Dặm trường (kỳ 5)

Trần Doãn Nho

CHƯƠNG 12

Thấy đi bao thuốc lá vừa gọn nhẹ, vừa có lời, Hạnh định đi tiếp, thì sáng hôm đó, Phiệt ghé lại tìm nàng:

–     Hàng Hạnh còn không?

–     Anh muốn nói hàng gì?

–     Thì trầm chứ gì nữa.

Hạnh ngạc nhiên:

–     Bỗng dưng, anh lại hỏi chuyện trầm, lạ thật.

Phiệt giải thích:

–     Hạnh biết sao không, anh có một người bạn vừa được cử giữ chức giám đốc Công Ty Thu Mua Nông Lâm Sản một huyện dưới miền Tây. Anh ta xin được một “cô ta” nhập “xe bãi” và đồ phụ tùng Honda từ Nhật. Họ xin xuất thêm trầm hương để lấy thêm ngoại tệ. Hiện anh ta vừa thiết lập một văn phòng thu mua tại đây. Tương lai, anh ta sẽ mở một văn phòng ở Ðà Nẵng. Huyện này đang muốn làm ăn lớn. Anh ta nhờ anh liên hệ kiếm mối trầm. Hạnh thấy có thể quan hệ làm ăn với anh ta không?

Hạnh la lên mừng rỡ:

–     Vậy thì hay quá. Họ có cần hàng bây giờ không?

–     Cần mới nhờ anh đi hỏi chứ.

Nghĩ đến giá cả eo sèo trong thời gian qua, Hạnh hỏi:

–     Chẳng biết giá cả của họ như thế nào? Họ có nói gì với anh không?

Phiệt quả quyết:

–     Họ chưa nói gì rõ ràng cả, nhưng anh bảo đảm với Hạnh là họ sẽ mua được giá. Hạnh biết vì sao không? Họ cần xuất ngay một chuyến vào mùa hè này để lấy tín nhiệm.  Trước mắt, lời lỗ đối với họ chỉ là chuyện phụ.

–     Chẳng lẽ họ không cần lời?

Phiệt giải thích:

–    Sao lại không. Nhưng em nên nhớ đây là nhà nước buôn bán, chứ không phải tư nhân. Lời lỗ họ không tính như mình tính.

–    Vậy họ tính như thế nào?

–    Chuyện này thì có dính gì đến chuyện Hạnh bán hàng đâu mà lo cho mệt. Có lời thì mình bán, không thì thôi. Mà anh chắc chắn phải có. Anh đã từng làm việc với đám công ty nhà nước, anh biết mà. Vấn đề là quan hệ thật tốt với người đứng ra mua hàng.  Thế là đủ. Còn sau đó, người ta tính toán ra sao là chuyện của nhà nước, ăn nhằm gì với mình đâu, phải không?

Hạnh gật gù:

–    Nghe cũng có lý. Họ có người rành mặt hàng này không?

–    Hạnh nói đến lạ! Không rành thì sao họ dám đứng ra mở công ty.

–    Em hỏi vậy là có lý do. Hàng này khác xa các loại hàng khác. Nếu người mua không rành thì khó bán lắm.

–   Tin anh đi. Anh bảo đảm là em sẽ bán được. Vì họ phải mua được. Họ phải có hàng. Mua được hàng em không có gì quan trọng lắm đâu, họ còn muốn đi xa hơn nữa kìa. Họ muốn nối dài cánh tay ra ngoài miền Trung. Em hiểu chưa?

Thấy Hạnh vẫn còn hoài nghi, Phiệt nói tiếp:

–     Ðây là công ty của nhà nước. Người anh quen là kiểm nghiệm viên. Anh ta làm cho nhà nước. Anh ta mua cao hay mua thấp là quyền anh ta. Còn lời hay lỗ là của nhà nước, không dính dáng gì đến quyền lợi anh ta cả.

Hạnh ngắt ngang:

–     Nhưng nếu anh ta mua cho nhà nước mà bị lỗ, thì sao được?

Phiệt cười lớn:

–     Hạnh đúng là ngây thơ. Sống giữa thời đại xã hội chủ nghĩa mà không hiểu gì về cơ chế xã hội chủ nghĩa, làm sao mà sống. Nhà nước có cách tính lời lỗ riêng, không giống như mình. Bọn mình buôn lời lỗ thường tính trên giá vàng, có đúng không nào? Còn nhà nước, họ chỉ dựa trên tiền mà thôi. Nếu đầu năm, họ bỏ vốn ra 10 triệu, đến cuối năm tổng kết, họ thu vào được 15 triệu, thế là họ lời 5 triệu, đúng không? Trong lúc đối với mình, đầu năm mình bán, anh giả sử như thế, 20 cây được 10 triệu, đến cuối năm mình thu vào được 15 triệu, nhưng vì vàng cao, mua lại chỉ được 15 cây vàng, vậy là mình lỗ, phải không. Em thấy sự khác nhau chưa? Ðó là chưa kể cái chuyện người ta luôn luôn tìm cách làm cho nhà nước có lời, ít ra là trên giấy tờ. Người ta biến lỗ thành lời. Cha chung không ai khóc mà, đâu có hệ lụy gì ai.

–    Anh có vẻ rành việc nhà nước quá nhỉ?

–    Có gì lạ đâu Hạnh. Mình phải tìm hiểu để làm ăn Hạnh ạ. Biết cách nhà nước làm ăn, mình bám vào đó, dễ khá lắm. Bám được rồi, mình sẽ chẳng còn sợ công an, thuế vụ hay thằng cha căng chú kiết nào cả. Có khi, họ phải lo bảo vệ cho mình nữa. Buôn lậu mà vẫn hợp pháp. Cán bộ có ăn mà mình cũng có ăn. Nhà nước có thể lỗ. Nhưng nhà nước lỗ, em thấy không, nghĩa là không ai lỗ cả. Thành thử cái quan trọng là mình phải biết cách làm ăn như thế nào, nghĩa là cách cùng chia chác với cán bộ. Em hiểu chưa?

Hạnh cười:

–    Chưa.

*

Sáng hôm sau, Phiệt chở Hạnh mang hàng về Gò Vấp, nơi có trụ sở công ty của Xuân. Việc mua bán diễn ra như trù liệu. Hạnh bán được hàng. Từ công ty ra về, lòng Hạnh vui như hội. Lại được quý nhân phù trợ, Hạnh sung sướng nghĩ thầm. So với chuyến hàng trước, lần này lời không nhiều, nhưng vì lo lắng đợi chờ quá lâu, nên nỗi vui mừng của nàng tăng thêm gấp bội. 

Nàng ra ngay bưu điện đánh cho Lục cái điện tín ngắn gọn:

“Con đã lành. Em sẽ ra ngay”

      Nàng đi lòng vòng các chợ để hỏi mua hàng, quà, chuẩn bị ra.

      Nhưng niềm vui của nàng không kéo dài được lâu. Hàng thì đã bán, đã có lời, nhưng không nhận được tiền hai ngày sau khi bán hàng như mong đợi.  Theo lời của tay đại diện công ty, tiền mặt trả cho khách hàng bị chậm trễ vì trục trặc giấy tờ. Anh ta giải thích:

–     Đại loại, công ty có xin được “cô ta” mua hàng ngoại.  Muốn mua hàng ngoại thì phải trả bằng đô la. Vì không có đô la sẵn, nên cách duy nhất là xuất hàng quý hiếm trong nước để kiếm đô la mà thanh toán. Tương tự như một hình thức đổi hàng. Khi nhận được hàng rồi, công ty sẽ bán hàng ra thị trường để lấy tiền mặt trả cho khách hàng. Hiện nay, hàng ngoại nhập đã nằm ở trong kho, nhưng trục trặc giấy tờ chưa bán ra được nên chưa có tiền trả cho khách.

      Cuối cùng, anh ta trấn an:

–     Xin chị kiên nhẫn chờ đợi. Ðây là chuyện ngoài ý muốn. Thông thường  chúng tôi chỉ bắt đầu tính toán chuyện nhập hàng khi hàng nhập đã về kho, đợi bán. Lần này cũng thế, nhưng đáng tiếc. Tôi hy vọng sẽ có nay mai thôi.

Hạnh nghe cho có nghe. Nàng không quan tâm gì đến cái việc mua bán lòng vòng của công ty, mà chỉ muốn có tiền ngay. Nàng van vỉ:

–    Anh có thể biết chắc chắn ngày có không anh. Tôi còn phải ra Huế, đâu có cứ ở Sài Gòn chầu chực mãi.

–    Tôi biết. Ðâu có phải một mình chị. Chị thấy đó,có nhiều người đang đợi. Chị cố gắng liên lạc với chúng tôi hàng ngày.

       Suốt tuần, nàng chạy lui chạy tới công ty nhiều lần.  Nhưng lần nào cũng nhận được hai chữ: chờ đợi. Nàng bắt đầu hoài nghi tính cách làm ăn của cái công ty thu mua này. Phải chăng chỉ là một công ty rởm, một công ty ma? Người ta chỉ  mượn đầu heo nấu cháo? Nàng đã được cho xem giấy tờ, khuôn dấu. Một số giấy tờ có cả chữ ký và khuôn dấu của thủ tướng chính phủ. Nhưng làm sao mà biết được thực hư. Trăm dâu đổ đầu tằm. Càng sốt ruột, nàng càng dằn xé Phiệt. Tất cả chỉ tại anh chàng này. Không có anh ta thì đâu đến nổi bị lừa như thế này. Nàng hỏi Phiệt:

–     Bây giờ anh cho em biết, có âm mưu gì trong vụ này không? Em nghi quá. Họ chỉ hứa cuội.Anh phải nói cho em biết sự thật?

–     Chẳng lẽ bây giờ Hạnh nghi ngờ cả anh nữa? Anh bảo đảm với Hạnh là họ làm ăn đàng hoàng mà.

–     Thời buổi này vàng thau lẫn lộn, khó lường quá. Anh em ruột, vợ chồng mà còn lừa lẫn nhau nữa mà.

Phiệt quả quyết:

–     Anh hoàn toàn chịu trách nhiệm. Có gì anh sẽ đền tất cả cho Hạnh, được chưa?

–     Ðền? Ở đó mà đền!

Nàng chẳng còn tin ở Phiệt nữa. Tuần sau, nàng đến gặp Xuân và người đại diện công ty, hỏi thẳng:

–     Tôi không thể chờ đợi được. Xin các anh cho tôi câu trả lời ngay ngày hôm nay.

Xuân đưa mắt nhìn thủ trưởng của mình rồi ôn tồn:

–    Chúng tôi thông cảm  sự sốt ruột của chị. Nhưng làm ăn với nhà nước, phải biết kiên nhẫn. Cái gì cũng phải thông qua các thủ tục. Ðôi khi chỉ cần một khâu bị trở ngại là có thể ảnh hưởng đến chuyện này chuyện nọ. Tuy nhiên, thấy tình cảnh của chị, chúng tôi có hai hướng giải quyết: một là nếu chị thích, chị có thể lấy lại lô hàng. Chúng tôi sẵn sàng giao.  Hàng còn nguyên niêm, chị có thể kiểm tra lại. Hai là, chúng tôi làm giấy tờ xác nhận để chị đích thân mang về dưới huyện lấy tiền.

Hạnh thắc mắc:

–    Nếu huyện có tiền thì sao họ không gửi lên đây mà bắt tôi phải về dưới đó?

–    Chúng tôi không bắt chị đi đâu hết. Ðây là giải pháp tạm thời chúng tôi  đưa ra để giải quyết cho trường hợp này.  Nếu chị không chấp nhận  thì cách duy nhất là đợi thôi. 

*

Đợi lâu quá, sốt ruột, Hạnh quyết định về lại miền Tây để lấy tiền. Nàng rủ Phiệt theo.

      Mãi đến lúc lên đường, nàng mới hối tiếc là đã không rủ Túy đi. Bận  chạy theo lô hàng suốt cả mười mấy ngày, đầu óc nàng không rảnh để nhớ đến anh. Ðã thế, nàng còn quên thêm một điều hệ trọng nữa: đánh điện tín cho Lục. Như thế là mấy cha con, sau khi nhận cái điện tín cũ, chắc ngày nào cũng hong hóng đợi nàng về. Biết làm sao giờ. Thôi thì phải lấy cho được tiền đã, có gì giải thích sau, nàng tự an ủi.

      Tuy thế, ngồi trên xe, nàng thừ người, băn khoăn mãi về sự vô tình của mình. Hơn một tháng rồi, nàng vắng nhà. Ngoại trừ mấy cái điện tín, vài giòng chữ dặn dò linh tinh, một số tiền và đồ ăn, nàng quên bẳng gia đình.

Thấy Hạnh ngồi tư lự, Phiệt gợi chuyện:

–    Hạnh mệt hay sao mà trông bần thần vậy?

Như sực tỉnh, nàng quay sang Phiệt:

–    Không. Em đang băn khoăn, vì trước khi đi quên đánh điện tín báo tin cho gia đình.

–    Khéo lo. Về dưới đó đánh cũng được đâu có muộn gì.

–    Phiền nỗi là tuần rồi, em đánh một cái điện nói sẽ ra ngay.

Phiệt chợt chép miệng:

–     Hạnh sướng quá nhỉ. Còn có một gia đình để lo.

–     Anh nói lạ chưa. Ai không có gia đình để lo.

Phiệt nói:

–    Anh khác Hạnh ạ. Hạnh biết không, từ nhiều năm nay, anh mất hẳn ý niệm về gia đình.

Hạnh hỏi:

–     Vậy là thế nào?

–     Hiện giờ, anh chẳng có gia đình nào cả. 

Hạnh tò mò hỏi:

–     Chị bây giờ ở đâu anh?

–     Canada.

–     Bao giờ thì anh sang bên đó?

Phiệt nói quanh:

–     Không có cái ý tưởng nào đúng hơn ý tưởng “dzậy mà không phải dzậy” của người miền Nam. Nói thật với em, nói bà ấy là vợ  anh thì cũng đúng, mà bảo rằng kkhông còn là vợ anh nữa thì cũng đúng luôn. Bà bảo lãnh anh với tư cách là một người chồng, nhưng thực sự thì bà ta không còn xem anh là chồng nữa.

–     Dzậy sao?

Phiệt im lặng. Nàng tò mò, nhưng không muốn tỏ ra săm soi vào chuyện người khác. Nàng lơ đãng nhìn ra ngoài. Xe chạy vùn vụt. Bây giờ nàng mới nhận ra cái cảm giác nhẹ nhõm bất thường của mình. Bao nhiêu năm nay, làm một chuyến đi bao giờ cũng là đi vào một cuộc phiêu lưu. Ðã lên xe, lên tàu là có hàng. Hồi hộp, lo âu, căng thẳng.  Khung cảnh chung quanh luôn luôn xao xác, bất ổn. Cái gì cũng có vẻ bất bình thường. Mọi vật đều ở trong trạng thái chơi vơi. Giờ đây, nàng cảm thấy thơ thới. Trong người nàng chỉ vỏn vẹn một tấm chi phiếu bỏ gọn trong bóp. Không có những túi xách căng phồng. Không có hàng cột dưới hai bắp vế, đeo trong bụng, nhét trong quần lót, xú chiêng. Nàng hoàn toàn được “giải phóng”. Nhìn những xách, những bao nhét dưới ghế, trên trần, nhìn những người ngồi ngay ngắn, nghiêm nghị, nàng tưởng tượng đến khung cảnh một vở kịch, trong đó, mọi thứ  đều được chuẩn bị cho những bùng nổ ngoạn mục, đầy kịch tính.  Ðàng sau những xách đó, đàng sau những lớp áo quần lịch sự đó là đủ thứ hàng hóa lỉnh kỉnh mà sự tồn vong của nó dính líu đến đời sống của biết bao gia đình. Cả chiếc xe đều nặng. Chỉ riêng nàng thì nhẹ tênh.

Thấy Hạnh không hỏi tiếp, Phiệt nói:

–     Thời buổi này, nhiều cái kỳ quặc lắm. Những cái mà trước đây, chỉ mới nghĩ đến thôi là đã thấy phi lý. Thế mà giờ đây đều trở thành bình thường. Tầm thường nữa. Bà xã anh hiện ở Canada. Tuy xa xôi thế, nhưng với anh, đôi khi chỉ cần một tín hiệu nhỏ thôi là đã hiểu nhau.

Thấy Phiệt nói vòng vòng, nàng sốt ruột hỏi:

–     Tóm lại, có phải anh muốn nói giữa hai người hiện có gì trục trặc, phải không?

–     Không những trục trặc, mà còn tệ hơn nữa.  Nói cho rõ ra là: bà ta đã bỏ anh.

Hạnh thực sự ngạc nhiên, hỏi lại:

–     Chị ấy bỏ anh?

–     Vâng. Anh dùng chữ bỏ không có gì quá đáng. Khôi hài là ở chỗ: bỏ anh, nhưng vẫn gửi tiền về cho anh tiêu và vẫn làm thủ tục bảo lãnh anh qua bên ấy.

–     Chắc là có sự hiểu lầm thôi, chứ làm sao có chuyện lạ vậy. Bỏ mà không bỏ.

–     Tin anh đi. Ðấy, dzậy mà không phải dzậy. Không hiểu lầm đâu. Người ta chỉ hiểu lầm những chuyện lặt vặt, chuyện đời thường ấy mà, còn chuyện vợ chồng là chuyện cốt tử, không thể hiểu lầm được. 

–     Chị ấy nói thẳng với anh à?

–     Ấy, lại thêm một chuyện khôi hài nữa: bà ta chẳng nói gì cả.  Tóm lại, mọi sự trông có vẻ bình thường.

Hạnh sốt ruột:

–     Làm sao mà anh biết được chị ấy bỏ anh?

–     Anh căn cứ vào những lá thư. Vui đáo để lắm Hạnh ạ.  Thế này nhé. À, thế mà đã qua trạm Tân Hương rồi kìa.   Xuống xe đã. Qua trạm rồi kể tiếp. Công nhận đi chẳng có gì trong người, khỏe thật.

Hai người xuống xe, qua trạm. Vừa lên xe lại, Phiệt kể tiếp:

–    Lúc đầu, cách đây mấy năm, khi vừa đến trại tị nạn, rồi sau đó sang Mỹ, thì cứ trung bình một tuần, anh nhận được một lá thư. Nói một lá thì không đúng, một cọc thư, bỏ chung trong một phong bì. Trung bình, mỗi ngày bà ấy viết một lá.  Thôi thì đủ thứ trên đời. Nhớ nhung, khóc lóc, sợ hãi, mơ ước.  Dần dần, một tháng mới nhận được một lá. Rồi tháng rưởi.  Rồi hai tháng. Thư viết cứ ít dần, thưa dần và ngắn dần. Ðể cuối cùng chỉ còn lại có vài giòng thông báo tin tức và nói chuyện tiền nong. Nồng độ của thư cũng giảm theo độ dài.  Lúc đầu da diết, nồng nàn thế nào thì càng về sau càng lạnh lùng thờ ơ chừng ấy. Hạnh cứ tưởng tượng, nội những giòng đầu và giòng cuối thôi cũng cho ta biết vô số điều. Vì vậy, khi mở thư ra, anh đọc giòng đầu và giòng cuối trước khi đọc phần giữa. Này nhé, lúc đầu, bà ấy viết “anh yêu dấu của em”, “anh vô cùng thương mến của em”, “anh ơi”, “anh thân yêu”, “chồng thân yêu của em”  vân vân và vân vân. Cuối cùng, như hiện nay chẳng hạn, chỉ còn “anh” rồi phết xuống hàng.  Nhiều khi, thư nói trổng. Còn cuối lá thư thì lúc đầu, bà ấy viết “hôn anh một triệu lần”, “thương nhớ anh da diết”, “em cầu trời khẩn Phật cho chóng đến ngày đoàn tụ”. Bây giờ thì chỉ có “chào anh”, hoặc chỉ ký tên. Ðôi lúc chẳng có gì cả.

Hạnh bật cười:

–     Nghe anh nói, em tưởng anh trở thành chuyên viên nghiên cứu tâm lý phụ nữ bằng thư. Chuyện thật mà sao nghe như anh kể chuyện đùa vậy?

–     Ðúng vậy, thật mà chẳng khác nào đùa. Còn hay hơn đùa nữa.

Hạnh nhìn ngay Phiệt:

–    Anh không buồn?

–    Lúc đầu thì có chứ. Buồn da diết, tê tái. Khủng hoảng.  Chán nản. Bây giờ thì như thường. Lì rồi.

–    Thế thì anh sẽ vẫn sang bên đó chứ?

Phiệt cười:

–     Chưa quyết định, em à. Tìm hạnh phúc cũng phải cân đo đong đếm cẩn thận. Anh đang cân đo đong đếm đây. Kìa, ham nói chuyện mà cũng gần đến bắc Mỹ Thuận rồi.

Hạnh nhìn ra ngoài. Ðường sá đầy xe cộ ngược xuôi. Hạnh hỏi:

–    Mình lại phải xuống xe qua phà sao anh?

–    Không. Mình về Kiên Giang, phải đi ngả khác. Còn qua hai cái “bắc”  nữa, nhưng nhỏ thôi.

–    Anh có vẻ rành vùng dưới này vậy?

–    Anh sống ở dưới này.

–    Chẳng phải anh là dân bắc kỳ sao?

–    Bắc, nhưng mà bắc 54. Khi mới vào định cư, người ta đưa về vùng dưới này. Hồi đó còn nhỏ quá, anh không nhớ rõ.  Ở dưới này, đâu chừng hai năm gì đó thì về Biên Hoà.

*

       Xuống xe xong, Hạnh níu Phiệt đi chậm lại, để cho tay trưởng phòng thương nghiệp đi trước:

–     Anh đạo diễn giùm em. Ba cái vụ ăn nhậu này, em không rành.

–    Em đừng lo. Nghề của anh là nghề nhậu mánh. Hạnh mang theo bao nhiêu tiền mặt?

–    Cỡ vài chục.

–     Vài chục thì xem như không ăn nhằm gì. Nhưng không sao, anh có sẵn khâu đây. Có gì ta lấy khâu ra “cấn”.

–     Anh khỏi lo, em cũng có mang khâu đây.

Tiệc nhậu được tổ chức ở trong nhà của tay tài xế phục vụ ở thương nghiệp huyện. Khi Hạnh và Phiệt vào thì thấy mọi người đã đông đủ. Giám đốc thương nghiệp huyện Tư Mau, Trưởng phòng tài vụ, Giám đốc ngân hàng huyện, thủ kho Hải và ba, bốn người nữa mà nàng chưa gặp. Tư Mau chỉ ba ghế còn để trống:

–     Mời cô Hạnh và anh.

Hạnh chừa chiếc ghế trống bên cạnh người đàn ông lạ cho Phiệt, nhưng Tư Mau đưa tay cản lại, cười:

–     Ghế đó là ghế dành cho cô Hạnh. Mời cô cứ tự nhiên.

Hạnh miễn cưỡng ngồi xuống cạnh người đàn ông. Phiệt ngồi một bên nàng. Nàng mỉm cười khẽ chào mọi người trong bàn. Người đàn ông bên cạnh đưa tay ra:

–     Chào người đẹp từ miền Trung.

      Hạnh dè dặt đưa tay. Bàn tay người đàn ông chụp lấy, xiết lại. Hạnh cảm thấy nhột nhạt vì đụng phải một cái gì thô nhám. Hạnh đáp khẽ:

–    Không dám. Chào ông.

Nàng cố nhái giọng Nam cho dễ nghe, nhưng lại tạo nên một thứ giọng pha pha ngộ nghĩnh.

–    Sao cô không nói giọng Huế? Tôi thích nghe giọng Huế của người đẹp kìa. Ở đây nghe giọng Nam chán rồi.

Hạnh mím môi, im lặng. Một người đàn ông khác từ ngoài bước vào, nói nhỏ với Tư Mau:

–    Họ đã mang thức ăn tới.

–    Tốt. Nói họ mang vào.

Mấy người ở gần cửa đứng dậy, kéo ghế sang một bên, dành chỗ cho hai thanh niên vừa bưng vừa xách đồ ăn vào.  Một thanh niên khác khệ nệ ôm vào hai thùng bia chồng lên nhau. Hạnh rùng mình khi thấy chữ heineken màu xanh, tưởng tượng đến cảnh những người đàn ông say mèm cải vã lẫn nhau trong những lần nhậu. Ấy thế mà, lần này, nàng lại là chủ xị.  Một chủ xị bất đắc dĩ.. 

Ðợi cho bia và đồ ăn dọn lên hết, Tư Mau trịnh trọng nói:

–    Bữa nhậu hôm nay xuất phát từ hảo ý của một vị nữ lưu xứ thùy dương là cô Hạnh. Cô là một trong những khách hàng đến với công ty chúng ta sớm nhất khi chúng ta quyết định mở rộng địa bàn hoạt động ra miền ngoài. Nói không ngoa, cô là khách hàng đầu tiên nhập hàng cho chúng ta. Tôi tin rằng trong tương lai, cô Hạnh là hạt nhân của công ty tại miền Trung, và có thể là ở cả miền Bắc…

Tư Mau dừng lại, vì thấy người đàn ông ngồi bên cạnh Hạnh nhìn Hạnh hỏi:

–    Thùy dương? Nghe lạ thế. Thùy dương là cái gì vậy người đẹp?

–    Dạ, thùy dương là, em nghe quen quen, nhưng không nhớ rõ. Hình như là trong một bài hát…

Tư Mau nhanh nhảu:

–    Cô Hạnh nói đúng. Chữ “thùy dương” là chữ tôi lấy từ một bài hát cũ về miền Trung, thủ trưởng ạ. Nguyên câu hình như là “miền thùy dương bóng dừa ngàn thông gì đó…”

–    Nhạc của ta hay của ai vậy?

–    Không, không phải nhạc của ta. Nhạc cũ, loại nhạc trước giải phóng…

Người đàn ông cười lớn:

–     Thì nói đại là nhạc vàng. Chẳng sao. Nhạc gì hay, ta xài ráo miễn là không phạm chính sách đường lối.

Tư Mau tiếp:

–     Trước tôi hoạt động nội thành, bài hát này nghe quen từ hồi còn nhỏ. Bài hát không có nội dung xấu…

–    Ðược rồi, cho qua.

Tư Mau trông có vẻ mất hứng vì đang nói thì bị cắt ngang.  Anh ngập ngừng một lát rồi tiếp:

–     Vâng, cô Hạnh từ xa tới đây…vâng…ờ…Tôi xin hân hạnh giới thiệu với cô Hạnh và anh Phiệt, đây là thủ trưởng của chúng tôi, đồng chí Tâm, Bí thư huyện ủy. Hai đồng chí này là đồng chí Thọ và đồng chí Báu, từ tỉnh tăng phái về giúp huyện phát triển ngành ngoại thương.

Hạnh giật mình, nhìn qua người đàn ông, bối rối. Nàng cố cười thật tươi:

–    Hân hạnh được biết ông Bí thư.

Người đàn ông cười ha hả:

–    Người đẹp khách sáo rồi. Tứ hải giai huynh đệ mà. Cô ở miền Trung, tôi miền Nam. Ðâu cũng là anh em cả. Kêu anh đi cho nó thân mật. Tôi chỉ  là Bí thư huyện ủy khi công tác, còn xong công tác thì là…hà hà là ai cũng huynh đệ thôi. Nào, để chào mừng người đẹp miền thùy… thùy… gì nhỉ, à thùy dương, ta dzô một trăm phần trăm đi. Ðể lâu bia nguội mất!

Ông ta lấy một lon bia, dùng ngón tay cái ấn cái chốt mở rồi nâng lên cao, đưa quanh bàn một vòng:

–    Nào, mỗi người một lon đi. Chú Biên, chú Tư, đồng chí Báu, anh Thọ, anh…anh gì nhỉ…xin lỗi tôi quên tên…cái gì, Phiệt, à anh Phiệt, và người đẹp “thùy dương”. Nâng ly lên đi, đừng ngại gì hết. Tứ hải đều là…giai huynh đệ mà. Uống vào, nói mới tin.

Mọi người mở bia. Hạnh mày mò mở lon bia, ngập ngừng nâng lên. Thoắt một cái, mấy người đàn ông trong bàn uống cạn, để xuống. Hạnh hớp một hớp rồi cũng để xuống. Giám đốc Tư Mau chồm người hướng về Hạnh:

–    Cô cũng phải cạn lon. Mới vào cuộc mà hớp một hớp vậy đâu có được. 

Bí thư Tâm cầm lon bia của Hạnh lên, ướm thử nặng hay nhẹ, rồi để xuống:

–    Ðâu có thế này được. Cô phải cạn. Cạn mới tin. Nào, mời người đẹp.

Hạnh lúng túng, năn nỉ:

–    Dạ, em cả đời mô có biết uống bia. Cho em xin…

Bí thư cười sảng khoái:

–    Trời, cô em nói giọng Trung ngọt như mía vậy đó.  Nhưng giọng gì thì giọng, tiệc tùng ở đây là phải cạn ly, cạn chén à quên, cạn lon. Không cạn, nói không thiệt lòng đâu.  Tôi đỡ cùng cô một lon nữa.

Bí thư mở thêm một lon nữa, nâng lên trước mặt Hạnh:

–     Nào, mời cô Hạnh.

Hạnh không biết làm sao, cầm lon bia, nhìn Phiệt cầu cứu.  Phiệt nói:

–     Tôi xin được đỡ cho em tôi.

Cả bàn đồng loạt la:

–     Không được. Không được. Phần ai nấy lo.

Giám đốc thương nghiệp hạ giọng:

–    Cô Hạnh à, sau rồi sao cũng được. Lon đầu, cô ráng cạn đi, đừng phụ lòng thủ trưởng và anh em bọn tôi. Không say đâu. Từ miền Trung vào đến tận đây, cô còn sợ gì.

Không biết làm sao hơn, Hạnh đành nâng lon lên uống. Bí thư vừa uống lon thứ hai vừa thúc:

–    Ấy, ấy, vào đi, nữa, nữa, thấy chưa, đâu có sao. Uống hết mới thiệt tình.

Hạnh hớp từng ngụm, nhăn mặt. Ðến chừng hai phần lon, chịu không nổi nữa, nàng phải để xuống, ho sặc sụa. Nàng lấy khăn tay bụm miệng lại.

Bí thư để lon bia xuống, cười:

–    Mới bắt đầu thế đấy. Thấm vào rồi, là bao nhiêu bia cứ đi tuốt vào bụng hết.

Bí thư nhìn giám đốc thương nghiệp:

–    Nào, ta bắt đầu đi.

Giám đốc ngơ ngác:

–    Bắt đầu cái gì, thủ trưởng?

–   Thì cái gì mà chả được. Cần cái gì thì nói mà chưa cần thì uống cái đã, khi nào nhớ ra hãy nói. Mà kệ mẹ nó, nhậu cái đã. Việc nhà nước là việc cả đời, đâu phải việc một ngày một buổi.

Quay sang người bên cạnh, Bí thư  nói:

–    À, Sáu, cái vụ Tòa Án Nhân Dân đến đâu rồi?

–    Dạ, thưa chú, ngày mai xử ba vụ.

–    Vụ nào và vụ nào?

      –    Dạ, vụ thằng trung sĩ  ngụy Vương Tô viết khẩu hiệu chống phá cách mạng, vụ Nguyễn Thị Thủy gian công điểm và vụ Hoàng Thanh hành hung cán bộ đang công tác.

–    Còn vụ ăn cắp vật tư thì sao?

–     Dạ, vụ này còn phức tạp. Ðồng chí chánh án nói dời lại tuần sau. Theo bộ luật hình sự mới ban hành, tội của Lợi phải đến án tù hai mươi năm lận.

Bí thư mở thêm một lon bia nữa, giọng dứt khoát:

–   Dẹp. Cái gì mà án đến hai mươi năm. Gia đình liệt sĩ  mà chịu án đến hai mươi năm thì còn thể thống gì cho cách mạng nữa. Mà chuyện vật tư sẽ dính tùm lum. Ðụng tới cả mấy anh trên trển nữa. Ðưa vụ vật tư xử trước. Xử nhanh, gọn. Giơ cao đánh khẽ. Làm cho ra vẻ nghiêm trọng, nhưng còn thiếu chứng cớ, hoãn lại. Phải làm thật lớn, thật rùm beng về vụ Vương Tô về tội phản cách mạng. Bảo bên phát thanh truyền thanh trực tiếp cho đồng bào và cán bộ theo dõi. Cho hắn cái chung thân, nếu cần thì tử hình. Có gì, sau này ta sẽ tính. Nên nhớ trọng điểm của huyện bây giờ là vấn đề an ninh trật tự. Nắm vững chưa? Thôi, ta vô tiếp. Nào, vô. Xin lỗi Hạnh nhé, bọn tôi làm việc trong tinh thần huynh đệ, chuyện nọ xọ qua chuyện kia, nhanh gọn, đỡ tốn thì giờ, tiền bạc của nhân dân. Họp hành lắm mất thì giờ. Hồi còn chiến tranh cũng vậy, còn nhanh gọn hơn gấp bội lần bây giờ. Có việc, cứ hội ý mà làm. Thế mà thắng Mỹ đấy, Hạnh thấy không? Nào, dzô! Coi kìa, anh Phiệt, sao mà lửng lơ vậy?  Thằng Sáu, thằng Tư, dzô đi.

Hạnh cầm lon bia, bưng lên để xuống, thỉnh thoảng nhắp nhắp một chút lấy lệ. Người nàng bừng bừng. Trước đây, ở nhà, thỉnh thoảng, nàng cũng có uống bia với Lục, hoặc với một vài người bạn, nhưng uống một cốc nhỏ, đại khái, uống từ từ. Lần này, trong khung cảnh mánh mun quan hệ đến cả sự nghiệp như thế này, nàng không có cách nào khác hơn là phải chìu lòng quý vị quan chức, những người đang nắm sinh mệnh nàng. Hàng thì đã bán, nhưng chi tiền là quyền của họ. Họ trả ngay hay họ ngâm tôm, tùy thuộc vào từng lúc vui buồn của nhiều người khác nhau: từ ông huyện ủy, ông giám đốc đến anh tài vụ, chị ngân hàng, cô ngồi “két”. Khi đi, nàng tưởng mọi việc diễn ra bình thường, suôn sẻ. Nghĩa là cứ chìa tấm chi phiếu ra là có tiền. Ðến nơi rồi, quan hệ ở đâu cũng nghe nói toàn là trục trặc, không ở khâu này thì cũng ở khâu khác. Khuôn mặt người nào cũng thản nhiên đến lạnh lùng, y như việc này không dính dáng gì đến họ. Có trục trặc thì phải đợi.  Nhưng đợi đến bao giờ?

Chỉ cần lướt qua cái không khí và một vài mẩu đối thoại là Phiệt khẳng định ngay phải “có gì” mới xong. Hạnh bực bội, muốn gây gổ. Tiền là tiền của nàng, hàng là hàng của nàng, họ có bổn phận phải trả, thì tại sao họ làm khó làm dễ nàng. Nhưng Phiệt phân tích cho nàng thấy rằng, gây gổ cũng vô ích thôi, chỉ tổ gây thêm khó khăn. Hạnh miễn cưỡng đồng ý. Lúc đầu, nàng tưởng quyền quyết định nằm trong tay giám đốc thương nghiệp. Hóa ra, chính Bí thư huyện uỷ này mới là nhân vật then chốt. Nàng hiểu ngay tại sao, Tư Mau cố tình xếp nàng ngồi gần ông ta. 

Hạnh cố hớp cho hết lon bia. Nàng mở thêm một lon, đẩy sang cho Bí thư:

–    Mời anh.

Ðang định nói gì đó với tay cần vụ, thấy nàng đẩy lon bia qua, ông ta khoái chí:

–    Hoan hô người đẹp. Các chú thấy chưa, tôi biết là người đẹp sớm muộn gì cũng nhập cuộc với chúng ta mà. Nào, dzô!

Bí thư quay qua Hạnh cụng lon, cười rạng rỡ. Hạnh cụng ly với Bí thư, cười duyên, nói nhỏ:

–    Em thấy các anh vui quá, ráng theo các anh. Nhưng anh thông cảm cho em, đừng ép em uống một lần, tội nghiệp.  Em say rồi ói mửa tùm lum ở đây mất vui.

Bí thư ghé sát tai Hạnh:

–    Em kiếm đâu ra hai chữ “tội nghiệp” nghe hay không chịu được. Mới nghe là đã thấy thương rồi. Cái giọng miền Trung nghe ngọt như chi! Anh thông cảm em, nhưng phải uống.  Vào đây mà không uống thì khó làm ăn lắm.

Hai thùng bia hết ngay. Người phục vụ mang tiếp hai thùng nữa. Ðồ ăn vẫn còn đầy bàn, nhưng vỏ bia đã nằm ngổn ngang.  Người nào người nấy uống bia như nước lã. Họ vừa uống vừa nói chuyện nghĩa khí giang hồ lại vừa bàn luận chuyện công tác của cơ quan. Hạnh ngơ ngác, không hiểu những câu chuyện họ nêu ra trong bữa tiệc là để đùa vui hay rồi sẽ được thi hành như thi hành  quyết định sau một buổi họp quan trọng.

Người nổi bật từ đầu đến cuối không ai khác hơn là ông Bí thư.  Ông thấp người. Lùn nữa là khác. Ông thấp hơn giám đốc Tư Mau gần nửa cái đầu, và chẳng cao hơn ai trong số còn lại.  Tóc hớt cao, đường rẻ chải thẳng băng. Mặt mày láng bóng. Vẻ láng bóng của một người đang phát tướng, nhưng  chưa xóa hết được những dấu vết lam lũ. Nước da vẫn còn hằn nét bưng biền. Môi dày, hơi thâm. Ðôi mắt rực những tia vui và thỏa mãn, nhưng không che dấu được màu vàng nhờ nhờ bệnh hoạn.  Áo sơ mi màu mỡ gà cắt may khéo, có vẻ không hợp mấy với dáng người thô cứng. Ông chẳng khi nào chịu ngồi yên. Thân hình, tay chân luôn luôn cử động. Ðứng lên, ngồi xuống, xoay qua bên này, trở qua bên kia, ăn nói rổn rảng như viên chỉ huy giữa chốn ba quân. Ông uống nhiều và buộc người khác phải uống cho kỳ được. Có một lúc cao hứng, ông thách đàn em thi uống xem thử ai có thể uống cạn nguyên lon bia bằng một hơi duy nhất, không ngừng nghỉ. Mọi người tán thưởng trò chơi, mở lon bia mới. Sau tiếng hô “dzô dzô” của Bí thư, tất cả nhất loạt kê miệng uống ừng ực. Có người bỏ cuộc nửa chừng, có người cố gắng uống hết, nhưng bị sặc cũng phải bỏ cuộc. Cuối cùng, Bí thư thắng. Cả bàn vỗ tay reo cười ầm ĩ. Hạnh vỗ tay thật lớn, đưa cao lon bia lên cụng với Bí thư. Bí thư cười sảng khoái, mở lon khác, uống tiếp.

Hạnh reo vui như máy. Bia đã thấm. Mắt hoa, bụng cồn cào muốn nôn. Nhưng nàng cố giữ vẻ tươi tỉnh, sẵn sàng đối đáp với những lời tán tỉnh vu vơ của Bí thư, chờ đợi người ta bàn đến chuyện của nàng. Nhưng mọi người chỉ biết nhậu và nhậu.

Nàng hỏi nhỏ Phiệt:

–    Chẳng lẽ cứ ngồi nhậu miết như thế này. Hay là mình trả tiền, rồi xin phép về nghỉ. Ðầu em bây giờ như cái chong chóng xoay.

Phiệt nói:

–    Ðâu có được. Em phải ráng ngồi cho đến cuối cùng. Cái này quan hệ lắm. Bỏ đi nửa chừng, họ sẽ nói là mình coi thường họ, hỏng hết. Mà đi đâu bây giờ? Họ lo sắp xếp chỗ ngủ cho mình mà. Phải biết kiên nhẫn, Hạnh ạ.

Nghe lời Phiệt, nàng kiên nhẫn ngồi. Và uống. Ðến hồi mãn tiệc, người nàng cơ hồ nhão đi. 
*

Xuống xe, nàng mặc tình để Phiệt dìu vào phòng, đưa tới chiếc giường nhỏ. Nàng ngồi xuống, mắt hoa lên. Nàng nhìn Phiệt, thều thào:

–    Cám ơn anh.

Nói xong, nàng nằm ngã vật xuống giường hai tay buông thoảng, mắt nhắm nghiền. Phiệt ngồi xuống bên nàng:

–    Tội nghiệp cô em tôi. Mệt lắm không em? Cần anh giúp gì không?

Phiệt đưa tay sờ trán Hạnh. Nàng hâm hấp nóng, mồ hôi tươm ra nhơm nhớp. Anh vuốt dọc theo cánh tay Hạnh. Hạnh trở mình, dịch người lùi vào trong. Nàng nhướng mắt, nói:

–   Anh về đi. Em tự lo được. Lần đầu tiên em uống nhiều như thế này, nên hơi bị “sốc”, chắc không sao đâu.

Phiệt vẫn ngồi, nhìn nàng, chần chừ. Hạnh ngồi dậy:

–    Em lo vệ sinh một chút. Anh về đi, cả không nhiều khi, người ta …này nọ.

Hạnh bước xuống giường, nghiêng ngả. Phiệt muốn đỡ, nhưng nàng xua tay:

–    Ðược rồi anh, không sao đâu. Em tự lo được mà. Khi ra, anh khép cửa chặt giùm em.

Phiệt tần ngần nhìn Hạnh bước về góc phòng, thở dài, bước ra. Thấy Phiệt đã đi, Hạnh trở lại giường, ngồi xuống, dựa lưng vào tường. Phòng hẹp. Mọi thứ bày biện tương đối gọn gàng. Một cái tủ nhỏ đặt ở góc phòng, trên có để gương, lược và đồ trang điểm. Giường gỗ, có chăn bông, gối hoa. Một cái bàn nhỏ để ở cửa ra vào. Giá móc áo quần gần cửa sổ. Ngọn đèn điện nhỏ, treo lơ lửng trên trần. Rõ là căn phòng dành cho phụ nữ. Nàng cảm thấy yên tâm. 

Thấy đỡ chóng mặt, nàng đứng dậy tìm phòng vệ sinh.  Bỗng có tiếng gõ cửa. Hạnh hỏi lớn:

–    Ai vậy?

–    Tư Mau đây.

Vừa nói, anh ta vừa đẩy cửa bước vào. Anh ta đến bên giường, ngồi xuống. Hạnh nhích ra một khoảng để cho anh ta ngồi. Tư Mau nói:

–    Cô yên tâm nghỉ lại đêm nay ở đây. Phòng tuy nhỏ, nhưng là phòng của một chị cán bộ, phục vụ bên nhà khách của huyện. Ðồng chí ấy nhường phòng lại cho cô. Bên nhà khách thì rộng, thoáng đãng, nhưng kẹt nỗi là cửa ngõ không đàng hoàng.

–    Có một đêm thôi mà. Em đi đây đi đó, ngủ ngáy dễ lắm. Nhờ anh chuyển lời cám ơn ông Bí thư. Em say quá.

Tư  Mau nhìn Hạnh, cười duyên:

–    Không sao. Cô càng say càng đẹp!

Hạnh trả lời mệt mỏi:

–    Không dám đâu. 

Tư  Mau tiếp:

–    Khi nghe anh em trên đó báo về có Hạnh đến bán hàng, tôi nghĩ đến một phụ nữ bình thường nào đó, một con buôn, nhưng khi gặp Hạnh đây mới thấy là mình nghĩ lầm.  Hạnh vừa trẻ vừa đẹp, lại giỏi giang nữa. Công nhận người miền trung chịu khó thật. Hạnh này, liệu mình có thể hợp tác làm ăn với nhau lâu dài không?

Hạnh gật đầu:

–    Em thích lắm chứ.

–   Hạnh về thành phố ở đâu. Tôi có thể ghé thăm Hạnh không?

–   Cũng được thôi. Nhưng anh biết chỗ em ở là nhà của người quen, nên không tiện lắm. Khi anh lên có gì cần, em đến công ty thôi. Dễ mà!

–   Ðến công ty thì nói làm gì. Muốn thăm riêng Hạnh kìa.

Hạnh ngạc nhiên:

–    Ðể làm gì vậy anh?

–    Thăm chơi vậy mà… Hạnh… này!

–    Gì anh?

–    Hạnh đẹp lắm!

Tư Mau nhích người đến gần nàng. Hạnh lùi xuống phía dưới. Nàng nói:

–    Em chóng mặt quá. Hay là anh về rồi sáng mai anh em mình nói chuyện được không? Cả đời chưa hề uống bia, giờ uống vào, say quá!

Hạnh đứng dậy. Không biết làm gì hơn, Tư Mau miễn cưỡng đứng dậy. Anh ta nói, giọng buồn buồn:

–     Thôi Hạnh nghĩ. Có gì mai ta bàn tiếp.

Anh ta bước ra. Nàng mừng rỡ, tiễn Tư Mau ra cửa rồi đóng cửa, gài then lại. Nàng vào phòng tắm. Ðịnh chỉ rửa ráy qua loa, nhưng chợt thấy có thùng nước đầy để ở góc, nàng mừng quá, cởi hết áo quần, múc nước xối tràn lên thân thể.  Nước mát thấm vào cơ thể khiến người nàng nhẹ hẳn đi. Tuy thế, khi thay áo quần xong, nàng vẫn cảm thấy người bải hoải, khó chịu. Ruột gan cồn cào, muốn nôn. Nàng vào phòng tắm, đợi nôn, nhưng nàng chỉ ọe ra toàn nước, một thứ nước vàng nhờ nhờ lẫn chút ít đồ ăn chưa tiêu. Nàng trở lại giường, nằm xuống, cố nhắm mắt. Nhưng hễ nhắm mắt là đầu nàng xoay tròn, vô cùng khó chịu. Nàng đành mở mắt thao láo nhìn lên trần nhà. Khuya lắm rồi. Bên ngoài yên tĩnh. Tiếng ếch nhái nghe vọng lại từ đâu khá xa. 

Lại có tiếng gõ cửa. Ai đây nữa trời? Nàng lắng tai nghe.  Một tiếng gõ nữa, lần này nghe mạnh hơn. Một giọng ồ ồ vang lên:

–     Hạnh ơi, còn thức phải không. Vào một chút được không?

Hạnh giật mình. Giọng của ông Bí thư. Nàng nằm yên, làm bộ ngủ. Ông ta nhắc lại:

–    Thế nào, người đẹp? Không muốn tiếp phải không?  Nếu thế thì anh về nhé!

Hạnh hốt hoảng, hỏi vọng ra:

–     Ai đấy?

–     Anh. Không nhận ra giọng anh sao? Mười Giộc đây.

Cái gì lại Mười Giộc? Rõ ràng là giọng của Bí thư Tâm mà.  Hạnh vùng ngay dậy, ra mở cửa. Cửa vừa mở, hai tay Bí thư dang ra, như muốn ôm choàng lấy nàng. Nàng giật mình, bước lùi lại, loạng choạng. May mà nàng kịp níu vào cánh cửa, gượng lại. Bí thư  cười, đưa tay ra bắt. Nàng cũng đưa tay ra.  Bí thư bóp chặt tay Hạnh, bàn tay nóng, chắc:

–    Tỉnh rồi, phải không. Anh đã nói mà, lúc đầu không quen, uống một hồi, cũng quen.

Hạnh hỏi:

–    Hình như ông Bí thư vừa nói…cái gì Mười Giộc?

Bí thư cười ha hả:

–    Mười Giộc là anh đấy. Tâm là Mười Giộc mà Mười Giộc là Tâm, giống nhau.

Bước vào trong, Bí thư đưa tay khép cửa, nhìn quanh:

–   Chỗ này không đến nỗi tệ, phải không Hạnh? Tiếc là em xuống muộn quá, bọn anh không tiếp đãi chu đáo. Nhưng người đẹp thùy dương thông cảm. Huyện còn nghèo, chưa có được cái nhà khách đàng hoàng. Rồi cũng sẽ có thôi. Lần sau, em có về đây, qua bảo đảm với em là em sẽ có nơi ăn chỗ ngủ đàng hoàng.

Mười Giộc đi quanh:

–     Có phòng tắm đây nữa mà. Thế là tốt! Mùng mền đủ cả chứ? Thế là tốt! Ngủ, nhớ bỏ mùng cho kỹ vào. Muỗi ở đây chúng nó xông pha lắm, không nể người quen kẻ lạ gì đâu.  Thịt da như em, chúng khoái lắm.

Hạnh lúng túng không biết phải mời ông Bí thư ngồi ở đâu.  Bí thư hiểu ý, kéo chiếc ghế nhỏ lại gần giường Hạnh, ngồi.  Hạnh ngồi ở mép giường phía dưới. Bí thư nhìn Hạnh, khen tự nhiên:

–    Hạnh càng say càng đẹp ra. Nào đến đây, người đẹp, ta làm việc một chút.

Hạnh dè dặt xích lại gần. Bí thư nói, hơi bia phả vào mặt nàng:

–    Anh biết em đã thấm bia, mệt lắm, nhưng ta giải quyết công việc chút xíu cho xong. Ngày mai, anh phải lên tỉnh công tác sớm. Không có anh ở đây, không ai giải quyết được công việc cho cưng. Gọi cưng cho nó thân mật nhé. Hiện tiền bên ngoại thương bị kẹt, hàng chưa bán được. Anh biết cưng cần tiền để về. Anh giải quyết ngay cho cưng như thế này: anh lấy tiền từ tài khoản khác ứng trước.

Hạnh run run:

–    Cám ơn ông Bí thư.

–     Bây giờ ở đây, không có ông Bí thư nào hết. Chỉ có anh và cưng thôi.

–    Dạ, cám ơn anh.

–    Có thế chứ.

Mười Giộc rút ra tâm ngân phiếu, đưa cho Hạnh:

–    Tiền hàng của cưng đó. Kiểm tra lại, xem đủ chưa?

Hạnh cầm tờ ngân phiếu, đọc. Những giòng chữ và con số nhảy múa trước mắt nàng. Một trăm chín chục ngàn. Cái gì?  Sao lại nhiều thế này? Ông ta có đề lộn không? Nàng tỉnh hẳn, ngước mắt nhìn ông Bí thư. Bí thư cười hỏi: 

–    Ðủ tiền cưng chưa?

Hạnh ngập ngừng:

–    Cái này…cái này…

–     Thế nào, không đủ sao?

–     Dạ, thừa. Tiền hàng của em chỉ có một trăm tám. Ở đây…ở đây đến một trăm chín, ông…anh…ông có lộn không?

Mười Giộc choàng tay qua vai nàng:

–    Không lộn đâu. Bí thư sao mà lộn được. Anh tính luôn cả tiền nhậu chiều nay và cả tiền ngồi với cưng bây chừ…ở đây luôn. Cưng đừng thắc mắc. Mười Giộc này đã làm là đâu vào đấy. Cất đi cưng.

Hạnh né người, lắp bắp:

–    Cái này…cái này…kỳ quá.

Mười Giộc cười:

–    Ðối với anh, không có gì là không được cả. Anh nói rồi, cưng cất đi. Cưng vào đây, anh đãi cưng. Mai kia mốt nọ, anh ra ngoài đó, mà nhất định bọn anh sẽ ra mở công ty ngoài đó, cưng đãi lại anh, là huề. Ấy, thế chứ. Thắc mắc làm gì.  Nào, xích lại đây, cưng. 

Hạnh ngồi yên, mắt hoa lên, sợ hãi nhìn. Bí thư dịch lại gần. Hạnh tránh. Nhưng Bí thư choàng tay qua vai nàng, kéo lại:

–    Cưng sợ, phải không? Hay là cưng chê người anh thô lỗ? Anh thương cưng lắm?

      Hạnh cố đẩy ra, nhưng hai cánh tay Bí thư  mạnh mẽ xiết lại. Ðầu óc nàng xoay xoay. Người mềm ra. Nàng cố vùng vẫy, nhưng bất lực. Bí thư ấn nàng nằm xuống giường, rồi nhanh nhẹn đứng dậy, bước đến tắt ngọn đèn. Bóng tối sụp xuống căn phòng như  một hung thần. Nàng nghe tiếng ú ớ  của mình vang vang đâu đó rồi như rơi xuống vực thẳm mất hút.  Hạnh ơi, Hạnh ơi, Hạnh ơi, Hạnh ơi…

CHƯƠNG 13

Hai người ngồi cạnh hàng chìa tàu, dưới bóng của cây nhãn phía bên kia con đường hẻm đổ qua. Lục dựa ngửa người sau chiếc ghế, hai chân gác trên cái rễ cây. Chiếc rễ cây nhúc nhích khiến cho tấm gỗ kê làm bàn nghiêng đi. Tân kịp thời giữ bình trà lại.

–     May không thì tách trà đổ sạch cả.

Lục rút chân lui. Tân nói:

–     Vô ý thật. Trà ngon như thế này mà đổ hết thì uổng quá.

Anh nâng chén trà lên môi, nhắp một hơi, hít hà:

–     Chát quá trời là chát! Lại chẳng thơm tho gì. Tôi tự hỏi sao người ta lại thích thứ trà đắng chát này nhỉ? Thiếu gì trà ngon ở trong này lại không uống.

Tân cười:

–     Dễ gì có thứ này mà uống. Móc câu thứ thiệt đấy!

–     Trà gì mà có thứ thiệt thứ giả? 

–     Sao không. Ða phần trà bán ở đây, tụi nó pha trộn tùm lum. Một kí thứ thiệt từ Bắc Thái mang vào, giá cả năm bảy đấy. Mang trên tàu hai ký là bị đánh thuế ngay. Công an lục trà dữ lắm, không thua gì các thứ hàng xịn khác đâu, nhất là từ ngả Hà Nội vào.

–     Hai kí trà mà đánh thuế thì lạ quá!

Tân bưng tách trà lên uống một hớp, khuôn mặt sảng khoái, rồi giải thích:

–     Trà này quý lắm. Người ta thu hoạch và chế biến công phu hơn thường. Hơn nữa chỉ có vùng ngoài đó mới có loại trà này. Ông có biết tại sao người ta gọi là móc câu không? Ông nhìn cánh trà xem, mỗi cánh trông như một cái lưỡi câu cong cong. Người ta ngắt những đọt trà này khi còn non, nghĩa là còn búp như những móc câu, rồi rang và ủ lại. Nghe nói làm  theo kiểu thủ công ở nhà tốn công lắm, nhưng ngon hơn. Có được một vài ký trà thủ công thì thật tuyệt. Ở ngoài Bắc, quý lắm mới được người ta biếu cho một ký trà móc câu thủ công thứ thiệt. Ðắc là vì thế. Mà bị thuế cũng là vì thế.

–     Ông trông bộ rành trà quá chừng! Tôi thì…

       Ðúng lúc đó thì có tiếng khóc ré lên của thằng Phụng, đứa con út của Lục. Anh giật mình đứng vụt dậy, chạy ngay ra trước nhà. Nửa đường, anh gặp thằng Phụng khóc bù lu bù loa ào đến. Anh xốc tới bồng thằng nhỏ lên, lấy cánh tay áo lau nước mắt, hỏi gấp:

–     Cái gì nữa đây, bị bổ hay bị chuyện gì?

Anh xoay toàn người thằng nhỏ, nhìn xem nó có bị thương tích gì không. Phụng mếu máo:

–     Anh Ðồng đánh con.

–     Sao mà hắn đánh?

Thằng nhỏ nấc lên từng chặp:

–     Con chan thêm chút nước mắm vào cơm mà anh Ðồng…

Lục bịt miệng thằng nhỏ lại, nhìn lui, sợ Tân nghe, hỏi nhỏ:

–     Rứa thằng Ðồng mô rồi? Ðồng mô, ra đây biểu, mau lên. Anh đổi giọng gọi lớn.

Thằng Ðồng từ sân trước chạy đến. Anh hầm hầm hỏi:

–     Sao lại đánh em, thằng tê?

Ðồng mặt tái mét, nhìn thằng Phụng một cách tức tối, nói:

–     Con mới đụng nhẹ hắn một cái vào tay mà hắn la bai bải rứa đó…

Thằng Phụng vùng vằng trên tay Lục:

–     Anh kéo con anh xô con rồi đánh vào ngay đây này này…đánh đau quá trời là đau…

Ðồng nạt:

–    Mi chỉ được tài nói láo tau đánh chỗ mô mà mi nói đau?

Thằng Phụng giãy nảy:

–    Ðánh người ta rứa mà nói không đánh mạ ơi là mạ đau quá mạ ơi…

Lục nạt:

–    Im đi, cả hai đứa. Mà răng mi đánh em, thằng tê?

Thằng Ðồng nói:

–    Ba dặn nước mắm còn ít không được ăn nhiều phải để dành tới ngày mai hắn ăn cơm, con đã chan cho hắn một chút rồi rứa mà hắn cứ lục cụi lấy nước mắm đòi chan thêm, con không cho hắn cứ lấy  con tức quá con kéo hắn ra, để hắn ăn nước mắm rồi hồi ba la con, đụng vô cái chi con cũng bị la trước…

Nói đến đó, thằng Ðồng tức nghẹn không nói tiếp. Lục hiểu ra chuyện, không biết phải phân xử như thế nào. Anh thả thằng Phụng xuống đất, dỗ dành:

–    Vào đây, ba chan thêm cho một chút. Một chút thôi.  Ðợi mạ về. Lâu nay mạ đi vắng, bán hàng chưa được, ráng chịu khó. Khi mô mạ về thì tha hồ…

Thằng Phụng được thể, khóc tức tưởi:

–    Ăn cơm mà như ăn không. Anh Ðồng vẽ con có lạt thì lấy muối bỏ thêm con không ăn muối được…mạ ơi là mạ, mạ mô rồi…con không ăn muối được…

Nói đến đó, thằng Phụng rống lên. Anh bịt miệng nó lại:

–     Mai là mạ về rồi, ba nói thiệt.

–    Không con không tin ba nói mấy lần rồi ba nói láo mạ ơi là mạ…

Lục tức quá, nắm chặt tay thằng nhỏ:

–    Mi có im cái miệng không, thằng tê. Bữa mô tao cho đi luôn với mạ mi cho sướng!

Thằng nhỏ bị anh dằn tay bất ngờ, lại bị nạt, im bặt, lấm lét nhìn anh, đôi mắt ngơ ngác đảo tròn, dường như không hiểu vì sao ba mình vừa mới dỗ dành mình đó, đột nhiên lại dữ dằn như vậy! Nó lủi thủi bước đi, dáng vô cùng tội nghiệp. Lục nhìn theo, lòng bỗng nhói lên một cảm giác vừa xót thương vừa buồn vừa giận. Giận vợ. Giận mình. Giận con. Mấy đứa con chỉ biết có mẹ. Vắng Hạnh, mọi sự hoàn toàn đổi khác, từ trong ra ngoài, từ miếng ăn, giấc ngủ cho đến những sinh hoạt bình thường, lặt vặt hàng ngày. Từ mỗng nước mắm, cái quần đùi rách, lon muối, đến chuyện học hành, cái gì cũng đều trở nên bấp bênh. Nàng vắng một tuần, mười ngày, mấy cha con còn chịu đựng được. Vắng nhà cả tháng như thế này, mọi chuyện hầu như rối tung lên. Anh mất phương hướng.  Anh bối rối trong việc mượn tiền, việc chi tiêu, việc xử sự với con cái. Thì ra, anh cũng chẳng khác gì mấy đứa con, chỉ biết dựa vào Hạnh. 

Trở lại với Tân, Lục thở dài:

–     Nhà mà thiếu đàn bà thì đúng là…thiếu tất cả.

Tân xổ nho:

–     Trung niên tán thê đại bất hạnh.

Lục nhìn Tân, thắc mắc:

–     Nghĩa là gì?

–     Tôi học “thuội” của ông bác. Ðại khái thì là đàn ông lứa tuổi lỡ cỡ như bọn mình mà chết vợ thì thật là không bất hạnh nào sánh bằng.

–     Tụi mình mô đã chết vợ?

–     Tôi cho đây là một cách ví von của người Tàu. Thì chết vợ, hay mất vợ hay không có vợ bên mình có khác gì đâu. Ông thấy đó, bà Lục mới vắng nhà có mấy tuần mà ông đã than thở như thế đó, huống chi là…

Nhắp một ngụm trà, Tân tiếp:

–     Huống chi như tôi bây giờ. Vợ nằm tù năm năm, có khác gì mất vợ năm năm. Năm mà phải thành bảy, thành tám hay mười không chừng. Vì ở tù ra rồi, phải mất nhiều năm chỉnh đốn mới có thể phục hồi như cũ. Mà cũng chưa chắc nữa.

Lục nhìn Tân thương cảm:

–     Chị ở tù được mấy năm rồi nhỉ?

–     Chưa tới năm rưởi.

Lục chép miệng:

–     Cũng mau…

–     Vậy mà ông nói mau. Còn tới những ba năm rưởi.  Thật là đăng đẳng! Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại. Có đợi, có trông mới biết thấm thía cái mau, cái chậm của thời gian ông à. Mẹ kiếp, không có ai như tôi, trong lúc cả nước người ta đi nuôi cha nuôi chồng thì riêng tôi phải bới xách nuôi vợ.  Ông cứ tưởng tượng đi, như ông, vợ mới vắng nhà có ít hôm mà ông thấy toán loạn loạn lên. Huống chi tôi. Bốn đứa con, nghề ngỗng không có, cách mạng không ra cách mạng, ngụy chẳng ra ngụy. Ðứa này kêu đứa kia khóc, đứa nọ đòi. Những ruốc, nước mắm, muối, cơm, gạo, áo quần, ôi thôi trăm ngàn thứ rối như tơ vò. Gà trống nuôi con, mấy ông cụ xưa nói mà đúng ghê. Thà cho tôi ở tù, thân tôi đã yên mà con cái cũng còn sướng…

Lục chợt nghĩ ra một ý, bật cười. Tân hỏi:

–     Ông cười hoàn cảnh tôi?

–     Cười gì nỗi. Nghe ông nói, tôi đâm ra thấy mình còn hạnh phúc hơn ông. Vợ mình còn đó. Nhưng tôi nghĩ đến một chuyện khác.

–     Chuyện gì thế?

–     Giả sử như tất cả đàn bà đều đi học tập cải tạo hết, còn đàn ông thì ở nhà nuôi con, bới xách như ông, thì tình hình sẽ ra sao ông nhỉ?

–     Chắc loạn ông à.

–     Sao mà loạn?

–     Thì sao nữa, không nuôi con nổi, không bới xách nổi và lăng nhăng, lấy vợ khác, bỏ con bỏ cái bơ vơ thì xã hội loạn chứ sao.

Lục gật gù.  Tân tiếp:

–    Chỉ có đàn bà như Trần Tế Xương mới “quanh năm buôn bán ở mom sông, nuôi đủ năm con với một chồng”. Ông tưởng tượng đi, nếu như bà xã ông đột nhiên bị vướng vào một vụ gì đó, rồi ờ…ờ…ấy là giả sử thế, chứ bà Lục đi buôn, đâu có như  như bà xã tôi, bà ấy tham vọng, lại ỷ thế…

–     Sao lại gọi là ỷ thế?

–     Thì ông xem, bà có ông chú tập kết vào, làm thì chẳng có chức gì lớn nhưng mà quen biết nhiều, nên bà ấy lợi dụng móc ngoặc đủ thứ tuồn ra ngoài. Ðến khi vỡ lở, ai cũng lo cái thân mình. Ông chú ông cũng lo cái thân ông, tránh mặt luôn.  Thế là trăm sự đổ lên đầu bà ấy. Một kinh nghiệm chua xót.  Bởi vậy mà tôi sau này…chẳng tin ai nữa.                   

       Nghe mấy đứa con reo lên đầu ngõ “mệ, mệ”, Lục biết mẹ anh vừa đến. Anh đứng dậy  nhìn Tân:

–    Ông ngồi chơi. Chắc bà nội mấy đứa vừa đến.

Tân cũng đứng dậy:

–    Tôi phải về. Lo cho mấy đứa nhỏ chút, rồi nấu nướng chuẩn bị mai đi thăm nuôi.

–     Thăm nuôi chị à?

–     Vâng, mai đến lượt thăm nuôi bà xã.

–     Ở đâu lận? Lao hay đâu?

–     Hải Cát.

–    Tận trên đó lận à? Chỗ đó dành cho ngụy quân ngụy quyền mà.

–    Ôi, ngụy quân, ngụy quyền, ngụy dân, ngụy tặc, ngụy đảng, ngụy tùm lum gì cũng nhốt với nhau hết. Mấy chả chuyển bà lên trên đó để lao động.

Lục ngậm ngùi:

–    Ông đa đoan nhỉ. Người ta bới xách cho chồng, còn ông thì khác.

–    Bởi vậy, ông biết sao không, đi giữa đường gặp mấy bà vợ đi thăm nuôi chồng, hỏi tôi bới xách cho ai, tôi ngượng quá, nói láo là bới xách cho ông già. Người ta lại hỏi, cỡ như tôi mà sao lại không đi cải tạo, tôi chẳng biết phải nói sao.  Nhiều khi tôi nghĩ lẩn thẩn, thời buổi này mà đám đàn ông như tụi mình không đi cải tạo trông nó cũng lạc điệu sao sao ấy, mới kỳ. Thôi tôi về.

Tân về. Anh vào nhà thì thấy mẹ anh đang chia đồ ăn cho mấy đứa con. Thấy ba, Ngân reo lên:

–   Ba ơi, mệ nội mang đủ thứ, bánh nậm nè, bánh bèo nè, cháo bò nè. Nội để dành phần ba trong tê tề.

Mấy đứa con, đứa nào đứa nấy, mắt mở lớn nhìn đồ ăn một cách thèm thuồng. Anh nói với mẹ:

–    Mạ mua gì mà lắm thứ thế. Tụi nó có thiếu đâu.

Mẹ anh không nói gì, chăm chú chia bánh, chia cháo cho Ngân và Phụng. Thằng Phụng xò tay định bốc cái bánh lọc, thì bà ngăn lại:

–    Tay chân mặt mày nhớp thế kia mà bốc ăn à. Ðợi cái đã. Làm gì mà như đói cơm rách áo lâu ngày vậy?

Thằng nhỏ rụt tay lại, nhưng đôi mắt thèm thuồng cứ ném vào mấy đĩa bánh. Lục nạt:

–    Thằng Ðồng đưa em đi rửa tay đi.

Mẹ anh bảo:

–    Ðể đó tau.

Mẹ anh kéo cháu đi, miệng lầm bầm:

–    Tội cháu tui. Mạ ở nhà thì đâu có đến nỗi!

Lục mím môi nhìn theo mẹ. Con Ngân nói:

–    Ba ăn không, con lấy?

Anh gắt:

–     Không. Không ai mượn.

Nhìn đồ ăn, nhìn thấy cảnh mấy đứa con thèm thuồng, thấy mẹ thinh thinh lặng lặng, nỗi bực dọc cứ lớn dần lên trong anh.  Mẹ anh không nói gì, nhưng anh hiểu hết những gì bà nghĩ trong đầu. Càng hiểu lại càng bực dọc thêm. Tức ơi là tức!  Nhưng làm sao giờ. Nói chẳng được, mà im lặng cũng chẳng xong. Tuy thế, gây gổ với mẹ là điều anh vẫn cố tránh. Mà nghĩ cho cùng, mẹ anh đâu có lỗi gì. Nhưng đụng đến vợ anh, là điều không chịu được. Ðụng đến nàng có khác gì đụng đến anh?

Rửa ráy xong cho mấy đứa nhỏ, bà cụ trở ra. Thấy con trai vẫn còn đứng tần ngần ở đó, bà nhắc:

–     Mi ăn bánh.

Anh đáp miễn cưỡng:

–     Chưa đói.

Ngừng một lát, anh nói:

–     Mạ tiền đâu mà mua lắm thứ thế?

Giọng bà nghe mềm:

–     Tau làm.

–     Lần sau mạ đừng có làm nữa.

      Bà cụ im lặng đút bánh cho thằng Phụng. Anh bỏ đi. Bà cụ vụt đứng dậy, nhìn anh, ngập ngừng:

–     Rứa…rứa…thì mạ mấy đứa khi mô mới về?

Giọng Lục trở nên khó chịu:

–     Mà mạ hỏi làm gì?

Cảm thấy có phần vô lý, anh hạ giọng:

–     Ðã mang hàng vào thì phải bán cho xong mới về chứ. 

–    Tau thấy lần này đi lâu quá, tau lo. Cũng có đến cả tháng hơn rồi. Ði từ mồng 7 tết…

–    Mạ nhớ kỹ thật. Mấy cái khác sao không nhớ mà ngày đi của con Hạnh lại nhớ kỹ thế? Tui chẳng biết ngày tháng.

Giọng bà cụ đột ngột trở nên chua chát:

–    Mi thì mi nhớ ngày nhớ tháng làm gì. Ði chẳng hay, về chẳng rõ. Vợ mình mà y như vợ ai không bằng.

Lục quắc mắt nhìn mẹ, sừng sộ:

–    Mạ nói gì mà vợ người ta? Khi nào trong đầu óc mạ cũng nghĩ xấu cho người khác.

–    Tau không nghĩ xấu cho ai hết. Nghĩ xấu thì có lợi  chi cho tau. Tau chỉ sợ cho con cho cháu. Tau đàn bà, tau biết bụng dạ đàn bà. Khôn ba năm dại một giờ là thường. Sẩy một ly đi một dặm. Không ai nói con Hạnh hư, nhưng thân gái dặm trường, dài ngày không ai tài thánh gì mà tránh được mưu ma chước quỷ của bọn đàn ông. Thời buổi này, lòng dạ con người chẳng phải như xưa. Ðiêu ngoa, giả trá. Ðó, gương soi trước mặt đó, có ai nói thêm đâu!

Giọng bà cụ đều đều như thế, không có gì ghê gớm, không có gì sai. Cũng chẳng có gì sâu sắc. Bà chỉ lập đi lập lại cùng một  điều. Nhưng anh có cảm giác nuốt phải những viên thuốc đắng. Anh muốn đốp chát vào mặt mẹ cho đã tức. Nhưng lần nào cũng thế, mỗi lần định nói thì lòng anh đột nhiên chùng xuống. Vì  lẽ những điều như thế cũng đã ở trong anh, đã dằn vặt anh hàng ngày. Chúng không hiển hiện rõ ràng, nhưng lấp la lấp lửng đâu đó. Mỗi lần chúng loáng thoáng nhô lên, anh lại tìm cách dập xuống.

Thấy Lục im lặng, bà cụ tiếp tục:

–    Mi liệu lời khuyên lơn hắn. Ăn ít no lâu, ăn nhiều tức bụng. Dù có làm ra tiền muôn bạc triệu mà nay vắng nhà, mai vắng nhà thì chẳng ích lợi gì. Xa mặt thì cách lòng, đố không làm sao mà tránh khỏi chuyện.

Lục nhăn mặt:

–    Rứa mạ nói tui phải làm sao chừ? Hắn không đi buôn đi bán, thì lấy gì mà sống? Mạ thấy thân tui đây, mạ biết rồi, tui không biết làm chi mà nuôi con được. Mạ tưởng dễ nói hay sao? Con đau con ốm, con đòi cái này cái nọ,lấy đâu cho chúng?

–    Mình là chồng, mình phải có quyền. Vợ phải nghe chồng, đó là luật.

Anh gằn giọng:

–    Thời buổi này, cái thân như tui thì có quyền gì?

Thấy con trai bắt đầu sừng sộ gắt, bà im lặng. Khi Lục quay đi, anh thấy bà lấy tay áo chùi vội đôi mắt rươm rướm.

*

      Thằng Phụng ngồi trên cái ghế đẩu nhỏ gần cửa ra vào nhà trên. Cậu ta vừa đập muỗi vừa đọc ê a:

Bố tan ca đêm

                  Mẹ về ca sáng

                  Bố về trong nắng

                  Áo thơm mùi dầu

   Em ra đầu cầu

                  Dang tay đón bố

Ngọn đèn dầu để trên bàn không đủ sáng, nên thỉnh thoảng quên, Phụng lại nghiêng sách về phía đèn để đọc cho rõ. Mỗi lần như vậy, thằng bé lại lên giọng đọc lớn, chừng như để cho mau thuộc. Gần đó, con Ngân cắm cúi một cách nhọc nhằn trên những bài tập toán của mình. Ở góc bàn kia, dưới ngọn đèn cầy leo lét, Ðồng lẩm nhẩm đọc bài. Chốc chốc, Ðồng lại nhìn đứa em gái, lòng băn khoăn không biết cách nào giúp em. Ngân kém toán. Ðiểm toán của nó bao giờ cũng thấp nhất so với tất cả các môn khác. Lục kèm cặp mãi mà Ngân vẫn không thấy tiến bộ được bao nhiêu.  Mỗi lần ba kèm Ngân làm toán, cả mấy đứa như lên cơn sốt.  Ba la, ba nạt, ba than thở, ba gằn giọng. Nhiều lần, ba tát tai con Ngân. Con Ngân  mặt mày tái mét, run rẩy, sợ hãi. Càng sợ, cô bé lại càng trở nên đần độn không cách gì làm toán được. Những lần như thế, Ðồng đứng lấp ló ở góc cửa, xót xa nhìn đứa em gái tội nghiệp của mình. Hắn biết Ngân cố gắng hết sức rồi. Hắn muốn giúp em, nhưng bất lực. Ðồng chỉ hơn em có một lớp, làm bài mình  được đã là ghê rồi, đâu có thể dạy cho ai.

       Lâu lâu, mấy đứa nhìn nhau lặng lẽ. Muỗi bay vo ve khắp nơi. Mới có tháng hai mà trời đã bắt đầu nóng bức. Mồ hôi rịn ra. Ðiện cúp liên miên. Mỗi tháng họa hoằn mới có một lần đỏ điện. Dầu hỏa cũng đắt, nên Lục bảo mấy đứa nên học bài, làm bài ban ngày, ban đêm thắp một cây đèn thôi để khỏi tốn tiền. 

Nghe tiếng động từ ngoài cửa ngõ, Đồng thì thầm:

–    Chắc ba về.

Ðồng thổi tắt ngọn đèn cầy, ngồi hí hoáy viết. Con Ngân giả bộ chăm chú làm toán.

Lục dắt xe đạp lên mái hiên. Có lẽ vì quá chén, anh vấp té ngay bậc thềm. Chiếc xe đạp ngã mạnh xuống đất kêu loảng xoảng. Cả ba đứa giật mình, chạy ra. Lục lồm cồm đứng dậy.  Thấy mấy đứa con nhìn, anh ngượng, lên tiếng la:

–          Vào nhà học cả đi. Không có chi mà đứng ngó.

Cả ba đứa vội vã chạy vào. Chân anh bị vấp vào mắt cá ở ngay bậc thềm, đau điếng. Nhưng anh nén đau, đi cà nhắc, cố gượng dắt xe vào. Thấy ba đứa ngồi im lặng mỗi đứa một góc, anh hỏi:

–    Học bài xong cả chưa?

–    Dạ rồi.

–    Mấy bài toán con Ngân làm thế nào?

Ngân ngập ngừng:

–     Dạ…dạ…mới được hai bài.

Lục rút tiền từ trong túi đưa cho Ðồng:

–    Tiền tau mới mượn từ người bạn. Mai tau bận đi với người bạn để làm ăn thử. Ngày mai đi học về, mi nhớ mua những thứ cần dùng, nhất là nước mắm, ruốc. Gạo còn ít, chỉ đủ một bữa. Mấy thứ khác hết nhẵn rồi. Nhớ mua ăn tạm, hết rồi tính. Ðợi mạ mi về.

Nghe nhắc tới mẹ, thằng Phụng đột nhiên xúc động, chạy vội tới ôm ba:

–     Mà mạ gần về chưa ba?

Lục ôm con, cười buồn:

–     Ba mô có biết. Cả mười hôm rồi không nhận được tin gì cả. Không biết sao mà lạ vậy. Hàng hóa ra sao, ba cũng không biết. Nghe họ nói hàng vẫn còn đứng.

Thằng Phụng mếu máo:

–     Mạ ơi, mạ!

Tự nhiên, không khí trầm xuống. Người nào cũng ngẩn ngơ. Hơn tháng rồi, căn nhà thiếu hẳn sinh khí. Vắng bàn tay người vợ, người mẹ, mọi thứ trở nên hoang vắng, vô nghĩa. Mọi sinh hoạt đều cầm chừng, tạm bợ. Thiếu một bữa cơm ngon. Thiếu những câu nói dịu dàng. Thiếu những cái vuốt ve.  Thiếu những nụ cười tràn đầy yêu thương, đầm ấm. Ðúng là “khi mẹ vắng nhà”. Ðối với bọn nhỏ, vắng mẹ rõ ràng là vắng tất cả.  Với Lục, vắng Hạnh, anh mất đất đứng. Tụi nhỏ sợ anh, nhưng chẳng hề tin cậy ở anh. Anh không “sản xuất” được cái gì cho chúng nó cả, ngoài những lời hăm he, đe nẹt, la mắng.  Anh thừa ra. Nhiều lần anh có cảm tưởng có anh hay không, đối với chúng, là như nhau. Biết đâu, không có anh, có lẽ còn hay hơn cho chúng. Anh đau đớn, bực dọc. Và buồn. Có Hạnh, anh dùng nàng để cột với con. Vắng Hạnh, quan hệ giữa anh và chúng nó lơi lỏng, rã rời.

Lục đẩy con ra, vào phòng. Phòng tối om. Anh rờ rẫm đầu giường tìm cái radio, mày mò vặn đài. Radio kêu “rẹt, rẹt” rồi im. Thiếu Hạnh, cả cái máy thu thanh của anh cũng trở chứng. Đơn giản chỉ vì nó hết “pin” từ mấy ngày nay! Anh dằn mạnh cái máy xuống giường, bước ra ngoài. Mấy đứa con vẫn còn quanh quẩn đâu đó. Anh ngạc nhiên hỏi:

–    Sao không đứa nào đi ngủ cả vậy? Tụi bây còn ở đó làm gì?

Ba đứa lấm lét nhìn anh, rồi nhìn nhau, không đứa nào trả lời. Anh gắt:

–    Sao cứ ngồi đó, bây điếc cả rồi sao? Ði ngủ hết đi.

Ba đứa sợ hãi, nhúc nhích, nhưng không đứa nào chịu đứng dậy. Anh lườm chúng. Bỗng nhiên, Ðồng đứng dậy, hít vào một hơi thật mạnh, rụt rè nói:

–    Thằng Phụng đòi ăn chè…

Lục chợt hiểu. Còn mấy thứ đồ ăn mẹ anh mang xuống hồi chiều, anh bảo cất vào tủ, cấm không được đứa nào đụng đến. Một cơn giận hờn vô cớ tràn lên. Anh bặm môi, lừ mắt nhìn mấy đứa con, muốn mắng một thôi dài cho đã cơn tức ứ nghẹn trong người. Nhưng anh kịp kìm lại, nuốt nước bọt. Anh bước lui bước tới, rồi ra sân, nhìn vào trong bóng tối âm u bên ngoài. Một cơn gió mát từ đâu vụt tràn tới, mát dịu.  Cơn giận nguôi ngoai. Anh nhìn vào, bảo:

–    Ăn đi!

Chỉ đợi có thế, cả ba đứa ùa nhau chạy xuống bếp. Lục nhìn theo, thấm thía một nỗi hờn tủi mênh mông. Anh bần thần nhìn trời cao chi chít sao, cảm thấy giận mẹ, giận vợ, giận con.  Giận cả mình. Chưa bao giờ, anh cảm nhận sâu xa cái bất lực của mình như  lúc này. Mấy đứa con anh chỉ biết mẹ và bà nội.  Ðã thế, chuyện xung đột ngấm ngầm giữa Hạnh và mẹ mỗi ngày mỗi gia tăng. Bên nào cũng có lý. Chỉ  anh là sai. Sai vì là kẻ đứng ngoài. Một người ngoại đạo. Không những đứng ngoài xã hội, mà đứng ngoài cả cuộc sống. Y như anh đang bơi trên một giòng nước ngược. Mọi việc xuất hiện trước mắt anh khi nào cũng lơ mơ như trong giấc mộng. Chúng phiêu linh, không thực.

T.D.N.

Comments are closed.