vừa gắp mồi và tán gẫu. Lục và các bạn nâng ly, uống cạn. Người ngồi đầu mút chiếu là Phong rỗ. Anh ta là cựu trung úy, cải tạo hai năm ở Kỳ Sơn về, giờ đạp xe thồ. Kế đó là Lý, “nhà văn nhỏ” như anh ta thường tự nhận, cựu sĩ quan, bị bắt trong trận Khe Sanh, được trao trả tù binh sau hiệp định Paris. Lý ăn nói ẩu tả, không kiêng kỵ gì hết, dù nhiều lần bị công an hăm he bắt đi cải tạo lại.  Rồi Tuấn, Ngải, Kim và Phòng. Tất cả đều là nhà giáo lưu dung. Ngồi gần anh là Hoàng, phó ty nông nghiệp trước giải phóng.

Qua một ly rượu đầu, mặt mày ai nấy sáng hẳn ra. Lý hít hà:

–    Mẹ kiếp, cuộc đời này không có nhậu chắc chết sớm.

Ngải cười:

–    Nhưng nhậu cho khiếp vào thì nào có sống lâu.

–    Theo tao thì nhậu nhiều, nhậu ít hay không nhậu thì cũng thế. Sống thế này thì có khác gì chết. Mẹ kiếp, không hy vọng, không tương lai. Không một chút ánh sáng le lói cuối đường hầm.

Tuấn ngắt ngang:

–    Lại lắm chuyện rồi, ông Lý. Muốn được nhậu lâu dài, chỉ có một cách: đừng nói bậy.

Lý cãi:

–    Bạn bè cả mà, ông sợ gì mà lần nào cũng cản trở.  Nhậu mà không la lên, nói lên thì nhậu mà làm gì. Ông ngờ vực cả bạn bè nữa hay sao?

Hoàng cười:

–    Ðến cả bản thân mình mà mình còn nghi ngờ huống gì bạn bè. Ông cứ thử tưởng tượng, ở đây ông ngồi nói cho đã, lỡ công an gọi lên, ông có dám bảo đảm rằng ông không tự thú hết những gì ông nói hay không?

Lý rót đầy một cốc rượu, giọng trầm trọng:

–     Tôi sẽ nói như tôi đã từng nói. Lần tôi bị bắt ở Khe Sanh đưa ra Bắc, tôi nói hết. Nghĩ sao, tôi nói vậy hà.

–    Nhưng còn bạn bè, đồng đội ông thì sao? Ông làm ông chịu, đã đành, nhưng tại sao lại làm liên lụy đến người khác?

Tuấn từ tốn bảo:

–   Ðược rồi các bạn ạ. Ðiều quan trọng là chúng ta còn cơ hội để được ngồi với nhau như thế này. Nếu cứ đề cập đến những chuyện linh tinh như thế, tôi dám chắc lần sau không ai dám đến đâu.  Ðừng để phải lên đồn công an làm việc.

Lý gục gặc đầu, nốc cạn ly, giọng .

– Ông nói đúng. Bọn chúng ta trở thành những thằng người gỗ rồi.

Không khí lắng xuống. Chỉ cần một nhắc nhở đơn giản như thế là mọi hào khí vừa loé lên chợt tắt ngấm.  Mọi người nhắp rượu, gắp mồi nhìn nhau. Rượu vào nhưng lời nghẹn lại. Bao giờ cũng thế, cứ hễ gặp nhau là ai cũng muốn nói đôi điều cho hả, nhưng rồi không thể nói được. Im lặng. Chỉ có im lặng thôi. Im lặng là vàng, là bạc, là tất cả. Ưu việt của chế độ mới là huấn luyện cho mọi người tự bịt miệng mình. Họ xem nói là sản phẩm nguy hiểm nhất của con người. Lời nói là cái làm nên lịch sử. Lời nói là tia lửa. Lời nói là vũ khí. Đó chính là kinh nghiệm xương máu của họ trong quá trình tổ chức, loại bỏ đối thủ và chiếm đoạt chính quyền. Trong xã hội này, không những mọi người tập im lặng, tập nhắm mắt trước những sai trái, mà còn tập làm quen với những điều nghịch lý, không những thế, biến chúng thành hữu lý. Dần dà, im lặng trở thành quán tính, không những ở hành vi cử chỉ bên ngoài mà còn ở trong tư tưởng. Sự sợ hãi đã làm người ta tự tẩy não mình một cách thầm lặng. Bởi thế mà trong những buổi tụ họp như thế này, ăn nói, ai cũng giữa kẽ. Bạn bè đó, nhưng chỉ cần một “sự cố” nhỏ, là phản bội nhau ngay. Chỉ để tìm lấy sự an toàn cho chính mình.

Lục ngậm ngùi nhìn bạn, nhìn mình. Tóc ai cũng đã lấm tấm bạc. Khuôn mặt ai cũng hằn lên những nếp nhăn. Bao nhiêu hào khí, tươi mới, sôi nổi một thời mất hẳn. Tuy cười đó, nói đó, nhưng khuôn mặt người nào cũng đọng những nỗi sợ hãi vu vơ, chất chứa những nỗi niềm chưa thỏa. Vẻ nhếch nhác, bần tiện lồ lộ trên mỗi một người. Trông như ai cũng thèm ăn, thèm nhậu. Những kẻ được trọng vọng một thời bây giờ hiện thân là những anh giáo làng ngơ ngác. Mọi người lặng lẽ uống. Và uống. Tưởng như uống cho hết cái cảm giác bất lực, lạc lõng của một lớp người.

Đúng là những thằng người gỗ! Và là những thằng người gỗ biết nhậu, Lục đau đớn nghĩ thầm.

T.D.N.

Comments are closed.